SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.

Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 5

Phẩm 24: SA-DI GIỮ GIỚI TỰ SÁT

Tôi nghe như thế này:

Một thời, Đức Phật ở nước An-đà. Bấy giờ Đức Thế Tôn ân cần khen ngợi người trì giới, giữ gìn giới cấm, thà bỏ thân mạng chớ trọn đời không hủy phạm chúng. Tại vì sao? Vì giới là nền tảng ban đầu nhập đạo, là hướng đi tuyệt diệu dứt hết lậu nghiệp, là con đường bằng thẳng đi đến Niết-bàn an lạc. Nếu người giữ giới thanh tịnh thì công đức ấy vô lượng vô biên, thí như biển lớn sâu rộng vô lượng vô biên, giới cũng như vậy. Cũng như biển lớn có nhiều loài chúng sinh thủy tộc to lớn cư trú như: rùa A-tu-la, cá Ma-kiệt…, biển giới cũng như thế, cũng có nhiều chúng sinh lớn Tam thừa ở trong đấy. Thí như biển lớn có rất nhiều các thứ của báu vàng, bạc, lưu ly…, biển giới cũng như thế, cũng có nhiều của báu như thiện pháp, bốn phi thường, ba mươi bảy trợ đạo, các thiền tam-muội… Cũng như biển lớn, kim cang làm đáy, vây quanh núi Kim cang có bốn con sông lớn, trôi chảy vào trong đó mà nó vẫn không thêm không bớt. Biển giới cũng như vậy. Tỳ-ni làm đáy, lấy A-tỳ-đàm làm núi bao vây, bốn bộ A-hàm như sông chảy vào trong đó mà vẫn thường trạm nhiên không thêm không bớt. Tại vì sao chảy vào mà vẫn không thêm không bớt? Vì lửa dưới A-tỳ bốc lên biển lớn làm cho nước biển tiêu cạn nên không đầy, vì các sông thường chảy vào cho nên nước biển không bao giờ vơi. Biển giới Phật pháp cũng như thế. Không phóng dật nên không tăng, đầy đủ công đức nên không giảm. Vì thế nên biết, người hay trì giới công đức rất nhiều. Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, ở nước An-đà có một vị Tỳ-kheo ngày đi khất thực một buổi, thích ở nơi thanh vắng, đầy đủ oai nghi. Tỳ-kheo hành hạnh khất thực như thế, Đức Phật thường khen ngợi. Họ không hay ở chung với Tăng chúng. Vì sao? Vì Tỳ-kheo  hành hạnh khất thực ít lòng dục, tri túc, không tích trữ, họ cứ thứ tự khất thực hoặc trải tọa cụ ngồi bên vệ đường ngày ăn một bữa, thân mặc ba y, những hạnh như thế, đáng tôn trọng trong hàng Tỳ-kheo Tăng. Ham muốn nhiều không chán, tích trữ của cải, tham cầu, keo kiệt, tật đố ái trước, cho nên không được tiếng tăm vang xa. Còn vị Tỳ-kheo hành hạnh khất thực kia đức hạnh thuần hậu hoàn toàn đầy đủ quả Sa-môn Tam minh, Lục thông, trụ Bát giải thoát, uy nghi đĩnh đạc, tiếng khen vang dội.

