SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 18-19

Phẩm 20: PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát muốn thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thì làm thế nào để học pháp không và nhập chánh định không?

Đức Phật nói:

–Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát muốn thực hành Bát-nhã ba-lamật-đa nên quán chiếu sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều không, dùng chánh định quán chiếu kỹ các pháp không đều không có sở hữu, tất cả pháp và pháp tánh đều không thể thấy. Tuy quan sát pháp tánh là không như vậy, nhưng không nên cho rằng đã chứng thật tế.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Như Ngài đã nói Đại Bồ-tát không nên cho đó là chứng về không. Thưa Đức Thế Tôn, Bồ-tát trụ vào chánh định không nhưng sao lại không cho đó là chứng không?

Đức Phật nói:

–Tu-bồ-đề! Tuy Đại Bồ-tát quán chiếu các tướng đầy đủ về không, chỉ tu học về không nhưng không lấy đó làm sở chứng. Khi quán chiếu như thế vị ấy nghĩ rằng: “Nay ta chỉ học như vậy, nhưng không chứng như vậy, vì thế nên không trụ vào thắng định và không thâu tóm tâm buộc vào duyên.” Đại Bồ-tát ấy, nhờ sức Bát-nhã bala-mật-đa giữ gìn, tuy không chứng không, nhưng không thoái chuyển Bồ-đề phần cũng chưa dứt hết lậu hoặc mà vẫn trụ tâm tịch diệt. Do đó, nên Đại Bồ-tát tuy thực hành môn giải thoát là chánh định không mà không chứng về không, tuy thể nhập môn giải thoát chánh định vô tướng cũng không chứng vô tướng, không trụ vào hữu tướng. Đại Bồ-tát ấy trí tuệ sâu xa, căn lành đầy đủ thường nghĩ thế này: Đây là lúc học tập chứ không phải là lúc chứng, thế nên tuy vẫn quán về không mà không bị trở ngại, tuy trụ vào định không, ở trong ấy cũng không chứng được thật tế về không là nhờ sức của Bát-nhã ba-la-mật-đa giữ gìn.

Tu-bồ-đề! Ví như có người tướng mạo đoan chánh sức lực mạnh mẽ, chuyên cần bền bĩ và giàu có, những gì nói ra đều có lợi ích cho mình và người, biện tài vô ngại, trí tuệ sáng suốt, biết thời, biết mục đích việc làm, thông hiểu việc thiện và ác, giỏi về toán số, tất cả các môn về nghệ thuật đều thành tựu trọn vẹn, thể lực sung mãn có thể đối địch với giặc, đến mọi việc trong đời anh đều biết rõ và được người đời yêu thích ngưỡng mộ gần gũi cung kính tôn trọng. Do người này có điểm đặc biệt như thế nên mọi người đến đều được lợi ích lớn, tâm ý nhu hòa, vui tươi, phóng khoáng. Vào một thời điểm nọ có chút việc tư, anh phải cùng với cha mẹ, vợ con, họ hàng, đi ngang qua vùng hoang dã, đường đi có nhiều nguy hiểm đáng sợ thường có giặc cướp và các loài phi nhân, dã thú. Mọi người ai nấy đều kinh sợ lông trên thân dựng ngược. Anh ta liền trấn an cha mẹ và họ hàng của mình rằng: “Hỡi các người thân, đừng nên khiếp sợ, ta có cách đưa mọi người an ổn qua khỏi vùng hiểm nạn này.” Anh liền hóa ra nhiều người cầm mâu bén, dao gậy… hộ vệ họ hàng qua khỏi nơi nguy hiểm ấy, các giặc cướp, phi nhân và dã thú ở đó đều bỏ đi không dám tổn hại. Mọi người qua khỏi nạn ấy, bình an, họ vui vẻ đi đến xóm làng, thành ấp đã định. Vì người này có trí tuệ thù thắng và sức mạnh vững chãi nên bọn cướp kia không thể địch nổi. Đại Bồ-tát cũng thế, thương xót làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, thường thực hành bốn vô lượng tâm được sức Bát-nhã ba-la-mật-đa giữ gìn, đầy đủ phương tiện thiện xảo, lại đem các căn lành ấy hồi hướng về Nhất thiết trí. Tuy tu môn giải thoát là chánh định không, vô tướng, vô tác, nhưng không chứng được thật tế. Đại Bồ-tát qua khỏi phiền não và phiền não phần, khỏi ma ác và trợ lực của ma, qua khỏi quả vị Thanh văn, Duyên giác, trụ vào chánh định nhưng cũng chưa hết lậu hoặc. Vì Đại Bồ-tát các lực đầy đủ tinh tấn vững bền được sức bảo trì của Bát-nhã ba-la-mật-đa, không bỏ tất cả chúng sinh, ngược lại, làm cho họ chứng quả vị Vô thượng Bồ-đề. Đại Bồ-tát y cứ vào tất cả chúng sinh nhập chánh định tâm từ, nhập đại định vô duyên từ và tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa tối thượng.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tuy thực hành môn giải thoát chánh định không nhưng trong pháp ấy không chứng vô tướng cũng không rơi vào hữu tướng.

