SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 17

Phẩm 17: TẠP (Phần 1)

Thường nghĩ tự giác ngộ

Cẩn thận, chớ tổn hạnh

Hành yếu tu cũng an

Chớ tạo nghiệp thọ báo.

Thường nghĩ tự giác ngộ: Hễ người làm việc gì thì trước hết bên trong phải suy nghĩ, so lường thật kỹ.

Khéo nghĩ rồi thực hành

Cẩn thận, chớ mất mình

Người nghĩ không mất mình

Mất mình thì đau khổ.

Cho nên nói: Phải suy nghĩ tự giác.

Cẩn thận, chớ để tổn hại hạnh tu của mình: Hễ người ta làm việc gì, khi sự việc đã xong thì lại biếng nhác, không xét đến lẽ phải, không để tâm suy nghĩ. Hoặc lúc tụng đọc cũng không thong suốt, đến khi thi cử thì bỏ chúng trốn mất. Ấy là làm hại cho sự học.

Còn người tu thiền mà tâm không trụ định, rong ruổi theo muôn mối như khỉ vượn vừa buông cành này thì bắt cành kia, đối với luật pháp của bậc Thánh hiền là phạm lỗi rất lớn, cho nên bậc đạt đạo trước thì phải dạy bảo cho người học sau. Khiến cuối cùng họ được đạt đạo, không để cho luống uổng, cho nên nói: Cẩn thận, chớ để mất mình.

Người nghĩ không mất mình: Như người mỗi ngày đọc mười ngàn mà hiểu nghĩa đến một trăm ngàn. Ngày đêm đọc tụng không sót mất câu văn trên dưới, mỗi câu đều rõ ràng, lý không xa nghĩa vào sự vắng lặng của thiền, dù trời long đất lở đi nữa với muon tiếng động vang rền cũng không lay động được tâm người ấy, cho nên nói: Người nghĩ không mất mình.

Mất mình thì đau khổ: Hạnh không chuyên nhất lại khởi tâm ganh tị nên tự rơi xuống vực thẳm. Tất cả đều do việc làm không chân chính, cho nên nói: Mất mình thì đau khổ.

——————-

Người biết cách làm ăn

Thì được nhiều tài sản.

Người tự quán nghĩa ấy

Thì ý đạt kết quả.

Người biết cách làm ăn: Người đời phải rong ruổi khắp nơi, vội vội vàng vàng để nuôi mạng sống nên họ ham mê tiền của.

Các thầy Tỳ-kheo cũng tìm cách đọc tụng Khế kinh, Luật, A-tỳđàm và các Tạp tạng. Thầy Tỳ-kheo tu hạnh ngồi thiền nhập vào thiền định đến chỗ vi tế trong bảy ngày, bốn mươi chín ngày không mất thứ lớp, thì với tài sản giáo pháp chẳng những đã được công đức mà còn tăng thêm ích lợi cho hạnh tu. Cho nên nói: Người biết cách làm ăn thì được nhiều tài sản.

Người tự quán nghĩa ấy, thì ý đạt kết quả: Người đời suy nghĩ, ai là người giàu có, của cải chất chứa, tùy sở thích mà tiêu xài của báu. Còn người học đạo thì lìa bỏ vợ con, không màng vinh hiển, tự biết công đức đầy đủ, biết rành mạch nghĩa lý, ai hỏi đều trả lời được. Người tu thiền lại tự quán thấy thiền định vắng lặng, đạt sáu thứ thần thông, bay lên hư không, hiện mười tám thứ thần biến, hiện ra hay ẩn mất đều tự tại, khiến cho người không tin đạo, thấy vậy sinh lòng tin và khi đã tin thì người ấy tinh tấn không lui sụt.

Cho nên nói: Người tự quán nghĩa ấy, thì ý đạt kết quả.

——————

Ngồi đứng đều tìm cách

Để tự được định sáng

Như thợ luyện vàng ròng

Loại bỏ cặn lắng bẩn

Không bị chất dơ bám

Lìa hẳn nạn già chết.

Ngồi đứng đều tìm cách để tự được định sáng: Ngồi đứng là đối với các nghi ngờ, kết sử, người này lười biếng, không xét nghiệp mình. Người lười biếng tuy nói đứng dậy nhưng không khác kẻ ngồi. Trái lại, người tinh tấn dù nói nằm ngồi, nhưng không khác với người đứng. Cho nên nói: Ngồi đứng đều tìm cách để tự được định sáng. Thường phải chuyên ý tìm đèn sáng thì ánh sang chiếu không bao giờ cùng tận, không chỗ nào không soi đến, cho nên nói: Tìm đèn sáng là vậy.

Như thợ luyện vàng ròng, loại bỏ cặn lắng bẩn: Trong đại chúng thì thầy hay thợ giỏi đều tập trung ở đó cả. Như vật nhơ bị bụi bám bên ngoài, nếu không được lau sạch thì nó càng nhơ bẩn.

Tâm ý con người cũng như vậy, bị bụi nhơ dâm, nộ, si bám bẩn, nếu không có ánh sáng tinh tấn thì không thể chiếu soi, cho nên nói: Như thợ luyện vàng ròng, loại bỏ cặn lắng bẩn.

Không bị chất dơ bám, lìa hẳn nạn già chết: Người tu hành đã rửa sạch bụi trần, không còn các kết sử. Không bao giờ còn bị sinh khuất phục, không còn bị cái già làm khốn đốn. Không bị vô thường mời gọi, cho nên nói: Không bị chất dơ bám, lìa hẳn nạn già chết.

