SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 19-20

Phẩm 22: THIỆN TRI THỨC

Bấy giờ, Đức Phật bảo Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Đại Bồ-tát nào dốc lòng muốn thành tựu Vô thượng Bồ-đề thì phải thân cận cung kính các Thiện tri thức.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Có những Đại Bồ-tát dốc lòng muốn thành tựu Vô thượng Bồ-đề, thường quý trọng Thiện tri thức, nhưng thế nào là Thiện tri thức của Đại Bồ-tát?

Đức Phật đáp:

–Tu-bồ-đề! Ông nên biết, các Đức Như Lai là Thiện tri thức của Đại Bồ-tát. Vì sao? Vì các Ngài thường thuyết pháp về hạnh Bồ-tát và sáu pháp Ba-la-mật-đa, dạy Bồ-tát thể nhập vào Bát-nhã ba-la-mật-đa. Thế nên, các Đức Như Lai là Thiện tri thức của Đại Bồ-tát.

Tu-bồ-đề! Còn có Bát-nhã ba-la-mật-đa là Thiện tri thức của Bồ-tát, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa là đỉnh cao của các pháp Ba-la-mậtđa. Do Bát-nhã ba-la-mật-đa làm Thiện tri thức, nên cả sáu pháp Bala-mật-đa đều là Thiện tri thức. Vả lại, sáu pháp Ba-la-mật-đa cũng là thầy của Bồ-tát, là con đường chân chánh, là ánh sáng của thế gian, là đuốc pháp lớn, là pháp sáng lớn, là chân cứu độ, là mục đích để hướng đến, là ngôi nhà để ở, là con đường cứu cánh, là hải đảo lớn, là cha mẹ cho đến Vô thượng Bồ-đề đều nhờ vào sáu pháp Bala-mật-đa này mà được thành tựu.

Tu-bồ-đề! Thời quá khứ có các Đức Như Lai đã thành tựu Vô thượng Bồ-đề và nhập Niết-bàn rồi, các Ngài đều sinh ra từ sáu pháp Ba-la-mật-đa. Vào đời vị lai có các Đức Như Lai sẽ thành tựu Vô thượng Bồ-đề cũng sinh ra từ sáu pháp Ba-la-mật-đa. Ngày nay, hiện đang ở khắp mười phương vô lượng thế giới các Đức Như Lai thành tựu Vô thượng Bồ-đề, giáo hóa chúng sinh, các Ngài cũng đều sinh ra từ sáu pháp Ba-la-mật-đa. Nhất thiết trí của chư Phật trong ba thời cũng sinh ra từ sáu pháp Ba-la-mật-đa. Vì sao? Lúc các Đức Phật phát nguyện đạo Bồ-tát, tu tập sáu pháp Ba-la-mậtđa, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, bốn Vô lượng tâm, bốn Nhiếp pháp cho đến toàn bộ Phật pháp, thành tựu Vô thượng Bồ-đề, các Phật pháp ấy đều nhờ vào sáu pháp Ba-la-mật-đa mà phát sinh. Hơn nữa, Phật trí, Tự nhiên trí, Bất khả tư nghị trí, Bất khả xưng lượng trí, Vô đẳng trí và Vô đẳng đẳng trí cũng nhờ sáu pháp Ba-la-mậtđa này mà phát sinh.

Tu-bồ-đề! Thế nên, sáu pháp Ba-la-mật-đa chính là Thiện tri thức của Bồ-tát, là thầy của Bồ-tát, là con đường chân chánh, là ánh sáng của thế gian, là cây đuốc pháp lớn, là pháp sáng lớn, là chân cứu độ, là mục đích để hướng đến, là ngôi nhà để ở, là con đường cứu cánh, là hải đảo lớn, là cha mẹ cho đến thành tựu Vô thượng Bồđề.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nào muốn làm cho tất cả chúng sinh được lợi ích an lạc thì nên học sáu pháp Ba-la-mật-đa này, nhưng muốn học sáu pháp Ba-la-mật-đa thì nhất định phải học Bát-nhã ba-lamật-đa đúng lý và hiểu rõ về ý nghĩa của nó rồi cần tư duy, quán chiếu kỹ Bát-nhã ba-la-mật-đa cùng đứng với năm pháp Ba-la-mậtđa kia nhưng vì nó dẫn đầu, khai thị và chỉ về tường tận vậy. Vả lại, nếu năm pháp Ba-la-mật-đa rời Bát-nhã ba-la-mật-đa thì không thể gọi là độ.

Tu-bồ-đề! Vì thế Bồ-tát muốn không tin viễn vong, không nghiêng theo lời người khác thì cần phải tu học Bát-nhã ba-la-mậtđa.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa là những tướng nào?

