SỐ 190
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 16 – 17

Phẩm 21: BỎ VƯƠNG CUNG XUẤT GIA

Thuở ấy Thái tử ở trong cung, ban đêm ngủ có một quan phụ trách việc bảo vệ cung điện bảo các lính tuần canh:

-Này các ngươi, khi tuần hành canh giữ, mỗi người phải nói câu “Kim-tỳ-la” (nhà Tùy dịch là đáng sợ), hoặc nói câu “Mục-đế-la” (nhà Tùy dịch là thoát ra), hoặc nói câu “Ương-già-na” (nhà Tùy dịch là bên trong ra), các ngươi phải luôn luôn có mặt ở đây.

Đám người tuân hành trả lời:

-Dạ vâng, chúng tôi luôn ở nơi đây.

Quan đại thần lại nói:

-Tất cả các người cần phải canh giữ cẩn thận! Tất cả các người cần phải canh giữ cẩn thận! Từ đêm nay trở về sau, các người canh gác, hoặc ở trên đất liền, hoặc ở dưới nước, hoặc ở trên cây, hoặc ở trong hang, hoặc ở bên hóc núi, hoặc ở bên phòng nhà, hết thảy đều mỏi mệt nên thích ngủ nghỉ. Này các ngươi, đêm nay canh giữ phải cầm khí giới cùng nhau giữ các cửa ngõ trong cung điện, cần phải ra sức ân cần canh gác tất cả mọi người đều phải chia nhau canh gác không được ngủ nghỉ. Vì cớ gì Đại vương ra lệnh nghiêm ngặt như vậy? Vì Đại vương sợ Thái tử bỏ hoàng cung này mà đi xuất gia. Vì theo lời dự đoán của quốc sư A-tư-đà, nếu giữ được Thái tử ở trong cung, thì chắc chắn Thái tử sẽ làm Chuyển luân thánh vương thống trị bốn châu thiên hạ.

Đại thần nói như vậy rồi, qua phần đầu hôm, đến phần nửa đêm người điểm canh lớn tiếng hô lên: “Đại thánh chúng ta tôn vinh muôn thuở! Nguyện Đại thánh chúng ta an ổn sống lâu muôn đời.”

Phần đầu hôm qua rồi, bước sang phần nửa đêm, đồng hồ báo chưa được nửa đêm, có chư Thiên cõi trời Tịnh cư giáng xuống thành Ca-tỳ-la, lúc ấy dân chúng trong thành đều mê man chìm lặng trong giấc ngủ, trên từ Đại vương Tịnh Phạn, các cận thần tả hữu, dưới cho đến tên lính canh chuồng ngựa Thái tử cùng các hạ thần, thể nữ, hết thảy đều mê man mỏi mệt ngủ say.

Trong Thiên chúng có một Thiên tử tên là Pháp Hạnh đến nội cung dùng sức thần thông khiến cho đồ phục sức trên thân các thể nữ xệch xạc không ngay thẳng; hoặc có nàng áo trịch xuống khỏi vai mà không sửa lại, hoặc có nàng chống tay vào cằm vào má mà ngủ, hoặc có nàng buông đàn không hầu rồi tựa lên đó mà ngủ, hoặc có nàng hai tay ôm lấy chiếc trống mà ngủ, hoặc có nàng ở bên trong nắm song cửa sổ để lộ bán thân mà ngủ, có những nàng hai tay ôm choàng nhau mà ngủ, hoặc có nàng mắt không khép kín, để lộ hai tròng mắt như nhìn sững mà ngủ, hoặc có nàng nằm lăn lộn trên chuỗi anh lạc mà ngủ, hoặc có những cung nữ hình dung đoan chánh, từ xưa đến nay đầy đủ lễ phép, biết xấu hổ, tất cả các hạnh đều được vẹn toàn, nay vì do ngủ say nên đến nỗi hạ phong ra tiếng, tiểu dầm hơi thối nồng nặc mà không hay biết; hoặc có nàng chuỗi anh lạc tuột khỏi thân, hoặc có nàng buông vãi các tràng hoa, hoặc tháo bỏ y phục, trợn mắt mà ngủ giống như tử thi không khác, người ngoài nhìn vào không ngờ là người sống, hoặc có nàng nằm ngửa, sải tay chân, miệng há to mà ngủ; hoặc có nàng nằm loạn không biết đầu đuôi, nằm lộn ngược bên cạnh người khác mà ngủ; hoặc có nàng hai tay lòn dưới bắp vế ôm chặt mà ngủ; hoặc có nàng thân rung động như người say rượu tựa vào vách mà ngủ; hoặc có nàng gục đầu mũi dãi lòng thòng mà ngủ; hoặc có nàng ngồi xổm co cổ mà ngủ; hoặc có nàng khuôn mặt nhợt nhạt tái mét trông rất xấu xí mà ngủ; hoặc có nàng cổ mang trống cơm dây lòn qua nách mà ngủ; hoặc có nàng dùng đàn không hầu gác trên cổ mà ngủ; hoặc có nàng gục đầu, mớ mà ngủ; hoặc có nàng phóng đồ bất tịnh đại tiện mà ngủ; hoặc có nàng nằm úp mặt như tử thi ở giữa gò mả mà ngủ.

Bấy giờ Thái tử bỗng nhiên thức dạy, qua ánh sáng cực kỳ sáng chói của các cây nến hay bó đuốc to bằng nắm tay hay cánh tay lớn thắp khắp mọi nơi trong cung. Ngài thấy các thể nữ nằm ngủ như vậy, có nàng cầm các nhạc cụ như: chập chõa, sênh, đàn sắc, đàn cầm, kèn, ổng tiêu, đàn tỳ bà, ống địch, tù và… có nàng há miệng nước miếng đóng thành bọt trắng, hoặc có nàng nước mũi dãi nhễu dòng. Thái tử thấy những cảnh tượng như vậy đâm ra suy nghĩ: Hình dung phụ nữ chỉ như thế thôi, thể hiện những cảnh bất tịnh tồi tệ, có gì đáng cho ta tham ái, phấn son tô điểm bên ngoài cùng các đồ nữ trang: chuỗi anh lạc, y phục, tràng hoa, vòng xuyến trang điểm giả tạo ngoài thân. Đối với người ngu si không biết thì bị nó lừa gạt, thấy nữ sắc vọng sinh tâm ái dục. Đối với ngưới có trí tuệ chánh niệm quán sát thân thể phụ nữ, thể tánh của nó là như vậy, hoàn toàn không có chủ tể giống như giấc mộng, như trò huyễn thuật. Lẽ ra đối với nữ sắc không có người sinh tâm phóng dật, nhưng vì do tâm niệm vô minh trói buộc nên mới đắm nhiễm. Rồi nói kệ:

Thế gian bất tịnh nhiều mê hoặc,
Không gì vượt hơn người phụ nữ,
Y phục nữ trang cùng điểm tô,
Người ngu thấy vậy sinh tham dục,
Kẻ trí quan sát như thế này,
Như huyễn như mộng không chân thật,
Gấp bỏ vô minh chớ buông lung,
Quyết được công đức thân giải thoát.

Lúc ấy, Thái tử lại chuyên tâm tư duy như thế này: “Ôi thôi thế gian đại hoạn! Ôi thôi thế gian đáng sợ, có gì đáng tham!” Thái tử đem lòng từ bi thương xót chúng sinh, rồi cất to tiếng khóc: Thế gian này ràng buộc, người ngu si giống như súc vật bị kẻ đồ tể giết hại sinh mạng; thế gian này bất tịnh, người ngu si không biết đem tâm vui thích, ví như chiếc bình đẹp vẽ vời bên ngoài mà bên trong chứa đầy phẩn tiểu; thế gian này giả tạm, người ngu si lặn hụp chìm đắm trong đó, như con voi già lun trong vũng bùn lầy; thế gian này ổ uế hôi thối, người ngu cho là ngon ngọt thơm tho, giống như con lợn nằm trong chuồng phân; thế gian này dối gạt, người ngu si không biết vội sinh tham đắm, như chó gặm đầu xương trắng; thế gian này tổn hại, người ngu si không biết chen nhau cạnh tranh, giống như con thiêu thân chen nhau nhào vào ngọn đèn đuốc; thế gian này độc hại, người ngu si không biết tham đắm vui thích, giống như cá trạnh nuốt lưỡi câu; thế gian này như hoa úa vàng, người ngu si không biết ưa thích thân cận, giống như loài hoa sông nơi ẩm ướt mà lại lìa khỏi nước rồi lại gặp sức nóng thiêu đốt của mặt trời; thế gian này mong manh, người ngu si không biết đi lại trên đó, giống như trâu già lún trong bùn sâu; thế gian này như đỉnh núi cao, người ngu si không biết sẽ rơi vào vực thẩm, giống như người mù từ đỉnh núi cao rơi xuống vực sâu; thế gian này tuần hoàn, người ngu si không biết lưu chuyển trong sinh tử, giông như bàn tay của người thợ gốm; thế gian này triền miên, người ngu si không biết bị nó ràng buộc, giống như chó bị xiềng xích không được tự do; thế gian này không tươi mát, người ngu si không biết bị lửa thiêu đốt, giống như cỏ mùa hạ bị sức nóng oi bức đốt khô; thế gian này suy thoái, người ngu si không biết một ngày nào đó sẽ bị tiêu diệt, giống như mặt trăng khuyết dần dần không còn; thế gian này không lợi ích, người ngu si không biết quả báo thiện căn hết rồi, như người thua cờ bạc tiền của chuyển về người khác.

Thái tử quán sát thân các thể nữ như vậy rồi lại tư duy: “Ta nay thấy rõ ràng như vậy, cần phải sinh tâm hoan hỷ dũng mãnh, siêng năng tinh tấn, tăng trưởng phước đức, phát thệ nguyện rộng lớn cứu giúp thế gian. Đối với kẻ không ai cứu giúp, ta làm người bảo vệ giúp đỡ; đối với người không ai nuôi dưỡng, ta làm người đỡ đầu; đối với những chúng sinh không nhà cửa, ta làm nhà cửa phòng xá cho họ. Ngày nay những bổn phận này đã hiện rõ trước mắt ta, với ý chí này thì chẳng bao lâu ta sẽ thành chánh quả. Vì cớ sao? Vì những thể nữ không biết xấu hổ đang ngủ say này.”

Lúc ấy vào khoảng nửa đêm, Thiên tử Tác Bình thấy Thái tử đã thức dậy, chậm rãi bước đến thưa Thái tử:

-Tâu Thái tử, thuở xưa ngài đã thành tựu đầy đủ các việc chân thật. Lại nữa, Thái tử lúc ở tại nhân gian phát tâm thế này: “Ta nguyện bỏ thân này sinh vào cung trời Đâu-suất, thưa Thái tử, nguyện ấy đã trải qua rồi. Lại nữa, khi Thái tử ở cung trời Đâu-suất, nguyện sinh xuống trần gian thọ sinh trong thai Thánh mẫu, nguyện ấy nay đã mãn. Khi ở trong thai ngài nguyện sớm xuất sinh, nguyện ấy cũng hoàn tất. Sinh rồi đồng tử khôn lớn trong cung tự do dạo chơi thọ hưởng dục lạc, nguyện ấy cũng đã thành tựu qua rồi. Khi tuổi đến hai mươi muốn siêng năng tập học kỹ nghệ, nguyện đó cũng viên mãn. Khi tuổi tráng niên muốn thọ thú vui dục lạc thế gian, nguyện đó đang thực hiện. Xin Thái tử chớ nên mải mê, ngày nay chư Thiên, nhân loại, cầu mong Thái tử xuất gia tu học Thánh đạo.

Thái tử nghe Thiên tử Tác Bình nói như vậy, liền mang đôi giày da làm bằng các loại ngọc quý, giá đáng tám ngàn ức cân vàng, xỏ vào chân rồi đứng dậy xoay nhìn chỗ ngồi của mình cùng với chiếc bảo sàng, lớn tiếng nói thế này:

-Đây là chỗ thân tối hậu của ta nằm thọ ngũ dục, từ nay mãi về sau sẽ không thọ ngũ dục nữa.

