SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 20

Phẩm 22: NHƯ LAI (Phần 1)

Tự chứng Tối Chánh Giác

Không nhiễm tất cả pháp

Trí nhất thiết không sợ

Ngôi vô sư tự nhiên.

Tự chứng Tối Chánh Giác: Thuở xưa, sáu vị giáo chủ ngoại đạo là những người tham đắm lợi dưỡng ở đời, họ tranh nhau tự tôn, cho rằng mình mới là cao tột. Khi nghe Đức Phật ra đời với oai thần công đức hơn người, sáu vị giáo chủ ngoại đạo nhóm họp lại, cùng kết lời thề: “Trên đời này không ai sánh bằng sáu người chúng ta, nhưng gần đây nghe có Phật ra đời, oai thần công đức vượt hơn chúng ta, vậy thì chúng ta phải kết nghĩa, đồng lòng một ý, nói năng không trái ngược nhau. Có vậy, chúng ta mới thắng ông Cù-đàm kia”.

Sau đó, họ liền sai một người đến quan sát Như Lai, coi sắc mặt ông ta có giống như con người hay không. Người ấy đến nơi, nhìn mãi Như Lai mà không biết chán, rồi trở về báo với sáu vị giáo chủ những gì mình trông thấy:

–Dung nhan của Cù-đàm thật là ít có trên đời này. Oai đức thần thông của Ngài sáng chói hơn mặt trời trời trăng, theo sự thấy biết của tôi thì không gì tỷ dụ được.

Sáu vị giáo chủ lại nghĩ: “Cù-đàm xuất thân từ dòng vua chúa, thì sự khôi ngô đẹp đẽ kia cũng chẳng có gì là lạ. Bây giờ ta nên sai một người khác đến đó xem xét dung mạo vô úy của Cù-đàm, coi ông ta có hấp tấp, cum rúm gì chăng?” Người ấy liền đến xem tướng thấy Đức Như Lai như sư tử đầu đàn giữa bầy thú, không có chút gì lo sợ cả. Người này trở về báo lại với sáu vị giáo chủ:

–Cù-đàm ngự giữa đại chúng, như sư tử đầu đàn trong bầy thú, không chút sợ hãi.

Sáu vị giáo chủ lại nghĩ: “Người ngu ít thấy sự việc đó nên ham mê vẻ rực rỡ của Cù-đàm rồi bu quanh ông ta đó thôi. Đây cũng là chuyện thường tình, có chi lạ đâu? Bởi ông Cù-đàm xuất thân từ trong cung vua, có sáu muôn thể nữ vui chơi đêm ngày.

Không có môn học nào, pháp thuật nào mà ông không học qua, nên có thể khiến cho mọi người bu đến nghe ông ta nói. Hơn nữa ông cũng là người lịch lãm chứ đâu phải người tầm thường”. Sáu vị giáo chủ phái một người thông suốt nhiều việc đến chỗ Như Lai quan sát. Người này đến nơi, nghe thấy đủ cả, trở về thưa với sáu vị giáo chủ:

–Những gì mà ông Cù-đàm giảng nói là thông suốt xưa nay, biết trước vô cùng, thấy sau vô tận, phân tích nghĩa lý sáng tỏ, lý lẽ không phiền toái nặng nề.

Nghe xong, sáu vị giáo chủ lại nghĩ: “Trên đời có nhiều người ăn nói lanh lợi mau mắn, làm vui lòng người, nhưng không có nghĩ lý, không thể tìm kiếm, nghiên cứu”. Rồi sáu vị giáo chủ lại sai người khác đến xem xét Cù-đàm, chờ khi mọi người lặng yên nghe Cù-đàm nói pháp thì làm rối loạn lên, không chịu nghe. Với ý định như vậy, y đến nơi xem xét, thấy các đại chúng đang khát khao nghe pháp, tâm ý chuyên nhất, chiêm ngưỡng Như Lai không hề chớp mắt. Rồi anh ta trở về, thưa với sáu vị giáo chủ:

–Những điều mà Cù-đàm giảng nói như nước cam lộ, mọi người khát ngưỡng lắng nghe không biết thỏa mãn.

Sáu vị giáo chủ lại nghĩ: “Học trò mới tu tập, tất nhiên tâm ý ban đầu, bao giờ cũng mạnh mẽ, lâu dần về sau sẽ giảm sút, điều ấy có chi lạ đâu?”

Rồi họ lại sai một người khác đến xem xét Cù-đàm, coi có nghĩa lý nào sâu xa hay chỉ là những lời cạn cợt không đầu mối.

Sáu vị giáo chủ liền sai một người học giỏi tài cao đến nơi, y nghe đầy đủ những gì Cù-đàm nói, rồi trở về thưa với sáu vị giáo chủ:

–Những gì mà Cù-đàm giảng nói rộng lớn như biển không bờ, còn những gì mà bọn ta thấy thì như nước trong dấu chân trâu. Nay, tôi muốn đến xin làm đệ tử Ngài, không biết những người khác như thế nào.

Sáu vị giáo chủ ngoại đạo trước sau phái nhiều người đến chỗ Như Lai. Lại có vô số chúng sinh nhóm họp tranh nhau đến chỗ Như Lai, họ liền được nghe Đức Phật nói bài kệ này:

Tự chứng Tối Chánh Giác

Không nhiễm tất cả pháp

Trí nhất thiết không sợ

Ngôi vô sư tự nhiên.

Tự chứng Tối chánh giác: Giác ngộ tất cả các pháp, không có việc nhỏ nào mà không suy xét đến. Dùng năng lực thần thông mà biết đúng một cách như thật, cho nên nói: Tự chứng Tối Chánh Giác.

