KINH HIỀN KIẾP

(CÒN CÓ TÊN LÀ KINH TAM-MUỘI BẠT-ĐÀ-KIẾP. ĐỜI TẤN GỌI LÀ KINH HIỀN KIẾP ĐỊNH Ý)

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam Tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 6

Phẩm 19: NÓI VỀ TÁM BẬC

Đức Phật bảo Bồ-tát Hỷ Vương:

–Thế nào gọi là tám bậc tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như tin tưởng ở tám bậc, có được sự an lạc thuần nhất, từ đó luôn giữ gìn, chế ngự thân tâm không rơi vào tám nẻo tà, đó là Bố thí.

Noi theo tám bậc để hành hóa, giữ gìn đạo pháp, không chạy theo nẻo vinh hoa thế tục, đó là Trì giới.

Đã cùng tạo được những hành động nên giữ vững sự tạo tác bình đẳng, từ đấy đạt được tự tại, không một ai có thể xâm phạm hay coi thường, đó là Nhẫn nhục.

Thiền định tu đạt quả A-la-hán, hành hóa độ chúng sinh khắp trong ba cõi, không còn bị trở lại cõi sinh tử nữa, đó là Tinh tấn.

Nhân theo tám bậc mà đạt được các quả vị Đạo tích (Tu-đàhoàn), Vãng lai (Tư-đà-hàm), Bất hoàn (A-na-hàm) và Vô trước (A-la-hán) đều là những con người giác ngộ chân chánh, đó là Nhất tâm.

Do đã vượt khỏi các dòng chảy sinh tử nên luôn nhận rõ biết bao sự việc liên hệ, đem lại ý nghĩa giải thoát của đạo giác ngộ vô thượng, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là đạt được quả vị Đạo tích (Tu-đà-hoàn) và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Từ quả vị Đạo tích mà lần lượt đạt đến ánh sáng giác ngộ, tiêu trừ sạch mọi phiền não phủ che, vây bủa cùng tham dâm, sân nộ, si mê, ham ngủ nghỉ, vui đùa, đó là Bố thí.

Dùng để dứt trừ ái dục, không trở lại đi theo các nẻo uế trược, bất tịnh, đó là Trì giới.

Bảy lần qua lại, từ nơi cõi trời cho đến thế gian mới có thể dứt sạch các lậu, đó là Nhẫn nhục.

Đi đến nhà nhà để hành khất, tạo phước cho hết thảy đời đời được an lành, đó là Tinh tấn.

Chuyên tinh vào một hạnh luôn giữ gìn thân, khẩu, tâm, lìa bỏ hết thảy mọi tạo tác đầu mối của mọi vô ích, đó là Nhất tâm.

Như dứt mọi tham đắm vướng mắc, tỏ ngộ tất cả đều là không, đấy là cội nguồn của ba cõi, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là đạt được quả vị Vãng lai (Tư-đà-hàm) vi trần và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Tuy còn ở trong ba cõi, nhưng đối với sắc dục thì dần dần hướng tới sự đoạn diệt, đó là Bố thí.

Như nhận rõ về các nạn của phiền não, ái dục, tâm chưa từng vi phạm, đó là Trì giới.

Xem xét về sự gây ra tội lỗi đối với mình, chuyển dần sang ít ỏi mỏng manh và cuối cùng là không, đó là Nhẫn nhục.

Đem ánh sáng giác ngộ soi tỏ khắp chốn, từ đấy quan sát mọi tạo tác gây nên tội lỗi đều từ hành động tạo thành, đó là Tinh tấn.

Dùng mọi sự hiểu biết để thiêu đốt sạch các thứ ái dục không còn sót một tí gì, đó là Nhất tâm.

Thông tỏ về đầu mối của mọi nẻo sinh tử trong một đời người, từ đấy xua trừ mọi ái dục tham đắm, không còn gặp lại bao mối hoạn nạn, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là đạt được quả vị Bất hoàn (A-na-hàm) và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như có thể xa lìa mọi tham đắm của cõi Dục giới, thực hiện bốn ân đối với bốn bậc không hề chán nản, đó là Bố thí.

Hay như tâm hoàn toàn dứt hết mọi nạn của phiền não cấu uế, đã dứt sạch tận ngọn nguồn sinh tử nên không còn trở lại cõi đời nữa, đó là Trì giới.

Sinh vào cõi trời thứ hai mươi hai là Thiện Thí, chư Thiên ở nơi ấy vẫn tu tập, không rời đạo pháp, đó là Nhẫn nhục.

Sớm tối siêng tu, tâm luôn gắn bó với đạo pháp, nên được sinh vào cõi trời thứ hai mươi ba là Thiện Thí Tánh Thiên, đó là Tinh tấn.