Lúc ấy, tay trái Thái tử vén tấm trướng lưới làm bằng các loại quý giá từ trong cung bước ra, chậm rãi cất bước. Ở trong nội điện vừa đi được một khoảng ngắn, ngài đứng chắp tay hướng về phương Đông, chú tâm niệm danh hiệu chư Phật rồi ngước đầu nhìn các vì sao trên hư không.

Bốn vị Đại thiên vương Hộ thế và trời Đế Thích biết giờ xuất gia của Thái tử sắp đến, nên từ cõi nước của mình sắm đầy đủ phẩm vật đến cúng dường.

Thiên vương Đề-đầu-lại-tra, lãnh chúa các bộ Càn-thát-bà cùng với tất cả quyến thuộc trăm ngàn vạn chúng, thứ tự trước sau đồng trỗi nhạc từ phương Đông kéo đến, đi quanh thành Ca-tỳ-la ba vòng trên hư không, rồi hạ xuống đất đứng sang một bên, hướng về Thái tử cung kính chắp tay cúi đầu.

Thiên vương Tỳ-lưu-lặc-xoa lãnh chúa các bộ Cưu-bàn-trà cùng với tất cả quyến thuộc trăm ngàn vạn chúng, thứ tự trước sau, tay bưng bảo bình đựng đầy nước hương thơm tuyệt diệu từ phương Nam kéo đến, đi quanh thành Ca-tỳ-la ba vòng trên hư không rồi hạ xuống đất đứng một bên, hướng về phía Thái tử cung kính chắp tay cúi đầu.

Thiên vương Tỳ-lưu-bác-xoa, lãnh chúa chúng long vương cùng với tất cả quyến thuộc trăm ngàn vạn chúng, thứ tự trước sau, tay cầm các thứ chuỗi chân châu tuyệt hảo, lại hiện ra các tảng mây bằng hương thơm, tảng mây bằng hoa cho đến tảng mây bằng ngọc quý, lại thổi làn gió thơm êm dịu, từ phía Tây kéo đến đi quanh thành Ca-tỳ-la ba vòng trên hư không, rồi hạ xuống đất đứng sang một bên, hướng về phía Thái tử, cung kính chắp tay cúi đầu.

Thiên vương Tỳ-sa-môn, lãnh chúa các bộ Dạ-xoa cùng với tất cả quyến thuộc trăm ngàn vạn chúng, thứ tự trước sau tay cầm hỏa châu hay đèn đuốc, hoặc cầm đuốc lớn cháy sáng rực rỡ, hoặc có Thiên chúng thân mặc áo giáp, tay cầm cung tên, giáo mác, dao gậy…từ phương Bắc kéo đến, đi quanh thành Ca-tỳ-la ba vòng trên hư không rồi hạ xuống đất đứng sang một bên, hướng về Thái tử cung kính chắp tay cúi đầu.

Thiên chúa Thích Đề-hoàn Nhân cùng với tất cả quyến thuộc chư Thiên trăm ngàn vạn chúng, theo thứ lớp trước sau đem theo tràng hoa, dầu phấn hương thơm, lại có chư Thiên cầm tràng phan bảo cái, hoặc có chư Thiên cầm chuỗi anh lạc tuyệt đẹp, từ cõi trời Đao-lợi kéo đến đi quanh thành Ca-tỳ-la ba vòng trên hư không rồi hạ xuống đất đứng một bên hướng về Thái tử cung kính chắp tay cúi đầu.

Thái tử xem khắp các phương rồi ngước lên quan sát các vì sao trên hư không và thấy bốn vị Đại thiên vương Hộ thế dùng các chuỗi anh lạc thật đẹp trang điểm trên thân, đầu đội Thiên quan tuần tự thứ lớp bước đi chậm rãi, cùng với các bộ chúng: Càn-thát-bà, Cưu-bàn- trà, Dạ-xoa và chúng Long vương. Mỗi bộ chúng gồm có trăm ngàn quyến thuộc vây quanh tả hữu, mỗi bộ chúng từ các phương: Đông, Nam, Tây, Bắc đến đứng theo phương của mình. Lại thấy có chúa trời Thích Đề-hoàn Nhân thống lãnh trăm ngàn quyến thuộc chư Thiên, thứ tự trước sau tụ tập che kín chung quanh, lại thấy sao Quỷ đã cùng với tháng tốt phù hợp.

Lúc ấy chư Thiên đều xướng to tiếng:

-Đại thánh Thái tử, nay đã nhằm ngày sao Quỷ, nay đã đến lúc, muốn cầu pháp tối thắng không nên ở nơi trần gian. Bậc vua tối thượng trong loài người, mau lên, giờ đã đến, xa lìa thế tục mà xuất gia.

Như vậy, tất cả chư Thiên hộ vệ hai bên đều xướng lên lời tán thán mau xuất gia, chớ nên ở thế gian.

Thái tử nhìn hư không suy nghĩ thế này: “Trong đêm nay thanh vắng, nhằm vào ngày sao Quỷ, từ dưới đất cho đến hư không chư Thiên đều hộ vệ, ngay lúc này ta quyết định không còn do dự, nên phải xuất gia.” Trong tâm Thái tử suy nghĩ như vậy rồi, liền kêu Xa-nặc con của tỳ nữ sinh cùng một ngày với Thái tử bảo:

-Này Xa-nặc, ngươi mau đến đây, chớ trái lệnh ta, ngươi nên mau thắng yên cương con ngựa Kiền-trắc đồng sinh một ngày với ta, dẫn đến trước đây cho ta, đừng để một người quyến thuộc họ Thích nào trong gia tộc ta nghe tiếng ngựa kêu.

Xa-nặc đứng bên Thái tử nghe lời sai bảo, rồi ngửa mặt nhìn lên bầu trời, nghĩ rằng bây giờ mới nửa đêm, tâm liền sinh nghi, cả người rùng mình, toàn thân lông tóc dựng ngược, lo sợ chẳng an, rồi tâu Thái tử:

-Tâu Thái tử, tại sao nửa đêm ngài sai tôi thắng yên ngựa con ngựa chúa Kiền-trắc làm gì? Hoặc có sự khủng bố gì chăng? Hoặc có việc cấp tốc gì chăng? Hoặc có kẻ thù địch chăng? Hoặc trong thành hay ngoài thành có việc lành dữ gì chăng?

