SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.

Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 3

Phẩm 19: PHƯỚC BÁO TRONG HIỆN TẠI CỦA SAI-MA

Tôi nghe như thế này:

Một thời Đức Phật trú tại tinh xá Trúc lâm, thành La-duyệt-kỳ, cùng một số đông các đệ tử.

Bấy giờ, ở trong nước có một Bà-la-môn gia đình cùng khổ, tiền gạo thiếu thốn, mặc dầu siêng năng cần mẫn mà tai họa dập dồn. Đi đến đường cùng, cơm áo không đủ, ông đến hỏi một người bạn:

– Trong thế gian này nên làm những việc gì để trong hiện tại con người có thể hưởng được phước đức?

Có người bảo:

– Ông không biết sao, hiện nay đang có Đức Phật ra đời lấy phúc đức độ cho chúng sinh, tất cả đều được lợi lạc, không có ai mà không được độ thoát. Như Lai có bốn vị đại đệ tử: ngài Ma-ha Ca-diếp, Đại Mục-kiền-liên, Xá-lợi-phất và A-na-luật, tất cả đều là những vị Hiền sĩ, đều thương xót những người nghèo khổ, thường làm những việc phước thiện để đem lại lợi lạc, cứu khổ cho chúng sinh. Nếu ông hết lòng kính tin, thiết trai cúng dường các vị Hiền sĩ này rồi nhân dịp đó nói lên những lời ước nguyện ngay tại đời này. Vị Bà-la-môn nghe những lời khuyên như thế trong lòng rất hoan hỷ. Trở về nước, ông đi khắp nơi rao tìm việc và cật lực làm việc kiếm được một ít tài vật mang về nhà lo sắm sửa vật thực thỉnh các vị Hiền thánh chọn ngày cúng dường, dốc lòng siêng năng mong được quả báo hiện tiền. Vị Bà-la-môn có người vợ tên là Sai-ma (Tần dịch là An Ổn). Sau khi chư Tăng Tôn đức thọ trai xong khuyên Sai-ma thọ trì giới Bát quan trai, rồi trở về tinh xá.

Khi đó vua Bình-sa đang dạo chơi trong rừng trở về thành, trên đường gặp một người phạm vào trọng tội của vua bị trói treo đầu ở bên vệ đường. Khi thấy vua đi ngang qua, người ấy khóc lóc thảm thiết van xin một ít thức ăn, vua động lòng thương, hứa sẽ cho rồi tiếp tục đi. Ngày đã trôi qua vua quên sự việc đã hứa trước đó, đêm về sực nhớ rằng khi sáng có hứa cho người phạm tội một ít thức ăn, rồi làm sao quên mất. Vua liền sai người mang thức ăn đến cho người kia, cả nội, ngoại cung không ai muốn đi, đều nói:

– Sợ về đêm trên đường có nhiều mãnh thú, ác quỷ, La-sát, rất nhiều rủi ro tai nạn xảy ra. Thà chết ở đây còn hơn là đi. Bấy giờ nhà vua nghĩ đến nỗi khổ của phạm nhân kia mà thân tâm sinh phiền não, rất động lòng thương xót vua liền ra lệnh cho trong nước nếu ai có thể đem thức ăn đến cho người kia thì vua ban thưởng cho ngàn lượng vàng, nhưng không có người nào chịu thực hiện lời ban của vua cả. Khi đó Sai-ma thường nghe người ta nói: Nếu ở đời có người thọ trì giới Bát quan trai thì các ác tà quỷ sứ, độc thú, tai ương không thể làm tổn hại được. Sai-ma nghe vua ban lệnh như vậy  liền khỏi lên ý tưởng: “Nhà ta nghèo khổ, hơn nữa ta lại có thọ giới Bát quan trai. Nay vua có lời ban ta nên đích thân đến đó để nhận lời.” Nghĩ rồi nàng liền đến đó. Vua nói với Sai-ma:

– Khanh giúp ta mang thức ăn đến chỗ đó, ta sẽ ban thưởng cho ngươi một ngàn lượng vàng. Sai-ma liền nhận mệnh lệnh của vua xong mang thức ăn đi trên đường dốc tâm trì trai giữ giới không có khuyết phạm. Cứ đúng theo đường mà đi, đi được một đoạn khá xa gặp một con quỷ La-sát tên là Lam-bà. Khi ấy quỷ La-sát vừa sinh ra năm trăm đứa con, vừa sinh xong trong bụng rất đói khát thấy Sai-ma đến, trông để ăn nhưng do vì Sai-ma trì trai giới không khuyết phạm, nên La-sát trông thấy đổi ý sợ hãi, cơn đói hành hạ kịch liệt liền đi theo xin:

– Xin cho tôi một ít thức ăn. Sai-ma đồng ý lấy một ít thức ăn để cho, thức ăn tuy ít nhưng ăn vào do năng lực của quỷ thần cũng thấy đủ no. Bấy giờ La-sát hỏi Saima:

– Người tên là gì?

