SỐ 278
KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Pháp sư Phật-đà-bạt-đà-la, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 23: MƯỜI MINH

Bấy giờ Đại Bồ-tát Phổ Hiền bảo các Bồ-tát:

–Này Phật tử! Đại Bồ-tát có mười loại minh. Những gì là mười?

Đại Bồ-tát này biết hết tâm niệm chúng sinh của ba ngàn thế giới. Những tâm niệm đó là: Tâm thiện, tâm bất thiện, tâm vô ký, tâm rộng, tâm hẹp, tâm ác, tâm thắng, tâm thuận sinh tử, tâm nghịch sinh tử, tâm Thanh văn, tâm Duyên giác, tâm Bồ-tát, tâm theo hạnh Thanh văn, tâm theo hạnh Duyên giác, tâm theo hạnh Bồ-tát, tâm Trời, tâm Rồng, tâm Dạ-xoa, tâm Càn-thát-bà, tâm A-tu-la, tâm Calâu-la, tâm Khẩn-na-la, tâm Ma-hầu-la-già, tâm người, tâm phi nhân, tâm địa ngục, tâm súc sinh, tâm ngạ quỷ, tâm chúng sinh ở Diêm-la, tâm chúng sinh ở các nạn xứ… Vô lượng chủng loại tâm chúng sinh như vậy, Bồ-tát đều phân biệt hết.

Tâm niệm chúng sinh như vậy ở trăm thế giới, ngàn thế giới, ức thế giới, trăm ức thế giới, ngàn ức thế giới, trăm ngàn ức thế giới…, cho đên trăm ngàn ức na-do-tha thế giới, nói rộng là cho đến chúng sinh của thế giới, nhiều như vi trần của chẳng thể nói, chẳng thể nói cõi Phật, Bồ-tát đều phân biệt hết.

Này Phật tử! Đó là Minh thứ nhất: Biết hoàn toàn tâm khác.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát biết hết chúng sinh trong thế giới nhiều như số vi trần của vô lượng, vô số chẳng thể nói, chẳng thể nói cõi Phật. Họ chết ở đây sinh nơi kia, đường thiện, đường ác, hoặc đẹp, hoặc xấu, hoặc dơ, hoặc sạch, hoặc đen, hoặc trắng. Vô lượng chủng loại chúng sinh như Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, người, chẳng phải người, chúng sinh vi tế, chúng sinh nhỏ, chúng sinh vừa, chúng sinh lớn, chúng sinh hơn… Vô lượng chủng loại chúng sinh như vậy chết ở đây sinh ở kia, Đại Bồ-tát Thiên nhãn minh tịnh không chướng ngại có thể thấy rõ hết. Tùy theo nghiệp báo của họ đã thọ khổ vui. Từng chủng loại nghiệp, chủng loại hành, chủng loại ý nguyện, chủng loại kiến thức, như cảnh giới nghiệp, như sự hồi chuyển… Bồ-tát đều nhìn thấy hết.

Này Phật tử! Đó là Trí minh thứ hai: Thiên nhãn vô ngại của Bồ-tát.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát nhớ việc đời trước, hoặc của mình, hoặc của người khác đều có thể nghĩ nhớ hết. Chúng sinh trong những thế giới nhiều như số vi trần của vô lượng, vô số chẳng thể nêu bày hết cõi Phật, mà sự việc quá khứ của họ trong số kiếp nhiều như vi trần của vô lượng, vô số chẳng thể nêu bày hết cõi Phật: Sinh như thế, tên họ như thế, ăn như thế, khổ vui như thế…, Bồ-tát đều có thể biết hết. Bồ-tát lại nhớ được các Đức Phật đời quá khứ nhiều như vi trần của vô lượng, vô số chẳng thể nêu bày hết cõi Phật: Danh hiệu như thế, quyến thuộc như thế, cha mẹ như thế, thị giả như thế, Thanh văn như thế, hai đệ tử tối thắng như thế, lìa bỏ kinh đô vua, xuất gia cầu đạo như thế, dưới gốc cây Bồ-đề ngồi kiết già được tối Chánh giác như thế, trụ xứ như thế, giường tòa như thế, nói pháp như thế, hóa độ như thế, thọ mạng như thế, làm xong Phật sự vào Vô dư Niết-bàn như thế, sau khi Đức Phật diệt độ chánh pháp cửu trụ như thế… Bồ-tát đều nghĩ nhớ hết những Đức Phật quá khứ nhiều như vi trần của vô lượng, vô số chẳng thể nêu bày hết cõi Phật. Nhớ từ lúc mới phát tâm phát sinh hạnh nguyện, cung kính cúng dường vô lượng các Đức Phật, giáo hóa thu phục tất cả chúng sinh đại chúng quyến thuộc, chuyển tịnh pháp luân, tùy theo tuổi thọ ấy thị hiện thần lực, tự tại biến hóa Vô dư Niết-bàn, tháp miếu trang nghiêm, nuôi lớn căn lành…, cho đến pháp trụ.