Đức Phật đáp:

–Tu-bồ-đề! Không chấp vào tướng chính là Bát-nhã ba-la-mậtđa.

Tu-bồ-đề thưa:

–Nếu có nhân duyên đến nhưng Bát-nhã ba-la-mật-đa không chấp tướng thì tất cả pháp cũng không trở ngại về tướng sao?

Đức Phật nói:

–Tu-bồ-đề! Có nhân duyên đến Bát-nhã ba-la-mật-đa không chấp tướng, thì các pháp cũng không trở ngại về tướng.

Tu-bồ-đề! Vì tướng của tất cả các pháp là không, là xa lìa. Tubồ-đề! Như các pháp không trở ngại ở tướng không và tướng xa lìa. Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng không chấp tướng nên cũng không và cũng xa lìa.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu các pháp là không, là xa lìa, thì sao Ngài nói: Tất cả chúng sinh có nhiễm, có tịnh. Vậy thì trong pháp không không nhiễm, không tịnh; trong pháp xa lìa cũng không nhiễm, không tịnh. Bạch Thế Tôn! Chính pháp không, pháp xa lìa này, không thể nắm bắt được, Vô thượng Bồ-đề khác với pháp không và pháp xa lìa cũng không có pháp để thành tựu Vô thượng Bồ-đề. Thế Tôn, con không thể hiểu nghĩa như thế, xin Ngài giải thích rộng cho con hiểu.

Đức Phật bảo:

–Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Tất cả chúng sinh trong đêm dài có chấp ngã và ngã sở không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, đúng vậy! Chúng sinh trong đêm dài chấp trước ngã và ngã sở.

Đức Phật dạy:

–Ý ông thế nào: Ngã và ngã sở không có chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, đúng vậy! Không có ngã và ngã sở.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ý ông thế nào: Chúng sinh chấp vào ngã, ngã sở nên luân chuyển trong sinh tử chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, đúng như thế! Vì chúng sinh chấp vào ngã và ngã sở nên luân chuyển trong sinh tử.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ông nên biết, những người bị nhiễm pháp là tùy theo sự tiếp nhận, sự chấp trước của chúng sinh nên gọi là nhiễm, như các chúng sinh không tiếp nhận, không chấp trước thì không có nhiễm và thọ nhiễm, thế nên, không có ngã và ngã sở. Vì không có ngã, ngã sở nên gọi là tịnh. Giá như các chúng sinh không tiếp nhận, không chấp trước thì không có tịnh và thọ tịnh.

Tu-bồ-đề! Do nghĩa ấy, nên đối với tất cả pháp không, pháp xa lìa cho là có nhiễm có tịnh. Tu-bồ-đề! Các Đại Bồ-tát nên thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, thật là ít có! Ngài khéo nói nghĩa này. Đối với tất cả pháp không, pháp xa lìa, nói về nhiễm và tịnh, không thọ, không chấp trước. Đại Bồ-tát nên thực hành Bát-nhã ba-la-mậtđa như vậy.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát thực hành như thế, chính là không hành sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Đại Bồ-tát hành trì như vậy làm cho khắp thế gian Trời, Người, A-tu-la đều kính phục, nhưng không vì thế mà loạn động. Đại Bồ-tát hành như vậy, không xen lẫn với hạnh Thanh văn, Duyên giác, cũng không dừng ở quả vị ấy. Vì người hành như thế là không hành mà hành, không trụ mà trụ, thường thể nhập Phật tánh, Như Lai tánh, Tự nhiên trí tánh và Nhất thiết trí tánh.

Bạch Đức Thế Tôn! Người hành như vậy thật là tối thượng không còn ai hơn, khế hợp với thắng hạnh của Bát-nhã ba-la-mật-đa. Thế nên, các Đại Bồ-tát ngày đêm chuyên cần hành trì như vậy thì luôn gần với quả vị Vô thượng Bồ-đề cho đến mau thành Phật.

**********

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Thật đúng như thế, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy là không hành sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Người hành như thế làm cho khắp thế gian Trời, Người, A-tu-la đều kính phục, nhưng không vì thế mà bị lay động, không xen lẫn với hạnh Thanh văn, Duyên giác, cũng không dừng ở quả vị ấy. Người hành như thế là không hành mà hành, không trụ mà trụ, thường thể nhập Phật tánh, Như Lai tánh, Tự nhiên trí tánh và Nhất thiết trí tánh. Người hành như thế là tối thượng không còn ai hơn lại khế hợp với Bát-nhã bala-mật-đa. Nếu các Đại Bồ-tát ngày đêm chuyên cần hành trì như vậy, thì luôn gần với Vô thượng Bồ-đề cho đến mau thành Phật.