Tu-bồ-đề! Ví như chim bay trong hư không không rơi xuống đất, tuy bay trong không trung nhưng không dựa vào hư không cũng không ở trong hư không. Đại Bồ-tát cũng vậy, tuy học và hành không, vô tướng, vô tác, nhưng chưa đầy đủ Phật pháp thì nhất định không rơi vào các pháp ấy.

Tu-bồ-đề! Như có người đến gặp vị thầy để học về phương pháp bắn. Anh ta học thuần thục và rất tinh xảo. Khi ấy anh bắn lên không trung một mũi tên đầu bay lên, rồi mũi thứ hai từng mũi tiếp tục bay lên cắm vào đuôi nhau, tùy ý muốn bao lâu có thể làm mũi tên không kịp rơi xuống. Đại Bồ-tát cũng thế, vì muốn thành tựu căn lành Vô thượng Bồ-đề nên được sự bảo trì của Bát-nhã ba-la-mậtđa. Nếu chưa thành tựu căn lành Vô thượng Bồ-đề thì nhất định không chứng được thật tế, khi thiện căn thành tựu và quả vị Vô thượng Bồ-đề được viên mãn bấy giờ Bồ-tát mới chứng thật tế. Tubồ-đề! Thế nên khi Đại Bồ-tát thực hành và tu Bát-nhã ba-la-mật-đa phải quán chiếu xác thực vào thật tướng sâu xa của các pháp, tuy quán rồi nhưng không cho đó là chứng được.

Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Như thế thì việc làm của Đại Bồ-tát khó vô cùng, tuy học không, hành không và nhập định về không, nhưng trong pháp ấy không thật chứng về không. Bạch Đức Thế Tôn, thật là hiếm có, thật là hiếm có.

Đức Phật bảo Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Đúng như vậy! Đại Bồ-tát tuy học không, hành không và nhập định về không, nhưng trong ấy không thật chứng về không, việc ấy khó vô cùng lại càng ít có. Tu-bồ-đề! Vì vị ấy phát nguyện lớn tối thắng: “Ta phải độ tất cả chúng sinh không bỏ rơi chúng sinh nào.” Bồ-tát phát nguyện như thế rồi, liền nhập vào các môn giải thoát như: định không, định vô tướng, định vô tác. Tuy Bồ-tát nhập vào các môn giải thoát như vậy trong đó không có thật chứng. Vì sao? Vì vị Bồ-tát ấy được sức phương tiện thiện xảo giữ gìn. Vị ấy luôn nghĩ: “Ta không bỏ tất cả chúng sinh và nếu chưa đầy đủ Phật pháp thì nhất định không ở trong đó chứng thật tế.”

