SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 21

Phẩm 25: HỌC

Bấy giờ Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát muốn học Nhất thiết trí, nên học như thế nào?

Phật nói:

–Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát học rốt ráo, học xa lìa tức là học Nhất thiết trí, hoặc học nhưng không vướng, không sinh, không diệt, không khởi, không nhiễm, không tánh, như hư không và pháp giới vắng lặng… học như thế tức là học Nhất thiết trí.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát học rốt ráo, học không vướng… cho đến pháp giới vắng lặng chính là học Nhất thiết trí, thì những pháp ấy nên hành như thế nào?

Phật nói:

–Nên hành pháp ấy như thế nào? Này Tu-bồ-đề! Như Lai chứng Như như nên được gọi Như Lai, thế có rốt ráo, có tạo tác không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không! Vì không có tướng rốt ráo cũng không có tướng tạo tác.

Phật nói:

–Tu-bồ-đề! Hiểu như thế nào về Như Lai chứng Như như nên gọi là Như Lai, như thế có sinh, có diệt, có khởi, có nhiễm, có đắc, có chứng không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Phật nói:

–Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát học Nhất thiết trí cũng như vậy. Tubồ-đề! Cho nên Đại Bồ-tát nếu học như thế là học tướng bất tận? Người học như thế là học Nhất thiết trí, là học Bát-nhã ba-la-mậtđa, là học quả vị Phật, là học mười Lực, bốn Vô sở úy… cho đến Nhất thiết trí. Người học như thế có thể đến mục đích cứu cánh của sự học, có thể chinh phục các ma và chúng ma, mau được pháp không thoái chuyển, mau ngồi đạo tràng, là học ba chuyển mười hai hành pháp luân, là học chính việc làm của mình, học cách làm chỗ nương tựa cho mọi người; là học đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả; là học độ cảnh giới chúng sinh, là học để không đoạn giống Phật và mở cửa bất tử.

Tu-bồ-đề! Học rộng như thế là học tối thượng, hàng phàm phu thấp kém không học được như thế. Ai có thể hướng dẫn tất cả chúng sinh, làm chỗ nương tựa cho họ, muốn ra khỏi cảnh giới của chúng sinh thì người ấy có thể học như thế. Người nào học như thế thì không rơi vào các đường: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và cảnh giới A-tu-la, không sinh nơi biên địa, không sinh vào dòng Chiênđà-la, không sinh vào dòng họ thấp hèn, không sinh vào các dòng họ làm nghề hèn hạ và không bị những khuyết tật như: Không mất một mắt, không mù hai mắt, không bị lé, không điếc, không câm, không gù, không bại liệt tay chân, không xấu xí, không thô kệch, không tật nguyền và các bệnh như: Ghẻ lác, ung thư, vàng vỏ, các căn không hoại, đầy đủ nhân tướng, giọng nói truyền cảm mọi người yêu thích.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát học như thế, không hại người cướp của, không tà hạnh, không vọng ngữ, không nói lưỡi hai chiều, không nói thô ác, không nói lời vô nghĩa, không tham đắm, không sân hận, không tà kiến, không sống tà mạng, không tu pháp tà mạng, không nuôi quyến thuộc phá giới, không thân cận người phi pháp, không sinh vào cõi trời Phi phi tưởng, tuy nhập vào các thiền nhưng không bị vướng ở thiền nào. Vì Bồ-tát đã thành tựu phương tiện thiện xảo.

Bồ-tát thành tựu những phương tiện thiện xảo nào? Chính là khế hợp với Bát-nhã ba-la-mật-đa mà phát sinh phương tiện thiện xảo. Thế nên, Bồ-tát thể nhập các thiền nhưng không bị vướng ở các thiền.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát thường học như thế thì được thanh tịnh tất cả Phật pháp như mười Lực, bốn Vô sở úy… Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Tự tánh các pháp xưa nay vốn thanh tịnh sao Đại Bồ-tát lại được thanh tịnh mười Lực, thanh tịnh bốn Vô sở úy, cho đến thanh tịnh tất cả Phật pháp?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng thật như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Tự tánh các pháp xưa nay vốn thanh tịnh. Đại Bồ-tát theo đúng tự tánh bổn lai thanh tịnh của các pháp mà tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa nên không sợ hãi, không thoái lui, không cuống quýt, không chìm đắm.

Tu-bồ-đề! Những hạng phàm phu với pháp như thế không biết, không thấy. Vì dựa trên sự không thấy, không biết này nên không giác ngộ. Vì thế, Đại Bồ-tát dũng mãnh tu tập pháp ấy. Nhờ nơi sở học khiến cho những hàng phàm phu tu học trong giáo pháp được thấy và biết chân thật. Nhờ học như thế nên Đại Bồ-tát được thanh tịnh mười Lực, thanh tịnh bốn Vô sở úy cho đến thanh tịnh tất cả Phật pháp.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát học như vậy thì có thể hiểu biết tâm tư hành nghiệp của tất cả chúng sinh.

Tu-bồ-đề! Ví như trong đất phát sinh phần nhiều là sỏi đá, cây cối, còn vàng thì rất ít. Chúng sinh cũng vậy, rất ít người thích tu Bát-nhã ba-la-mật-đa, đa phần là tu học pháp môn của Thanh văn, Duyên giác.

Tu-bồ-đề! Lại như trong chúng sinh rất ít người tu nhân Chuyển luân vương, phần nhiều chỉ tu theo nhân Tiểu vương.

Tu-bồ-đề nên biết! Chúng sinh đa phần là hành pháp môn của Thanh văn, Duyên giác.

Tu-bồ-đề! Như trong hàng chúng sinh rất ít người tu phước nghiệp Đế Thích, phần nhiều chỉ tu về phước nghiệp của Thiên tử.

