SỐ 192
PHẬT SỞ HÀNH TÁN
Nguyên tác: Mã Minh Bồ-tát.
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm, người xứ Thiên trúc.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Phẩm 16: VUA BÌNH-SA VÀ CÁC ĐỆ TỬ

Khi năm Tỳ-kheo kia
A-thấp-ba-thệ thảy
Nghe tiếng Ngài biết pháp
Bùi ngùi tự hổ thẹn
Chắp tay cung kính Ngài
Cùng chiêm ngưỡng tôn nhan
Như Lai dùng phương tiện
Giúp họ vào chánh pháp
Năm Tỳ-kheo trước sau
Đắc đạo, điều các căn
Như năm ngôi sao sáng
Thành hàng đứng hầu trăng.
Khi ấy thành Cưu-di
Con trường giả Da-xá
Đêm ngủ chợt giác ngộ
Tự thấy cả quyến thuộc
Nam nữ ngủ khỏa thân
Liền sinh lòng chán chê
Nghĩ đây gốc phiền não
Lừa dối những kẻ ngu
Mặc đồ, đeo anh lạc
Rời nhà vào núi rừng
Dọc đường kêu lên rằng:
“Não loạn! Ôi não loạn!’
Phật kinh hành đêm vắng
Nghe tiếng kêu “não loạn”
Ngài gọi: “Ông lại đây
Đây có chỗ yên ổn
Niết-bàn rất mát mẻ
Vắng lặng lìa phiền não”.
Da-xá nghe Phật dạy
Trong tâm rất vui mừng
Trái tâm vốn chán lìa
Thánh tuệ chợt mở bày
Như xuống ao mát mẻ
Tiến dần đến chỗ Phật
Thân chàng còn dáng tục
Mà tâm sạch lậu rồi
Sức căn lành đời trước
Mau chứng quả La-hán
Trí tịnh, lý dần sáng
Nghe pháp liền giác ngộ
Như tơ lụa trắng tinh
Nhuộm rất dễ ăn màu.
Chàng đã tự giác tri
Điều nên làm đã làm
Thấy thân vẫn trang nghiêm
Mà sinh tâm hổ thẹn.
Như Lai biết ý ấy
Nên vì chàng nói kệ:
“Dùng anh lạc điểm trang
Tâm điều phục các căn
Quán chúng sinh bình đẳng
Hành pháp chẳng kể thân.
Thân mặc y xuất gia
Mà lòng lụy chưa quên
Ở rừng, lợi còn nghĩ
Thì khác chi người đời.
Tuy thân là người tục
Lòng ở cảnh cao xa
Tại gia đồng rừng núi
Thì xa lìa ngã sở.
Buộc mở ở nơi tâm
Thân đâu có định tướng
Mặc giáp, áo bào trọng
Có thể ngăn kẻ thù
Cạo tóc mặc y nhuộm
Là phục giặc phiền não”
Phật gọi: “Tỳ-kheo lại!”
Liền đó đổi dáng tục
Đầy đủ tướng xuất gia
Đều trở thành Sa-môn.
Chàng trước có nhiều bạn
Đến năm mươi bốn người
Theo bạn lành xuất gia
Lần lượt vào chánh pháp.
Đó do nghiệp lành xưa
Quả mầu hôm nay thành
Đá vôi thấm lâu ngày
Qua nước mau tươi sáng.
Các Thanh văn thượng hạnh
Sáu mươi vị La-hán
Đều như pháp La-hán
Thuận theo lời dạy bảo:
“Nay thầy đã được độ
Qua bờ sông tử sinh
Việc làm đã rốt ráo
Đáng thọ mọi cúng dường,
Đều nên đến các nước
Độ người chưa giải thoát
Chúng sinh khổ lẫy lừng
Lâu không người cứu giúp
Các thầy đều riêng đến
Thương xót mà dắt dìu.
Giờ Ta cũng một mình
Trở lại núi Già-xà
Ở đó có vị tiên
Vua Tiên và Phạm tiên
Thảy đều ở tại đó
Cả nước đều tôn kính.