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát muốn nhập vào tánh không sâu xa thì phải nhập vào các môn giải thoát như: định không, định vô tướng, định vô tác. Bồ-tát nào muốn nhập vào các môn giải thoát này thì nên phải phát tâm thế này: “Tất cả chúng sinh ở trong đêm dài, chấp vào tướng chúng sinh nên có các tri kiến cho là có thể nắm bắt, có thấy. Do đó nguyện khi thành tựu Vô thượng Bồ-đề ta sẽ tuyên giảng yếu chỉ của pháp để đoạn trừ tướng kia.” Phát nguyện rồi vị ấy nhập vào ba môn giải thoát: định không, định vô tướng, định vô tác. Bồ-tát dùng tâm ấy và sức phương tiện ở trước nhưng không chứng được thật tế, cũng không giảm mất tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả và các định. Vì vị ấy đã được sức phương tiện quyền xảo hộ trì, lần lượt các căn được thuần thục, các pháp lành cho đến các Lực và Giác chi, Chánh đạo đều tăng thêm.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nào muốn nhập vào môn giải thoát định không thì nên phát tâm thế này: “Tất cả chúng sinh ở trong đêm dài, lại sinh ngã tướng chấp vào điều mình được. Nguyện sau khi thành tựu đạo Vô thượng Bồ-đề, ta sẽ tuyên thuyết yếu chỉ của pháp để đoạn trừ ngã tướng cho các chúng sinh.” Phát nguyện rồi vị ấy nhập vào môn giải thoát định không. Bồ-tát dùng tâm như vậy và sức của phương tiện trước nhưng không chứng được thật tế, cũng không giảm mất Từ, Bi, Hỷ, Xả và các định. Vì vị ấy đã được sức phương tiện quyền xảo hộ trì, lần lượt các căn được thuần thục, các pháp lành cho đến các Lực và Giác chi, Chánh đạo đều tăng trưởng.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nào muốn nhập vào môn giải thoát định vô tướng thì nên phát tâm thế này: “Tất cả chúng sinh ở trong đêm dài chấp vào hữu tướng rồi nắm giữ tướng tưởng. Nguyện sau khi thành tựu đạo Vô thượng Bồ-đề, ta sẽ tuyên thuyết yếu chỉ của pháp để diệt trừ hữu tướng cho các chúng sinh.” Phát nguyện rồi vị ấy liền nhập vào môn giải thoát định vô tướng. Bồ-tát dùng tâm như vậy và sức của phương tiện trước nhưng không chứng được thật tế, cũng không giảm mất Từ, Bi, Hỷ, Xả và các pháp định. Vì vị ấy đã được sức phương tiện quyền xảo hộ trì, nên các căn lần lượt được thuần thục, các pháp lành cho đến các Lực và Giác chi, Chánh đạo đều tăng trưởng.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nào muốn nhập vào môn giải thoát định vô tác thì nên phát tâm thế này: “Tất cả chúng sinh ở trong đêm dài chấp vào các tưởng như: Thường, lạc, ngã, tịnh trở thành các tưởng điên đảo như vậy, đó là tướng tạo tác. Nguyện sau khi thành tựu đạo Vô thượng Bồ-đề, ta sẽ tuyên giảng yếu chỉ của pháp như: Vô thường chẳng phải thường, là khổ chẳng phải vui, là vô ngã chẳng phải ngã, là bất tịnh chẳng phải tịnh để đoạn trừ bốn điên đảo của chúng sinh. Phát nguyện rồi, vị ấy xa lìa tướng tạo tác, thể nhập vào môn giải thoát định vô tác. Bồ-tát dùng tâm như vậy và sức của phương tiện trước nhưng không chứng được thật tế, cũng không giảm mất Từ, Bi, Hỷ, Xả và các pháp định. Vì vị ấy đã được sức phương tiện quyền xảo hộ trì, nên các căn lần lượt được thuần thục, các pháp lành cho đến các Lực, Giác chi, Chánh đạo đều tăng trưởng.”

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát còn phát tâm thế này: “Tất cả chúng sinh đang ở trong đêm dài chấp vào các hữu tướng như: Trước làm việc có sở đắc nay làm việc có sở đắc, trước làm việc cho là thường nay làm việc cho là thường, trước hành hạnh điên đảo nay hành hạnh điên đảo, trước làm việc tưởng hòa hợp nay làm việc tưởng hòa hợp, trước làm việc tưởng không thật, nay làm việc tưởng không thật; trước sinh tà kiến, nay sinh tà kiến; trước tạo các lỗi lầm, nay tạo các lỗi lầm. Tất cả chúng sinh trong mọi lúc, mọi nơi làm các việc như vậy, ta được sức trí tuệ hộ trì nên đầy đủ phương tiện thiện xảo, luôn tinh tấn như thế, sau khi thành tựu Vô thượng Bồ-đề, ta sẽ thuyết pháp như vậy, làm cho các chúng sinh thể nhập vào các pháp thật tướng sâu xa đó là: Không, Vô tướng, Vô nguyện, vô tác, vô khởi, vô sinh, vô tánh.”

