SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 16

Phẩm 17: TƯỚNG BỒ-TÁT KHÔNG THOÁI CHUYỂN

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát không thoái chuyển có những tướng gì và làm sao chúng con có thể nhận biết tướng không thoái chuyển ấy?

Phật bảo Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Này Tu-bồ-đề! Nay ông nên biết, Đại Bồ-tát không thoái chuyển có đủ các thứ tướng. Tu-bồ-đề! Có quả vị phàm phu, quả vị Thanh văn, quả vị Duyên giác, quả vị Bồ-tát, quả vị Như Lai. Các quả vị như vậy ở trong chân như không hai, không khác, không nghi, không hoại. Bồ-tát từ chân như ấy vào các pháp tánh. Tuy vào pháp ấy nhưng ở trong đó không sinh phân biệt đây là chân như, đây là tướng chân như. Ngoài cái như này, giả sử nghe các pháp khác cũng lại không nghi, không ngờ, không hối, không chìm ở trong ấy. Không có pháp phải, không có pháp quấy. Bồ-tát tùy theo các pháp tướng mà vào các pháp tánh.

Tu-bồ-đề nên biết! Ở trong mọi lúc, lời nói của Đại Bồ-tát không thoái chuyển đều có ý nghĩa, có lợi ích, không bao giờ nói lời vô ích, cũng không quan sát sự đẹp xấu, hay dở của người khác.

Tu-bồ-đề! Nếu đầy đủ các tướng như vậy thì đó là Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề nên biết! Nếu có nghe các Bà-la-môn, Samôn, ngoại đạo khác nói điều gì thì Đại Bồ-tát không thoái chuyển ấy không cho đó là sự thấy biết chân thật. Bồ-tát ấy cũng không thờ cúng các loại trời, không dùng các đồ cúng dường như: hương hoa, đèn dầu, thức ăn, y phục… để cúng dường họ và cũng không tin tưởng kính trọng họ.

Tu-bồ-đề! Nếu đầy đủ các tướng ấy thì đó là Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát không thoái chuyển kia hoàn toàn không rơi vào các nẻo ác, không mang thân nữ.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát ấy trong mọi lúc thường thực hành mười điều thiện. Đó là:

  1. Tự mình không sát sinh, dạy người hành trì việc không sát sinh.
  2. Tự mình không trộm cắp, dạy người hành trì việc không trộm cắp.
  3. Tự mình không tà nhiễn, dạy người hành trì việc không tà nhiễn.
  4. Tự mình không nói dối, dạy người hành trì việc không nói dối.
  5. Tự mình không nói hai lưỡi, dạy người hành trì việc không nói hai lưỡi.
  6. Tự mình không nói lời ác, dạy người hành trì việc không nói lời ác.
  7. Tự mình không nói lời vô nghĩa, dạy người hành trì việc không nói lời vô nghĩa.
  8. Tự mình không tham ái, dạy người hành trì việc không tham ái.
  9. Tự mình không sân hận, dạy người hành trì việc không sân hận.
  10. Tự mình không tà kiến, dạy người không phát sinh tà kiến.

Đại Bồ-tát không thoái chuyển tự mình hành trì mười điều thiện như vậy, lại đem pháp này chỉ bày đúng như lý, dạy bảo đúng như thật cho mọi người, để họ được lợi ích như mình, được vui mừng như mình. Đó là Đại Bồ-tát hành trì mười pháp thiện một cách kiên cố, không thoái lui; đối với tất cả hạnh, tất cả loại, tất cả chỗ, mọi lúc không sinh tâm sân hận, thậm chí ở trong mộng cũng thực hành mười pháp thiện, không khởi mảy may pháp bất thiện.

Này Tu-bồ-đề! Nếu có đầy đủ các tướng như vậy thì đó là Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Dựa vào tất cả pháp môn đã nghe, đã đắc, Đại Bồ-tát không thoái chuyển ấy như lý giảng thuyết cho tất cả chúng sinh, làm cho họ được lợi ích an lạc lớn. Bồ-tát dùng pháp thí này, tùy theo chỗ ưa thích của chúng sinh mà làm viên mãn ý nguyện của họ. Đại Bồ-tát đem pháp mình đắc, ban bố cho tất cả chúng sinh cùng đắc.

