SỐ 190
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 21 -22

Phẩm 26: Bồ-TÁT HỎI ĐẠO TIÊN A-LA-LA

Khi Bồ-tát từ biệt hai sứ giả đại thần và Quốc sư Bà-la-môn của Phụ vương, cả hai sứ giả đều rơi lệ. Sau khi từ giã, Ngài từ từ ra đi hướng về thành Tỳ-xá-ly. Trên đường chưa đến thành, qua chỗ tu tập của một Tiên nhân, họ Ca-lam tên A-la-la. Một đệ tử của Tiên nhân trông thấy Bồ-tát đi về phía mình nên ngạc nhiên vô cùng, vì từ khi sinh ra cho đến ngày hôm nay chưa từng thấy sự việc này, vội chạy về chỗ Tôn sư đang ngồi. Đến nơi, hướng về các vị đồng tử bạn học, anh ta lớn tiếng xưng danh tánh mỗi người trong chúng, đây là nhân giả Bạt-già-bà, kia là nhân giả Di-đa-ma-la, nọ là nhân giả Thiết-ma…

-Này các đồng tử, các vị hãy nói rằng: “Chúng ta ngày nay đều hoan hỷ, nên từ bỏ pháp cúng tế này.” Ngày nay ở đây có bậc Đại đức Nhân giả là khách phương xa đến, cần phải nghinh tiếp. Vị Nhân giả này đã nhàm chán sự trói buộc của các phiền não, muốn cầu giải thoát vô thượng chí chân, là con của Đại vương Tịnh Phạn, chúa dòng họ Thích, các tướng trang nghiêm, thân như trụ vàng, hào quang tỏa sáng rất mực oai nghiêm, cánh tay rũ xuống, bàn tay quá gối, bàn chân bước đi in hình bánh xe ngàn tăm, dáng đi ung dung oai vệ trông như trâu chúa, vòng hào quang đầy oai đức như vầng mặt nhật, thân như vàng ròng mặc y ca-sa. Chúng ta được nhiều phước lợi, nên đấng Vô thượng Tối tôn đang từ từ đi đến. Chúng ta tùy theo khả năng của mình mà chuẩn bị nghinh đón tôn trọng cung kính lễ bái, cúng dường đầy đủ không được thiếu sót.

Rồi đồng tử đọc kệ ca ngợi Bồ-tát:

Ung dung đi bộ thật oai nghiêm
Đôi mắt trông nhìn như trâu chúa
Thân đủ tướng tốt thật trang nghiêm
Tất cả các lông mịn hướng lên,
Bánh xe ngàn căm dưới bàn chân
Lông trắng giữa mày xoay tròn đẹp
Cánh tay khỏe thẳng buông thong thả
Bậc Đại sư tử trong nhân loại.

Đồng tử đọc kệ tán thán Bồ-tát, rồi lại bảo các đồng tử khác:

-Nay tất cả các vị đồng tử, chúng ta hãy cùng nhau đến gặp Tôn sư thưa hỏi việc này.

Họ cùng nhau kéo về bên Tôn sư A-la-la. Đến nơi, họ khép nép trình bày thưa hỏi mọi việc ở trước.

Lời thưa hỏi của các đồng tử vừa dứt, ngay lúc đó Bồ-tát ung dung bước đến chỗ Tiên A-la-la. Tiên nhân A-la-la trông thấy Bồ-tát, khi Ngài gần đến nơi, vị ấy tự nhiên lên tiếng xướng to: “Lành thay! Thánh tử mời đến đây!”

Bồ-tát tiến đến bên cạnh Tiên nhân, hai người đối mặt cùng nhau vấn an sức khỏe: “ít bệnh, ít não, có an ổn hay không?”

Vấn an rồi Tiên nhân A-la-la mời Bồ-tát an tọa trên tấm thảm cỏ.

Có kệ:

Hai người hội ngộ rất vui mừng
Ít não,ít bệnh hỏi thăm nhau
Đàm đạo vấn an trong chốc lát
Thảm xanh thanh tịnh trải khách ngồi.

Khi Bồ-tát đã an tọa trên thảm cỏ, Tiên A-la-la chú tâm quán sát thân hình Bồ-tát từ đầu đến chân, lòng rất vui mừng thấy việc chưa từng có, với giọng nói hòa nhã đẹp ý cùng nhau đàm đạo.

Tiên nhân đem lời ca ngợi Bồ-tát:

-Nhân giả Cù-đàm, tôi từ lâu nghe danh Nhân giả là bậc Trượng phu, xá bỏ vương vị, cắt đứt màn lưới thân ái ô nhiễm vượt thành xuất gia, như voi chúa thoát khỏi xiềng xích sắt kiên cố, dứt hẳn mọi sự ràng buộc ra sau, tự do vượt khỏi, tùy ý ra đi. Đúng như vậy! Như vậy, ngày nay Nhân giả tâm chí dũng mãnh, xả bỏ cung điện vào nơi núi rừng, đối với mọi hoàn cảnh biết đủ ít muốn, là bậc Đại trí tuệ. Bạch Nhân giả Cù-đàm, Ngài đã làm được việc hiếm có như vậy. Đối với công đức phú quý thế gian, Ngài đã đạt được không màng đến, cạo bỏ râu tóc vào núi rừng, việc này thật khó làm.

Còn các vua đời trước được đầy đủ phước báo của một ngôi vua, thỏa mãn thú vui ngũ dục, đến lúc tuổi già làm lễ quán đảnh cho Thái tử để trao lại ngôi vua, rồi sau đó mới rời bỏ nội cung xuất gia đi vào núi rừng tu hành cầu đạo. Việc này không phải là việc khó, cũng chẳng phải ít có ở đời.

Theo chỗ tôi biết, Nhân giả tuổi trẻ mà chẳng ham ngũ dục, chẳng màng thế lực phú quý giàu sang, giữ vững tâm mình đến đây cầu đạo. Ngài đã được ngôi Chuyển luân thánh vương không thể nghĩ bàn, là cảnh giới cao tột, chính đang tuổi đầy sức lực, mà làm chủ được tâm ý, không đam mê dục vọng, chí cầu giải thoát, không bị cảnh đời ràng buộc, các căn không bị cảnh giới sáu trần cám dỗ, cảnh giác được tất cả khổ trong các cõi, chẳng bị chúng trói buộc. Tại sao vậy? Thuở xưa có vị vua hiệu Đảnh Sinh, nhà vua thống lãnh bốn châu thiên hạ, thế mà vẫn cho là chưa đủ, bay lên tận cõi trời Ba mươi ba, được chúa trời Đế Thích nhường cho nửa tòa ngồi, do vì trong tâm tham lam không biết đủ, liền khi đó mất hết phước báo ngũ dục, bị đọa lạc nơi trần gian. Lại có vị vua hiệu Na-hầu-sa cũng làm vua cai trị bốn châu thiên hạ, lên cõi trời Đao-lợi giáo hóa chư Thiên, thế mà vẫn cho là chưa đủ, nên cũng mất ngôi Thánh vương, đọa lạc nơi nhân gian. Cùng các trường hợp này có các vua như: La-ma, Đà-la-hô-di, A-ba-ba-tra-ca,… lại có các Chuyển luân thánh vương, khi được ngôi vua tâm không biết đủ, nên đều bị mất sạch cảnh phú quý của một vị vua. Ở đời không mấy ai khi đạt được cảnh phú quý tột đỉnh, mà họ lấy làm thỏa mãn. Ví như đống lửa lớn được thêm củi lại càng cháy mạnh.

