SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 17

Phẩm 18: TÁNH KHÔNG

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Hy hữu thay, bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát không thoái chuyển kia thành tựu công đức như vậy. Đức Thế Tôn lại khéo giảng nói vô lượng, vô biên tướng không thoái chuyển của Đại Bồ-tát.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng vậy! Vì sao? Vì Đại Bồ-tát không thoái chuyển kia đã thành tựu trí vô biên.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Như lời Phật dạy: “Đại Bồ-tát không thoái chuyển kia có vô số tướng không thoái chuyển”, đó là hiển bày thắng tướng sâu xa của các Đại Bồ-tát. Tướng sâu xa ấy tức là tướng Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Phật khen ngợi Tu-bồ-đề:

–Hay thay, hay thay! Tu-bồ-đề, đúng vậy, đúng vậy! Tướng sâu xa ấy tức là tướng Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tướng Bát-nhã ba-lamật-đa tức là các nghĩa không, vô tướng, vô nguyện, vô sinh, vô tác, vô tánh, vô nhiễm, Niết-bàn vắng lặng.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Như Phật nói, tướng sâu xa ấy chỉ là nghĩa không, cho đến các nghĩa Niết-bàn vắng lặng… chẳng phải là nghĩa của tất cả pháp sao?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Nghĩa của tất cả pháp cũng tức là tướng sâu xa. Vì sao? Vì

sắc sâu xa; thọ, tưởng, hành, thức sâu xa.

Sao gọi là sắc sâu xa? Vì như như sâu xa nên sắc sâu xa.

Thế nào là thọ, tưởng, hành, thức sâu xa? Vì như như sâu xa nên thọ, tưởng, hành, thức sâu xa.

Tu-bồ-đề! Nếu không có sắc, thì đó là sắc sâu xa; nếu không có thọ, tưởng, hành, thức thì đó là thọ, tưởng, hành, thức sâu xa.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thật hy hữu thay, bạch Đức Thế Tôn! Thế Tôn có thể dùng phương tiện vi diệu che lấp sắc để hiển bày Niết-bàn, che lấp thọ, tưởng, hành, thức để hiển bày Niết-bàn.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Nếu Đại Bồ-tát nào đối với tướng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, an trú như Bát-nhã ba-la-mật-đa an trú, học như Bát-nhã bala-mật-đa dạy, hành như Bát-nhã ba-la-mật-đa hành, thì Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát ấy trong một ngày mà tư duy như vậy, quan sát như vậy, tu tập như vậy, tương ưng như vậy thì công đức một ngày của Đại Bồ-tát ấy không thể nghĩ, không thể lường được.

Tu-bồ-đề! Ví như ở thế gian có người đa dục nên có nhiều dục cảm. Bấy giờ người ấy cùng với người đàn bà đẹp hẹn hò gặp gỡ, khi đó, vì sự việc khác làm trở ngại nên người nữ ấy thất hẹn. Tu-bồ-đề! Theo ý ông thì sao, người đa dục kia khi ấy tương ưng với pháp nào?

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Người ấy chỉ tương ưng với dục cảm, tà tư. Người ấy nghĩ rằng: “Khi nào ta sẽ được gặp người nữ ấy, cùng với nàng đùa giỡn vui chơi thì thật là khoái thích!” Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ý ông thì sao? Trong một ngày người ấy khởi niệm dục có nhiều không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều!

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đại Bồ-tát cũng vậy, đối với pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, trong một ngày có thể tư duy như vậy, quan sát như vậy, tu tập như vậy và tương ưng như vậy thì có thể bỏ được bao số kiếp luân hồi khổ não, lại được xa lìa các lỗi thoái chuyển, hoàn toàn thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Tu-bồ-đề! Vì Đại Bồ-tát trong một ngày có thể tư duy, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa mà không lìa niệm ấy, cùng tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa, công đức tối thắng, trong một ngày Bồ-tát ấy có được vượt hơn công đức của Bồ-tát khác trong vô số kiếp thực hành bố thí cho các hữu tình mà xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát trong vô số kiếp xa lìa Bátnhã ba-la-mật-đa mà cúng dường bậc Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-nahàm, A-la-hán, Duyên giác, Bồ-tát, Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác vẫn không bằng Bồ-tát trong một ngày có thể tư duy, tu tập, như điều đã nói mà thực hành pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, được phước vô biên không thể tính đếm.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát nào trong vô số kiếp xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa mà cúng dường bậc Tu-đà-hoàn cho đến Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, lại tu trì giới hạnh trọn vẹn, cũng không bằng Bồ-tát trong một ngày tùy thuận Bát-nhã ba-la-mật-đa, tác ý như lý, tư duy tu tập, giảng nói pháp này, phước đức đạt được vô lượng, vô biên không thể tính kể.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát nào trải qua vô số kiếp xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa mà cúng dường cho bậc Tu-đà-hoàn cho đến Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác và trì giới, rồi lại có thể tu tập các pháp: nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định… vẫn không bằng Bồtát trong một ngày tùy thuận Bát-nhã ba-la-mật-đa, thực hành các pháp thí cho chúng sinh, phước đức của người ấy vô lượng, vô biên không thể tính kể.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát nào trải qua vô số kiếp xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa, dù ở chỗ bậc Tu-đà-hoàn cho đến Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác tu hành các pháp như: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, lại tu tập ba mươi bảy pháp phần