Không đáng thẹn lại thẹn

Đáng thẹn lại không thẹn,

Không đáng sợ lại sợ

Đáng sợ lại không sợ

Sinh ra các tà kiến

Chết đọa vào địa ngục.

Không đáng thẹn lại thẹn: Như người lớn tuổi mới xuất gia tu hành không chịu nghe lời thầy Tỳ-kheo nhỏ tuổi dạy bảo. Khi các thầy Tỳ-kheo trẻ tuổi giảng dạy giáo pháp tùy thuận thì các vị lớn tuổi xấu hổ, tự nghĩ: “Bị mấy ông Tỳ-kheo trẻ tuổi dạy bảo mắc cỡ quá, không biết trốn đi đâu”. Việc này, lẽ ra không có gì xấu hổ mà lại cho là xấu hổ, cho nên nói: Không đáng thẹn lại thẹn.

Việc đáng thẹn lại không thẹn: Người tu hành không tụng tập khế kinh, luật, A-tỳ-đàm và các tạp tạng, luống thọ của tín thí y phục, thức ăn, thuốc trị bệnh, giường chõng, đồ nằm, cho nên nói:

Đáng thẹn lại không thẹn.

Không đáng sợ lại sợ: Nê-hoàn dứt hết phiền não, vắng lặng vô vi, người này lại đi sợ Niết-bàn, không tha thiết thực hành.

Trong Nê-hoàn, không có sinh, không có bệnh, không có già, không có chết, cũng không có cõi trời, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, thế mà lại sợ Nê-hoàn như đã nói. Kẻ phàm phu chưa từng nghe rằng: Vốn không, hiện tại không, quá khứ không, tương lai không, cũng không có lo sợ hay an ổn, cũng không có mọi khổ não, mọi biến đổi, xa lìa tất cả hoạn nạn. Thế mà lại sợ những điều ấy, cho nên nói: Không đáng sợ lại sợ.

Đáng sợ lại không sợ: Năm đường sinh tử, dâm, nộ, si lẫy lừng, bị lửa thiêu dốt, dần dần tăng thêm sinh, già, bệnh, chết, buồn lo khổ não không thể kể hết. Chẳng những không sợ mà còn tham đắm ba cõi, cho nên nói cái đáng sợ lại không sợ là vậy.

Sinh ra các tà kiến: Tà kiến là việc đáng thẹn mà không thẹn, việc không đáng thẹn mà lại thẹn, việc đáng sợ mà lại không sợ, việc không đáng sợ mà lại sợ, tất cả những việc ấy đều gọi là tà kiến. Gây ra nghiệp tà kiến nghĩa là khi sống làm những việc tà kiến thì khi chết bị đọa vào đường ác. Ai gây ra nhiều tội lỗi thì vào đường ác, ai gây tội vừa thì vào súc sinh, ai gây tội ít thì vào ngạ quỷ, cho nên nói: Sinh ra các tà kiến, chết đọa vào địa ngục.

——————

Người trước phạm lỗi

Sau, chừa, không phạm

Là soi thế gian

Như trăng tan mây.

Thuở xưa, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc thành Xá-vệ. Lúc bấy giờ, cách ranh giới nước Xá vệ không xa, có người con Phạm chí tên là Vô Hại. Anh này thường theo thầy, bạn học kinh điển của Phạm chí. Thầy mà anh đang thờ phụng là một vị trưởng lão lớn tuổi, tu hành lâu năm. Tuy đã hơn tám mươi tuổi nhưng ông lại cưới một cô vợ trẻ tuổi dung mạo xinh đẹp, việc đi đứng, nói năng của cô đều trang nhã. Chàng Phạm chí Vô Hại cũng là một trượng phu khôi ngôi, dung mạo không ai sánh bằng. Lúc bấy giờ, cô vợ trẻ của ông Phạm chí tâm dâm dục lẫy lừng, cô nắm lấy tay anh Vô Hại bảo:

–Tôi rất kính mến đức độ của chàng, muốn giao tình với chàng có được chăng?

Vừa nghe nói, Vô Hại lấy tay bịt lỗ tai mà nói:

–Ta thà bỏ mạng chứ không dám nghe những lời ấy.

Cô gái nọ ví von:

–Như kẻ đang đói khát được người khác cho thức uống ăn chẳng lẽ không phải là buồn ngủ gặp chiếu manh sao? Hiện giờ lửa dâm của tôi đang bừng cháy, xin chàng dùng nước dâm dập tắt, thật là thỏa lòng tôi lắm. Nếu chàng từ chối làm tôi ức lòng mà chết thì chàng học kinh điển mà làm gì?

Vô Hại đáp:

–Thôi đi! Theo ý mẹ trái phạm pháp Phạm chí, chết đọa vào địa ngục, chẳng lẽ tôi nghe theo sao?

Vô Hại liền bỏ chạy ra ngoài cửa. Bấy giờ vợ của Phạm chí vò đầu cho tóc rối, bôi đất cát vào mình, xé nát y phục, ngồi dưới đất gào khóc. Trưởng giả Phạm chí đi về thấy vậy hỏi vợ:

–Ai đã đánh đập nàng ra nông nỗi này?

Cô vợ đáp:

–Phạm chí là đệ tử thân tín của ông.

Phạm chí nghe vậy trong tâm suy nghĩ: “Bây giờ ta không nên để lộ chuyện này, nếu nó nghe sẽ hại ta. Vậy phải dùng quyền nghi khéo léo để dụ nó, làm cho nó tự giết mạng sống của nó”.

