SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 19

Phẩm 20: MÃ DỤ

Như ngựa luyện thuần

Theo ý người muốn

Tín, giới tinh tấn

Phải có pháp định

Nhẫn hòa, ý định

Dứt hết các khổ.

Như ngựa luyện thuần, làm theo ý người muốn: Như có người giỏi huấn luyện ngựa, dùng roi da khống chế ngựa, khiến nó làm theo ý muốn của mình, không chệch đường đi chính. Tính của ngựa là bướng bỉnh, nhưng một mực rất sợ roi, nó thường biết giữ mình, không để phạm lỗi, cho nên nói: Như ngựa được luyện thuần, làm theo ý người muốn.

Tín, giới, tinh tấn, phải có pháp định: Thầy Tỳ-kheo tu hành cũng như bên trong ngựa kia, thường suy nghĩ sợ mình có phạm lỗi, lại sợ bậc phạm hạnh đến quở trách nên một lòng tin, hướng về Phật, Pháp, Tăng, tinh tấn vững chắc không thể phá hoại. Ý thường ở trong định, phân biệt các pháp, cũng không để mình bị lầm lỗi, cho nên nói: Tín, giới tinh tấn, phải có pháp định.

Nhẫn hòa, ý định: Người tu học siêng năng chế ngự các giác quan, không để buông lung. Các giác quan đều được tự tại, năng lực nhẫn nhục đầy đủ. Nếu bị người hủy báng, xưng tụng, khen tặng, chê bai, khổ vui đều không sinh tâm tức giận, cũng không mắc vào phải quấy, cho nên nói: Nhẫn hòa, ý định.

Dứt hết các khổ: Hữu dư, vô dư đều dứt bỏ hết để bước vào Niết-bàn, cho nên nói: Dứt hết các khổ.

——————–

Nhờ đó trụ định

Như người luyện ngựa

Dứt giận, hết lậu

Là hưởng phước trời.

Nhờ đó trụ định: Người tu thiền định gom hết các giác quan, giữ tâm không cho rối loạn, tâm không còn nghĩ gì khác. Pháp mà tâm nghĩ cũng không rong ruổi, cho nên nói: Nhờ đó mà an trụ trong định.

Như người luyện ngựa: Như người huấn luyện ngựa, khi thấy con ngựa dữ hung hăng khó dạy thì anh ta cho nó ngậm hàm thiếc, buộc dây cương rồi đánh bằng roi. Sau đó nó mới thuần, làm theo ý muốn của anh ta, không còn trở ngại, cho nên nói: Như người luyện ngựa.

Dứt giận, hết lậu: Các sự giận dữ đã hết, không còn phiền não, không còn thọ thân sau, không còn tái sinh nữa, cho nên nói:

Dứt giận, hết lậu.

Là hưởng phước trời: Suốt ngày đêm, các trời che chở, bảo vệ các vị La-hán nói công đức. Họ từ bỏ ngôi vị sang trọng trên trời mà xuống cõi người này để khen ngợi công đức của Hiền thánh, lần lượt truyền bá rộng khắp, ai cũng nghe biết, cho nên nói: Là hưởng phước trời.

——————–

Không tự do buông lung

Khi ngủ thường giác tỉnh

Ngựa ốm đua ngựa khỏe

Bỏ ác là Thánh hiền.

Không tự do buông lung, khi ngủ thường giác tỉnh: Như người tu hành tâm không buông lung, khen ngợi công đức không buông lung, ưa sống nơi vắng vẻ, không thích nơi ồn náo, thấy ai buông lung thì khuyên nhủ, giúp họ từ bỏ tham. Người buông lung không có được cội gốc lành, thường mất mát của cải. Khi ngủ thường giác tỉnh, nhớ kinh điển Phật, lời Như Lai nói. Nếu ai ngủ nhiều thì bị tổn giảm, những vật đáng lẽ thành tựu, thì lại bị hư hoại, những vật không nên thành tựu lại thành tựu, cho nên nói: Không tự do buông lung, khi ngủ thường giác tỉnh.

Ngựa ốm đua ngựa khỏe, bỏ ác là Thánh hiền: Như hai con ngựa cùng chạy về một hướng, con ngựa mập chạy nhanh, con ngựa ốm còi chạy không kịp bạn, nhưng con ngựa ốm lại bước vào đường chánh trước và sắp đến đích, còn con ngựa mập lại đến sau vì nó phi quá mau hơn con ngựa ốm (mau nhưng đi chệch đường). Loại chúng sinh này cũng lại như vậy, có người căn tính lanh lợi tham đắm ngủ nghỉ không chịu tu học, còn người căn tính chậm lụt, nhưng tâm siêng năng tu học, không để mình buông lung, cho nên nói: Ngựa ốm đua với ngựa khỏe, bỏ ác là Thánh hiền.

