SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 19

Phẩm 19: HOA

Ai chọn được đất

Bỏ gương lấy trời

Chỉ nói Pháp cú

Như lựa hoa đẹp?

Như Lai nói bài kệ này nhằm gây thắc mắc, nhưng không ai có khả năng hỏi han, cho nên Đức Phật lại nói: Ai chọn được đất, bỏ gương lấy trời, chỉ nói Pháp cú, như chọn hoa đẹp? Đức Phật dùng bài kệ trả lời:

Người học chọn đất

Bỏ gương lấy trời

Khéo nói Pháp cú

Hái được hoa đức.

Người học có khả năng lựa chọn đất: Chỉ cho bậc A-la-hán hướng. Thế nào gọi là đất? Đất chỉ cho hạt giống ái dục. Người học có lòng tin chọn lựa đất tốt, nhổ bỏ gốc rễ ái dục và tự đạt được đạo quả, cho nên nói: Người học chọn đất.

Bỏ gương lấy trời: Người học đạo, tu hành từ thế gian này, trên đến các trời phải tìm gốc ái mà nhổ hẳn nó, không cho dư sót.

Trời, quỷ thần, tám bộ tướng quân, hễ ai còn gốc ái thì đều nhổ bỏ hết, cho nên nói: Bỏ gương sinh lên cõi trời.

Khéo nói Pháp cú, hái được hoa công đức: Cú thân, vị than phân biệt nghĩa lý, mổ xẻ từng phần bằng trí vô ngại. Cởi mở hết các trói buộc, như người học hái các hoa đẹp để làm tràng hoa trang điểm, đem bán thì được nhiều tiền, ngắm mãi không chán.

Người khéo nói pháp cú cũng vậy, là giảng rộng chỗ sâu kín, chọn lấy những điều nhiệm mầu, cho nên nói: Khéo nói Pháp cú.

———————

Phá rừng chớ đốn cây

Trong rừng lắm ghê sợ

Phá rừng tên rừng mất

Không rừng gọi Tỳ-kheo.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Lúc ấy Đức Phật đang nói pháp cho vô số chúng đang vây quanh trước sau để nghe, thì có một người, lòng tin vững chắc, bỏ vợ con, gia nghiệp và bà con họ hàng, đi xuất gia học đạo, cầu làm Sa-môn. Lúc ấy, ở trước đại chúng, vị này nhớ lại những thú vui năm thứ dục lạc ngày xưa, những bóng hình gái đẹp như chờn vờn trước mặt. Bộ phận sinh dục nổi dậy, trong tâm rất xấu hổ, thầy liền đến nơi vắng vẻ dùng dao chặt bỏ bộ phận sinh dục, máu chảy dầm dề, thầy ngất xỉu, không tự hay biết.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo đại chúng:

–Các thầy hãy xem người si mê kia, những điều cần gom lấy thì không gom lấy, cái không cần phải chặt bỏ lại đi chặt bỏ. Ai muốn chặt bỏ thì phải chặt bỏ các phược kết sử, chứ sao lại chặt bỏ bộ phận sinh dục?

Do vậy, Như Lai liền nói ba bài kệ sau:

Phá rừng chớ đốn cây

Trong rừng lắm ghê sợ

Khoảng rừng chưa phá

Cột trói lắm người.

Phá rừng chớ đốn cây

Trong rừng lắm ghê sợ

Tâm cột chưa mở

Như nghé bám mẹ.

Khoảng rừng chưa phá, cột trói lắm người: Chưa dứt bỏ hết kết sử trói buộc, các ý nghĩ vọng tưởng rong ruổi, không thể chuyên nhất, cho nên nói: Khoảng rừng chưa phá, trói cột nhiều người.

Tâm cột chưa mở: Như người tu khổ hạnh thường ưa thích chốn núi rừng. Vì sao? Vì nhờ nơi non vắng ấy mà thành đạo, cho nên nói: Tâm cột chưa mở.