Thái tử bảo Xa-nặc:

-Này Xa-nặc, ta nay vội vã vì bị các khổ bức xúc như giặc thù khủng bố, ngươi sao biết được. Chỉ mau mau thắng yên cương con ngựa Kiền-trắc đồng sinh một ngày với ta, kịp thời đem đến đây.

Bấy giờ, Xa-nặc nghe Thái tử nói như vậy, trong tâm lo nghĩ: “Hiện giờ Thánh tử quyết định xuất gia không chịu ở nhà.” Nghĩ như vậy rồi, Xa-nặc cố ý cao giọng lớn tiếng thưa Thái tử với dụng ý để các thể nữ hay thức dậy, Xa-nặc thưa:

-Bạch Đại thánh Thái tử, Ngài luôn luôn biết việc làm đúng thời điểm, thời giờ thường thích hợp với mỗi việc, sao giờ này mà thái tử sai dắt ngựa? Nếu Thái tử muốn đi đến lâm viên dạo chơi thưởng ngoạn nơi chỗ tuyệt đẹp ấy thì đây chẳng phải lúc, sao lại dùng ngựa làm gì? Thưa Thánh tử, hiện giờ không có giặc thù, lại không có người phản nghịch làm loạn, bốn phương yên tịnh không có kẻ nhiễu nhương ly loạn, tất cả kẻ giữ biên cương không ai trốn thoát, oai đức của Thánh tử bao trùm khắp cõi đại địa, có một không hai, tại sao trong lúc nửa đêm, ngài lại cần dùng con ngựa chúa Kiền-trắc làm gì? Ngày nay Thái tử ở nơi cung điện này cùng các thể nữ sum vầy thọ hưởng khoái lạc, giống như đức chúa trời vui chơi trong vườn Hoan hỷ, khác nào như Thích Đề-hoàn Nhân cùng các ngọc nữ chư Thiên vây chung quanh. Thái tử ngày nay cũng vậy, ở trong cung điện, ngồi trên giường ngọc dùng đến ngựa làm gì? Xin Thánh tử yên tâm ở trong cung thưởng thức lời ca tiếng nhạc của trăm ngàn thể nữ.

Xa-nặc miệng thì nói những lời như vậy, tay thì nắm kéo tóc, chân thì đá vào thân thể nữ, khiến cho họ thức dậy, nhưng các thể nữ vì bị sức thần thông của chư Thiên nên không hay biết gì cả.

Lúc ấy thái tử tâm sinh lo lắng, sợ mọi người hay biết, nên dùng kệ nói nhỏ với Xa-nặc:

Xa-nặc đồng sinh ngươi phải biết
Ta xem cung nữ như mồ hoang
Giống tợ ruồi lằn nơi hố xí
Như cùng La-sát sống với nhau
Loạn xạ ngủ vùi đủ các hướng
Lại giống bọt nước khi thọ thai.
Xa-nặc ta thấy khổ ngũ dục
Tâm ta không muốn ở hoàng cung
Dạo chơi các phương ta chán nản
Vì thấy già, bệnh và tử thi
Xa-nặc mau đem ngựa Kiền-trắc
Ta nay quyết chí đi xuất gia.

Xa-nặc nghe lời phán quyết của Thái tử, giống như mãnh thú bị tên độc, hết sức khổ não to tiếng khóc bạch Thái tử:

-Ngày nay Ngài nỡ nào xa lìa tôn thân hay sao?

Thái tử đáp:

-Này kẻ hiền Xa-nặc, Ta nay muốn cầu quả tối thắng, thà xả bỏ tôn thân gia tộc, chớ để đến đời vị lai Ta cùng quyến thuộc bỏ mạng trong miệng của quỷ vô thường hay sao?

Rồi thái tử vì Xa-nặc nói kệ:

Ta nay vì cầu quả Niết-bàn
Rời xa thân tộc đi xuất gia
Vị lai tử thần cướp mạng sống
Mạng khi vào miệng quỷ không tha.

Xa-nặc nghe thái tử nói như vậy, lại ân cần thưa hỏi:

-Bạch Đại thánh thái tử, tất cả thế gian đều nói: “Thái tử nhất định làm Đại Chuyển luân vương”, tại sao Thái tử lại xa lánh?

Thái tử lại cắt ngang lời nói Xa-nặc:

-Ôi! Này Xa-nặc, ngươi không nên nói lời như vậy, trong đời quá khứ Ta đã từng ở nơi cung trời Đâu-suất tốt đẹp hơn cung điện trần gian này. Ta đã từng làm Thiên vương thống lãnh ba mươi ba tầng trời, lúc ấy Ta vẫn không thích thọ hưởng cảnh vui nơi ấy. Vì sao? Vì Ta thấy cảnh khổ sinh già bệnh chết, huống lại ngày nay ở nơi cõi nhân gian này. Ở cảnh giới nhân loại này, tuy thời gian thì ngắn mà sự đau khổ ô trược thì nhiều, ở vương vị cai trị thế gian, tuy tạm thời được tự do mà không thoát khỏi cảnh khủng bố của sinh, già, bệnh, chết. Hễ ai sống trong thế gian này đều bị sự thống trị của quỷ vô thường, nên các vị vua không thể tự do an lạc.

Xa-nặc lại thưa:

-Bạch Đại thánh Thái tử, tuy Thái tử không cần vương vị thế gian, nhưng đối với Đại vương Tịnh Phạn nay tuổi đã già, còn Thái tử đang độ thanh xuân, chớ nên để Đại vương khổ não.

Thái tử đáp:

-Này kẻ hiền Xa-nặc, Ta nay ở bên Đại vương sinh tâm ái kính. Như Đại vương yêu quý Ta, Ta cũng yêu quý Đại vương gấp bội lần. Đại vương có điều đặc biệt yêu mến thân tộc, Ta cũng không muốn xa cách thân tộc, Ta đối với thân quyến lại không có tâm tưởng gì khác, nhưng chỉ vì Ta kinh hãi lo sợ ở trong các cõi chịu cảnh khổ sinh tử, ngày nay muốn tìm đường giải thoát, nên nay Ta tạm xa lánh tình thân ân trọng đối với thân tộc để rồi đời vị lai thương mến cứu hộ quyến thuộc, lại trong đời vị lai khỏi bị xa lìa.