Không nhiễm tất cả pháp: Không bị tám pháp sau đây làm ô

nhiễm: Lợi, suy hao, khen, chê, ca tụng, gièm pha, khổ, vui. Cho nên nói: Không nhiễm tất cả pháp.

Trí nhất thiết không sợ: Xa lìa tất cả tai họa, không còn các khổ não. Không bị nước lụt, lửa cháy, trộm cướp nhận chìm, mà là vượt ra khỏi mọi khổ nạn, một mình vui điều lành, không lo buồn, cho nên nói: Trí nhất thiết không sợ.

Ngôi vô sư tự nhiên: Một mình làm vua cõi nước ba ngàn đại thiên. Không có bạn bè, không ai ngang bằng, huống là người hơn Ngài, cho nên nói: Ngôi vô sư tự nhiên.

—————–

Một mình, không ai sánh

Tự đạt được chánh đạo

Như Lai trời, người tôn

Đủ tất cả trí lực.

Một mình, không ai sánh: Ta dùng Thiên nhãn xem cõi nước ba ngàn đại thiên, thấy không có ai sánh bằng như Ta, quán sát cùng khắp thì không có ai ngang hàng với Ta, huống gì có người muốn vượt hơn Ta? Điều ấy không thể có được, cho nên nói: Một mình, không ai sánh bằng.

Tự đạt được chánh đạo: Ta tìm chánh đạo, không có thầy dạy trao, cũng không có bạn bè, Ta đi một mình không sợ điều gì, cho nên nói: Tự đạt được chánh đạo.

Như Lai trời, người tôn: Vì sao gọi là Như Lai? Như Lai là Như quá khứ Đẳng chánh giác mà Lai (đến). Ta từ đó mà đến, trong ba A-tăng-kỳ kiếp tu hành khổ hạnh, hoặc bố thí đất nước, tài sản, vợ con, đầu, mắt, tủy não, có khả năng tự cứu giúp. Từ trong sự tu tập ấy mà đến cho nên gọi là Như Lai. Lại vì có ý nghĩa là từ trong Pháp tánh Như Lai mà đến cõi đời này cho nên Như Lai như chư Phật, Thế Tôn quá khứ, có đủ mười lực, bốn thứ không sợ hãi, mười tám pháp bất cộng, thù thắng đại Từ, đại Bi. Hóa độ tất cả nhưng không rời khỏi tánh Như. Nay Ta cũng như thế nên gọi là Như Lai.

Vì sao gọi là được trời, người tôn kính? Đáp: Được trời, người tôn kính là vì trời, người nhờ Như lai mà tu nghiệp lành, vượt qua thứ lớp mà chứng thánh đạo, dứt hết hữu lậu thành vô lậu, ba đạt thần thông không có gì ngăn ngại, cho nên nói: Như Lai trời, người tôn.

Đủ tất cả trí lực: Là năng lực di thể của Như Lai, di thể của Như Lai có một trăm hai mươi tiết, mỗi tiết có một trăm hai mươi tám cánh tay. Thần lực là năng lực nhũ bộ, chứ không phải năng lực thần thông, cho nên nói: Đủ tất cả trí lực.

——————

Ta là Thế Tôn

Dứt lậu, không dâm

Các trời và người

Thảy đều Từ tâm.

Ta là Thế Tôn: Thế có ba thứ: một là ấm thế, hai là khí thế, ba là chúng sinh thế. Vì sao gọi là không đắm? Có ba nghĩa:

  1. Dứt bỏ kết sử nên gọi là không đắm.
  2. Xứng đáng nhận lãnh của tín thí nên gọi là không đắm.
  3. Không còn hạt giống nghiệp trong ba cõi, cũng không còn cội rễ, cũng không còn sinh nên gọi là không đắm.

Cho nên nói: Ta là không đắm.

Dứt lậu, không dâm: Nghĩa vô thượng không có gì vượt hơn, cũng không có ai ngang bằng. Giác ngộ tất cả các pháp, không pháp vi tế nào không biết, không pháp nhỏ nhiệm nào không thong đạt. Lại nữa, có khả năng giải đáp mọi thắc mắc của tất cả chúng sinh đang ngồi nghe pháp, cho nên nói là nghĩa vô thượng.

Chư Phật nhiều như vô số cát của sông Hằng, đời quá khứ có tuổi thọ rất lâu dài, đệ tử đông không kể xiết, cõi nước trong sạch, không dơ bẩn. Nay Ta không nghĩ rằng mình có nhiều năng lực thần thông hơn chư Phật quá khứ. Vì sao? Vì thần thông và trí lực là một, chứ không phải hai, nhưng tâm chúng sinh tự có thêm bớt, cho nên nói: Dứt lậu, không dâm.

Các trời và người, thảy đều Từ tâm: Trong các Trời, Người đời, Sa-môn, Bà la-môn, Ma hoặc Ma trời, Đế Thích, Phạm vương, bốn vị vua trời, Ta là Bậc Độc Tôn, Độc Ngộ, không ai sánh bằng.

Cho nên nói: Các trời và người, thảy đều từ tâm sinh ra.

Lúc ấy, đệ tử của sáu vị giáo chủ nghe Đức Phật nói bài kệ này xong, ai có tâm vững chắc thì liền xin xuất gia, còn ai tâm còn do dự thì họ trở về chỗ thầy họ, trình bày đủ những điều nghe thấy:

–Vị ấy là Bậc Tôn Quý trong ba cõi, thống lãnh cả mười phương, thật không có ai có thể sánh bằng. Vậy tất cả chúng ta, mỗi người hãy đi mỗi nơi, tìm chỗ sống an ổn.