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát phát tâm và đầy đủ trí tuệ như thế mà còn rơi vào các pháp tạo tác ở trong ba cõi là điều không thể có.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nào tu hạnh tương ưng thì nên hỏi Bồ-tát khác: Nếu có người muốn thành tựu Vô thượng Bồ-đề thì làm sao học về không và phát tâm như thế nào? Được nhập vào không nhưng không chứng về Không, nhập vào Vô tướng, Vô nguyện, vô tác, vô khởi, vô sinh, vô tánh cũng không chứng các pháp ấy mà có thể tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sao?

Nếu vị ấy đáp: “Người muốn thành tựu Vô thượng Bồ-đề chỉ nên niệm Không, Vô tướng, Vô nguyện, vô tác, vô khởi, vô sinh, vô tánh”, đáp như thế tức là đã bỏ tất cả chúng sinh, hoặc chưa đầy đủ phương tiện thiện xảo. Nên biết Bồ-tát này chưa được đứng trước Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác nghe thọ ký đạo Vô thượng Bồ-đề, chưa đứng vào hàng Bồ-tát không thoái chuyển. Vì Bồ-tát này không thể tuyên nói tướng bất cộng của Đại Bồ-tát không thoái chuyển, không thể dựa vào pháp của người hỏi mà chỉ dạy đúng và giải đáp đúng.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Làm sao để biết đó là Đại Bồ-tát không thoái chuyển?

Đức Phật bảo:

–Tu-bồ-đề! Vị Đại Bồ-tát không thoái chuyển đối với pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, với người được nghe hoặc không được nghe, tùy theo điều họ hỏi đều có thể chỉ đúng và giải đáp đúng. Người có đầy đủ tướng này chính là Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát hành đạo Bồ-đề nhiều mà sao ít có người đáp đúng?

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Vì ít người trụ vào hàng không thoái chuyển nên không thể đáp đúng. Tu-bồ-đề! Nếu ai đã ở bậc không thoái chuyển, thì người ấy đáp đúng. Ông nên biết vị ấy thiện căn thuần thục và đầy đủ phương tiện, không bị tất cả Trời, Người, A-tu-la làm lay động hay phá hoại. Vị Bồ-tát ấy thường khéo quán chiếu các pháp như mộng như huyễn nhưng trong ấy không chứng được thật tế. Tu-bồ-đề nên biết! Đây là tướng không thoái chuyển của Đại Bồ-tát.

*********

Bấy giờ Thế Tôn bảo Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Nay ta sẽ nói các tướng mạo của Đại Bồ-tát không thoái chuyển, ông nên lắng nghe và khéo suy nghĩ.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Thật là quý hóa, con xin được nghe.

Phật dạy:

–Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nào không ưa thích quả vị Thanh văn, Duyên giác, dù chỉ là trong mộng cũng không sinh tâm trụ trong ba cõi. Tu-bồ-đề nên biết người có tướng như thế, chính là Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nào trong mộng thấy đại chúng Thanh văn, Bồ-tát, trời, người đến trăm ngàn vạn ức, cung kính vây quanh Đức Thế Tôn để nghe thuyết pháp. Người nào trong mộng thấy như thế nên biết đó là tướng của Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nào trong mộng, thấy mình ngồi trên không trung thuyết pháp cho mọi người và thấy nơi thân mình phóng ánh sáng lớn hóa làm Bí-sô đi đến thế giới khác thi hành Phật sự và thuyết pháp. Tu-bồ-đề! Người nào nằm mộng như thế, nên biết đó là tướng của Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nào trong mộng thấy làng xóm, đô thành đều bị hỏa thiêu tàn hoại tất cả, các loài thú dữ buông chạy tán loạn, tất cả mọi người đều rất khiếp sợ và khổ não. Bồ-tát thấy vậy nhưng không kinh sợ. Tỉnh dậy, vị ấy suy nghĩ thế này: “Ba cõi không thật tất cả đều như mộng, nguyện sau khi ta thành tựu đạo Vô thượng Bồ-đề sẽ dùng pháp như thế thuyết giảng cho chúng sinh.” Tu-bồ-đề! Người nào trong mộng thấy như thế, nên biết đó là tướng của Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nào nằm mộng thấy các chúng sinh ở trong địa ngục chịu các nỗi khổ. Vị ấy thấy thế sinh ý nghĩ rằng: “Nguyện khi ta thành tựu Vô thượng Bồ-đề cõi của ta thanh tịnh không có địa ngục, cho đến nghe tên còn không có huống chi là thấy.”