Như nghé bám mẹ: Như con nghé mới đẻ, không khi nào rời xa mẹ, các loài chúng sinh này cũng lại như vậy, các kết sử chưa dứt hết thì mọi nghi ngờ vẫn đeo đuổi, cho nên nói: Như nghé bám mẹ.

——————

Phải dứt quyến luyến

Như hoa ao thu

Dứt dấu thọ giáo

Phật nói Niết-bàn.

Phải dứt quyến luyến, như hoa sen trong ao thu: Ái dục đã nhuốm vào tâm thần thì sinh bệnh không tìm được đầu mối, giống như màu hoa sen vừa tươi vừa đẹp, ai trông thấy đều yêu thích. Khi thu sang hoa héo, lòng người xa lánh, không ai còn ham thích nữa, cho nên nói: Phải dứt quyến luyến, như hoa sen mùa thu.

Dứt dấu, thọ giáo: Dứt dấu chỉ cho bậc Hiền thánh, lãnh thọ sự răn dạy chân chính, từ đầu không có gì sai trái, nên pháp lành ngày càng thêm nhiều, pháp ác ngày càng giảm ít. Vì sao? Vì Đức Phật nói Niết-bàn an vui. Trong Niết-bàn, không có khổ não, không có các hoạn nạn bức não thân, cho nên nói: Phật nói Niếtbàn an vui.

——————–

Như hoa đẹp vừa ý

Sắc đẹp hương tinh khiết

Người nói khéo như thế

Chắc chắn được quả báo.

Bấy giờ, bởi xót thương chúng sinh nên Đức Phật giảng nói pháp này, âm thanh trong suốt, lời không sợ sệt, giảng nói pháp thượng, trung, hạ đều lành cho chúng sinh nghe, nghĩa vị đầy đủ, tịnh tu phạm hạnh, nghĩa lý sâu xa, người trí phân biệt, đã thực hành chuyên chánh, dạy người cũng thế, đều thuận chánh pháp, không trái nghĩa lý. Đức Thế Tôn nói được đầy đủ quả báo, cho nên nói: Như hoa đẹp vừa ý, sắc đẹp hương tinh khiết, người nói khéo như thế, chắc chắn được quả báo.

——————-

Như ong hút hoa

Không hại hương sắc

Chỉ lấy vị thôi

Khất thực cũng thế.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ này cho các Tỳ-kheo tu hạnh khất thực nghe. Người khất thực nhìn xem người đối diện mặt mày hiền hay dữ, đẹp hay xấu. Thấy ai xinh đẹp thì nhìn chăm chăm không rời, thấy ai xấu thì không thèm nhìn. Nghe gì thơm thì mũi ngửi hoài, nghe mùi hôi thối thì bỏ đi. Cứ nhớ sắc đẹp, hương thơm kia, cho đến đã trở về phòng mà đêm ngày vẫn còn mơ tưởng.

Quán thấy tâm các Tỳ-kheo như vậy, nên Ngài bảo các Tỳkheo:

–Vì sao các thầy không làm như ong hút mật hoa, nó chỉ hút vị ngọt rồi bay đi, không làm hại hương sắc. Các thầy nên biết: Mùi thơm, mùi hôi, hoặc hiền, hoặc dữ, hoặc đẹp, hoặc xấu, có ích lợi gì đâu. Nhà lớn, nhà nhỏ, giàu có hay nghèo nàn, tâm các thầy như thế thì thân người này, phụ rẫy người kia, vì sao không làm giống như người có lòng nhân đã làm?