Cũng vậy, Tu-bồ-đề! Trong chúng sinh rất ít người tu hạnh Bátnhã ba-la-mật-đa, phần nhiều chỉ tu tập hạnh Thanh văn, Duyên giác.

Tu-bồ-đề! Trong chúng sinh rất ít người tu phước nghiệp của Phạm vương, phần nhiều chỉ tu về phước nghiệp của Phạm chúng.

Cũng thế, này Tu-bồ-đề! Trong chúng sinh rất ít người an trụ nơi đạo Vô thượng Bồ-đề, phần nhiều là những người thoái chuyển.

Tu-bồ-đề! Chính vì nghĩa đó nên biết chúng sinh trong thiên hạ rất ít người phát tâm Bồ-đề. Vả lại, trong số ít ấy lại có rất ít người tu hành đúng như lý, với con số ít người tu đúng như lý, rất ít người tu hạnh khế hợp với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Trong số ít người tu hạnh tương ưng này lại có rất ít người phát tâm Bồ-đề đứng vào hàng không thoái chuyển.

Tu-bồ-đề! Thế nên, ai muốn dự vào hạng người hy hữu ấy thì nên tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mậtđa này, thì không sinh những tâm như: Tạp nhiễm, nghi hoặc, thù ghét, keo kiệt, phá giới, sân hận, lười biếng, tán loạn, ngu si.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa này, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể giữ gìn, tiếp nhận, nắm giữ, tụ hợp quy nạp các pháp Ba-la-mật-đa.

Tu-bồ-đề! Ví như sáu mươi hai tà kiến đều thâu nhiếp trong thân kiến, các pháp Ba-la-mật-đa đều bị thâu nhiếu vào trong Bátnhã ba-la-mật-đa lại cũng như vậy.

Tu-bồ-đề! Như các căn của người đàn ông đều sinh ra từ mạng căn, các pháp thiện được dung nạp ở Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng thế.

Tu-bồ-đề! Ví như mạng căn của người đàn ông chết thì các căn đều chết. Cũng thế, nếu Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát diệt thì tất cả pháp thiện cũng đều diệt theo.

Tu-bồ-đề! Thế nên Đại Bồ-tát muốn giữ gìn các pháp Ba-lamật-đa, muốn quy nạp các pháp Ba-la-mật-đa thì phải tu học Bátnhã ba-la-mật-đa này. Hơn nữa, nếu Đại Bồ-tát muốn được phước đức thù thắng và làm người đứng đầu trong tất cả chúng sinh thì nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa này.

Phật lại hỏi:

–Tu-bồ-đề! Thế nào, tất cả chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới có nhiều không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Chỉ chúng sinh ở cõi Diêm-phù-đề đã nhiều vô số rồi, huống gì chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới.

Phật nói:

–Tu-bồ-đề! Giả sử tất cả chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới đều tu hành ở quả vị Bồ-tát, lại có người suốt đời đem các món ăn, thức uống, áo mền, thuốc men và những thú vui khác, cúng dường chúng Bồ-tát trong tam thiên đại thiên thế giới, bằng nhân duyên ấy phước của người này có nhiều không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều! Bạch Thiện Thệ, rất nhiều!

Phật nói:

–Tu-bồ-đề! Nếu như có người tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa này, khoảng chừng một khảy móng tay, phước của người ấy gấp đôi người trước. Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa làm lợi ích rộng lớn cho các Đại Bồtát và hỗ trợ cho Vô thượng Bồ-đề.

Tu-bồ-đề! Thế nên, các Đại Bồ-tát muốn làm bậc tối thượng trong chúng sinh, muốn làm chỗ nương tựa cho chúng sinh, muốn thể nhập cảnh giới của chư Phật, muốn đầy đủ công đức của Phật, muốn an trụ trong thần thông của Phật, muốn tuyên dương chánh pháp cao cả của Phật như tiếng rống sư tử, muốn làm những việc Phật làm, muốn thuyết pháp cho đại hội tam thiên đại thiên thế giới.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nào muốn thành tựu những công đức lợi ích như vậy, thì nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa. Ai cho rằng Bát-nhã ba-la-mật-đa này không thể viên mãn các công đức lợi ích thì quyết định không có điều đó.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát cũng đầy đủ công đức của Thanh văn chăng?

Phật nói:

–Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát cũng học pháp Thanh văn và đầy đủ lợi ích của công đức ấy.

Tu-bồ-đề! Tuy Đại Bồ-tát học hiểu và lợi ích như thế, nhưng vị ấy không chấp trước vào đó. Đại Bồ-tát cũng thuyết giảng pháp Thanh văn nhưng không nắm giữ pháp ấy.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nào học như thế thì có thể làm ruộng phước lớn cho tất cả Trời, Người, A-tu-la… trong thế gian. Nhưng ruộng phước của Bồ-tát rất thù thắng hơn những ruộng phước của hàng Thanh văn, Duyên giác.

Tu-bồ-đề! Người học như thế là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, gần với Nhất thiết trí, không bỏ, không xa Bát-nhã ba-la-mật-đa. Người học như thế không đánh mất Nhất thiết trí, cách xa tâm Thanh văn, Duyên giác, gần với Vô thượng Bồ-đề.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nghĩ: “Đây là Bát-nhã ba-la-mật-đa, đây là tên Bát-nhã ba-la-mật-đa, nhờ học pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa này nên được Nhất thiết trí.”

Tu-bồ-đề! Người nào phân biệt như thế thì không gọi là tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu Đại Bồ-tát không phân biệt Bát-nhã bala-mật-đa, không biết, không thấy và cũng không chứng đắc. Vì không phân biệt, không biết, không thấy và không có sở đắc nên gọi là tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa.