SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm 18: CÁC THỆ NGUYỆN

Bấy giờ, Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Các thệ nguyện của Đại Bồ-tát là những gì?

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đó là sáu pháp Ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, nội ngoại không, hữu vô không, mười tám pháp Bất cộng và trí Nhất thiết. Bồ-tát mặc áo giáp các công đức ấy thành tựu thân Phật sáng chói cả tam thiên đại thiên thế giới, lại phóng quang minh khắp mười phương hằng sa cõi Phật làm chấn động sáu cách, các Bồ-tát ở cõi Phật hằng hà sa trong mười phương tiếp nhận được ánh sáng này rồi, trụ vào Bố thí ba-la-mật mặc giáp Đại thừa, liền biến hóa tam thiên đại thiên thế giới trở thành lưu ly, tự mình hóa làm Chuyển luân vương, tùy theo sự mong cầu của chúng sinh mà bố thí: Đói cho ăn, khát cho uống, lạnh cho áo, bệnh cho thuốc, có người cần hương hoa thì cho hương hoa, thích nghi theo thân từng chúng sinh mà cung cấp đầy đủ. Làm việc ấy rồi, Bồ-tát liền nói hạnh sáu pháp Ba-lamật cho họ. Chúng sinh nghe Bồ-tát dạy rồi cho đến lúc thành Vô thượng Bồ-đề họ cũng không rời hạnh sáu pháp Ba-la-mật, đó là Bồtát mặc áo giáp Đại thừa.

Tu-bồ-đề! Ví như nhà ảo thuật biểu diễn ở ngã tư đường, trước mặt mọi người, tùy theo sở thích của họ mà bố thí: Cơm, nước, áo, mền, tiền của, tùy theo nhu cầu của từng người, người huyễn đều cung cấp đầy đủ.

Tu-bồ-đề! Ông nghĩ xem nhà ảo thuật có bố thí cho người không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Không có vật thí cũng không có người được thí.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát tự hóa thân làm Chuyển luân vương thực hành bố thí, tùy theo sở thích của người ưa thích gì mà cho vật ấy, vừa ý từng người, tuy cho mà không có vật cho và người nhận.

Tu-bồ-đề! Vì pháp ấy là pháp huyễn nên như vậy.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát trụ vào Trì giới ba-la-mật cũng hóa hiện làm Chuyển luân vương, trong địa vị đó dạy người tu mười thiện nghiệp, dạy cho người hành bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Thiền vô sắc, dạy bảo ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, đến mười tám pháp Bất cộng. Chúng sinh kể từ khi nghe dạy pháp cho đến lúc đắc đạo vĩnh viễn không rời pháp này.

Tu-bồ-đề! Ví như nhà ảo thuật biến hóa ra một số người, rồi dạy số người ấy tu mười thiện nghiệp và ba mươi bảy phẩm Trợ đạo đến mười tám pháp Bất cộng.

Tu-bồ-đề! Ông hiểu thế nào? Có người thực hành mười thiện nghiệp, bốn Thiền, bốn Thiền vô sắc, cho đến ba mươi bảy phẩm Trợ đạo và mười tám pháp Bất cộng không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không có người thực hành.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát dạy chúng sinh bằng mười thiện nghiệp, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng, cũng không thấy có người trụ ở pháp này. Vì pháp là huyễn hóa nên như vậy. Tu-bồ-đề, vì thế nên Bồ-tát mặc giáp của Đại thừa.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát trụ vào Nhẫn nhục ba-la-mật cũng giáo hóa chúng sinh bằng Bố thí ba-la-mật. Bồ-tát từ khi mới phát tâm trở đi phát thệ nguyện: “Giả sử bị chúng sinh cầm dao gây hại, ta đều chấp nhận không sinh một chút ác ý nào cả mà lại dùng tâm nhẫn nhục giáo hóa chúng sinh. Tuy dạy chúng sinh bằng pháp Nhẫn nhục nhưng không như nhà ảo thuật, không có tưởng về chúng sinh. Tubồ-đề, đó là Bồ-tát mặc áo giáp Đại thừa.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát trụ vào Tinh tấn ba-la-mật giáo hóa chúng sinh bằng trí Nhất thiết mà cũng giống như nhà ảo thuật, đó là Bồ-tát mặc giáp Đại thừa. Bồ-tát trụ vào Thiền định ba-la-mật dạy chúng sinh ở nơi các pháp, Bồ-tát không thấy có pháp loạn hay nhất tâm. Tu-bồ-đề, đó là Bồ-tát trụ vào Thiền định ba-la-mật dạy cho người nhất tâm hành thiền, cho đến khi thành Vô thượng Bồ-đề vĩnh viễn không rời định này, cũng chỉ như nhà ảo thuật, vì thế nên gọi là Đại thệ nguyện.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát trụ vào Bát-nhã ba-la-mật, nhưng đối với các pháp không thấy có bên này, bên kia và sự giáo hóa chúng sinh cũng như huyễn, không thấy có người dạy, người tiếp thu. Tu-bồ-đề, đó là các thệ nguyện của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát mặc giáp Đại thừa đề làm an ổn vô lượng, vô biên chúng sinh trong hằng hà sa cõi Phật, được vào sáu pháp Ba-la-mật, thuyết cho chúng sinh nghe về sáu pháp Ba-la-mật, nghe rồi nhớ mãi cho đến khi thành Vô thượng Bồ-đề nhưng cũng như huyễn không thấy người thọ trì pháp và người tiếp nhận sự giáo hóa, đó là Bồ-tát mặc áo giáp Đại thừa.

