SỐ 186
PHẬT NÓI KINH PHỔ DIỆU
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt chỉ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 6

Phẩm 19: THIỀN TƯ HÀNH ĐẠO

Phật bảo Tỳ-kheo:

-Bồ-tát ngồi dưới gốc cây Bồ-đề hàng phục xong ma oán, thành bậc giác ngộ chân chánh, tiêu sạch cội rễ, gai góc cội nguồn của ba độc, không còn các loại duyên khởi ấm, cái, vĩnh viễn không còn mê mờ. Các tư tưởng đã định, trong sạch như hư không, mạnh mẽ không còn bị các nạn. Dựng lên ngọn cờ lớn, chỉ bày cho tất cả, giáo hóa mười phương, độ thoát ba cõi, lặng ngồi bên gốc cây hiện bày Tứ thiền, vì kẻ hậu học chỉ rõ con đường tắt để cột cái ngã. Thần thông vi diệu, vứt bỏ các pháp dục xấu ác, không còn trở lại năm triền cái, không nhận năm món dục, các ác tự diệt, nghĩ nhớ phân minh, suy nghĩ vô vi, giống như người khỏe mạnh thắng kẻ oan gia, ý đã thanh tịnh, thành hạnh Nhất thiền.

Tâm tư mở bày, hiểu rõ, khước từ tình dục, không điều nào để loại bỏ. Không còn chấp quán, vắng lặng, thanh thản như hạnh Thánh hiền. Mọi nhớ nghĩ suy tư đã dứt, giống như nước suối từ trên đỉnh núi cao, tự trong đó tràn đầy tuôn chảy ra bên ngoài. Như khe hang tràn đầy nước mưa, không còn có gì vào được nữa, vắng lặng, giữ một lòng chuyên nhất không dời đổi, thành hạnh Nhị thiền.

Lại vứt bỏ tâm vui mừng, chỉ còn tâm vô dục. Bên ngoài tất cả những việc tốt xấu hoàn toàn không vào được, Bên trong cũng không hề sinh khởi. Tâm ngay thẳng, thân an ổn, giống như hoa sen, gốc rễ đều ở trong đất bùn, khi hoa chưa nở, cành, hoa, lá đều thấm nhuần trong nước. Vì tịnh, nên hiện chân, thành hạnh Tam thiền.

Vứt ý vui khổ, không tưởng buồn vui, tâm không nương thiện cũng không vin ác, không tâm khổ vui. Ở bên trong chân chánh như người tắm gội sạch sẽ, lại đem tấm lụa mới tinh đẹp đẽ choàng lên. Trong ngoài đều sạch, không nhơ. Chấm dứt hơi thở, tịch nhiên không thay đổi, thành hạnh Tứ thiền.

Thí như nhà làm đồ gốm pha đều đất thô hòa với đất nhuyễn, trong đó không có cát, đá vụn, muốn làm vật gì cũng được. Hễ tinh tấn khai phá thì không có gì là không làm được. Đã được tịnh ý, gây dựng đại Từ, không bỏ đại Bi, trí tuệ phương tiện khéo léo, xét tìm thấu suốt điều cốt yếu nhiệm mầu. Thông suốt ba mươi bảy phẩm trợ đạo, đó là: bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Chánh đạo, cứ tuần tự đến cuối cùng rồi trở lại ban đầu. Nhân hiểu rõ ba giải thoát, đắc trí tam đạt. Nay việc tới lui không hề trở ngại. Biến hóa hiển bày pháp. Những điều ưa thích được như ý muốn, không còn phải nghĩ ngợi. Thân có thể bay đi, có thể phân một thân ra làm trăm làm ngàn, cho đến vạn ức vô số thân. Rồi khiến nhập làm một thân. Có thể xuyên vào đất đá, vách tường, đều có thể đi xuyên qua được. Hiện ra ở nơi đây rồi lại ẩn mất, ẩn mất rồi lại hiện, như ra vào nước; trong thân tuôn ra nước, lửa. Lội dưới nước hay đi trên không không bị chìm hoặc bị rơi ngã; nằm ngồi trong hư không như loài chim bay liệng. Ngồi có thể đụng trời, đưa tay sờ nắm mặt trời, mặt trăng. Thân đứng thẳng có thể cao đến Phạm thiên. Thần thông tự tại, mắt nhìn thấy suốt, tai nghe rỗng suốt. Biết trước được lời nói, việc làm, ý nghĩ của các loài Trời, Người, Rồng, Quỷ, Thần, sâu bọ, tất cả đều thấy nghe biết hết. Các kẻ có tham dâm, không tham dâm; có sân hận, không sân hận; có ngư si, không ngu si; có ái dục, không ái dục; có chí hạnh lớn; không chí hạnh lớn, có hạnh trong ngoài, không có hạnh trong ngoài; có nghĩ lành, không có nghĩ lành; có nhất tâm, không có nhất tâm; có ý giải thoát, không có ý giải thoát, tất cả đều biết hết.