Nghĩ rồi, trưởng giả Phạm chí liền gọi Vô Hại đến bảo:

–Từ trước đến nay chú thuật mà con đã học đều đã đầy đủ, không thiếu sót gì. Vậy con hãy chọn ngày lành cúng tế các thần chú, sau đó ra đi, tay trái cầm thuẫn, tay phải cầm kiếm, đến những con đường trọng yếu nguy hiểm, gặp người thì giết chết. Khi nào đủ một ngàn người, chặt lấy một ngàn lóng tay, xỏ thành xâu, thì

chú được thành.

Bấy giờ, ác ma sai quỷ Cưu-bàn-trà bảo vệ người ấy giúp đỡ trong việc làm ác. Phạm chí cắt đứt con đường mọi người qua lại,

không còn ai dám đi qua nơi ấy nữa, rồi dần dần đến vườn Xà-lêvi-ni. Dân chúng, gò nổng, đến cả nước đều bị tai họa ấy.

Lúc ấy, Phạm chí còn thiếu một lóng tay nữa là đủ số.

Bà mẹ của Vô Hại suy nghĩ: “Từ lâu, con ta ở chốn đồng ruộng, chắc chắn nó phải chịu đói lạnh gian khổ”. Rồi bà đem đồ ăn đến khu vườn nọ. Thấy mẹ từ xa đang đến, Vô Hại liền nghĩ:

“Ta nghe lời thầy dạy, phải làm xong tràng hoa bằng lóng tay, nhưng nay còn thiếu một lóng tay mới đủ số. Nay gặp dịp mẹ ta đem đồ ăn đến. Nếu ta ăn cơm trước thì chú thuật không thành, còn nếu ta giết mẹ trước thì phạm năm tội nghịch”.

Vô Hại là người đáng được Phật độ. Như Lai là Bậc Ba Đạt, Ngài nhìn thấy chàng Vô hại khởi tâm ngũ nghịch, chắc chắn sẽ giết mẹ, không nghi ngờ gì nữa. Nếu phạm tội ấy thì dù có mười muôn Phật cũng không cứu nổi, vậy giờ đây Ta phải cứu vớt khổ ấy khiến mạng sống hai mẹ con toàn vẹn, không là điều tốt sao?

Đức Phật liền hóa thành một thầy Tỳ-kheo, tay ôm bình bát, ngó xuống đất mà đi. Đức Phật theo con đường tắt đi đến khu vườn nọ.

Lúc ấy người đi đường và bọn chăn trâu lên tiếng bảo:

–Xin đứng lại, thầy Sa-môn ơi, chớ đi lối đó! Phía trước đó có tên cướp hung dữ tên là Chỉ Man (Tràng hoa bằng lóng tay). Từ lâu nay, hắn đã giết không biết bao nhiêu người. Bọn tôi né tránh, không dám léo hánh tới đó. Thầy là bậc Sa-môn một mình yếu đuối, bị hắn giết chết thì thật là đáng thương lắm.

Vị hóa nhân bảo:

–Xin chớ lo! Tên cướp ấy không giết được Ta, bởi Ta có cấm chú, đủ khả năng chế ngự hắn, khiến hắn không hại Ta được.

Nói xong, vị hóa nhân liền đi về phía trước để tới khu vườn. Chỉ Man từ xa trông thấy có vị Tỳ-kheo đi đến. Anh ta vui mừng hớn hở không kiềm chế được, thầm nghĩ: “Nguyện ước của ta được kết quả, sẽ hoàn thành tràng hoa bằng lóng tay mà không phải giết mẹ, chú thuật hoàn thành, ta tạm thời khoan nghĩ đến mẹ và thức ăn. Ta hãy giết thầy Tỳ-kheo kia, rồi hãy ăn.” Nghĩ xong, anh ta tay cầm dao, tay cầm thuẫn, đi ngược về hướng thầy Tỳ-kheo.

Vô Hại vốn là một tráng sĩ. Anh ta chạy thật nhanh như ngựa phi về hướng Đức Phật. Đức Phật dùng năng lực thần thông khiến Vô Hại đứng tại chỗ. Mặt đất dưới chân Phật như kéo dài ra khiến Vô Hại mệt nhọc vẫn không đuổi kịp Phật. Chỉ Man cất tiếng gọi:

–Hỡi thầy Sa-môn, đứng lại, đứng lại! Tôi muốn hỏi việc.

Vị Tỳ-kheo trả lời:

–Ta đã đứng lại lâu rồi, sao nhà ngươi không đứng lại?

Lúc ấy Chỉ Man hỏi thầy Tỳ-kheo bằng lời kệ:

Sa-môn đi sao nói đứng?

Ta đứng lại nói không đứng?

Sa-môn nên nói nghĩa ấy

Sao thầy đứng, tôi không đứng?

Đức Phật lại dùng bài kệ trả lời:

Chỉ Man, Ta đã đứng

Ta không hại mọi người

Còn ngươi kẻ hung bạo

Sao không sửa tội lỗi?

Nói rộng, như các bài kệ trong Khế kinh. Lúc bấy giờ Chỉ Man liền lấy kiếm, thuẫn để trên đầu mình và vất trang hoa bằng lóng tay kia xuống vực sâu, chắp tay hướng về Như Lai sám hối.

Anh lại dùng kệ khen ngợi Phật.

