SỐ 222
KINH QUANG TÁN
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 9

Phẩm 23: ĐẲNG TAM THẾ

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bồ-tát cũng chẳng nghĩ quá khứ, cũng chẳng nghĩ vị lai, cũng chẳng nghĩ hiện tại. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không có biên giới, Bồ-tát cũng không có biên giới. Sắc và Bồ-tát đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Thọ, tưởng, hành, thức và Bồ-tát đều không sở hữu cũng chẳng thể nắm bắt được.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Như thế, tất cả Đại Bồ-tát đều chẳng thể nắm bắt được, vậy nên dạy Bát-nhã ba-la-mật cho Đại Bồ-tát như thế nào? Nên nói Bát-nhã ba-la-mật thế nào để dạy Bồtát? Bồ-tát mà có hiệu là Bồ-tát thì chỉ có danh tự thôi. Thí như người tự nói ta có ngã, nhưng tìm cầu gốc ngọn đều không sở hữu. Các pháp là tự nhiên thì chỗ nào sinh sắc mà sắc đã sinh? Chỗ nào sinh thọ, tưởng, hành, thức mà thọ, tưởng, hành, thức đã sinh?

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Nếu không chỗ sinh thì không có sắc cũng không có thọ, tưởng, hành, thức. Vậy có gì đâu mà nói Bát-nhã ba-la-mật? Và nên dạy Bồ-tát như thế nào về việc cũng không có chỗ khác, cũng không có xuất sinh, cũng chẳng thể nắm bắt được, Bồ-tát cũng chẳng thể hành đạo, để Bồ-tát nghe như thế mà chẳng kinh, chẳng hãi, chẳng sợ để Đại Bồ-tát hành Bát-nhã bala-mật?

Ngài Xá-lợi-phất hỏi ngài Tu-bồ-đề:

–Tại sao Bồ-tát chẳng thể nắm bắt được quá khứ, vị lai, hiện tại? Vì sao sắc không có biên giới? Thọ, tưởng, hành, thức cũng không có biên giới? Bồ-tát cũng không có biên giới? Sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều không sở hữu cũng chẳng thể nắm bắt được? Tất cả Bồ-tát đều chẳng thể nắm bắt được thì dạy Đại Bồ-tát Bát-nhã bala-mật như thế nào? Chỗ nào nói tôi ta hoàn toàn chẳng thấy? Bồ-tát cũng chẳng thể nắm bắt được, làm thế nào dạy Bát-nhã ba-la-mật cho Đại Bồ-tát? Vì sao nói Đại Bồ-tát chỉ có danh tự thôi, cầu tìm tôi ta mà không có gốc ngọn? Các pháp là tự nhiên thì sắc từ đâu sinh? Thọ, tưởng, hành, thức từ đâu sinh?

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Hễ đã không có chỗ sinh thì không có sắc, đã không có chỗ sinh thì không có thọ, tưởng, hành, thức. Vừa rồi, Tôn giả Tu-bồ-đề nói, không chỗ sinh thì sẽ dạy Bátnhã ba-la-mật thế nào? Vì sao nói cũng không chỗ khác? Nếu có chỗ sinh thì có thể đắc Bồ-tát chăng? Thưa Tôn giả Tu-bồ-đề, người hành đạo tại sao nói lời này: “Đại Bồ-tát nghe lời ấy mà tâm chẳng kinh sợ tức là hành Bát-nhã ba-la-mật”?

Ngài Tu-bồ-đề trả lời ngài Xá-lợi-phất:

–Con người không sở hữu nên quá khứ Bồ-tát chẳng thể nắm bắt được. Chúng sinh đều rỗng không, vì vậy nên quá khứ Bồ-tát không chỗ thọ. Chúng sinh không thật, vì vậy nên quá khứ Bồ-tát không chỗ thọ. Sắc không sở hữu, vì vậy nên Bồ-tát chẳng thọ quá khứ. Thọ, tưởng, hành, thức là rỗng không, không sở hữu, vì vậy nên Bồ-tát chẳng thọ cái thọ quá khứ. Sắc quá khứ là rỗng không; thọ, tưởng, hành, thức cũng rỗng không. Sắc không thật; thọ, tưởng, hành, thức cũng không thật. Sắc tự nhiên, thọ, tưởng, hành, thức cũng tự nhiên. Vì vậy nên Bồ-tát chẳng thọ quá khứ. Thí ba-la-mật, Giới bala-mật, Nhẫn ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Bátnhã ba-la-mật đều không sở hữu. Vì vậy nên Bồ-tát chẳng đắc quá khứ. Vì sao? Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Vì nếu đã là rỗng không thì chẳng thể nắm bắt quá khứ, vị lai, hiện tại, không có cái khác không, không có Bồ-tát, không có quá khứ không, Bồ-tát và quá khứ đều không hai, không nhiều. Vì vậy nên Bồ-tát chẳng thọ quá khứ; vị lai, hiện tại cũng lại như thế. Nói tóm lại, Thí ba-la-mật cũng lại không thật, Thí ba-la-mật tự nhiên, Giới ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật cũng đều là rỗng không. Bát-nhã ba-la-mật cũng lại không thật tức là không tự nhiên. Vì vậy Bồ-tát chẳng thọ quá khứ.