Tu-bồ-đề! Nếu có đầy đủ các tướng như vậy thì đó là Đại Bồtát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát không thoái chuyển kia nghe pháp sâu xa không nghi ngờ, không hối hận, tâm sinh tin hiểu. Bồ-tát ấy trong mọi lúc đều nói lời nhã nhặn, hòa thuận, ít hôn trầm ngủ nghỉ, đi đứng nằm ngồi đầy đủ oai nghi, các căn được điều phục vắng lặng, lìa các loạn động, đi không hấp tấp, chân bằng chấm đất, thong dong chậm rãi, nhìn xuống mà đi, mục đích nhắm đến là lìa các lỗi lầm.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Y và các đồ nằm mà Đại Bồ-tát không thoái chuyển kia mang mặc trên thân sạch sẽ thơm tho, không bị dơ bẩn, thân được an ổn, lìa các bệnh tật, khổ não.

Lại trong thân người có tám vạn vi trùng lớn nhỏ, còn trong thân Bồ-tát không có các vi trùng ấy. Vì sao? Vì thiện căn của Đại Bồ-tát tăng trưởng rộng lớn, vượt ngoài thế gian, tùy theo thiện căn tăng trưởng ấy mà Bồ-tát được thân thanh tịnh. Thân đã thanh tịnh thì tâm cũng thanh tịnh.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là tâm Bồ-tát thanh tịnh?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Tùy theo thiện căn đã tăng trưởng của Bồ-tát mà tất cả pháp bất thiện như dua nịnh, quanh co, dối trá kia tự nhiên tiêu diệt. Do sự tiêu diệt ấy nên được tâm thanh tịnh, vì tâm thanh tịnh nên có khả năng vượt qua quả vị Thanh văn, Duyên giác. Như vậy gọi là tâm Bồ-tát thanh tịnh.

Tu-bồ-đề! Nếu có đầy đủ các tướng như vậy thì đó là Đại Bồtát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát không thoái chuyển kia xa lìa tham ái, không còn tâm keo kiệt, ganh tỵ, không mong cầu danh tiếng và lợi dưỡng thế gian, không ưa cất chứa thức ăn, áo mặc, đồ nằm, thuốc thang và của cải khác, mà chỉ ưa thích chánh pháp sâu xa. Đối với pháp môn sâu xa thì lại lắng nghe chăm chú, không sinh sợ hãi, trí tuệ kiên cố, tin tưởng thọ trì vững chắc, tùy theo pháp được nghe đều tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nhờ vào Bát-nhã bala-mật-đa, Bồ-tát không thấy sự việc gì– để cả các việc thế gian– mà không tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa, tất cả đều an trụ trong pháp thật tướng.

Tu-bồ-đề! Nếu có đầy đủ các tướng như vậy thì đó là Đại Bồtát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Có các ma ác đến chỗ Bồ-tát, hóa ra tám địa ngục lớn, trong mỗi địa ngục đó đều có số trăm ngàn vạn Bồ-tát không thoái chuyển, chúng ma ấy nói rằng: “Ông nay nên biết, những Bồ-tát này đều là Bồ-tát trụ địa vị không thoái chuyển, Như Lai đã thọ ký cho từng vị một, nhưng nay họ trở lại sinh trong địa ngục này. Nay ông cũng trụ vào địa vị không thoái chuyển và đã được Như Lai thọ ký như thế, ông cũng sẽ phải sinh vào đại địa ngục này. Nay nếu ông hối cãi tâm ấy thì sẽ không rơi vào địa ngục, mà lại được sinh lên cõi trời.”

Tu-bồ-đề! Bồ-tát nào nghe lời này rồi mà tâm không động chuyển, lại nghĩ: “Nếu Đại Bồ-tát không thoái chuyển mà còn đọa vào địa ngục thì điều này không thể có. Nay ta biết đây là việc của ma.” Thì này Tu-bồ-đề! Nếu có đầy đủ tướng như vậy thì đó là Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Có ma ác hiện tướng Sa-môn, đến chỗ Bồtát nói: “Những điều ông nghe và đọc tụng trước đây đều không chân thật, chẳng phải điều Phật nói, ông nên xả bỏ, chớ thọ trì. Nếu ông hối cải điều nghe trước đây thì tôi sẽ thường đến chỗ ông để cùng học tập, đọc tụng những điều tôi nghe, những điều tôi nghe chính là điều Phật nói.”