Bấy giờ, ở nước An-đà có một vị Ưu-bà-tắc, kính tin Tam bảo, thọ trì ngũ giới, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu, bố thí tu đức, tiếng tăm vang khắp nước, nguyện trọn đời cúng dường vị Tỳ-kheo hành hạnh khất thực đó. Phước cúng dường theo nhân thọ quả báo, nếu thỉnh chúng Tăng đến nhà cúng dường thì e ngại bỏ sự hành đạo, vì trên đường đi phải chịu mệt nhọc bởi nóng, lạnh, sau này có hưởng được quả báo tốt, nhưng phải chịu mệt nhọc, phải đi ra ngoài tìm cầu mới có thể được. Còn đi đến chùa cúng dường sau này khi hưởng được phước báo tự nhiên. Vị Ưu-bà-tắc này lòng tin sâu dày, làm đầy đủ các thứ thức ăn ngon thơm, sai người mang đến tận nơi cúng dường hàng ngày đều như thế. Bậc Sa-môn có bốn hạng tốt xấu khó nhận biết rõ ràng, giống như trái Am-la sống hoặc chín khó mà biết được. Hoặc có Tỳ-kheo oai nghi đĩnh đạc bước đi ung dung, thế mà nhìn kỹ lại, bên trong đầy đủ tham dục, sân nhuế, si mê, phá giới, phi pháp, giống như trái Am-la bên ngoài chín nhưng bên trong thì sống. Hoặc có Tỳ-kheo bề ngoài coi thô sơ, trái nghịch oai nghi mà bên trong đầy đủ đức hạnh của một vị Sa-môn thiền định, trí tuệ, cũng như trái Am-la bên trong chín mà bên ngoài sống. Hoặc có Tỳ-kheo oai nghi thô kệch, phá giới tạo ác, bên trong có đủ tham dục, sân nhuế, si mê, xan tham, tật đố cũng như trái Am-la trong ngoài đều sống. Hoặc có vị Tỳ-kheo, uy nghi nghiêm chỉnh tự thọ trì giới thanh tịnh bên trong đầy đủ đức hạnh Sa-môn giới định, tuệ giải thoát, cũng như trái Am-la trong ngoài đều chín. Vị Tỳ-kheo hành hạnh khất thực kia, trong ngoài đầy đủ cũng lại như vậy. Vì đức hạnh đầy đủ nên được mọi người tôn kính.

Lúc bấy giờ, trong nước ấy có một vị trưởng giả, kính tin Tam bảo sinh được một đứa con trai, ông muốn cho con đi xuất gia, trong  lòng tự suy nghĩ: “Nên tìm một vị minh sư để cho con nương theo, vì lẽ thân cận bậc thiện tri thức thì tăng thêm pháp lành, gần gũi ác tri thức thì khởi lên pháp ác. Thí như tính gió không có mùi nhưng thổi ngang qua rừng Chiên-đàn hay rừng Chiêm-bặc tới, thì gió sẽ có mùi hương vi diệu thơm tho; nếu thổi ngang qua phẩn uế, tử thi thì gió ấy có mùi hôi thối. Lại như áo sạch để trong tủ có hương thơm, khi lấy ra áo sẽ thơm tho, còn nếu để ở nơi hôi thối, thì áo cũng bị hôi thối theo. Thân gần bạn lành thì việc lành ngày càng to lớn, thân gần bạn ác thì việc ác tăng trưởng. Vì thế hôm nay ta nên đem đứa con này gửi cho bậc Tôn giả ấy, để nó được xuất gia tu học.” Nghĩ như thế xong, vị trưởng giả liền đến bạch với vị Tỳ-kheo ấy:

– Tôi có một đứa con trai đây, nay muốn cho nó xuất gia, ngưỡng mong Đại đức thương xót thọ nhận tế độ. Nếu không thể nhận, xin hãy trả nó trở về nhà.

Lúc bấy giờ vị Tỳ-kheo ấy dùng đạo nhãn quan sát xem người này xuất gia có thể trì giữ tịnh giới, tăng trưởng Phật pháp, bèn nhận đứa trẻ độ làm Sa-di.

Một hôm vị Ưu-bà-tắc ấy có một người cư sĩ thân thiện mời ông và cả nhà vợ con, nô tỳ… ngày mai đi xem trẩy hội. Bấy giờ vị Ưu-bà tắc, sáng sớm nghĩ rằng: “Hôm nay phải đi trẩy hội ai ở lại giữ nhà, nếu ta dùng quyền lực giữ lại một người, việc ấy thì được rồi, nhưng ta lại phụ lòng ông ấy (bạn ông). Nếu có người nào tự ý chịu ở lại nhà thì ta đi dự hội sẽ tự nhận riêng.” Đứa con gái của ông liền thưa cha:

– Thưa cha, theo ý con trẻ chỉ đi khi được thích muốn, con xin ở lại giữ nhà. Người cha vui vẻ nói:

– Hay lắm! Hay lắm! Hôm nay con ở lại giữ nhà cho cha và mẹ, với con thì lòng ta không còn lo ngại mất mát của cải nhà cửa nữa.