Tiên A-la-la dứt lời, Bồ-tát lại nói:

-Thưa Nhân giả Đại tiên, tôi thấy sự đời là như vậy, lại quán sát tất cả pháp thế gian giống như cây chuối bên trong không cứng chắc, rốt cuộc bị hư nát. Do vậy, tuy tôi được ngôi vua, sợ không biết đủ, không cầu tự lợi, xa lìa dục lạc. Tôi biết như vậy rồi du phương mọi nơi tìm cầu Chánh đạo. Như có người đi trong đồng hoang mất bạn đồng hành, không biết phương hướng, không rõ tói đi, lại không có người hướng đạo, mới đi khắp đó đây để tìm kẻ chỉ lối. Tôi nay cũng vậy.

Bồ-tát vừa nói lời như vậy. Tiên A-la-la liền bạch Bồ-tát:

-Thưa Nhân giả Cù-đàm, tôi từ lâu đã biết được tư tưởng của Đại sĩ, nên biết đối với sự giải thoát, Nhân giả là bậc rất tài giỏi.

Bấy giờ trong đại chúng có một đồng tử là đệ tử của Tiên A-la-la chắp tay bạch bổn sư xin tán thán Bồ-tát. Đồng tử nói:

-Thưa thầy, vị này thật hy hữu không thể nghĩ bàn, biết rõ tâm mình. Còn các vua thuở xưa khi còn niên thiếu ở trong cung điện thọ hưởng ngũ dục, rồi sau đó đến tuổi già râu tóc bạc trắng, họ mới làm lễ quán đảnh truyền trao ngồi vua cho Thái tử, để vào rừng núi tu tập hành đạo, mà thành Tiên. Còn người này không phải vậy, đang niên thiếu sức lực cường tráng, rất ít tật bệnh, khí lực sung túc, tóc đen như quạ, thân thể mềm dẻo, tinh thần hết sức dũng mãnh, chẳng thiếu vật gì, chính là thời kỳ tâm ý buông lung say đắm thú vui ngũ dục, lại được phụ vương tuổi già trao cho vương vị. Thế mà người chẳng màng địa vị, chẳng ham phước báo, lìa bỏ thế gian, xuất gia vào núi cầu đạo.

Tiên A-la-la bạch Bồ-tát:

-Nhân giả phát tâm muốn cầu việc gì, muốn thành tựu đạo quả gì, mới phát tâm vào chốn rừng núi này?

Bồ-tát đáp:

-Thưa Tôn giả Đại sư, tôi thấy tất cả chúng sinh ở thế gian bị sinh, già, bệnh, chết trói buộc không thể vượt khỏi, nên nay tôi phát tâm tinh tấn như vậy.

Tiên A-la-la lại hỏi:

-Thưa Nhân giả Cù-đàm, Ngài phát sinh tuệ nhãn như vậy, phát sinh tưởng như vậy, điều này rất chân thật. Tại sao như vậy?

Rồi vị ấy nói kệ:

Vượt trên các pháp chỉ thực hành
Trì giới, thiền định chẳng qua tâm
Kẻ thù số một là ân ái
Già chết khủng bố khắp ba cõi.

Tiên A-la-la nói kệ rồi, có một đồng tử ở trong chúng là đệ tử của Tiên nhân thưa Bồ-tát:

-Ngày nay Nhân giả xả bỏ thân ái quyến thuộc mà vào nơi đây có ý gì chăng?

Bồ tát đáp:

-Thế giới có tụ tập nhóm hợp, phải có phân ly. Ta biết như vậy, nên phát tâm cầu đạo Chí Chân.

Lúc ấy Tiên A-la-la lại bạch Bồ-tát:

-Thưa Nhân giả ngày nay Ngài sẽ được giải thoát. Tại sao? Chúng sinh chìm đắm trong bùn dục vọng khó vượt qua. Thế gian còn bị trói buộc bởi sợi dây phiền não bền chắc, một mình Nhân giả hiểu rõ tâm mình. Giời đây ta sẽ nói về pháp môn giải thoát là tâm ái, Nhân giả cần phải xa lìa. Tâm ái nghĩa là gì? Là con giao long rất độc ác ở nơi thế gian. Nó cư trú trong nước tâm của chúng sinh, làm mất tất cả lợi ích. Vì lý do đó mà ta quán sát người thế gian không phải chánh hạnh. Người có khả năng tu pháp chánh hạnh này phải là người trí xa lìa ái nhiễm, cần phải phát tâm, đoạn kiến chấp hữu tướng, làm theo pháp vô tướng.

Bồ-tát đáp:

-Thưa Tôn giả Đại tiên, tôi xin thọ giáo lời Tôn giả vừa dạy.

Tiên A-la-la lại hỏi Bồ-tát:

Nhân giả lãnh thọ thế nào?

Bồ-tát đáp:

Người thế gian do chấp tướng nên bị tướng ấy trói. Phàm cha mẹ sinh con, nuôi dưỡng giáo dục để xây dựng gia thế. Nuôi dưỡng giáo dục con cái để gia thế phát triển, thành tựu sự nghiệp. Vì lý do đó, cha mẹ nuôi dưỡng con cái. Nếu không có động cơ ấy, dù là quyến thuộc, cũng không thân cận, huống lại là người dưng. Phàm người gần gũi vì mong cầu tham lợi. Bạn thật thân thiết với người thật khó tìm thấy.

Tiên A-la-la lại ca ngợi:

-Hay thay Nhân giả! Ngày nay Ngài đã biết tất cả pháp thế gian, vậy là Sa-môn Cù-đàm hiểu rõ tất cả các trí.

Lúc bấy giờ, trong pháp hội có một đồng tử cũng là đệ tử của Tiên A-la-la bạch Bồ-tát:

-Thưa Nhân giả Cù-đàm, ngày nay Ngài đã được niềm vui tối thượng. Tại sao? Vì Ngài từ từ xa lìa tất cả ân ái, thì chứng được các pháp không phiền não của thế gian. Tại vì sao? Vì tôi nhận thấy thế gian, ít có người không yêu thương vợ con, không mưu cầu tài sản, nên không giơ hai tay kêu khóc với cuộc đời. Mà ngược lại tôi thấy có nhiều người không ít muốn, không biết đủ, keo kiết của cải, khởi lòng tham đắm quyền lợi thế gian, nhà nhà đều đưa tay kêu khóc.

Rồi vị ấy nói kệ:

Thế gian ít thấy người biết đủ
Ít muốn không cầu khỏi khổ đau
Sở dĩ kêu khóc do ân ái
Phần nhiều tham đắm gom tài sản.