 

QUYỂN 18

Phẩm 17: TẠP (Phần 2)

Quy y Bậc Đại Thánh

Muốn thấy bậc Sa-môn

Giờ con muốn hối lỗi

Tội đã gây lâu nay.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn hiện lại sắc tướng oai thần chói sáng. Ngài cầm tay Chỉ Man dẫn về tinh xá Kỳ hoàn, bảo các Tỳkheo:

–Các thầy hãy độ cho Chỉ Man này thành Tỳ-kheo.

Như lời Phật dạy, Chỉ Man được độ thành một Đạo nhân.

Sáng hôm sau, thầy đắp y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực.

Lúc bấy giờ, trong cổng thành có một thớt voi cái mang thai sắp sinh, nhưng chưa biết khi nào mới sinh. Khi trông thấy thầy Sa-môn từ xa đến, người chủ voi liền ra đón rước và nói:

–Nếu thầy giúp con voi sinh được ngay bây giờ thì được vào thành khất thực, bằng không có khả năng giúp voi sinh thì không được vào thành khất thực.

Thầy Tỳ-kheo đáp:

–Tôi trước không tụng câu chú cho việc này. Xin ông đợi một chút, tôi về chỗ Đức Thế Tôn học thuộc bài chú, rồi trở lại đây mà đọc thần chú giúp con voi sinh nở.

Lúc ấy Tỳ-kheo Chỉ Man liền về ngay chỗ Phật, đầu mặt lạy dưới chân Phật, bạch:

–Bạch Đức Thế Tôn, khi nãy, con vào thành khất thực gặp trong cổng thành có một con voi cái sắp sinh, người chủ voi muốn con đọc chú giúp sức cho voi được sinh, sau đó mới được đi khất thực. Cúi mong Thế Tôn dạy cho con bài chú ấy, giúp con voi sinh, để con được đi khất thực.

Đức Phật bảo Chỉ Man:

–Thầy hãy đến đó dùng lời này mà chú nguyện rằng: Giờ đây, tôi chí thành chú nguyện: “Từ khi sinh ra đến giờ, tôi chưa hề sát sinh”. Nghe lời chí thành này, con voi sẽ sinh ngay, không nhờ nguyên nhân nào khác.

Lúc bấy giờ Ương-quật-ma học lời chú ấy với Phật, liền đến chú nguyện cho voi, voi sinh con được an ổn. Lúc ấy, mọi người đều khen ngợi:

–Tốt đẹp thay! Thật là chuyện lạ lùng nhất trên đời này. Ông

Chỉ Man này, từ trước đến giờ giết người nhiều không kể xiết, thế mà ngày nay lại tự chú nguyện rằng: Từ khi sinh ra đến giờ, tôi không sát sinh. Nghe lời chí thành này, khiến voi sinh ngay, không nhờ nguyên nhân nào khác…

Thầy liền được vào thành, dân chúng trong các hang cùng ngõ hẻm trông thấy Chỉ Man đến, trong số những người ấy, hoặc có người mà cha mẹ, anh em, vợ con họ bị Chỉ Man sát hại. Họ đều chạy đến trả thù, hoặc cầm dao gậy, ngói đá đánh đập Chỉ Man nhừ tử, khiến đầu thầy chảy máu, thân thể đầy thương tích, y rách, bát vỡ. Thầy vội bước nhanh ra khỏi thành, hoàn toàn không xin được món gì. Thầy về chỗ Đức Thế Tôn, trán lạy sát chân Phật rồi trình bày việc ấy. Đức Phật biết lý do tại sao Chỉ Man phải chịu quả báo đến mau quá vậy. Đức Thế Tôn bèn từ từ nói pháp cho nghe, ngay tại chỗ ngồi Chỉ Man chứng quả Tu-đà-hoàn, cho đến quả A-la-hán, đầy đủ sáu thứ thần thông.

Lúc bấy giờ vua Ba-tư-nặc liền nhóm họp bốn thứ binh: Binh ngựa, binh xe, binh voi, binh bộ, để tiến đánh Ương-quật-ma-la ở khu vườn kia. Nhưng vừa ra khỏi thành Xá-vệ thì vua nghe người đi đường bảo nhau:

–Tên cướp nguy hiểm Ương-quật-ma-la kia đã xuất gia theo giáo pháp Như Lai và được làm Tỳ-kheo rồi.

Vua ra lệnh ngừng binh và vào ngay tinh xá Kỳ hoàn để ra mắt Đức Thế Tôn.

Lúc ấy Đức Phật biết nhà vua đang tới, Ngài liền dùng thần lực che khuất Ương-quật-ma-la, không để hiển lộ. Vua Ba-tư-nặc đến chỗ Đức Thế Tôn, trán lạy dưới chân Ngài rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn biết nhưng vẫn hỏi nhà vua:

–Đại vương trang bị đầy đủ chiến cụ, nhóm họp bốn thứ binh định đi đâu?

Nhà vua bạch Đức Phật:

–Trong nước có tên cướp Ương-quật-ma-la, y chiếm cứ nơi hiểm yếu, làm giặc bạo ngược vô đạo nên con nhóm họp bốn binh chúng định đi tiêu diệt hắn. Nhưng đi dọc đường, con nghe người ta bảo Ương-quật-ma-la đã được Như Lai giáo hóa, được xuất gia.

Chẳng hay người ấy hiện giờ ở đâu?

