KINH TƯ ÍCH PHẠM THIÊN SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Dao tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy Tư
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Phẩm 17: CHƯ THIÊN TÁN THÁN

Bấy giờ, Đại sĩ Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Nguyện xin Ngài hộ niệm kinh này, vào vị lai, sau năm trăm năm sẽ được lưu truyền rộng rãi khắp cõi Diêm- phù-đề, khiến cho pháp đó trụ lâu dài ở đời. Lại khiến cho pháp đại trang nghiêm ấy, đối với hàng thiện nam, thiện nữ đều được lãnh hội. Giả sử có vô số việc làm của ma cùng quyến thuộc của chúng thì cũng không thể quấy nhiễu. Do thọ trì kinh này nên không thoái chuyển nơi đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

-Đúng thế, đúng thế, nay Bồ-tát nên lắng nghe. Vì muốn cho kinh này tồn tại lâu dài ở thế gian, nên Như Lai vì Bồ-tát mà thuyết giảng về chú thuật, nhằm mời thỉnh tám bộ chúng hộ pháp: Chư Thiên, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, Cưu-bàn-trà… Nếu vị Pháp sư nào trì tụng chú này thì được chư Thiên, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già… thường theo hộ trì Pháp sư đó. Nếu vị Pháp sư này hoặc đi đúng đường, hoặc lạc đường, hoặc ở xóm làng, hoặc ở chốn vắng vẻ, hoặc tại tăng phòng, hoặc ở nhà tĩnh lặng, hoặc ở chốn kinh hành, hoặc tại chúng hội… thì các vị thần kia… sẽ luôn theo hầu cận, bảo vệ, giúp đỡ, làm cho vị đó tăng thêm biện tài thuyết pháp. Lại còn khiến tăng thêm nhân duyên của diệu lực nơi trí tuệ, nhớ nghĩ càng được kiên cố, không có các thứ giặc oán quấy phá, giúp cho vị Pháp sư đó đi, đứng, nằm, ngồi đều nhất tâm an ổn.

Này Văn-thù-sư-lợi! Đây là thứ tự của chú thuật:

  1. Uất đầu lệ.
  2. Đầu đầu lệ.
  3. Ma lệ.
  4. Già lệ.
  5. Nghê lệ.
  6. Thê lệ đề lệ.
  7. Di lệ.
  8. Hầu lâu.
  9. Hầu lâu.
  10. Hầu lâu.
  11. Nhân bà lệ.
  12. Vi đa lệ.
  13. Khúc khâu lệ.
  14. A na nhỉ.
  15. Dà đế.
  16. Ma ê lý.
  17. Ma na tùng.
  18. Ma nhĩ.
  19. Bà hầu càn địa tát ba lâu đế.
  20. La bà bà già đế.
  21. Hạnh đầu lệ.
  22. Nam-mô Phật-đà già lê đế lệ.
  23. Nam-mô Đạt-ma bàn dà đà nhỉ.
  24. Nam-mô Tăng-già hòa ế đà hòa ế đà.
  25. Tỳ bà phiến đà nhĩ.
  26. Tát bà ba ba nhĩ nghê đế lệ đi phù đề lý, tát già bàn đề xá phạm lam ma ba xá đa dư lợi sư tỳ ba xá đa a đá la đề sả đề tát bà phù đa dà la ha. Nam-mô Phật-đà tất triền đấu mạn đa la.

Nơi tất cả chúng sinh với tâm Từ mà giảng thuyết về bốn Thánh đế, thì được sự khen ngợi của Phạm thiên và của các bậc Hiền thánh. Trong đó, thỉnh mời các vị thần linh, cung kính chư Phật sẽ thành tựu được chú ấy.

Này Đại sĩ Văn-thù-sư-lợi! Đó là toàn bộ các câu thần chú. Nếu Đại Bồ-tát muốn hành trì kinh này, thì phải nên tụng đọc hết thảy chú ấy, phải nhất tâm thực hành nghiêm túc, không tán loạn, mọi hành động tới lui đều thanh tịnh. Không chứa thức ăn dư nên ít ham muốn biết đủ. Ở một mình xa lìa, chẳng ưa thích nơi chốn ồn náo, thân tâm tịch tĩnh, thường ham chuộng Từ bi, lấy pháp làm niềm vui, an trú trong lời nói chân thật, không lừa dối người khác, quý trọng việc ngồi thiền, vui thích việc giảng nói pháp, thực hành chánh niệm, xa lìa tà niệm, thường ưa hành pháp Đầu-đà, chứng đắc hay không chứng đắc đều không hề buồn, vui, hướng đến Niết-bàn, nhàm chán sinh tử, tâm bình đẳng đối với thương ghét, xa lìa tướng phân biệt, chẳng tiếc thân mạng cùng tất cả tài vật, không tham luyến, oai nghi đầy đủ, thường ưa trì giới, nhẫn nhục, nhu hòa, đối với mọi lời nói xấu ác đều có thể nhẫn được, dung mạo luôn tươi vui hiền dịu, luôn thăm hỏi để trừ bỏ cao ngạo, cùng trú nơi an lạc.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Những vị Pháp sư này, trụ nơi pháp ấy, đọc tụng chú thuật kia thì ở đời hiện tại đạt được mười thứ lực. Những gì là mười?