——————

Ta không có thầy dạy

Một mình, không bạn bè

Chứa một hạnh làm Phật

Tự nhiên thông đạo Thánh.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn ngồi dưới cội cây, được Phạm thiên kính thỉnh, Ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đến nước Ba-la-nại.

Khi ấy, Phạm chí Ưu-tỳ từ xa trông thấy Đức Thế Tôn đi đến, nghĩ rằng: “Hôm nay, vẻ mặt của Cù-đàm vui vẻ, trong ngoài sang sủa là vì cớ gì? Thầy của Cù đàm là ai, Cù-đàm học đạo với ai, học pháp gì, tu kỹ thuật gì?” Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ cho Phạm chí nghe:

Ta không có thầy dạy

Một mình, không bạn bè

Chứa một hạnh làm Phật

Tự nhiên thông đạo Thánh.

Ta không có thầy dạy: Như Lai là Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác thấu suốt ba đời, không có việc gì không biết. Vì những chúng sinh chưa giác ngộ đời sau mà Ngài nói bài kệ này. Sau khi Ta diệt độ, sẽ có hai thầy Tỳ-kheo một vị tên là Ma-ha-tăng-kỳ và vị kia là Bà-sái-thẩm-ti, tự xưng mình là Văn-thù-sư-lợi và Phật Thích-ca.

Vì muốn trừ bỏ sự do dự của họ nên Đức Phật nói bài kệ này.

Lại có thuyết nói: Các ngoại đạo dị học, đều đặt ra luận này:

Sa-môn Cù-đàm có nghe pháp với A-lan, Ca-lan, rồi sau mới thành đạo, vì muốn trừ bỏ sự do dự ấy, cho nên nói: Ta không có thầy dạy bảo.

Một mình, không bạn bè: Như Lai là Bậc Đẳng Chánh Giác, thấu suốt ba đời, quá khứ, hiện tại, vị lai, không có việc gì là không xét biết. Vào đời vị lai có hai bộ chúng Tỳ-kheo, bộ thứ nhất gọi là Ma-ha-tăng-kỳ, bộ thứ hai gọi là Bà-sái-thẩm-ti, họ bỏ gốc theo ngọn. Ở cảnh giới có con người thì Đức Phật ra đời. Đức Phật không xuất hiện ở hai nơi: một là phương dưới gồm địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh đau khổ và phương trên là cõi trời chỉ thọ hưởng vui thú. Sự giáo hóa của Như Lai không chỗ nào không khắp. Nếu có một chỗ nào mà không được sự giáo hóa của Như Lai thì không gọi là Phật. Thế mà hai bộ kia bảo rằng Đức Phật không giáo hóa khắp nơi. Năng lực thần thông của Như Lai có thể bay lên đỉnh núi Tudi, sự giáo hóa cùng khắp, như vậy không có cùng cực, cho nên nói: Một mình, không bạn bè.

Chứa một hạnh làm Phật: Ngài trở thành Bậc Chánh Giác cao tột trong ba cõi. Đức Phật ra đời tại cõi Diêm-phù-lợi sinh ở giữa nước, chứ không phải ở biên giới. Đức Phật sinh ở cõi Diêm-phù-lợi này là vì cõi Diêm-phù-lợi này là trung tâm điểm của ngàn ức cõi Diêm-phù-lợi ở bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Thần lực cõi nước này vượt hơn các cõi khác. Các cõi khác xoay chuyển bánh xe pháp không bằng cõi này, cho nên nói: Chứa một hạnh làm Phật.

Tự nhiên thông đạo Thánh: Dứt bỏ kết sử nóng bức, lạnh nhạt không còn hơi ấm với nó. Người có tâm lo rầu thì sắc mặt thường không vui, người không có tâm lo rầu thì sắc mặt thường vui hòa. Đức Như Lai Thế Tôn cũng như vậy, mọi khổ não đã hết, không còn mọi nhiệt não, cho nên nói: Tự nhiên thông suốt đạo Thánh.

Khi ấy, Phạm chí Ưu-tỳ bước ra bạch Phật:

–Giờ đây, Ngài tự xưng là Bậc Tối Thắng phải chăng?

Lúc đó Đức Phật liền trả lời Phạm chí bằng bài kệ này:

Ta thắng, không thọ ác

Hơn tất cả thế gian

Trí rộng lớn không bờ

Ta, bậc mở trí người.

Ta thắng, không thọ ác, hơn tất cả thế gian: Thắng được mọi điều ác trên đời này gọi là thắng. Nhưng thắng ấy chưa phải là thắng, chỉ khi nào dứt hết các lậu hoặc, kết sử, các kết sử hết hẳn mới gọi là Thắng. Khi ấy thì riêng mình làm vua cả thế giới, không có ai sánh bằng, cho nên nói: Ta đã tối thắng, không còn chịu ác, hơn tất cả thế gian.

Trí rộng lớn không bờ: Ta, bậc mở trí người: Thế gian đầy pháp ác, người ta bị sa đọa theo tội ác mình đã làm. Ta đã diệt hẳn chúng, chứng được pháp nhẫn bất khởi. Hoàn toàn chấm dứt việc thọ thân đời sau với mười hai nhân duyên níu kéo, cho nên nói: Trí rộng lớn không bờ bến, Ta là Bậc Tối Thắng, mở trí cho người.

Khi ấy Phạm chí Ưu-tỳ bước đến bạch Phật:

–Bây giờ, Cù-đàm định đi đâu?

Đức Phật trả lời bằng bài kệ sau đây:

Ta đến Ba-la-nại

Để đánh trống Cam lộ

Và quay bánh xe pháp

Chưa từng có ai quay.