Đức Phật biết ý vua, Ngài liền thu về thần túc để vua trông thấy Ương-quật-ma-la. Vừa trông thấy, vua sợ hãi té nhào xuống đất. Các quan đỡ vua dậy, rảy nước cho vua tỉnh.

Đức Phật bảo vua:

–Đại vương may mắn chỉ gặp sợ hãi nhỏ! Người kia, giờ đã chứng quả A-la-hán rồi. Nếu vua đến khu vườn ấy mà gặp hình thù trước đây của anh ta, cổ đeo tràng hoa kết bằng lóng tay, mình mẩy dính máu me, tay cầm gươm bén, mặt mày hung ác, thì ngay khi thấy tim gan đại vương sẽ vỡ nát mà chết ngay.

Nhà vua bạch Đức Phật:

–Ngày nay, Đức Như Lai hàng phục người chưa được hang phục, hóa độ người chưa được độ. Bạch Đức Thế Tôn, con người ấy từng giết vô số mạng người, nhưng tại sao lại chứng quả A-la-hán được?

Đức Phật nói:

–Vô khổ hạnh, có trước sau, có chín muồi, chưa chín muồi, có khởi đầu có chung cuộc.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn quán sát nhân duyên đời trước, Ngài bèn nói bài kệ này giữa đại chúng:

Người trước làm ác

Dùng lành dập tắt

Soi sáng thế gian

Mây tan trăng sáng.

Người trước làm ác, dùng lành dập tắt: Như chàng Chỉ Man kia, giết hại vô số ngàn người, nhờ tám phẩm đạo của Hiền thánh diệt trừ tội kia, các điều ác đã sạch hết, hoàn toàn không còn gốc rễ, được rốt ráo thanh tịnh, được pháp không còn sinh khởi, cho nên nói: Người mà trước đây làm ác, thì nay lấy pháp lành dập tắt tội kia.

Soi sáng thế gian, mây tan trăng sáng: Thế gian có ba nghĩa:

  1. Chúng sinh thế gian.
  2. Khí thế gian.
  3. Ấm thế gian.

Như trăng mùa thu với muôn sao vây quanh, trong đó chỉ có vầng trăng chiếu sáng xa gần, như thầy Tỳ-kheo gây nhiều tội ác, nay các điều ác đã hết, tu hành thanh tịnh, có khả năng cứu giúp rộng lớn đối với đại chúng, cho nên nói: Người đó soi sang cõi thế gian, như mây tan trăng sáng.

——————

Người trước làm ác

Dùng lành dập tắt

Ưa đắm thế gian

Hãy nhớ nghĩa Không.

Người trước làm ác, dùng lành dập tắt: Làm việc ác đều do ưa đắm. Vợ của Phạm chí làm việc ác đối với Vô Hại đều do tâm tham ái, cho nên nói: Người trước làm ác, dùng lành dập tắt.

Ưa đắm thế gian, hãy nhớ nghĩa Không: Tâm tham ái sâu dày vững chắc, trôi lăn trong ba cõi, chịu bốn cách sinh, đi vào năm đường, đều do ưa mến đắm đuối, không thể rời bỏ. Người tu hành phân biệt biết rõ hư vọng, không chân thật, tất cả đều vắng lặng, không đáng nương cậy, cho nên nói: Ưa đắm thế gian, hãy nhớ nghĩa Không.

——————

Tuổi trẻ bỏ nhà

Siêng tu pháp Phật

Soi sáng thế gian

Mây tan trăng sáng.

Trong khế kinh của Phật, có thí dụ về người nài voi. Khi ấy, người nài voi, dạy đám voi con: “Nếu ham vui nơi đồng trống, không bị ai kiềm chế, thì phải chết nơi đồng trống ấy”. Lại có đám voi lớn tuổi hơn, không bị kiềm chế, về sau cũng chết trên cánh đồng ấy. Các Tỳ-kheo trẻ tuổi cũng giống như vậy, không được dạy bảo nên phải bỏ mạng. Hạng Tỳ-kheo trưởng lão, không được dạy bảo nên phải bỏ mạng. Các thầy Tỳ-kheo nên biết ở đây cũng như vậy.

Voi mới lớn được huấn luyện rồi chết, đám voi lớn tuổi hơn được huấn luyện rồi chết. Tỳ-kheo tuổi trẻ được dạy bảo rồi chết.

Tỳ-kheo trưởng lão được dạy bảo, chứng được pháp Thánh hiền rồi chết.

Tỳ-kheo tuổi trẻ hăng hái tu pháp Phật, không chút thiếu sót lỗi lầm, đầy đủ Phật pháp. Thế nào là đầy đủ? Là vượt thứ lớp mà chứng quả Vô thượng, cho nên nói: Tuổi trẻ bỏ nhà, hăng hái tu pháp Phật.

Soi sáng thế gian, mây tan trăng sáng: Như trăng mùa thu soi khắp xa gần.

———————

Tuổi trẻ bỏ nhà

Siêng tu pháp Phật

Ưa đắm thế gian

Hãy nhớ nghĩa Không.

Tuổi trẻ bỏ nhà: Người dứt bỏ tham dục, ưa đắm được các Trời, A-tu-luân cung kính hầu hạ, các Da-lưu-la, Càn-đạp-hòa đều đến thờ phụng, cúng dường, cho nên nói: Ưa đắm thế gian, hãy nhớ nghĩa Không.

—————–

Sống không gây phiền

Chết không buồn lo

Thấy đạo, mạnh mẽ

Được vậy lo gì.