Khi ấy Tiên A-la-la bạch Bồ-tát:

-Hy hữu thay Nhân giả Cù-đàm! Trí tuệ Ngài quảng bác, như vậy ngày nay Nhân giả thật là dũng mãnh, chế phục các căn không để các dục nhiễm tăng trưởng, không bị dục vọng lôi cuốn.
Bồ-tát hỏi Tôn giả A-la-la:

-Thưa Tôn giả Đại Tiên, tại sao các căn không được an định? Muốn hàng phục nó phải dùng phương pháp gì? Cúi xin Tôn giả vì tôi giải thích.

Tiên A-la-la đáp:

-Này Sa-môn Đại sĩ, ta nay sẽ vì Đại sĩ trình bày tổng quát các phương pháp hàng phục, phàm là người thế gian muốn thoát ly sinh tử, hãy chú ý lắng nghe.

Có kệ nói:

Đại tôn Tiên nhân A-la-la
Mở mang thần trí cho Bồ-tát
Đây bằng kết quả của tự thân
Trình bày phân biệt điều cốt yếu.

Này Đại sĩ Cù-đàm, phàm muốn loại trừ thể và tướng các căn và cảnh giới của căn, cần phải tư duy phân biệt như thế này. Tại sao? Vì tất cả các căn và tất cả các trần cảnh đã do phân biệt mà biết, nên đều phải loại bỏ, cho đến cảnh ái nhiễm trong các căn, sự nhiễm do ái làm cho tham đắm, do sự tham đắm này, làm cho chúng sinh chìm trong thế gian không thể thoát ly ra được. Các kẻ phàm phu chịu khổ trói buộc bởi lòng tham ái. Tất cả tham ái đều do cảnh giới nên có những sự khổ như vậy. Đại sĩ phải hiểu do nhân duyên gì?

Rồi nói kệ:

Dê núi bị giết bởi tiếng kêu
Bướm nọ thiêu thân vì ánh lửa
Cá kia mắc câu bởi đớp mồi
Cảnh đời lôi cuốn người phải chết.

Lúc bấy giờ Bồ-tát nghe bài kệ này xong, lại hỏi:

-Ngày nay Tôn giả thuyết minh phương pháp điều phục các căn, do nhiều nhân duyên hợp lại mà thành, thể tánh trống không giả dối không thật, giống như hầm lửa, như giấc chiêm bao, như trò ảo thuật, như sương trên cỏ. Ngày nay, tâm tôi suy xét nên biết được như vậy.

Tiên A-la-la lại hỏi Bồ-tát Đại sĩ:

-Vì lý do gì Nhân giả nói cảnh giới vọng tưởng không lợi ích?
Bồ-tát đáp:

-Phàm người muốn nương các cảnh giới để thọ lấy quả báo, cũng như xây nhà cửa muốn che ánh sáng mặt trời hay tránh mưa gió, như người khát đi tìm nước uống, người đói tìm kiếm thức ăn, như dơ bẩn muốn tắm rửa thân thể, như người lõa thể tìm y phục để che thân, như người khốn khổ thiếu phương tiện thì tìm cầu xe cộ, muốn hết lạnh thì tìm chỗ ấm, muốn trừ chỗ nóng nên tìm nơi mát, muốn khỏi mệt mỏi nên ngồi nơi giường chiếu. Các việc tìm cầu như vậy đều do các khổ đến bức xúc bản thân, do đó mới tìm cầu giải thoát nỗi bức xúc giống như người bệnh nặng mới tìm lương y. Tất cả sự mong cầu của người đời đều như vậy.

Tiên A-la-la ca ngợi:

-Tư tưởng của Nhân giả Cù-đàm thật hy hữu! Đại đức tại sao ở trong thế gian mà phát sinh tư tưởng vô thường một cách dễ dàng như vậy? Hy hữu thay! Hy hữu thay! Thấy được chân thật. Đại đức là bậc lợi căn, thông minh, dễ ngộ. Người hiểu rõ các pháp như vậy gọi là bậc thấy được chân lý, nếu hiểu khác đây thì gọi là sai lầm mê muội. Đúng như lời Nhân giả nói: “Vì đói mà tìm thức ăn, tránh mưa che gió mà làm nhà, do vì trừ nóng lạnh… thay thế đoạt của nhau, người thế gian phát sinh vọng tưởng cho là an vui.”

Tiên nhân lại tán thán:

-Nhân giả Cù-đàm thật là chiếc cầu pháp có khả năng chịu đựng trọng tải lớn. Tuy ta truyền dạy giáo pháp, trước phải quán sát căn cơ đệ tử có thọ lãnh được giáo pháp hay không, rồi sau đó mới nói các luận. Theo tôi nhận thấy Nhân giả không phải như vậy, bất kỳ hành động gì đều thích nghi mọi trường hợp, chẳng cần giai đoạn quan sát. Ta sẽ vì Nhân giả nói hết những nghĩa chân thật trong luận.

Bồ-tát nghe Tiên A-la-la nói như vậy, hết sức hoan hỷ, rồi lại nói:

-Ngày nay Tôn giả chưa biết lòng trung thành của tôi, mà lại vì tôi dạy ngay những giáo pháp vi diệu như vậy. Tôi biết tướng này tuy chưa được ích, nay đã được lợi. Tại sao? Ví như có người muốn thấy cảnh vật phải có ánh sáng, như người đi xa cần có kẻ hướng đạo giỏi, như người muốn qua bờ bên kia sông cần kẻ đưa đò. Ngày nay Nhân giả khai thị tâm tôi cũng như vậy. Cúi xin Tôn giả vì tôi dạy những chỗ hiểu biết của Ngài, làm thế nào để giải thoát sinh, già, bệnh, chết.

Lúc bấy giờ Tiên A-la-la biết rõ tâm Bồ-tát có đầy đủ năng lực, nên trình bày giáo lý quyết định thành tựu trong luận của mình, mà nói kệ:

Sa-môn Cù-đàm hãy lắng nghe
Luận ta có nói “tổng thành tựu”
Tuy ngài còn ở trong phiền não
Mai sau giải thoát tự nhiên thành.

Sau khi nói kệ rồi, Tiên A-la-la lại nói:

-Phàm mỗi chúng sinh có hai phần: Một là bổn tánh, hai là biến hóa. Hợp hai phần này gọi là chúng sinh.

-Bổn tánh là gì? Tức là ngũ đại. Ngũ đại là gì? Đó là địa, thủy, hỏa, phong và không đại cùng ngã và vô tướng gọi là tánh Bản thể.

-Biến hóa là gì? Tức là cảnh giới của các căn như tay, chân, nói năng, đi đứng qua lại… và phần tinh thần gọi là Biến hóa.

Nếu biết các cảnh giới như vậy, gọi là biết cảnh giới. Biết cảnh giới nghĩa là gì? Là sự hiểu biết của ngã. Tư duy về ngã nghĩa là gì? Là sự tư duy của người trí.