———————

Người biết hổ thẹn

Trí tuệ đầy đủ

Dễ giục tiến lên

Như roi thúc ngựa.

Người biết hổ thẹn, đầy đủ trí tuệ: Như người tu học sợ không bằng chúng bạn, nên được một phần thì mong được một phần nữa để càng tiến lên. Khi thực hành thiếu sót một điều thì tự thấy hổ thẹn ngay (thầm nghĩ): “Xưa kia, ta bị duyên nghiệp gì mà tu hành không đạt kết quả.”, rồi buồn phiền tự trách mình như là mang tang cha mẹ, tâm thường dứt bỏ các pháp ác bất thiện, cho nên nói: Người biết hổ thẹn, đầy đủ trí tuệ.

Dễ giục tiến lên, như roi thúc ngựa: Có khả năng dứt bỏ hết các điều ác, nhổ hẳn cội gốc nó, không cho bụi trần che phủ Người được như vậy thì dễ đạt đạo, cho nên nói: Dễ giục tiến lên. Ngựa hay là do người huấn luyện ngựa, y chế ngự con ngựa hung dữ, khiến nó trở nên thuần cương, nó biết trước được nơi mà người ta muốn đến đó, cho nên nói: Như roi thúc ngựa hay.

——————–

Như ngựa luyện đúng

Đáng để vua cỡi

Điều được người tôn

Được sự thành tín.

Như ngựa được huấn luyện đúng cách: Trong chuồng ngựa của vua có ba loại ngựa, loại nhất, loại hai và loại ba. Cả ba loại đều được chăm sóc, cho ăn không khác nhau. Loại ngựa nhất thì vua thường coi ngó, loại ngựa hai thì sai người chăm sóc, loại ngựa ba thì sai tôi coi sóc, cho nên nói: Như ngựa được huấn luyện đúng cách.

Xứng đáng để vua cỡi: Dùng vàng bạc trang sức, các thứ anh lạc, vua ngồi trên lưng ngựa, ngựa bước đi khoan thai. Nó theo ý vua, không bao giờ trái ý hay lầm lẫn, cho nên nói: Xứng đáng để vua cỡi.

Tự điều phục mình thì được người tôn kính: ở trong đại chúng được tôn là bậc thượng bởi không phạm lỗi lầm. Là người bậc nhất, không gì thí dụ được, cũng không ai sánh được, cho nên nói: Tự điều phục mình được mọi người tôn kính.

Được sự thành tín: Nghe người khác chê bai, hủy báng nhưng không có tâm buồn rầu, trái lại còn thương xót họ, bởi nghĩ sau này họ sẽ chịu tai ương, còn mình thì không bao giờ giận dữ, cũng không tức tối. Không sinh tâm ác với người đối diện, cho nên nói:

Được sự thành tín.

—————–

Tuy thường điều phục

Như ngựa mới kia

Như voi rất hiền

Không bằng tự điều.

Tuy thường điều phục: Như người huấn luyện ngựa, từ nhỏ y đã biết sự phát triển của ngựa, con nào giỏi, con nào nhớn nhác, chậm lụt y đều biết rõ cả. Con này dễ điều phục, con kia khó điều phục, con này có tính gấp gáp, con kia có tính trì hoãn. Bởi có khả năng phân biệt như vậy nên được gọi là giỏi xem ngựa, cho nên nói: Tuy thường điều phục.

Như ngựa mới kia: Người huấn luyện ngựa, lại biết ngựa hung dữ không thể điều phục nó, mới được huấn luyện nên nó chạy Đông chạy Tây, chưa đầy mười ngày thì nó đã được điều phục tốt trở thành ngựa hay. Còn con nào ngoan cố, không thể điều phục được thì bán cho người khác để kéo củi, chở rau cỏ, cho nên nói: Như ngựa mới kia.

Như voi rất hiền: Là loài có thân thể to nhất trong các loài thú, nhưng tâm ý nó biết nghe lời điều khiển, dù thân nó sần sùi.

Nó được mọi người ưa thích, ngắm nhìn không thỏa mãn, cho nên nói: Như voi hết sức hiền.

Không bằng tự điều phục: Người có khả năng tự điều phục, dứt bỏ những điều sai quấy, tà vạy, được các trời, người đời, chư Phật, Thế Tôn, người có thần thông đắc đạo kính trọng, cho nên nói: Không bằng tự điều phục.

——————–

Kia không thể nương

Chỗ người không đến

Chỉ người tự điều

Mới đến chỗ điều.

