SỐ 186
PHẬT NÓI KINH PHỔ DIỆU
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt chỉ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 7

Phẩm 21: QUÁN SÁT CÂY

Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Khi Bồ-tát đã thành tựu quả vị Chánh giác, chư Thiên đi đến ca ngợi Phật xong, Như Lai ngồi ngay ngắn, nhất tâm chăm chú nhìn cây Bồ-đề, mắt không hề chớp. Thiền duyệt làm thức ăn, giải tuệ làm thức uống, an ổn không hề tổn hại. Suốt bảy ngày đêm nhìn cây Bồ-đề nơi đạo tràng để báo ân cây. Qua bảy ngày xong, Thiên nhân cõi Dục, mỗi người mang theo một vạn bình nước thơm, Thiên nhân cõi sắc cũng mang theo nước thơm tắm rửa Ngài như vậy, tất cả cùng đi đến chỗ Phật, dùng vô số các loại hương thơm tắm rửa Phật trước tiên. Chư Thiên, Long thần, Càn-đạp-hòa, A-tu-luân, Ca-lưu-la, Chân-đà-la, Ma- hưu-lặc dùng nước thơm tắm thân Như Lai. Nước thơm chảy tràn đầy, văng ướt những người này. Nhờ ân nước thơm, đều phát ý đạo Vô thượng Chánh chân.

Bấy giờ chúng sinh đều nhờ ân hương xông, hương thơm không rời thân thể. Khi ấy các Thiên tử trở vào cung điện, không còn nghe mùi hương thơm nào khác.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Có một Thiên tử tên là Phổ Hóa, gieo mình sát chân Phật rồi ngồi dậy chắp tay bạch hỏi Phật:

-Phật ngồi bên gốc cây Bồ-đề trong suốt bảy ngày, là ngồi thiền định Tam-muội, vậy định đó tên là gì?

Đức Thê Tôn dạy:

-Định đó tên là Duyệt thực. Đức Như Lai dùng Duyệt thực định ý này suốt bảy ngày đêm nhìn cây Bồ-đề không chớp mắt.

Khi ấy Thiên tử Phổ Hóa dùng kệ khen ngợi.

Luôn phụng hành các hạnh
Thiền duyệt sinh oai lực
Khiến ma mất đường đi
Tự gieo mình lạy Phật
Về nương dưới chân Ngài
Với tâm niệm vui mừng
Bấy giờ các Thiên tử
Cũng vui mừng khôn xiết
Các Thiên nhân tịch định
Nếu biết chủng tánh ấy
Thì hết dâm, nộ, si
Trí tuệ sâu vô cùng
Trừ nghi của Thiên nhân
Cớ sao có mười lực
Biết rõ thấu mười phương
Và các pháp giải thoát
Thương xót, luôn bảy ngày
Ý sạch như hư không
Ngồi yên thật bất động
Nhìn cây không chớp mắt?
Bậc Sư Tử tôn quý
Cớ sao ngồi bảy ngày
Nhìn ngắm mãi cây này
Cho nên lặng dấu vết?
Từ nơi chỗ lập nguyện
Sư tử vì tất cả
Đạt được chỗ bản nguyện
Ngồi yên không đứng dậy
Giúp cho tâm Thế Tôn
Ngay chỗ ngồi an ổn
Đấng Thập Lực như vậy
Vâng hành các lời dạy
Biết gốc ngọn Thiên nhân
Sở nguyện của đời trước
Nghe kinh điển chỉ dạy
Luôn tuân lời dạy bảo
Đấng Thập Lực như vậy
Không sợ, nguyện đầy đủ
Cho nên ngồi bảy ngày
Không hề rời khỏi tòa
Dũng mãnh chỉ quán cây
Hàng phục được tất cả
Bình đẳng ngồi đạo tràng
Diệt trừ các trần lao
Thanh tịnh và sâu xa
Do vậy an chúng sinh
Bởi đó nên xuất gia
Thực hành pháp chân chánh
Xa lìa các tỳ vết
Không còn những sợ sệt
Nên thành tựu Thánh chúng
Không tạo hạnh phi pháp
Năng nhẫn, ân, ái, hữu
Và các vô tninh hành
Chặt gốc rễ các kết
Xem chúng như bụi đất
Thấy chúng sinh từ lâu
Vì chấp ngã ngã sở
Chìm đắm trong ấm cái
Ta biết là trừ hết
Từ xưa chứa hạnh này
Tấp bến bờ mê hoặc
Rốt ráo các ấm cái
Dùng tuệ trừ sạch ngã
Ta đoạn dục sân hận
Chúng sinh trong ngu mê
Như trăng ở trong nước
Ta dẹp khiến không còn
Hạnh ấy không náo loạn
Trong ý tự hiểu rõ
Xưa kia đã hàng phục
Tất cả đều dứt sạch
Hiện tại vì các ngươi
Chứa si, đọa ngục lớn
Phật nhổ sạch tất cả
Không còn trở lại đây
Đã trừ các ấm cái
Giúp diệt gốc ấm cái
Tiêu diệt bốn điên đảo
Chữa sạch hết không còn
Các tưởng này nghĩ quấy
Ta biết gốc kinh pháp
Nên khiến diệt trừ sạch
Không còn chuyển lại nữa
Thân khổ sáu mươi lăm
Lỗi có ba mươi cấu
Hiện tại có bốn mươi
Sinh ra có mười sáu
Hiện tại có mười tám
Như vậy hai mươi lăm
Ở đạo tràng dứt hết
Thánh tài có mười hai
Người sợ, hai mươi tám
Ta do vượt nghiệp đây
Sức tinh tấn vượt qua
Giác ngộ rồi, không lui
Phân biệt năm trăm việc
Ta đã thông suốt hết
Trăm ngàn pháp xưa kia
Dứt sạch các kiết này
Chín mươi tám nguồn gốc
Đầy đủ các nơi chốn
Chỗ chúng sinh nương gá
Dứt nghỉ các thói quen
Lưới tà kiến ngu tối
Cạn bốn sông trần lao
Khiến không còn tự tại.