Rồi vị ấy nói kệ:

Nếu như biết được các căn trần
Thế là biết rõ các cảnh giới.
Cảnh giới biết rõ phải thế nào?
Biết do tư duy của người trí.

Tiên nhân A-la-la nói:

-Thế nào là tư duy về ngã? Người này giống như Tiên Ca-tỳ-la và đệ tử của vị ấy cho sự suy lường là cảnh giới của ý. Còn con của Tiên nhân Ba-xà-ba-đề gọi chỗ hiểu biết sâu xa của ý cũng vậy. Như có người biết rõ con người luôn chịu sự đau khổ của cảnh sinh, già, bệnh, chết một cách chắc chắn, lại vì người khác giải thích, khiến họ xa lìa tư duy lý này, thì biết rõ tất cả các pháp đều vô tướng.

Tiên nhân lại nói:

-Nhân phiền não là gì? Là kẻ vô trí tham đắm các nghiệp, những nghiệp như vậy thuộc về nhân phiền não. Nhân phiền não đó có bốn loại. Người chưa giải thoát sinh tử, do vì họ chưa giải thoát phiền não. Bốn nhân phiền não là gì? Một là không tin. Hai là chấp ngã. Ba là nghi ngờ. Bốn là không xác định.

Thế nào là không tin? Thường làm trái ngược, đáng lẽ hiểu như thế này, mà ngược lại không biết. Như vậy gọi là không tin.

Thế nào là chấp ngã? Nói cái này là ta, cái kia chẳng phải là ta, ta nói như thế này, ta lãnh thọ như vậy, ta đi, ta đứng, tướng ta, thân ta…. Xưng ta như vậy, mà mình chẳng hay biết. Như vậy gọi là chấp ngã.

Thế nào là nghi ngờ? Đây không phải là nghi tất cả mà chỉ ở một vật. Như cục bùn. Như vậy gọi là nghi ngờ.

Thế nào là không xác định? Như vậy là đúng, phải cũng như vậy, chẳng phải cũng như vậy. Tâm ý tưởng đến tất cả các nghiệp đây là chúng, đây là ta, là đây, là kia … Như vậy gọi là không xác định.

Dư tàn nghĩa là chưa biết chỗ thù thắng, chưa giác, bắt đầu giác, chưa chứng tự tánh, hay mới chứng biết, gọi là dư tàn.

Thế nào là không có phương tiện? Người không có trí tuệ thì không biết được phương tiện. Do không có phương tiện, không thể trình bày. Như vậy gọi là không có phương tiện.

Thế nào là nhiễm trước? Nghĩa là người vô trí đối với các cảnh được thấy, nghe, cảm xúc và hiểu biết liền sinh tâm tham nhiễm; hoặc ý tham đắm, hoặc thân tham đắm, hoặc khẩu tham đắm, hoặc ý nghiệp tham đắm tất cả cảnh giới. Với nơi không nên tham đắm mà mê hoặc tham đắm, như vậy gọi là nhiễm trước.

Thế nào là sa ngã? Nghĩa là ta là chỗ kia, chỗ kia là ta. Nếu có ý nghĩ tư duy như vậy, gọi là sa ngã. Do nhân duyên đó rơi vào phiền não, gọi là vô đức, gọi là vô trí, gọi là năm chỗ khổ não không vui.

Chỗ không vui gọi là hắc ám, ngu si, đại si và hai tạp trụ là năm chỗ.

Sao gọi là hắc ám? Nghĩa là lười biếng.

Sao gọi là ngu si? Nghĩa là sinh tử.

Sao gọi là đại si? Nghĩa là hành dục. Tại sao? Tại đây giả sử như có bậc đại đức mà vẫn còn bị mê hoặc không biết tỉnh ngộ.Cho nên gọi là đại si.

Hai tạp trụ nghĩa là giận và hờn; lại hai tạp trụ còn gọi là trễ nãi và biếng nhác.

Chúng sinh bị vô minh không biết như vậy để tu, nên si mê chìm đắm trong năm chỗ này, ở trong biển khổ phiền não thuận theo dòng sinh tử. Ta nghe, ta biết, ta thấy, ta làm rồi dạy cho người khác làm, ta đạt đến như vậy. Do tâm như vậy, do ý như vậy, đưa chúng ta đến chỗ luân hồi trong biển phiền não.

Bốn thứ nguyên nhân trên, nó ràng buộc quấn chặt chúng sinh trong phiền não, mà nói là không nhân quả! Đại đức Cù-đàm,Ngài phải biết các việc như vậy.

Rồi Tiên A-la-la nói kệ:

Nếu người muốn đạt đến chánh kiến
Tứ thiền thanh tịnh nơi giải thoát
Nếu tâm hiểu rõ trí kia rồi
Chân Thánh, phỉ Thánh đều biết rõ.
Phân biệt như trên cần thông suốt
Như vậy gọi là hiểu tứ thiền
Các hành vô hành đều xả bỏ
Ngữ văn ngôn tự đều không còn.
Đại phạm cảnh trời là chốn ấy
Tuyên dương phạm hạnh ở trần gian
Nếu ai giữ trọn pháp môn này
Sẽ được sinh về trời Đại phạm.
Lúc bấy giờ Bồ-tát nghe
Tiên A-la-la nói lời như vậy,

Ngài lại hỏi phương pháp thực hành:

-Nếu thực hành các phương tiện thì đến cõi nào và dựng tịnh hạnh, tu hành, cần phải hành chỗ nào và pháp gì? Xin Tôn giả vì tôi giải thích tất cả.

Lúc ấy Tiên A-la-la căn cứ nghĩa “tôn thể” trong tổng luận của mình, đem giải thích đầy đủ cho Bồ-tát nghe:

-Này Nhân giả Cù-đàm, phàm người muốn tu hành cần phải rời bỏ cung điện, theo hạnh người xuất gia khất thực để sống, phát thệ nguyện rộng lớn, giữ gìn giới hạnh, đời sống đạm bạc, ẩm thực y phục, đồ ngủ nghỉ phải biết thích nghi hoàn cảnh, sống một mình ở nơi vắng vẻ. Theo sự hiểu biết của tôi thì trong các luận có dạy: ‘Thấy các sai lầm của tham dục, sân hận, ngu si và cần phải lánh xa. Điều phục các căn, xa lìa dục vọng, nhập vào chánh định hưởng nhiều khoái lạc đi vào Sơ thiền. Bấy giờ ở nơi vắng lặng xa lìa các dục, không còn ác pháp, phân biệt sinh ly, tức chứng Sơ thiền. Được Sơ thiền rồi trở lại tư duy phân biệt như vậy, lần lần được an lạc. Đã được an lạc rồi, lại trụ trong định vắng lặng, do nương vào sức định này, ý lại càng xa lìa tham dục sân hận…, càng xa lìa phiền não, tâm được hoan hỷ, càng hoan hỷ thì trí tuệ lại càng thêm tăng trưởng, lúc ấy liền sinh lên cung điện Phạm thiên. Đã sinh vào cõi Phạm thiên rồi, lại tư duy phân biệt thế này: Cảnh giới này sẽ làm rối loạn trí tuệ của ta cần phải loại trừ. Loại trừ cánh giới này rồi liền chứng Nhị thiền, tâm rất hoan hỷ. Tâm đã được hoan hỷ rồi, lại thấy hoan hỷ làm rối loạn tâm, nên cầu mong sống cảnh giới tốt đẹp hơn, tức sinh lên cõi trời Quang âm. Đã đến cõi Quang âm rồi, được thọ lạc ở đấy, họ muốn xa lìa sự vui sướng đó; sau khi xa lìa sự vui sướng này, liền chứng Tam thiền. Ở trong Tam thiền hoàn toàn khoái lạc, mà các cõi trời Biến tịnh ở đây càng lên cao lại càng thù thắng, nếu có thể xả bỏ lạc thú này, không cảm thọ, không mê đắm tức là tâm đã xả bỏ được các thứ khổ vui, liền chứng Tứ thiền. Như vậy ở cảnh giới này tất cả khổ vui và tâm chấp đều bị xả bỏ.