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Cho nên cái gì đã là rỗng không thì không có quá khứ, vị lai, hiện tại. Không, Bồ-tát và quá khứ đã qua cũng không có hai, cũng không có nhiều.

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Vì vậy, Bồ-tát chẳng thọ quá khứ. Bảy không ấy cũng không sở hữu, vì vậy Bồ-tát chẳng thọ quá khứ.

Lại nữa, Xá-lợi-phất! Ý chỉ, Ý đoạn, Thần túc, Căn, Lực, Giác ý, tám Thánh đạo, ba mươi bảy phẩm cũng là không, cũng là không thật. Bảy không ấy cũng lại như thế. Vì vậy, Bồ-tát chẳng thọ quá khứ, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật đều rỗng không, không thật. Vì vậy, Bồ-tát chẳng thọ quá khứ. Sáu pháp Ba-la-mật cũng không sở hữu, cũng không thật, cũng không tự nhiên. Vì vậy, Bồ-tát chẳng thọ quá khứ.

Lại nữa, Xá-lợi-phất! Tất cả Tam-muội đều không sở hữu, môn Đà-la-ni cũng đều rỗng không, cũng lại không thật. Các môn Tammuội, môn Đà-la-ni đều không tự nhiên. Vì vậy, Bồ-tát không thọ quá khứ. Sáu pháp Ba-la-mật cũng lại như vậy.

Lại nữa, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Các pháp giới cũng không sở hữu, pháp giới đều rỗng không, pháp giới không thật, pháp giới tự nhiên, pháp giới cũng không có bảy không. Vì vậy, Bồ-tát chẳng thọ quá khứ.

Lại nữa, Xá-lợi-phất! Như Lai cũng không sở hữu, cũng đều không có cội gốc, không có cội gốc không thật, không có cội gốc cũng rỗng không. Cái vốn không ấy cũng không tự nhiên. Vì vậy, Bồ-tát chẳng thọ quá khứ. Cái bản tế ấy cũng không sở hữu, bản tế đều rỗng không, bản tế không thật, cũng không tự nhiên, chẳng thể nghĩ bàn. Tất cả các cõi cũng không tự nhiên. Vì vậy, Bồ-tát chẳng thọ quá khứ.

Lại nữa, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Các Thanh văn, Bích-chiphật, Như Lai cũng không sở hữu. Như Lai rỗng không, không thật cũng không tự nhiên. Vì vậy, Bồ-tát chẳng thọ quá khứ. Đạo không sở hữu, không thật cũng không tự nhiên. Vì vậy, Bồ-tát chẳng thọ quá khứ. Vì sao? Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, vì không và không thật, quá khứ, vị lai, hiện tại cũng như thế, chẳng thể nắm bắt được. Bồtát, cũng chẳng thể nắm bắt được.

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Vì vậy, không, không thật, quá khứ, vị lai không có hai, cũng không có nhiều. Vì vậy, Bồ-tát chẳng thọ quá khứ.

Lại nữa, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Tôn giả đã hỏi là tại sao sắc không có biên giới, thọ, tưởng, hành, thức cũng không có biên giới? Bồ-tát cũng không có biên giới? Thọ, tưởng, hành, thức như hư không rỗng không. Ví như hư không không có biên giới; không có khoảng giữa, không có bờ đáy, hư không chỉ có danh tự.

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế, không có biên giới, không có khoảng giữa, không có bờ đáy, vì sắc rỗng không. Nếu đã là rỗng không thì không biên giới, không có khoảng giữa, không có bờ đáy, chẳng thể nắm bắt được. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế. Vì vậy, thưa Tôn giả Xá-lợiphất, sắc không có biên giới, thọ, tưởng, hành, thức cũng không có biên giới. Bồ-tát cũng không có biên giới, đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì vậy, sắc và Bồ-tát cũng không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế.