Như được sinh vào cõi trời thứ hai mươi bốn là Vô ái kết thiên, ở nơi ấy vẫn thản nhiên, tâm không mong cầu phước báo ở cõi trời, đó là Nhất tâm.

Hay như tạo được sự thân cận với các bậc đã đạt sáu thứ thần thông, hành hóa luôn chân chánh, là đường đi của bậc Chánh sĩ để đạt tới kho tàng trí thức, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là đạt quả vị Vô trước (A-la-hán) và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như dứt trừ sạch mọi pháp bị quên mất hay hốt nhiên bị mê lầm, để đạt đến quả vị A-la-hán, đó là Bố thí.

Không cần trở lại lo việc giữ gìn khiến các pháp không bị quên mất mà thảy đều tự nhiên thông tỏ tường tận, đó là Trì giới.

Như đem lòng tin tưởng mà tu tập đạt đến giải thoát, tâm dứt sạch mọi hoài nghi, đó là Nhẫn nhục.

Hay như dùng mọi sự hiểu biết thông tỏ mà nhằm dứt sạch các nỗi khổ của sinh, lão, bệnh, tử, đó là Tinh tấn.

Tiêu trừ hết thảy mọi khổ ách hoạn nạn trong ba đường dữ, bản thân tự chứng đạt được ánh sáng giác ngộ, đó là Nhất tâm.

Đều đạt được sự thông tỏ cùng gắng sức thực hiện đối với khắp các nẻo sinh tử, hoàn toàn thấu đạt không còn sót một thứ gì, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là đạt quả vị Duyên giác và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như luôn quan sát tiếp xúc với các chốn ít người ít việc, chọn nơi vắng vẻ tịch tĩnh, không hề tham đắm đối với thân mạng, cũng như không chiều theo đám đông phức tạp, đó là Bố thí.

Tuyển chọn các pháp để làm dấy khởi cùng phát huy con đường hành hóa của bậc Chánh sĩ vừa thích ứng với chánh pháp giác ngộ vừa có thể thích nghi với hoàn cảnh, đó là Trì giới.

Chọn ở riêng một chốn để giữ vững chí, dứt mọi phóng dật, đó là Nhẫn nhục.

Đạt đến giải thoát để độ khắp chúng sinh trong ba cõi, dứt trừ phiền não không để bị trói buộc trở lại, đó là Tinh tấn.

Như tu tập theo nẻo tịch nhiên dần đạt đến thế giới vô vi, tâm dứt mọi tham đắm vướng chấp, đó là Nhất tâm.

Dốc hết sức vào một nẻo hành động, là gốc của sự chân chánh, luôn thể hiện an nhiên như pháp, không hành động nghiêng ngả theo hai nẻo, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là bậc Bồ-tát tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như thực hiện công việc cứu tế giúp đỡ, luôn thể hiện tâm bình đẳng, dứt mọi dua nịnh, đó là Bố thí.

Có được tính nhu hòa, thường biểu lộ sự an ổn để chữa trị vọng tâm, đúng như nơi chốn phát sinh mà khai hóa dẫn dắt, đó là Trì giới.

Như đem tâm bình đẳng ban cho chúng sinh, không làm chuyện mưu hại, giết chóc, đó là Nhẫn nhục.

Hay như phụng hành đúng nẻo sâu xa, cốt yếu của pháp không, thể hiện trọn vẹn diệu nghĩa của đạo Chánh giác Vô thượng, cho đến đạt Nhất thiết trí, đó là Tinh tấn.

Không dựa cậy vào âm vang của kẻ khác mà tạo tác để rơi trở lai vào những tiểu tiết, mà luôn thực hiện các pháp chánh thọ một cách bình đẳng, đó là Nhất tâm.

Không hề chán ghét các nẻo sinh tử, dùng ánh sáng giác ngộ để khai mở dẫn dắt tất cả chúng sinh, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là nhằm đạt được trí tuệ rốt ráo và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đem trí tuệ rốt ráo ấy mà sửa trị tạo được mọi thích ứng, không rơi vào sự thiếu kém thua thiệt, đó là Bố thí.

Hoặc như dùng điều thiện chắc chắn để trị lành các hành của thân, khẩu, ý được thanh tịnh, đó là Trì giới.

Nẻo hành hóa luôn trừ diệt cấu uế để có được thanh tịnh, tươi sáng, mà cũng không day tưởng chấp, đó là Nhẫn nhục.

Do đoạn trừ các nẻo mê lầm nên có được sự an lạc nơi chánh pháp, từ đấy mọi sự nêu giảng luôn thích nghi, thuận theo giáo pháp của Phật, đó là Tinh tấn.