Kia không thể nương, chỗ người không đến: Không thể nương vào thừa này để đến cảnh giới vô uý, cũng không thể nương vào thừa này để đến nơi an ổn, cũng không thể nương vào đây để đến chỗ không có tai ương hoạn nạn, cho nên nói: Kia không thể nương.

Chỉ người tự điều, mới đến chỗ điều: Người tự điều phục mình thì thần thức mau đến chỗ ổn định, giúp kẻ không điều phục được điều phục, mới giúp kẻ không chân chánh được chân chánh, an trụ mãi trong vô vi, không còn bị lo buồn vui giận, cho nên nói: Chỉ người tự điều, mới đến chỗ điều.

——————–

Kia không thể nương

Chỗ người không đến

Chỉ người tự điều

Diệt tất cả ác.

Kia không thể nương, chỗ người không đến: Không thể nương vào thừa này để tránh khỏi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Cũng không có khả năng vượt khỏi tám nạn, cho nên nói: Kia không thể nương, chỗ người không đến.

Chỉ người tự điều, diệt tất cả ác: Người tự điều phục thì mọi điều lành tựu về, rất được tự tại đối với các kết sử. Có khả năng diệt hết dấu vết của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, cho nên nói: Chỉ người tự điều, diệt tất cả ác.

——————-

Kia không thể nương

Chỗ người không đến

Chỉ người tự điều

Thoát tất cả khổ.

Kia không thể nương, chỗ người không đến: Nương vào thừa này, không thể chấm dứt hết gốc khổ để từ bờ bên này sang bờ bên kia. Vì sao? Bởi thừa này không đến chỗ rốt ráo, cũng không phải thừa của nghĩa bậc nhất, cho nên nói: Kia không thể nương, chỗ người không đến.

Chỉ người tự điều, thoát tất cả khổ: Hết hẳn các khổ, không còn sinh tử, cho nên nói: Chỉ người tự điều, thoát tất cả khổ.

——————–

Kia không thể nương

Chỗ người không đến

Chỉ người tự điều

Được đến Nê-hoàn.

Kia không thể nương, chỗ người không đến: Không biết dấu vết, huống là biết Nê-hoàn mà có thể thấy được? Việc đó không đúng, cho nên nói: Kia không thể nương, chỗ người không đến.

Chỉ người tự điều, được đến Nê-hoàn: Hiểu rõ Nê-hoàn cũng tự vắng lặng, chuyên tâm một bề, không có niệm nào khác, cho nên nói: Chỉ người tự điều, được đến Nê-hoàn.

——————–

Thường tự điều phục

Như dừng ngựa rong

Tự phòng chế mình                

Nghĩ vượt nguồn khổ.

Thường tự điều phục: Nghĩa là tự điều phục, bỏ ác chính là lành. Như kinh chép. Đức Phật bảo Chú-na rằng: “Nếu không tự điều phục mình, ý không chuyên nhất, mà muốn điều phục người khác thì không thể có được.” Muốn điều phục người thì trước phải tự điều phục mình, cho nên nói: Thường tự điều phục.

Như dừng ngựa rong: Như người huấn luyện ngựa, khôn khéo cầm cương con ngựa chạy rong, né tránh nguy hiểm đến nơi an toàn, cho nên nói: Như dừng ngựa chạy rong.

Tự phòng chế mình, nghĩ vượt nguồn khổ: Các hạnh đã đầy đủ nên không còn các khổ, mà vượt qua sự biểu hiện của các khổ.

Sự biểu hiện của các khổ là gì? Đó chính là Nê-hoàn dứt hết phiền não. Ở đó không còn các khổ nóng bức, cho nên nói: Tự phòng chế mình, nghĩ vượt nguồn khổ.

——————

Tự mình lo phòng hộ

Tự nương, tự vượt qua

Nên chính mình cẩn thận

Thương buôn mua ngựa tốt.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Laduyệt.

Lúc bấy giờ, vị thầy thuốc tài ba là Kỳ-vực (Jivaka) thỉnh Đức Phật và Tỳ-kheo Tăng thọ thực, ngoại trừ ngài Bàn-đặc. Vì sao? Vì trong bốn tháng mà Bàn-đặc học mãi vẫn không nhớ được hai chữ chổi quét. Lúc bấy giờ Đức Phật và Tỳ-kheo Tăng đến nhà Kỳ-vực và an tọa theo thứ lớp.

Kỳ-vực liền đứng dậy dâng nước rửa tay. Đức Như Lai không nhận nước sạch ấy. Kỳ-vực bạch Đức Phật:

–Chẳng hay vì sao Như Lai không nhận nước?

Đức Phật bảo Kỳ-vực:

–Hôm nay, trong chúng không có Bàn-đặc cho nên Ta không nhận nước.