Này Phật tử! Đó là Trí minh thứ ba: Đi sâu vào đời sống quá khứ không ngại của Đại Bồ-tát.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát đi sâu vào kiếp vị lai…, cho đến biết được sự sinh tử lưu chuyển ba cõi của chúng sinh trong những thế giới nhiều như vi trần của vô lượng, vô số chẳng thể nói, chẳng thể nói cõi Phật. Bồ-tát biết nghiệp của chúng sinh, biết quả báo của chúng sinh; biết chúng sinh thiện; biết chúng sinh bất thiện, biết chúng sinh xuất; biết chúng sinh bất xuất, biết chúng sinh định, biết chúng sinh chẳng định; biết chúng sinh chánh định, biết chúng sinh tà định; biết căn lành chúng sinh có kết sử; biết căn lành chúng sinh không kết sử, biết chúng sinh đầy đủ căn lành; biết chúng sinh chẳng đầy đủ căn lành, biết chúng sinh giữ lấy thiện, biết chúng sinh chẳng giữ lấy thiện; biết chúng sinh tích tập thiện, biết chúng sinh tích tập bất thiện; biết chúng sinh tích tập ác pháp, biết chúng sinh chẳng tích tập ác pháp.

Biết đời vị lai chư Phật trong những thế giới nhiều như vi trần của vô lượng, vô số chẳng thể nêu bày hết cõi Phật: Danh hiệu như thế, quyến thuộc như thế, cha mẹ như thế, thị giả như thế, Thanh văn như thế, hai đệ tử tối thắng như thế, lìa bỏ kinh đô vua, xuất gia cầu đạo như thế, dưới gốc cây Bồ-đề ngồi kiết già được tối Chánh giác như thế, trụ xứ như thế, giường tòa như thế, nói pháp như thế, hóa độ như thế, thọ mạng như thế, làm xong Phật sự vào Vô dư Niết-bàn như thế, sau khi Đức Phật diệt độ chánh pháp cửu trụ như thế… Bồ-tát biết các Đức Phật đời vị lai nhiều như vi trần của vô lượng, vô số chẳng thể nêu bày hết cõi Phật, từ lúc mới phát tâm, nên sinh ra hạnh nguyện, cung kính cúng dường vô lượng chư Phật, giáo hóa điều phục tất cả chúng sinh và đại chúng quyến thuộc, chuyển tịnh pháp luân, tùy theo thọ mạng ấy thị hiện thần lực, tự tại biến hóa Vô dư Niết-bàn, tháp miếu trang nghiêm, nuôi lớn căn lành…, cho đến pháp trụ.

Này Phật tử! Đó là Trí minh thứ tư: Đi vào đời vị lai không ngại của Đại Bồ-tát.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát sinh ra Thiên nhĩ thanh tịnh vô ngại rộng lớn đầy đủ chẳng thể lường được, tu tập chứng được minh tịnh, lìa chướng ngã, thông suốt các định. Đại Bồ-tát thành tựu Thiên nhĩ vô ngại thì tất cả âm thanh xa gần trong mười phương, muốn nghe, không muốn nghe đều được tự tại tùy ý. Ở phương Đông, những điều mà các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác nhiều như vi trần của vô lượng, vô số chẳng thể nêu bày hết cõi Phật đã nói, đã phát ra, đã mở, đã bày, đã chế, đã giáo hóa, đã nghĩ, đã phân biệt, đã dạy bảo…, giải thích hoàn toàn sâu xa bằng vô lượng phương tiện thanh tịnh. Tất cả những điều như vậy, Bồ-tát đều có thể nghe ghi nhận hoàn toàn về văn và nghĩa. Tùy chúng, tùy người, tùy âm thanh, tùy trí, tùy thức, tùy chỗ hóa độ công đức đạt được, tùy chỗ nương cậy, tùy con đường ra khỏi…, Bồ-tát đều có thể nghe và thọ trì, không có quên mất, rộng nói diệu pháp, độ thoát tất cả, thậm chí chẳng mất một câu, một nghĩa. Phương Đông như thế thì tất cả mười phương cũng như vậy.