Dứt hết mọi nẻo tham tiếc, đối với tất cả mọi sở hữu đều nên đem cứu giúp những kẻ nguy khốn, từ đó tu theo chánh pháp, đó là Nhất tâm.

Nhờ có thể từ bỏ các nẻo hành động không thích hợp, hết thảy đều từ vô minh sinh ra, mà tiếp cận được sáu thứ thần thông vi diệu mà Bậc Giác Ngộ đã đạt, cho đến Nhất thiết trí, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là nhằm đạt được “Trí tuệ vô sở sinh” mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đối với ái dục, gốc báo ứng của chúng là nhằm khiến cho con người dấy khởi, thấu đạt thảy là không tức là có được “Trí tuệ vô sở sinh”, đó là Bố thí.

Khiến cho không có hình bóng đi đến cũng như trở lại tỏ được diệu lý “vô sở sinh”, đó là Trì giới.

Không gắn bó với các pháp thế gian dẫn đến những kết hợp phức tạp, chỉ thuần nhất theo chánh pháp tu tập, đó là Nhẫn nhục.

Tinh chuyên tu tập theo đúng các cửa giải thoát là Không, Vô tướng, Vô nguyện, cũng không rơi vào chỗ quên lãng hay thất tán, đó là Tinh tấn.

Sở dĩ có thể nhận ra Trí tuệ vô sở sinh là nhằm dùng để nhận thức va lãnh hội tất cả là “vô sở hữu”, đó là Nhất tâm.

Dùng để đoạn trừ các niệm về tất cả những bụi bặm cấu uế, cũng như dứt bỏ mọi vọng tưởng, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là nhằm đạt “Trí tuệ kiến lập” mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như trường hợp chánh pháp còn tồn tại mà giả thiết như chánh pháp bị mai một, tâm không hề lìa bỏ đạo cũng như các việc cung cấp thức ăn, mặc, hoặc bảo vệ danh dự kiến thức, đó là Bố thí.

Đối với các việc đem giáo pháp giảng dạy, luôn dứt mọi nẻo dựa cậy mong cầu, tâm rộng mở như hư không, đó là Trì giới.

Như có thể đem lại vui vẻ thích thú cho bốn chủng tánh của con người, cũng không dựa cậy vào bốn loại ấy, đó là Nhẫn nhục.

Hay như dốc siêng năng tu tập, sử dụng các phương tiện thích hợp mong đạt quả vị chân thật, thì luôn mong đạt được đạo quả Chánh giác Vô thượng, đó là Tinh tấn.

Hoặc như lúc ở vào hàng A-tu-la cũng luôn học hỏi kinh điển, không rời bỏ Tam bảo, đó là Nhất tâm.

Khiến cho hết thảy chúng sinh nơi thế gian đều được nghe chánh pháp, liền thọ nhận phụng hành không dấy chút tà tâm, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là đạt được Thiên nhãn và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như dùng Thiên nhãn để nhận rõ tất cả các hình sắc, tâm không tham đắm, tỏ ngộ thảy là không, hư, đó là Bố thí.

Ví như có thể nhận diện một cách thông tỏ thế giới vô hình sắc, khéo sử dụng các phương tiện quyền xảo, không bị rơi xuống cõi Dục giới, đó là Trì giới.

Giả sử thông tỏ các sắc trần không có hình tượng, trong sự thấu đạt ấy tâm luôn thể hiện sự bình đẳng dứt mọi yêu ghét, đó là Nhẫn nhục.

Như xem xét mọi nẻo biến chuyển của sinh tử trong khắp các cõi cùng bao mối lo âu về các hoạn nạn khó khăn, nhưng không dấy tâm sợ hãi, đó là Tinh tấn.

Hay như nhận ra tính chất vô niệm cùng với tất cả mọi tư duy, trong ngoài đều không trở ngại, cũng không có nơi chốn để hướng về, đó là Nhất tâm.

Hoặc như thể hiện sự tịch nhiên, tâm tĩnh lặng, an định, ví như hư không bao la chẳng hạn lượng, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là đạt được thiên nhĩ và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như có thể được nghe hết thảy ngôn ngữ âm thanh của chúng sinh, từ âm thanh ca múa kỹ nhạc ở các cõi trời cho đến tiếng kêu la than khoc ở ba cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, từ đấy dấy tâm Từ bi hướng đến, đó là Bố thí.

Khiến cho mọi người được lãnh hội các thứ âm hưởng vi tế, tỏ rõ tất cả ngôn ngữ đều là không, không có ngôn từ, đó là Trì giới.

Hết thảy mọi nẻo hành hóa đều thuận hợp với đạo pháp, không chạy theo các học phái ngoại đạo, gồm trong sáu mươi hai thứ kiến chấp, đó là Nhẫn nhục.

