SỐ 278
KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Pháp sư Phật-đà-bạt-đà-la, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 20: TẠI THIÊN CUNG ĐÂU-SUẤT, CÁC BỒ-TÁT TẬP HỢP KHEN NGỢI ĐỨC PHẬT

Bấy giờ, do thần lực của Phật, khắp mười phương, vượt ra ngoài các thế giới nhiều như bụi của vạn thế giới, có các thế giới tên là Kiên cố bảo, Kiên cố lạc, Kiên cố bảo độ, Kiên cố kim, Kiên cố ma-ni, Kiên cố kim cang, Kiên cố liên hoa, Kiên cố thanh liên hoa, Kiên cố chiên-đàn, Kiên cố hương.

Các Đức Phật ở các cõi ấy hiệu là Thọ Vô Tận Tràng, Phong Tràng, Thanh Bạch Tràng, Uy Nghi Tràng, Minh Tướng Tràng, Thường Tràng, Thượng Tràng, Tự Tại Tràng, Phạm Tràng, Minh Khanh Tràng.

Các Bồ-tát ở các cõi ấy có cùng danh hiệu là Kim Cang Tràng, Kiên Cố Tràng, Dũng Mãnh Tràng, Dạ Quang Tràng, Trí Tràng, Bảo Tràng, Tinh Tấn Tràng, Ly Cấu Tràng, Chân Thật Tràng, Pháp Tràng. Các vị Bồ-tát ấy đều tịnh tu phạm hạnh ở cõi Phật của mình. Mỗi một Bồ-tát đều đem theo các Bồ-tát thân cận nhiều như bụi trong vạn thế giới, cùng đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ sát chân Ngài.

Do thần lực của Phật, từ những hướng các vị ấy đến, đều có hóa ra tòa Sư tử Như ý bảo tạng đầy khắp cả mười phương. Các vị ấy ngồi kiết già trên đó, lưới báu bạch tịnh che cả thân, lại phóng ra vô số ức hào quang như ánh sáng lìa cấu bẩn, ánh sáng vô lượng chiếu khắp cả mười phương, bằng tâm chánh trực giữ gìn Tam bảo, xa lìa các ác, làm chỗ phát sinh tất cả đại nguyện của Bồ-tát. Tất cả chúng sinh nhìn không nhàm chán, người thấy đều được lợi ích và được

giáo hóa, hiển bày tất cả tịnh pháp tự tại của Phật, làm chỗ quy y cho tất cả chúng sinh, khuyến hóa làm phát sinh đại nguyện cầu giác ngộ. Các vị Bồ-tát này đều đã thành tựu vô lượng pháp môn. Đó là các pháp môn như: Thần túc đi các cõi Phật khắp mười phương không bị chướng ngại; thấy Pháp thân thanh tịnh mà không chấp trước; trụ trì thân trí tuệ có thể biến hóa ra vô số thân; đi đến vô lượng chỗ Phật; tự tại thể nhập vô lượng, vô biên không thể nghĩ bàn Như Lai; vô lượng, vô biên Nhất thiết trí; bằng phương tiện không sợ hãi vô lượng hào quang chiếu khắp các pháp; vô tận biện tài phân biệt diễn thuyết các kho tàng công đức tận đời vị lai; chiếu khắp bằng trí tuệ của tất cả Đà-la-ni; thành tựu Tuệ nhãn thanh tịnh quán sát khắp pháp giới; cảnh giới trí tuệ vô lượng, vô biên không trói, không mở mênh mông như hư không. Như tại thế giới này, các Bồtát vân tập ở Thiên cung Đâu-suất, thì ở tất cả thế giới khắp các bốn thiên hạ, cũng có các Bồ-tát vân tập ở Thiên cung Đâu-suất, đến từ các cõi và chư Phật và đều có danh hiệu như nhau.

Bấy giờ, từ hai đầu gối của Thế Tôn phóng ra trăm vạn ức hào quang chiếu khắp pháp giới hư không giới cả mười phương. Tất cả các Thiên cung Đâu-suất ở bốn thiên hạ trong tất cả thế giới, tất cả thần lực tự tại của Như Lai đều hiển hiện.