Đức Thế Tôn thuyết pháp ban tuyên ngôn giáo. Ngài dạy phải bỏ tham dục, nịnh hót và cái ngã của mình. Chí của Ngài sáng suốt bao la. Thương xót cuộc đời, Ngài dùng luật chính là để hướng dẫn cách nhổ phăng tất cả tham lam, để cho các hàng đệ tử tiêu trừ hạnh tà vạy, phụng thờ hạnh chân chánh, trừ các tiếng tăm, tinh tấn diệt hết phiền não, vượt qua được bến bờ sinh tử, khiến cho không còn cái ngã của mình. Công huân thiền định đem lại định ý, vượt qua bốn dòng nước dốc, và các nghiệp ưu, kết, tự đại, phóng dật, hàng phục những việc này, làm cho vĩnh viễn không còn. Do chân chánh cho nên đem lại định ý, chế ngự trần lao, tiêu các vọng tưởng, giống như nhổ bậc rễ cây. Ý chí vượt qua bờ bên kia làm cho hết thảy không còn, dứt bỏ nơi chốn, rống tiếng sư tử, sức lực rất lớn. Tự tại trong ba cõi, không phụ thuộc gì, cảnh giới đều diệt, dùng thiền minh trí cắt bỏ oán thù, giống như Thiên đế làm cho các tội lỗi như mạng lưới của mình đều dứt hết.

Ngài dùng ba mươi sáu hạnh tinh tấn, ở ngay giữa cuộc đời dùng binh lực trí tuệ dứt tuyệt hết ái. Đó chính là các cội rễ trần lao trói buộc, dính mắc, là gốc độc khổ cùng tột. Ngài dùng sức trí tuệ sáng suốt cắt sạch không còn. Dùng mắt trí khéo sửa trị làm cho thanh tịnh.

Những người chân chánh, Ngài dùng oai lực của thuốc minh để trị bệnh vô minh, khiến cho cây si to lớn không còn gốc rễ. Ngay nơi cảnh giới này thực hành hết sức chí thành. Ngài dùng tâm phá hủy đất chết sân giận. Tâm ý ưa thích việc khác, thì đó là oán tặc.

Ta múc khô cạn mười hai biển để dập tắt khói lửa của cảnh giới tư tưởng, hiển chiếu tam đạt, diệt các trần cấu, đốt sáng ngọn lửa, thích cửa giải thoát, tiêu sạch tỳ vết cho nên dạy bảo; an ủi tất cả, bỏ tưởng gai góc, rỗng không âm vang. Hiểu rõ tinh tấn, cầu sự thanh tịnh. Giống như cọ cây phát ra lửa sáng.

Lại, như suối nguồn, tâm Ngài vắng lặng. Ngài dùng binh lực trí tuệ dẹp sạch tâm nhơ nhớp, đem lại định ý, gọi đó là cầm cờ, vâng giữ lời dạy bảo. Tự mình có thể hiểu rõ, hàng phục xong mọi việc, đem lại từ tâm. Nhân năm món dục này mà biết được sự giàu sang và trụ nơi các hạnh, vứt đi sự dối trá. Từ nơi gốc mà khởi trần lao, đó là chỗ của các kết chướng ngại, đánh nhau không hòa. Ta rõ suốt tất cả, đạt được định Tam-muội, biết hết những việc bên trong, xây dựng sự hổ thẹn; hữu tưởng, vô tưởng, từ đó mà đạt được; thâu hoạch được tất cả hạnh này, rõ suốt những gì mình có, vứt bỏ hết thảy tư tưởng tất cả sự trói buộc. Người thực hành như vậy, vứt bỏ không còn gì?