Lúc đó cả nhà đều nhận lời mời ra đi. Đứa con gái bèn đóng chặt cổng, ở trong nhà một mình. Hôm đó, vị Ưu-bà-tắc bỗng quên dâng cơm cho vị Tỳ-kheo, giờ ngọ đã xế bóng. Bấy giờ vị Tôn giả, tâm tự nghĩ: “Người trần tục bận nhiều công việc, có lẽ họ quên không mang cơm đến, hôm nay ta có thể sai người đến lấy chăng?” bèn bảo chú Sa-di:

– Con đi đến nhà vị Ưu-bà-tắc lấy cơm và phải giữ gìn oai nghi, như lời Đức Phật dạy, vào thôn xóm khất thực, chớ sinh lòng tham trước, thí như con ong hút lấy mật hoa, chỉ lấy vị mật của hoa không làm tổn hại hương sắc. Hôm nay, con cũng phải như thế, đến nhà người ta lấy cơm, thu nhiếp các căn, chớ sinh lòng tham sắc, thanh, hương, vị, xúc. Nếu giữ được giới cấm thì có thể giữ được đạo. Như ông Đề-bà-đạt-đa, tuy tụng kinh nhiều vì tạo ác hủy giới, phải chịu đọa địa ngục A-tỳ. Như ông Cù-ca-lợi, phỉ báng phá giới cũng phải đọa địa ngục. Ông Châu-lợi-bàn-đặc tuy tụng một bài kệ vì trì giới luật mà chứng quả A-la-hán. Lại nữa, giới tức là cửa vào Niết-bàn, là nhân hưởng thọ khoái lạc. Thí như quy pháp của Bà-la-môn nếu thiết lập trường trai ba tháng hoặc bốn tháng, họ thỉnh các vị Bà-la-môn cao minh trì giới phạm hạnh, vì tuyển chọn thỉnh mời không được rộng rãi.

Họ để phong bì trong bát của người được thỉnh, có một vị Bà-la-môn tuy học cao nhưng tính tình không thanh liêm, vì tham mùi mật ngọt, liếm sạch mật trong phong bao. Đến ngày nhập hội xuất trình phong bao mới được vào. Có một Phạm chí, không có phong bao đóng dấu muốn đi vào, một người trong ban tổ chức hỏi: “Ngài có phong bao không?” Đáp: “Tôi có nhưng đã liếm hết mật rồi.” Nay con cũng phải như thế, đã không được vào hội tràng vì tham chút ít mật ngọt, mà phải để mất đi cơ hội hưởng các thú hương vị thơm ngon trong bốn tháng, cho đến dùng các thứ trân bảo khác. Con nay cũng phải như vậy, chớ tham việc nhỏ mà phá giới cấm thanh tịnh, để mất đi mỹ vị ngũ dục trong cõi trời, người cho đến các pháp vô lậu, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, Niết-bàn an lạc, pháp bảo vô lượng. Con chớ hủy phá giới ba đời chư Phật, làm ô nhục Tam bảo, Cha mẹ, Sư trưởng Chú Sa-di thọ giáo, đảnh lễ rồi lui ra, đi đến nhà ông Ưu-bà-tắc kia, gõ cửa. Cô gái chạy ra hỏi:

– Ai gõ cửa đấy? Có việc gì?

Đáp:

– Tôi là Sa-di, vâng lời thầy đến đây lấy cơm.

Trong lòng cô gái vui mừng, thầm bảo: “Ta hằng mong ước, nay được toại nguyện”, liền mở cổng mời vào. Là một người con gái đoan chính, dung mạo xinh đẹp lạ thường, tuổi vừa mười sáu, lòng dâm dục như lửa cháy, đứng trước mặt chú Sa-di, cô làm ra vẻ õng ẹo, lẳng lơ, lộ tướng dâm dục. Chú Sa-di thấy thế, nghĩ: “Cô gái này mắc chứng bệnh phong, bệnh điên cuồng chăng? Hay là muốn đem lòng dục vọng phá hủy hạnh thanh tịnh của ta?” Chú giữ vững oai nghi, nhan sắc không thay đổi. Lúc bấy giờ cô gái cúi năm vóc sát đất thưa với chú Sa-di:

– Em luôn ước nguyện từ lâu được gặp ngài để bày tỏ tâm sự, nhưng chưa gặp lúc nào vắng vẻ, em nghĩ có lẽ ngài cũng có tâm thương em, trong nhà của em đây có nhiều vàng bạc châu báu đầy kho, cũng giống như bảo tàng của Tỳ-sa-môn Thiên cung nhưng chưa có người làm chủ, ngài hãy chìu ý làm chủ nhà em. Em sẽ làm người vợ hiền, tôn kính, hầu hạ, xin đừng từ chối, để mãn nguyện lòng mong ước của em.

