SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 19

Phẩm 21: NÓI RÕ VỀ MA TƯỚNG

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Còn có các Bồ-tát mới trụ vào Đại thừa thấy các thiện nam, thiện nữ bị phi nhân làm mê hoặc, nói rằng: “Nếu đã được Đức Như Lai thọ ký đạo Vô thượng Bồ-đề thì ta nguyện đem oai lực của thật ngữ này làm cho loài phi nhân rời bỏ lánh xa để những thiện nam, thiện nữ sớm giải thoát sự mê hoặc ấy.” Vừa dứt lời ma ác kia liền ẩn mình đến chỗ Bồ-tát, ngầm dùng ma lực sai khiến phi nhân lập tức rời khỏi, vì oai lực của ma ác mạnh hơn phi nhân nên phi nhân không thể làm gì được đành bỏ đi. Nhưng khi ấy, Bồ-tát không biết đó là oai lực của ma chỉ cho rằng mình đã được Phật thọ ký, đã đứng vào hàng không thoái chuyển, vì lời nguyện được thành tựu. Những Bồ-tát khác chưa được thọ ký nên không có khả năng này. Do vậy mà vị ấy sinh tâm tăng thượng mạn và các mạn khác. Bởi kiêu mạn nên tăng trưởng cao ngạo. Vì cao ngạo nên khinh chê, oán ghét các Bồ-tát. Tự nói: “Đời trước mình đã được Đức Phật thọ ký, còn những vị khác chưa được thọ ký.” Chính nhân duyên như vậy, nên vị ấy cách xa các trí của Phật như: Vô thượng trí, Tự nhiên trí, Nhất thiết trí, Nhất thiết trí trí cho đến cách xa đạo Vô thượng Bồ-đề. Nhân đó Bồ-tát không thân cận với các Thiện tri thức, không được pháp lành hướng dẫn, mà bị các bạn ác lôi kéo. Chính mình không đầy đủ phương tiện thiện xảo mà tăng thượng mạn mỗi lúc một sâu nặng. Vì thế, nên bị ma ác trói buộc không thể giải thoát và sẽ rơi vào một trong hai nơi Thanh văn hoặc Duyên giác.

Tu-bồ-đề! Người có tướng như thế là mới trụ vào hàng Bồ-tát Đại thừa. Vì kiến thức nông cạn, nên không thân cận Thiện tri thức, không được sức phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa hộ trì. Chỉ vì một chút tâm tăng thượng mạn mà đến nỗi phải xa cách quả vị Vô thượng Bồ-đề. Tu-bồ-đề nên biết, đó cũng gọi là ma sự của Bồ-tát.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Có những ma ác dùng nhân duyên danh tự làm loạn Đại Bồ-tát. Nhân duyên danh tự, chính là ma ác hóa ra các tướng khác thường đến bên Bồ-tát nói: “Bồ-tát nên biết cha mẹ của ông tên như vậy, như vậy. Ngoài ra những người bà con họ hàng và bạn bè thân thuộc của ông mỗi người đều có tên như thế, cho đến ông bà nội ngoại bảy đời mỗi người đều có tên như vậy. Ông ở phương ấy, xứ ấy, thành ấy, nước ấy, sinh chủng tộc ấy, họ ấy, tánh nhu nhược, tánh cương nghị, tánh hời hợt, tánh bồng bột, căn lanh lợi, căn chậm lụt.” Ma ác nói hết mọi chuyện một lược, rồi tiếp: “Ở đời trước ông đã từng tu tập công đức đầu đà, chính là hạnh A-lan-na, thường hành khất thực, mặc y phấn tảo, sau giờ ăn không uống nước trái cây, ăn một bữa giữa ngày, thường ngồi kiết già, chỉ mặc bay, ở rừng tử thi ngồi dưới gốc cây nơi gò đất trống, ăn đúng lượng, thường ngồi không nằm, tu đủ công đức đầu đà như thế, ít nói biết đủ xa lánh nơi ồn ào, khi nói ra điều gì đều bằng lời từ hòa dễ mến, cho đến không nhận dầu xoa chân, đời trước ông tu các công đức như thế, hiện tại cũng vậy, hiểu pháp, biết pháp, nhất định đời trước ông đã được Phật thọ ký rồi và đã được vào hàng không thoái chuyển. Vì ông có đủ các tướng công đức như thế, nên biết đời trước ông đã được Đức Phật thọ ký.” Khi nghe được như thế, Bồ-tát liền nghĩ: “Đời trước ta đã được Đức Phật thọ ký đạo Vô thượng Bồ-đề, đã đứng vào hàng không thoái chuyển. Nay chiếu theo lời nói này, thì sự thật ta có thực hành công đức Đầu-đà như thế.” Ma ác biết được ý nghĩ của vị ấy rồi, lại hóa ra các tướng lạ sai biệt như: Bí-sô, Bí-sô-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Trưởng giả cho đến cha mẹ, anh em, bạn bè thân thuộc của vị ấy, người biến hóa ấy đứng trước Bồ-tát nói như vầy: “Ông đã được Đức Phật trong quá khứ thọ ký đạo Vô thượng Bồ-đề, vì ông đã đủ công đức tướng mạo như thế.” Tu-bồ-đề! Bồ-tát ấy, nghe người biến hóa nói như thế nhưng không hiểu biết đó là ma biến hóa ra, liền sinh tâm thượng mạn và các kiêu mạn khác, do tâm kiêu mạn nên tăng trưởng cao ngạo, vì cao ngạo nên khinh dể, oán ghét các Bồ-tát, tự nói mình đời trước đã được Phật thọ ký, còn những việc khác chưa được thọ ký. Chính nhân duyên này nên vị ấy cách xa các trí của Phật như: Vô thượng trí, Tự nhiên trí, Nhất thiết trí, Nhất thiết trí trí cho đến cách xa đạo Vô thượng Bồ-đề. Đối với việc ấy, nếu Bồ-tát không thân cận Thiện tri thức, không được pháp lành hướng dẫn mà bị các bạn ác lôi kéo. Chính mình không có đủ phương tiện thiện xảo thì tâm tăng thượng mạn càng sâu dày. Bồ-tát ấy, sẽ rơi một trong hai nơi, Thanh văn hoặc Duyên giác.

