SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.

Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 5

Phẩm 25: TRƯỞNG GIẢ KHÔNG MẮT, TAI, LƯỠI

Tôi nghe như thế này:

Lúc bấy giờ Đức Phật ở tại tinh xá Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ thuyết pháp cho chư đại chúng Tỳ-kheo.

Lúc ấy, ở trong nước có một vị trưởng giả giàu có vô lượng, vàng bạc bảy báu, voi ngựa trâu dê, nô tỳ nhân dân, kho lẫm đầy ắp, nhưng không có một đứa con trai, chỉ hạ sinh được năm đứa con gái tướng mạo đoan chánh, thông minh trí tuệ. Đang lúc vợ vị mang thai thì vị trưởng giả qua đời. Theo quốc pháp thời đó, nếu người chồng chết, nhà không có con trai, thì tất cả tài sản vật chất đều thuộc về nhà nước. Vua sai đại thần ghi chép tài sản ấy để xung vào cửa quan. Đứa con gái của vị trưởng giả thầm nghĩ: “Mẹ ta đang mang thai chưa biết được là trai hay gái, nếu là con gái thì tài sản nên thuộc về nhà nước, còn nếu thai ấy là con trai thì nó là chủ tài sản này.” Nghĩ như thế rồi, cô bèn đi đến tâu với đức vua:

– Cha con vừa mới qua đời, vì không có con trai nên tài sản xung vào nhà nước, nhưng nay mẹ con đang mang thai, xin cho chờ đợi một thời gian để mẹ con sinh nở. Nếu là con gái, lúc đó đem tài sản cho nhà nước cũng không muộn gì; nếu như sinh được con trai thì nó là chủ tài sản ấy.

Thời bấy giờ vua Ba-tư-nặc là người chấp pháp ngay thẳng liền nhận lời tâu của cô gái. Người mẹ không bao lâu đến ngày khai hoa nở nhụy, sinh được một đứa con trai thân thể đần độn, lại không có tai, mắt, có miệng mà không có lưỡi, không có chân tay, nhưng có nam căn bèn đặt tên là Man-tư-tỳ-lê. Lúc đó cô con gái lớn đem hết mọi việc trình bày cho đức vua. Vua nghe xong ngẫm nghĩ: “Dù nó không có mắt, tai, lưỡi, chân tay… nhưng nó là con trai có quyền được làm chủ tài sản”, liền bảo người con gái: Tài sản ấy thuộc về người con trai, trẫm sẽ không thu biên. Bấy giờ người con gái lớn bỏ đi đến nhà người khác làm các công việc hầu hạ phu chủ, cung kính khiêm tốn; nào là quét dọn giường mền, lo việc ăn uống, đón đưa chào hỏi, giống như là việc nô tỳ của các nhà giàu vậy. Có vị trưởng giả gần đó trông thấy cô đi giúp việc như thế ngạc nhiên hỏi:

– Đạo vợ chồng mọi nhà đều có, tại sao con đi làm công việc như vậy?

Người con gái nói:

– Cha con chết rồi, gia tài vô lượng, dù có năm chị em gái cũng phải xung vào nhà nước, may sao mẹ con vừa sinh được một đứa con trai, không có mắt, tai, lưỡi và chân tay, nhưng có nam căn nên được làm chủ tài sản. Sự việc như thế, dù có các con gái cũng không bằng một đứa con trai, cho nên con đau buồn mà đi làm thế.

Vị trưởng giả nghe rồi cảm thấy sự việc kỳ lạ như vậy, bèn cùng đứa con gái lớn đến chỗ Đức Phật bạch:

– Bạch Đức Thế Tôn, con trai của vị trưởng giả kia vì nhân duyên gì sinh ra không mắt, tai, lưỡi và chân tay, thế mà sinh được vào nhà giàu có làm chủ được gia tài. Đức Phật bảo vị trưởng giả:

– Ông hỏi rất hay. Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, Ta sẽ vì ông mà nói.

Vị trưởng giả nói:

– Vâng, con xin vui thích lắng nghe.

Đức Phật nói:

– Này trưởng giả, ở đời quá khứ có hai anh em con của vị đại trưởng giả; người anh tên Đàn-nhã-thế-chất, người em tên Thi-la-thế-chất. Người anh tánh tình trung tín thành thật, thường thích làm hạnh bố thí, giúp đỡ kẻ nghèo thiếu, vì thế người trong nước đều kính nể tôn trọng. Nhà vua bổ nhậm ông làm chức Quốc bình sự để xử đoán việc tranh tụng, mọi việc ấy đều do ông phán quyết. Theo quốc pháp thời bấy giờ: vay, mượn, lấy, cho… không cần phải viết đơn, chỉ cần đến quan Bình sự Đàn-nhã-thế-chất xác nhận là đủ rồi.