Như dùng miệng để tuyên giảng nêu bày, tâm luôn nhớ nghĩ theo điều ấy để hành động, thích ứng với hoàn cảnh, sử dụng các phương tiện quyền xảo, dùng trí tuệ để hóa độ dẫn dắt, đó là Tinh tấn.

Nghe và lãnh hội hết thảy là không nên muôn vật cũng không, tham vấn thọ nhận kinh điển của đạo pháp mà giữ gìn đọc tụng, đó là Nhất tâm.

Gồm thâu tất cả mọi thứ âm thanh, biết rõ về nẻo tận diệt của chúng để quy về thế giới tịch nhiên của đạo giải thoát vô thượng, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sau pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là tâm trí đạt được tự tại, rõ được tâm niệm của mọi người, từ đấy tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như tâm mình, do từ bản thân nhận thấy mọi nơi chốn cùng bao nỗi lo âu hoạn nạn trong ba cõi, mà dấy khởi tâm thương xót hướng đến cứu giúp, đó là Bố thí.

Hay như tâm nhận rõ khắp nẻo ý nghĩa về thiện và bất thiện, tâm ấy luôn thể hiện bình đẳng, không vướng vào các pháp hữu vi, đó la Trì giới.

Quan sát về các nẻo tạo tác của nhân duyên báo ứng để nhận ra gốc của chúng là không có duyên đối, đó là Nhẫn nhục.

Như nhận ra mọi sự việc trong các đời quá khứ, vị lai, thảy đều vui vẻ để thông tỏ cả ngọn ngành gốc rễ, đó là Tinh tấn.

Dùng con mắt bình đẳng để xem xét mọi sự việc trong hiện tại thảy đều như cảnh huyễn hóa, đó là Nhất tâm.

Như nhận thức khắp hết thảy mọi gốc ngọn của sự biến chuyển là không có gốc ngọn, vậy thì có chỗ nào gọi là chính yếu, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là nhớ nghĩ và nhận biết về các thời quá khứ xa xưa, từ đấy tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như nhận thức và biết rõ về quá khứ với nơi chốn sinh ra, những chỗ từng trải qua, cùng mọi nẻo hành động phải trái, đó là Bố thí.

Mọi chốn tạo tác được thành tựu, dùng đấy để khuyến trợ mọi người đi đến với đạo giác ngộ vô thượng, đó là Trì giới.

Khỏi phải bị trở lại nhiều lần mà nhằm tận diệt khiến cho không còn nơi chốn sinh khởi, đó là Nhẫn nhục.

Gọi là danh hiệu đã là “vô sở hữu”, có nơi chốn để nhận thức lãnh hội thì sẽ nhận ra nền tảng của hết thảy mọi pháp, đó là Nhất tâm.

Dùng vô số các phẩm loại để tuyên giảng nêu bày kinh điển đạo pháp, nhân đấy mà khai hóa chúng sinh trong ba cõi thoát mọi nguy khốn, mau đến với đạo giai thoát, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực. (Đoạn này thiếu một pháp Tinh tấn)

–Thế nào gọi là đạt được thần túc có thể phi hành khắp chốn, từ đó tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như do đạt được thần túc nên từ chỗ hiện tại có thể phi hành đến khắp mười phương, đó là Bố thí.

Chỗ thực hiện các phương tiện luôn thuận hợp với ý nghĩa của các pháp, rõ năm ấm là không, dứt mọi nơi chốn phá hoại, đó là Trì giới.

Dấy khởi lòng thương lớn lao đối với chúng sinh nhằm độ thoát hết thảy, đó là Nhẫn nhục.

Mọi nẻo hành hóa đều đầy đủ, giống như mặt trăng tròn đầu sáng tỏ giữa đám tinh tú mà không làm mất đi vẻ hài hòa, đó là Tinh tấn.

Như có thể chế ngự năm uẩn, sáu trần, mười hai duyên khởi, điều phục được chí, đó là Nhất tâm.

Hay nếu chẳng tinh tấn hóa độ khiến cho siêng năng tu tập thì khó hội nhập vào thế giới bao la cua Bậc Giác Ngộ, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là dứt sạch các lậu và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như bản thân mình đã nhận thấy rõ về các đối tượng nhưng không phân biệt bỉ ngã, cũng dứt hết các lậu, đó là Bố thí.

Hay như từ sự quan sát các lậu mà biết được về nguyên nhân phát sinh ra chúng để khiến dứt mọi nẻo dấy khởi, đó là Trì giới.

Nhận biết rõ hết thảy các lậu, gốc của chúng là không rễ nên đều có thể tiêu diệt sạch được, đó là Nhẫn nhục.