Bồ-tát nào nghe lời ấy mà động tâm thì nên biết Bồ-tát ấy chưa được chư Phật thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên chưa thể an trụ tánh không thoái chuyển. Có Bồ-tát nghe lời ấy mà tâm không động, an trụ vào thật tướng của pháp không sinh không diệt, không phát khởi, không tạo tác, tâm của vị ấy kiên cố, không theo lời nói của mọi người. Ví như bậc A-la-hán dứt sạch các lậu, hiện tiền chứng thật tướng của pháp không sinh không diệt, không phát khởi, không tạo tác, không theo lời nói của người và không bị ma ác làm lay động. Bồ-tát cũng vậy, đã được an trụ vào không thoái chuyển, không bị pháp môn Thanh văn, Duyên giác làm lay động, không thủ chứng quả vị Thanh văn, Duyên giác mà chắc chắn hướng cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thành tựu Nhất thiết trí, an trụ vào tánh không thoái chuyển.

Tu-bồ-đề! Nếu có đầy đủ các tướng như vậy thì đó là tướng của Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Có ma ác đến Bồ-tát nói như vầy: “Hạnh tu của ông là hạnh luân hồi, chẳng phải hạnh Bồ-tát. Nay ông nên diệt hết khổ, ngay trong đời này thủ chứng Niết-bàn, đừng trở lại trong pháp sinh tử mà chịu các khổ não. Nay ông không diệt hết khổ ngay trong đời này để nhận sự vui Niết-bàn thì sao có thể thọ lại thân sau?”

Tu-bồ-đề! Nếu nghe lời ấy, biết là việc của ma, tâm Bồ-tát không lay động, thì khi ấy ma kia lại nói: “Ông đâu phải không thấy các chúng Đại Bồ-tát kia mỗi vị đều gần gũi chư Phật trong hằng hà sa số kiếp, đem thức ăn uống, y phục, đồ nằm, thuốc thang cúng dường hằng hà sa chư Phật Thế Tôn, ở chỗ chư Phật tu trì phạm hạnh, thờ kính chư Phật, nghe nhận chánh pháp, vì sự giác ngộ nên ở chỗ chư Phật thưa hỏi phép hành đạo của Bồ-tát là nên an trụ như thế nào, nên thực hành như thế nào, nên tu học như thế nào? Tùy theo căn cơ của họ, chư Phật đáp là: Bồ-tát nên an trụ như vậy, thực hành như vậy, học tập như vậy. Các Bồ-tát ấy theo lời Phật dạy, như lý tu hành, cầu Nhất thiết trí. Họ chuyên cần tu hành như vậy còn không thể được, huống chi là ngày nay ông làm sao mà có thể đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác!”

Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát nghe lời này rồi, biết đó là việc của ma, tâm không lay động thì ngay lúc ấy ma lại hiện ra các chúng Bí-sô, ở trước Bồ-tát và nói: “Những Bí-sô này đều là bậc A-la-hán lậu tận, trước đây đã phát ý đạo, tất cả đều cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nhưng không đạt được, nay vẫn còn thủ chứng quả vị Ala-hán như thế, huống gì ông ngày nay thì làm sao có thể đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?”

Tu-bồ-đề! Bồ-tát ấy nghe lời nói như vậy rồi, tâm không lay động, không sinh ý tưởng khác, biết rõ đó là việc của ma, liền nghĩ: “Nếu Đại Bồ-tát nào theo lời Phật dạy, như lý tu học, như thật an trụ, có làm việc gì cũng tương ưng với các pháp Ba-la-mật-đa, không lìa đạo ấy, không lìa niệm ấy mà không đắc Nhất thiết trí thì không có việc ấy.” Bồ-tát tư duy như thế rồi thì tâm nhất định càng thêm kiên cố, các ma ác kia không làm hại được. Bồ-tát biết các ma sự như thế rồi, dù đối với lời nghe kia mà vẫn không bị hại gì.

