SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.

Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 3

Phẩm 18: CÚNG DƯỜNG BẢY BÌNH VÀNG

Tôi nghe như thế này:

Một thời Đức Phật trú tại lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ các Tỳ-kheo trong mỗi nước tùy ý an cư, trải qua chín mươi ngày, sau khi an cư xong đều đến chỗ Phật mà hỏi những nghi vấn và nhận lời giáo huấn. Đức Phật và chúng Tỳ-kheo xa nhau đã lâu, lòng càng thương nhớ, Đức Phật cất bàn chân tướng thiên bức luân và cánh tay thần để chúng Tỳ-kheo xem, an ủi vỗ về sự lao khổ của họ, rồi sau đó hỏi thăm:

– Các vị ở xa tới có lẽ sự cúng dường ẩm thực chắc không thiếu chứ?

Công đức Như Lai ở trên thế gian không ai sánh bằng. Nay Ngài hạ cố thăm hỏi các Tỳ-kheo, đặc biệt quan tâm. A-nan thấy đó là một việc lạ nên thưa hỏi Đức Phật:

– Bạch Thế Tôn, Ngài là một Bậc Xuất Thế, tối tôn đặc thù, công đức trí tuệ hiếm có trên đời. Nay Ngài hạ cố thăm hỏi an ủi các Tỳ-kheo, có điều gì tốt lành chăng? Bạch Đức Thế Tôn, không rõ Đức Thế Tôn có những lời lẽ khiêm tốn như thế là có ý xa gần muốn dạy bảo điều gì?

Đức Phật dạy:

– Nếu ngươi muốn biết, hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ nói:

Ngài A-nan thưa:

– Xin vâng, chúng con cung kính lắng nghe.

Đức Phật dạy:

– Này A-nan, vào thời quá khứ lâu xa, vô số lượng a-tăng-kỳ kiếp không thể tính hết, ở cõi Diêm-phù-đề này có một nước lớn tên là Ba-la-nại, có một người chăm lo sự nghiệp gia đình, rất ham muốn vàng, ra sức dồn góp, lê thân buôn bán khắp bốn phương trời để có tiền bạc dồn vào mua vàng. Một hôm mua được một bình vàng, đào một chỗ trong nhà để chôn giấu, lo toan nhiều thứ khổ tâm mệt xác, trải qua nhiều năm không dám ăn mặc, liên tục dồn góp được bảy cái bình, đều đem chôn giấu.

Một thời gian sau ông ta ngã bệnh rồi chết. Do tâm luyến ái số vàng đó liền tái sinh làm một con độc xà trở về trong nhà để canh giữ bình vàng đó, thọ mạng trải qua năm tháng đến hồi chung cuộc phải

bỏ thân xác; nhưng tâm luyến ái của cải không dừng, trở lại thọ thân cưu mang các bình vàng đó tiếp tục trải qua số đến muôn tuổi. Đến lần thọ thân sau cùng, tâm ông sinh nhàm chán, tự nghĩ: “Ta từ trước tới nay do vì ái luyến vàng mà chịu mang thân hình độc xà này, chưa có ngày chấm dứt. Nay ta nên chuyên tâm làm nhiều việc phước để đời đời hưởng ân phước báo.” Nghĩ xong, độc xà tìm một chỗ bên vệ đường, khoanh mình nằm trong bụi cỏ, ẩn mình xem xét, nếu có người đi qua sẽ gọi.

Lúc ấy độc xà thấy một người đi hướng về phía mình, độc xà kêu lên, người kia nghe tiếng, nhìn phải nhìn trái không thấy bóng người mà chỉ nghe tiếng, nên lại thẳng đường mà đi. Độc xà liền xuất hiện gọi lớn:

– Này hãy đến gần tôi.

Người kia đáp:

– Ngươi là rắn độc gọi ta có việc gì? Nếu ta đến gần người sẽ hại ta.

Độc xà đáp:

– Ta không có ý hại người, nếu có ý muốn hại người, không lại gần ta cũng hại được vậy!

Người kia rất kinh sợ nhưng cứ đến gần. Độc xà nói:

– Nay ở chỗ ta có cái bình vàng muốn đem cái bình vàng đó để lo việc cúng dường làm phước, người làm được việc này không? Nếu người không làm ta sẽ hại người.

