SỐ 224
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư Chi-lâu-ca-sấm, người nước Nhục Chi.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 7

 Phẩm 17: THỦ KHÔNG

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật phải nhập không như thế nào? Thủ Tam-muội Không như thế nào? Đức Phật dạy:

–Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật phải quán sắc, thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức là không. Nhất tâm quán như thế thì chẳng thấy pháp. Như vậy chẳng thấy pháp thì ở trong pháp chẳng chứng đắc.

Tu-bồ-đề thưa:

–Đức Phật đã nói, chẳng ở trong không chứng đắc. Tại sao Bồtát trụ trong Tam-muội, ở trong không chẳng được chứng đắc?

Đức Phật dạy:

–Bồ-tát đầy đủ công đức quán niệm không chẳng được chứng đắc. Quán như thế thì chẳng chấp chứng đắc. Quán như thế là quán chỗ nhập. Vừa muốn hướng đến thì ngay lúc ấy chẳng chấp chứng đắc, chẳng nhập Tam-muội, tâm không chấp trước. Lúc ấy Bồ-tát chẳng đánh mất pháp Bồ-tát, chẳng chứng đắc Nê-hoàn giữa chừng. Vì sao? Vì bản nguyện xót thương cứu hộ hữu tình rất là tha thiết. Bồ-tát tự nghĩ: “Ta tuy đầy đủ công đức, nhưng lúc ấy ta không thủ chứng Nêhoàn.” Bồ-tát đắc Bát-nhã ba-la-mật đạt được công đức rất lớn và sức mạnh của trí tuệ, ví như người mạnh mẽ đẩy lui được quân địch, là người tuấn tú khỏe mạnh không việc gì không làm được, thông hiểu binh pháp, sáu mươi bốn môn quyền biến đều đã luyện tập, được mọi người kính ngưỡng. Người đó đi đến đâu mọi người đều được bảo hộ, thu hoạch được lợi lạc nào cũng chia sớt cho mọi người, trong lòng người ấy hoan hỷ. Nếu có việc cùng đi với cha mẹ, vợ con ngang qua đường hiểm nguy, ách nạn thì bảo vệ cha mẹ yên ổn và nói với vợ con: “Đừng sợ, chúng ta sẽ ra khỏi chốn hiểm nạn này.” Ra khỏi được rồi, đưa cha mẹ, vợ con về quê, chẳng gặp hạng côn đồ hung dữ, đến nhà ai nấy đều vui mừng. Vì sao? Vì người ấy mạnh mẽ và có trí tuệ sáng suốt.

Bồ-tát ấy thực hiện lòng thương yêu rộng lớn, nghĩ đến hữu tình khắp cả mười phương, lúc đó đem lòng thương yêu ban cho mọi người. Bồ-tát ấy đã vượt qua quả vị A-la-hán, Bích-chiphật, trụ trong Tam-muội, xót thương hữu tình mà không thấy có hữu tình được độ, ở trong pháp ấy cũng chẳng thủ chứng Nê-hoàn, nhập vào không một cách sâu xa mà chẳng thành A-la-hán. Lúc Bồ-tát tu hành như thế tức là hành Tam-muội Không, không có ý tưởng hướng đến cửa Nê-hoàn, chẳng nhập vào không để thủ chứng Nêhoàn. Ví như chim bay trong hư không chẳng có trở ngại. Bồ-tát tu hành thì muốn hướng đến không, đến không rồi thì hướng đến vô tưởng. Nhưng chẳng lọt vào Không, chẳng lọt vào vô tưởng thì sẽ đầy đủ các pháp của Phật.

Ví như người bắn mũi tên vào không trung, mũi tên trước còn ở trên không, mũi tên sau trúng mũi tên trước, cứ như thế bắn mãi, mũi tên sau cứ trúng mũi tên trước. Người bắn tên muốn mũi tên trước rơi thì nó mới được rơi. Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật được phương tiện thiện xảo hộ trì, từ quả vị của mình chẳng ở giữa chừng thủ chứng Nê-hoàn để bị rơi vào quả vị A-la-hán, Bích-chi-phật, đem công đức này hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, công đức đầy đủ thì được thành Phật. Bồ-tát quán niệm theo lời dạy trong kinh, chẳng giữa chừng thủ chứng Nê-hoàn.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bồ-tát chịu cực khổ học như thế thì chẳng giữa chừng thủ chứng Nê-hoàn!

