SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 21

Phẩm 23: VĂN

Khéo nghe, hành giỏi

Ưa thích vắng lặng

Việc làm không sai

An như Sa-môn.

Khéo nghe, hành giỏi: Người học rộng được mọi người khen hay, khen giỏi. Người có hiểu biết thì việc làm chắc chắn tốt đẹp, cho nên nói: Khéo nghe pháp, thực hành giỏi.

Ưa thích vắng lặng: Cầu mong ra khỏi cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc. Không ưa nơi ồn ào, không có gì trói buộc, ý chí hướng về nơi thanh vắng. Cho nên nói: Ưa thích vắng lặng.

Việc làm không sai: Mọi việc làm của thân, miệng, ý luôn thuận theo chánh lý, không bao giờ sai trái. Tốt đẹp nhất, nhiệm mầu nhất, không ai hơn được, cho nên nói: Việc làm không sai trái.

An như Sa-môn: Thuận theo hạnh Sa-môn, không làm ngược với hạnh Sa môn. Như những điều Sa-môn thực hành, như những điều Sa-môn tu tập, cho nên nói: An ổn như bậc Sa-môn.

——————

Kẻ ngu không hay biết

Ưa hành pháp bất tử

Người khéo liễu các pháp

Bệnh giống như cây chuối.

Kẻ ngu không hay biết, ưa hành pháp bất tử: Điều mà kẻ ngu tu tập là thường tu tập theo thói xấu, không phân biệt được pháp thiện, pháp ác. Cái gì tốt, cái gì xấu, hoàn toàn không biết, không kể các pháp vô thường biến đổi, ăn chơi bồi bổ tấm thân cho là sống ngàn năm không, muôn vật thường còn lâu dài, cho nên nói:

Kẻ ngu không hay biết, ưa hành pháp bất tử.

Người khéo biết các pháp, bệnh giống như cây chuối: Dù khéo biết các pháp, nhưng qua tai là thành lỗi, như cây chuối gặp gió là tàu lá cụp ngay, như người bệnh rất nặng mà uống nhằm thuốc độc, cho nên nói: Người khéo biết các pháp, bệnh giống như cây chuối.

———————

Như nóc nhà kín mít

Tối tăm không thấy gì

Tuy có nhiều màu sắc

Có mắt vẫn không thấy.

Như nóc nhà kín mít, tối tăm không thấy gì: Giống như khi xây nhà không trổ cửa sổ, trong ngoài tối om, không thấy ánh sáng, cho nên nói: Như nóc nhà kín mít, tối tăm không thấy gì.

Tuy có nhiều màu sắc, có mắt vẫn không thấy: Bên trong tuy có bày la liệt nhiều thứ đồ vật màu sắc đẹp rực rỡ, người có mắt bước vào đó vẫn không thấy gì, cho nên nói: Tuy có nhiều màu sắc, có mắt vẫn không thấy.

——————–

Như có người nào đó

Hiểu biết rộng đi nữa

Không học thì không biết

Pháp lành và pháp ác.

Như có người nào đó, hiểu biết rộng đi nữa: ở đời như có hàng Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Sát-lợi, trưởng giả, cư sĩ, dân thường có tâm ý sáng suốt nhưng trước không chịu học thì không biết được pháp lành hay pháp ác. Dù là bậc Trí tuệ rộng lớn đi nữa nhưng trước không nghe pháp thì cũng không biết được điều gì, cho nên nói: Nếu không nghe pháp thì không biết được pháp lành, pháp ác.

——————–

Như có người cầm đuốc

Thấy hết các sắc tướng

Nghe xong, đều biết hết

Hướng về thiện hay ác.

Như có người cầm đuốc, thấy hết các sắc tướng: Như người hiểu biết, tay cầm đèn sáng, có khả năng phân biệt được tất cả các sắc tướng tốt xấu, cho nên nói: Như có người cầm đuốc, thấy hết các sắc tướng.

Nghe xong đều biết hết, hướng về thiện hay ác: Người học đạo, sau khi nghe pháp thì liền biết rõ các pháp lành, pháp ác, pháp gần pháp xa, hữu ký vô ký, thảy đều biết rõ, cho nên nói:

Nghe xong đều biết hết, hướng về thiện hay ác.

——————-

Dù là bậc học rộng

Nhưng giới không giữ tròn

Bị pháp luật bắt tội

Sự học còn thiếu sót.

Dù là bậc học rộng, nhưng giới không giữ tròn: Nhờ học rộng biết nhiều, nên phân biệt các pháp một cách khéo léo, nhưng đối với giới cấm không hết lòng giữ gìn, có sự trái phạm, không được đầy đủ, cho nên nói: dù là bậc học rộng, nhưng giới không giữ tròn.