Những Bồ-tát nào được thấy thần lực tự tại của Như Lai đều là Thiện tri thức của Lô-xá-na Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác khi hành đạo Bồ-tát, tu tập vô lượng pháp môn. Các Bồ-tát này luôn ưa muốn thần lực tự tại giải thoát thậm thâm của chư Phật, được thân pháp giới bất hoại, được Tam-muội vô ngại, gặp vô lượng Đức Phật nhưng tâm không chấp trước. Bằng tâm vô ngại đầy cả pháp giới, tâm báu lìa cấu, thường được chư Phật hộ niệm, được vô lượng thần lực bảo hộ của chư Phật, chắc chắn cuối cùng đạt đến bờ kia, chánh niệm thanh tịnh mau thành Chánh giác, được trọn vẹn tâm của Như Lai, vào trí tuệ sâu xa được tự tại, đạt đến bờ kia bằng trí sâu xa, Pháp thân thanh tịnh trú ở chỗ Phật, được Nhất thiết trí đồng với Như Lai, phát sinh từ trí bảo, đều sinh vào trong cõi đẹp của Như Lai, mở bày pháp môn trí tuệ thanh tịnh, đạt đến trí lớn kim cang bờ kia, thành tựu Tam-muội Kim cang phương tiện, xa lìa tất cả ngu si tối tăm, giáo hóa thành thục vô lượng, vô số, vô biên chúng sinh, đạt được tất cả quyết định tự tại của chư Phật, đạt đến bờ kia, không lệ thuộc vào các loại học, hoàn toàn tất cả loại, tận cùng trí Nhất thiết chủng, ở vững trong pháp chân thật, thành tựu vô lượng, vô biên không thể nêu bày, không thể kể, không thể cùng tận các kho tàng công đức như vậy.

Bấy giờ, nhờ vào thần lực của Phật, Bồ-tát Kim Cang Tràng nhìn khắp mười phương, nói kệ rằng:

Như Lai không ra đời
Cũng không có Niết-bàn
Nhờ sức đại nguyện xưa
Hiển bày pháp tự tại.
Pháp này khó nghĩ bàn
Ngoài cảnh giới của tâm
Trí rốt ráo bờ kia
Mới thấy cảnh chư Phật.
Sắc thân chẳng phải Phật
Âm thanh cũng như vậy
Cũng chẳng lìa sắc thanh
Mà có năng lực Phật,
Trí ít không thể biết
Cảnh giới sâu của Phật
Thành tựu cả phước trí
Mới đến cảnh giới Phật.
Chư Phật không đâu đến
Và cũng chẳng về đâu
Pháp thân diệu thanh tịnh
Hiển hiện sức tự tại,
Trong vô lượng thế giới
Hiện ra thân Như Lai
Thuyết giảng pháp vi diệu
Mà tâm không chấp trước,
Vô lượng, vô biên tuệ
Các pháp không chướng ngại
Vào pháp giới sâu xa
Hiển hiện sức tự tại.
Chúng sinh và các pháp
Thông đạt không chướng ngại
Biến hóa thân vô lượng
Hiện khắp tất cả cõi,
Muốn cầu Nhất thiết trí
Tự nhiên thành Chánh giác
Trước phải tịnh tâm mình
Tu các hạnh Bồ-tát,
Như vậy, thấy Như Lai
Vô lượng sức tự tại
Trừ nghi, thường thân cận
Thiện tri thức vô thượng.

Bấy giờ, nhờ vào thần lực của Phật, Bồ-tát Kiên Cố Tràng nhìn khắp mười phương, nói kệ rằng:

Bậc Tối Thượng hoàn hảo
Sâu xa không thể nêu
Ngoài tất cả ngôn ngữ
Thanh tịnh như hư không,
Nhìn kỹ Thiên Nhân Sư
Vô lượng sức tự tại
Chư Phật không hư dối
Thế gian sinh vọng tưởng.
Lời Đạo Sư giảng dạy
Pháp ấy rất vi diệu
Tùy thuận nhân duyên sinh
Thân thanh tịnh của Phật,
Những trí Đại thừa này
Là cảnh giới của Phật
Nếu muốn cầu trí này
Thường phải thân cận Phật,
Tâm thanh tịnh cúng dường
Tất cả các Đạo sư
Tâm không hề nhàm chán,
Rốt ráo thành Phật đạo
Kho công đức vô tận
Tăng trưởng tâm giác ngộ
Xa lìa các si hoặc
Nhìn Phật không nhàm chán,
Tận cùng tất cả pháp
Phật tử sinh từ pháp
Thì hiểu được rõ ràng
Sức tự tại của Phật.
Lời vua Trí tuệ dạy
Muốn làm gốc các pháp
Nên khởi dục thanh tịnh
Chí cầu đạo Vô thượng.
Ai tôn kính chư Phật
Biết báo ân Như Lai
Người ấy chưa từng lìa
Tất cả các Đạo sư,
Như vậy, được thấy nghe
Chư Phật và pháp Phật
Đầy đủ nguyện thanh tịnh
Rốt ráo đạo Vô thượng.