Người kia đáp rằng tôi sẽ làm. Độc xà liền dẫn người đó cùng đến chỗ cất giấu vàng, lấy bình vàng lên đưa cho ngươi kia rồi nói:

– Người đem bình vàng này chọn ngày để lo việc cúng dường chúng Tăng ẩm thực. Hẹn ngày xong, khi nào đi mang một cái thúng để bỏ ta vào rồi cùng đi. Người kia mang bình vàng đem đến Tăng-già-lam, trao cho thầy Duy na và đem sự việc trên trình bày đầy đủ cho thầy, nói:

– Độc xà kia muốn thiết trai cúng dường, xin chọn ngày dâng vậ thực.

Vị Tăng nhận bình vàng kia để lo trần thiết sửa soạn những món ăn ngon. Đến ngày cúng dường, người kia mang một cái thúng nhỏ đến chỗ con rắn kia. Rắn mừng rỡ hỏi han liền khoanh thân trên cái mâm bỏ vào trong thúng, che đậy nhiều lớp trên mình rắn rồi mang đến chỗ Đức Phật. Đang đi giữa đường, ông ta bỗng gặp một người, người ấy hỏi:

– Ông từ đâu lại mà mang đôi giày đẹp vậy? Ông ta im lặng, không đáp. Hỏi đến lần thứ ba, ông ta cũng không thèm trả lời một tiếng. Người mang con rắn nổi sân hừng hực, có ý độc địa muốn giết chết người kia, nhưng tự cố ngăn được cơn giận vì sao người kia hỏi không đúng lúc! Rắn tự nghĩ: “Người kia cũng có ý tốt, dừng lại hỏi thăm, trịnh trọng hỏi đến ba lần mà ông ta không trả lời lấy một lời, thật không phải lẽ!” Sau khi suy nghĩ như thế, tâm độc lại dấy lên bộc phát mãnh liệt muốn hại người đang mang mình. Nhưng rồi rắn tự nghĩ: “Người này vì ta mà làm phước chưa trả được ân.” Nhiều lần nghĩ vậy, tâm nó trở lại bình phục: “Đối với người này ta mang ân lớn, tuy có chút lỗi việc ấy nên nhẫn nhịn thì hơn.” Đến  chỗ vắng, rắn mới nói với người kia: “Bỏ ta xuống đây,” rồi tìm lời trách móc nặng nề, đem giới pháp mà khuyên bảo. Người kia mới thấy rõ, tự mình trách móc, hối cải, sinh tâm khiêm tốn, lòng thương xót đến mọi người. Rắn rất nhiều lần khuyên bảo không nên tái phạm như vậy.

Người kia mang con rắn đến Tăng-già-lam đặt trước chúng Tăng. Đến giờ chúng Tăng thọ thực đứng thành từng hàng, rắn bảo người kia theo thứ tự mà cúng dường hương, bằng tâm cung kính trực tiếp thấy được chúng Tăng nhận hương, như vậy cho đến vị cuối cùng, tận mắt nhìn thấy không sót một vị, rồi được dẫn theo chư Tăng nhiễu vòng quanh tháp. Xong, người kia lấy nước cho chư Tăng rửa tay, rắn trong lòng cung kính, quan sát chúng Tăng rửa tay, tâm không chán. Chúng Tăng thọ thực xong nhiều lần nói pháp cho rắn nghe một cách rộng rãi, tâm hoan hỷ tăng lên gấp bội. Rắn liền khởi tâm bố thí thêm nữa, cho dẫn thầy Duy na dến chỗ giấu vàng, lấy lên sáu bình còn lại và dâng cúng chư Tăng. Sau việc làm phước đó, rắn mạng chung và do nhân duyên phước đức được sinh vào cung trời Đao-lợi.

Đức Phật dạy A-nan:

– Ông nên biết, người mang rắn thuở trước không phải ai khác mà chính là Ta. Đôc xà nay là Xá-lợi-phất. Ta vào lúc đó trải qua những ngày mang rắn đến chỗ chúng Tăng, bị rắn quở trách, tự thấy xấu hổ lập lời thệ nguyện và sinh tâm khiêm hạ. Những sự việc đó từ ấy đến nay chưa từng thoái chuyển.

Bấy giờ các Tỳ-kheo trong hội chúng và Tôn giả A-nan nghe Đức Phật thuyết xong đều hoan hỷ phụng hành.