Cho nên nói: Như ong hút mật hoa, không làm hại hương sắc, chỉ lấy vị rồi đi, người có lòng nhân vào xóm khất thực cũng như vậy. Làm nhiều hoa báu kết thành ngọc Diêu kỳ, như đệ tử của thợ kết tràng hoa giỏi, thường gom nhóm nhiều loại hoa làm tràng hoa đem bán để kiếm sống. Các Tỳ-kheo thấy họ làm như vậy liền tự làm tràng hoa chưa từng có. Đức Thế Tôn bảo các thầy đều hãy làm tràng hoa, chính lúc các thầy làm như vậy thì các thầy đã tạo ra vô số công hạnh cho nên mới được than người này. Thế thì sao không làm việc phước đức, tự tu tập bố thí, suy nghĩ về những điều răn dạy, tinh tấn trì giới, giữ gìn phạm hạnh. Cho nên nói: Làm nhiều hoa báu kết thành ngọc Diêu kỳ, chứa nhóm phước đức thì đời sống trở thành tốt đẹp.

——————-

Ngu tụng ngàn chương

Không hiểu một câu

Trí hiểu một câu

Thì hiểu trăm nghĩa.

Ngu tụng ngàn chương, không hiểu một câu: Người ngu không có trí, không có sự hành trì, không có cái thấy đúng, không có mắt, không tu học rộng, họ chỉ có chút hiểu biết cạn cợt, chỉ tham ăn, nên cả ngàn câu không hiểu được câu nào, cho nên nói:

Ngu tụng ngàn chương, không hiểu một câu.

Trí hiểu một câu, thì hiểu trăm nghĩa: Người trí có mắt, có cái thấy đúng, có khả năng suy nghĩ tinh tế, hiểu nghĩa gốc và tất cả nghĩa xung quanh, biết rõ pháp này phải như thế, không nên như thế, cho nên nói: Trí hiểu một câu, thì hiểu trăm nghĩa.

——————–

Như hoa khi trời mưa

Chồi nụ mới phô bày

Dâm, nộ, si cũng vậy

Tỳ-kheo được giải thoát.

Như hoa khi trời mưa, chồi nụ mới phô bày: Như khi trời mưa, thì hoa cõi trời nở ra cũng không giảm, lá hoa rụng xuống, mầm mọc thêm tốt, cho nên nói: Như hoa khi trời mưa, chồi nụ mới phô bày.

Dâm, nộ, si cũng vậy, Tỳ-kheo được giải thoát: Các Tỳ-kheo không phải vì sợ vua mà làm Đạo nhân, không phải vì sợ bọn cướp bóc mà làm Đạo nhân, không phải vì sợ thiếu nợ mà làm Đạo nhân, không phải vì sợ bệnh tật mà làm Đạo nhân, không phải vì sợ làm việc nặng nhọc mà làm Đạo nhân. Các thầy làm Đạo nhân là bởi chán ngán nỗi khổ thế gian mà làm Đạo nhân, muốn thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết mà làm Đạo nhân, có phải vậy không?

Các Tỳ-kheo đáp:

–Bạch Đức Thế Tôn, đúng vậy.

–Vì sao các thầy không suy nghĩ dứt bỏ dâm, nộ, si? Dứt bỏ kết sử, không sống với nó. Phải khạc nhổ chúng ra, diệt trừ chúng để được kết quả. Được kết quả hai nghiệp là gì? Là tự vì mình và vì người khác. Tự vì mình là dùng pháp lành xông ướp thân mình, vì người khác là như thọ nhận của tín thí về y phục, thức ăn uống, đồ nằm, thuốc men, chữa bệnh, khiến tín thí không tổn giảm mà được phước. Cho nên nói: Dâm, nộ, si cũng vậy, Tỳ-kheo được giải thoát.

——————-

Như đào cái ao

Ở gần đường cái

Trong ao mọc sen

Thơm tho vừa ý.

Như đào cái ao, ở gần đường cái: Ao là nơi các thứ dơ bẩn đều đổ xuống đó, người ta thấy chán ngán, chẳng dám đến gần. Ai đi ngang qua cũng đều né tránh, không thèm nhìn, cho nên nói:

Như đào cái ao, ở gần đường cái.