  1. Được diệu lực về nghĩ nhớ không quên mất.
  2. Được năng lực về trí tuệ khéo lựa chọn các pháp.
  3. Có năng lực về thực hành, tùy theo ý nghĩa của kinh.
  4. Được năng lực kiên cố hành hóa trong sinh tử.
  5. Được năng lực của sự hổ thẹn để hộ trì người và ta.
  6. Có năng lực về hiểu biết rộng, đầy đủ trí tuệ.
  7. Được diệu lực về Đà-la-ni, tất cả mọi sự lãnh hội đều có thể thọ trì.
  8. Có năng lực về biện tài, ưa thích thuyết pháp, được chư Phật ủng hộ.
  9. Được diệu lực của pháp sâu xa, đạt đủ năm thông.
  10. Thành tựu diệu lực của pháp Nhẫn vô sinh mau chóng chứng được Nhất thiết trí trọn vẹn.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu Pháp sư nào có thể an trú, thực hành, trì tụng chú này thì ở đời hiện tại thành tựu được mười diệu lực ấy.

Khi Đức Phật thuyết giảng về diệu lực của chú thuật này thì bốn vị Thiên vương hết sức kinh sợ, liền cùng với vô lượng quỷ thần và hàng quyến thuộc vây quanh đi đến trước Đức Phật, cung kính đảnh lễ và thưa:

-Bạch Thế Tôn! Chúng con là Tứ Thiên vương đã chứng quả vị Tu-đà-hoàn, thuận theo lời dạy của Phật, chúng con đều sẽ thông lĩnh hàng quyến thuộc cùng với đám tùy tùng luôn theo bảo vệ vị Pháp sư kia. Nếu các thiện nam, thiện nữ nào dốc giữ gìn pháp, có thể trì tụng, giảng thuyết kinh này, thì Tứ Thiên vương chúng con sẽ đi đến chỗ ở của những vị đó để ủng hộ. Những người ấy hoặc ở thành ấp, xóm làng, hoặc ở nơi vắng lặng, hoặc tại gia, hoặc xuất gia, chúng con và hàng quyến thuộc đều sẽ theo hầu hạ và cung cấp, khiến họ tâm luôn được an ổn, không có chán mệt, cũng khiến cho tất cả không gì có thể làm nhiễu loạn.

Bạch Thế Tôn! Lại nữa, trong khoảng năm mươi dặm, nếu có kinh này xuất hiện, thì hoặc chư Thiên, con của chư Thiên, Rồng, con của Rồng, hoặc Dạ-xoa, con của Dạ-xoa, hoặc Cưu-bàn-trà, con của Cưu-bàn-trà… đều không thể quấy phá được.

Bấy giờ, Hộ Thế Thiên vương Tỳ-lâu-lặc-ca nói kệ:

Hàng quyến thuộc của con
Thân thích và dân chúng
Đều cùng nhau bảo vệ
Cúng dường vị Pháp sư.

Thiên vương Tỳ-lâu-bà-xoa nói kệ:

Con là con Pháp vương
Từ pháp mà hóa sinh
Cầu Bồ-đề, con Phật
Con đều sẽ cúng dường.

Thiên vương Kiền-đà-la-tra nói kệ:

Nếu có các Pháp sư
Thọ trì kinh như thế
Con thường sẽ ủng hộ
Ở khắp cả mười phương.

Thiên vương Tỳ-xa-bà-na nói:

Là người phát tâm đạo
Chỗ nên thọ cúng dường
Tất cả các chúng sinh
Không thể biện biệt được.