Bồ-tát xem xét năm đường trên trời, trong loài người, địa ngục, súc sinh, quỷ thần, cha mẹ đời trước, anh em, vợ con, tên tuổi, dòng họ nội ngoại, tất cả đều phân biệt rõ ràng. Sự việc một đời, mười đời, trăm ngàn ức vô số đời, cho đến thời gian thành trụ hoại không, rồi trở lại thành của trời đất. Có thể biết một kiếp, mười kiếp, cho đến trăm ngàn ức trong vô số ức kiếp về tên tuổi, dòng họ nội ngoại, ẩm thực, y phục, khổ vui, tuổi thọ dài ngắn, chết ở nơi này sinh ra ở nơi kia, qua lại trong các đường, kể từ lúc ban đầu khi mới sinh ra cho đến lúc lớn lên rồi già, chết, hình sắc tốt xấu, hiền ngu, vui khổ ở trong ba cõi, tất cả đều phân biệt biết hết. Thấy thần hồn của con người tùy theo hành động tạo tác của mình mà sinh vào trong năm đường, hoặc đọa vào loài ngạ quỷ, hoặc đọa trong loài súc sinh, hoặc làm quỷ thần, hoặc sinh lên trời, hoặc làm hình người. Có người được sinh trong gia đình giàu sang sung sướng, hoặc có người sinh trong gia đình bần cùng khốn khổ. Biết chúng sinh mê lầm, năm ấm sắc, thọ, tưởng, hành, thức tự ngăn che, đều quen theo năm món dục, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, bị ái dục lôi kéo; ham mê các thứ tiền của, sắc đẹp, nhớ tưởng, ước mong được an vui sung sướng. Từ đây sinh ra các tội ác; từ tội ác đưa đến khổ đau. Phải luôn đoạn trừ ái tập, không theo tâm dâm đến như lông tóc. Nhận lãnh thực hành Bát chánh đạo thời các khổ đều tiêu diệt. Những gì là tám? Đó là Chánh kiến, Chánh niệm, Chánh nghiệp, Chánh trí, Chánh phương tiện, Chánh ý, Chánh định.

Giống như không củi, không lửa, không cháy, không tắt. Đó gọi là đạo vô vi độ đời.

Bồ-tát tự biết đã bỏ gốc ác, không còn dâm, nộ, si, sinh tử đã diệt, các gốc rễ đã dứt sạch, không còn mầm móng tai họa; việc làm đã thành, trí tuệ đã đạt. Khi sao mai vừa xuất hiện, Ngài hoát nhiên đại ngộ, đắc đạo Vô thượng Chánh chân, làm Bậc Tối Chánh Giác, được mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng của Phật.

Mười lực của Phật là:

1. Phật thấy biết hết những điều sâu xa nhiệm mầu bí ẩn là đúng hay chẳng đúng, có giới hạn hay không giới hạn, thấy rõ đúng như thật.
2. Phật biết rõ tất cả những việc đã làm và chỗ nhận lãnh quả báo ở quá khứ, hiện tại, vị lai..
3. Phật hay mở bày, chỉ dạy về môn thiền định giải thoát chánh thọ.
4. Phật phân biệt biết rõ các ý nghĩ sai khác của trời, người và chúng sinh.
5. Phật biết rõ bao nhiêu ngôn ngữ của chúng sinh và ngôn ngữ siêu thế gian. J
6. Phật biết rõ tất cả các chủng loại và vô lượng hình thái trong thế gian.
7. Phật biết dục trói và biết cần làm những việc để tháo bỏ sự trói buộc dục.
8. Trí của Phật như biển, lời lành vô lượng, biết rõ tất cả những hoạt động trong đời trước.
9. Phật với Thiên nhãn thanh tịnh thấy rõ con người khi mới chết, thần hồn thác sinh thọ quả báo, tùy theo hình động thiện, ác, họa, phước.
10. Phật đã dứt sạch các lậu hoặc, không còn bị trói buộc, dính mắc, tinh thần minh mẫn, trí tuệ sáng suốt, tự biết đã chứng ngộ, đạo hạnh thông suốt cùng tột. Việc làm đã làm xong, không còn sinh tử nữa, trí tuệ sáng suốt.

