SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 20

Phẩm 23: THIÊN CHỦ ĐẾ THÍCH TÁN THÁN

Bấy giờ trong chúng hội, trời Đế Thích rời chỗ ngồi đến trước Phật bạch:

–Bạch Đức Thế Tôn! Ngài đã thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa tối thượng, thâm diệu khó được thấy, khó được nghe cũng khó hiểu và khó được thể nhập.

Đức Phật bảo Đế Thích:

–Này Kiều-thi-ca! Đúng như thế. Bát-nhã ba-la-mật-đa cao quý sâu xa, khó có thể được thấy, nghe, hiểu và thể nhập.

Kiều-thi-ca! Như hư không sâu xa nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, hư không là không, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng không; hư không là xa lìa, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng xa lìa; hư không khó thấy, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng khó thấy; hư không khó hiểu, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng khó hiểu.

Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có người được pháp môn này rồi thọ trì, đọc tụng và giảng giải cho người khác cho đến sao chép, nên biết người ấy đầy đủ căn lành tối thượng.

Phật nói:

–Kiều-thi-ca, đúng như vậy! Nếu có người được pháp môn Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa, rồi thọ trì, đọc tụng cho đến sao chép và giảng giải cho người khác nghe. Ta nói người ấy đã đầy đủ căn lành tối thượng.

Kiều-thi-ca! Ông hiểu thế nào? Giả sử tất cả chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề này đều được thân người, mỗi người đều đầy đủ mười nghiệp thiện, do duyên này các thiện nam, thiện nữ ấy phước có nhiều không?

–Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều! Bạch Thiện Thệ, rất nhiều!

Phật nói:

–Kiều-thi-ca! Những thiện nam, thiện nữ ấy tuy được phước nhiều nhưng không bằng người hành trì, đọc tụng, thuyết giảng cho đến sao chép pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa này, gấp hàng trăm ngàn vạn ức lần, tính toán, phân tích, thí dụ cho đến phân biệt cùng cực đều không thể biết.

Bấy giờ trong chúng hội có một Bí-sô nghe như thế hỏi Đế Thích:

–Nếu có người thiện nam, thiện nữ nào chỉ được nghe thoáng qua Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, có thể sinh lòng tin trong một niệm, thì nên biết người thiện nam, thiện nữ ấy có lòng Từ hơn người.

Lúc ấy, trời Đế Thích nói với vị Bí-sô:

–Nếu thiện nam, thiện nữ ngay khi phát tâm sinh đức tin thanh

tịnh thì còn hơn cả tôi nữa, huống gì cả hành trì, đọc tụng, giảng thuyết cho đến sao chép, lại còn y theo điều đã nói mà học mà hành, tu và tập đi đôi với nhau, nên biết thiện nam, thiện nữ ấy tu hạnh Bồ-tát vượt hơn tất cả Trời, Người, A-tu-la… trong thế gian.

Này Bí-sô! Chẳng những vượt hơn tất cả Trời, Người, A-tula… trong thế gian mà còn vượt trên cả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, Ana-hàm, A-la-hán và các vị Duyên giác kia. Chẳng những vượt hơn quả vị Tu-đà-hoàn cho đến Duyên giác mà còn vượt hơn các Bồ-tát xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa, không có phương tiện thiện xảo mà hành Bố thí. Chẳng những vượt hơn Bồ-tát hành Bố thí như thế mà còn vượt hơn các Bồ-tát xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa, không có phương tiện thiện xảo mà tu tịnh giới. Chẳng những vượt hơn Bồtát hành Tịnh giới như thế mà còn vượt hơn các Bồ-tát xa lìa Bátnhã ba-la-mật-đa, không có phương tiện thiện xảo mà tu hạnh Nhẫn nhục. Chẳng những vượt hơn Bồ-tát hành Nhẫn nhục như thế mà còn vượt hơn các Bồ-tát xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa, không có phương tiện thiện xảo mà tu hạnh Tinh tấn. Chẳng những vượt hơn Bồ-tát tu tinh tấn như thế mà còn vượt hơn các Bồ-tát xa lìa Bátnhã ba-la-mật-đa, không có phương tiện thiện xảo mà tu hạnh Thiền định. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát nghe pháp môn Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa này y theo lời dạy học hành và đầy đủ phương tiện thiện xảo vượt hơn tất cả Trời, Người, A-tu-la… trong thế gian cho đến Thanh văn, Duyên giác và các Bồ-tát. Nên biết vị ấy khéo hành trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, thường gần với Nhất thiết trí và không rời các Đức Phật, thành tựu căn lành sẽ ngồi đạo tràng đoạn trừ các nỗi khổ não chúng sinh. Đại Bồ-tát học như thế chính là học Bát-nhã ba-la-mật-đa, pháp học của Bồ-tát, chứ không học pháp của Thanh văn, Duyên giác. Khi Bồ-tát học như thế sẽ có trời Tứ Thiên vương đến chỗ Bồ-tát nói rằng: “Thiện nam! Ông nên chuyên cần học pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa này thì mau chứng được Vô thượng Bồ-đề. Lúc ông ngồi đạo tràng Tứ Thiên vương chúng con đều đem bát Đa-la quý báu dâng lên ông.”

Bạch Đức Thế Tôn! Chẳng những chỉ có trời Tứ Thiên vương ở trước Bồ-tát nói như thế thôi. Con cũng thường đến chỗ Bồ-tát ủng hộ, huống gì các Thiên vương khác. Vì Bồ-tát học Bát-nhã ba-lamật-đa và hành những điều rất hiếm có. Chúng sinh trong thế gian có nhiều khổ não, Bồ-tát đã xa lìa các khổ não ấy, bất cứ sống nơi đâu cũng đều làm lợi lạc lớn.

Bạch Đức Thế Tôn! Đây là công đức hiện đời của Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Bấy giờ Tôn giả A-nan liền nghĩ: “Trời Đế Thích nói điều ấy, là vì ông có năng lực như vậy chăng? Hay đã nhờ oai thần hộ niệm của Đức Phật?”

Khi ấy, trời Đế Thích nương oai thần của Phật biết ý niệm ấy, liền nói:

–Tôn giả nên biết, những điều tôi vừa nói đều do oai thần của Phật.

Đức Phật bảo A-nan:

–Đúng vậy, đúng vậy, như những gì Đế Thích vừa nói! Đều là nhờ sức oai thần hộ niệm của ta.