Lại nữa, Xá-lợi-phất! Sáu pháp Ba-la-mật rỗng không nên gọi là không, pháp nội không cũng không, pháp ngoại không cũng rỗng không. Vì không cho nên không. Pháp không gần, pháp không xa, pháp chân không,… Bảy không, ba mươi bảy phẩm, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật cũng đều rỗng không. Vì không cho nên không, không có bản tế, chẳng thể nghĩ bàn. Tất cả các cõi cũng lại là rỗng không. Vì không cho nên không. Các môn Tam-muội, môn Đà-la-ni cũng lại là rỗng không. Trí Nhất thiết cũng lại là rỗng không. Đạo tuệ hiểu rõ đạo phẩm cũng lại là rỗng không. Vì không cho nên không. Pháp ba thừa cũng lại là rỗng không. Như Lai cũng lại là rỗng không.

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Cho nên Như Lai là rỗng không, cũng không sở hữu, sắc cũng chẳng thể nắm bắt được. Sắc và Bồ-tát cũng không sở hữu, đều chẳng thể nắm bắt được. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế.

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Theo Tôn giả hỏi thì vì sao tất cả Bồ-tát đều chẳng thể nắm bắt được? Bồ-tát nói Bát-nhã ba-la-mật thế nào?

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng thể nắm bắt được. Sắc chẳng thể nắm bắt được; thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng thể nắm bắt được. Cái tưởng về tưởng cũng không sở hữu, cái tưởng về thọ cũng không sở hữu, cái tưởng về hành cũng không sở hữu, cái tưởng về thức cũng không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Cái biết về thức cũng không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Cái biết về sắc, cái biết về thọ, cái biết về tưởng, cái biết về hành đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được.

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Sáu tình cũng không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Nhĩ không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Nhĩ và nhãn đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Nhĩ và tỷ đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Tỷ và sự ngửi đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Tỷ và nhãn đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Tỷ và thiệt đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Xét thiệt, không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Thiệt, nhãn, nhĩ, tỷ đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Hương và thân đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Thân cùng với thân đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Ý cùng với ý đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Nhãn sắc, nhĩ thanh, tỷ hương, thiệt vị, thân xúc, ý pháp, sáu tình, sáu thức, sáu vị, mười tám nhập, nhân duyên, tất cả các sự việc đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Sắc trong, sắc ngoài, thọ… các pháp cũng lại như thế. Sáu pháp Ba-la-mật và bảy không, ba mươi bảy phẩm, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật, các môn Tam-muội, môn Đà-la-ni, chủng tánh, các pháp, pháp A-la-hán, pháp Bích-chi-phật, pháp Như Lai, pháp Bồ-tát, pháp mười trụ, trí Nhất thiết và các đạo tuệ cho đến Như Lai và Bồ-tát đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Bồ-tát và Bát-nhã ba-la-mật đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được.

Lại nữa, Bát-nhã ba-la-mật đối với Bát-nhã ba-la-mật đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Bát-nhã ba-la-mật và Bồ-tát đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Bát-nhã bala-mật không ngôn, không thuyết, không giáo, không hóa, cũng không sở hữu, cũng không nắm bắt được. Đối với Bồ-tát, không ngôn, không thuyết, không giáo, không hóa, cũng không sở hữu, cũng không nắm bắt được. Bát-nhã ba-la-mật cũng không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được.

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Vì vậy, tất cả các pháp cũng không sở hữu, cũng không đắc, cũng chẳng thể nắm bắt được. Đại Bồ-tát cũng chẳng thể nắm bắt được, cũng không ngôn thuyết. Như Tôn giả Xá-lợi-phất đã hỏi, sao gọi là danh tự mà danh tự Bồ-tát từ đâu mà ra? Danh tự ấy ở chỗ nào là Bồ-tát, vì vậy gọi là Bồ-tát? Nói Bồ-tát chỉ dùng danh tự thôi thì từ đâu mà đến! Sắc thọ, tưởng, hành, thức, chỉ dùng danh tự thôi. Chỉ có danh tự thì danh tự vướng mắc vào ngôn từ, nhưng không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì danh tự cũng rỗng không, danh tự tự nhiên rỗng không, chẳng vì danh tự ấy cho nên gọi là Bồ-tát, nhưng không có danh tự cho riêng mình là Bồ-tát.