Phạm chí lại hỏi Đức Phật:

–Ngài suy nghĩ kỹ rồi chứ?

Đức Phật bảo Phạm chí:

–Như Lai không nói hai lời.

Nghe xong, Phạm chí cúi đầu, rẽ sang đường khác mà đi.

Trí không sống kẻ ngu

Xét thế, tùy hóa độ

Giảng nói không vết nhơ

Dứt hẳn không ai hơn.

Trí không sống kẻ ngu, xét thế tùy hóa độ: Đức Phật và các đệ tử trước quán sát thế gian coi ai là người đáng được độ và ai không đáng được độ. Quán sát cùng khắp coi ai có khả năng nhận lãnh sự giáo hóa, ai không có khả năng nhận lãnh, ai là người có gieo trồng gốc giải thoát, ai là người không gieo trồng gốc giải thoát, cho nên nói: Người trí không sống với kẻ ngu, xem xét thế gian tùy theo căn cơ mà giáo hóa.

Giảng nói không vết nhơ, dứt hẳn không ai trên: Không còn vết nhơ chỉ cho Bát thánh đạo, dứt hẳn chỉ cho Nê-hoàn dứt hết phiền não. Bậc Thánh ra đời tiếp độ chúng sinh, thường sử dụng Bát thánh đạo. Từ đầu đã không lìa hạnh vô lậu, cho nên nói:

Giảng nói không vết nhơ, dứt hẳn không ai trên.

—————–

Mạnh mẽ nói lớn

Chánh pháp Như Lai

Pháp thuyết, nghĩa thuyết

Giác ngộ an mãi.

Mạnh mẽ nói lớn, chánh pháp Như Lai: Người mạnh mẽ chỉ cho Đức Phật và các đệ tử Đức Phật. Đức Thích-ca đã mạnh mẽ vượt qua chín kiếp, nên gọi là mạnh mẽ. Sáu vị giáo chủ ngoại đạo buông lung, thích tu những việc không đúng pháp, không theo chánh luật. Những lời Như Lai giảng nói, những pháp Như Lai thực hành đều vượt ngoài pháp thế gian, cho nên nói: Mạnh mẽ nói lớn, chánh pháp Như Lai.

Pháp thuyết, nghĩa thuyết, giác ngộ an mãi: Pháp người chẳng phải là pháp, mọi người chê cười, mọi người ghét bỏ. Pháp thuyết, nghĩa thuyết do Như Lai giảng nói khiến người nghe vui mừng, dứt hết buồn rầu nhiệt não, hoàn toàn không còn khổ nạn, thường được an ổn, tâm thức lạnh nhạt, cho nên nói: Pháp thuyết, nghĩa thuyết, giác ngộ an mãi.

——————

Mạnh mẽ lập nhất tâm

Xuất gia, thường dứt bỏ

Các trời thường che chở

Đức Phật khen, thọ ký.

Mạnh mẽ lập nhất tâm: Người tu hành định ý nhất tâm, không còn nghĩ điều gì khác. Các công đức đầy đủ, ý không bị loạn động, người nhập định thì mong cầu điều chi đều có kết quả, cho nên nói: Mạnh mẽ lập nhất tâm.

Xuất gia thường dứt bỏ: Xuất gia chẳng những là từ giã vợ con, dứt bỏ năm thứ dục lạc, mà còn tu đạo thượng giới, ra khỏi cõi Dục, lìa khỏi Sơ thiền, tu pháp không sinh diệt, cho nên nói: Xuất gia thường dứt bỏ.

Các trời thường che chở: Người nhập định thì các trời che chở, thờ phụng kính lễ, muốn làm cho người ấy tăng thêm công đức, cho nên nói: Các trời thường che chở.

Được Phật khen, thọ ký: Từ cõi này cho đến cõi trời Tịnh cư đều khen ngợi người lập căn. Chúng sinh ở cõi Diêm-phù-lợi vui mừng, được lợi ích tốt lành. Như Lai hiện tại nói rộng pháp vị, chúng sinh được độ không thể tính kể, cho nên nói: Được Phật khen, thọ ký.

——————

Ở trong cõi trời, người

Khen ngợi Đẳng Chánh Giác

Mau được tự giác tỉnh

Thân cuối, không tái sinh.

trong cõi trời, người, khen ngợi Đẳng Chánh Giác: Các trời và người đời thường ca tụng công đức của Đức Phật. Mọi người đều hiến dâng lòng thành lên sự thành tựu của Đức Phật, không hề lui sụt, cho nên nói: ở trong cõi trời, người, khen ngợi Đẳng Chánh Giác.

Mau được tự giác tỉnh: Các loài chúng sinh khen ngợi việc chưa từng có. Công đức của Như Lai rất kỳ lạ, đặc biệt, tất cả chúng con cho rằng Như Lai ngồi trên tòa này làm sao có thể đi qua vô lượng trăm ngàn thế giới mà giáo hóa chúng sinh, không lấy đó làm mệt mỏi, cho nên nói: Mau được tự giác tỉnh.

Thân cuối, không tái sinh: Đức Phật thọ thân lần cuối cùng, khi sắp nhập Niết-bàn, Như Lai tự khen ngợi và bảo A-nan:

–Đây là thân cuối cùng, Như Lai không còn thọ sinh, bởi Như Lai nhập vào vô vi vắng lặng hoàn toàn, không còn bị sinh diệt nữa. A-nan nên biết, Ta xem hết mọi nơi trên dưới, không trung, Ta không còn thọ sinh ở đâu nữa bởi sinh phần đã chấm dứt. Này Anan, Ta không còn đắm nhiễm tục lụy, Ta không còn trở lại trong đời sống quay cuồng hỗn tạp của thế gian này. Cho nên nói: Thân cuối, không tái sinh.