Bấy giờ, nhờ vào thần lực của Phật, Bồ-tát Dũng Mãnh Tràng nhìn khắp mười phương, nói kệ rằng:

Có mắt, có ánh sáng
Thấy được sắc rất nhỏ
Do thần lực tối thắng
Tâm tịnh thấy chư Phật,
Tinh tấn, cầu phương tiện
Thì cạn hết biển khổ
Sức trí tuệ như vậy
Tận cùng biển chư Phật.
Cũng như mảnh ruộng tốt
Gieo giống tốt mọc tốt
Đất tâm tịnh cũng vậy
Sinh ra các Phật pháp.
Như nghèo được kho báu
Hết khổ và đói lạnh
Bồ-tát được Phật pháp
Tâm thanh tịnh lìa cấu.
Cũng như thuốc Già-đà
Làm hết tất cả độc
Thiên Tôn cũng như vậy
Diệt trừ độc phiền não.
Nhờ nương Thiện tri thức
Nuôi dưỡng tâm tin Phật
Nhờ nơi Thiện tri thức
Được nghe các Phật pháp.
Vô lượng, vô số kiếp
Hành bố thí vô thượng
Giáo hóa được một người
Công đức hơn người trước.
Tướng Như Lai trang nghiêm
Công đức khó nghĩ bàn
Kho công đức của Phật
Chẳng ai biết được cả.
Như Lai Đẳng Chánh Giác
An tọa trên một tòa
Mà hiện khắp mười phương
Ở tất cả thế giới.
Cũng như tánh hư không
Không sinh, cũng không diệt
Pháp chư Phật cũng vậy
Không sinh và không diệt.

Bấy giờ, nhờ vào thần lực của Phật, Bồ-tát Dạ Quang Tràng nhìn khắp mười phương, nói kệ rằng:

Các thế giới mười phương

Từng mỗi loại chúng sinh
Đều thấy Đấng Thế Tôn
Thân diệu pháp thanh tịnh.
Cũng như sức một tâm
Sinh ra các loại tâm
Một Pháp thân Như Lai
Sinh ra thân chư Phật.
Bồ-đề không hai pháp
Cũng không có tự tánh
Tịnh Pháp thân không hai
Trang nghiêm hiện khắp nơi.
Cùng tận như hư không
Cũng như huyễn hóa hiện
Công đức không thể tận
Riêng cảnh giới chư Phật.
Tất cả Phật ba đời
Pháp thân đều thanh tịnh
Tùy theo sự ứng hóa
Hiện sắc thân khắp nơi.
Chưa từng sinh tưởng niệm
Ta là hình tướng này
Xa lìa các hy vọng
Tự nhiên, ứng chúng sinh.
Không hoại các pháp tánh
Cũng không chấp pháp giới
Ứng hiện các loại hình
Để giáo hóa chúng sinh.
Pháp thân không biến hóa
Cũng chẳng không biến hóa
Các pháp không biến hóa
Thị hiện có biến hóa.
Chánh giác không thể lường
Cùng tận như pháp giới
Rộng sâu chẳng bờ bến
Ngôn ngữ không nói được,
Tất cả pháp các nẻo
Như Lai biết thật nghĩa
Đi đến tất cả cõi
Chưa từng bị chướng ngại.

Bấy giờ, nhờ vào thần lực của Phật, Bồ-tát Trí Tràng nhìn khắp mười phương, nói kệ rằng:

Vào nơi trí tuệ sâu
Tất cả không chướng ngại
Tâm ấy chẳng giới hạn
Tu tập hạnh Bồ-tát.
Khắp các cõi mười phương
Thường thấy tất cả Phật
Phật ấy chẳng nơi chốn
Pháp cũng không chấp trước.
Từng mỗi vị Như Lai
Vô lượng sức tự tại
Không thể nghĩ bàn kiếp
Mà nói cũng chẳng hết.
Đối chúng sinh ba đời
Đều biết được số lượng
Kho công đức Đạo Sư
Số lượng thật vô tận,
Không hay, khó nghĩ bàn
Ứng hiện các loại thân
Hiện khắp cả mười phương
Chưa từng có sai khác.
Cũng như trăng tròn sáng
Hiện khắp nơi có nước
Bóng trăng tuy vô số
Nhưng trăng chẳng có hai,
Trí vô ngại như vậy
Thành tựu Đẳng chánh giác
Ứng hiện tất cả cõi
Thân Phật vốn chẳng hai,
Chẳng một, cũng chẳng hai
Cũng chẳng phải vô lượng
Tùy theo nơi thích ứng
Hiện ra vô lượng thân.
Thân Phật chẳng quá khứ
Và cũng chẳng vị lai
Một niệm, hiện đản sinh
Thành Phật, vào Niết-bàn,
Cũng như sắc huyễn hóa
Không sinh cũng chẳng diệt
Thân Phật cũng như vậy
Tịch nhiên không sinh diệt.

Bấy giờ, nhờ vào thần lực của Phật, Bồ-tát Bảo Tràng nhìn khắp mười phương, nói kệ rằng:

Thân Như Lai vô lượng
Chúng sinh thấy có hạn
Tùy đối tượng hóa độ
Mà Đạo sư hiện thân.
Pháp thân không xứ sở
Có khắp mười phương cõi
Thân Phật khó nghĩ bàn
Như không gian vô hạn,
Chẳng có tâm, ý, thức
Và chẳng khởi tâm tưởng
Cảnh giới của chư Phật
Hoàn toàn không sinh diệt.
Như người không có mắt
Chẳng thấy sắc trong ngoài
Như Lai không ra đời
Không thấy tất cả pháp,
Vì lợi ích chúng sinh
Như Lai hiện ra đời
Chúng sinh thấy có ra
Mà thật chẳng xuất thế,
Cõi Phật chẳng Như Lai
Ngày đêm cũng như vậy
Năm tháng đến một niệm
Đều chẳng phải Chánh giác.
Chúng sinh đều nói rằng
Mặt trời Phật xuất hiện
Đạo sư tự giác ngộ
Phật không phải mặt trời,
Hư vọng không còn có
Vượt xa ngoài ngôn ngữ
Chư Như Lai ba đời
Xuất thế cũng như vậy.
Như mặt trời trong sáng
Không ở với đêm đen
Mà nói tướng ngày đêm
Chư Phật cũng như vậy.
Tất cả kiếp ba đời
Không đi đôi với Phật
Mà nói Phật ba đời
Pháp Đạo Sư như vậy.

Bấy giờ, nhờ vào thần lực của Phật, Bồ-tát Tinh Tấn Tràng nhìn khắp mười phương, nói kệ rằng:

Tất cả các Đạo Sư
Thân đồng nghĩa như nhau
Khắp các cõi mười phương
Ứng hiện thì có khác.
Quan sát Đức Mâu-ni
Cảnh giới rất sâu xa
Khắp cả các pháp giới
Chẳng sót một nơi nào.
Pháp thân của Như Lai
Chẳng thuộc thân bên trong
Pháp thân của Như Lai
Chẳng thuộc thân bên ngoài,
Tùy theo các chúng sinh
Vô số nghiệp khác nhau
Thế nên thấy Như Lai
Không thuộc loại nào cả.
Pháp thân của Như Lai
Chúng sinh chẳng tính được
Sâu xa khó nghĩ bàn
Chỉ là cảnh giới Phật.
Ngã chẳng phải cảnh giới
Tư duy không thể được
Pháp thân Phật cũng vậy
Không ai thể lường được.
Cõi Phật khó nghĩ bàn
Mà thấy tịnh trang nghiêm
Thân Phật cũng như vậy
Tướng đẹp hiện khắp nơi,
Cũng như tất cả pháp
Nhân duyên hợp lại sinh
Như vậy, do nhân duyên
Mà thấy các Như Lai.
Cũng như ngọc như ý
Làm mãn nguyện chúng sinh
Phật pháp cũng như vậy
Làm mãn nguyện tất cả.
Trong vô lượng thế giới
Đạo Sư hiện ra đời
Bằng bản nguyện của Phật
Hiện các cõi mười phương.

