SỐ 225
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Nam Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Phẩm 23: GIỮ HẠNH

Lúc ấy, trong pháp hội, trời Đế Thích suy nghĩ: “Bồ-tát thực hành Phật đạo không ai hơn được, huống gì Đức Phật ư? Thân người khó được, sống thọ an ổn lại càng khó. Có người phát tâm cầu Phật là rất khó, huống gì hết lòng cầu Phật đạo, muốn vì mười phương mà thực hành Minh độ để dẫn dắt mọi người hay sao?”

Lúc ấy, Đế Thích hóa ra hương hoa thơm rải lên Đức Phật rồi bạch rằng:

–Bạch Đức Thế Tôn! Người hành đạo Bồ-tát mới sánh bằng với Đức Phật, sở nguyện đều thành tựu. Vì hộ trì việc thành Phật, các kinh trí Nhất thiết, kinh pháp của Như Lai đều đầy đủ, phải chỉ bảo pháp không thoái chuyển cho người. Ai hết lòng cầu Phật, đối với pháp này là duy nhất, phải luôn nghĩ nhớ, chắc chắn không thoái chuyển. Tôi sẽ làm cho người ở trong pháp này nghĩ nhớ nhiều hơn, không nhàm chán khổ sinh tử. Vì sự khổ của tất cả chúng sinh nên phải nhẫn nhục, gắng chịu khổ nhọc mà thực hành. Tâm nghĩ rằng: “Những ai chưa được độ, ta sẽ độ họ, người lo sợ ta sẽ làm cho họ an ổn, ai chưa được diệt độ, ta sẽ giúp họ được diệt độ.” Đế Thích lại hỏi Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Người mới phát tâm Bồ-tát có được theo thứ lớp lên đến địa vị không thoái chuyển hay chăng? Có đến Nhất sinh bổ xứ không? Người khuyến khích giúp đỡ vị ấy vui mừng thì được phước đức gì?

Phật dạy:

–Núi Tu-di còn lường biết được, chứ đối với Bồ-tát A-xà-phù mà làm người khuyến khích giúp đỡ cho vui mừng thì phước ấy vô cùng cực. Nước biển trong một cõi Phật, nếu chẻ một sợi tóc thành một trăm phần rồi lấy một phần đem nhúng nước, hết số nước đó có thể biết bao nhiêu giọt không?

Bồ-tát không thoái chuyển làm việc khuyến khích, giúp đỡ một cách hoan hỷ thì phước ấy không thể tính lường được. Hư không trong một cõi Phật nếu đem một hộc, nửa hộc; một đấu, nửa đấu; một thăng, nửa thăng còn có thể lường biết được bao nhiêu, chứ việc khuyến khích giúp đỡ này phước đức không cùng cực.

Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Tà ma và quyến thuộc theo thiên tà đến nghe định này mà không khuyến khích, giúp đỡ, chắc là có nguyên nhân?

Phật dạy:

–Người phát tâm cầu Phật, dù bị cõi tà ma phá hoại nhưng tâm vẫn không rời khỏi pháp Phật. Như vậy, chúng Trừ cẩn hoan hỷ cứu giúp, thì được gần Phật. Nhờ công đức này đời đời sinh làm người, được cung kính cúng dường, không bao giờ nghe tiếng ác, sẽ sinh lên cõi trời, thường được mười phương tôn kính. Vì sao? Vì nhờ đức khuyến khích cứu giúp này làm việc bố thí bình đẳng cho chúng sinh. Vì sao? Vì làm cho người mới phát tâm dần dần thêm nhiều, tự đạt đến thành Phật, giúp cho chúng sinh được diệt độ.

Thiện Nghiệp bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Tâm giống như huyễn, làm sao được thành Phật?

Đức Phật hỏi:

–Này Thiện Nghiệp! Thế nào, nếu học thấy có huyễn không?

Thiện Nghiệp thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Không thấy huyễn hóa, cũng không thấy huyễn tâm.

Phật hỏi:

–Không thấy huyễn hóa, không thấy huyễn tâm, vậy có thấy pháp nào khác để được Phật đạo không?

Thiện Nghiệp thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Rời tâm huyễn hóa hay không rời tâm huyễn cũng không thấy Phật vị lai. Không có pháp, không có thấy thì làm sao nói pháp nào được, pháp nào không được? Pháp này vốn không xa lìa, cũng không đuợc hay không được. Nó vốn không từ đâu sinh ra, cũng không thành Phật, nhưng nếu không có pháp này thì cũng không được thành Phật.