Bị pháp luật bắt tội, sự học còn thiếu sót: Người giữ giới luật lấy pháp luật mà buộc tội. Người này phạm luật, không thực hành chánh pháp, bị mọi người chê bai, làm những việc đáng hổ thẹn, cho nên nói: Bị pháp luật bắt tội, sự học còn thiếu sót.

——————–

Người tu dù ít học

Giới cấm giữ vẹn toàn

Được pháp luật khen ngợi

Sự học còn thiếu sót.

Người tu hành dù ít học, cấm giới giữ vẹn toàn: Người giữgiới đầy đủ, không chút sai sót, nhưng không tu học rộng, cho nên nói: Người tu hành dù ít học, cấm giới giữ vẹn toàn.

Được pháp luật khen ngợi, sự học còn thiếu sót: Người giữ giới được mọi người khen ngợi, như nói: ở ngôi làng ấy có người giữ giới đáng kính đáng quý, ngày đêm siêng năng hành đạo, không bỏ phế. Nhưng không học rộng, biết nhiều chuyện xưa nay, nhưng sự tu học còn thiếu sót, cho nên nói: Được pháp luật khen ngợi, sự học còn thiếu sót.

———————-

Tuy có học ít, nhiều

Giữ giới không toàn vẹn

Bị quở trách cả hai

Ước nguyện họ không thành.

Tuy có học ít nhiều, giữ giới không toàn vẹn: Sự học kém cỏi, giới luật không đầy đủ, bị mọi người chê cười, nhưng người tu nhân thừa thì họ chỉ làm một hạnh nên không thể bảo người ấy nhổ hết gốc lành được. Có người sinh tâm xót thương họ, nghĩ rằng sau khi chết họ phải chịu vô lượng khổ não trong đem dài sinh tử, cho nên nói: Tuy có học ít nhiều, giữ giới không vẹn toàn, bị quở trách cả hai, ước nguyện họ không thành.

———————-

Người trí tuệ học rộng

Giữ giới đều vẹn toàn

Được khen ngợi cả hai

Nguyện ước đều thành tựu.

Người học rộng giữ giới đầy đủ, không phạm các điều ác thì được các vị Trời, Người, Rồng, Quỷ thần, A-tu-luân, Chân-đà-la, Ma-hưu-lặc… thảy đều cung kính, thờ phụng. Cho nên nói: Người trí tuệ học rộng, giữ giới đều vẹn toàn, được khen ngợi cả hai, nguyện ước đều thành tựu.

——————–

Học rộng, thờ Chánh pháp

Trí tuệ, thường định ý

Như vàng Diêm-phù kia

Ai nói có tì vết?

Học rộng, thờ chánh pháp: Suy nghĩ chánh pháp, không hề thiếu sót, phân biệt ý nghĩa một câu giảng nói ra vô lượng, nhưng cũng có khả năng nói tóm lược lại thành một câu, cho nên nói: Học rộng, thờ chánh pháp.

Trí tuệ, thường định ý: Trí tuệ sáng suốt phân biệt, muốn dứt hết dục hữu lậu, đến chỗ vô vi. Cũng không tạo tác, thành tựu trí vô lậu của bậc Hiền thánh. Tâm thường an trụ trong thiền định vắng lặng, không có những tư tưởng loạn động, cho nên nói: Trí tuệ, thường định ý.

Như vàng Diêm-phù kia: Những thứ vàng khác thì xấu tạp, thường có tì vết, còn vàng Diêm-phù này thì trong ngoài không có tì vết, cũng không có bụi nhơ, cho nên nói: Như vàng Diêm-phù kia.

Ai nói có tì vết: Như người giới hạnh thanh tịnh, trong ngoài trong sạch, hành vi không thiếu khuyết, không có gì sai trái lỗi lầm, không ai có thể chê cười người tu hành ấy, cho nên nói: Ai nói có tì vết?

——————–

Có người khen sắc mình

Có người khen danh đức

Ấy đều gọi tham dục

Tự nhiên không hay biết.