Tu-bồ-đề! Ta đã nói trước về tướng mạo chân thật của Đại Bồtát không thoái chuyển, nhưng Bồ-tát này không thể lãnh hội, không thể an trụ, không được oai lực Bát-nhã ba-la-mật hộ trì, vì thế nên bị ma ác trói buộc. Tu-bồ-đề nên biết! Đó cũng gọi là ma sự của Bồtát.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Có những ma ác dùng nhân duyên danh tự làm loạn Đại Bồ-tát, như: Có lúc ma ác hóa làm tướng của những Bísô đến chỗ Bồ-tát nói thế này: “Khi được thành tựu Vô thượng Bồđề ông sẽ có danh hiệu như vậy.” Danh tự mà Bí-sô ấy nói cho Bồtát thỏa nguyện cho là khi mình được thành tựu Vô thượng Bồ-đề đúng như vậy. Vì Bồ-tát ấy không có trí tuệ lại không đủ phương tiện thiện xảo nên khi nghe lời nói này liền nghĩ: “Bí-sô này giỏi thay! Ông nói khi ta thành tựu Vô thượng Bồ-đề có danh hiệu hợp với lời nguyện của ta. Nay ta không còn nghi ngờ gì nữa.” Ý nghĩ của Bồ-tát vừa dứt. Bí-sô do ma hóa ra bảo: “Ông nên tin mà tiếp nhận.” Do nhân duyên đó nên bị ma ác trói buộc, ma trói buộc nên sinh tăng thượng mạn và các kiêu mạn do kiêu mạn nên tăng trưởng cao ngạo, vì cao ngạo nên khinh thường, nhục mạ các Bồ-tát khác cho mình đã được Phật thuở trước thọ ký, các Bồ-tát khác đều chưa được thọ ký, vì thế nên cách xa các trí tuệ của Phật như: Vô thượng trí, Tự nhiên trí, Nhất thiết trí, Nhất thiết trí trí cho đến xa Vô thượng Bồ-đề. Bồ-tát như thế nếu không thân cận Thiện tri thức, không được hướng dẫn bằng pháp thiện, mà bị các bạn ác lôi kéo, chính mình cũng không đủ phương tiện thiện xảo thì tâm tăng thượng mạn mỗi lúc một sâu dày. Bồ-tát ấy sẽ rơi vào một trong hai nơi Thanh văn hoặc Duyên giác. Tu-bồ-đề! Ta đã nói trước về tướng mạo chân thật của Đại Bồ-tát không thoái chuyển, nhưng vị ấy không thể lãnh hội, không thể an trụ và không được oai lực Bát-nhã ba-la-mật-đa hộ trì, vì thế nên bị ma ác trói buộc.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát ấy phải hối cải, xả bỏ những kiêu mạn đã nói ở trước. Giá như Bồ-tát có thể hối cải tâm ấy đi nữa thì cũng còn ở mãi trong sinh tử. Về sau, nếu gặp được Thiện tri thức hướng dẫn trở về với Bát-nhã ba-la-mật-đa thì dần dần vị ấy có thể đến với Vô thượng Bồ-đề. Vì tâm Bồ-tát sinh các kiêu mạn tội rất nặng. Ví như vị Bí-sô phạm một trong bốn tội nặng căn bản thì là không còn Samôn Thích tử nữa. Bồ-tát do nhân duyên danh tự nên tâm sinh các kiêu mạn, kết quả tội cũng vậy.