Dùng đức tinh tấn mà hàng phục tất cả, đạt được ba môn giải thoát. Do vì lẽ ấy, không vì không có duyên mà tưởng hạ liệt, vui, vô thường, chỉ là cái ngã của mình nhưng cái gốc tạo tưởng, cầu sáu suy thì ở dưới gốc cây Bồ-đề, ta dứt trừ hết. Tất cả những sự vô thường này là sự uế trược rộng lớn. Dùng minh đạt của bậc Thánh tiêu trừ các ái dục, vượt hơn cả ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Người ôm lòng ái dục như lơ lửng trên không; hiểu rõ tam đạt, nhan mạo đẹp đẽ tuyệt vời dứt hẳn sinh tử, vượt qua biển lớn. Do sức tinh tấn cho nên vượt qua dâm, nộ, si. Dùng hạnh vi diệu chặc đứt ngã chấp. Sáu độ vô cực, tiêu ức trần lao, ý dứt các khổ trong đường sinh tử. Bấy giờ thích đoạn cả trước sau, không rơi vào nhị biên, bình đẳng đối với tất cả, đã đạt giải thoát. Các chúng tà kiến dị học đạt được cam lộ, không còn một ai, dứt trừ hết gốc rễ sinh tử, bốn đại không còn, cũng hết các nhập, cầu trí tuệ báu được nhiều vô số. Sự sáng suốt quý báo của đạo là đưa đến vô sở úy, là sự an lạc nội tại của vô lượng Phật. Ít mong cầu, làm đúng sự giáo hóa, phân biệt nguồn gốc, những việc làm ở đời trước thì ta biết rõ. Bởi do trong hàng ức kiếp từng bố thí nhiều châu báu và vô số và cam lộ cho nên thông suốt: môn học này. Ưa hạnh mềm mỏng, nghe vô số lời dạy về pháp ở đời, cũng lại phân tích duyên khởi là cùng sinh, cùng diệt; tâm khởi ý động như ngựa đồng hoang. Mắt ta thanh tịnh sáng đẹp, nhìn thấu mười phương. Xem thấy tất cả chúng sinh như hạt trái cây trong lòng bàn tay. Việc làm ở đời trước lại cũng rõ ràng như thế. Trong hàng ức kiếp đã tu các độ vô cực, hiểu hết cái không thật của niệm; biết bao lần tỉnh giác cái nghiệp điên đảo mà trong quá khứ chư Thiên đã từng tranh cãi, hễ kia có như thế thì đây cũng vậy.

Bấy giờ ta đã đến nơi bất tử. Sở dĩ người có Thập lực thực hành từ tâm, là vì thương nhớ chúng sinh cho nên hành Từ lực. Nay ta đã đạt pháp cam lộ nên với Thập lực, hành Bi lực giáo hóa tất cả. Vì vậy cho nên khiến ta ở trong pháp cam lộ thường thực hành Hộ (xả) lực, hàng phục tất cả. Do sự giáo hóa này ta đi vào cõi bất tử. Sở dĩ thực hành tâm hỷ là làm vui tất cả. Vì vậy Hỷ lực hàng phục tất cả. Thế nên xây dựng và ở trong pháp cam lộ. Nhớ nghĩ mười lực trải qua kiếp số nhiều như cát sông Hằng, gặp chư Phật trong quá khứ và cúng dường các Ngài, vì lẽ ấy được ở trong pháp cam lộ. Ta vốn có lời thề nguyện: “Nếu không hàng phục được ma quân, không giáo hóa tà kiến thì ta không rời chỗ ngồi”. Ta không buông lung, vượt qua bờ bên kia, phá tan mạng lưới si mê từ vô số kiếp, trụ trí Kim cang để đến Thập lực, không hề dính mắc. Hàng phục các lậu hoặc, làm cho không còn. Đạt được lực đó mới rời chỗ ngồi. Tắm rửa sạch sẽ, không còn nhơ nhớp; bây giờ Đấng Thập Lực Hộ Thế tự tại vượt qua bờ kia của ba ngàn thế giới.

Vững chắc như kim cang, thường tu hạnh bình đẳng. Ngàn ức chư Thiên cúng dường vô lượng và các ngọc nữ không thể kể xiết.

Phật tử như vậy đều có nhân duyên, ngồi tòa Hiền thánh được tự tại lớn.

Ngàn bình báu dưới gốc cây đựng vô số nước thơm để tắm rửa Đấng Hộ Thế. Ba ngàn thế giới do vậy được tự tại. Phật tử như vậy đều có nhân duyên.

Sở dĩ suốt bảy ngày đêm Bồ-tát không rời tòa ngồi, chăm chú nhìn cây, vì bảy ngày đêm đó nhìn cây Bồ-đề, Ngài cảm hóa bảy mươi ức người khiến họ phát khởi đạo tâm. Suy nghĩ vắng lặng. Đất chấn động sáu cách.

Bấy giờ Đức Phật từ tòa sư tử đứng dậy, tâm Ngài an vui, thân Ngài nhẹ nhàng thoải mái, là việc đúng lúc, ngay nơi đạo tràng nhìn cây Bồ-đề, giống như sư tử, không hề có sự sợ hãi, thiền tư pháp môn giải thoát, hạnh của Hiền thánh.