Xa-nặc bạch Thái tử:

-Tâm Thái tử đã quyết định rồi sao? cần kíp phải xuất gia hay sao?

Thái tử đáp:

-Này kẻ hiền Xa-nặc, Ta đã quyết định.

Xa-nặc lại hỏi:

-Bạch Thái tử vì cớ gì?

Thái tử đáp:

-Ta thấy cái khổ vô thường ở thế gian, ý Ta muốn chuyên tâm cầu tìm cảnh giới tốt đẹp hơn.

Xa-nặc lại thưa hỏi:

-Bạch Thái tử, vì nhân duyên gì Ngài tìm cảnh giới tốt đẹp?

Thái tử đáp:

-Giả sử trong thế gian này không có sinh già bệnh chết, không có cảnh yêu mến nhau mà bị xa lìa, không có cảnh ghét nhau mà phải gặp nhau, Ta được vương vị thọ hưởng các phước đức mà không bị cảnh vô thường, hoàn toàn là cảnh chân thật, bất cứ ai sinh trong loài người đều không bị cảnh ô trược. Nếu được như vậy, Ta có thể ở lại nơi đây an tâm hưởng lạc. Này kẻ hiền Xa-nặc, ngươi không nên trái ý Ta, Ta ra lệnh cho ngươi mau mau thắng yên cương con ngựa chúa Kiền-trắc đồng sinh một ngày với Ta.

Xa-nặc bạch:

-Y như lời Thái tử dạy không dám trái ý.

Xa-nặc nghe những lời quyết định của Thái tử, nên cũng biết được thâm tâm của Thái tử, tuy biết sắc lệnh nghiêm cấm của Đại vương Tịnh Phạn, nhưng nhờ thần lực chư Thiên gia hộ, nên Xa-nặc phát tâm hoan hỷ đi dắt con ngựa Kiền-trắc đem đến cho Thái tử. Nên có kệ:

Xa-nặc vì thần lực chư Thiên
Lệnh cấm Đại vương đành phải phạm
Cũng vì Bồ-tát bổn nguyện thành
Phát tâm dắt ngựa thắng yên cương.

Lúc ấy Xa-nặc tiến đến chuồng ngựa, đứng trước máng cỏ chụp lấy con ngựa Kiền-trắc, dùng vàng ròng làm dây cương với bảy thứ ngọc quý trang điểm, xuyên qua miệng ngựa dẫn ra khỏi chuồng, buộc riêng vào một trụ cọc, lấy bàn chải chải nhẹ trên lưng, rồi phủ lên mình bằng một lớp lụa mềm mại, tiếp theo đặt trên lưng một chiếc yên với hai bàn đạp đều làm bằng vàng, được đính vào bằng bảy thứ ngọc quý và cuối cùng phủ lên trên một màn lưới vàng. Ngựa được khớp yên cương, bàn đạp dây đai đều được chỉnh tề, liền dắt đến trước mặt Thái tử. Lúc ấy ngựa Kiền-trắc cùng sinh một ngày với Thái tử, từ xa trông thấy thân hình tráng kiện của Thái tử, hết sức vui sướng cất tiếng hí to, tiếng hí của ngựa chúa Kiền-trắc đáng ra nghe to đến nửa do-tuần, nhưng nhờ thần lực của trời Thủ đà hội và chư Thiên khiến tiếng ngựa tan biến trong những đám mây, vì sợ người ta nghe được làm cản trở việc xuất gia của Thái tử.

Bấy giờ Thái tử vui mừng hớn hở tràn ngập châu thân liền lấy bàn tay phải mềm mại như màn lưới, với những ngón tay thon thon như những cánh sen, với màu đỏ hồng như tử kim, vuốt ve từ bờm đến lưng ngựa và ngài nói:

-Này ngựa Kiền-trắc, ngươi đồng sinh một ngày với Ta, Ta nay muốn cầu giáo pháp cam lộ, ngươi phải nỗ lực đưa ta đi một cách an toàn tốt đẹp, đừng để người trong hoàng thành hay được cản trở. Này ngựa Kiền-trắc, ngươi trong khi chiến đấu còn hết sức mình liều chết để thắng đối phương, huống ngày nay đi với Ta, ngươi phải hết sức khéo léo phò tá, để Ta đi tìm cái vui xuất thế gian. Vì cái vui thế gian chỉ là cái vui trong chốc lát, chẳng bao lâu nó trở về hoại diệt, cái vui lúc bấy giờ trở thành đại khổ não. Ta vì pháp mà ra sức, việc này rất gian nan. Ta nay vì tất cả chúng sinh thế gian mà xuất gia tu hành chánh đạo để tìm phương pháp giải thoát, ngươi khéo nỗ lực ra sức dũng mãnh phi đi thật nhanh. Ta nay xuất gia vì đem lại lợi ích to lớn cho tất cả chúng sinh thế gian trong đó có loài các ngươi.

Thái tử đứng trên đất, chánh niệm phát đại thệ nguyện: “Đây là lần cuối cùng ở tại gia Ta cỡi ngựa, từ nay trở đi không còn ngồi trên lưng ngựa như ngày hôm nay.” Phát nguyện rồi, liền nắm dây cương nhảy lên mình ngựa Kiền-trắc, ngài ngồi trên yên lại nói với ngựa Kiền-trắc một lần nữa: “Này ngựa Kiền-trắc, ngươi nỗ lực chở Ta, đây là lần chở cuối cùng, Ta nay vì làm điều lợi ích cho chư Thiên dân chúng thế gian, nên phát tâm xuất gia.”

Khi Thái tử ngồi trên lưng ngựa chúa Kiền-trắc thì cũng có tất cả chúng A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, La-sát, chư Thiên cõi Địa cư, chư Thiên cõi Thủ đà hội, chư Thiên cõi A-ca-nị- tra… đồng đi theo ngựa Kiền-trắc. Lúc ấy chư Thiên tay cầm lọng trắng, chung quanh lọng và cán lọng được dùng các ngọc quý trang điểm, phủ trên lọng bằng một mành lưới bảy báu, trân châu… ở giữa các mắt mành lưới đều treo các chuông rung làm bằng vàng, chư Thiên đồng cầm che trên mình Thái tử.