Thiện Nghiệp bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu nói vậy thì Minh độ chỉ là vốn không? Phật dạy:

–Pháp vốn vô đối vô chứng, không giữ lấy, không thực hành, không có pháp nào nên có chỗ đắc. Vì sao? Vì chỉ có Minh độ vốn không có hình tướng nên vốn không cách xa. Vì sao ở ngay trong Minh độ mà được thành Phật?

–Phật là lìa gốc không thật có, vì sao lìa gốc không thật có mà sẽ được thành Phật?

Phật dạy:

–Đúng như lời ông nói, Minh độ lìa gốc, lìa gốc trí Nhất thiết, đều không thật có. Tuy lìa gốc nhưng gốc cũng không từ đâu sinh ra. Bồ-tát nên nghĩ như vậy rồi đi sâu vào giữ lấy định, cho nên lìa gốc không thật có, được thành Phật. Dù biết lìa gốc thì Minh độ không thật có, nhưng đó là không giữ lấy Minh độ. Ai không thực hành đầy đủ thì không được thành Phật.

Theo lời Thiện Nghiệp nói: “Không thực hành Minh độ cho nên được thành Phật”, tuy vậy không thể rời Minh độ mà được thành Phật. Bồ-tát siêng năng chịu khổ nhọc thực hành pháp sâu xa, nhưng không ở trong đó nhận lấy Nê-hoàn. Những việc đã nói như vậy thì Bồ-tát không thực hành hạnh khổ nhọc. Vì sao? Vì không có người chứng đắc, không có Minh độ được chứng, cũng không có kinh pháp được chứng. Bồ-tát nghe pháp này không sợ, không lười biếng, chính là thực hành Minh độ. Tuy thực hành hạnh này nhưng cũng không thấy có hành. Đây là thực hành Minh độ gần thành Phật. Xa lìa Thanh văn, Duyên giác cũng không thấy, không nghĩ nhớ, ví như trong hư không chẳng nghĩ có gần xa. Vì sao? Vì Minh độ không có loại hình. Ví như người do ảo thuật làm ra, thì không có niệm này. Thầy cách ta gần nên thấy người cách ta xa. Ví như bóng hiện trong nước hoặc gần hoặc xa nhưng cũng không là gần hay xa. Vì sao? Vì bóng không có hình. Minh độ cũng giống như vậy, không có niệm này. Đạo Thanh văn, Duyên giác cách xa Phật đạo. Vì gần đến đích nên không thấy yêu ghét, không dính mắc vô sinh. Ví như người thợ mộc đẽo gọt làm người máy, hoặc làm nhiều giống súc vật nhưng chúng không thể đi lại được. Dù có lay người gỗ, gỗ cũng không nghĩ: “Tôi đang được hoạt động, tới, lui, cúi, ngửa… để cho người xem thích thú.” Như người chủ có thuyền lớn đi trên biển muốn chở khách buôn, thuyền không nghĩ rằng đang chở người. Như đất ở chỗ trống, muôn vật trăm thứ, lúa, cỏ cây đều sinh sống ở trong đó, đất không nghĩ rằng ta đang được nuôi sống hay không nuôi sống. Như hạt minh châu, vượt trội hơn các vật báu. Như mặt trời chiếu sáng khắp bốn thiên hạ, ánh sáng mặt trời không nói: “Tôi đang chiếu sáng tất cả.” Như nước, gió, không có chỗ nào không đến, nhưng không nghĩ có chỗ đến. Như trên núi Tu-di, trời Đao-lợi làm trang nghiêm cho núi nhưng không nghĩ rằng tôi nhờ trời Đao-lợi mà được trang nghiêm. Như biển cả đều sinh ra các vật báu kỳ lạ nhưng biển không nghĩ rằng từ trong tôi sinh ra các vật quý báu.

Minh độ vô cực sinh ra các kinh pháp. Như vậy, nó không có hình tướng, không suy nghĩ. Ví như Đức Phật sinh ra các công đức, từ bi hoan hỷ cứu giúp chúng sinh; Minh độ thành tựu các tịnh pháp, nghĩa ấy cũng như vậy.