Tu-bồ-đề! Nếu có đầy đủ các tướng như vậy thì đó là Đại Bồtát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát không thoái chuyển ấy ở trong các pháp không khởi tưởng sắc, không sinh tưởng sắc; không khởi tưởng thọ, tưởng, hành, thức, không sinh tưởng thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì Bồ-tát này biết rõ tự tướng của các pháp là không, nên đối với tất cả pháp, hoàn toàn không sở đắc, không tạo tác, không sinh khởi, ở trong các pháp được pháp Nhẫn vô sinh.

Tu-bồ-đề! Nếu có đầy đủ các tướng như vậy thì đó là Đại Bồtát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Có ma ác hóa ra tướng Bí-sô, đến chỗ Bồtát nói như vầy: “Nên biết, Nhất thiết trí đồng với hư không kia, không chỗ sinh ra, không chỗ thành tựu, không chỗ đắc pháp, không chỗ dụng pháp, không người biết, không người chứng, không người đắc pháp, không người dụng pháp. Quan sát Nhất thiết trí đồng với hư không như thế rồi thì điều ông mong cầu là vô nghĩa, không ích lợi. Nếu có người nào nói mình đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì biết lời nói này là việc của ma, chẳng phải lời Phật nói.”

Tu-bồ-đề! Bồ-tát nghe lời nói này, liền nghĩ: “Lời nói này làm cho ta xa lìa quả Nhất thiết trí, đó là việc của ma.” Khi ấy, Bồ-tát phát tâm kiên cố, tâm không lay động, tâm không hoại diệt, nên các chúng ma kia không tìm được chỗ sơ hở.

Tu-bồ-đề! Nếu có đầy đủ các tướng như vậy thì đó là Đại Bồtát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Vì cầu Nhất thiết trí nên Đại Bồ-tát không thoái chuyển, không chuyển đổi theo quả vị Thanh văn, Duyên giác. Nếu Đại Bồ-tát ấy muốn nhập vào các định: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền thì tâm trở nên nhu nhuyến, đối với các định ấy nhập vào tùy ý. Tuy nhập vào các định ấy nhưng không theo đó phát sinh lại pháp trong cõi Dục.

Tu-bồ-đề! Nếu có đầy đủ các tướng như vậy thì đó là Đại Bồtát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát không thoái chuyển kia không tham đắm danh thơm, lợi dưỡng ở đời, cũng không thích biểu dương, khen ngợi, đối với chúng sinh tâm không tức giận, đối với chúng sinh thường sinh tâm làm lợi lạc, hoặc đến, hoặc đi, hoặc di động, hoặc dừng lại đều đầy đủ oai nghi, tâm không tán loạn. Bồ-tát tuy ở tại gia nhưng không tham đắm các dục, không ưa thích cảnh dục. Giả sử có thọ nhận các dục lạc thì thường sinh sợ hãi. Ví như có người đã trải qua hiểm nạn, gặp nhiều giặc cướp, ở trong nguy hiểm dù được ăn uống cũng thường sinh sợ hãi, họ chỉ nghĩ đến lúc vượt qua nguy hiểm ấy. Đại Bồ-tát không thoái chuyển kia cũng lại như vậy, tuy ở tại gia hưởng thọ các dục lạc nhưng thường biết tội lỗi của các thứ dục là gốc khổ cho chúng sinh, nên không sinh ưa thích, thường sợ hãi mà sinh sự nhàm chán, lìa bỏ, không sống bằng tà mạng phi pháp, thà mất thân mạng chứ không làm tổn hại, não loạn chúng sinh. Vì sao? Vì Bồ-tát tại gia gọi là Chánh sĩ, cũng gọi là Đại trượng phu, cũng gọi là kẻ sĩ đáng yêu, cũng là kẻ sĩ tối thượng, cũng là kẻ sĩ có tướng lành, cũng là Tiên trong hàng sĩ phu, cũng là sĩ phu kiết tường, cũng là hoa sen nhiều màu trong hàng sĩ phu, cũng là hoa sen trắng trong hàng sĩ phu, cũng là sĩ phu chánh tri, cũng là rồng trong loài người, cũng là sư tử trong loài người, cũng là bậc Điều ngự. Bồtát tuy tại gia nhưng thành tựu các công đức, thường ưa thích làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Bồ-tát nhờ sức Bát-nhã ba-la-mật-đa này mà được thành tựu tất cả thắng tướng.