Trong ao mọc sen, thơm tho vừa ý: Màu sắc đầy đủ, mùi thơm đầy đủ, mọi người trông thấy đều ưa thích, vừa lòng, không màng đến nó xuất xứ ở đâu, chỉ ngắm nghía đóa hoa ấy. Tại sao đất nhơ bẩn như vậy lại mọc lên đóa hoa đẹp như vậy? Thật là lạ lùng, trên đời ít có, cho nên nói: Trong ao mọc sen, thơm tho vừa ý.

——————-

Sinh tử như vậy

Phàm phu trong đó

Người trí ra khỏi

Là đệ tử Phật.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc bấy giờ, trong sáu thời của một ngày một đêm, Đức Thế Tôn quán sát thấy có nhiều chúng sinh đã được Phật độ, nhưng rơi trở lại cuộc sống phàm phu, đối với Phật pháp có thiếu sót lớn. Đức Phật dùng Thiên nhãn nhìn thấy trong thành Xá vệ, có một anh nọ thuộc dòng Chiên-đà-la, sống bằng nghề đổ phân. Đến giờ, Đức Thế Tôn đắp y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Theo thứ lớp, Ngài đến nhà anh Chiên-đà-la nọ. Lúc ấy anh đổ phân từ xa nhìn thấy Đức Phật đến trong lòng hổ thẹn, bèn né tránh Phật mà bước qua con hẻm khác. Bỗng nhiên Như Lai đi ngược lại phía anh. Anh này thầm nghĩ: “Ta gánh phân hôi thối, dơ bẩn, bây giờ làm saodám gặp Đức Thế Tôn?” Anh ta lại muốn tránh Phật bằng cách chạy đến bên đầm nước, going đứt, thùng phân bể, phân hôi thối dơ bẩn đổ tràn ra đất. Sợ chủ đất nổi giận nên anh này định bỏ chạy thì từ phía xa, anh nghe Đức Phật gọi:

–Hôm nay Ta đến đây vì ngươi, sao ngươi chạy đi đâu?

Anh kia trả lời:

–Mình mẩy con dơ bẩn hôi thối, không dám đến gần Thế Tôn, nên con định bỏ chạy. Xin Đức Thế Tôn hiểu cho là con sớm mất cha mẹ, bà con họ hàng thất lạc, không vợ không con, cô đơn cùng khổ, phải làm việc đổ phân sống qua ngày. Chẳng hay Đức Thế Tôn vì sao lại dạy bảo con, Ngài lại có lòng thương xót mà nói

chuyện với kẻ tội lỗi này.

Đức Thế Tôn bảo:

–Con hãy theo Ta, Ta muốn độ cho con làm Sa-môn.

Anh thưa với Đức Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, kẻ sống trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh mà cũng được xuất gia sao?

Đức Thế Tôn bảo anh:

–Từ vô số kiếp đến nay, Ta tu vô số công hạnh là cầu được thành Phật, chính là vì những người tội lỗi.

Nói xong, Đức Thế Tôn dùng năng lực thần thông nắm lấy tay anh này, bay lên hư không, đưa anh đến bên bờ sông Hằng tắm gội, thân thể được sạch sẽ. Đức Phật lại dùng năng lực thần thông đưa anh ta về tinh xá Kỳ hoàn, dạy các Tỳ-kheo độ cho anh này làm Sa-môn. Các Tỳ-kheo vâng lời độ cho anh này làm Sa-môn.

Sau khi xuất gia, thầy Tỳ-kheo này thầm nghĩ: “Ta xuất thân từ giai cấp thấp hèn, may nhờ chút phước mà được nếm mùi đạo.

Giờ đây, ta không thể tự cầu thì phải cầu học nơi người có đạo, nếu không thì sau này sẽ rơi vào đời sống hèn mọn còn tệ hơn bây giờ.” Nghĩ vậy, nên thầy tự cố gắng tinh tấn mỗi ngày một tiến.

Chưa đầy mười ngày thầy đã chứng quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán đầy đủ sáu thứ thần thông, xuất hiện hay biến mất một cách tự tại. Thầy đến chỗ tảng đá vuông thật to, ngồi chính giữa tảng đá vá y cũ.