Thái tử cỡi ngựa Kiền-trắc lần lần hướng ra cửa thành, tiếng động chân ngựa vang xa một câu-lô-xa, chư Thiên cõi Thủ đà hội dùng thần lực không cho tiếng động vang xa, sợ xảy ra sự chướng ngại cản trở việc xuất gia của Thái tử.

Khi Thái tử xuất gia, trong hư không có một Dạ-xoa tên là Bát Túc cùng với quyến thuộc, mỗi người đều dùng tay đỡ lấy bốn chân ngựa, từ từ đi một cách an ổn.

Thái tử lúc sắp cất bước ra khỏi cung có một Thiên tử xướng lên: “Nguyện vị Đại thuyền trưởng, có đại pháp tốt đẹp, nay muốn cứu vớt vô lượng chúng sinh đang chìm đắm trong biển phiền não.” Chư Thiên lại xướng lên: “Nguyện Đại Thánh Thế Tôn không chướng ngại, nay muốn xuất gia vượt qua biển sinh tử.”

Thái tử bảo Xa-nặc:

-Này kẻ hiền Xa-nặc, ngươi nay nên đi trước chỉ đường cho ta ra khỏi nội cung.

Khi muốn ra khỏi thành phải tháo chốt mở các cửa, mà tiếng động mở cửa vang xa đến một câu-lô-xa. Khi ấy có hàng Phi nhân đến tháo chốt mở cửa, còn trời Thủ đà hội dùng thần lực làm tan biến tiếng động, khiến không cho người nghe, vì sợ rằng có sự cản ngăn trong khi Thái tử xuất gia.

Xa-nặc bạch Thái tử:

-Thưa Thái tử cửa cung đã mở rồi.

Thái tử hỏi:

-Cửa cung đã mở rồi sao? Tâm Ta quyết định xuất gia, với sở nguyện cầu lợi ích cho chúng sinh thành tựu không còn gì phải nghi ngờ.

Xa-nặc bạch:

-Tâu Đại thánh Thái tử, rất đặc biệt ít có thay, vì cửa cung này trước khi mở nó phải cần nhiều sức mạnh mới mở được, nay đây Thái tử vừa đến nơi thì cửa liền mở. Đại thánh Thái tử đến gần bên cửa cũng như luồng gió mạnh thổi tan đám mây giạt qua hai bên.

Khi Thái tử từ trong cửa cung bước ra ngoài, rồi nói lời thề này: “Đây là lần cuối cùng Ta ra khỏi cửa cung này, từ nay trở đi không ra khỏi cửa cung này nữa.”

Thái tử ra khỏi cung đi chậm rãi đến cửa Tỳ-da-ra, bên cạnh cửa có một tướng Dạ-xoa tên là Thiện Nhập cùng với năm trăm quyến thuộc Dạ-xoa, đồng thấy Thái tử đi bộ chậm rãi tiến đến, chúng nói với nhau: “Hiện giờ trong lúc nửa đêm không phải giờ mở cửa, mà nay Đại thánh Thái tử Tất-đạt-đa đi đến dưới cửa, ta nay đây sẽ vì Thái tử chăng?” Khi ấy chúng Dạ-xoa đồng nói: “Chúng ta sẽ vì Thái tử mở cửa, tùy ý Thái tử ra đi, vì ra khỏi nơi đây, Ngài sẽ được thành tựu như ý, chứng được đạo quả cam lộ rồi, Ngài sẽ vì chư Thiên, nhân loại thế gian đem lại nhiều điều lợi ích lớn.” Dạ-xoa Thiện Nhập vội vàng mở toang cửa Tỳ-da-ra. Cửa này trong khi mở hay đóng, liếng động thấu đến nửa do-tuần, lúc ấy trời Tịnh cư dùng thần thông làm lan biến tiếng động, không để cho người ta nghe, vì sợ làm ngăn cản sự xuât gia của Thái tử.

Thái tử ra đi từ cửa Tỳ-da-ra của thành Ca-tỳ-la, khi vừa ra khỏi thấy quân tướng canh gác cửa này, hoặc có người nắm lấy chốt cửa ngủ say không biết Thái tử ra lúc nào, hoặc có người bị thần lực của quỷ Dạ-xoa làm mê muội, hoặc có người bị sức thần thông của chư Thiên làm hôn ám, hoặc có người tuy hết sức cẩn thận có tài canh gác nhưng tất cả đều ngủ vùi không hay Thái tử ra đi.

Lúc ấy Ma vương Ba-tuần ở cõi Dục thấy Thái tử ra đi xuất gia, vì muốn khủng bố Thái tử dùng sức thần thông hóa hiện đám mây lớn, rồi từ đó phát ra tiếng sấm vang rền, hay những tiếng sét đánh điếc tai. Hoặc hiện các dòng sông lớn, cuốn trôi những tảng đá nổi lên lặn xuống cuồn cuộn trôi đi. Hoặc ở trước Thái tử hiện những ngọn núi to cao vút, hoặc hiện những gộp núi sâu thẳm, hoặc hiện những đám lửa cháy lan tràn ngùn ngụt.

Cùng lúc ấy chư Thiên cõi trời Tịnh cư ẩn thân trong những đám mây lớn dùng sức thần thông khiến cho các thứ tiếng sấm sét, dòng sông cuốn đá, núi cao to lớn, gộp núi sâu thẳm, lửa cháy dữ dội đều không hiện ra được, rồi nắm lấy Ma vương Ba-tuần ném cách ra ngoài vô lượng trăm ngàn do-tuần, không để làm ngăn trở việc xuất gia của Thái tử.

Khi Thái tử ra ngoài cửa thành Ca-tỳ-la, cất giọng như sư tử gầm nói như thế này: ‘Ta nay thà gieo mình xuống gộp đá mà chết, thà uống các thứ độc dược mà chết, thà nhịn ăn uống mà đành bỏ mạng. Nếu bổn nguyện cứu thoát chúng sinh trong biển sinh tử không thành tựu, Ta thề trọn đời không trở lại thành Ca-tỳ-la này.”