Đó là mười lực của Phật.

Bốn vô sở úy của Phật là:

1. Phật với thần thông trí tuệ của Bậc Chánh Giác, không có việc gì là Ngài không thấy, không biết, người ngu vì mê lầm nên cho rằng Phật chưa biết hết. Đến như Phạm, Ma, các Thánh còn chưa có thể bàn bạc về trí tuệ của Phật. Ngài một mình đi đến đâu cũng không hề sợ hãi. Đó là điều vô úy thứ nhất.

2. Phật với các lậu đã hết, trí biết khắp tất cả. Người ngu vì mê lầm nên cho rằng Phật chưa hết các lậu. Đến như chư Phạm, Ma các Thánh còn không thể luận bàn về trí tuệ của Phật. Ngài một mình đi đến đâu cũng không hề sợ hãi. Đó là điều vô úy thứ hai.

3. Đức Phật thuyết giới kinh cho mọi người học tập. Người ngu si nói với nhau: Kinh Phật không phổ biến. Đến như chư Phạm, Ma, các Thánh còn chẳng có thể bàn bạc, chê bai chánh kinh của Phật. Ngài một mình đi đến đâu cũng không hề sợ hãi. Đó là điều vô úy thứ ba.

4. Phật biểu hiện đạo nghĩa, nói lời chân thật, cốt yếu là độ mọi người vượt được khổ ách. Người ngu vì mê lầm nên nói với nhau: Lời Phật dạy không có thể vượt được khổ ách. Đến như chư Phạm, ma, các Thánh còn chẳng có thể bàn bạc về đạo nghĩa chân chánh của Phật. Ngài một mình đi đến đâu cũng không hề sợ hãi. Đó là điều vô úy thứ tư.

Mười tám pháp bất cộng từ khi Ngài mới chứng được đạo quả Phật cho đến lúc nhập Niết-bàn:

1. Không mất đạo lý.
2. Không nói suông.
3. Không thất niệm.
4. Không có tâm ý không trong sạch.
5. Không có loạn tưởng.
6. Luôn luôn tỉnh táo.
7. Chí đạt không giảm.
8. Tinh tấn không giảm.
9. Định ý không giảm.
10. Trí tuệ không giảm.
11. Giải thoát không giảm.
12. Giải thoát tri kiến không giảm.
13. Thấy biết hết tất cả những việc trong đời quá khứ.
14. Thấy biết hết tất cả những việc trong đời vị lai.
15. Thấy biết hết tất cả những việc trong đời hiện tại.
16. Lãnh đạo cả chúng, dùng thân hành giáo hóa dắt dìu để chứng đạt được đạo quả.
17. Lãnh đạo cả chúng, dùng ngôn hành giáo hóa dắt dìu để chứng đạt được đạo quả.
18. Lãnh đạo cả chúng, dùng ý hành giáo hóa dắt dìu để chứng đạt được đạo quả.

Đó là mười tám pháp bất cộng.

Phật chứng đắc đạo ý Nhất thiết tri kiến, ngồi dưới gốc cây tự nghĩ: “Thật là hết sức nhiệm mầu, khó biết, khó hiểu, rất khó đạt được. Cao không cùng tột, rộng không giới hạn, sâu thẳm vô cùng, sâu xa không thể lường, lớn bao trời đất, nhỏ không chỗ vào. Xưa kia Đức Phật Đăng Quang thọ ký cho Ta làm Phật hiệu là Thích-ca Văn, ngày nay đạt được quả vị đó. Từ vô số kiếp cần khổ cầu đạt, nay mới đạt được. Tự nhớ nghĩ các việc làm ở đời trước: Đạo đức, từ hiếu, nhân nghĩa, lễ tín, trung chánh, giữ chân, hư tâm, học đạo Thánh hiền, ý thanh tịnh, nhu hòa, tu hạnh lục Độ vô cực: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Nhất tâm, Trí tuệ. Tu hạnh Tứ đẳng tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Đối với bốn ân tùy thời cúng dường. Nuôi dưỡng chúng sinh, thương như con đỏ, làm việc làm của chư Phật, chứa nhóm công đức vô lượng. Nhiều kiếp cần khổ, không hề uổng công, nay nhận được tất cả, vui mừng tự khen:

Nay biết Phật tôn quý
Bỏ dâm, sạch các lậu
Sẽ dẫn đường tất cả
Theo Ngài ắt yên vui
Quả phước vui của trời
Nguyện tốt đã thành tựu
Mau chóng được Thượng Tịch
Ta sẽ vào Niết-bàn.