Lúc bấy giờ có một người lái buôn muốn đi biển, đến nhà ông Thi-la-thế-chất vay một số tiền để cần đi buôn bán. Bấy giờ vị trưởng giả em chỉ có một đứa con trai tuổi hãy còn nhỏ, ông dẫn đứa con và đem tiền bạc đến chỗ quan Bình sự thưa:

– Thưa anh, người lái buôn này vay em một số tiền ra biển buôn bán trở về sẽ trả lại. Xin anh chứng nhận cho. Nếu lỡ không may mà chết thì anh xác minh cho con em được nhận thay.

Quan Bình sự nhận lời, vị trưởng giả em không bao lâu mạng chung. Bấy giờ người lái buôn đi thuyền vào biển gặp trận bão giông sóng vỗ vỡ thuyền mất hết tất cả, nhưng may thay người lái buôn vớ tấm ván được trôi giạt vào bờ an toàn trở về nước nhà. Bấy giờ đứa con vị trưởng giả nghe tin ông bị đắm thuyền thoát chết trở về tay  không nên không đòi nợ. Ông lái buôn tự nghĩ: “Lần này đi buôn thất bại cần phải vay mượn để đi nữa.” Bấy giờ có một lái buôn khác cho anh vay một số tiền nên anh tiếp tục đi ra biển nữa, lần này được nhiều châu báu an ổn trở về, tâm tự nghĩ rằng: “Đứa con của vị trưởng giả kia, lần trước dù trông thấy ta nhưng không đòi nợ, khi ta mượn tiền cậu ta hãy còn nhỏ hoặc có thể cậu ta không nhớ, hay là thấy ta lúc trước thua lỗ khó khăn nên không đòi nợ chăng? Nay ta nên thử cậu ấy.” Vị ấy liền cỡi ngựa tốt trang sức các thứ châu báu, y báu đi vào chợ. Người con trưởng giả trông thấy vị ấy cỡi ngựa mặc y phục đẹp như thế trong lòng thầm nghĩ: “Người này đi buôn trở về dường như phát tài nên đến đòi nợ thử.” Anh liền đến nói:

– Ông vay nợ của cha tôi, hôm nay có thể trả được chưa?

Đáp:

– Có thể!

Lúc bấy giờ người lái buôn suy nghĩ: “Ta vay mượn một số tiền lớn lâu ngày chồng chất lãi, có trả nợ không biết bao giờ mới xong, nên tính một kế sách mới được.” Ông ta liền cầm một viên ngọc quý đi đến gặp vợ quan Bình sự thưa:

– Thưa phu nhân, tôi vốn có vay ông Thi-la-thế-chất một ít tiền, bây giờ con ông ta đòi tôi phải trả. Hôm nay tôi đem đến một viên ngọc quý, giá trị mười vạn nếu bà nói với quan Bình sự làm nhân chứng cho tôi đắc kiện, thì viên ngọc này thuộc về bà.

Bà vợ quan Bình sự nói:

– Ông trưởng giả nhà tôi thành tín, trung trực, ắt không chịu việc như vậy đâu, để tôi nói thử xem. Bà liền nhận viên ngọc ấy. Quan Bình sự đến tối về nhà, bà đem chuyện đó thưa, trưởng giả nói:

– Làm sao có việc đó, vì tôi trung tín chẳng nói dối nên đức vua mới cử tôi làm chức Quốc bình sự, nếu một lời nói dối thì sự việc này không thể làm được. Ngày mai, ông lái buôn đến, bà phải trả lại viên ngọc đó.

Bấy giờ người lái buôn đưa thêm một viên ngọc nữa giá trị hai mươi vạn và thưa rằng:

– Xin bà giúp đỡ! Đây là việc nhỏ, chỉ nói một lời mà được ba mươi vạn, nếu cậu ta thắng kiện, dù là cháu ruột của ông, bà cũng không có được một đồng, sự việc này đã rõ ràng như vậy rồi.