Như chính mình đã thực hiện được việc xem xét các lậu đã tận diệt, tỏ ngộ diệu lý “tận vô sở tận” (tận nơi không chỗ tận), không còn thấy nơi chốn quy hướng của sinh tử, đó là Tinh tấn.

Hay như khiến cho các lậu trở về cội nguồn của chúng là thế giới an nhiên tự tại hoàn toàn không còn những tác động hữu vi nào, đó là Nhất tâm.

Dùng sức mạnh của tinh tấn để nhổ sạch mọi gốc rễ của các lậu, không còn nơi chốn phát sinh, cũng như chỗ hướng tới, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là có được uy nghi và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như chính nhờ uy nghi mà khiến cho vô số người biết đến giá trị của lễ phép đức độ, dẫn tới tâm hòa hợp vui vẻ, đó là Bố thí.

Đem lại sự hòa duyệt cho tất cả chúng sinh ở khắp mọi nơi chốn, nhờ đấy mà không ai là không hoan hỷ, trong việc thọ nhận những lời chỉ dạy của giáo pháp, đó là Trì giới.

Nơi quán tưởng luôn tinh chuyên, dứt mọi phóng dật, chỉ giữ vững nơi đạo giác ngộ, đó là Nhẫn nhục.

Đi đến luôn thể hiện tính chất an định, từ tốn, không hề vội vàng hấp tấp, đó là Tinh tấn.

Uy nghi không bao giờ thiếu sót, nét lễ nghĩa luôn thể hiện đầy đủ, đó là Nhất tâm.

Nhận thức về các nẻo tạo tác sâu xa, ánh sáng soi tỏ tận nguồn gốc, đức hạnh luôn biểu hiện gồm đủ, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là từ lòng thương xót mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đối với kẻ ác mang tâm tà vạy độc ác, mình vẫn đem y phục, thực phẩm để cứu giúp, đó là Bố thí.

Trông thấy kẻ hung dữ độc ác gặp phải cảnh nguy khốn thì mình vẫn dốc tâm cứu giúp họ, nhân đó mà chỉ rõ về kinh điển, giáo pháp, đó là Trì giới.

Hoặc như có kẻ ngoại đạo cầu học, có chí nguyện để tìm hiểu đạo pháp, mà thường hay ngã mạn cao ngạo thì nên nhẫn chịu để dần dà cảm hóa, đó là Nhẫn nhục.

Trong trường hợp vì nhiều người, cần có chỗ quảng diễn bàn rộng thêm thì phải gắng nêu bày tuyên giảng thích hợp nghĩa lý giống như cái ao nở đầy hoa sen thơm ngát, đó là Tinh tấn.

Hay như đem các hành động của những bậc hiền thiện mà nêu giảng ý nghĩa khiến cho người nghe tự điều phục thân tâm, đó là Nhất tâm.

Hoặc như gặp trường hợp tế tự nơi các đền thờ, có thể nhân sự tu tập đông đảo ấy mà đến để thuyết giảng giáo pháp, ngôn từ như những chân lý chắc chắn để hóa độ đám ngoại đạo lõa hình, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là từ nhận thức các hành là không mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như trường hợp giúp đỡ không biết chán, không lấy đó làm điều buồn phien, hóa độ khiến mọi người đến với đạo giác ngộ lánh xa chuyện thế tục, đó là Bố thí.

Mọi nẻo tạo tác đều được tự tại, do chính mình đem lại chứ không phải theo sự chỉ dạy của người khác, đó là Trì giới.

Con đường hanh hóa luôn chuyên tinh, không giẫm chân không trở lại rơi vào các tiểu tiết, đó là Nhẫn nhục.

Tu tập đạt đến cứu cánh, không giữa chừng chấp giữ vào sự chứng đắc về các đức đã hoàn tất của Đức Thế Tôn, đó là Tinh tấn.

Nơi chốn thích ứng cho việc phụng hành luôn dứt bỏ mọi sự dựa cậy để tu tập một cách thuần thục, đó là Nhất tâm.

Tùy theo chỗ ưa thích mà tạo lập sự hành hóa để mau chóng dẫn dắt được hết thảy mọi người, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là do từ bỏ hết thảy mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như thể hiện việc từ bỏ các hành động thuộc về cuộc sống, chứng tỏ không tham luyen đối với bản thân, từ đó mọi hành động được tự do không bị trở ngại, đó là Bố thí.

Hoặc như trừ bỏ mọi tạo tác hiện tại của thân, khẩu, tâm, đối với mọi biến chuyển sinh tử trong năm nẻo tâm không chút vướng mắc, đó là Trì giới.

Do gắn bó với cảnh giới, theo các pháp an lạc phụng hành bốn tâm vô lượng cùng sáu pháp Độ vô cực mà không có chỗ bị rơi đổ, đó là Nhẫn nhục.