——————-

Các Đức Phật quá khứ

Và các Phật vị lai

Đẳng Chánh Giác hiện tại

Thường dứt khổ chúng sinh.

Trong kinh Tạp A-hàm nói:

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc thành Xá-vệ. Khi ấy Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Người đời ở chung mà không cung kính nhau thì rất khổ. Ta thường nghĩ rằng: “Ở trên đời này, có ai, hoặc Sa-môn, Bà-la-môn mà hơn Ta thì Ta sẽ thờ phụng cung kính cúng dường. Ta nên quán sát xem vị Sa-môn, Bà-la-môn nào đáng cho Ta cung kính?” Này các Tỳ-kheo, khi đó, Ta lại nghĩ rằng: “Thuở xưa, Ta thành Phật là bởi bốn ý đã ngưng, bốn ý đã dứt, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám trực hạnh. Nay Ta thờ phụng cúng dường như tôn kính bậc trưởng thượng. Các Đức Phật Thế Tôn nhiều như số cát sông Hằng đời quá khứ cũng đều nhờ những pháp này mà thành Bậc Tối Chánh Giác. Chư Phật nhiều như số cát sông Hằng đời vị lai, cũng nhờ những pháp này mà được thành đạo. Hiện nay, Ta là Bậc Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, cũng nương nhờ những pháp này mà thành tựu đạo quả. Ngày nay, chính Ta suy nghĩ phân biệt những pháp ấy. Cho nên nói: Các Đức Phật quá khứ và các Đức Phật vị lai, Đẳng Chánh Giác hiện tại, thường dứt khổ chúng sinh.

Cùng nhau kính trọng Pháp

Đã kính và nay kính

Hoặc là sẽ cung kính

Đó pháp yếu của Phật.

Đức Phật nói bài kệ trên là muốn trích dẫn sự cung kính trong ba đời.

——————-

Nếu muốn tự cầu yếu

Chánh thân là bậc nhất

Cung kính đối Chánh pháp

Thường nhớ lời Phật răn.

Nếu muốn tự cầu yếu, chánh thân là bậc nhất: Người muốn thành đạo thì phải tự cầu pháp yếu. Tiến tới trên đường đạo và cung kính các pháp. Nhớ nghĩ những lời răn dạy của chư Phật quá khứ nhiều như số cát sông Hằng. Những lời răn dạy ấy như hiện ở trước mắt, không hề sót mất, cho nên nói: Nếu muốn tự cầu pháp xuất ly thì chánh thân là bậc nhất, cung kính đối chánh pháp,thường nhớ lời Phật răn dạy.

 

QUYỂN 21

Phẩm 22: NHƯ LAI (Phần 2)

Những ai không tin Phật

Những loại chúng sinh đó

Phải rơi vào đường hiểm

Như buôn gặp La-sát.

Những ai không tin Phật: Cõi Diêm-phù-lợi có rất đông người đi buôn, họ rủ nhau xuống biển tìm châu báu. Ngay khi trở về, họ gặp sóng to gió lớn nổi lên đánh chiếc thuyền bể tan, lại có những người nương chiếc thuyền đã vỡ, theo sức gió thổi, thuyền họ bị lạc vào cõi La-sát. Có rất nhiều nữ quỷ La-sát, mặt mày xinh đẹp, lại trang sức thân thể bằng các xâu chuỗi anh lạc ra tiếp đón những người khách buôn:

–Lành thay! Các chàng trai vừa đến, nơi đây có nhiều tài sản vật báu, minh châu như ý vô giá, các thứ châu báu không có ai coi giữ, các anh cứ tùy ý lấy. Bọn chúng tôi không có chồng, mà các anh lại không có vợ, các anh hãy ở lại đây, để chung hưởng vui thú với chúng tôi. Khi gió đã lặng sóng đã im, các bạn lành cùng nhau trở về quê nhà không xa. Các anh nên biết rằng: Ngày đêm song biển đánh ầm ầm không có phương hướng nhất định. Nếu thấy bên trái có con đường để đi, thì hãy cẩn thận chớ đi theo con đường ấy.

Hãy coi con đường phía trái là một giấc chiêm bao, không nên kể cho ai nghe.

Khi ấy, trong những người đi buôn, có một người khôn ngoan, thông hiểu, trong tâm suy nghĩ: “Các cô gái này nói về chuyện con đường bên trái, không chừng ta gặp cơ may đây”. Anh này liền sắp đặt âm mưu. Đến chiều tối, anh và cô gái nọ cùng nằm chung ân ái. Rình khi cô gái nọ say ngủ, anh ta thức dậy và đi theo con đường bên trái. Mới đi chừng vài dặm thì anh nghe trong thành nọ có tiếng kêu gào oán trách của hằng ngàn muôn người. Họ kêu gọi cha mẹ, anh chị em gái, vợ con của mình rằng sao bỏ cõi Diêm-phù-lợi mà đến đây chịu chết như thế? Nghe xong, người đi buôn khắp mình nổi ốc, nhưng anh nhiếp giữ tâm ý, tiến thẳng đến chỗ thành. Quan sát cùng khắp, anh thấy vách thành bằng sắt đúc, cũng không có cửa nẻo, chỗ ra vào. Cách thành không xa, có cây Thi-lệ-sư cao lớn. Anh vội chạy đến, leo lên cây, thấy trong thành, có mấy ngàn muôn người đang khóc lóc kêu gào. Anh liền hỏi vói vào người bên trong:

–Vì sao lại kêu réo cha mẹ, anh em như thế?