Sống không gây phiền, chết không buồn lo: Từ khi sinh ra đến giờ, không sát sinh, trộm cắp, dâm dật, không phạm mọi điều tà, khi sắp chết, thần thức lắng trong, không kinh sợ, cũng không thấy địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Không thấy ác quỷ, chỉ thấy các điều lành, cho nên nói: Sống không gây phiền, chết không buồn lo.

Thấy đạo, mạnh mẽ, được vậy lo gì: Người thấy đế kia đã thoát khỏi năm nạn, dù sống trong cảnh lo buồn nhưng vẫn an nhiên vô vi, cũng không buồn than, kêu khóc, sinh ra các khổ não, cho nên nói: Thấy đạo, mạnh mẽ, được vậy lo gì.

———————-

Sống không gây phiền

Chết không buồn lo

Thấy đạo, mạnh mẽ

Sáng soi bà con.

Sống không gây phiền, chết không buồn lo: Từ khi sinh ra đến giờ, không làm mọi chuyện ác vì cha mẹ, anh em, bà con họ hàng, cho nên nói: Sáng soi bà con.

———————

Dứt pháp nhơ tối

Học pháp sạch trong

Qua vực, không lui

Không nương, ngăn dứt

Không còn đắm vui

Dứt dục, không lo.

Dứt pháp nhơ tối, thế nào là pháp nhơ tối?

Đáp: Tất cả các kết sử trói buộc, bụi nhơ, tất cả các pháp bất thiện, pháp lui sụt. Các thứ đắm nhiễm sinh tử sẽ dứt, đã dứt, dứt hẳn, cho nên nói: Dứt pháp nhơ tối.

Học pháp sạch trong: Thế nào là pháp sạch trong?

Đáp: Là ngừng ý, dứt ý, năm căn, năm lực, thần túc, bảy giác ý, tám chánh đạo, ba mươi bảy phẩm. Nếu có pháp nào lìa sinh tử, được ra khỏi ba cõi cũng gọi là pháp sạch trong. Cho nên nói: Học pháp sạch trong.

Qua vực, không lui: Vì sao gọi là vực? Gọi vực là vì nó làm cho người ta trôi lăn trong ba cõi, sinh tử thêm nhiều. Bởi vực sâu này mà trôi lăn mãi trong vòng sinh tử không biết bao nhiêu lần, đọa trong ba đường tám nạn, cho nên Đức Thế Tôn dạy: “Cần phải thoát khỏi bốn vực sâu mà cầu đạo Vô thượng”. Cho nên nói: Qua vực, không lui.

Không nương, ngăn dứt: Thế nào là nương cậy? Nương cậy là nương pháp tham dục, bất thiện. Thế nên, Như Lai bảo: “Bỏ nương cậy, không dính mắc, mới gọi là tu hành chân chính”. Cho nên nói:

Không nương, ngăn dứt.

Không còn đắm vui: Không đắm nhiễm năm thứ dục lạc, gần gũi pháp luật Thánh hiền, không bao giờ lìa bỏ, cho nên nói:Không còn đắm vui.

Dứt dục, không lo: Người ta không đạt được vô vi đều do có tâm tham dục, đắm nhiễm nữ sắc, sinh tâm nhớ nhung sắc đẹp kia với tóc, lông, móng tay, răng, tròn trịa đẹp đẽ. Người tu hành phải giữ tâm, dứt bỏ ý nghĩ ấy, dục tưởng liền dứt, không còn lẫy lừng, cho nên nói: Dứt dục không lo.

——————–

Ý ái dục là ruộng

Dâm, nộ, si: hạt giống

Ai làm việc cứu đời

Được phước không thể lường.

Ý ái dục là ruộng: Thí như ruộng cằn đất hoang, nếu không cải tạo đất, thì cỏ tranh, năng, cỏ ống đua nhau mọc lan tràn làm hại lúa non. Nếu lúa giống không xanh tốt thì không trúng mùa.

Người đắm nhiễm ái dục cũng như vậy, cho nên nói: Ý ái dục là ruộng.

Dâm, nộ, si: hạt giống: Người đang tu tập rèn luyện đức hạnh, phải thường tự quán xét: “Nếu người gieo giống công đức thì phải gieo vào đâu để được quả báo tốt?”

Đáp:

–Người bố thí bước vào hoàn toàn Không thì ít, mà người bố thí bước vào Không thì nhiều.

–Tại sao bố thí bước vào Không hoàn toàn ít?

Đáp:

–Các hàng ngoại đạo dị học và Phạm chí lõa thể Ni-kiền tử… và người ngu bố thí mong cầu phước báo, họ chỉ được lợi bằng một phần mười sáu. Như ruộng cằn hại lúa tốt, Phạm chí có hạnh nhơ bẩn thì làm hại gốc lành, bị dâm, nộ, si che phủ nên không sinh đạo quả, cho nên nói: Dâm, nộ, si là hạt giống.

Ai làm việc cứu đời được phước không thể lường: Đức Như

Lai nói về phước đức của việc bố thí cho Thánh chúng. Trong đại

chúng, có người diệt được ái dục thì sự bố thí của họ dù ít, vẫn được phước báo vô lượng, được quả báo nhiều không thể kể xiết, cho nên nói: Ai làm việc cứu đời được phước không thể lường.

—————–

Như mảnh ruộng khô cằn

Cỏ giận dữ tràn lan

Nên phải dứt giận dữ

Bố thí báo vô lượng.