Bồ-đề, nhưng không bằng Bồ-tát tùy thuận hạnh Bát-nhã ba-la-mậtđa trong một ngày và đem công đức pháp thí ấy hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, phước đức đã đạt được này vô lượng, vô biên không thể tính kể.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát nào có thể tùy thuận hạnh Bát-nhã ba-la-mật-đa trong một ngày, rồi đem công đức pháp thí như tướng Bát-nhã ba-la-mật-đa ấy hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì Bồ-tát ấy được phước vô lượng, vô biên không thể tính kể.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát nào có thể tùy thuận hạnh Bát-nhã ba-la-mật-đa trong một ngày, rồi đem công đức pháp thí như tướng Bát-nhã ba-la-mật-đa ấy hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, rồi lại có thể tu tập tương ưng như lời nói thì Bồ-tát ấy được phước vô lượng, vô biên không thể tính kể.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nào có thể tùy thuận hạnh Bátnhã ba-la-mật-đa trong một ngày, rồi đem công đức pháp thí như tướng Bát-nhã ba-la-mật-đa ấy hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và như lý thuyết thực hành, tu tập tương ưng rồi, lại có thể giữ gìn Bát-nhã ba-la-mật-đa không lúc nào xa lìa, thì Bồ-tát ấy được phước vô lượng, vô biên không thể tính kể.

Khi ấy, Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Các pháp phát khởi là tướng phân biệt thì vì sao Thế Tôn nói là được nhiều phước?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Các Đại Bồ-tát khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, tự mình biết rõ các pháp phát khởi là tướng phân biệt, hư vọng, không thật, hoàn toàn không có sở hữu, ở trong pháp ấy không có sự phân biệt. Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát biết rõ các pháp cầu không thể được. Do hiểu rõ tất cả pháp cầu không thể được nên Bồ-tát không lìa Bát-nhã bala-mật-đa. Vì Bồ-tát không lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa nên đó là vô lượng, vô số.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Vô lượng với vô số có gì sai khác?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Vô lượng thì vượt quá phần lượng. Vô số thì không thể tính đếm.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Vả lại có nhân duyên sắc vô lượng nên thọ, tưởng, hành, thức cũng vô lượng?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng vậy! Sắc vô lượng nên thọ, tưởng, hành, thức cũng vô lượng.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Vô lượng ấy nghĩa là gì?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Vô lượng nghĩa là Không, Vô tướng, Vô nguyện.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Vô lượng chỉ là nghĩa của Không, Vô tướng, Vô nguyện, chứ chẳng phải là nghĩa của tất cả pháp sao?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ông nghĩ thế nào? Ông nghe Phật nói: “Tất cả pháp là không sao?”

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Đúng vậy, bạch Đức Thế Tôn! Phật nói tất cả pháp là không.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Không tức là vô lượng nên trong đó có nghĩa của tất cả pháp, không có sự phân biệt, lìa các tạo tác.

Này Tu-bồ-đề! Nói như vậy là lời Phật nói. Vì sao? Vì nếu nói như vậy tức là vô lượng, vô lượng tức là vô số, vô số tức là không, không tức là vô tướng, vô tướng tức là vô nguyện, vô nguyện tức là vô sinh, vô sinh tức là vô diệt, vô diệt tức là vô tác, vô tác tức là vô tri, vô tri tức là vô tánh, vô tánh tức là vô nhiễm, vô nhiễm tức là Niết-bàn vắng lặng. Pháp môn như vậy tức là pháp môn mà Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác đã nói. Nói như vậy, tức là tất cả pháp không thể nói.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Theo con hiểu nghĩa lý Phật nói, thì tất cả pháp kia đều không thể nói.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng vậy, tất cả pháp không thể nói! Vì sao? Vì tất cả pháp đều là không tánh nên không thể dùng lời nói đễ diễn đạt.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Không thể nói thì nghĩa có tăng giảm không?