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nào trong mộng thấy các ngạ quỷ chịu khổ đói khát như thế, vị ấy suy nghĩ: “Nguyện khi ta thành tựu Vô thượng Bồ-đề, cõi của ta sẽ thanh tịnh không có ngạ quỷ cho đến nghe tên còn không có huống chi có thể thấy.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nào trong giấc mộng, thấy các loài súc sinh chịu khổ dữ dội. Thấy thế, vị ấy suy nghĩ: “Nguyện khi thành tựu Vô thượng Bồ-đề, cõi của ta thanh tịnh không có loài súc sinh, cho đến nghe tên còn không có huống chi là thấy. Tu-bồ-đề! Người nào nằm mộng như thế nên biết đó là tướng của Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nào thấy làng xóm, đô thành khắp nơi bị hỏa thiêu, thấy thế Bồ-tát liền nói: “Trước đây ta nằm mộng thấy y như vậy, nếu được vào hàng không thoái chuyển, ta nguyện đem oai lực của lời chân thật này nhanh chóng làm cho lửa ấy tự nhiên tắt ngấm không để cháy lan đến nơi khác.”

Tu-bồ-đề! Bồ-tát vừa nói dứt, lửa liền tắt hết theo nguyện lực đó. Ông nên biết rằng, vị Bồ-tát này đã từng được Đức Phật thọ ký đạo Vô thượng Bồ-đề và đã chứng vào hàng không thoái chuyển. Nếu Bồ-tát nói như thế mà lửa không tắt thì biết vị ấy chưa được thọ ký, chưa đứng vào hàng không thoái chuyển. Tu-bồ-đề! Giá như không diệt lửa này, thì chúng sẽ cháy lan đến các nơi khác, nhà này sang nhà kia, làng kia đến làng nọ, cứ xoay vần như thế không dứt. Ông nên biết, chúng sinh nơi đây đời trước phạm trọng tội phá pháp, các tai ương thuở ấy, đời này thọ lãnh. Do nhân duyên này nếu lời thệ nguyện của Đại Bồ-tát được thành tựu, thì nên biết đó là tướng của Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu có những người nam, người nữ nào bị phi nhân mê hoặc, thấy sự việc như thế, Bồ-tát nói: “Nếu đã được Đức Phật thọ ký đạo Vô thượng Bồ-đề, ta dốc lòng thanh tịnh vì muốn thành tựu quả vị ấy bằng sự xa lìa tâm Thanh văn, Duyên giác và tu hành thanh tịnh. Vả lại, hiện nay các Đức Thế Tôn đang thuyết pháp trong vô lượng, vô số thế giới ở mười phương các Ngài đều biết, đều thấy, đều hiểu rõ và đều chứng đắc. Các Đức Thế Tôn ấy, nếu biết được thâm tâm ta quyết định thành tựu Vô thượng Bồ-đề thì bằng sức của thật ngữ này ta nguyện làm cho các phi nhân kia rời bỏ, lánh xa, những người nam, người nữ giải thoát sự mê hoặc ấy. Nếu lúc Bồ-tát phát nguyện như thế mà phi nhân kia không lập tức bỏ đi, người mê bị mê hoặc chưa được giải thoát thì nên biết vị ấy chưa được Đức Phật thọ ký đạo Vô thượng Bồ-đề, chưa đứng vào hàng không thoái chuyển.”

Tu-bồ-đề! Nếu khi Bồ-tát nói như thế loài phi nhân kia lập tức rời xa, người bị mê hoặc liền được giải thoát, nên biết vị Bồ-tát ấy đã được Đức Như Lai thuở trước thọ ký đạo Vô thượng Bồ-đề và đã được đứng vào hàng không thoái chuyển.