Kỳ-vực bạch Đức Phật:

–Tỳ-kheo Bàn-đặc trong bốn tháng học mãi mà vẫn không tụng được hai chữ chổi quét, trong khi bọn chăn bò, chăn dê còn tụng được cả bài kệ, vậy cần gì phải thỉnh Tỳ-kheo ấy?

Đức Phật bảo Kỳ-vực:

–Nếu ông không thỉnh Bàn-đặc thì Ta không nhận nước sạch.

Vâng lời Phật dạy, ông Kỳ-vực cho người đi thỉnh Bàn-đặc.

Đức Phật bảo Hiền giả A-nan:

–Thầy hãy trao bát cho Bàn-đặc.

Đức Phật lại bảo Bàn-đặc ngồi yên tại chỗ, từ xa trao bát vào tay Như Lai.

Bấy giờ, Kỳ-vực thấy năng lực thần thông của Bàn-đặc như vậy thì ông ăn năn tự trách mình: “Than ôi, ta đã lầm to, nỡ hủy nhục bậc Hiền thánh. Hôm nay mới biết không thể sai phạm lời ăn tiếng nói là vậy”. Ông liền sinh tâm cung kính hướng về Tỳ-kheo Bàn-đặc mà lơ là với năm trăm vị kia.

Khi đó, Đức Thế Tôn nói rộng về nguyên nhân đời trước.

Thuở xưa cách nay vô số kiếp, lúc đó ông Kỳ-vực làm nghề lái ngựa, chuyên buôn bán trao đổi ngựa. Khi đem một ngàn con ngựa đến xứ kia để bán, thì dọc đường có một con ngựa đẻ con. Ông lái ngựa liền đem chú ngựa con ấy cho người và thúc đàn ngựa lên đường. Đến nơi ông lái ngựa ra mắt nhà vua xứ ấy.

Vua hỏi người lái ngựa:

–Ta xem bầy ngựa ngàn con này, đều là ngựa thường cả.

Nhưng trong đó, có một con trong khi cất tiếng hí thì khác với những con ngựa còn lại. Con ngựa ấy chắc chắn sinh một con ngựa quý, tài giỏi nhất. Con ngựa con ấy, khi nuôi lớn lên giá bằng cả ngàn con ngựa này. Nếu có con ngựa ấy, thì ta mua hết bầy ngựa này, bằng không có con ngựa ấy thì ta không mua con nào hết.

Người lái ngựa thưa với nhà vua:

–Từ khi vượt đường xa đến đây, thần không nhớ được con ngựa đẻ.

Vua bảo người này:

–Ta có đọc sách coi tướng ngựa, chỉ cần nghe tiếng ngựa mẹ hí thì ta biết con của nó giỏi hay dở.

Người lái ngựa cố nhớ lại:

–Gần bên vệ đường, chính con ngựa cái này đã đẻ con ngựa con quý giá đó và ta đã đem cho người bên đường.

Riêng con ngựa con kia, chưa đầy mười ngày, nó nói bằng tiếng người, bảo người chủ:

–Nếu ông lái ngựa đến đây đòi tôi thì ông hãy đổi tôi bằng năm trăm con ngựa. Nếu không có năm trăm con ngựa thì ông chớ giao tôi cho ông ấy.

Vài hôm sau, ông lái ngựa tìm đến. Ông đến bên người nuôi giùm ngựa mà nói:

–Anh đã có công nuôi dưỡng khó nhọc, nay tôi đem một con ngựa tốt để chuộc chú ngựa con này, xin ông đổi lại cho tôi.

Người kia trả lời:

–Tôi vốn không chống việc ông muốn bắt con ngựa con này lại, nhưng sau khi ông lên đường, từ ấy đến nay tôi nuôi chú ngựa này hết sức gian khổ. Nếu bây giờ ông đem năm trăm con ngựa đến chuộc, tôi mới đổi lại cho ông chú ngựa này.

Đúng như đòi hỏi, người lái ngựa dùng năm trăm con ngựa để chuộc chú ngựa ấy về.

Đức Phật bảo Kỳ-vực:

–Trước ông bạc đãi chú ngựa con, đem nó cho kẻ khác. Về sau, ông mới đem năm trăm con ngựa mà chuộc về. Trước bạc đãi mà sau tôn quý. Nay ông cũng làm như vậy, là mời năm trăm vị Tỳ-kheo mà chừa một mình Bàn-đặc ra. Nay trở lại quý chuộng Bàn-đặc mà lơ là với năm trăm vị kia. Nhân duyên này lâu lắm rồi, chứ không mới có bữa nay. Cho nên nói: Như thương buôn mua ngựa tốt.