Như mảnh ruộng khô cằn, cỏ giận dữ tràn lan: Tại sao gọi là ruộng khô cằn? Gọi là khô cằn là vì không những tự hại mình còn hại kẻ khác. Tự hại mình là vì giận dữ lẫy lừng thì sắc mặt biến đổi, tính tình đổi khác, cho nên nói tự hại mình. Mà còn hại kẻ khác: giận dữ lẫy lừng thì làm hại kẻ khác, cho đến bỏ mạng. Vị ấy nói: Như mảnh ruộng khô cằn, cỏ giận dữ tràn lan.

Nên phải dứt giận dữ, bố thí báo vô lượng: Người ta do giận dữ về sau phải chịu quả báo của sự giận dữ. Người ta do giận dữ mà mất nước, tan nhà. Trái lại, người làm việc nhân nghĩa, ban bố phước đức mà không giận dữ thì được phước vô lượng, cho nên nói:

Nên phải dứt giận dữ, bố thí báo vô lượng.

———————-

Như mảnh ruộng khô cằn

Cỏ ngu si mọc đầy

Nên phải dứt ngu si

Thì được báo vô lượng.

Như mảnh ruộng khô cằn, cỏ ngu si mọc đầy: Như người mù không trông thấy cao nguyên hay đồng bằng, cũng không thấy màu tốt màu xấu, xanh vàng đỏ trắng. Các loại chúng sinh này cũng giống như vậy, bởi bị vô minh tăm tối tự trói buộc nên không thấy pháp Tứ đế, pháp thiện, bất thiện. Nó che lấp trí tuệ sáng suốt và ba mươi bảy phẩm đạo. Ngoại đạo dị học và các Phạm chí bị si mê che lấp, không biết đạo chân chánh. Thánh chúng của Như Lai hoàn toàn không bị sự trói buộc ấy, cho nên nói: Như mảnh ruộng khô cằn, cỏ ngu si mọc đầy.

Nên phải dứt ngu si, thì được báo vô lượng: Người tu hành muốn thoát khỏi ngu si, thì phải tìm nơi đâu?

Đáp:

–Thì phải tìm nơi Thánh chúng của Như Lai. Vì sao? Vì Thánh chúng đã quán xét ngọn ngành, hoặc lớn, hoặc nhỏ, hoặc tốt, hoặc xấu. Phân biệt bốn đế bằng mắt sáng tỏ, trí giác, không mảy may sai chạy. Bố thí cho Thánh chúng của Như Lai là một tập thể, không còn ai ngu si nên được phước vô lượng, cho nên nói:

Nên phải dứt ngu si, thì được báo vô lượng.

———————

Như mảnh ruộng khô cằn

Cỏ kiêu mạn mọc đầy

Nên phải dứt kiêu mạn

Thì được báo vô lượng.

Như mảnh ruộng khô cằn, cỏ kiêu mạn mọc đầy: Ngoại đạo dị học rất kiêu mạn. Cho nên Như Lai nói bài kệ rằng:

Bà-la-môn kiêu mạn

Khi đời này chết đi

Sẽ sinh trong sáu đường

Gà, heo, chó, sói, lừa,

Địa ngục nữa là sáu.

Bố thí cho những người này thì không được phước báo gì, cho nên nói: Như mảnh ruộng khô cằn, cỏ kiêu mạn mọc đầy.

Nên phải dứt kiêu mạn, thì được báo vô lượng: Trong Đại pháp của Như Lai phải dứt bỏ kiêu mạn (phách lối). Như khi đắp y, ôm bát vào làng khất thực thì tự nhún mình như cô gái dòng Chiên-đà-la, dù mặc áo quý, giá trị cả ngàn vàng đi nữa, nhưng khi cô đến nhà người khác cũng phải tựa cửa đứng chờ, chứ không dám bước vô nhà. Thầy Tỳ-kheo không kiêu mạn cũng như vậy, vốn xuất thân từ dòng họ giàu sang nhưng tự kham khổ, tu theo pháp khất sĩ, chế ngự tâm ý như cầm gươm bén, tay ôm bình bát như người đi xin ăn trong xã hội. Người trong cõi Diêm-phù-lợi này lấy mái tóc làm đẹp thì Sa-môn của ta lại cạo bỏ râu tóc. Người trong cõi Diêmphù- lợi tham nhiều đồ mặc thì hàng Sa-môn trong sạch lại nhuộm y của mình thành màu sắc xấu. Người trong cõi Diêm-phù-lợi, ai phạm tội mới bị đày vào núi sâu, còn Sa-môn thì lấy núi sâu, rừng rậm làm nhà. Người không tham dục giữ hạnh như thế, huống gì là người hướng quả mà tâm có thể đổi dời hay sao? Cho nên nói: Nên phải dứt kiêu mạn, thì được báo vô lượng.

———————

Như mảnh ruộng khô cằn

Cỏ tham dục mọc đầy

Nên phải dứt tham dục

Thì được báo vô lượng.

Như mảnh ruộng khô cằn, cỏ tham dục mọc đầy: Người có tâm keo kiệt tham lam đến chết cũng không thay đổi. Có khi do keo kiệt tham lam mà bị chết yểu. Cho nên người hiểu biết thì dứt bỏ keo kiệt, tham lam, cho nên nói: Như mảnh ruộng khô cằn, cỏ tham dục mọc đầy. Vì thế nên phải dứt bỏ tham dục, thì được báo vô lượng.

——————–

Sáu, vua tăng thượng

Đứng đầu đắm nhiễm

Không nhiễm, giải thoát

Nhiễm là ngu si.