Này Phật tử! Đó là Trí minh thứ năm: Thiên nhĩ thanh tịnh vô ngại của Đại Bồ-tát.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát an trụ thần lực trí vô minh không sợ hãi thì chứng được thần lực tự tại vô tác bình đẳng, thần lực quảng đại, thần lực vô lượng, thần lực không sợ, thần lực niệm chí, thần lực bất chuyển, thần lực bất thoái chuyển, thần lực vô tận, thần lực bất khả hoại, thần lực trưởng dưỡng, thần lực tùy thuận hành. Hoặc nghe các Đức Phật hiện tại khắp mười phương vô lượng a-tăng-kỳ thế giới, vô biên thế giới, không giới hạn thế giới, chẳng thể xưng lường thế giới, chẳng thể nghĩ bàn thế giới, chẳng thể đo lường thế giới… cho đến thế giới nhiều như vi trần của vô lượng, vô số chẳng thể nói, chẳng thể nói cõi Phật. Nghe rồi, Bồ-tát có thể đi đến hết chỗ những Đức Phật đó cung kính lễ bái, khen ngợi cúng dường, biết sâu xa, biết đến cõi Phật thanh tịnh đủ thứ trang nghiêm, biết đủ thứ công đức, vô lượng công đức đều đầy đủ, thị hiện vô lượng tự tại, vô lượng cảnh giới. Bồ-tát khen ngợi tất cả Như Lai, cung kính cúng dường, thị hiện thân mình ở tất cả nơi của các Đức Phật khắp mười phương. Cũng chẳng lìa khỏi chỗ này mà đi đến chỗ kia, đều tự biết đi đến chỗ chư Phật cung kính lễ bái, khen ngợi cúng dường, hỏi pháp Bồ-tát, sinh ra trí Phật.

Bồ-tát thấy quyến thuộc biến hóa ở cõi chư Phật, biết tướng thuyết pháp, biết tướng cõi Phật mà không chấp trước. Đối với tất cả việc được rốt ráo, đến bờ kia mà không tổn thần lực, mau chóng đi khắp tất cả thế giới mười phương, không Đức Phật nào mà chẳng nhìn thấy, không pháp gì mà chẳng được nghe, không chúng nào mà chẳng biết. Thường nghe chánh pháp chưa từng gián đoạn, ưa cầu Phật pháp, thắng nguyện thành tựu viên mãn, tu tập đầy đủ vô lượng những hạnh của Bồ-tát Phổ Hiền.

Này Phật tử! Đó là Trí minh thứ sáu: An trú ở thần lực không sợ của Đại Bồ-tát.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát đối với âm thanh, ngôn ngữ của chúng sinh trong thế giới nhiều như vi trần của vô lượng, vô số chẳng thể nói, chẳng thể nói cõi Phật, đều có thể nghe hết. Những âm thanh ngôn ngữ đó là: Ngôn ngữ trong nước, ngôn ngữ ở biên giới nước, ngôn ngữ của Trời, ngôn ngữ của Rồng, ngôn ngữ của Dạ-xoa, ngôn ngữ của Càn- thát-bà, ngôn ngữ của A-tu-la, ngôn ngữ của Ca-lâu-la, ngôn ngữ của Khẩn-na-la, ngôn ngữ của Mahầu-la-già, ngôn ngữ của người, ngôn ngữ của loài chẳng phải người…, ngôn ngữ của chẳng thể nói, chẳng thể nói các loại chúng sinh như vậy chẳng đồng, Đại Bồ-tát đều rõ biết, hoàn toàn phân biệt biết. Vào tất cả kết cấu ngôn ngữ hiểu rõ tất cả thế đế, biết hết chủng loại các pháp ngôn ngữ, phân biệt rõ biết các pháp ngôn ngữ. Vào biển lớn tất cả chủng loại ngôn ngữ, Đại Bồ-tát du hành thế giới đến nơi nào đều có thể biết rõ hết tánh của chúng sinh trong thế giới ấy. Biết tánh ấy rồi thì hiểu được tất cả các pháp ngôn ngữ. Như mặt trời mọc, chiếu soi tất cả màu sắc, khiến cho người mắt sáng thấy hết sắc tướng, Đại Bồ-tát cũng như vậy, đi vào tất cả màu ngôn ngữ thì giỏi biết tất cả các pháp ngôn ngữ.