Lại nữa, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Sáu pháp Ba-la-mật chỉ dùng danh tự thôi, chẳng dùng danh tự cho nên gọi là sáu pháp Bala-mật. Cái gọi là Bồ-tát chỉ dùng danh tự thôi. Vì vậy, nói Bát-nhã ba-la-mật, chỉ dùng danh tự thôi, chẳng dùng danh tự cho nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật. Bát-nhã ba-la-mật không có danh tự. Vì sao? Vì danh tự cùng Bát-nhã ba-la-mật, hai pháp đó đều rỗng không, chẳng thể nắm bắt được.

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Cái gọi là Bồ-tát chỉ là giả hiệu. Cái gọi là pháp nội không, pháp ngoại không, pháp không gần, pháp không xa, pháp chân không, pháp sở hữu không, pháp không sở hữu không chỉ dùng danh tự thôi. Bảy không ấy, chẳng dùng danh tự thì rỗng không. Vì sao? Vì chẳng dùng danh tự cho nên gọi là rỗng không. Cái rỗng không này chẳng thể nắm bắt được. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, vì vậy, cái gọi là Bồ-tát chỉ là giả hiệu.

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Cái danh tự này là giả hiệu. Ý chỉ, Ý đoạn, Căn, Lực, Giác ý, tám Thánh đạo, ba mươi bảy phẩm, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật chỉ là giả hiệu thôi. Vì chẳng dùng danh tự, nên là pháp của chư Phật, mà pháp của chư Phật là rỗng không. Vì vậy, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, cái gọi là Bồ-tát chỉ là giả hiệu. Các môn Tam-muội, môn Đà-la-ni, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật, Bồ-tát cho đến Phật cũng là giả hiệu thôi, vì chẳng dùng danh tự làm danh tự. Cái gọi là tôi ta, ngã sở, suy tìm gốc ngọn của nó cũng không sở hữu, cũng không thành tựu, tôi ta chẳng thể nắm bắt được, huống gì đối với đạo mà có cái sở đắc.

Cái biết, cái thấy cũng chẳng thể nắm bắt được, huống gì muốn khiến cho có sự thành tựu.

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Gốc ngọn của sắc thọ, tưởng, hành, thức, chẳng thể nắm bắt được, huống gì muốn khiến cho sắc, thọ, tưởng, hành, thức có sự thành tựu. Nhãn và các thọ do nhãn xúc làm duyên sinh ra, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý… chỗ nhập của sáu tình cũng chẳng thể nắm bắt được. Gốc ngọn của sáu pháp Ba-la-mật, bảy không cũng chẳng thể nắm bắt được, huống gì muốn khiến cho thành tựu. Ba mươi bảy phẩm, mười Lực, bốn Vô úy, pháp của chư Phật, suy tìm gốc ngọn cũng chẳng thể nắm bắt được, huống gì muốn khiến cho có sự thành tựu. Các môn Tam-muội, môn Đà-la-ni, suy tìm gốc ngọn, đều chẳng thể nắm bắt được, huống gì muốn khiến cho có sự thành tựu. Thanh văn, Bích-chi-phật, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được. Vì vậy, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Cái gọi là tôi ta đều không có sở hữu, tất cả các pháp cũng không có sở hữu, đều là tự nhiên. Vì sao? Vì tự nhiên không hợp, không tan.

Ngài Xá-lợi-phất hỏi ngài Tu-bồ-đề:

–Sao gọi là tự nhiên không hợp, không tan?

Trả lời:

–Sắc, thọ, tưởng, hành, thức vì tự nhiên nên không hợp, không tan, sự tập hợp của các thọ do sự tiếp xúc của sáu tình: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý sinh ra đều là tự nhiên, không hợp, không tan. Sáu pháp Ba-la-mật cũng không hợp, không tan, đều là tự nhiên. Vì vậy, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Tất cả các pháp đều không sở hữu, đều là tự nhiên.

Lại nữa, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Tất cả các pháp cũng vô thường, cũng không chỗ đến.

Ngài Xá-lợi-phất hỏi lại ngài Tu-bồ-đề:

–Sao gọi là tất cả các pháp vô thường, không chỗ đến?

Tu-bồ-đề đáp:

–Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng vô thường, không có chỗ hướng đến. Vì sao? Vì cái vô thường ấy hoàn toàn không sở hữu, cũng không có nhãn. Vì vậy, tất cả các pháp đều vô thường, không có chỗ đến. Các pháp sở hữu cũng lại như thế, đều vô thường, không có chỗ hướng đến. Tất cả các lậu cho đến vô lậu, pháp có thể nói, không thể nói, cái hữu thường ấy đều là không sở hữu, cũng không có nhãn. Vì vậy, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, tất cả vạn vật đều vô thường, không có chỗ đến.