Tu-bồ-đề! Giả sử tất cả chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề đều được thân người rồi phát tâm Vô thượng Bồ-đề, trọn đời tôn trọng cung kính cúng dường các Đức Phật và bố thí khắp chúng sinh rồi đem công đức ấy hồi hướng về đạo Vô thượng Bồ-đề.

Tu-bồ-đề! Những người trồng nhân như vậy phước có nhiều không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều! Bạch Thiện Thệ, rất nhiều!

Phật dạy:

–Tu-bồ-đề! Những người này tuy có phước nhiều đó, nhưng không bằng Đại Bồ-tát bắt đầu chánh niệm tu Bát-nhã ba-la-mật-đa trong một ngày. Tùy theo sự khởi điểm tu ấy, thường làm ruộng

phước cho các chúng sinh. Vì Bồ-tát hay sinh tâm Từ bình đẳng, ngoài ra các chúng sinh không có tâm này. Hơn nữa, chỉ có Đức Phật thì mới đầy đủ, vì các Đức Phật đã viên mãn pháp không thể nghĩ bàn nhưng không rời Từ, Bi, Hỷ, Xả.

Tu-bồ-đề! Thế nào là Bồ-tát làm ruộng phước cho tất cả chúng sinh?

Này Tu-bồ-đề! Chính vì Bồ-tát có Bát-nhã ba-la-mật-đa nên đầy đủ chánh tuệ. Được tuệ ấy Bồ-tát thấy các chúng sinh như đang ở trong lao ngục chịu sự trói buộc. Khi ấy, được sự hỗ trợ của tâm đại Bi nên Bồ-tát liền dùng Thiên nhãn thanh tịnh quán khắp vô lượng, vô biên chúng sinh, thấy có chúng sinh tạo nghiệp vô gián sẽ chịu quả khổ rơi vào các lưới tà kiến không được ra khỏi. Bồ-tát quán chiếu như thế rồi phát tâm, đại Từ, đại Bi, thương xót chúng sinh, chiếu sáng khắp nơi thuận theo bằng ánh sáng đại Từ, đại Bi này. Vị ấy nghĩ: “Ta sẽ làm nơi nương tựa vững chắc cho tất cả chúng sinh và làm cho họ giải thoát các khổ.” Nghĩ như thế nhưng không trụ vào tướng ấy, cũng không trụ nơi tướng khác.

Tu-bồ-đề! Đây gọi là Bồ-tát đại tuệ quang minh, vị ấy có thể làm ruộng phước lớn cho các chúng sinh. Bồ-tát nào hành như vậy thì không còn thoái chuyển đối với đạo Vô thượng Bồ-đề, tiếp nhận sự tín tâm cúng dường của tất cả thế gian, như là: ăn uống, áo quần, đồ nằm, thuốc thang… Bồ-tát nhận cúng dường để an tâm tu tập Bátnhã ba-la-mật-đa, nhưng đối với kẻ thí, người nhận và vật thí đều thanh tịnh, gần với Nhất thiết trí.

Tu-bồ-đề! Thế nên, Đại Bồ-tát muốn nhận sự tín tâm cúng dường của người trong nước, muốn hướng dẫn chúng sinh về chánh đạo, muốn cứu độ chúng sinh thoát khỏi trói buộc trong ba cõi và muốn đưa chúng sinh ra khỏi nỗi khổ luân hồi. Tuy nhiên, muốn khai thị mắt tuệ cho chúng sinh thì phải bắt đầu chánh niệm tu tập Bátnhã ba-la-mật-đa. Nếu người có ý nghĩ này là lời nói khế hợp với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì những điều Bồ-tát nói ra đều có sự cộng tác của Bát-nhã ba-la-mật-đa, ý nghĩ và lời nói không rời Bát-nhã ba-la-mật-đa. Thế nên, ngày lẫn đêm Bồ-tát luôn chánh niệm với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Tu-bồ-đề! Ví như có người được ngọc ma-ni bảo châu, tâm rất vui mừng. Vào một thời điểm sau người ấy rủi đánh mất bảo vật này. Tu-bồ-đề! Người này, do việc như vậy nên ưu sầu, khổ não, hối tiếc thường nghĩ: “Vì cớ gì ta mất báu vật lớn ấy.”

Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng thế, Pháp bảo lớn lao chính là Bát-nhã ba-la-mật-đa, được Pháp bảo Bát-nhã ba-la-mật-đa lớn lao nên tâm Bồ-tát luôn chánh niệm về Bát-nhã ba-la-mật-đa gắn liền với Nhất thiết trí.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu tự tánh của tất cả pháp là không, nên lìa thì tất cả niệm cũng thế, sao Ngài lại nói Đại Bồ-tát luôn chánh niệm chẳng lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa?