Người trong thành trả lời:

–Bọn chúng tôi ra khơi tìm châu báu, bị gió thôi trôi giạt. Lại bị các nữ quỷ La-sát dối gạt làm cho rơi vào thế giới quỷ và bị nhốt trong thành vững chắc này. Trước đây có đến năm trăm người, bị giết lần hồi, hiện giờ chỉ còn hai trăm năm mươi người còn sống.

Anh chớ tưởng rằng các cô gái ấy là người, thật sự bọn chúng đều là quỷ La-sát!

Nghe xong, anh này vội tuột xuống, trở về trong xóm các cô gái nọ, lén đến nằm bên cạnh cô gái kia. Sáng bữa sau, anh liền nói với đồng bạn:

–Tôi có chuyện kín muốn nói, các bạn hãy đến chỗ vắng. Cẩn thận, chớ để ai đi theo.

Nghe vậy, mọi người đều hưởng ứng. Đến chỗ khuất, anh này liền nói:

–Các bạn biết không, đêm rồi, tôi cứ thắc mắc, không biết tại sao các cô gái kia cứ ân cần nhắc nhở chúng ta chớ đi theo con đường phía bên tay trái. Chờ khi cô gái nọ ngủ say, tôi mới lén ngồi dậy đi qua bên đó, tôi thấy một cái thành bằng sắt rất lớn, cả trăm người bị nhốt trong đó đang gào khóc. Tôi leo lên ngọn cây và từ xa hỏi cớ sự thì người trong thành bảo rằng: “Thuyền chúng tôi bị loài cá Ma-kiệt phá vỡ, gió to sóng lớn đưa chúng tôi lạc tới cõi quỷ này và bị nhốt trong tòa thành sắt cao đến mấy mươi trượng.” Rồi người ấy khuyên tôi hãy mau về nhà khéo tìm cách. Vậy, bây giờ các bạn tính sao?

Các người đi buôn trả lời:

–Tối hôm qua sao anh không hỏi lại người ấy có cách gì để mọi người và chúng ta được trở về nhà cho an ổn?

Anh này nói:

–Tối qua, khi trở về, tôi quên hỏi chuyện ấy. Tối nay, tôi sẽ lén đến đó để hỏi lại.

Nói xong, mọi người đều trở về nơi mình đang ở. Người có hiểu biết kia, đêm nay cũng ân ái với cô gái nọ. Đợi cô ngủ say, anh lén ngồi dậy, đến nơi, leo lên cây và hỏi những người trong thành:

–Các ông có cách gì để giúp mọi người chúng tôi trở về cõi Diêm-phù-lợi chăng?

Người trong thành nói:

–Bọn tôi, ai nấy đều muốn trở về cõi Diêm-phù-lợi, nhưng thành sắt này thì có nhiều lớp, không thể phá tan được. Còn cái chết thì đang tới từng ngày, không thể tránh khỏi. Chỉ có anh, là người đang ở ngoài, may ra tìm được ít cách để có thể trốn thoát mà trở về quê cũ. Sáng sớm ngày rằm, có một con ngựa đầu đàn ăn toàn gạo nếp tự nhiên, từ Uất-đơn-việt nó sẽ đến nước quỷ này, rồi đứng trên núi cao, tự cất tiếng hô to ba lần rằng: “Có ai muốn về cõi Diêm-phù-lợi không?” Khi nghe tiếng gọi của con ngựa đầu đàn ấy thì anh nên đến kính lễ nó và xin được về quê cũ.

Nghe xong, người hiểu biết này liền trở về, kể lại hết sự việc cho mọi người nghe, họ bảo:

–Bây giờ, chúng ta đi ngay được chăng?

Người hiểu biết nói:

–Phải đợi đến ngày rằm kia ngựa đầu đàn mới đến, ta mới đi được.

Quả nhiên, chưa đầy mấy hôm sau, con ngựa đầu đàn bay đến trên đỉnh núi cao. Nó hô to ba lần: “Có ai muốn trở về cõi Diêmphù- lợi không?” Tiếng nó vang rất xa. Nghe tiếng nó, những người đi buôn này liền đến chỗ con ngựa đầu đàn, thưa:

–Chúng tôi, đều muốn trở về quê cũ. Mong ông giúp chúng tôi được trở về.

Ngựa đầu đàn nói:

–Các vị hãy chú ý nghe lời ta nói! Các vị, những ai muốn trở về quê cũ thì lòng dạ phải chuyên chánh mới về được. Lòng ai không chuyên chánh thì không về được, bởi các cô gái này sẽ ẵm bồng các con trai, con gái đuổi theo các vị, kêu khóc thảm thiết.

Trong các vị, những ai khởi tâm luyến ái, dù đang ngồi trên lưng tôi đi nữa, vẫn không thể trở về được. Nếu ai đã dứt bỏ được ân ái, chuyên tâm nhất ý, không còn chút quyến luyến thì chỉ cần chú ý nắm một sợi lông của ta thì cũng được trở về quê cũ.

Đúng như lời ngựa đầu đàn nói, các cô gái kia kéo đến, bảo các người chồng rằng:

–Thân hèn mọn của bọn tôi có sá gì, nhưng vì sao các anh nỡ bỏ con cái của chúng ta?

Rồi họ xúi đám con trai, con gái đến ôm cổ cha mà kêu la khóc lóc inh ỏi: “Sao cha nỡ bỏ chúng con mà định đi đâu?” Những người tâm còn luyến ái thì cuối cùng không trở về được. Chỉ có một người có đại trí sư tử là được trở về an ổn. Cho nên nói: Những ai không tin Phật, những loại chúng sinh như vậy, phải rơi vào đường hiểm, như người buôn gặp quỷ La-sát.

