SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 17-18

Phẩm 19: NGHĨA THÂM DIỆU

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là tâm niệm trước đắc, hay tâm niệm sau đắc? Bạch Đức Thế Tôn! Nếu tâm niệm trước đắc, thì tâm niệm trước cùng với tâm niệm sau không hợp nhất. Còn nếu tâm niệm sau đắc, thì tâm niệm sau cùng với tâm niệm trước cũng không hợp nhất. Vậy làm sao Đại Bồ-tát có thể làm tăng trưởng các thiện căn?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Theo ý ông thì sao? Ví như thế gian đốt đèn thì ánh sáng trước tỏa sáng hay ánh sáng sau tỏa sáng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Không phải vậy, bạch Đức Thế Tôn! Chẳng phải ánh sáng trước tỏa sáng, cũng chẳng lìa ánh sáng trước. Chẳng phải ánh sáng sau tỏa sáng, cũng chẳng lìa ánh sáng sau.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Theo ý ông thì sao? Ngọn đèn ấy thật tỏa sáng chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Ngọn đèn ấy thật tỏa sáng.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng vậy! Đại Bồ-tát đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nghĩa cũng như vậy, chẳng phải tâm trước của Bồ-tát đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không lìa tâm trước. Chẳng phải tâm sau của Bồ-tát đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không lìa tâm sau. Lại chẳng phải tâm này đắc, chẳng phải tâm khác đắc, cũng chẳng phải không đắc, trong đó thiện căn không hoại mất.

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Như Thế Tôn đã nói: “Đại Bồ-tát đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chẳng phải tâm trước đắc, cũng không lìa tâm trước. Chẳng phải tâm sau đắc, cũng không lìa tâm sau. Lại chẳng phải tâm này này đắc, chẳng phải tâm khác đắc, cũng chẳng phải không đắc, thiện căn không hoại mất.” Đó là pháp duyên sinh sâu xa vi diệu tối thượng.

Phật bảo Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Ông nghĩ thế nào? Nếu tâm đã diệt thì tâm ấy có sinh lại không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Nếu tâm đã sinh là tướng diệt phải không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Là tướng diệt.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Pháp tướng diệt kia có thể diệt không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Tâm kia có pháp có thể sinh, có thể diệt không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không! Tâm không có pháp có thể sinh, cũng không có pháp có thể diệt.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Chính pháp tâm sinh và pháp tâm diệt, hai pháp này có thể diệt không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Tự tánh của tất cả pháp có thể sinh diệt không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ông cũng trụ như chỗ trụ của Như như chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Con cũng trụ như chỗ trụ của Như như.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Nếu ông cũng trụ như chỗ trụ của Như như thì đó là thường chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ý ông thì sao? Chân như là pháp sâu xa chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Phật bảo:

–Này Tu-bồ-đề! Chân như tức là tâm chăng? Tâm tức là chân như chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Chân như khác tâm chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ông có thấy chân như không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Nếu Đại Bồ-tát thực hành như vậy là sự thực hành thâm diệu chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Nếu thực hành như vậy là hành vô xứ sở. Vì sao? Vì Bồ-tát không hành tất cả hạnh như thế.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Nếu Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thì phải hành ở đâu?

Tu-bồ-đề thưa:

–Phải hành trong hạnh đệ nhất nghĩa.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ý ông thì sao? Đại Bồ-tát nếu hành trong hạnh đệ nhất nghĩa thì đó là Bồ-tát hành tướng phải không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ý ông thì sao? Bồ-tát hoại các tướng chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không! Bồ-tát không hoại các tướng.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Thế nào gọi là Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa mà không hoại các tướng?

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát nghĩ như vầy: “Ta tu hạnh Bồ-tát là đoạn các tướng, thì nên biết Bồ-tát ấy chưa đầy đủ các phần Phật pháp. Nếu Đại Bồ-tát có phương tiện thiện xảo, tâm không trụ tướng, tuy hiểu rõ các tướng ấy nhưng Bồ-tát vượt qua các tướng, không thủ vô tướng, thì đó là Bồ-tát không hoại các tướng.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi Tử nói với Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Nếu Đại Bồ-tát ở trong mộng tu ba môn giải thoát, đó là Không, Vô tướng, Vô nguyện thì có thể dùng thiện căn này làm lớn mạnh Bát-nhã ba-la-mật-đa không?