Bấy giờ, nhờ vào thần lực của Phật, Bồ-tát Ly Cấu Tràng nhìn khắp mười phương, nói kệ rằng:

Hào quang tuệ của Phật
Viên mãn sạch thế gian
Làm sạch thế gian rồi
Khiến vào các pháp Phật.
Nếu có người muốn thấy
Chúng sinh đều có Phật
Như Lai hiện khắp cả
Mà thật không nơi đến.
Chuyên niệm cảnh giới Phật
Sinh khởi vô số tâm
Được thấy các Như Lai
Số lượng như tâm khởi.
Đầy đủ pháp Bạch tịnh
Danh tiếng khắp mười phương
Đối với Nhất thiết trí
Tâm vị ấy bất động.
Đạo Sư vì chúng sinh
Ứng cơ mà thuyết pháp
Tùy đối tượng thích hợp
Hiện khắp thân tối thắng.
Thân Phật chẳng ngã sở
Thế giới cũng như vậy
Nói tâm chẳng ngã sở
Giác Bồ-đề vô ngã.
Tất cả Nhân Sư Tử
Sức tự tại vô lượng
Hiện thân trong từng niệm
Với các tướng trang nghiêm,
Thế gian là thân này
Thân tức là tối thắng
Biết thân tánh chân thật
Trí vô ngại của Phật.
Tất cả bậc Tri kiến
Thấy rõ hết các pháp
Phật pháp và Bồ-đề
Cầu thì không thể được,
Đạo sư chẳng đến đi
Và chẳng có chỗ dừng
Xa lìa các điên đảo
Thanh tịnh Đẳng chánh giác.

Bấy giờ, nhờ vào thần lực của Phật, Bồ-tát Chân Thật Tràng nhìn khắp mười phương, nói kệ rằng:

Chánh giác đến mười phương
Tất cả các thế giới
Không rời khỏi một cõi
Mà hiện khắp các cõi.
Như Lai sức tự tại
Ứng hiện tất cả thân
Thành đạo, chuyển pháp luân
Cuối cùng nhập Niết-bàn.
Ai nghĩ bàn được Phật
Ai không thể nghĩ bàn
Ai thấy các Như Lai
Ai là Đẳng Chánh Giác?
Tất cả pháp là Như
Cảnh giới Phật cũng thế
Cho đến trong một pháp
Trong Như có sinh diệt,
Chúng sinh do hư vọng
Có Phật, có thế giới
Ai hiểu nghĩa chân thật
Không Phật, không thế giới.
Khiến chúng sinh hoan hỷ
Nên hiện trước tất cả
Sự hiện thân của Phật
Tìm tận cùng không được,
Xa lìa tất cả chướng
Tự tại trú an ổn
Trừ diệt hết chướng nạn
Đầy đủ các Phật pháp.
Tất cả các Như Lai
Sức thần thông tự tại
Nhưng ở trong ba đời
Tìm Phật không thể được.
Biết tâm thức như vậy
Hiểu rõ tất cả pháp
Tất cả bậc Tri kiến
Đều mau thành Chánh giác,
Sức tự tại của Phật
Chỉ có nói ví dụ
Chư Phật và tự tại
Đều vượt ngoài ngôn ngữ.

Bấy giờ, nhờ vào thần lực của Phật, Bồ-tát Pháp Tràng nhìn khắp mười phương, nói kệ rằng:

Thà trong vô lượng kiếp
Chịu hết tất cả khổ
Quyết không xa Như Lai
Không thấy thần lực Ngài.
Trong vô lượng sinh tử
Chưa từng phát tâm đạo
Ai nghe thấy Như Lai
Đầy đủ sự giác ngộ.
Bậc thông minh trí tuệ
Nếu phát một tâm đạo
Ông chớ có nghi ngờ
Tự cho chẳng thành Phật.
Vô lượng, vô số kiếp
Khó được tâm Bồ-đề
Nếu ai nhất tâm cầu
Đạo Vô thượng rốt ráo,
Giả như trong từng niệm
Cúng dường vô lượng Phật
Không biết phương tiện này
Cũng như chẳng cúng dường.
Nếu nghe pháp như vậy
Chư Phật từ phát sinh
Vô lượng kiếp chịu khổ
Quyết định cầu Bồ-đề,
Nghe đến pháp Đại thừa
Là thừa chư Phật đi
Trong tất cả pháp giới
Ba đời, làm Đạo sư.
Tuy tận kiếp vị lai
Trong tất cả cõi Phật
Mà không hiểu phương tiện
Thì chẳng thành Bồ-đề,
Quá khứ vô lượng kiếp
Luân hồi trong sinh tử
Không biết pháp chân thật
Mà Như Lai giảng dạy.
Các pháp không thể hoại
Cũng không ai hoại pháp
Chiếu sáng các thế giới
Thị hiện pháp tự tại.