Đáp:

– Tôi tên là Sai-ma.

La-sát hoan hỷ nói với Sai-ma:

– Nay tôi vừa sinh xong mà được an ổn là nhờ bạn cứu mạng thật may mắn cho tôi rất nhiều! Tôi mang ân cứu mạng của bạn rồi nghe được cái tên bạn thât hay. Nay trong nhà tôi có cái chõ bằng vàng xin biếu cho bạn, mong bạn nhận cho.

La-sát lại hỏi:

– Nay bạn đi đến đâu?

Sai-ma đáp:

– Tôi mang thức ăn này cho phạm nhân ở chỗ kia.

Lam-bà nói:

– Tôi có người em ở phía trước tên là A-lam-bà, nếu bạn gặp thì cho tôi gởi lời thăm hỏi, nói giúp là tôi vừa mới sinh được năm trăm người con, thân thể được an ổn, trình bày rõ tình cảm của tôi để chị tôi rõ tin tức. Sai-ma nghe xong thẳng đường mà đi gặp A-lam-bà hỏi thăm và chuyển lời của Lam-bà lại rõ từng chi tiết, sinh được năm trăm đứa  con, đều được an ổn. Khi ấy A-lam-bà nghe xong trong lòng vui mừng, hỏi người khách:

– Chị tên gì?

Nàng đáp:

– Tôi tên là Sai-ma.

La-sát nghe cũng vui vẻ nói:

Chị tôi sinh xong được mẹ tròn con vuông, rồi nghe tên của chị thật đẹp làm sao! Nay trong nhà tôi có cái chõ bằng vàng mang biếu chị, xin chị nhận cho. A-lam-bà hỏi tiếp:

– Chị đi đến đâu? Sai-ma đáp:

– Tôi mang thức ăn đến chỗ đó cho phạm nhân kia.

A-lam-bà nói:

– Tôi có người em trai tên là Phân-na-kỳ, ở phía trên kia, xin chị giúp tôi hỏi thăm rồi nhân đó chuyển lại lời của chị nó. Sai-ma từ giã đi tiếp, đúng như lời dặn đến gặp Phân-na-kỳ, chuyển đạt lại ý kiến của hai chị Phân-na-kỳ đầy đủ, nói:

– Người chị lớn sinh được năm trăm người con, bình an vô sự không có điều gì không may xảy ra. Phân-na-kỳ nghe tin hai chị mình bình an, trong lòng hoan hỷ liền hỏi Sai-ma:

– Tên chị là gì?

Đáp:

– Tên tôi là Sai-ma.

Phân-na-kỳ đáp:

– Tên chị là ý nghĩa của sự an ổn, lại mang những tin tức tốt đẹp của chị tôi, thật không có gì thích thú bằng!

Liền nói với Sai-ma:

– Tôi có cái chõ vàng muốn biếu chị, mong chị nhận cho. Nàng Sai-ma chào từ biệt lên đường đi tiếp, nhớ rõ chỗ đến gặp phạm nhân, trao thức ăn, rồi trở về nhà cùng đem về ba cái chõ bằng vàng. Trở về đến cung vua, vua ban thưởng một ngàn lạng vàng. Sau đó gia đình thoát khỏi cảnh nghèo đói trở nên giàu có. Dân chúng trong nước thấy gia đình ấy có nhiều báu vật giàu sang mọi người mến mộ lui tới, vui vẻ đông đúc, trong gia đình trở nên giàu có sung túc. Vua nghe phước đức vị ấy như vậy liền cho triệu vào  cung phong làm chức đại thần, nhận được bổng lộc của vua gia đình trở nên giàu có hơn. Lòng tin thuần nhất thành khẩn, rộng làm phước nghiệp, thỉnh Phật và chúng Tăng mở đàn tràng lớn. Đức Phật và Tăng chúng nhận lời cầu thỉnh. Sau khi đến thọ trai xong, Đức Phật thuyết giảng chánh pháp, tâm trí của họ được khai mở đắc quả Tu-đà-hoàn.

Bấy giờ hội chúng và A-nan sau khi nghe xong đều hoan hỷ phụng hành.