Chỗ có thể dứt bỏ, chính là dứt bỏ ba độc tham dâm, sân nộ, si mê, cùng trừ diệt tất cả những khổ não còn lại của các kiến chấp gồm trong sáu mươi hai nẻo, đó là Tinh tấn.

Luôn khiến cho chúng sinh hành động theo nẻo thuần thục, không dấy sự ngã mạn cao ngạo mà lìa bỏ mọi nẻo hành động thích hợp, đó là Nhất tâm.

Do lìa xa được mọi nẻo lo lắng ưu sầu của chúng sinh nên tâm luôn gắn bó với đạo pháp cùng thuận hợp với giới luật, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là nhằm đạt đến cảnh giới diệt độ mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Từ chỗ thấu đạt về không mà dứt bỏ các nẻo vọng tưởng, cho đến khi đạt tới cảnh giới diệt độ cũng rõ là không chỗ sinh, đó là Bố thí.

Nơi chốn kiến lập của tâm là lập ở đạo giải thoát, không có nơi chốn nào để bám víu giữ gìn, đó là Trì giới.

Lìa bỏ mọi an lạc của thân, không dựa cậy vào thân mạng để khai hóa chúng sinh, đó là Nhẫn nhục.

Dùng sức mạnh của các thần túc có thể làm động cả Tam thiên thế giới, nhưng không khiến cho hết thảy chư Thiên, người phải kinh sợ, đó là Tinh tấn.

Như tâm tĩnh lặng, ý định thực hiện các pháp chánh thọ, dứt mọi tham vướng cũng không phóng dật, đó là Nhất tâm.

Sau khi diệt độ, Xá-lợi được phân chia đều khắp mười phương, khiến cho hết thảy chúng sinh đều được đội ân, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là từ sự biến hóa khiến tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như việc phân bố Xá-lợi nơi nơi đều được để lưu hành rộng khắp trong thiên hạ, đó là Bố thí.

Xá-lợi đã hiện ra các điềm tốt đẹp nói len uy thần sáng chói khiến người trông thấy đều sinh tâm hoan hỷ, đó là Trì giới.

Chúng sinh trông thấy các việc biến hóa ấy tâm dấy sự vui mừng, ca ngợi, nhân đấy mà phát tâm Bồ-đề, đó là Nhẫn nhục.

Chư Thiên xem thấy uy thần cùng công đức lồng lộng, nên khuyến khích để thay nhau bày tỏ sự hoan hỷ, đó là Tinh tấn.

Như trông thấy Xá-lợi nơi bàn chân của bậc tiên phóng ra hào quang, khiến phải rợn người không cầm được nước mắt, đó là Nhất tâm.

Hoặc như thấy Xá-lợi mà lập nguyện chân thành, hiện ra ánh hào quang oai đức gồm trong năm màu sắc sáng rực, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là nhằm đem giáo pháp truyền bá rộng khắp mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như được đông đảo chúng sinh tự quy ngưỡng cúng dường nhiều vật phẩm thì nên đem giúp đỡ cho những nơi chốn thiếu kém, đó là Bố thí.

Luôn giữ gìn lấy tâm mình khiến không dấy khởi các vọng niệm, vì đã không chỗ sinh thì cũng là không chỗ diệt, đó là Trì giới.

Như nương theo diệu lý không sở hữu mà nhận thức mọi hiện tượng trong ba cõi, cả Phật, pháp, người vật, tất cả đều như nhiên, đó là Nhẫn nhục.

Có thể khiến cho kinh điển, đạo pháp được đem ra giảng dạy truyền bá khắp các cõi trời, người, đó là Tinh tấn.

Các loài ma oán cùng đám tay chân trông thấy thảy đều kinh hoảng không dám đương đầu với oai đức của đạo giác ngộ, đó là Nhất tâm.

Ví như giáo pháp luôn được hiển bày sáng tỏ, truyền bá khắp mười phương được mọi người yêu kính, đem lại an vui thích thú cho mỗi người, dần dà tiến tới việc tiếp cận với các pháp giải thoát, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là từ sự phân chia Xá-lợi mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như chính vì Xá-lợi mà mong được mọi người cúng dường đầy đủ, sớm tối bày tỏ mọi việc cung kính, đó là Bố thí.

Có được vô số người thảy cùng hoan hỷ quy ngưỡng kính lễ, đó là Trì giới.

Hoặc như lại thị hiện ra ánh hào quang uy linh, khiến cho mọi người xa gần cung đến chiêm bái, tâm có thể nhân đó mà được chuyển hóa, đó là Nhẫn nhục.

Chư Thiên, dân chúng thảy cùng biểu lộ sự vui mừng hết mực, đều biết đó là điều hết sức tôn quý làm điều kiện để phát tâm Bồđề, đó là Tinh tấn.