Tu-bồ-đề! Nếu có đầy đủ các tướng như vậy thì đó là Đại Bồtát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát không thoái chuyển kia luôn luôn có đại Dược-xoa chúa cầm chày Kim cang theo hộ vệ, không cho loài phi nhân làm hại Bồ-tát. Tâm Bồ-tát ấy không tán loạn, oai nghi tịch tĩnh, các căn đầy đủ, không khiếm khuyết, là trâu chúa trong loài người, các tướng tròn đầy, tu các hạnh lành, thường hành chánh pháp, không dùng các việc tà chú, huyễn thuật, thuốc thang… ở thế gian để dẫn dắt người khác, không xem tướng hoặc xấu, hoặc tốt của người, cũng không cùng người xem tướng sinh trưởng của nam nữ ở thế gian: tướng như vậy, sự việc như vậy, hoặc tốt hoặc xấu, cũng không sinh lòng yêu kính người nữ, thường sinh sống bằng chánh mạng, không sống tà mạng, xa lìa tất cả sự tranh đấu kiện tụng, không phá hoại chánh kiến, đầy đủ giới hạnh. Bồ-tát tự mình không làm các pháp ác và không khuyên người làm, luôn luôn xa lìa các tội lỗi.

Tu-bồ-đề! Nếu có đầy đủ các tướng như vậy thì đó là Đại Bồtát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát không thoái chuyển kia không bao giờ nói các chuyện tạp nhạp ở thế gian như là: không nói việc vua, không nói việc trộm cướp, không nói việc quân lính, không nói việc chiến trận, không nói việc xóm làng, thành ấp, đất nước; không nói việc cha mẹ, trai gái trong thân tộc; không nói việc vui thú như dạo vườn, xem rừng, ngắm cảnh ao hồ; không nói các việc về loài rồng, thần, Dạ-xoa, quỷ mị, phi nhân; không nói các việc ăn mặc, trang sức, hoa hương, anh lạc; không nói các việc ca múa, xướng hát, đùa cợt; không nói các việc cồn bãi, sông ngòi, biển lớn… và không nói các việc chúng sinh. Bồ-tát không nói các việc thế gian như vậy, mà chỉ thích nói các pháp tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa như: uẩn, xứ, giới…, thường không lìa Nhất thiết trí, tác ý như lý, thường thích chánh pháp, không thích phi pháp, ưa hòa giải sự tranh cãi, không ưa sự dèm pha, ưa gần gũi bạn lành, không thích bạn ác, ưa nói lời lợi ích, không nói lời vô nghĩa, thích sinh ở cõi Phật thanh tịnh khác, gần gũi chư Phật Như Lai để chiêm ngưỡng, lễ bái, cung kính, tôn trọng cúng dường, thường được thấy Phật không lúc nào rời.

Tu-bồ-đề! Nếu có đầy đủ các tướng như vậy thì đó là Đại Bồtát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nên biết, Đại Bồ-tát không thoái chuyển phần nhiều từ chư Thiên ở cõi Dục và cõi Sắc mạng chung mà sinh đến cõi Diêm-phù-đề. Nên biết, Bồ-tát ít sinh ở biên địa. Giả sử họ có sinh thì sinh ở nước lớn, hiểu rõ kinh sách, kỹ thuật, nghề nghiệp ở thế gian, không việc gì là không thông đạt.

Tu-bồ-đề! Nếu có đầy đủ các tướng như vậy thì đó là Đại Bồtát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát không thoái chuyển kia không tự nghi ngờ: Ta là bậc không thoái chuyển, hay ta chẳng phải là bậc không thoái chuyển. Bồ-tát đối với quả vị của mình ở trong pháp sở chứng, chắc chắn không nghi ngờ. Ví như bậc Tu-đà-hoàn ở trong quả vị của mình chứng đắc, chắc chắn không nghi ngờ.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát không thoái chuyển cũng lại như vậy, đã được an trụ vào pháp của mình chứng thì chắc chắn không thoái lui, cũng không sinh nghi ngờ, tùy theo ma sự thảy đều biết rõ, biết rồi không theo.