Tôn giả Tu-bồ-đề nói với Tôn giả Xá-lợi Tử:

–Đại Bồ-tát tu Bát-nhã ba-la-mật-đa tức là có tướng Bát-nhã ba-la-mật-đa, nên dù ở trong mộng cũng có thể làm lớn mạnh tướng ấy.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Nếu ngày đêm làm lớn mạnh thì trong mộng cũng lớn mạnh. Vì sao? Vì Đức Phật nói đêm ngày và trong mộng đều không khác.

Xá-lợi Tử hỏi:

–Nếu có người nam, người nữ tạo nghiệp thiện, ác ở trong mộng, thì người ấy có quả báo thiện, ác không?

Tu-bồ-đề đáp:

–Như Đức Thế Tôn nói: “Tất cả pháp như mộng” thì lẽ ra không có quả báo, nhưng nếu người trong mộng kia tỉnh rồi lại sinh tưởng về phân biệt thì sẽ có quả báo thiện, ác.

Xá-lợi Tử! Nếu người ở trong mộng tạo nghiệp sát sinh thì người ấy có mang tội sát sinh không?

Xá-lợi Tử nói với Tu-bồ-đề:

–Người ấy đã tỉnh mộng, lại sinh tưởng về phân biệt, nói như vầy: “Ở trong mộng ta chém giết thật khoái”, thì nên biết người ấy tùy theo sự giết hại trong mộng cũng mang tội sát sinh.

Tôn giả Xá-lợi Tử nói với Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Đức Thế Tôn nói… cho đến tất cả pháp cũng không nên phân biệt. Nếu khởi phân biệt thì sanh ra tưởng, tưởng từ phân biệt sanh ra mà tội, từ tâm tưởng hiện.

Tôn giả Tu-bồ-đề nói với Tôn giả Xá-lợi Tử:

–Nếu đoạn trừ tất cả phân biệt thì tâm như hư không. Do đó nên biết, có duyên thì có nghiệp, có duyên thì nhớ nghĩ phát sinh; không duyên thì không nghiệp, không duyên thì suy nghĩ không sinh. Nếu tâm hoạt động trong pháp thấy nghe hay biết mà có tâm chấp dơ chấp sạch thì có nhân duyên khởi nghiệp, chẳng phải không nhân duyên. Có nhân duyên, sự nhớ nghĩ phát sinh, chẳng phải không có nhân duyên.

Tôn giả Xá-lợi Tử nói với Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Đức Thế Tôn đã nói: Tất cả pháp lìa các sở duyên thì tại sao nay Thầy nói có nhân duyên sự nhớ nghĩ phát sinh, chẳng phải không có nhân duyên?

Tu-bồ-đề nói:

–Vì Phật nói lìa tướng sở tác, nên tôi nói có nhân duyên sự nhớ nghĩ phát sinh, chẳng phải không có nhân duyên. Này Xá-lợi Tử! Các pháp nhân duyên lìa tướng, tướng đó cũng lìa. Như vậy, vô minh duyên hành, hành duyên thức… cho đến sinh duyên lão tử… Các pháp nhân duyên thảy đều lìa tướng, thế nên Phật nói: “Tất cả pháp lìa các sở duyên.”

Xá-lợi Tử nói với Tu-bồ-đề:

–Nếu ở trong mộng Bồ-tát thực hành bố thí, đem công đức ấy hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì đó là sự hồi hướng phải không?

Tu-bồ-đề nói với Xá-lợi Tử:

–Nay trong hội này, Bồ-tát Từ Thị được Như Lai thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đã biết nghĩa đó và chứng pháp đó. Tôn giả đem nghĩa ấy mà thưa hỏi.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi Tử bạch với Bồ-tát Từ Thị:

–Như pháp mà con đã hỏi Tu-bồ-đề, Tôn giả ấy nói: “Bồ-tát Từ Thị biết nghĩa ấy”, bảo con đến hỏi. Xin Bồ-tát hãy giảng cho con nghe.