Chú Sa-di thầm nghĩ: “Ta có tội gì, gặp phải ác duyên này. Hôm nay ta thà xả bỏ thân mạng không thể phá hủy giới cấm của chư Phật ba đời chế ra. Ngày xưa có vị Tỳ-kheo đến nhà dâm nữ, bị cưỡng bức hành dục thà nhảy vào hầm lửa, quyết không phạm giới. Lại có các Tỳ-kheo bị cướp lấy cỏ trói buộc, chịu đựng gió thổi, nắng nóng, côn trùng hút cắn, vì giữ giới không dám vứt cỏ mà đi. Như con ngỗng nuốt xâu chuỗi ngọc, vị Tỳ-kheo dù trông thấy do vì giữ giới chịu sự đánh đập không nói. Như thuyền bị vỡ ngoài biển, vị Tỳ-kheo hạ tọa, do vì giữ giới, đưa tấm ván cho vị Thượng tọa, còn mình chịu chết chìm nơi biển cả. Những người như thế, riêng là đệ tử Phật có thể giữ được giới cấm, chẳng lẽ ta không phải là đệ tử Phật không thể giữ giới được ư? Đức Thế Tôn Như Lai riêng là thầy của họ, không phải thầy của ta sao? Như bông Chiêm-bặc cùng với mè ép chung thành dầu mùi hoa hôi thì dầu mè cũng hôi. Ngày nay ta đã gặp được bậc Thiện tri thức, có lẽ nào tạo pháp ác, thà bỏ thân mạng trọn đời không phá giới làm ô nhục Phật, Pháp, Tăng, Phụ mẫu, Sư trưởng.” Lại suy nghĩ: “Nếu như ta bỗng vụt chạy trốn, lòng dục của cô gái đang hừng hực. Không cần hổ thẹn chạy theo níu kéo và phỉ báng ta, người lạ ngoài đường trông thấy ắt không tránh khỏi ô nhục, ta nay quyết định nên xả bỏ thân mạng tại đây.” Vị Sa-di bèn dùng phương tiện nói:

– Đóng cửa nhà lại, tôi vào phòng rồi hãy làm điều gì cần làm. Lúc đó cô gái liền đi đóng cửa cổng. Chú Sa-di vào phòng, gài kín chốt cửa, lại được một con dao, lòng thầm vui mừng, cởi y phục vắt trên giá, quỳ thẳng chắp tay hướng về thành Câu-thi-na nơi Đức Phật nhập Niết-bàn, tự thệ nguyện rằng: “Con nay không bỏ Phật, Pháp, Tăng, không bỏ Hòa thượng A-xà-lê, cũng không bỏ giới, chính vì trì giới, xả bỏ thân mạng này, nguyện đời sau sinh ra được xuất gia học đạo, tịnh tu phạm hạnh, dứt sạch lậu nghiệp, thành đạo Bồ-đề.”

Nguyện xong, vị Sa-di liền cắt cổ chết, máu chảy ra lênh láng dính đầy thân thể. Bấy giờ cô gái cảm thấy kỳ quái vì chờ lâu quá bèn đến đẩy cửa xem, thấy cửa phòng không mở, gọi cũng không đáp lời, bèn tìm cách xô cửa xông vào. Thấy chú Sa-di đã chết, cô thất sắc, lòng dục tan biến, xấu hổ lo buồn, tự bứt cào đầu tóc, cào rách mặt mũi, nằm lăn lộn trên mặt đất dính đầy bụi bặm, đau đớn khóc lóc, mê mệt ngất đi. Cha cô gái xem hội trở về, gõ cửa gọi con gái. Nghe đứa con gái lặng thinh không trả lời, người cha cảm thấy kỳ lạ, sai người leo vào trong mở cổng. Vào nhà trông thấy đứa con gái như thế, liền hỏi rằng:

– Con làm sao thế? Có người nào xâm phạm làm ô nhục con chăng?