Này Phật tử! Đó là Trí minh thứ bảy: Phân biệt tất cả ngôn ngữ của Đại Bồ-tát.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát biết tất cả sắc: sắc của pháp sinh, sắc không chủng loại, sắc không hư vọng, sắc không hình, sắc xanh, vàng, đỏ, trắng… Đại Bồ-tát vào sâu vào pháp giới, nắm vững đủ chủng loại hình sắc biến hóa, sắc vô lượng, sắc minh tịnh, sắc phổ hiện, sắc giống nhau, sắc chiếu khắp, sắc sở đắc, sắc không nhiễm ô, sắc tướng đầy đủ, sắc tướng thanh tịnh, sắc lìa ác, sắc đại lực, sắc tôn trọng, sắc vô cùng, sắc vô tận, sắc tạp, sắc đoan nghiêm, sắc chẳng thể xưng lường, sắc học hoàn toàn, sắc trưởng dưỡng thiện, sắc thành thục, sắc tùy hóa độ, sắc vô ngại, sắc sáng suốt, sắc ly cấu, sắc lắng sạch, sắc chính thân, sắc phương tiện chẳng thể nghĩ bàn, sắc không bị hoại, sắc tối thắng, sắc lìa che đậy, sắc lìa ám, sắc kiên cường, sắc xen tạp, sắc tướng công đức, sắc đẹp đẽ, sắc đại ngã, sắc cảnh giới, sắc giỏi điều phục, sắc chánh trực thanh tịnh, sắc thượng, sắc rất rộng, sắc chẳng thể đoạn, sắc không chỗ dựa, sắc không gì sánh bằng, sắc cõi Phật sung mãn chẳng thể nói, sắc trưởng dưỡng, sắc rất kiên cố, sắc thắng, sắc ác, sắc công đức thù thắng, sắc theo hy vọng, sắc tánh thanh tịnh, sắc thường thiện, sắc giỏi quyết định, sắc không chướng, sắc hư không minh tịnh, sắc trưởng dưỡng minh tịnh, sắc trưởng dưỡng thanh tịnh, sắc vô cấu, sắc ly trần, sắc lìa các loại trần, sắc giỏi thị hiện, sắc ứng hiện khắp, sắc tùy thời thị hiện, sắc tịch tĩnh, sắc ly dục, sắc công đức phước điền chân thật, sắc yên ổn, sắc uy nghi lìa sợ sệt bình đẳng, sắc trí tuệ siêu việt, sắc thân vô ngại, sắc thân du hành khắp, sắc lìa ngu si, sắc sinh theo đại từ, sắc thọ trì đại Bi, sắc xuất ly, sắc lực công đức đầy đủ, sắc tùy chánh niệm, sắc báu không lường, sắc minh tịnh tạng, sắc khiến tất cả chúng sinh hoan hỷ, sắc môn Nhất thiết trí, sắc mắt hoan hỷ, sắc tất cả báu trang nghiêm không thể so sánh, sắc tâm chẳng chấp trước, sắc chẳng kiên cố, sắc trụ trì tự tại, sắc được các thần lực tự tại, sắc sinh nhà Như Lai, sắc không so sánh, sắc sung mãn pháp giới, sắc theo chúng đi đến, sắc đủ loại, sắc đầy đủ, sắc thiện lành, sắc tùy hóa độ cứu cánh, sắc không thấy chán đủ, sắc tạp quang khôn lường, sắc phóng vô lượng atăng-kỳ ánh sáng, sắc chẳng thể nói chủng loại ánh sáng, sắc chẳng thể nghĩ bàn ánh sáng thơm xông khắp ba cõi, sắc chẳng thể lường ánh sáng mặt trời, sắc chẳng thể nói có hình tượng mặt trăng, sắc phóng ra mây hoa đẹp không lường, sắc đủ loại vòng hoa báu mây trang nghiêm, sắc tất cả lửa thơm hơn tất cả thế gian tỏa khắp, sắc sinh ra công đức tạng của tất cả các Đức Như Lai, sắc âm thanh không lường rộng nói tất cả các pháp hiển hiện, sắc tất cả các hạnh đầy đủ Phổ Hiền Bồ-tát.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát vào pháp giới vô sắc, ở trong đủ loại hình sắc biến hóa tùy theo đối tượng. Như là chánh kiến giáo hóa, chánh niệm giáo hóa, chuyển pháp luân giáo hóa, tùy thời giáo hóa, niệm niệm giáo hóa, thân cận giáo hóa, đi theo giáo hóa, thần lực giáo hóa, đủ loại tự tại giáo hóa, chẳng thể nghĩ bàn đại thần biến giáo hóa… đều có thể độ thoát tất cả chúng sinh.

