KINH ĐẠI BI
(ĐẠI AI KINH)
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 6

Phẩm 22: ĐẠO NHƯ LAI

Phật nói:

–Thiện nam! Đó là hành nghiệp của Như Lai. Với đạo hạnh ấy Như Lai hóa độ chúng sinh, diễn pháp không văn tự, khó thành, khó đạt. Thiện nam! Không ai có thể chế ngự được Như Lai Chí Chân. Hạnh Phật là vô lượng, không thể nghĩ bàn, Trời, Rồng, Thần, Người đều không thể suy biết. Từ không ngôn ngữ, Phật tạo phương tiện giảng thuyết, không gì ngăn chống được. Hạnh Phật rộng lớn khắp các cõi, siêu vượt, không tà vạy, không vọng tưởng, bình đẳng như hư không, không khác pháp giới. Vì sao? Vì pháp Phật giảng thuyết là vô lượng nhân, giảng thuyết không thiên lech. Tất cả chư Phật ở các cõi đều thế, đều cùng thần thông, giải thoát, Niết-bàn.

Thiện nam! Như Lai Chí Chân thành Phật từ một vị trong pháp giới, không chướng ngại trong cõi chúng sinh. Với phương tiện quyền biến, hiểu rõ các pháp không trở ngại, Như Lai giảng pháp giúp chúng sinh không thoái chuyển nơi Bồ-đề vô thượng. Thiện nam! Ví như thợ ngọc mài dũa, tôi luyện một viên ngọc sáng quý, không tỳ vết. Sau đó dùng viên ngọc này để làm cho nước đục thành trong, rồi đem nước dùng vào việc nấu nướng hoặc uống, công việc ấy không khó nhọc. Kế đó người thợ ngọc ngâm viên ngọc trong nước thuốc, tẩy hết mọi vết nhơ bám vào, viên ngọc trở thành viên ngọc dạ quang. Như Lai cũng thế, quán sát cảnh giới ô uế của chúng sinh, biết chúng sinh mê hoặc, chìm đắm trong sinh tử, chịu bao khổ não, Như Lai thuyết giảng pháp vô thường, khổ, không, vô ngã để chúng sinh đi vào pháp Phat. Như Lai dễ dàng làm mọi việc đó, thông đạt Không, Vô tướng, Vô nguyện, chỉ dạy cho chúng sinh bằng lòng Từ, siêng năng nhưng không chấp trước, thành tựu đạo không thoái chuyển, giảng giải pháp ba thừa, trình bày cảnh giới Phật, đưa chúng sinh vào cõi Phật, đạt pháp Bồ-đề vô thượng của Phật.

Thiện nam! Vì thế cần quán biết Tam-muội của Như Lai thật không thể nghĩ bàn, bình đẳng, thông cả ba đời, không đoạn Tam bảo. Như Lai an trụ nơi đạo hạnh bình đẳng như hư không, tự tại hiện thân khắp các cõi Phật, không chấp các pháp, tùy thuận theo ngôn ngữ của chúng sinh mà chỉ dạy. Như Lai thuyết pháp cho chúng sinh nhưng không chấp, biết rõ tâm tánh, sở thích của chúng. Với chí nguyện thanh tịnh của các Bồ-tát, Như Lai xuất hiện ở đời.

Thiện nam! Hạnh nghiệp của Như Lai vốn không, nghĩa là không trụ vào đâu, không tránh xa, không ngừng nghỉ. Như Lai truyền dạy cho các Bồ-tát. Lúc Phật giảng nói pháp hạnh của Như Lai, cõi nước khắp mười phương đều chấn động sáu cách. Ánh sáng soi khắp các cõi, bảo vật hoa hương trời tuôn đầy xuống bảo tòa Sư tử của Phật. Đại chúng Thanh văn, Trời, Rồng, Quỷ thần, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, thiện nam, tín nữ nghe kinh này đều rất vui mừng, phát khởi tâm lành. Tất cả đều dâng hoa, hương, vòng hoa, hương xoa, cờ, phướn, lọng, đánh trống, trổi nhạc, đánh đàn, thổi sáo để cúng dường Như Lai. Chúng sinh dâng đủ loại lên Phật nào là ngọc báu trên đầu, nào là dầu xoa tóc, anh lạc báu, ngọc minh nguyệt, ngọc hoài nguyệt, hoa giải thoát, ngọc không tỳ vết, dây thao đỏ, trái báu, chim nhạn, sợi, vật tịnh, vật không chấp, dây chuyền, vật trang sức nơi tay, chân, ngọc dạ quang, ngọc tử ma, ngựa báu, châu xanh đỏ, ngọc nguyệt quang, ngọc quý, bạc, vàng, các loại hương, hương chiên-đàn, hương chiêm đường, hương hắc diệu, hương giống người, các loại hoa trời, hoa ý, hoa vô cực ý, hoa nguyệt độ nguyệt, hoa nhu nhuyến âm, hoa trên đất, hoa trăm cánh, hoa ngàn cánh, các loại hoa ánh sắc xinh đẹp, hoa thanh liên, hoa phù dung, hoa tu-ma-na, hoa vô ưu, các loại nhạc bằng trống, ống sáo, ống tiêu các Bồ-tát bay lên hư không gieo mình xuống để cúng dường Phật. Bấy giờ, trong hư không tự nhiên xuất hiện tòa báu cao lớn, trang sức bằng các loại vật báu như vàng bạc anh lạc vô số Bồ-tát xuất hiện, đi quanh Phật bảy vòng, an tọa nơi tòa sen báu. Vô số chư Phật ở mười phương đều khen ngợi để cúng dường kinh điển giải thoát ấy. Cúng dường xong, chư Phật bảo các Bồ-tát đệ tử đến cõi Nhẫn này. Ở cõi Nhẫn tự nhiên xuất hiện một tòa báu. Đại chúng thấy vậy đều phát tâm Bồ-đề vô thượng. Vô số Bồ-tát đạt pháp Nhẫn vô sinh.