Lúc bấy giờ vua Ba-tư-nặc nghe Đức Phật độ người đổ phân dòng Chiên-đà-la liền suy nghĩ: “Đức Phật xuất thân từ dòng họ Thích giàu sang danh giá, các đệ tử Ngài đều xuất thân từ bốn giai cấp: giai cấp Trưởng giả, giai cấp Bà-la-môn, giai cấp Sát-đế-lợi.

Những vị này vào cung thọ nhận cúng dường, ta gieo năm vóc sát đất lễ dưới chân các vị ấy. Nay nghe tin Như Lai độ cho giai cấp Chiên-đà-la làm Sa-môn, làm sao ta cúi đầu kính lạy họ cho được. Vậy ta phải đến trách cứ Như Lai.” Nghĩ xong, vua tự sửa soạn xa giá đến chỗ Như Lai. Khi sắp đến nơi thì nhà vua trông thấy một thầy Tỳ-kheo đang ngồi trên tảng đá vuông, vá y cũ, có năm trăm vị trời cõi Tịnh cư vây quanh kính lễ. Vua đi thẳng đến chỗ thầy Tỳ-kheo hỏi:

–Phiền thầy, xin nhờ thầy đến thưa với Đức Thế Tôn là có vua Ba-tư-nặc đang ở ngoài này, mong được gặp Thế Tôn.

Nghe lời ấy, thầy Tỳ-kheo liền đi xuyên qua tảng đá và xuất hiện trong đất tịnh xá của Như Lai, bước đến bạch Phật:

–Vua Ba-tư-nặc hiện đang ở ngoài muốn yết kiến Thế Tôn.

Đức Phật bảo:

–Bây giờ, thầy hãy ẩn vào đất ở đây và xuất hiện trên tảng đá kia, báo nhà vua rằng: “Nên biết đã đúng lúc”.

Vị Tỳ-kheo liền y lời Đức Phật dạy, xuất hiện trên tảng đá, bảo nhà vua:

–Đức Như Lai có dạy: “Đại vương nên biết đã đúng lúc”.

Vua Ba-tư-nặc lại nghĩ: “Sở dĩ ta đến đây, là muốn hỏi về người đổ phân kia, bây giờ ta bỏ điều định hỏi ấy. Tại sao thầy Tỳ-kheo này lại có thể đi vào trong tảng đá cứng như vậy, xuất hiện và biến mất một cách tự tại. Ta phải hỏi xem thầy Tỳ-kheo này là ai mới được.” Lúc bấy giờ, vua Ba-tư-nặc liền cởi bỏ đồ trang sức và đi đến chỗ Phật, trán lạy sát chân Ngài, rồi ngồi sang một bên.

Giây lát, vua đứng dậy đến trước Phật, bạch:

–Thầy Tỳ-kheo khi nãy là ai? Sao Tỳ-kheo ấy có năng lực thần thông qua lại trong tảng đá không hề trở ngại như thế?

Đức Phật bảo vua:

–Đó chính là người đổ phân, giờ đây người ấy có năng lực thần thông như vậy.

Bấy giờ, do nhân duyên này, Đức Thế Tôn liền nói hai câu kệ:

Như cái ao ở chỗ đất xấu dơ bẩn

Trong ao mọc lên một bông sen thơm ngát.

–Thế nào đại vương, là người có mắt, có hái đóa hoa ấy chăng?

Nhà vua bạch Phật:

–Vâng, bạch Đức Thế Tôn, đóa hoa hết sức thơm ngát sẽ hái để trang sức, vật dơ bẩn kia phải coi như bào thai mẹ, trong bào thai ấy, sản sinh ra hoa công đức.

Lúc ấy vua Ba-tư-nặc chắp tay, bước đến bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, đúng như vậy, Tỳ-kheo ấy chóng được lợi ích tốt đẹp, bởi nhờ ân Phật dạy mà được xuất gia, đã được xuất gia lại được thần túc biến hóa không thể suy nghĩ, bàn luận. Từ nay trở đi, cho đến suốt đời, con thỉnh thầy Tỳ-kheo này cúng dường bốn thứ vật dụng, không để thiếu thốn.