Này Phật tử! Đó là Trí minh thứ tám: Sinh ra vô lượng a-tăngkỳ sắc thân trang nghiêm của Đại Bồ-tát.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát đều biết các pháp không có danh tự, biết tất cả các pháp đều không có tánh; biết tất cả các pháp không đến không đi; biết tất cả các pháp sai khác; biết tất cả các pháp không sai khác, biết tất cả pháp chẳng hai, chẳng phải chẳng hai; biết tất cả pháp vô ngã, biết tất cả pháp không so sánh; biết tất cả pháp chẳng sinh, biết tất cả pháp chẳng diệt; biết tất cả pháp không từ đâu lại, đi không chỗ đến; biết tất cả pháp không hư hoại, biết tất cả pháp chẳng thật; biết tất cả pháp chẳng phải chẳng thật; biết tất cả pháp nhất tướng, vô tướng; biết tất cả pháp chẳng có, biết tất cả pháp chẳng không; biết tất cả pháp chẳng phải pháp, biết tất cả các pháp chẳng phải phi pháp; biết tất cả pháp chẳng phải ngôn ngữ, biết tất cả pháp chẳng phải chẳng ngôn ngữ; biết tất cả pháp chẳng phải nghiệp, biết tất cả pháp chẳng phải chẳng nghiệp; biết tất cả pháp chẳng phải báo, biết tất cả pháp chẳng phải không báo; biết tất cả pháp chẳng tác, biết tất cả pháp chẳng không tác; biết tất cả pháp chẳng đệ nhất nghĩa, biết tất cả pháp chẳng xuất, biết tất cả pháp chẳng không xuất; biết tất cả pháp chẳng phải lường, biết tất cả pháp chẳng phải không lường; biết tất cả pháp chẳng thế gian, biết tất cả pháp chẳng lìa thế gian; biết tất cả pháp chẳng nhân sinh, biết tất cả pháp chẳng không nhân sinh; biết tất cả pháp chẳng định sắc, biết tất cả pháp chẳng không định sắc; biết tất cả pháp chẳng đầy đủ sắc, biết tất cả pháp chẳng phải chẳng đầy đủ sắc; biết tất cả pháp chẳng ra khỏi sinh tử, biết tất cả pháp chẳng phải chẳng ra khỏi sinh tử; biết tất cả pháp chẳng hư vọng, biết tất cả pháp chẳng không hư vọng; biết tất cả pháp chẳng phải phương tiện, chẳng phải chẳng phương tiện.

Đại Bồ-tát biết pháp như vậy nên chẳng chấp trước Thế đế, chẳng chấp trước Đệ nhất nghĩa đế, chẳng hư vọng giữ lấy các pháp, chẳng khởi lên các văn tự. Thuận theo tánh tịch diệt, chẳng xả bỏ tất cả nguyện, thấy thật nghĩa đệ nhất, quyết định biết các pháp, nổi lên mây pháp không lường, mưa pháp vũ cam lồ xuống khắp tất cả đi vào chẳng thể nói phương tiện. Dùng biện tài vô tận nói rõ về nghĩa như thật chẳng trái với chân pháp, bằng phương tiện khéo léo nói tất cả các pháp, biện tài vô tận thành tựu đại Từ bi, cảnh giới không văn tự sinh ra văn tự, ý nghĩa chẳng phá hoại tánh văn tự, quán sát các pháp đều từ duyên khởi lên, không bị nhiễm trước. Hiểu rõ tất cả các pháp ngôn ngữ, hướng dẫn mở đường khen ngợi hiển hiện, thanh tịnh đầy đủ, diệt trừ những lưới nghi, bảo vệ chúng sinh, chẳng bỏ thật pháp. Đối với pháp không hai chẳng lui mất, thành tựu đầy đủ pháp môn vô ngại bằng âm thanh vi diệu, mưa pháp vũ khắp nơi rất đúng lúc.