Khi ấy, Đại Bồ-tát Từ Thị bảo Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Điều mà Xá-lợi Tử hỏi như lời ông nói, tôi biết nghĩa ấy. Nay tôi không biết đem pháp gì để đáp. Này Tu-bồ-đề! Không thể lấy tên Từ Thị để đáp, không thể dùng cái không của sắc để đáp, không thể dùng cái không của thọ, tưởng, hành, thức để đáp. Tu-bồ-đề! Trong cái không của sắc, thọ, tưởng, hành, thức kia đều không có chỗ đáp. Tu-bồ-đề! Tôi không thấy có pháp năng đáp và người năng đáp, cũng không thấy có pháp sở đáp và người được đáp… cho đến pháp dùng để đáp, đều không thể thấy, cho đến tất cả pháp đều không thể thấy. Vì pháp không thể thấy nên không thể đáp, cũng không có pháp có thể được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi Tử thưa với Bồ-tát Từ Thị:

–Như lời Bồ-tát nói thì đó là pháp ngài chứng chăng?

Bồ-tát Từ Thị đáp:

–Xá-lợi Tử! Tôi không chứng pháp ấy, ở trong các pháp tôi không thấy có pháp có thể chứng đắc, không thể dùng thân chứng đắc, không thể dùng tâm chứng đắc, cũng chẳng phải ngôn ngữ, tư duy, phân biệt mà có thể chứng đắc, ở trong nghĩa ấy hoàn toàn không thể đắc. Vì thế, này Xá-lợi Tử! Tất cả pháp không tánh, tự tánh của pháp là như vậy.

*********

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi Tử suy nghĩ: “Đại Bồ-tát Từ Thị đã đạt được trí tuệ sâu xa, từ những tháng ngày chuyên cần hành trì Bátnhã ba-la-mật-đa.”

Biết được tâm niệm ấy, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả:

–Vì sao ông có ý niệm này? Ở ngay trong pháp này, ông thấy có pháp chứng được quả vị A-la-hán chăng?

Xá-lợi Tử thưa:

–Không có pháp để thấy, cũng không có sự chứng đắc.

Phật bảo Xá-lợi Tử:

–Đại Bồ-tát cũng vậy, tuy hành Bát-nhã ba-la-mật-đa nhưng không có pháp được thọ ký và không có pháp đắc quả vị Vô thượng Bồ-đề, vì thế không nên chấp lấy tướng sâu xa của pháp. Khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy, các lực đầy đủ, Đại Bồ-tát không khiếp sợ, nên nghĩ như vầy: Đối với các pháp ta không có sự chứng đắc, nhưng vẫn tu tập tương ưng với chân lý. Người nào thực hành như vậy là thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát nếu gặp ác thú thì không sợ hãi. Vì Bồ-tát có thể xả tất cả, làm lợi ích khắp quần sinh. Lúc ấy Bồ-tát nghĩ: Nếu thú dữ muốn ăn nuốt ta, ta sẽ ban cho và cầu mong cho ta được viên mãn Bố thí ba-la-mật-đa, gần với quả vị Vô thượng Bồ-đề. Vị ấy luôn tinh tấn như vậy khi đắc quả vị Vô thượng Bồ-đề thì cõi Phật thanh tịnh, trong nước không có các loài thú dữ, độc trùng, bò trâu, gia súc… tất cả chúng sinh không có ăn nuốt lẫn nhau.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát nếu gặp nạn giặc cướp thì không sinh sợ hãi. Vì Bồ-tát có thể xả tất cả tài sản cho đến thân mạng không chút hối tiếc. Lúc ấy Bồ-tát nghĩ: “Những giặc cướp đến cướp tất cả tài sản, theo sở thích của họ ta đều ban cho, thậm chí họ cướp mạng sống ta cũng không sân hận, oán hờn, không tạo nghiệp về thân, miệng, ý, ba nghiệp thanh tịnh. Cầu mong cho ta được viên mãn Trì giới ba-la-mật và Nhẫn nhục ba-la-mật gần với quả vị Vô thượng Bồ-đề. Luôn tinh tấn như vậy, vị ấy sẽ thành tựu quả vị Vô thượng Bồ-đề, cõi Phật thanh tịnh, trong nước không có giặc cướp và người ác, các chúng sinh không cướp đọat lẫn nhau.”