Những ai tin Phật: Như loại chúng sinh này, an ổn trở về đều nhờ ngựa đầu đàn cứu thoát, thì chỉ có một người có trí sư tử là được an ổn trở về, con những người khác thì bởi tâm luyến ái nên phải chịu tai ách. Khi ấy các La-sát ẵm con trai, con gái đuổi theo những người đi buôn Sư Tử này cùng khắp mọi nơi và bảo những người trong thôn ấp rằng: “Sư Tử là chồng tôi, cùng tôi sinh con đẻ cái, nhưng nay bỏ tôi, trốn đi, không biết đang ở đâu. Mọi người nghe nói bèn hỏi Sư Tử rằng:

–Ta thấy vợ anh tánh tình, dung mạo xinh đẹp tuyệt diệu trong tất cả mọi người, đám con trai con gái rất đáng thương, vì sao anh lại bỏ chúng nó?

Sư Tử trả lời:

–Đó không phải là người, mà là quỷ La-sát! Chúng nó sống trên một vùng biển nhỏ, ăn thịt vô số những người đi buôn nhiều không kể xiết. Mấy trăm người bạn tôi, hiện đang bị nhốt trong thành bằng sắt, chỉ một mình tôi là người may mắn được thoát khỏi.

Bây giờ, quỷ La-sát cái này đuổi theo tôi, muốn hại tôi, tôi sợ không thoát khỏi nó.

Nói xong, người ấy lại đi về phía trước, trở về quê cũ. Con quỷ La-sát này cũng đuổi theo, nó đến nước của anh này rồi đến trước vua thưa:

–Thiếp và chàng Sư Tử là vợ chồng, sinh được đám con này, mong cậy nhờ mai sau. Chẳng ngờ, hôm nay anh ấy bỏ trốn đi. Dù anh ấy không muốn chung sống với thiếp thì cũng phải có bổn phận nuôi nấng đám con thơ này. Phần thiếp, tuổi còn trẻ thì còn có thể thích ứng được.

Vua cho đòi Sư Tử đến hỏi sự thật:

–Vợ ngươi còn trẻ, mặt mày xinh xắn, đám con thì đẹp đẽ khác thường, đều có tướng quân tử. Thế tại sao ngươi nỡ bỏ chúng, không chịu chấp nhận?

Sư Tử tâu vua:

–Chúng chẳng phải người mà là quỷ La-sát ăn thịt người, chúng biến hóa ra hình người trai gái đeo dính theo thần. Nó đợi ai vô ý là giết thần ngay. Trước đây, thần dẫn năm trăm người đi buôn ra biển tìm châu báu, tất cả đều bị quỷ La-sát ăn thịt. Chỉ có thần là người duy nhất thoát được. Nay lại bị theo đuổi nữa, không biết sẽ tính sao đây?

Vua bảo Sư Tử rằng:

–Nếu ngươi không muốn cô ấy làm vợ nữa thì đem đến cho ta!

Sư Tử nói:

–Cô ấy thật sự không phải người mà là quỷ La-sát. Nếu sau này có chuyện tai ách gì thì đừng oán trách.

Sư tử lại nói với các quan đứng hầu vua:

–Nữ quỷ La-sát cái này đến đây chắc chắn sẽ hại vua, nay vua không tin lời mà lại cho vào cung sâu. Như thế thì không bao lâu, vua và những người trong cung đều thành tro bụi.

Vua tức giận bảo Sư Tử:

–Cô gái kia đẹp như ngọc nữ cõi trời, tại sao lại nói là quỷ La-sát? Ngươi hãy mau ra khỏi thành, để ta tự xem xét.

Vua đem cô gái quỷ La-sát vào nội cung. Cửa cấm cung khép chặt, một đêm qua nhanh. Sáng hôm sau, đến giờ ăn, nhưng cửa cung vẫn chưa mở. Các quan nói với nhau rằng: “Vua mới nạp cung phi, lòng còn say mê nên chưa mở cửa”. Sư Tử nói:

–Không phải thế đâu! Có lẽ vua cùng phu nhân và các thể nữ đã bị quỷ La-sát ăn thịt hết rồi, nên cửa không mở đấy.

Mọi người liền lấy thang cao leo tường vào trong thì thấy thây ma và hài cốt chất đầy mấy gian nhà. Lại thấy một cái lỗ sâu mới đào. Các quan hỏi Sư Tử:

–Bây giờ vua chết, người cả cung đều bỏ mạng. Xương chất đống không thể phân biệt ai là ai. Biết xác vua đâu mà chôn cất?

Sư tử nói:

–Nên gom xương lại thành đống rồi hỏa thiêu. Chỉ nói là chon vua, còn những người khác thì không tính.

Chôn cất xong, các quan trách Sư Tử:

–Chính ngươi đã đem quỷ La-sát về giết vua hại nước, cung điện tiêu tan, bây giờ ngươi tính sao?

Sư tử đáp:

–Tôi đã nói trước đây rằng cô gái ấy không phải người, mà là quỷ La-sát. Sau này có tai ương gì chớ trách tôi, giờ đây sao các ngài còn trách tôi như vậy?

Các quan và dân chúng bước đến thưa với Sư Tử:

–Nay vua chết, không ai nối ngôi. Vậy cúi mong ngài lên ngôi để cai trị nhân dân khiến đất nước được bình yên mãi mãi để chúng tôi có chúa mà tôn thờ.

Sư Tử bảo:

–Nếu các vị muốn cử tôi làm vua thì phải nghe lời tôi, nếu không nghe lời tôi thì bị quỷ La-sát ăn thịt hết.