Này Phật tử! Đó là Trí minh thứ chín: Tất cả các pháp chân thật của Đại Bồ-tát.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát ở trong từng niệm, từng niệm, vào Tam-muội Diệt nhất thiết pháp chẳng thoái chuyển, cũng chẳng bỏ sự việc của Bồ-tát, chẳng bỏ tâm đại Từ bi, chẳng bỏ các Ba-la-mật, có thể phân biệt hoàn toàn đất nước chư Phật mà không chán; chẳng bỏ đại nguyện độ thoát chúng sinh, chẳng bỏ chuyển pháp luân, chẳng bỏ giáo hóa thu phục chúng sinh, chẳng bỏ cúng dường cung kính tất cả các Đức Phật, chẳng bỏ pháp môn tất cả các pháp tự tại, chẳng bỏ thường thấy các Đức Phật, chẳng bỏ thường nghe chánh pháp của chư Phật. Có thể sinh ra hết tất cả pháp vô ngại, biết tất cả pháp đều bình đẳng, thành tựu đầy đủ tất cả các thắng pháp của Phật, các nguyện thâm, nhập vào tất cả cõi Phật, đạt được tất cả chủng tánh giải thoát của chư Phật, đối với tất cả thế giới có thể học hết tất cả điều cần học. Tất cả pháp tướng, thâm nhập vào pháp tướng biết hoàn toàn các pháp đều từ duyên khởi lên, rõ tất cả pháp không có chân thật, thuận theo các pháp ngôn ngữ thế gian. Đối với tất cả các pháp không có bị nhiễm trước, tùy theo căn cơ mà phương tiện diễn nói tất cả các pháp.

Đại Bồ-tát đối với tất cả các pháp diệt tận chánh thọ. Hoặc sống một kiếp, hoặc sống trăm kiếp, hoặc sống trăm ngàn kiếp, hoặc sống ức kiếp, hoặc sống trăm ức kiếp, hoặc sống trăm ngàn ức kiếp, hoặc sống na-do-tha kiếp, hoặc sống trăm ức na-do-tha kiếp, hoặc sống ngàn ức na-do-tha kiếp, hoặc sống trăm ngàn ức na-do-tha kiếp, hoặc sống vô lượng kiếp, hoặc sống vô biên kiếp, hoặc sống a-tăng-kỳ kiếp, hoặc sống chẳng thể nghĩ bàn kiếp, hoặc sống chẳng thể xưng lường kiếp, hoặc sống không giới hạn kiếp, hoặc sống kiếp số chẳng thể nêu bày hết… Bồ-tát thường ở Tammuội chánh thọ Diệt Nhất thiết pháp, tướng mạo không khác, thân thể không suy yếu cũng chẳng hoại tan; chẳng thể thiêu đốt, chẳng thể đắm chìm, chẳng thể mất, chẳng thể hết. Đối với có hay đối với không đều không tác dụng, có thể hoàn thành những việc của Bồtát; có thể diễn nói rộng rãi tất cả các pháp, giáo hóa chúng sinh chưa từng mất thời cơ, nuôi lớn tất cả các pháp Như Lai, đầy đủ tất cả các hạnh Bồ-tát; chẳng bỏ sự lợi ích cho tất cả chúng sinh, ứng hóa khắp mười phương chưa từng tạm dừng, luôn luôn soi chiếu khắp tất cả các đường; đối với địa chánh thọ thì tịch nhiên chẳng động.

Này Phật tử! Đó là Trí minh thứ mười: Định diệt tất cả các pháp của Đại Bồ-tát.

Đại Bồ-tát an trụ ở Minh này thì tất cả trời, người chẳng thể nghĩ bàn; tất cả thế gian chẳng thể nghĩ bàn; Thanh văn, Duyên giác chẳng thể nghĩ bàn; Bồ-tát bậc thấp chẳng thể nghĩ bàn; nghiệp, thân, miệng, ý chẳng thể nghĩ bàn; tất cả Tam-muội tự tại chẳng thể nghĩ bàn; cảnh giới trí tuệ chẳng thể nghĩ bàn. Chỉ có Như Lai mới có thể diễn nói công đức của vị này, còn người khác chẳng thể nói được.

Này Phật tử! Đó là mười Trí minh của Đại Bồ-tát. Đại Bồ-tát trụ ở Trí minh này đều được Trí minh vô ngại cả ba đời.