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát nếu gặp hạn hán thì không sinh sợ hãi. Vì Bồ-tát khéo nói pháp trừ khát cho chúng sinh. Lúc ấy Bồtát nghĩ: Ta nên tuyên thuyết yếu chỉ của pháp cho chúng sinh, làm cho họ đoạn trừ khát ái, tâm thanh tịnh. Giả sử chính thân ta bị khát bứt ngặt cho đến chết, sinh về thế giới khác. Với tất cả chúng sinh ở đó ta có lòng đại Bi nghĩ thế này: “Những chúng sinh bạt phước sinh đến nơi này chịu nạn không có nước.” Khi ấy, ta thuyết pháp trừ khát cho họ. Luôn bền chí thực hành tinh tấn như thế để cầu mong cho ta được viên mãn Tinh tấn ba-la-mật, được gần với quả vị Vô thượng Bồ-đề.

Bồ-tát chuyên cần tinh tấn như vậy, khi thành tựu quả vị Vô thượng Bồ-đề, thì cõi Phật thanh tịnh, trong nước không có chúng sinh bị khát. Mọi người ở đây đầy đủ phước đức, nên tự nhiên đầy đủ loại nước tám công đức vừa ý.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát nếu gặp nạn đói kém thì không sinh sợ hãi. Vì Bồ-tát mặc áo giáp tinh tấn, thân tâm thanh tịnh. Lúc ấy Bồ-tát nghĩ: “Nay chúng sinh này chịu khổ đói kém thật đáng thương, cầu mong cho ta được viên mãn Thiền định ba-la-mật và được gần với quả vị Vô thượng Bồ-đề.” Bồ-tát luôn thực hành tinh tấn như vậy, khi thành tựu quả vị Vô thượng Bồ-đề, thì cõi Phật thanh tịnh, trong nước không có chúng sinh đói khổ, tất cả đều được vừa ý theo nhu cầu, giống như cõi trời Tam thập tam tự do an lạc, các thứ cần dùng tùy tâm mà hiện. Ta nguyện đời sau chúng sinh cõi ấy, cũng được thành tựu sự vui sướng như vậy, trong tất cả thời thân tâm đều thanh tịnh, đời sống thánh thiện vững chắc không có tà mạng, tâm luôn tịch tĩnh.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát nếu gặp nạn ôn dịch thì không sinh sợ hãi. Vì Bồ-tát có thể tư duy quán chiếu, trong đây không có pháp bệnh. Lúc ấy Bồ-tát nghĩ: “Nay chúng sinh này chịu khổ về bệnh rất đáng thương, cầu mong cho ta được viên mãn Bát-nhã bala-mật-đa và được gần với quả vị Vô thượng Bồ-đề. Chuyên cần tinh tấn như vậy, khi vị ấy thành tựu quả vị Vô thượng Bồ-đề, thì cõi Phật thanh tịnh, chúng sinh trong nước không có các bệnh khổ.”

Xá-lợi Tử! Nếu Đại Bồ-tát có thể chuyên cần tu các hạnh như vậy thì sẽ được thành tựu quả vị Vô thượng Bồ-đề.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát đối với quả vị Vô thượng Bồ-đề không nên cho rằng tu tập lâu dài mới được thành tựu, mà ở đó không nên sợ hãi. Vì sao? Vì thế giới đời trước tức là thế giới xa xôi về trước. Nếu tâm Bồ-tát tương ưng từng sát-na thì tuy dài lâu mà không cho là bao. Thế nên Đại Bồ-tát không nên cho rằng khó khăn, cũng không nghĩ rằng lâu dài mà thoái chuyển.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát đối với các pháp này hay pháp khác nếu thấy, hay nghe đều không nên khiếp sợ, các Đại Bồ-tát ấy phải nên bền vững thực hành tinh tấn, học và hành theo pháp đã dạy, thì được viên mãn Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Khi ấy, trong chúng hội có một người nữ tên là Ngang Nga Liệp Phược rời tòa đứng dậy sửa áo bày vai bên phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính đảnh lễ Phật, rồi thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đối với pháp đã nghe con không sợ hãi, vào đời sau con cũng sẽ nói cho tất cả chúng sinh pháp như vậy. Nói xong cô liền lấy hoa vàng tung lên cúng dường Phật, do thần lực của Phật làm cho hoa ấy trụ trong hư không.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn phóng ánh sáng vàng thanh tịnh vi diệu, khắp vô lượng, vô biên quốc độ cho đến cõi Phạm thiên. Ánh sáng ấy quay về nhiễu quanh Phật ba vòng rồi vào đảnh Ngài.