Lại nữa, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Tất cả các pháp không chỗ tích tụ, cũng không hủy hoại.

Ngài Xá-lợi-phất lại hỏi ngài Tu-bồ-đề:

–Thế nào là tất cả các pháp cũng không tích tụ, cũng không hủy hoại?

Đáp:

–Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không tích tụ, cũng không hủy hoại. Vì sao? Vì thanh tịnh vậy. Các pháp thiện, bất thiện, pháp sở hữu, không sở hữu, pháp hữu lậu, vô lậu đều không tích tụ, cũng không hủy hoại. Vì sao? Vì thanh tịnh vậy. Thưa Tôn giả Xá-lợiphất, vì vậy, tất cả sở hữu đều không sở hữu.

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Trả lời câu hỏi sắc từ đâu sinh, đó là sắc không chỗ sinh; thọ, tưởng, hành, thức cũng không chỗ sinh. Vì sao? Vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không sở hữu. Hiểu rõ hành thì không có sắc, cũng không chỗ sinh. Thọ, tưởng, hành, thức cũng không chỗ sinh. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không sở hữu. Vì sao? Vì hiểu rõ hành thì không có nhãn, nhãn không sở hữu. Vì sao? Vì hiểu rõ hành thì không có sở hữu. Sáu tình cũng như vậy.

Lại nữa, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Tất cả các pháp đều không sở hữu. Vì sao? Vì hiểu rõ hành thì không tạo sở hữu. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, vì vậy sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không chỗ sinh.

Lại nữa, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Theo lời Tôn giả hỏi thì, sắc không có chỗ sinh thì chẳng phải là sắc; thọ, tưởng, hành, thức không có chỗ sinh thì chẳng phải là thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì sắc thanh tịnh, rỗng không, không khởi diệt, cũng không chỗ trụ, cũng không sai khác. Vì thọ, tưởng, hành, thức cũng thanh tịnh, vì rỗng không, thanh tịnh, cho nên gọi là thanh tịnh, cũng không khởi diệt, cũng không chỗ trụ, cũng chẳng thể phân biệt. Tất cả sở hữu cũng lại thanh tịnh, vì rỗng không, thanh tịnh cho nên gọi là thanh tịnh, cũng không chỗ khởi, cũng không chỗ diệt, cũng không chỗ trụ, chẳng thể phân biệt để biết.

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Vì vậy, sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không chỗ sinh. Như Tôn giả Xá-lợi-phất đã hỏi là vì sao nói những pháp này đều không chỗ sinh thì do đâu mà nói Bát-nhã bala-mật? Vì sao? Bát-nhã ba-la-mật cũng không chỗ sinh. Nếu không chỗ sinh thì Bát-nhã ba-la-mật cũng không chỗ xuất, không có hai pháp, cũng không có nhiều. Vì vậy thì điều nên nói ở đây là sẽ từ đâu mà nói Bát-nhã ba-la-mật! Tôn giả Xá-lợi-phất đã hỏi: Chẳng từ chỗ khác xuất sinh mà Bồ-tát đắc đạo hạnh là vì sao? Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật chẳng từ chỗ khác sinh, cũng lại chẳng thấy khác. Bát-nhã ba-la-mật lại cũng chẳng phải chỗ sai khác, đều thấy như nhau, các hạnh Bồ-tát cũng không chỗ sinh. Lại nữa, Bồ-tát không có hai pháp, cũng không có nhiều, cũng chẳng thấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức có chỗ khác sinh. Vì sao? Vì vô sinh cho nên sắc không có hai, cũng không nhiều, cũng chẳng từ cái khác mà có chỗ sinh, cũng chẳng thấy, sắc từ chỗ khác sinh. Vì sao? Vì sắc không chỗ sinh, thức không có sinh, cũng không có nhiều. Mười tám chủng, ba mươi bảy phẩm, pháp của chư Phật, bảy không, pháp ba thừa chẳng thấy chỗ sinh. Vì sao? Vì không có chỗ sinh, không có hai pháp, cũng không có nhiều. Thưa Tôn giả Xálợi-phất! Vì vậy, Bồ-tát chẳng nắm bắt được cái có chỗ khác sinh mà hành đạo.