Khi ấy, Đức Thế Tôn quán sát chúng Bo-tát, hỏi:

–Các Đại sĩ! Ai có thể lãnh nhận việc giữ gìn, ngày đêm túc trực, không vọng tưởng, im lặng để bảo vệ tòa báu cùng các vật trang sức trên bảo tòa này đợi đến năm thứ mười sáu kể từ khi thành Phật, Đức Di-lặc sẽ an tọa tòa ấy. Đó là hạnh nguyện của các Bồ-tát ở trong pháp hội nêu giảng pháp môn Vô cái này. Đức Di-lặc sẽ thuyết kinh này vào lúc đó, các Bồ-tát hãy cúng dường Đức Di-lặc và Bồ-tát thuộc Hiền kiếp.

Nghe Phật hỏi, Bồ-tát Biến Động Chư Pháp Vương rời tòa, quỳ gối, chắp tay, bạch Phật:

–Bạch Tôn! Con xin làm việc ấy.

Lúc đó, ma vương Sở Tác đến cùng bốn ma hỏi Bồ-tát Biến Động Chư Pháp Vương:

–Thiện nam! Ông cất tòa báu này vào đâu để không hư hoại?

Bồ-tát đáp:

–Thiện nam! Cái gì có hình đều sẽ hư hoại, là vô thường, không thể trường tồn. Chỉ có hư không là không hủy hoại, không trở ngại, là nơi cất giữ an toàn nhất. Thiện nam! Hãy nhìn kỹ vào thân ta. Nhìn thật kỹ, không được nháy mắt, ông sẽ thấy vật ấy.

Theo lời Bồ-tát, ma vương Sở Tác làm theo. Ma vương thấy từ rốn của Bồ-tát hiện ra một cõi nước tên Thủy vương quang minh. Vì cõi đó đầy nước, nhìn từ xa chẳng khác nào một biển lớn. Đức Phật cõi ấy hiệu Lạc Liên Hoa Thủ. Chúng đệ tử đều là Bồ-tát Đại thừa. Trong cõi ấy có hoa sen tên Bảo trang nghiêm. Như Lai và Bồ-tát an tọa nơi tòa sen ấy. Thấy vay ma vương Sở Tác chắp tay, cúi lạy Bồtát. Bồ-tát Biến Động Chư Pháp Vương hỏi:

–Nhân vương! Có thấy vật đựng chưa? Ở đó có thể cất được tòa báu này, dù trải qua trăm ngàn vạn ức na-do-tha kiếp số các vật trang sức trên bảo tòa vẫn không thể bị hư hoại.

Nghe vậy, ma vương cúi lạy Phật thưa:

–Thế Tôn! Từ xưa đến nay, tâm con tạp loạn chưa từng được gặp các Bồ-tát như thế, chưa từng được nghe kinh pháp này, chúng con chỉ mong đạt quả Thanh văn, Duyên giác là đã diệt độ. Hôm nay, con được thấy Bồ-tát Biến Động Chư Pháp Vương với oai thần khó lường và được nghe kinh này, con nguyện phát tâm Bồ-đề vô thượng không thoái chuyển, ở trong pháp Phật, thương yêu bảo vệ chúng sinh. Dù con phải đọa địa ngục trong hằng sa số kiếp mới thành Phật con vẫn không hối hận, không bỏ pháp Phật.

Đức Phật khen ma vương Sở Tác:

–Lành thay, lành thay! Ngươi đã vì đạo mầu, mặc giáp thệ nguyện lớn ngươi sẽ toại nguyện.