Chư Thiên nghe lời thề của Thái tử như tiếng sư tử gầm, tất cả đều vui mừng.

Thuở ấy, khi Thái tử cất tiếng nói như sư tử gầm, tất cả quỷ thần bảo vệ thành Ca-tỳ-la, hoặc có quỷ thần giữ cửa, hoặc có quỷ thần bảo vệ tường thành, hoặc có quỷ thần bảo vệ vọng gác đều lớn tiếng xướng lên: “Đúng như vậy! Đúng như vậy! Lời nguyện của Ngài như tiếng sư tử gầm không có sợ sệt, nguyện Ngài sẽ thành tựu viên mãn.” Các quỷ thần vì trong lòng hớn hở, giơ cao hai tay, miệng ca ngợi Thái tử: “Bậc Đại dũng mãnh ra khỏi thành Ca-tỳ-la rồi quay lại nhìn.”

Thái tử nghe tiếng tán thán của quỷ thần trong tâm không còn sợ sệt, hết sức vui mừng, toàn thân lông tóc dựng ngược, nói lời thề: “Ngày nay Ta nguyện trọn đời không trở lại trong thành này nữa, nếu Ta chưa chứng pháp cam lộ mà chư Thánh hằng ca ngợi. Khi đoạn được dòng phiền não sinh tử, chứng được đạo quả Niết-bàn, sau đó Ta mới trở lại thành này.”

Khi Thái tử đứng ở ngoài thành nói lời thề quyết liệt: “Chừng nào Ta chứng được đạo chân như Bồ-đề, rồi sau đó mới trở lại vào thành giáo hóa.” Tiếng nói như sư tử gầm. Chỗ đất Thái tử đứng nói lời này, về sau người ta xây một bảo tháp đặt tên là: ‘Tháp tiếng nói Thái tử như sư tử gầm.”

Lúc ấy nơi đây có một đại thọ Ni-câu-đà, vị thần cây này dùng kệ nói với Thái tử:

Như có người chặt bỏ cây này
Cốt yêu cần phải đào tận gốc
Như chặt đồ vật phải đứt hai
Vượt dòng phải đến bên bờ kia
Một lời nói ra không thể dối
Đã sinh oán giận, nào lại vui.

Thái tử dùng kệ trả lời Thọ thần:

Tuyết sơn có thể còn di chuyển
Nước trong đại hải có thể khô
Tinh tú có thể rơi xuống đất
Lời Ta nói ra không đổi thay.

Lúc ấy chư Thiên trời Tịnh cư lại nói kệ:

Cõi này, nay hiện phương thần dược
Chữa bệnh chúng sinh độc phiền não
Những ai bị nhằm tên ái bắn
Nay người khéo tay đều nhổ khỏi.
Cõi này nay hiện đại lương y.
Chữa lành chúng sinh tất cả bệnh
Như người khổ sở già bệnh chết
Ra toa trị liệu thảy đều lành.
Cõi này nay hiện đèn trí tuệ
Chiếu phá vô minh si điên đảo
Những kẻ mù lòa trong đêm tối
Đều được thấy rõ ánh quang minh.
Cõi này nay hiện mặt trời lớn
Ánh sáng chiếu khắp cả thế gian
Vì mắt trí tuệ sáng tròn đầy
Chiếu khắp mười phương các thế giới.
Cõi này nay hiện Đại thuyền trưởng
Hiện sẽ chuyên chở các chúng sinh
Thuyền buồm trí tuệ đầy phương tiện
Cứu vớt nhân thiên vô lượng ức.
Cõi này nay hiện đại thương chủ
Muốn dạy thương nhân qua sa mạc
Vô lượng chúng sinh đang mê hoặc
Hướng đạo dạy đi con đường chánh.
Cõi này nay hiện Đấng Đại Vương
Vua pháp thế gian người tối thượng
Ngọn cờ đại pháp được nêu cao
Để rõ pháp tà và pháp chánh
Cõi này nay hiện Đại Đạo Sư
Hàng phục tất cả các chúng sinh
Nhân thiên những ai chưa điều phục
Tất cả rồi đây sẽ phục tùng.
Cõi này nay hiện Đấng Đại Vương
Vua pháp xuất thế người tối thượng
Sẽ chuyển vi diệu đại pháp luân
Xô dẹp tất cả các ngoại đạo
Cõi này nay hiện Đấng Đại Giác
Giác ngộ thế gian người chưa giác
Những ai trói buộc bởi phiền não
Mở trói tất cả được tự do.
Cõi này nay hiện cờ Đế Thích
Sẽ tuôn vô biên trận mưa pháp
Đầy đủ mười lực không ai bằng
Có tài hàng phục các ngoại đạo
Cỡi đại bạch tượng xuống trần gian
Qua cõi vô minh xa thăm thẳm
Cầm chày Kim cang trí tuệ bén
Dẹp tan ngoại đạo các tà ma.
Cõi này nay hiện Đại Phạm vương
Thương xót thế gian khắp mọi loài
Đem lại lợi ích chúng ngu si
Đánh trống thổi loa tuyên đại pháp.
Cõi này nay hiện Đại long vương
Tuôn xuống thế gian trận mưa pháp
Chúng sinh ba cõi nhuần lợi ích
Bệnh tà nhiệt não thảy đều trừ.

Chư Thiên cõi Tịnh cư nói kệ xong, miệng liền xưng niệm: “Nam-mô Tôn giả Đại Trượng Phu Thân”, lễ bái rồi đi theo hầu Thái tử. Lúc ấy chư Thiên trời Tịnh cư tùy theo quả báo tiền nghiệp được thân hành vi diệu, oai đức dũng mãnh, chí lực tinh tấn, những gì khó làm đã vượt qua rồi, giờ đây vì Thái tử thân phóng quang minh dẹp tan bóng tối, soi đường cho Thái tử đi, giống như vầng mặt trời từ trong đám mây dày dặt tỏa ánh sáng chói lọi. Đúng như vậy! Từ thân chư Thiên Tịnh cư phóng hào quang sáng tỏ soi đường Thái tử đi cũng lại như vậy.