Lại nữa, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Vừa rồi Tôn giả hỏi: Giả sử Đại Bồ-tát nghe nói như thế mà không sợ, không kinh, không hãi tức là Bát-nhã ba-la-mật là vì sao? Vì Đại Bồ-tát quán tất cả các pháp đều như mộng, như huyễn, cảnh ảo, cây chuối, bóng, vang. Vì vậy cho nên, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát nghe như thế chẳng kinh, chẳng sợ, cũng chẳng hãi. Đó là hành Bát-nhã ba-la-mật.

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, quán pháp như thế, chẳng thọ sắc thọ, tưởng, hành, thức, cũng chẳng xả, cũng không trụ, cũng không chấp trước. Bát-nhã ba-la-mật thì không có sắc thọ, tưởng, hành, thức, cũng chẳng thọ, cũng chẳng xả, cũng không trụ, cũng không chấp trước, không phân biệt, cũng chẳng thọ nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, chỗ nương tựa của sáu tình, chẳng thọ tôi ta, cũng chẳng thọ Thí ba-la-mật, cũng không xả, cũng không trụ, cũng không chấp trước, chẳng trụ tôi ta. Giới, Nhẫn, Tinh tấn, Thiền, Bát-nhã ba-la-mật, cũng chẳng thọ bảy không, cũng không xả, cũng không trụ, cũng không chấp trước, chẳng trụ tôi ta.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Lại nữa, người hành Bát-nhã bala-mật, đối với ba mươi bảy phẩm, mười Lực, bốn Vô sở úy, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật cũng lại như thế, cũng không thọ, cũng không xả, cũng không trụ, cũng không chấp trước, cũng chẳng trụ tôi ta.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Lại nữa, Bồ-tát chẳng thọ tất cả các môn Tam-muội, môn Đà-la-ni cũng không thọ, cũng không xả, cũng không trụ, cũng không chấp trước, chẳng trụ tôi ta. Vì sao? Vì Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật chẳng thấy sắc thọ, tưởng, hành, thức, chẳng thấy mười tám chủng, ba mươi bảy phẩm và bảy không, Thanh văn, Bích-chi-phật, cho đến Phật và trí Nhất thiết cũng không thấy. Vì sao? Vì không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không chỗ khởi, cũng không có sắc thọ, tưởng, hành, thức. Sáu tình không chỗ khởi, cũng không có sáu tình. Sáu pháp Ba-lamật cũng không chỗ khởi, cũng không có sáu pháp Ba-la-mật. Bátnhã ba-la-mật cũng không chỗ khởi, cũng không có hai, cũng không có nhiều. Pháp nội không, pháp ngoại không cũng không chỗ khởi. Pháp không gần, pháp không xa, pháp chân không, pháp sở hữu không, pháp không sở hữu không cũng lại như thế. Vì sao? Vì bảy pháp không ấy cũng không chỗ khởi, cũng không có hai, cũng không có nhiều.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Vì vậy, bảy pháp không ấy, ba mươi bảy phẩm, mười Lực, bốn Vô úy, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật cũng không chỗ khởi, cũng không có hai, cũng không có nhiều. Vì sao? Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Vì không chỗ khởi cho nên không hai, không ba, không có nhiều. Pháp của chư Phật đều không chỗ khởi, chẳng phải là Phật pháp.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Cái không cội gốc ấy cũng chẳng thể nghĩ bàn. Cảnh giới của các pháp cũng không chỗ khởi, cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn ấy không có hai, cũng không có nhiều.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-nahàm, A-la-hán, Bích-chi-phật, Bồ-tát cho đến trí Nhất thiết đều không chỗ khởi, cũng không sở hữu. Cho nên trí Nhất thiết không có chỗ khởi. Vì sao? Vì không có tinh tấn, đó là không hai, không ba, cũng không nhiều. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là diệt tận, cũng không có sắc. Vì vậy thức cũng diệt tận, không có hai, cũng không nhiều. Vì sao? Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Vì cái tinh tấn ấy không một, không hai, không ba, cũng không nhiều. Cái thức tinh tấn ấy cũng không có thức, đó là Thí ba-la-mật, cũng không chỗ khởi, cũng không tinh tấn, không hai, không ba, cũng không nhiều. Giới, Nhẫn, Tinh tấn, Thiền, Bát-nhã ba-la-mật cũng lại như vậy. Bảy không, ba mươi bảy phẩm, mười Lực, bốn Vô úy, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật cũng lại như vậy.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Nói không chỗ tinh tấn ấy ở trong hành là điều không thể kể ra. Năm ấm, sáu pháp Ba-la-mật, pháp ba thừa cho đến trí Nhất thiết cũng lại như vậy.