Lại có người, tâm họ không thỏa mãn Tứ thiền, nên cầu pháp giải thoát, muốn vượt qua quả báo Tứ thiền, trong tâm tư duy quán sát, thấy chúng sinh trời Quảng quả cõi Tứ thiền trí tuệ thô thiển.”

Vị Tiên lại nói:

-Người này tư duy như vậy rồi, sau khi xuất định thấy sắc thân của mình có các tai họa, đau khổ, muốn xả bỏ sắc thân cầu trí tuệ tối thắng, nên phát tâm xa lìa cảnh Tứ thiền. Người này xả bỏ các tâm giống như khi phát tâm xả bỏ các dục vọng như vừa nói ở trước. Do vì muốn xả bỏ sắc thân thô, mà phát tâm xa lìa Tứ thiền như vậy. Lúc bấy giờ họ phân tích các sắc tướng trong thân thể trống không, không có ranh giới, đối với tất cả sắc tướng từ nội thân cho đến cây cối ngoại cảnh, phân tích tất cả vật chất thành hư không không có giới hạn. Phân tích tất cả sắc chất thấy rõ ràng trống không, không có giới hạn như vậy, tức là chứng được cảnh giới thù thắng.

Kệ nói:

Cõi trời Đại phạm thật nhiệm mầu
Tất cả vô ngôn, thường vô tướng
Người trí bảo rằng nhân giải thoát
Còn gọi đó là quả Niết-bàn.

Lúc ấy Tiên A-la-la nói kệ này rồi, lại bạch Bồ-tát:

-Thưa Nhân giả Cù-đàm, đây là cảnh giải thoát và phương tiện đạt đến cảnh giải thoát của tôi, nay tôi vì Nhân giả thuyết minh một cách rõ ràng. Theo như lời trình bày của tôi, nếu Nhân giả đối với pháp này sinh tâm hoan hỷ, Ngài có thể lãnh thọ.

Rồi vị Tiên nói kệ:

Thanh tịnh giải thoát pháp như đây
Ta đã biết rồi nay quảng diễn
Nhân giả tâm ý nếu hoan hỷ
Xin Ngài theo đây mà nhận lấy.

Tiên A-la-la lại nói:

-Thuở xưa có các Tiên nhân Kỳ-xa (nhà Tùy dịch cầu Thắng), Tỳ-du-xà-na (nhà Tùy dịch Ly Biệt Não), Ba-la-xa-la (nhà Tùy dịch Tha Tiễn) và một số các Tiên nhân khác đồng ca ngợi pháp giải thoát này, cũng đồng tu phương pháp này mà được giải thoát. Nhân giả là bậc Trượng phu đại trí, có khả năng tu tập pháp môn này. Nếu Ngài chịu tu tập sẽ được quả báo giải thoát tốt đẹp.

Khi ấy Bồ-tát nghe Tiên nhân A-la-la nói pháp môn thanh tịnh, nên lãnh thọ thực hành, muốn làm hạnh Sa-môn, muốn cầu quả Sa-môn, cho nên thực hành pháp môn này, liền chứng được. Bồ-tát khi nghe pháp môn này từ Tiên A-la-la nối ra tin tưởng thực hành không chút chống trái. Ngài cũng chẳng nói: “Ta đã biết trước”, chỉ thọ trì pháp, tư duy tinh tấn, phát sinh ý chí kiên cố cầu quả báo tốt đẹp. Khi Ngài chứng được cảnh giới tốt đẹp ấy, cũng không sinh tâm ngã mạn chê bai vị Tiên ấy. Nhưng, Ngài tự suy nghĩ: “Chẳng riêng gì Tiên A-la-la có đức tin, Ta cũng có đức tin như vậy! Chẳng riêng gì Tiên A-la-la có hạnh tinh tấn, Chánh hạnh tam-muội và Trí tuệ tam-muội… Ta cũng có các hạnh… trí tuệ cũng lại như vậy. Ngày nay Ta sẽ cầu chứng được pháp như Tiên A- la-la đã chứng, rồi phân tích rõ ràng cho người nghe để họ đạt được cảnh giới tốt đẹp đó.”

Bồ-tát theo sự hiểu biết mà thực hành, đã chứng được tất cả pháp hạnh do Tiên A-la-la chỉ bảo. Nhưng Bồ-tát tu pháp môn này không lấy làm khó nhọc, chỉ trong một thời gian ngắn Ngài đã chứng một cách trọn vẹn. Rồi theo chỗ tu chứng của mình thuyết minh một các thông suốt, giống như Tiên A-la-la không khác gì cả.

Rồi Bồ-tát đến trước Tiên A-la-la thưa:

-Bạch Tôn giả A-la-la, Ngài căn cứ vào pháp trí tu chứng của mình, rồi nói lại cho người khác nghe, phải chăng pháp giới đó cầu sinh cảnh giới Vô tưởng?

Bồ-tất vừa dứt lời, Tiên A-la-la lại đáp:

-Thưa Trưởng lão Cù-đàm, pháp trí như vậy tôi đã thật chứng, trình bày lại cho người khác một cách thông suốt rõ ràng.