Cho nên nói: Người có trí tuệ ưa thích xuất gia làm đệ tử Phật.

———————–

Như người hái bông

Chuyên ý không rơi

Ngủ thôn nước cuốn

Bị chết kéo lôi.

Như người hái bông chuyên chú không để rơi mất: Thuở xưa, có rất nhiều người hái bông ở ngoài đồng, những người biết bong đẹp họ tranh nhau hái bông đẹp, cho nên nói: Như người hái bông, chuyến chú không để rơi mất.

Ngủ trong thôn nước cuốn, bị chết kéo lôi: Lúc ấy, những người đi hái bông, trở về nhà mệt mỏi ngủ say không hay nên bị nước lũ nhận chìm chết hết, cho nên nói: Ngủ trong thôn nước cuốn, bị chết kéo lôi.

——————

Như người hái bông

Chuyên ý không rơi

Ý muốn không thỏa

Cùng khổ khốn đốn.

Như người hái bông, chuyên ý không để rơi mất: Lúc ấy mọi người đi hái bông đẹp, tranh nhau đi khắp nơi hái bông đẹp. Phải hái các hoa thật thơm để mừng lễ hội, cho nên nói: Như người hái bông, chuyên ý không để rơi mất.

Ý muốn không thỏa mãn, cùng khổ khốn đốn: Hái bông là

muốn tha hồ vui chơi với năm thứ dục lạc, không ai biết sự biến đổi về sau bởi không quán sát như thế. Khi sự biến đổi xảy ra thì ngày chết đã đến. Chừng đó mới biết là khốn đốn, cho nên nói: Ý muốn không thỏa mãn, cùng khổ khốn đốn.

——————-

Như người hái bông

Chuyên ý không rơi

Chưa được tài nghiệp

Bị khổ khốn đốn.

Như người hái bông, chuyên ý không để rơi mất: Lúc ấy, dân chúng nghèo khổ, thiếu thốn, phải hái bông đem bán để kiếm sống, cho nên nói: Như người hái bông, chuyên ý không để rơi mất.

Chưa được tài nghiệp, bị khổ khốn đốn: Người siêng nănglàm việc kiếm tiền, nhưng ước mong chưa thỏa, hy vọng chưa đầy, liền bị nghèo khổ ép ngặt. Rồi bỏ thân này, lại thọ thân sau. Ấy là do không chịu suy nghĩ cho nên cứ bỏ thân này thọ thân khác, cho nên nói: Chưa được tài nghiệp, bị khổ khốn đốn.

———————

Quán thân đồ nung

Ngựa ảo giữa đồng

Đoạn ma tràng hoa

Không thấy thần chết.

Quán thân như đồ nung: Các món đồ nặn ra dễ vỡ, nếu bê đi mà không chú ý thì dễ bị vỡ, là pháp bị mài mòn tiêu diệt, không thể nương cậy được, đều đi đến chỗ tan biến. Dần dần chứa nhóm mà trở thành gò đống. Thân bốn đại này cũng như vậy, không đáng nương cậy, đều đi đến chỗ tan biến. Là pháp bị mài mòn tiêu diệt, không được lâu dài, sẽ được vất bỏ ngoài gò mả, cho nên nói: Thân như đồ nung (dễ bể).

Ngựa ảo giữa đồng: Ánh nắng gay gắt làm lóa mắt người nên nhìn ngoài đồng thấy có ngựa chạy. Người ta muốn chạy đến đó tìm nhưng không thấy chúng, chỉ luống tự mệt nhọc mà không được gì. Người biết rõ thì thấy các pháp thảy đều như vậy. Không thể cưỡng lại được, không bền chắc, không đáng nương cậy, cho nên nói: Như ngựa ảo giác giữa đồng.