Phật đáp:

–Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát luôn biết rằng tự tánh của tất cả pháp là không, là lìa, tất cả niệm cũng vậy là không là lìa, đó là chánh niệm tương ưng, Bát-nhã ba-la-mật-đa thì gắn liền với Nhất thiết trí, vì trong tánh không của Bát-nhã ba-la-mật-đa không có tăng giảm.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Trong tánh không của Bát-nhã ba-lamật-đa, không tăng không giảm, làm sao Đại Bồ-tát có thể phát triển nó và làm thế nào để thành tựu Vô thượng Bồ-đề?

Đức Phật nói:

–Nếu khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, trong ấy có sự tăng giảm thì trong tánh không của Bát-nhã ba-la-mật-đa, cũng có tăng giảm, hành không có tăng giảm thì trong tánh không của Bátnhã ba-la-mật-đa, không có tăng giảm.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát trong tánh không, không có tăng giảm, do pháp không tăng giảm ấy nên chứng Vô thượng Bồ-đề. Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát nghe nói như thế rồi nhưng không kinh sợ thì nên biết Đại Bồ-tát ấy là người hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Tu-bồ-đề thưa:

–Tướng Bát-nhã ba-la-mật-đa là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa chăng?

Phật đáp:

–Tu-bồ-đề, không phải!

Tu-bồ-đề thưa:

–Tướng không của Bát-nhã ba-la-mật-đa là hành Bát-nhã bala-mật-đa chăng?

Phật đáp:

–Tu-bồ-đề, không phải!

Tu-bồ-đề thưa:

–Rời tướng không của Bát-nhã ba-la-mật-đa có pháp để hành Bát-nhã ba-la-mật-đa chăng?

Phật đáp:

–Tu-bồ-đề, không phải!

Tu-bồ-đề thưa:

–Cái không ấy có thể hành Bát-nhã ba-la-mật-đa chăng?

Phật đáp:

–Không phải!

Tu-bồ-đề thưa:

–Lìa không, thì có pháp hành Bát-nhã ba-la-mật-đa chăng?

Phật đáp:

–Không phải!

Tu-bồ-đề thưa:

–Không, có thể hành không chăng?

Phật đáp:

–Không phải!

Tu-bồ-đề thưa:

–Sắc có thể hành Bát-nhã ba-la-mật-đa chăng?

Phật đáp:

–Không phải!

Tu-bồ-đề thưa:

–Thọ, tưởng, hành, thức có thể hành Bát-nhã ba-la-mật-đa chăng?

Phật đáp:

–Không phải!

Tu-bồ-đề thưa:

–Rời sắc, thọ, tưởng, hành, thức còn có pháp để hành Bát-nhã ba-la-mật-đa chăng?

Phật đáp:

–Không phải!

Tu-bồ-đề thưa:

–Đại Bồ-tát nên hành Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế nào?

Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Có pháp nào để hành Bát-nhã ba-la-mật-đa chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Phật hỏi:

–Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật-đa là chỗ hành của Đại Bồ-tát chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Phật nói:

–Tu-bồ-đề! Pháp không thể nắm bắt vì pháp không thể thấy ở trong ấy đáng sinh thì sinh, đáng diệt thì diệt chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Phật bảo:

–Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát hiểu tướng như thế thì được pháp Nhẫn vô sinh và được thọ ký Vô thượng Bồ-đề.

Tu-bồ-đề! Đây là hạnh Vô sở úy của Như Lai. Nếu Đại Bồ-tát hành như vậy thì được các trí của Phật như: Vô thượng trí, Quảng đại trí, Tối thượng lợi trí, Nhất thiết trí trí, hành như thế là hành không có chỗ hành.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Do pháp vô sinh ấy nên được thọ ký Vô thượng Bồ-đề chăng?

Phật đáp:

–Không!

Tu-bồ-đề thưa:

–Nên tu pháp nào để được thọ ký Vô thượng Bồ-đề?

Phật dạy:

–Tu-bồ-đề! Thấy có pháp đáng được thọ ký Vô thượng Bồ-đề chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Phật hỏi:

–Có pháp Vô thượng Bồ-đề để thọ ký chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Con không thấy pháp ấy có chỗ thọ ký, cũng không thấy pháp được thọ ký, vì tất cả pháp không thể nắm bắt. Bạch Đức Thế Tôn. Chính vì nghĩa đó nên con biết trong tất cả các pháp vô chứng, không có người chứng, trong tất cả các pháp không nắm bắt, không có chỗ nắm bắt.