Trong kinh có chép: Như Lai, Thế Tôn từ trước đã thành tựu hai nghiệp:

  1. Mắt biết sắc.
  2. Tai biết tiếng.

Người ngu nghe lầm bảo:

  1. Như Lai đắm mê sắc.
  2. Như Lai tham âm thanh.

Tiếng nói của Như Lai giống như tiếng chim Phạm-yết-tỳ. Đức Phật nói: “Không phải vậy. Lời Ta nói khác, nghĩa không phải như thế, người có trí tuệ phân biệt hiểu được nghĩa của Như Lai nói. Như Lai chứa nhóm công hạnh trải qua vô số kiếp, trước phải thanh tịnh mắt đối với sắc, tai đối với tiếng, sau đó mới tu các hạnh khác”. Cho nên nói: Có người khen sắc mình, có người khen danh đức, ấy đều gọi tham dục, tự nhiên không hay biết.

——————-

Trong không tự biết

Ngoài không thấy gì

Trong không thấy quả

Bị tiếng dẫn đi.

Thuở xưa, vua Ba-tư-nặc tập họp bốn thứ binh, chờ lúc đêm không có ai mới ra khỏi thành. Khi ấy, có một thầy Tỳ-kheo tên là La-bà-na-bạt-đề cất tiếng ngâm nga thanh tao giữa đêm khuya vắng vẻ khiến cho bốn thứ binh ai cũng nghe. Vua Ba-tư nặc ở trong binh chúng liền nghĩ: “Nếu ngày mai ta gặp được thầy Tỳkheo ngâm vịnh ấy thì ta sẽ thưởng ba trăm ngàn lượng vàng”. Rồi vua dần dần đến gần, trong tâm thầm nghĩ: “Âm thanh dường như gần đây, nhưng không biết xuất phát từ đâu. Xoay mình bước tới thì vua gặp người ấy. Ông đang nằm trong một cái rương, vua liền tặng cho ông ba hạt châu. Cho nên nói:

Trong đã tự biết

Ngoài không thấy gì

Trong thấy rõ quả

Bị tiếng dẫn đi.

Trong đã không biết

Ngoài có thấy vật

Hai quả đều thành

Bị tiếng dẫn đi.

Trong có hiểu biết

Ngoài có thấy vật

Người có trí sáng

Không đi theo tiếng.

Lúc bấy giờ, vua Ba-tư-nặc bước đến bạch Phật:

–Đạo nhân vừa ngâm vịnh lúc nãy, hiện đang ở đâu? Con muốn gặp người ấy.

Đức Phật bảo vua:

–Nếu nhà vua muốn gặp vị ấy thì chớ sinh tâm biếng nhác, kiêu mạn.

Đức Phật liền sai người gọi thầy Tỳ-kheo đến. Vừa trông thấy, vua liền sinh tâm hối tiếc. Tiếc rằng lời hứa đêm qua là quá xa xỉ, vua liền tặng ba viên ngọc quý, nhưng trong tâm vẫn còn tiếc rẻ. Vua liền bạch Phật:

–Thầy Tỳ-kheo này vốn thực hành công đức gì mà có giọng ngâm rất hay như vậy? Và bởi gây ra tội gì mà phải chịu thân mình bé xíu như vậy? Cúi xin Đức Thế Tôn nói rõ về việc ấy.

Đức Phật liền dùng túc mạng trí quán xét vị lai, quá khứ, hiện tại, rồi bảo nhà vua:

–Thuở xưa vào thời quá khứ lâu xa, khi ấy, con người sống đến hai vạn tuổi, nhân dân sống thương kính nhau, rất khiêm tốn giúp đỡ nhau. Lúc ấy, có Đức Phật tên là Ca-diếp. Sau khi đi giáo hóa cùng khắp Ngài liền nhập diệt. Bấy giờ, từ nhà vua cho đến các quan, dân chúng ai cũng sinh lòng kính tiếc, nên xây dựng một ngôi tháp cao và rộng để cúng dường. Khi ấy, người này đứng bên cạnh, nói: “Xây ngôi tháp này làm gì cho cao rộng như vậy?” Ngay trong đêm ấy, người ấy liền treo một cái linh trên ngọn cây trước tháp và phát nguyện rằng: “Nếu đời sau, ta sinh ra ở bất cứ nơi nào, tiếng nói của ta đều trong trẻo vang thấu đến cõi trời Phạm thiên. Gặp bậc Thánh hiền được dứt hết các lậu và trong các đệ tử ta được tiếng nói trong trẻo.” Vì có ác cảm khi thấy xây tháp rộng lớn nên mắc quả báo chịu thân hình bé xíu như vậy và nhờ thầy treo linh trên tháp, nên được quả báo là có giọng nói rất hay.

Trong đã tự biết: Tự quán sát thân mình bên trong không có gì. Nếu có cái gì tốt đẹp thì đều phân biệt được. Bên trong tự biết là biết sáu giác quan bên trong, cho nên nói: Trong đã tự biết.