Hay như trông thấy Xá-lợi, cho là không còn có niềm vui nào hơn được, nhớ nghĩ về Phật đạo, không gì có thể chỉ bày khéo hơn điều ấy, đó là Nhất tâm.

Hoặc như hết lời ca ngợi Xá-lợi nên đạt được sự biện tài kỳ diệu, không hề gặp trở ngại để hội nhập vào biển trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại từ tốn nói với Bồ-tát Hỷ Vương:

–Tất cả đó là hai ngàn một trăm các pháp Độ vô cực, ngoài ra lại có chín mươi pháp Độ vô cực nhằm để tiêu trừ chín thứ phiền não trong đời, hóa độ chín mươi sáu thứ học thuyết ngoại đạo khiến họ trở về với đạo giải thoát.

Đức Phật bảo Bồ-tát Hỷ Vương:

–Đó là hai ngàn một trăm các pháp Độ vô cực, nêu giảng một cách thích hợp để giáo hóa các loại tham dâm. Hai ngàn một trăm các pháp Độ vô cực, được nêu giảng để giáo hóa các loài sân hận. Hai ngàn một trăm các pháp Độ vô cực, được nêu giảng để chỉ rõ nẻo giác ngộ cho hạng ngu si tăm tối. Hai ngàn một trăm các pháp Độ vô cực, được nêu giảng để chỉ dạy về sự bình đẳng đối với loại hay phân chia. Hợp lại là tám ngàn bốn trăm các pháp Độ vô cực, một pháp biến là mười hợp lại là tám vạn bốn ngàn các pháp Độ vô cực. Đức Phật là bậc Y vương, nêu giảng các pháp là vì chúng sinh, pháp ấy chính là thứ thuốc quý vô thượng đối với tất cả chúng sinh trong ba cõi, trị lành dứt ba độc cùng tiêu trừ bao thứ phiền não che chắc phủ vây, cũng như những kẻ phản nghịch, những người không biết tìm lại bản tính của mình, nhân được trông thấy sự giáo hóa dẫn dắt không ai là không được giải thoát, không ai là không phụng hành tám vạn bốn ngàn các pháp Độ vô cực ấy.

Như nhằm vì hàng trăm ngàn loại người dứt trừ tám vạn bốn ngàn các thứ phiền não cấu nhiễm, đạt được tám vạn bốn ngàn các pháp môn Tam-muội. Nếu như rốt cuộc chưa có thể thành tựu thì nên tu theo tám vạn bốn ngàn pháp nghĩa “Không hành”, dùng pháp ấy mà giáo hóa dẫn dắt cho trăm ngàn loại người, tiêu trừ tám vạn bốn ngàn các thứ phiền não cấu ue, được hội nhập vào tám vạn bốn ngàn các pháp môn Tam-muội. Đó chính là Phật đạo, là hội nhập vào thế giới thâm diệu vô bờ đạt đến Nhất thiết trí.

Đức Phật bảo Bồ-tát Hỷ Vương:

–Ta lúc an tọa nơi gốc cây Bồ-đề, đã dùng pháp ấy để hàng phục các thứ ma cùng đám tay chân của chúng, thành Bậc Giác Ngộ tối thượng, nhân thông tỏ pháp này mà tạo lập sự bình đẳng, Ở chỗ đất bằng, Ta ngồi kiết già tĩnh tọa, thể hiện uy thần lồng lộng kỳ diệu, khiến cho Phạm vương vội vàng thân hành đến nơi cung kính lễ bái, quy ngưỡng mong được thương xót. Vì lời thệ nguyện lớn lao từ ngày xa xưa là nhằm để cứu độ tất cả chúng sinh, nên hiện nay thảy đều tụ hội đông đảo cùng muốn được nghe kinh pháp. Phạm vương đã rơi nước mắt, dốc tâm khuyến thỉnh: “Xin vì sự tế độ đối với tất cả chúng sinh còn trong vòng mê lầm.” Đức Phật thành tựu quả vị như thế là Bậc Đại Thánh vi diệu, đạt được Chánh giác tối thượng, nên an tọa trong cảnh giới tịch nhiên. Luôn yên lặng tĩnh tọa tâm chỉ nghĩ: “Chúng sinh ở trong cõi đời xấu ác đầy năm thứ uế trược với chín mươi sáu nẻo ngoại đạo gồm trong sáu mươi hai thứ kien chấp, mê lầm, hung tợn, phần nhiều không biết tìm lại bản tính của mình, không muốn thọ nhận giáo pháp giác ngộ. Chẳng bằng yên lặng mà giữ lấy cảnh giới Niết-bàn tịch diệt.”