Bấy giờ người đàn bà này ham thích châu báu, liền nhận nó. Đến tối, bà thưa với chồng như sự việc hôm qua, nếu sự việc xong xuôi thì mọi việc đều như ý. Vị trưởng giả nói:

– Dứt khoát không có lý như vậy, tôi là một người đáng tin, được làm quan Bình sự nếu nói dối thì đời này mọi người không tin tôi, đời sau phải thọ đau khổ vô lượng kiếp.

Lúc bấy giờ, trưởng giả có một đứa con trai chưa biết đi. Bà vợ ông khóc lóc nói:

– Tôi với ông kết nghĩa vợ chồng, nếu có việc cùng chết cũng không trái nhau, huống đây là một việc nhỏ, tôi hết lời thẳng thắn nói với ông mà ông không chịu nghe theo thì tôi còn sống làm chi nữa. Nếu ông không giúp tôi việc này thì trước tiên tôi sẽ giết đứa con, rồi sau đó tôi tự sát. Vị trưởng giả nghe như thế, cũng thí như người nuốt vào không được mà ói ra cũng không xong, thầm nghĩ: “Ta chỉ có một đứa con trai, nếu nó chết thì gia tài giao phó cho ai, còn nếu nghe theo lời bà ấy thì sẽ không được người đời tín dụng, tương lai phải thọ vô lượng khổ não.” Bứt rứt mãi không thôi, đành phải chìu theo bà vợ. Vợ ông vui mừng nói với người lái buôn:

– Trưởng giả đã nhận lời!

Người lái buôn nghe rồi vui vẻ hớn hở về nhà, trang sức một thớt voi lớn, treo các thứ châu báu, mặc y báu lớn, cỡi voi vào chợ. Người con của vị trưởng giả thấy vậy lòng thầm vui mừng nói: “Người đó nay ắt đã giàu nên cỡi voi mặc phục sức như thế, hôm nay ta được trả lại tiền rồi”, bèn đi đến nói:

– Tất-bạt, ông nên biết, trước kia ông vay tiền cha tôi, nay nên hoàn trả lại cho tôi.

Người lái buôn kinh ngạc nói:

– Tôi đâu có nhớ vay tiền lúc nào cả, nếu có vay phải có ai làm người chứng kiến chứ?

Người con trưởng giả nói:

– Ngày đó, tháng đó, cha tôi và tôi cho ông mượn tiền, quan Bình sự sẽ vì tôi làm người chứng kiến, duyên cớ gì mà ông nói không có?

Người lái buôn nói:

– Tôi nay không nhớ, giả sử việc này có thật, thì phải hoàn trả lại, nhưng cũng phải cùng nhau đến chờ quan Bình sự làm chứng.

Người con trưởng giả nói:

– Ngày trước người này gần gũi cha con vay một số tiền như thế, bác đã làm nhân chứng, con cũng trông thấy, sự việc có đúng như vậy không?

Đáp:

– Không biết.

Người cháu kinh ngạc nói:

– Bây giờ bác phán xét là không nghe thấy, không có lời nói đó, sự việc ấy bác không có dùng tay chỉ vào số bạc chăng?

Đáp:

– Không!

Người cháu nổi giận nói:

– Bác là người trung lương, nhà vua mới cử bác làm quan Bình sự quốc, mọi người đều tín dụng. Tôi là cháu ruột mà bác xử phi pháp như thế, huống nữa là người ngoài, bác xử oan uổng biết chừng nào! Việc này hư thật, người đời sau sẽ biết. Nói đến đây, Đức Phật bảo vị trưởng giả:

– Quan Bình sự trưởng giả thuở xưa nay chính là Man-tư-tỳ-lê không mắt tai (hỗn độn) ngốc nghếch như vậy. Bởi một lời nói dối nên đọa địa ngục, thọ nhiều khổ độc, ra khỏi địa ngục trong năm trăm kiếp chịu mang thân hình ngốc nghếch như vậy. Do ngày trước cũng hay làm việc bố thí, nên thường sinh vào nhà giàu có, làm chủ tài sản quả báo lành dữ, dù cho bao lâu kiếp cũng không phai được. Vì thế các vị cần nên tinh tấn giữ gìn thân, khẩu, ý, đừng tạo nghiệp ác. Lúc bấy giờ đại chúng nghe Đức Phật thuyết xong, có người chứng được Sơ quả đến Tứ quả, có người phát tâm Vô thượng Bồ-đề, không ai mà chẳng vui mừng đảnh lễ Đức Phật vâng lời.