Lúc ấy, Tôn giả A-nan rời tòa đứng dậy sửa áo bày vai bên phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Vì nhân duyên gì Ngài phóng ánh sáng này, các Đức Phật, Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác không bao giờ phóng ánh sáng vô cớ.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Cô gái Ngang-nga-liệp-phược đây khi mãn báo thân sẽ sinh làm thân trai nơi thế giới Diệu lạc thuộc cõi Phật A-súc, bên Đức Như Lai ấy, cung kính cúng dường, tu hành phạm hạnh. Sau đó lại sinh sang cõi Phật khác. Cứ như thế từ cõi Phật này đến cõi Phật kia, đời đời không rời các Đức Phật luôn được gần gũi chiêm ngưỡng lễ bái cúng dường. Ví như Chuyển luân vương tôn quý, tự tại từ cung điện này đến cung điện kia suốt đời chân không chạm đất. Cô gái này cũng vậy, từ cõi Phật này đến cõi Phật kia, luôn gần gũi các Đức Phật, cho đến đời sau trong kiếp Tinh tú cô sẽ thành Phật xuất hiện ở đời hiệu là Kim Hoa Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan suy nghĩ: “Khi cô gái này thành Phật, chúng hội và các Bồ-tát trong cõi ấy có giống như chúng hội của chư

Phật không?”

Đức Phật liền hiểu rõ tâm niệm của A-nan, Ngài bảo Tôn giả:

–Ông nên biết, cô gái Ngang-nga-liệp-phược này thành Phật rồi số chúng hội Thanh văn và Bồ-tát rất nhiều, vô lượng, vô biên không thể tính hết giống như chúng hội của các Đức Phật vậy.

Lại nữa, A-nan! Chúng sinh trong cõi Phật kia an ổn, diệu lạc, không có các nạn đói kém, các bệnh hiểm nghèo, trộm cướp, thú dữ và hạn hán, trong các thời đều an ổn. A-nan! Đó là công đức thành tựu khi Đức Kim Hoa Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác thành tựu Vô thượng Bồ-đề.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Cô gái Ngang-nga-liệp-phược này buổi đầu phát tâm Bồ-đề và trồng căn lành với Đức Phật nào?

Đức Phật nói:

–A-nan! Cô gái Ngang-nga-liệp-phược này lần đầu tiên phát

tâm Bồ-đề với Đức Phật Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác. Khi ấy bên Đức Phật Nhiên Đăng Như Lai, ta cầm năm hoa sen xanh cúng dường Phật. Thời điểm đó ta chứng được pháp Nhẫn vô sinh, thiện căn thuần thục, được Đức Phật thọ ký đạo Vô thượng Bồ-đề rằng: Thiện nam! Vào đời sau ông sẽ thành Phật hiệu Thích-ca Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

A-nan! Thời ấy, ở trong chúng hội của Đức Phật kia, nghe Ngài thọ ký cho ta đạo Vô thượng Bồ-đề, cô gái này cũng đem hoa vàng cúng dường Phật. Cúng dường hoa rồi cô tự nghĩ: “Thích thay, nay người thiện nam này được thọ ký, nguyện đời sau khi ta được thọ ký

cũng giống như người này.” A-nan nên biết cô Ngang-nga-liệpphược này phát tâm Bồ-đề đã lâu lắm rồi.” A-nan bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Lành thay, lành thay! Vậy thì cô gái này đã tu tập hạnh Vô thượng Bồ-đề từ lâu.

Đức Phật nói:

–A-nan! Đúng như vậy đó. Vì cô gái này đã tu tập hạnh Vô thượng Bồ-đề từ lâu, thế nên hôm nay ta thọ ký đạo Vô thượng Bồđề cho cô ấy.