Mọi người dù thân tướng khác nhau nhưng đều khen là hay lắm và cùng nhau nghe lời vua dạy bảo. Vua bảo các quan:

–Bọn nữ quỷ La-sát ngủ nghỉ đúng giờ, ta nên nhóm họp các thứ binh, giong thuyền ra biển đánh úp bọn chúng.

Cả triều đình liền lên đường đánh úp bọn nữ quỷ La-sát, lớn nhỏ đều chết không còn sót một tên nào. Rồi quay sang phá sập thành sắt kia, giải thoát cho những người trong ấy. Nhờ đó nhân dân sống giàu sang tự nhiên với nhiều của báu vật lạ không kể xiết. Nhân đó, đặt tên thành là Sư Tử di lạc. Các quỷ La-sát khác thì di chuyển về phía Tây núi Thiết vi, còn nhóm ở phía Đông Thiết vi thì sống theo luật pháp người thường của phong tục địa phương. Nếu có ai không thờ phụng Phật thì đem giao cho quỷ ở phía Tây ăn thịt. Từ đó đến nay, Phật pháp hưng thịnh, người đắc đạo vô số. Cho nên nói: Những kẻ tin Phật, như loại chúng sinh này, an ổn về nhà đều nhờ ngựa đầu đàn cứu thoát.

Lại nữa, ở cõi nước ấy, theo tục lệ thông thường thì khi vua sinh thái tử hoặc mười, hoặc trăm, hoặc đến vô số vị đều cho xuất gia học đạo, tụng tập kinh Phật, thuộc lòng ba tạng, sau đó mới thôi đời sống tu học trở về làm vua. Những người con nào không biết chữ Phạm, không học thông kinh điển thì không bao giờ được lên làm vua. Và phải ở ngoài các bãi sông, cho nên gọi là bãi sông Sư tử.

—————–

Như Lai, không ai sánh

Tư duy hai quán hạnh

Nơi vắng quán hai hạnh

Trừ tối, vượt thần tiên.

Như Lai không ai sánh: Như Lai sống ở trên đời với oai thần công đức vô lượng. Có khả năng bay lên hư không, chúng sinh được giáo hóa không hạn lượng. Dẫn dắt chúng sinh, chỉ rõ mắt tuệ, giáo dục nuôi dưỡng chúng sinh bằng bốn tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả, ai gặp Phật đều được độ thoát, cho nên nói: Như Lai, không ai sánh bằng, tư duy hai quán hạnh, nơi thanh vắng quán hai hạnh, trừ tăm tối, vượt hơn Thần tiên.

———————-

Khéo được, được tự tại

Ái hết, không chứa nhóm

Tâm giải thoát, vô lậu

Ban ân tuệ trời, người.

Khéo được, được tự tại: Chúng sinh sống trong sự lầm than, trôi lăn trong năm đường, bảy sóng kết sử nhồi dập, muốn đến với đạo thì không biết đường nào mà đến, vì vậy: Như Lai không bỏ tâm hoằng thệ, cứu vớt khổ nạn, chỉ bày cho tất cả chúng sinh ngôi nhà tự tại, cho nên nói: Khéo được, được tự tại.

Ái hết không chứa nhóm: Được bốn món không sợ hãi, dứt hẳn ái dục, cho nên nói: Ái dục dứt hết không còn chứa nhóm.

Tâm giải thoát vô lậu: Tâm được giải thoát mãi mãi, không có gì trở ngại, lại được vô lậu, dứt hẳn các cấu uế, cho nên nói:

Tâm giải thoát vô lậu.

Ban ân tuệ trời, người: Tất cả chúng sinh đều đến quy ngưỡng, cho nên Thánh nhân tùy thời giáo hóa, cứu giúp, không thiếu sót, cho nên nói: Ban ân tuệ cho cả trời, người.

——————–

Như người đứng đỉnh núi

Nhìn khắp xóm làng người

Quán sát pháp cũng thế

Như lên lầu ngắm vườn

Người lo dứt không lo

Giúp biết đường sinh tử.

Như người đứng đỉnh núi, nhìn khắp xóm người: Như ngườicó mắt sáng nhìn hết cả xóm làng, thấy kẻ ngồi, người đi, kẻ ra vào, đi lại, người khóc lóc, kẻ múa hát, đều thấy rõ hết. Đức Như Lai Thế Tôn cũng như vậy, Ngài đứng trên đỉnh núi trí tuệ nhìn thấy chúng sinh trong năm đường, thấy ai trí tuệ thông minh, ai ngu si, ai đến được, ai không đến được, đều phân biệt rõ ràng mà đến đó giáo hóa họ, cho nên nói: Như người đứng trên đỉnh núi nhìn bao quát cả xóm làng của người bên dưới.

Quán sát pháp cũng thế, như lên lầu ngắm vườn: Đức Như Lai dùng Thiên nhãn nhìn thấy khắp tất cả, như lên lầu cao thì thấy rõ mọi thứ, phân biệt ai dễ độ, ai khó độ, ai có thể nói thì nói, không thể nói thì im lặng, tùy từng đối tượng mà giúp họ được thành đạo, cho nên nói: Quán sát pháp cũng thế, như lên lầu cao ngắm vườn hoa.

Người lo dứt không lo, giúp biết đường sinh tử: Đức Như Lai quán sát ai có lo rầu, ai không lo rầu, ai ít hiểu biết, ai nhiều hiểu biết. Ngài dạy bảo chúng sinh khiến họ biết đường sinh tử, cho nên nói: Người lo dứt không lo, giúp họ biết đường sinh tử.