Bồ-tát lại nói:

-Thưa Tôn giả tôi được nghe giáo pháp của Ngài, y như lời Ngài dạy, tôi tin hiểu và thực hành đã chứng được pháp ấy rồi. Nếu người trí biết thực hành và cầu sinh cảnh giới ấy, cũng không xả bỏ phương pháp này. Nhưng theo ý của tôi, thì pháp này tuy vi diệu nhưng chưa đạt đến chỗ rốt ráo. Tại sao? Với sự quán sát tư duy, theo ý tôi cho rằng pháp này còn có khi biến động. Nhưng bản tánh của cảnh giới này nó là như vậy, tuy đã biết trí này là vô trí, lại phát sinh các pháp khác. Tuy Tôn giả nói: “Ta được giải thoát thanh tịnh.” Nếu pháp giải thoát ấy do phân biệt quán sát mới có, thì đó chỉ là pháp nhân duyên, nên gặp duyên thì nó phát sinh trở lại, chẳng phải chân thật giải thoát. Giống như hạt giống gieo không phải mùa, hoặc không hợp thời tiết, hoặc khô nước, hoặc không gặp mưa, thì tiềm tàng trong đất không nảy mầm. Nếu hạt giống gieo đúng mùa, độ ẩm thích hợp, đầy đủ các duyên… hòa hợp, phát sinh. Nay đây cũng vậy, chỉ vì vô trí chấp trước nghiệp ái, khi xả bỏ được các thứ phân biệt chấp trước nghiệp ái này, cho là ta được giải thoát. Nhưng còn chấp ta giải thoát thì đều phải xả, tức phải xả các ái do vô trí, nghiệp không có chỗ kết hợp. Tuy hơn cảnh giới Tứ thiền ở trước, nhưng chưa phải là chỗ chân thật. Hễ còn phân biệt là còn chấp ngã, những vi tế ấy do ba việc mà có. Từ các thứ phiền não vi tế này, lại chấp có một cảnh giới vô tác dụng riêng biệt và chấp lấy tuổi thọ lâu dài, nói rằng ta đã giải thoát.

Rồi Ngài nói kệ:

Do các tai họa rất vi tế
Nên thọ dụng thân không tác dụng
Kiếp sổ thọ mạng thật lâu dài
Lại chấp cho là ta giải thoát.

Bồ-tát lại nói:

-Theo như Tôn giả đã nói ở trước “Ta đã xả ngã”. Đã nói “Ta đã xả ngã”, thì không gọi là “chân thật xả ngã”. Nếu còn căn cứ, còn phân biệt là chưa giải thoát, thì không thể nói là không còn nhiều đau khổ. Do vậy phải biết, chỗ có nhiều khổ không thể nói đó là chỗ vô ngã giải thoát”. Có ngã là có khổ, không thể tách rời ra được. Cũng như ánh lửa và sức nóng, sức nóng không thể tách rời ánh sáng lửa, ánh sáng lửa không thể tách rời sức nóng. Thể của hai thứ riêng nhau, trước không nay hợp lại mà có thì không đúng. Ngã đã như vậy thì tất cả khổ não cũng vậy. Giải thoát cõi này để đạt đến cõi kia, rồi bị cõi kia ràng buộc, do vì trí chấp lấy cảnh giới. Họ diệt hết sắc chỉ còn có thức, họ biết có ngã thức tức là hữu, do có hữu nên không được gọi là giải thoát. Vì cảnh giới thành tựu của ngã có hơn kém. Như vậy có thể biết cảnh giới tốt đẹp mà họ mong cầu là thế. Do vì nghĩa này, chẳng cần phải phân biệt đâu là ngã hay chẳng phải ngã, như gỗ như vách, gỡ bỏ từng lớp lại chồng lên từng lớp. Người có trí nên tư duy về ngã, đều buông xả tất cả cảnh giới để được tự lợi.

Rồi Ngài nói kệ:

Thứ tự các lớp đều buông bỏ
Như vậy mới là xả cảnh giới
Tất cả căn trần đều xả hết
Thế là tự lợi với tự tha.

Bấy giờ, trong đồ chúng của Tiên A-la-la có một đệ tử bạch Bồ-tát:

-Đại đức Cù-đàm, Ngài đến đây khiến chỗ ở của chúng tôi đều được tốt đẹp và có tám điều được tự tại.

Bồ-tát hỏi:

-Nơi này có tự tại gì?

Khi ấy Tiên A-la-la cắt ngang, bảo đệ tử:

-Con chớ suy nghĩ đến việc này. Vì lý do gì? Tự tại nghĩa là đối tất cả sự việc có khả năng quyết định, không lệ thuộc với người khác, không theo bạn bè, thân mình tự chứng cảnh an định mới sinh hoan hỷ.

Bồ-tát đáp:

-Tự tại không phải vậy.

Tiên A-la-la hỏi:

-Vậy việc ấy thế nào?

Bồ-tát liền đáp:

-Tự tại không phải như vậy, không phải như vậy.

Tiên A-la-la lại nói:

-Nhân giả cứ trình bày, không được nói lời uẩn khúc.

Bồ-tát nói:

-Nếu y như lời Tôn giả nói, thì hạnh này không còn luân hồi hay sao?

Tiên A-la-la lại hỏi:

-Nhân giả vì cớ gì đưa ra câu hỏi như vậy?

Bồ-tát đáp:

-Ngày nay tâm tôi nhàm chán sự sinh muốn cầu hỏi chỗ chân chánh.

Tiên A-la-la nói:

-Này Nhân giả Cù-đàm, Ngài muốn nghe chăng, tôi sẽ vì Ngài mà nói. Muốn khai hóa thế gian gọi đó là ngã, chỉ có danh từ mà không sinh không già, không thoái không lại, không trong không ngoài, không trước không sau gọi đó là ngã. Tự tại là có thể vào trong luân hồi, ở trong sinh tử cũng không tạm dừng. Nó là pháp và phi pháp, trời và tất cả các cõi, có thể đi xa, có thể tạo thành chiếc thuyền, ngồi trên chiếc thuyền này có thể vượt qua biển thẳm, lưu chuyển qua lại, hay tạo sinh tử, cũng hay biến hóa, tự tại tối thắng, tối diệu tối đại, làm chủ thế gian giáo hóa tất cả.
Bồ-tát hỏi:

-Biến hóa như thế có gì làm bằng chứng không?

Tiên A-la-la nói:

-Nghe lời hỏi của Nhân giả chắc chắn Ngài không chấp nhận giáo nghĩa mà tôi vừa nói, hoặc hiện giờ Nhân giả tâm không ham thích nữa.

Bồ-tát nói:

-Ta không có việc ấy.

Tiên A-la-la nói:

-Đại đức Cù-đàm chớ có nghi ngờ, tùy theo ý của Ngài, mà luận thuyết chủ trương của mình khéo tư duy thâm nhập, để tự soi sáng. Nếu tự hiểu biết thì không bị kẻ khác lừa dối, không nghe theo nghĩa lý khác. Chứng được như vậy gọi là tự lợi, người khác không bằng. Nếu tâm không quyết định, theo các luận sư khác mà chấp nhận giáo pháp của họ, thì trí tuệ của Ngài sẽ bị tổn giảm. Nhân giả nghe pháp của tôi, đối với mỗi pháp, hãy đọc tụng tư duy chân chánh, quán sát ý nghĩ sâu xa, xét chỗ hiểu biết của mình có điều gì nghi ngờ tùy ý hỏi, tôi sẽ mà giải thích cho Ngài.

Bồ-tát lại nói:

-Theo như lời nói của Tôn giả, có khả năng tạo tác biến hóa ra thế gian là bậc Tự tại. Đối với vấn đề này tôi có nghi ngờ.