Tu-bồ-đề! Ngoài bốn tội căn bản này còn có năm tội vô gián hết sức nặng. Nếu Bồ-tát do nhân duyên danh tự mà sinh tâm kiêu mạn thì kết quả mắc tội càng nặng hơn. Nhưng chính Bồ-tát ấy không có một chút phương tiện thiện xảo nào cả nên không biết đúng, rõ ràng về ma sự. Tu-bồ-đề, ông nên biết! Những ma ác ấy hay dùng các yếu điểm như vậy, dựng lên các việc ma làm loạn các Đại Bồ-tát. Đối với việc này, Bồ-tát phải biết để rồi xa lánh.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát nào nhàm chán nơi náo nhiệt, vui thích hạnh xa lìa thì các ma ác liền hóa dị tướng đến chỗ vị ấy nói thế này: Nếu ông muốn tu hạnh xa lìa thì nên đến những nơi như núi cao, dưới đại thọ, nơi thanh vắng hoặc nơi hoang dã tu tập như thế mới gọi là xa lìa đích thật. Hạnh xa lìa ấy, Đức Phật từng khen ngợi. Nhưng này Tu-bồ-đề! Ta không nói các Đại Bồ-tát ở nơi núi cao, dưới đại thọ, nơi thanh vắng, nơi hoang dã là viễn ly chân thật.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Những Đại Bồ-tát ở núi cao, dưới đại thọ, nơi thanh vắng, nơi hoang dã không gọi là viễn ly, vậy thì tướng nào mới gọi là viễn ly chân thật của Đại Bồ-tát?

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đại Bồ-tát nào thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa có phương tiện thiện xảo vì tất cả chúng sinh tu hạnh đại Từ bi, xa lìa tâm Thanh văn, Duyên giác, tuy sống gần xóm làng nhưng vẫn gọi là viễn ly, hay ở núi cao, dưới đại thọ, nơi thanh vắng hoặc nơi hoang dã cũng gọi là viễn ly. Tu-bồ-đề! Những Đại Bồ-tát nào xa lìa tâm Thanh văn, Duyên giác đó là chân viễn ly, viễn ly như thế thì ta chấp nhận. Bồ-tát phải ngày đêm chuyên cần tu hạnh viễn ly.

Tu-bồ-đề! Giá như ma ác đã khen ngợi chỉ có Bồ-tát ở núi cao, dưới gốc cây, nơi thanh vắng, nơi hoang dã mới là người viễn ly, mà vị ấy chỉ xa lìa như thế chứ không thể xa lìa tâm Thanh văn, Duyên giác, thì chẳng phải chân thật xa lìa, tuy tu Bát-nhã ba-la-mật-đa nhưng không thể viên mãn Nhất thiết trí trí, nên biết đó là hạnh tạp loạn, thân, ngữ, ý không thanh tịnh, không có trí tuệ phương tiện, không có hạnh đại Bi. Do nơi ba nghiệp không thanh tịnh mà ở gần xóm làng với mọi người rồi sinh tâm khinh mạn.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát ấy sống gần xóm làng nhưng chẳng phải hạnh tạp loạn, vì vị ấy có thể xa lìa tâm Thanh văn, Duyên giác, ba nghiệp đều thanh tịnh, có trí tuệ phương tiện và đầy đủ hạnh đại Bi, tuy gần tụ lạc nhưng vẫn là chân viễn ly. Đối với người tu hạnh như thế mà lại sinh tâm khinh mạn, nên biết Bồ-tát ấy tuy được các pháp thiền định, giải thoát thần thông, trí tuệ và chánh định… nhưng cũng không đủ phương tiện thiện xảo.