Đức Phật dạy:

–Bồ-tát ấy vì bảo hộ hữu tình giữ gìn Tam-muội Không hướng đến cửa Nê-hoàn nên tâm niệm phân biệt. Thế nào là phân biệt? Thủ Tam-muội Không, Tam-muội Vô tướng, Tammuội Vô nguyện chính là phân biệt phương tiện thiện xảo khiến Bồ-tát ấy chẳng giữa chừng thủ chứng Nê-hoàn. Vì sao? Vì được phương tiện thiện xảo hộ trì, cho nên tâm nghĩ đến tất cả hữu tình. Vì mang ý niệm này nên đắc phương tiện thiện xảo chẳng ở giữa chừng thủ chứng Nê-hoàn. Nếu Bồ-tát quán sâu vào việc thủ Tam-muội Không hướng đến cửa Nêhoàn, Tam-muội Vô tướng hướng đến cửa Nêhoàn, Tam-muội Vô nguyện hướng đến cửa Nê-hoàn, thì Bồ-tát phân biệt biết được người lâu nay do nhân duyên ở trong tưởng mà cầu đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bồ-tát vì họ thuyết kinh thì phải làm cho họ bỏ cái nhân duyên ấy mà thủ Tammuội Không, thủ Tam-muội Vô tướng, giữ gìn Tam-muội Vô nguyện hướng đến cửa Nê-hoàn mà không ở giữa chừng thủ chứng. Bồ-tát nghĩ như vậy, nhưng mọi người từ lâu cứ tưởng rằng có thường, có an vui (lạc) có thân (ngã) có tốt đẹp (tịnh), rồi họ căn cứ vào ngã để hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì họ nên Bồ-tát thuyết kinh để khiến cho họ đoạn trừ các tưởng về thường, lạc, ngã, tịnh.

Cầu đoạn cái gì? Cái thường này là vô thường, cái lạc này đều là khổ, cái thân (ngã) này là phi thân (vô ngã), cái tốt đẹp (tịnh) này đều là nhơ xấu (bất tịnh). Bồ-tát thầm nghĩ: “Vì đắc được phương tiện thiện xảo thủ Không, thủ Vô tướng, thủ Tam-muội Vô nguyện hướng đến cửa Nê-hoàn mà không giữa chừng thủ chứng. Nếu có Bồ-tát tâm nghĩ rằng người ở thế gian từ trước đến nay cầu nhân duyên, cầu tưởng, cầu dục tưởng, cầu tụ tưởng, cầu không tưởng. Cầu các tưởng đó đều hiện tại thì Bồ-tát nói:

–Ta nhất thiết muốn khiến cho thế gian không có như vậy”. Vì nghĩ đến người ở thế gian như vậy cho nên được phương tiện thiện xảo. Pháp ấy quán phạm vi của không, tướng, nguyện, thức, vô sở tùng sinh (không sinh). Bồ-tát ấy chẳng giữa chừng thủ chứng. Phải biết như thế về pháp.

Bồ-tát cầu Bát-nhã ba-la-mật như thế nào? Phải hiểu rằng tu pháp ấy thì tâm phải cầu các duyên nào? Và tâm phải nhập như thế nào? Thủ Tam-muội Không, thủ Tam-muội Vô tướng, thủ Tam-muội Vô nguyện hướng đến cửa Nê-hoàn đều không giữa chừng thủ chứng. Thủ Tam-muội Vô thức, thủ Tam-muội Vô sở tùng sinh (không sinh) thì Bồ-tát ấy chẳng được thọ ký. Thủ Tam-muội Không, Tam-muội Vô tướng, Tam-muội Vô nguyện, Tam-muội Vô thức, Tam-muội Vô sở tùng sinh, Bồ-tát nghĩ về các Tam-muội đó, có người đến hỏi mà Bồ-tát ấy chẳng tức thời đem tấm lòng không thể kể vì họ giảng giải thì biết Bồ-tát ấy chẳng phải là Bồ-tát không thoái chuyển. Vì sao? Vì tâm của Bồ-tát không thoái chuyển thì biết được nhiều vô số. Qua sự so sánh ấy, thấy công hạnh của Bồ-tát ấy chẳng đầy đủ thì biết vị Bồ-tát ấy chưa được không thoái chuyển.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Nếu Bồ-tát có khả năng giảng giải đáp lại những điều ấy thì đó là Bồ-tát không thoái chuyển?

Đức Phật dạy:

–Bồ-tát nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu hoặc chẳng nghe mà vẫn có thể giảng giải thì đó là Bồ-tát không thoái chuyển.

Tu-bồ-đề thưa:

–Có biết bao nhiêu người cầu đạo Bồ-tát nhưng ít có người có khả năng giảng giải?

Đức Phật dạy:

–Người có khả năng giảng giải là người đã được thọ ký, đã ở trong công đức ấy, là người hiểu biết giáo pháp một cách sâu sắc mà các vị A-la-hán, Bích-chi-phật không thể sánh bằng, chư Thiên, Nhân, A-tu-luân, Long, Quỷ, Thần không thể sánh bằng, đó chính là tướng trạng của không thoái chuyển.