Sáu, vua tăng thượng: Sao gọi là vua? Đó là ý thức. Theo thứ lớp mà đếm thì nó đứng thứ sáu, tính ngược, cũng là sáu. Nói tăng thượng là bởi khi ý thức tác động thì năm thức kia động theo thành năm căn. Có thể nói tất cả hoạt động của các giác quan đều bởi ý thức tạo ra, như trong khế kinh của Phật nói thì, năm giác quan, mỗi giác quan đều có cảnh giới, chúng không lẫn lộn nhau, cũng không xâm lấn nhau.

Ý thức đứng đầu năm giác quan, bởi nó có mặt trong năm giác quan ấy, sai khiến năm giác quan không bao giờ ngưng hoạt động. Trong năm căn thì ý thức vượt hơn và nhiệm mầu, vì thế gọi nó là vua. Cho nên nói: Sáu là vua tăng thượng.

Đứng đầu đắm nhiễm: Sao gọi là nhiễm? Nhiễm là nhiễm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, cho nên nói: Đứng đầu đắm nhiễm.

Không nhiễm, giải thoát: Thế nào là không nhiễm? Không nhiễm là bậc A-la-hán. Tuy nói bậc Tu-đà-hoàn, các bụi nhơ sạch hết, được mắt pháp trong sạch, nhưng chưa hoàn toàn trong sạch.

Phải là bậc A-la-hán mới trong sạch hoàn toàn, cho nên nói: Không nhiễm thì giải thoát.

Nhiễm là ngu si: Bởi kẻ ngu sống mãi theo thói quen, mê đắm vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Điều đáng suy nghĩ thì không suy nghĩ, cho nên nói: Nhiễm là ngu si.

——————-

Dựng xương cốt làm thành

Máu huyết để tô trát

Cửa giác quan mở hết

Giặc kết sử tung hoành.

Dựng xương cốt làm thành, máu huyết để tô trát: Thành ở đây nghĩa là lấy thân năm ấm làm vách tường, xương cốt là rào vách tô bằng máu. Nếu đem mọi cái bên trong này phơi bày ra ngoài thì sinh khởi quán ác lộ, không đắm nhiễm thân, khởi ý tưởng không đáng ưa thích, bởi vì đó chỉ là lớp da che phủ xương cốt tạo ra hình dáng đẹp đẽ. Người hiểu biết quán xét thì thấy không có một vật gì đáng tham, cho nên nói: Dựng xương cốt làm thành, máu huyết để tô trát.

Cửa giác quan mở hết, giặc kết sử tung hoành: Mắt mở nhận lấy hình tượng bên ngoài.

Hỏi:

–Ai mở?

Đáp:

–Do không suy nghĩ nên khiến giặc kết sử xâm nhập cướp đi của cải căn lành. Tai, mũi, miệng, thân, tâm cũng như vậy. Ý căn mở rộng ra nên giặc kết sử mới xâm nhập, cho nên nói: Cửa giác quan mở hết, giặc kết sử tung hoành.

———————-

Có duyên thì thêm khổ

Quán ba nhân trói buộc

Dứt bỏ nhờ Thánh chúng

Trừ ngu không từ ngoài.

Có duyên thì thêm khổ: Đời trước có nhân duyên đời này thêm khổ. Đời trước nếu không có nhân duyên thì khổ từ đâu mà sinh? Như có suối nguồn chảy ra mới thành sông, ngòi. Ở đây cũng như vậy, vì đời trước có nhân duyên cho nên khổ phát sinh, dần dần tăng lên đến bốn trăm lẻ bốn hoạn nạn, cho nên nói: Có duyên thì thêm khổ.

Quán ba nhân trói buộc: Như kẻ ngu bị giam hãm và bị sai làm việc không ở yên. Ở đây cũng như vậy, là thân năm ấm lẫy lừng bị kết sử trói buộc, ưu sầu khổ não sai khiến tâm thức không để đứng yên. Rồi lại bị bốn trăm lẻ bốn bệnh, cho nên nói: Quán ba nhân trói buộc.

Dứt bỏ nhờ Thánh chúng: Muốn bố thí với lòng tin phải đến trong đại chúng, thí ít mà được phước nhiều. Như bậc trượng phu khỏe mạnh có khả năng đánh lui kẻ địch bên ngoài, mới gọi là mạnh mẽ, lại được ban thưởng, vượt trên mọi người. Chúng Thánh hiền của Như Lai cũng như vậy, như biển cả thu nạp nước muon song cũng không bỏ một dòng nước nhỏ nào. Thánh chúng ấy, nếu có ai đến cúng dường thì cũng không lấy làm vui, nếu không có ai đến cúng dường thì cũng không lấy làm buồn, cho nên nói: Dứt bỏ nhờ Thánh chúng.

Trừ ngu không từ ngoài: Người ngu mê trên thế gian đã điên đảo từ lâu nay, chấp có tôi, ta, tham đắm năm ấm, cho là thân thật có. Như có người chưa hề bị rắn độc cắn nên không chịu né tránh.

Người không biết mình bị kết sử trói buộc, nên cứ gây tạo nghiệp.

Từ đó, bị bụi nhơ bên ngoài nhuốm bẩn, cho nên nói: Trừ ngu không từ ngoài.

Vì sao gọi là tạp? Nói tạp là bởi nghĩa của các bài kệ được giảng nói khác nhau. Các bài kệ khác có nghĩa đơn giản không đồng với ở đây nói, cho nên nói là tạp.