Bồ-tát mặc áo Đại thừa tâm khế hợp với trí Nhất thiết, vị ấy không nói rằng ta sẽ dạy ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng cho bao nhiêu người, cũng không thể nói bao nhiêu người ta không thể dạy, cũng không nói ta dạy cho bao nhiêu người đắc quả Tu-đà-hoàn, cho đến La-hán, Bích-chi-phật, không nói ta không dạy cho bao nhiêu người chứng quả A-la-hán, cũng không nói ta giáo hóa cho bao nhiêu người được trí Nhất thiết, hay nói ta không dạy hết cho số các người ấy. Vì việc giáo hóa của Bồ-tát không có giới hạn, không có thân và sơ.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng giống như nhà ảo thuật dạy người huyễn, không thấy có dạy và người được dạy, đó là thệ nguyện của Đại Bồ-tát.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Như con nghe nghĩa lý nơi Đức Phật, nên biết Bồ-tát chẳng có hành theo thệ nguyện, vì các pháp đều không, nên sắc, thọ, tưởng, hành, thức; nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; mười tám giới… Bát-nhã ba-la-mật, nội ngoại không, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng, cho đến Bồ-tát và Đại thệ nguyện đều không.

Bạch Thế Tôn! Vì thế nên con biết rằng, Bồ-tát không có hành theo đại thệ nguyện.

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng như lời ông nói.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Trí Nhất thiết không có làm ra, không tạo tác. Vì tất cả chúng sinh, Bồ-tát phát thệ nguyện lớn những chúng sinh ấy không có hành động không có tạo tác.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Trí Nhất thiết và chúng sinh không hành động không tạo tác là vì sao vậy?

Đức Phật đáp:

–Vì không thấy có người, thế nên trí Nhất thiết không có hành

động và tạo tác. Tu-bồ-đề! Vì năm ấm không tạo tác cũng chẳng không tạo tác, cho đến sáu căn, sáu trần, ta, người, thọ mạng đều không có chỗ hành động, không có tạo tác, vì cảnh giới không nắm bắt được.

Tu-bồ-đề! Như mộng, như huyễn, như hóa, như tiếng vang, như sóng nắng không có hành động, không có tạo tác; nội ngoại không, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng vốn không có hành động, không có tạo tác, vì không có cảnh giới cứu cánh.

Tu-bồ-đề! Vì thế nên trí Nhất thiết và chúng sinh không có, không có tạo tác bởi thế nên biết Bồ-tát chẳng phải hành theo là đại thệ nguyện.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Như con quán chiếu nghĩa của Thế Tôn nói, năm ấm không bị trói buộc, không được giải thoát.

Bân-nậu Văn-đà-ni hỏi Tu-bồ-đề:

–Những gì là năm ấm không trói buộc, không giải thoát?

Tu-bồ-đề đáp:

–Năm ấm như mộng, như huyễn, như hóa, như tiếng vang, như sóng nắng, trong ba thời không có trói buộc, không có giải thoát; năm ấm không có đầu mối, không có trói buộc, không có giải thoát; năm ấm vắng lặng, không sinh nên không có trói buộc, không có giải thoát; dù năm ấm là thiện, ác, tục, đạo, hữu lậu, vô lậu cũng không có trói buộc, không có giải thoát. Tất cả các pháp như: Vô biên tế, tịch tĩnh, sáu pháp Ba-la-mật, vô biên tế, nội ngoại không, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng, đạo, Bồ-tát, trí Nhất thiết và pháp trí Nhất thiết, pháp tánh, chân như, vô vi, vô biên tế, tịch tĩnh, không sinh nên tất cả đều không trói buộc và giải thoát như thế đó.

Này Bân-nậu! Bằng sự không trói buộc, không giải thoát, Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, trí Nhất thiết, nuôi dưỡng chúng sinh, thanh tịnh cõi Phật, gặp gỡ các Đức Phật, luôn nghe pháp, luôn diện kiến các Đức Thế Tôn, luôn an trụ trong thần thông, không rời năm loại mắt, chuyển pháp luân, không buộc, không thoát, an lập chúng sinh nơi Ba thừa. Như thế đó, này Bânnậu, bằng không buộc, không thoát, Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật và các pháp đạt đến giác ngộ, vô biên tế, tịch tĩnh không có chỗ sinh.

Bân-nậu nên biết, đó là Bồ-tát hành các thệ nguyện không trói buộc, không giải thoát.