Thời gian Phật an tọa nơi gốc cây Bồ-đề hào quang rực rỡ tỏa chiếu khắp mười phương. Tịnh Cư Thân Thiên từ xa trông thấy hào quang với uy thần, dung mạo, công đức không gì là không rực rỡ. Đạo đức rạng ngời thể hiện đầy đủ mọi nẻo an lành. Chánh pháp ấy phải được truyền bá rộng rãi ở đời, vì thế chư Thiên đã tụ hội đông đảo thảy cùng bày tỏ nỗi vui mừng. Tạo lập được ánh sáng giác ngộ lớn lao, tĩnh lặng, chân chánh, thể hiện sự thông đạt của bậc Thánh là vô bờ bến. Anh hào quang chói lọi rực rỡ, oai đức hiển lộ khắp chốn, thanh tịnh không gì hơn, là bậc tối tôn của ba đời, ứng hiện khắp tất cả cõi Phật trong mười phương. Tâm ấy mở rộng, thấu triệt vang động cả tam thiên quốc độ. Đạo đức, trí tuệ rộng lớn cao xa, thật khó để được nghe thấy chiêm bái lãnh hội, siêu việt, vô tận, mọi danh xưng tôn hiệu đều không đủ để ca ngợi. Ai cũng trông thấy uy thần cùng hào quang kỳ diệu vô lượng ấy, cũng như dung nhan thể hiện sung mãn đức độ, trí tuệ bao la như hư không, thù thắng vượt qua mọi ví dụ.

Bấy giờ, Phạm vương trở lại tâu bày với Đức Phật, dáng khép nép, nhất tâm cung kính tự quy ngưỡng và đọc kệ:

Đạo tràng tỏa hào quang
Hàng ma trừ phiền não
Chấn động khắp Tam thiên
Diệt khổ nơi nẻo ác
Thân đoan chánh an tọa
Sừng sững như Tu-di
Sáng ngời bày cõi Phật
Muôn loài cùng đội ân.
Ngồi yên, các căn lặng
Sư tử đến an nhiên
Muốn chọn cõi tịch diệt
Bảo tọa ngời ánh sáng
Nơi Thọ vương uy hiển
Rộng bày đạo an vui
Trừ pháp chẳng ích đời
Diệt khổ ách ba đường
Xem dung nhan không chán
Tâm niệm dốc xót thương
Thẩm xét nên nghĩa quý
Cùng diễn pháp bình đẳng
Đạo chọn nghiệp ba đời
Tỏ ba phẩm các pháp
Thuận thời nên nẻo ý
Đạo hiện như trăng tròn
Ba mươi hai tướng tốt
Bậc Đại Thánh trên đời
Chẳng là đời cầu vui
Thần, Phạm thật khó sánh
Thấy rõ đời ba độc
Biết tục, dùng nước pháp
Rưới dứt bao lửa dữ
Ấy lúc mưa cam lồ
Xét tinh tấn không dứt
Mê lầm được đường chính
Mắt tỏ theo một lối
Lòng thương xót, chỉ bày
Đức như biển, núi cao
Vì đời đưa thuyền giác
Cứu độ kẻ đắm chìm
Giáo hóa đám tà học
Người tham buộc lấy thân
Tà kiến, ái dục hại
Ngục tù mãi giam giữ
Dẫn dắt chúng thoát khỏi
Dấy tà, ham ngủ nghỉ
Theo trần, đạo chẳng vui
Giới, định, nguyện dũng mãnh
Sao chẳng gióng trống pháp?
Kẻ đói thiếu, đọa đày
Năm đường đời mong cầu
Thường chẳng đạt vô tận
Sao lại không nên thờ?
Vô số người cùng tin
Chốn tịch thí cam lồ
Lòng thương mở mưa pháp
Giữ giác tỏa ân nhuần
Rõ bệnh tật ba đời
Tâm giũ sạch phiền não
Thông tỏ bao thuốc quý
Sao chẳng đem chữa trị?
Trừ tăm tối muôn loài
Đức lớn nên kho báu
Trí sáng chiếu đại thiên
Sao chẳng rạng cõi Phật?
Xin thương xót trời, người
Đọa nơi bốn dòng xiết
Sao chẳng cứu ách này
Giúp kẻ đọa thoát nạn?
Phật thấy mọi ý tưởng
Trời, người dốc thỉnh cầu
Tâm thành, mong an lạc
Sao chẳng hiện đạo báu?
Mắt Phật xem ba cõi
Phạm thiên khuyên, người trọng
Vì thương đám mê lầm
Chuyển pháp luân trừ dứt
Nơi bảo tòa Sư tử
Chư Thiên, người tụ họp
Mong tuôn cơn mưa pháp
Xin chuyển bánh xe pháp.