Ngoài có thấy vật: Quán xét bên ngoài thân phân biệt rõ từngthứ một, như thấy lột, cắt chặt đâm cũng không có cảm giác vì biết nó luống dối. Lại nói: Bên ngoài thấy vật là bên ngoài thấy sáu nhập. Cho nên nói: Ngoài có thấy vật.

Người có trí sáng: Phân biệt bên trong, bên ngoài thân, suy nghĩ từng thứ một, khéo léo quán xét không ngăn ngại, hiểu biết tất cả, dùng trí tuệ quán xét thì không có gì tất cả, cho nên nói: Người có trí sáng.

Không đi theo tiếng: Tiếng nói của con người là đầu mối gây loạn động niệm lành của người ta. Người nhập định thì tiếng động bên ngoài không nhập vào, những loạn bên trong không phát tác ra ngoài. Biết rõ tiếng động kia như hư không, cho nên nói: Không đi theo tiếng. Hiểu rõ bốn câu kệ có ý nghĩa như vậy.

——————–

Nhĩ thức nghe nhiều tiếng

Nhãn thức thấy nhiều vật

Thấy nghe không bền chắc

Sự nhờ nghĩa rõ lý.

Nhĩ thức nghe nhiều tiếng: Hoặc nghe kinh Phật, hoặc nghe ngoại đạo dị học ngâm nga thơ tụng, nghe hay thì chấp nhận, nghe dở thì bỏ đi, cho nên nói: Nhĩ thứ nghe nhiều tiếng.

Nhãn thức thấy nhiều vật: Nhãn thức cũng thấy nhiều việc tốt, xấu, hình ảnh đẹp, hình ảnh xấu, cho nên nói: Nhãn thức thấy nhiều vật.

Thấy nghe không bền chắc, sự nhờ nghĩa rõ lý: Nếu thấy, nghe, nghĩ, biết thì đều phân biệt rõ ràng. Thấy thì nói là thấy, nghe thì nói là nghe, cho nên nói: Thấy nghe không bền chắc, sự nhờ nghĩa rõ lý.

——————–

Biết chắc thì nói nhanh

Nghe trí định tâm mau

Ai không dùng trí, định

Mau đưa đến buông lung.

Biết chắc thì nói nhanh: Người khéo suy nghĩ thì nói không lầm lẫn, khiến người nghe, không quên mất thì nên làm theo hạnh này, cho nên nói: Biết chắc thì nói nhanh.

Nghe trí định tâm mau: Tất cả đều do nghe mà sau đó được định. Khi ý đã định thì đến đâu cũng không bị ngăn ngại, cho nên nói: Nghe bằng trí thì định tâm mau.

Ai không dùng trí, định mau đưa đến buông lung: Người buông lung cho nên làm ác, không nghĩ đến những việc về sau.

Không hề nghĩ đến kiếp sau, cũng như đổ lúa vào lửa mà mong thấy được mầm mạ, việc đó hoàn toàn không có được, hay như lấy khối đất nhỏ mà cản sông, mong ngăn dòng nước, việc ấy hoàn toàn không thể có được. Người sống buông lung thì tâm ý và hành động bạo ngược, mà mong mảy may điều lành, ta cũng không thấy bao giờ, cho nên nói: Ai không dùng trí, định mau đưa đến buông lung.

———————-

Hiền thánh vui Chánh pháp

Việc làm hợp lời nói

Dùng nhẫn suy nghĩ định

Ý lắng nghe bền chắc.

Hiền thánh vui Chánh pháp: Niềm vui ứng với pháp Hiền thánh, chưa hề lìa bỏ, suốt đời tu tập, ý không nhàm đủ, đó đều là những lời giảng nói của chư Phật, Hiền thánh, cho nên nói: Hiền thánh vui Chánh pháp.

Việc làm hợp lời nói: Thực hành đúng với pháp cấm, không hề trái phạm lỗi lầm. Cho nên nói: Việc làm hợp lời nói.

Dùng nhẫn suy nghĩ định: Nghe lời người chỉ bảo, một long vâng làm theo. Không sinh tâm ganh ghét kia, đây. Nghe lời nói tốt thì hết lòng nhận tưởng. Đêm ngày tụng tập không lìa định ý. Cho nên nói: Dùng nhẫn suy nghĩ định.

Ý lắng nghe bền chắc: Pháp mà Đức Phật nói thì từ đầu đến cuối, nghĩa bậc thượng, trung, hạ, suốt ngày tụng đọc, không bao giờ quên sót. Cho nên nói: Ý lắng nghe bền chắc.