Phật dạy:

–Không phải vậy, này Tu-bồ-đề! Không thể nói nghĩa là không tăng, không giảm.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Nếu không thể nói nghĩa không tăng, không giảm thì Bố thí ba-la-mật-đa, Trì giới ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Tinh tấn bala-mật, Thiền định ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng không tăng, không giảm.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu các pháp độ không tăng không giảm thì làm sao Đại Bồ-tát vận dụng các pháp Ba-la-mật-đa không tăng không giảm để được gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác? Còn nếu không viên mãn các pháp Ba-la-mật-đa thì Đại Bồ-tát không thể gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng vậy! Nghĩa của các pháp Ba-la-mật-đa không tăng không giảm. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì Đại Bồ-tát đầy đủ phương tiện thiện xảo nên khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng thực hành Bố thí ba-la-mật-đa mà không nghĩ: “Ta thực hành Bố thí ba-la-mật-đa có sự tăng giảm”, mà nghĩ rằng: “Bố thí ba-la-mật-đa chỉ lấy danh tự để phân biệt” nên không thấy tướng bố thí kia có thể đắc. Bồ-tát đem thiện căn này hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì như tướng mà hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên gọi là chân thật hồi hướng.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Vì Đại Bồ-tát đầy đủ phương tiện thiện xảo nên khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể thực hành Trì giới bala-mật-đa mà không nghĩ: “Ta thực hành Trì giới ba-la-mật-đa có sự tăng giảm”, mà nghĩ rằng: “Trì giới ba-la-mật-đa kia chỉ dùng danh tự để phân biệt” nên không thấy tướng giới có thể đắc. Bồ-tát đem thiện căn này hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì như tướng mà hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên gọi là chân thật hồi hướng.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Vì Đại Bồ-tát đầy đủ phương tiện thiện xảo nên khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật mà không nghĩ: “Ta thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật có sự tăng giảm”, mà nghĩ rằng: “Nhẫn nhục ba-la-mật kia chỉ dùng danh tự để phân biệt” nên không thấy tướng nhẫn nhục có thể đắc. Bồ-tát đem thiện căn này hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì như tướng mà hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên gọi là chân thật hồi hướng.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Vì Đại Bồ-tát đầy đủ phương tiện thiện xảo nên khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể thực hành Tinh tấn bala-mật mà không nghĩ: “Ta tu hành Tinh tấn ba-la-mật có sự tăng giảm”, mà lại nghĩ thế này: “Tinh tấn ba-la-mật chỉ dùng danh tự để phân biệt” nên không thấy tướng tinh tấn kia có thể đắc. Bồ-tát đem thiện căn này hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì như tướng mà hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên gọi là chân thật hồi hướng.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Vì Đại Bồ-tát đầy đủ phương tiện thiện xảo nên khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể thực hành Thiền định ba-la-mật mà không nghĩ: “Ta thực hành Thiền định ba-la-mật có sự tăng giảm”, mà nghĩ rằng: “Thiền định ba-la-mật chỉ dùng danh tự để phân biệt” nên không thấy tướng định kia có thể đắc. Bồ-tát đem thiện căn này hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì như tướng mà hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên gọi là chân thật hồi hướng.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Vì Đại Bồ-tát đầy đủ phương tiện thiện xảo nên khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa không nghĩ: “Pháp này có sự tăng giảm”, mà nghĩ rằng: “Bát-nhã ba-la-mật-đa chỉ dùng danh tự để phân biệt” nên không thấy pháp có thể tu, có thể hành. Bồ-tát đem thiện căn này hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì như tướng mà hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên gọi là chân thật hồi hướng.

Khi ấy, Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nghĩa là gì?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nghĩa là Như như. Như như này không tăng không giảm. Đại Bồ-tát trong pháp đó nên an trụ như thật, tác ý như lý, tu tập tương ưng như vậy thì Bồ-tát ấy chắc chắn gần với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không có tăng giảm.

Tu-bồ-đề! Vì thế nên biết, không thể nói nghĩa không tăng, không giảm… cho đến tất cả pháp cũng không thể nói không tăng, không giảm.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát biết tướng như vậy, tác ý như vậy, tu hành như vậy thì chắc chắn gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.