Con của Thiên vương Tỳ-xa-bà-na, tên là Thiện Bảo, cầm lọng bằng bảy báu dâng lên Đức Như Lai, nói kệ:

Thế Tôn, nay con sẽ
Thọ trì kinh như vậy
Cũng vì người khác nói
Con phát tâm như thế.
Thế Tôn biết tâm con
Và chỗ hành đời trước
Từ khi mới phát tâm
Chí thành cầu Phật đạo.
Đảnh vô kiến của Phật
Nay dâng lọng đẹp nầỵ
Nguyện con được như thế
Tướng đảnh vô kiến ấy.
Con dùng tâm ái kính
Xin chiêm ngưỡng Thế Tôn
Nguyện được mắt thanh tịnh
Gặp được Phật Di-lặc.
 Thế Tôn, bậc trí tuệ
Liền dùng kệ trả lời
Ông qua đời ở đây
Sẽ sinh trời Đâu-suất.
Từ Đâu-suất hạ sinh
Gặp được Phật Di-lặc
Hai vạn năm cúng dường
Mới xuất gia tu học.
Đã được xuất gia rồi
Tịnh tu các phạm hạnh
Chư Phật trong Hiền kiếp
Đều được thấy tất cả.
Cũng được cúng dường Phật
Ở đó tu phạm hạnh
Qua sáu mươi ức kiếp
Ông sẽ được thành Phật.
Danh hiệu là Bảo Cái
Cõi nước rất nghiêm tịnh
Chỉ có tăng Bồ-tát
Vì giảng thuyết diệu pháp.
Thọ mạng trọn một kiếp
Sau khi diệt độ rồi
Chánh pháp trụ nửa kiếp
Lợi ích cho muôn loài.

Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân cùng với vô số trăm ngàn chư Thiên vây quanh, bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng sẽ bảo vệ cho chư vị Pháp sư có thể thọ trì kinh này và cúng dường, cung cấp cho chư vị ấy. Ở nơi chốn nào có kinh này, hoặc có người đọc tụng, giảng giải, chúng con sẽ đi đến các nơi chôn ấy để thọ trì giáo pháp, lại sẽ làm tăng thêm oai lực nơi vị Pháp sư, khiến cho thứ tự của câu, nghĩa không bị sót, mất.

Khi ấy, con của Thích Đề-hoàn Nhân, tên là Cù-bà-già, cầm lọng chân châu trang hoàng bằng bảy thứ báu, dâng lên Đức Như Lai, nói kệ:

Hiện nay con biết rõ
Chỗ thuyết pháp của Phật
Cũng sẽ hành như vậy
Cầu Nhất thiết trí Phật.
Thế Tôn ở đời trước
Bố thí hết mọi thứ
Con sẽ theo hạnh này
Xả bỏ các sở hữu.
Con ở trước Pháp vương
Xin thọ trì kinh này
Sẽ thuyết cho người khác
Để báo đáp ân Phật.
Người ưa thích kinh này
Tức là đồng với con
Con sẽ cúng dường họ
Vì chứng đắc Bồ-đề.
Thế Tôn, hàng Thanh văn
Không thể hộ trì pháp
Vào đời sau đáng sợ
Xin hộ trì kinh này.
Thế Ton an ủi con
Đoạn nghi của chư Thiên
Nay con bao lâu nữa
Thành Phật như Thế Tôn ?
Phật thông đạt trí tuệ
Tức thì thọ ký cho
Ông sau sẽ làm Phật
Giống Như Lai không khác.
Trải qua ngàn ức kiếp
Lại hơn trăm ức kiếp
Như thế mới thành Phật
Danh hiệu là Trí Vương.

Bấy giờ chủ cõi Ta-bà là Phạm thiên vương bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Chúng con xả thiền định, vui thích đi đến nơi vị Pháp sư, hoặc nơi chốn các thiện nam, thiện nữ nào có thể thuyết giảng pháp này. Vì sao? Vì từ những kinh như vậy đã sinh ra Đế Thích, Phạm vương và những bậc tôn quý.

Bạch Thế Tôn! Chúng con sẽ cúng dường những vị thiện nam kia. Những thiện nam ấy xứng đáng thọ nhận tất cả sự cúng dường của các hàng Trời, Người, A-tu-la nơi thế gian.

Khi ấy, Thiên vương Diệu Phạm dùng kệ nói:

Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni
Các thiện nam, tín nữ
Có thể thọ kinh này
Chỗ cúng dường của đời.
Cho đến có một người
Dốc hành trì kinh này
Con sẽ phải vì họ
Diễn thuyết kinh như vậy.
Trải tòa các hoa đẹp
Cao đến trời Phạm thiên
An tọa nơi tòa ấy
Diễn thuyết kinh như vậy.
Nếu ở trong đời ác
Từ chỗ nghe kinh này
Nên phát tâm hy hữu
Vui mừng xưng lành thay
Nếu vô lượng thế giới
Bị lửa lớn đầy khắp
Cần phải từ trong đó
Vượt đến nghe kinh này.
Kinh mở bày Phật đạo
Hoặc người muốn được nghe
Góp báu như Tu-di
Nên cúng dường người ấy.