Tiên A-la-la nói:

-Theo ý Nhân giả cho nghĩa này không đúng sao?

Bồ-tát lại nói:

-Tôi thấy không đúng!

Tiên A-la-la nói:

-Vì sao không đúng?

Bồ-tát lại nói:

-Lý do là tại sao nguyên nhân này chỉ có một? Nếu như trời Tự tại biến hóa tạo tác ra thế gian, thì các pháp chẳng được theo thứ lớp cùng nhau phát sinh như trong hiện tại. Vòng phiền não không nên theo thứ lớp như vậy mà chuyển. Lẽ ra tâm chúng sinh không cần ham lợi mà tự nhiên được lợi. Lẽ ra một chúng sinh không bị nhiều đau khổ. Lẽ ra chúng sinh trong thế gian cúng dường trời Tự tại như cúng dường cha mẹ, ngoài ra chư Thiên khác không được cúng dường. Người bần cùng lẽ ra không được nói những lời hủy nhục của họ, vì nghiệp thiện ác đều do vị ấy, nên chúng sinh không cần nương tựa, không cần tìm cầu, không cần tạo tác. Người đời không cần suy nghĩ có trời Tự tại hay không có trời Tự tại. Người đời phân biệt thế này: “Nên có tạo tác hay không tạo tác?” Nếu không có tạo tác các nghiệp thì lẽ ra tự nhiên sẽ được quả báo. Trời Tự tại do tu tập khổ hạnh để thành Tự tại. Nếu chúng sinh thế gian cũng thực hành như vậy, thì tất cả chúng sinh đó cũng đều gọi trời Tự tại hay sao? Nếu trời Tự tại vô nhân mà tự nhiên thành trời Tự tại. Như vậy chúng sinh khắp nơi cũng là trời Tự tại. Nếu chúng sinh không do tự tại kiến lập, thì không được gọi là có tự tại, đâu được gọi là trời Tự tại thành lập chúng sinh.

Tiên A-la-la tán thán Bồ-tát:

-Đại đức Cù-đàm trí tuệ cao xa, tiếp nhận các luận, khéo trình bày rõ ràng. Nói tóm lại, toàn thể đều do trí lực phân biệt hiểu biết của Ngài, nên thấy con đường để thành tựu chân thật một cách bình đẳng. Xin Ngài vì tôi trình bày, chớ nên từ nan lẫn tiếc pháp bảo.

Bồ-tát lại nói:

-Ta phải cúng dường Tôn giả.

Tiên A-la-la nói:

-Tiên nhân có nhiều hạng làm sao Nhân giả cúng dường hết được. Nhưng ngày nay Nhân giả đã là bậc Thượng thủ, Ngài cũng nên nhận lãnh sự cúng dường của các Tiên nhân.

Bồ-tát lại nói:

-Xin Tôn giả vì ta giải thích ý nghĩa này.

Tiên A-la-la nói:

-Hàng Tiên nhân thật ra hơn tất cả thế gian, nhưng trong số họ chưa hẳn đã sinh ra trước. Nhân giả có trí tuệ sâu xa, xin Ngài khéo tư duy: Nghiệp có trước hay thân có trước?

Bồ-tát hỏi:

-Nghĩa này như thế nào?

Tiên A-la-la nói:

-Vấn đề này rất nan giải! Tại sao? Nếu nghiệp có trước chẳng phải thân có trước, thì lẽ ra không thọ thân, thân không tạo nghiệp, mà nghiệp không tự sinh ra nghiệp, thì ai tạo ra nghiệp này?

Nếu thân có trước chẳng phải nghiệp có trước, thì không có nghiệp. Nếu không có nghiệp, thì tại sao lại có chúng sinh (do nghiệp) thọ thân?

Cái gì có khả năng khai hóa thế gian, thì cái ấy không hư hoại, nhất định thường tồn, bị giữ mãi trong ba cõi. Đó là nguồn gốc sinh ra chúng sinh, sinh ra tự thân. Nếu không do trời Tự tại sinh thì tất cả chúng sinh yêu mến sắc thân, tự nó sẽ đầy đủ. Nếu tự nó đầy đủ, thì đối với mọi nơi lẽ ra phải tự có.

Bồ-tát nói:

-Như người bệnh cầu lương y chữa trị, Ta không vấn nạn nghĩa này nữa.

Lúc bây giờ có một Tiên nhân khổ hạnh là đệ tử của Tiên A-la- la, bạch Bồ-tát:

-Hay thay Cù-đàm! Theo như lời nói của Tôn sư tôi, xin không nên nạn vấn, như ý nghĩa của thầy tôi nói, hãy chấp nhận không nên tranh cãi vì việc làm như vậy không có lợi ích. Nhân giả nên nhận lãnh lời Tôn sư tôi.

Bồ-tát lại nói:

-Ta chẳng vấn nạn làm gì, chỉ muốn hỏi giáo pháp ấy truyền thừa ấy nguồn gốc như thế nào để biết sự thật.

Tiên nhân khổ hạnh nói:

-Nhân giả tùy nhân duyên mà thọ lãnh giáo pháp ấy, sẽ chứng được chân lý. Nếu nghi ngờ giáo pháp và tranh luận, thật là phi pháp, vị lai sẽ mắc tội.

Khi ấy vị Tiên khổ hạnh, đệ tử của A-la-la nói kệ:

Phàm người thưa hỏi, khi nghe pháp
Tâm ý không loạn nghĩa mới thông
Nếu như nghi ngờ lòng chê trách
Đó là soi mói cạnh tranh nhau.
 Hai đàng tìm lỗi sinh oán hận
Tức giận hơn thua lời nói xấu
Người trí muốn trừ lỗi khẩu nghiệp
Nói lý, không ý tranh hơn thua
Nghị luận muốn hơn gọi là tham
Tranh danh, sĩ nhục hạ đối phương
Nhiều lời chỉ trích, thành lỗi lớn
Dua nịnh nghe theo, sinh kiêu hãnh.
Sân tâm ngã mạn, tội chướng tăng
Hủy báng cùng nhau tranh phải trái,
Điều phải chẳng làm, làm điều trái
Tranh cãi với nhau thành oán hận.

Bấy giờ Bồ-tát nghe kệ này rồi, nói với vị Tiên khổ hạnh:

-Đúng vậy! Lỗi của sự tranh cãi không thể nói hết. Nhưng Ta chỉ muốn tìm nguồn gốc truyền trao của việc thành tựu như thế nào, chứ không phải tranh cãi tận cùng.

Khi Bồ-tát nói như vậy, Tiên nhân khổ hạnh vẫn chưa vừa ý. Tiên A-la-la nói:

-Đại đức Cù-đàm, đối với con đường giải thoát này Ngài chẳng thích sao? Giáo pháp như đây là tùy duyên không có nguồn gốc?

Bồ-tát đáp:

-Khi muốn cầu quả giải thoát phải tìm hiểu như thế?

Lúc ấy vị đệ tử của Tiên nhân A-la-la lại nói:

-Thưa Sa-môn Cù-đàm, Nhân giả cầu quả giải thoát mà bỏ giáo pháp chúng tôi, chỉ nhọc thân vô ích mà thôi!