Tu-bồ-đề! Ví như có người tạo tội vô gián, thường sinh nghi ngờ sợ hãi cho đến chết, không thể xả bỏ tâm tội ấy. Đại Bồ-tát không thoái chuyển cũng lại như vậy, đã an trụ vào tánh không thoái chuyển thì ở trong pháp sở chứng của quả vị mình, quyết định kiên cố không thoái lui, không thể bị loài Trời, Người, A-tu-la trong thế gian làm lay động, tùy theo việc ma đều biết rõ, biết rồi không theo, cho đến chuyển thân cũng không còn nghi là trở lại phát tâm Thanh văn, Duyên giác, cho đến chuyển thân này không nghi là mình không đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì Bồ-tát đã được trí bất hoại, đã an trú tâm bất hoại.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu ma ác có hóa làm thân Phật, đến chỗ Bồ-tát nói như vầy: “Ông đã chứng quả A-la-hán, còn cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm gì? Vì sao? Vì những người cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đều có tướng Bồ-đề, còn ông không có tướng như vậy, cầu chỉ uổng công, rốt cuộc không thể được”, thì khi Bồ-tát ấy nghe nói như thế mà tâm bị lay chuyển, nên biết vị ấy trước đó chưa được sự thọ ký của Phật, Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, nên chưa thể an trụ tánh không thoái chuyển.

Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát nghe lời ấy mà tâm không bị lay động, nghĩ rằng: “Đây là tướng khác, chẳng phải lời Phật nói. Nếu lời Đức Phật nói thì đáng lẽ không có sự sai khác. Đây đều là bọn ma ác hóa làm thân Phật, đến trước ta nói lời như vậy, chúng muốn ta xa lìa Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.” Bồ-tát suy nghĩ như vậy, ma ác kia không tìm được chỗ sơ hở liền biến mất.

Tu-bồ-đề! Nên biết Bồ-tát ấy trước đó đã được Đức Như Lai thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên được an trú vào tánh không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát không thoái chuyển ấy nghĩ: “Ta vì Bồ-đề mà thường hộ trì chánh pháp của chư Phật quá khứ, hiện tại, vì chánh pháp mà chuyên cần thực hành hạnh tinh tấn, không tiếc thân mạng để gìn giữ chánh pháp. Đó là cung kính tôn trọng pháp thân chư Phật.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát không những giữ gìn chánh pháp chư Phật ở quá khứ, hiện tại mà còn hộ trì chánh pháp chư Phật đời vị lai. Vì sao? Vì Bồ-tát ấy suy nghĩ: “Ở số kiếp trong đời vị lai, ta cũng được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do đó, ta phải giữ gìn chánh pháp chư Phật đời vị lai, dù trải qua thời gian dài, ta không biếng nhác, cho đến không tiếc thân mạng và không thoái lui.”

Tu-bồ-đề! Nếu có đầy đủ các tướng như vậy thì đó là Đại Bồtát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát không thoái chuyển ấy được nghe Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác giảng nói chánh pháp, nghe rồi không nghi, không hối, phát sinh tin hiểu sâu xa.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát ấy chỉ nghe lời pháp của Phật, không nghi ngờ, hối tiếc; hay còn nghe các lời pháp khác cũng không nghi ngờ, hối tiếc?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đại Bồ-tát kia giả sử có nghe hàng Thanh văn nói các pháp cũng không nghi ngờ, hối tiếc. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát đã đắc pháp Nhẫn vô sinh nên đối với tất cả pháp đó lìa các sự nghi ngờ, hối tiếc, nhập vào tánh các pháp, an trụ vào pháp bình đẳng.

Tu-bồ-đề! Nếu có đầy đủ các tướng như vậy thì đó là Đại Bồtát không thoái chuyển.

Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát thành tựu các tướng như vậy, thì nên biết, Bồ-tát ấy được chư Phật hộ niệm và đã được các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác trước thọ ký, quyết định an trú kiên cố tánh không thoái chuyển. Vì sao? Vì ma ác làm ra các tướng lạ mà Bồ-tát thảy đều biết rõ các tướng lạ đó, biết rồi không theo, không bị các ma làm lay động.

Tu-bồ-đề! Vì những hiện tướng này, ông nên biết đó là Đại Bồ-tát không thoái chuyển.