Người con gái lặng thinh không đáp, tâm tự suy nghĩ: “Hôm nay nếu mình nói thật thì rất là hổ thẹn, còn nếu nói chú Sa-di hủy nhục mình thì là phỉ báng người lương thiện, sẽ phải đọa địa ngục, chịu tội rất nặng, khổ sở vô cùng.” Nghĩ thế, cô liền nói thật sự tình:

– Con giữ nhà một mình, có chú Sa-di đến lấy cơm chay về dâng thầy, lòng dâm dục của con khởi lên quá mạnh, nên đã quấy nhiễu Sadi, bắt theo ý muốn của con. Vì chú giữ giới, tâm không thay đổi, giả vờ vào phòng rồi tự xả bỏ thân mạng. Do con nhơ bẩn, muốn làm hại hạnh thanh tịnh của người, sự việc như vậy, cho nên con không vui. Người cha nghe con gái nói như vậy trong lòng cũng không kinh sợ gì. Tại vì sao? Vì ông biết việc ấy là do nghiệp báo khiến như thế, liền bảo với con gái:

– Tất cả các pháp đều là vô thường, con chớ nên lo buồn. Ông liền bước vào trong phòng trông thấy thi hài chú Sa-di máu chảy dính đỏ, vội vàng quỳ xuống đảnh lễ khen ngợi:

– Lành thay! Người hộ trì giới của Phật, mà có thể xả bỏ thân mạng.

Lúc bấy giờ, theo quốc pháp nước ấy, nếu có Sa-môn hoặc bạch y chết tại nhà thì phải nộp phạt một ngàn quan tiền vàng. Bấy giờ vị Ưu-bà-tắc mang một ngàn quan tiền vàng đặt trên mâm đồng đem đến cung vua, tâu với nhà vua:

– Hạ thần có tội đáng trách nên vào cung thưa cùng bệ hạ. Xin bệ hạ thọ nhận tiền vàng này.

Nhà vua nói:

– Khanh sống trong nước ta, kính tin Tam bảo, trung cang liêm chính, giữ đạo, lời nói việc lŕm không trái nghịch nhau, chỉ có một mình khanh như vậy, hôm nay sao có lỗi gì mà đi nộp phạt?

Bấy giờ vị Ưu-bà-tắc trình bày đầy đủ duyên sự như trên và tự chê trách đứa con gái của mình, khen ngợi công đức trì giới của chú Sa-di. Nhà vua nghe hết sự tình, trong lòng rất kinh sợ, niềm tin càng tăng thêm mạnh mà bảo vị Ưu-bà-tắc:

– Chú Sa-di hộ giới, tự bỏ thân mạng, khanh không có lỗi chi cả, không phải nộp phạt, hãy mang tiền về nhà. Nay ta muốn đích thân đến nhà khanh để cúng dường chú Sa-di.

Vua liền đánh trống vàng, ra lệnh mọi người trong nước cùng nhau đi đến nhà đó. Đức vua tự vào trong nhà, thấy thi hài Sa-di đỏ như gỗ chiên-đàn, quỳ xuống đảnh lễ, khen ngợi công đức chú, rồi dùng các thứ báu, trang hoàng một cỗ xe cao chở thi hài Sa-di đến nơi đất bằng phẳng, chất nhiều các thứ gỗ thơm để hỏa thiêu cúng dường. Vua truyền trang điểm cho người con gái ấy đẹp đẽ nhất trên đời và cho đứng ở trên đài cao để mọi người các nơi đều trông thấy và nói với dân chúng:

– Người con gái đẹp này, nhan sắc tươi như ánh sương mùa xuân như thế, là người chưa lìa bỏ hết dục vọng, thì ai mà không có lòng say đắm. Thế mà chú Sa-di đây, dù chưa đắc đạo đã đem thân sinh tử, hộ giới bỏ mạng, thật là việc hy hữu nhất trên thế gian này! Nhà vua liền sai người đến thỉnh thầy của chú Sa-di vì quần chúng rộng thuyết pháp vi diệu. Lúc bấy giờ, tất cả mọi người đến tham dự nghe thấy sự việc như thế, có người xin được xuất gia trì giữ tịnh giới, có người cầu phát tâm Vô thượng Bồ-đề, không ai chẳng vui mừng đảnh lễ vâng lời.