Bồ-tát đáp:

-Người cầu cái vui vô thường ở thế gian còn khó, huống gì cầu giải thoát không trở lại!

Vị đệ tử của Tiên nhân A-la-la lại bạch:

-Nhân giả nói không trở lại, vậy là thường đi mãi.

Bồ-tátđáp:

-Nơi ta đi đến theo ý muốn, nay đã đạt được thì trở lại làm gì?

Tiên A-la-la nói:

-Không đi đến chỗ kia mà cũng chẳng trở lại chỗ này, thì không được hay sao?

Bồ-tát nói:

-Việc như vậy thật là hy hữu! Tôn giả trước có nói: “Có thọ lấy đời sau.” Sau bây giờ lại nói không trở lại?

Tiên A-la-la đáp:

-Thật đúng như lời Nhân giả nói, thật là quá hy hữu! Thể chân như tịch tĩnh, không bắt đầu, không kết thúc, không có giới hạn, không trước không sau, đi không xác định hoạt động, hình thể không cùng tận. Nhưng do vị thầy vô tướng, ông chủ thiền định tạo ra. Đó là Đại Phạm thiên.

Bồ-tát lại nói:

-Ta xin hỏi Đại Tiên Tôn giả, đến kiếp hoại tất cả vạn vật trên cõi đại địa này như rừng rú, núi Tu-di… cho đến cung điện trời Đế Thích, tất cả đều bị kiếp hỏa đốt cháy. Lúc đó cõi trời Đại phạm ở chỗ nào? Là gì? Tên gì? Làm sao có nói năng? Quả báo công đức làm sao tồn tại? Làm sao khi kiếp hoại vạn vật đều bị tiêu diệt, tại sao trời Đại phạm không bị thiêu đốt?

Lúc bấy giờ Tiên A-la-la cười nhạt lặng thinh, nhưng đệ tử của vị ấy lại bạch Bồ-tát:

-Nhân giả là bậc trí tuệ hơn hết, tại sao Nhân giả không biết chư Tiên trong quá khứ đã chứng được Thánh đạo hay sao? Các Tôn giả Tiên nhân đó là Ba-la-xa-la, Phả-la-đọa-a-tu-lê-da, Bạt-đà-na, Ca-đố-bà-đà-na, Đà-na-đạt-đa, Đạt-lợi-đa-na-da, Bàn-giá-la-ba-để, A-sa-đà, Bạt-ma-đạt-đa, Na-hầu vương tử Da-da-để, Thiều-ba-lê, Ba- la-bà-giá-na, Tỳ-đề-a, Xà-na-ca, A-bàn-để-quốc-la-để-đề-bà, Xà-kỳ-xa-tỳ-da, Đề-tỳ-la, Tỳ-đà-ha-tỳ-da, Bà-nô, Đề-bà-da-na, Nê-sa-đa- na-da, Da-nhã-da-na, Ni-da-bạt-đô, Ha-lê-để, Bạt-xa-la-bà-hầu… Tất cả các Tiên nhân như vậy, vào trong ánh sáng mặt trời mà chứng Thánh đạo.

Lúc bấy giờ Bồ-tát bảo Tiên nhân:

-Nay người nói vào trong ánh sáng mặt trời cầu giải thoát. Nghĩa này như thế nào? Vậy Ta nên lễ bái các vị ấy, nhưng thật ra Ta không chấp nhận sự tự tại như thế.

Khi Bồ-tát nói lời ấy rồi, trong tâm suy nghĩ: “Giáo pháp của Tiên A-la-la không phải là giáo pháp rốt ráo.”, nên tâm Ngài chẳng vui.

Vị đệ tử của Tiên A-la-la đoán được ý Bồ-tát, liền từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Bồ-tát:

-Ngày nay Nhân giả đã vượt ra ngoài giáo pháp này, ý lại muốn cầu pháp giải thoát hơn nữa.

Bồ-tát đáp:

-Ý Ta nguyện muốn chứng được pháp như thế này: Không phải đất, không phải nước, không phải lửa, không phải gió, không phải hư không, không phải sắc, không phải thanh, không phải hương vị, không phải xúc, không phải tướng, không an vui, không sợ sệt, không chết, không bệnh, không già, không sinh, không phải có, không phải là không có, không thường, không phải không thường, không dùng ngôn ngữ diễn tả, không có giới hạn. Rồi Ngài nói kệ:

Không còn lỗi sinh, già, bệnh, chết
Không đất, nước, gió, lửa và không
Vượt khỏi ba cõi không thầy dạy
Thường tịnh tự nhiên được giải thoát.

Khi Tiên A-la-la nghe kệ rồi, lại bạch Bồ-tát:

-Thưa Nhân giả Cù-đàm, ngày nay bao nhiêu pháp tôi tự chứng, đối với người khác tôi đã trình bày một cách rõ ràng. Ngày nay, Nhân giả cũng chứng được pháp này, đối với người khác trình bày pháp ta đã chứng. Nhân giả đã chứng được cũng có thể làm thầy trong đại chúng này như ta đang làm thầy trong đại chúng này vậy. Cù-đàm ngày nay có thể cùng ta đồng tâm, hai chúng ta lãnh đạo đại chúng này, giáo hóa chỉ dạy họ.

Lúc bấy giờ Tiên A-la-la tuy ở địa vị thầy nhưng đối xử với Bồ- tát một cách bình đẳng, tự phân nửa tòa ngồi cho Bồ-tát, cúng dường Bồ-tát, tùy theo nhu cầu của Bồ-tát, Tiên A-la-la cung cấp một cách đầy đủ, hết sức lấy làm vui mừng, vô cùng sung sướng tràn ngập châu thân không thể tự chế.

Lúc ấy Bồ-tát tự suy nghĩ: “Giáo pháp này khồng thể đưa người đạt đến Niết-bàn, cũng không xa lìa các dục vọng vượt khỏi phiền não, cũng không phải thiền định tịch tịnh, diệt hết các lậu, chứng thần thông, lại cũng không tự giác ngộ và giác ngộ cho người khác thực hiện hạnh Sa-môn, chẳng có thể diệt trừ các phiền não ác. Tại sao? Tu pháp này, chỉ sinh lên cõi Phi tưởng để rồi lại tạo nghiệp. Nên biết pháp này chẳng là đạo quả cùng cực rốt ráo.” Suy nghĩ như vậy, Bồ-tát liền từ biệt Tiên A-la-la mà ra đi.

Có kệ:

Bồ-tát suy nghĩ các pháp này
Trong tâm không thể hoan hỷ lắm
Biết chẳng vượt đến chỗ cứu cánh
Từ giã La-la đi tầm đạo.

Lúc bấy giờ đồ chúng của vị Tiên A-la-la nói lời tạm biệt cùng chia tay Bồ-tát:

-Cầu nguyện Nhân giả, nơi nào Ngài đi đến luôn luôn được mọi sự an lành.