Đoạn ma tràng hoa: Ma tự xưng là Tự tại thiên tử, họ đeo tràng hoa bện bằng tóc. Nhờ thấy đế (thấy sự thật) nên suy nghĩ dứt bỏ kết sử, dứt bỏ rồi thì dứt bỏ luôn sự dứt bỏ. Không còn nhắm đến cõi trời Tự tại, cũng không còn bị các trời kéo lôi nữa, cho nên nói: Không còn thấy thần chết.

——————-

Thân như chùm bọt

Pháp huyễn tự nhiên

Đoạn ma tràng hoa

Không thấy thần chết.

Thân chùm bọt nước: Như chùm bọt không tồn tại lâu dài, không đáng nương cậy. Tay vừa chạm thì liền tan vỡ, không thể giữ được. Thân bốn đại này cũng như vậy. Không có sức mạnh nào chống lại được, cũng không bền chắc, cho nên nói: Thân này như chùm bọt nước.

Pháp huyễn tự nhiên: Như vật huyễn hóa làm mê lầm người ta. Không phải chân, không phải thật, nhưng kẻ ngu thì đắm mê cho là mình có thật. Người trí quán xét biết không có một thứ nào đáng đam mê, cho nên nói: Pháp huyễn hóa tự nhiên.

Đoạn ma tràng hoa: Người thấy đế, suy nghĩ sự dứt bỏ, hết hẳn kết sử, không còn ưa thích lời chúng và gần gũi chúng, cho nên nói: Đoạn ma tràng hoa.

Không thấy thần chết: Người thấy đế suy nghĩ kết sử đã hết, là vua một mình đi qua ba cõi, sống chết tự tại, không bị Tự tại thiên tử câu thúc ghi sổ, cho nên nói: Không còn thấy thần chết.

Hiểu thân và tham là một không khác, người học đạo có khả năng từ bỏ sự chấp có vững chắc, như chọn hoa Ưu-đàm-bát, thầy Tỳ-kheo vượt qua hai bên, như rắn lột da cũ.

Người học đạo có khả năng từ bỏ sự chấp có vững chắc: Ý niệm vững chắc về có là gì, đó là năm thứ dục lạc. Tâm ý đắm mê không thể lìa bỏ, khiến cho chúng sinh khởi tâm đắm mê, trôi lăn trong năm đường, hết vòng thì trở lại ban đầu. Thân này mất đi lại thọ thân khác. Trên đời này thứ gì là vững chắc? Đó chính là than năm ấm lẫy lừng. Năm dục còn khiến cho chúng sinh suốt ngày ham thích, không thể xa lìa được. Nhưng người học đạo tâm chấp khư khư, người có khả năng buông bỏ cái có vững chắc chính là bậc Hiền thánh có khả năng xả bỏ năm ấm lẫy lừng và năm thứ dục lạc. Đó gọi là thích ứng theo hạnh của Hiền thánh, cho nên nói: Người học đạo có khả năng từ bỏ sự chấp có vững chắc.

Như chọn Ưu-đàm-bát: Người khéo phân biệt thì họ lựa chọn hoa đẹp, tìm hoa Ưu-đàm-bát. Nhưng rồi thân thể tinh thần mệt nhọc vất vả vẫn không tìm được. Tâm mệt mỏi chán nản liền bỏ đi, cho nên nói: Như chọn hoa Ưu-đàm-bát.

Thầy Tỳ-kheo vượt qua hai bên: Tỳ-kheo có nghĩa là phá các kết sử, không màng đến thân tướng, mặc y ôm bát khất thực, độ người. Vượt qua hai bên nghĩa sáu căn trong ngoài, sáu nhập bên trong, sáu trần bên ngoài. Cho nên nói thầy Tỳ-kheo vượt qua hai bên.

Như rắn lột da cũ: Bậc Hiền thánh đã vượt qua ba cõi kiên cố, là đạo của Hiền thánh. Bậc Thánh có thể bỏ đạo Hiền thánh, bước vào ngôi thành Niết-bàn vô vi, cho nên nói như rắn bỏ lột bỏ da cũ.