Tu-bồ-đề! Tuy Bồ-tát ở nơi thanh vắng hay hoang dã cách hàng trăm do-tuần, trải qua một năm, một trăm năm cho đến trăm ngàn ức năm hay nhiều hơn thế nữa để tu hạnh viễn ly nhưng vẫn hoàn toàn không có lợi ích. Như ta đã nói về hạnh chân viễn ly mà họ không biết, tâm không an trụ vững chắc nơi Vô thượng Bồ-đề và không có phương tiện thiện xảo chỉ cho rằng ở nơi hoang vắng là chân thật viễn ly. Người cầu Phật đạo tham đắm chỗ ở. Viễn ly như thế thì ta không chấp thuận, cũng không vui. Vì sao? Vì như ta đã nói trong hạnh viễn ly, không thấy có người viễn ly, mới gọi là chân thật viễn ly.

Tu-bồ-đề! Còn có những ma ác thấy người ở nơi thanh vắng tu hạnh viễn ly, liền đến nơi ấy, ở không trung nói: “Lành thay, lành thay! Hạnh của ông đang tu là chân thật viễn ly Đức Như Lai khen ngợi hạnh tu của ông và làm cho ông mau chứng Vô thượng Bồđề.”

Bồ-tát này nghe tiếng khen ngợi từ không trung như thế rồi rời bỏ các nơi thanh vắng, hoang dã đi vào xóm làng, thấy những Bồ-tát nhu hòa thuần thiện, tu phạm hạnh, ba nghiệp thanh tịnh xa lìa tâm Thanh văn, Duyên giác, liền sinh khinh mạn nói: “Các người chính là hạnh huyên náo, sự tu hành của các người không phải hạnh viễn ly.”

Tu-bồ-đề! Người ở nơi yên tĩnh ấy cho Bồ-tát tu hạnh viễn ly là hạnh huyên náo, lấy hạnh huyên náo làm hạnh viễn ly, do tội ác ấy nên đối với người đáng cung kính thì khinh mạn, người không đáng cung kính nhưng lại cung kính. Vì người ấy nghĩ rằng: “Ta ở những nơi thanh vắng, hoang dã… có các phi nhân quan tâm đến ta, giúp đỡ ta nên đến đó nói: ‘Ông về sống ở tụ lạc đi’, nhưng làm sao có phi nhân đến hộ niệm.” Do nghĩ như thế nên sinh tâm khinh mạn.

Tu-bồ-đề nên biết! Người này chính là Bồ-tát trong hàng Chiên-đà-la, trong hàng tội ác, trong hạnh ô trược, đó là Bồ-tát hình tượng, còn gọi là Tặc trụ Sa-môn, là Giặc hình Sa-môn, là pháp bất tịnh, là hạng không có lễ nghi, do tướng này nên biết đó là hạng người mới phát tâm. Vì thế mà trời, người trong thế gian đều không cung kính. Vì sao? Vì ta nói người ấy tăng thượng mạn. Tu-bồ-đề! Đối với hạng người như thế, Đại Bồ-tát không nên thân cận.

Tu-bồ-đề! Còn những Bồ-tát không bỏ chúng sinh mến mộ Nhất thiết trí, phát tâm vững chắc về Vô thượng Bồ-đề, muốn thành tựu Vô thượng Bồ-đề làm lợi ích tất cả chúng sinh thì không nên thân cận những người như trước.

Tu-bồ-đề! Người cầu đạo Bồ-đề, đối với việc ma phải luôn cảnh giác, biết rồi nên tránh xa, thường sinh tâm nhàm chán, kinh sợ ba cõi… chỉ vì lợi lạc chúng sinh, hướng dẫn chúng sinh về con đường chánh, làm cho chúng sinh viên mãn chánh quả trụ vào thật tánh và sinh tâm đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả đối với chúng sinh. Bồ-tát thường xuyên phát nguyện như vầy: “Ta nguyện mọi thời, mọi nơi tránh xa tất cả ma sự ấy, nếu mới phát sinh thì trừ diệt ngay.”

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát luôn học như vậy, đó là Bồ-tát có Thần thông trí lực.

Tu-bồ-đề! Ông nên biết, tất cả những việc như vậy đều là nói các ma sự để Đại Bồ-tát cảnh giác mà xa lìa.