Chư Thiên cõi Dục đều hóa thân đồng tử đẹp đẽ dễ thương, đi phía trước hướng đạo cho Thái tử đi trên con đường bằng phẳng.

Vua trời Đại phạm cùng quyến thuộc Phạm thiên vây quanh đồng đi bên phải Thái tử.

Vua trời Đao-lợi cùng quyến thuộc Đế Thích cõi trời Ba mươi ba vây quanh, đồng đi bên trái Thái tử.

Bốn Đại thiên vương, thân đeo chuỗi anh lạc tuyệt vời, đầu đội thiên quan tua tủa những chuỗi anh lạc.

Cùng vô lượng trăm ngàn vạn chúng Càn-thát-bà, Cưu-bàn- trà, Long vương, Dạ-xoa… thân mặc áo giáp kiên cố, tay cầm đủ thứ binh khí: cung tên, kiếm bén, gươm, gậy sắt, mâu, giáo, chĩa ba, câu, mác, thiết bài, thiết luân đi phía trước mở đường cho Thái tử và họ thúc Thái tử: “Đi theo con đường này, nhanh lên không được nghỉ.”

Lại trên hư không có vô lượng vô biên trăm ngàn các chúng chư Thiên, vui mừng hớn hở tràn ngập châu thân, khổng thể kềm chế, đem các loài hoa mọc dưới nước hay trên đất liền rải trên mình Thái tử và các loại bột hương như: chiên-đàn, trầm thủy, đa-già-la, ngoài ra còn có các thứ hương khác như: hương bột, hương xông, hương thoa… mỗi chư Thiên cầm trên tay đi theo rải trên mình Thái tử để cúng dường.

Nói về trong cung, khi các thể nữ thức dậy hoảng hốt kêu lên: “Thái tử đâu? Thái tử đâu?” Nàng Da-du-đà-la chỉ thấy mình nằm trơ trọi trên giường, không thấy Thái tử đâu cả, liền la lên: “Ôi thôi! Ngày nay chúng ta bị Thái tử đánh lừa”, liền lớn tiếng kêu gào, thân nhào xuống đất, hốt lấy bụi chà lên đầu, đưa hai tay bức lấy đầu tóc, bứt lấy các chuỗi anh lạc trên thân ném xuống đất, hai tay cào xé y phục, thân hình và tứ chi đều bị xây xát, cất tiếng khóc thốt ra những lời chua xót đau thương, thân tâm nàng thống thiết bức xúc khổ não vô cùng.

Khi ấy người canh giữ bảo vệ thể nữ nội cung của Thái tử, chạy đến tâu báo Đại vương Tịnh Phạn:

-Xin Đại vương biết cho, đêm hôm nay khi hạ thần thức dậy không thấy Thái tử đâu.

Người canh chuồng ngựa thấy mất ngựa Kiền-trắc, cũng vội vã đến tâu Đại vương Tịnh Phạn:

-Xin Đại vương biết cho, đêm nay trên chuồng ngựa cũng không còn thấy con ngựa Kiền-trắc.

Đại vương Tịnh Phạn nghe những lời tâu như vậy, cất tiếng la to xướng lên thế này: “Ôi thôi! Ôi thôi! Con yêu dấu ta ơi!” Nói như vậy rồi nhào xuống đất chết giấc. Quan đại phu lấy nước lạnh chiên-đàn rưới trên mình nhà vua, trong chóc lát Đại vương tỉnh lại, tinh thần trở lại trạng thái bình thường, rồi sau đó gọi tướng bảo vệ hoàng thành đến ra sắc lệnh:

-Các khanh cấp tốc chuẩn bị bốn binh chủng, mặc áo giáp… đi tìm Thái tử gấp.

Vị tướng quân phòng vệ nghe sắc lệnh khẩn trương từ nội cung ban ra, vội vã đi truyền lệnh khắp tất cá các tướng lãnh chiến đấu:

-Này các tướng sĩ, các ngươi phải biết Đại vương Tịnh Phạn ban sắc lệnh thế này: “Bá quan đại thần bất cứ ở chỗ nào, hễ ai thọ hưởng lương thực bổng lộc của ta, tất cả đều mau mau nhóm họp, phân chia đi theo các ngả đường tìm Thái tử. Nếu ai gặp được Thái tử ở đâu, khéo đem lời phủ dụ, đừng để Thái tử ở trong rừng núi hang đá, nên rước trở về hoàng cung.”

Các quần thần bá quan văn võ ở trong thành Ca-tỳ-la đều nghe tướng quân phòng vệ rung chuông truyền cáo: “Tất cả quần thần, những ai hưởng bổng lộc của Đại vương Tịnh Phạn, tất cả đều ra khỏi thành Ca-tỳ-la đi tìm Thái tử, nếu ai thấy Thái tử ở đâu nên đem lời phủ dụ khuyên Thái tử trở về hoàng cung.”

Bấy giờ, tất cả quần thần bá quan, hoàng tộc và dân chúng nội thành Ca-tỳ-la, người hưởng bổng lộc hay không hưởng bổng lộc đều từ thành tỏa ra đi tìm Thái tử.

Quan đại thần, tuyên các sắc lệnh nhà vua xong rồi, dần dần đến nhà vị đại thần trông coi chuồng ngựa Thái tử, nói với vị ấy:

-Đại vương Tịnh Phạn ra lệnh cấp tốc ra ngoài thành đi tìm Thái tử.

Đại thần trông ngựa nói:

-Ta giữ chỗ ở của Thái tử không được đi đâu.

Quan giữ thành lặp lại lời nói thế này:

-Đại vương Tịnh Phạn ra sắc lệnh nghiêm khắc, tất cả những ai hầu hạ hai bên Thái tử đều bị giam cầm.

Đại thần trông ngựa đáp:

-Thưa nhân giả, nếu muốn giam cầm tôi, trước tiên ngài cùng tất cả vợ con, anh em, chú bác, cô dì thân quyến của ngài đều phải bị giam cầm.

Khi ấy tất cả dân chúng trong thành đều ra khỏi thành đi tìm Thái tử, nhưng Thái tử được sức thần thông của chư Thiên ngăn che nên người đi tìm không thấy được Thái tử.