Tiên khổ hạnh Ca-diếp
Nhân dân đều kính thờ
Người theo học rất đông
Ta nay đến độ ông”.
Sáu mươi Tỳ-kheo ấy
Vâng lời, giảng rộng pháp
Mỗi vị theo duyên xưa
Tùy ý đến các nước.
Thế Tôn riêng mình bước
Đến thẳng núi Già-xà
Vào rừng pháp vắng lặng
Đến chỗ tiên Ca-diếp.
Ông có hang thờ lửa
Nơi ở của rồng độc
Núi rừng thật sáng trong
Nơi nơi đều yên cả.
Thế Tôn vì hóa độ
Xin ông ở lại đêm
Ca-diếp bạch Phật rằng:
“Không có chỗ nghỉ ngơi
Chỉ có hang thờ lửa
Khéo thanh tịnh ở được
Nhưng có rồng độc ở
Sẽ làm thương tổn Ngài”.
Phật nói: “Ông cứ cho
Chỉ ở một đêm thôi”
Ca-diếp cứ can ngăn
Thế Tôn cứ xin mãi
Ca-diếp lại bạch Phật:
“Lòng chẳng muốn cho Ngài
Thì tôi là bỏn sẻn
Thôi thì tùy sở thích”.
Phật liền vào hang lửa
Ngồi thẳng, suy nghĩ đúng
Rồng độc trông thấy Phật
Nổi giận phun lửa độc
Cả động lửa đỏ rực
Mà chẳng chạm thân Phật.
Hang cháy rồi lửa tàn
Thế Tôn vẫn ngồi yên
Giống như kiếp lửa dậy
Cung Phạm thiên cháy tàn
Vua Phạm vẫn ngồi yên
Không lo cũng không sợ.
Rồng độc thấy Thế Tôn
Sắc mặt không biến đổi
Độc dứt, tâm lành sinh
Cúi đầu xin quy y
Đêm, Ca-diếp thấy sáng
Than rằng: “Ôi lạ quá!
Như người đạo đức này
Mà bị lửa rồng đốt!”
Ca-diếp và quyến thuộc
Sáng sớm đều đến xem
Phật đã hàng rồng độc
Đựng ở trong bình bát
Mới biết công đức Phật.
Dù họ lấy làm lạ
Nhưng kiêu mạn lâu ngày
Vẫn nói: “Đạo ta cao!”
Phật bèn tùy thời nghi
Hiện các thứ thần biến
Quán sát điều họ nghĩ
Biến hóa mà ứng hiện
Khiến tâm họ mềm dịu
Xứng đáng thành pháp khí
Tự thấy đạo mình thấp
Không bì kịp Thế Tôn
Mà quyết định hạ mình
Thuận theo thọ pháp chánh.
Uất-tỳ-la Ca-diếp
Có năm trăm đệ tử
Theo thầy khéo điều phục
Thứ lớp thọ chánh pháp
Ca-diếp và đồ chúng.
Sau khi được hóa độ
Vật nuôi sống của tiên
Và các đồ thờ lửa
Đều ném hết xuống sông
Mặc chìm trôi theo nước.
Na-đề và Già-xà
Hai em ở dưới dòng
Thấy y phục, các vật
Theo dòng nước trôi xuống
Tưởng anh gặp nạn to
Nên vừa sợ vừa lo
Cùng năm trăm đệ tử
Lên ngược dòng tìm anh
Thì thấy anh xuất gia
Các đệ tử cũng thế
Biết được pháp chưa từng
Mà cho là lạ lùng
Nay, anh đã vào đạo
Chúng ta cũng phải theo
Ba người anh em đó
Và đệ tử, dòng họ
Phật nói pháp cho nghe
Bằng thí dụ thờ lửa:
Khói đen ngu si bốc
Dùi lửa loạn tưởng sinh
Lửa tham dục, giận tức
Thiêu đốt các chúng sinh.
Lửa phiền não như thế
Cháy hừng không dập tắt
Càng đắm trong sinh tử
Lửa khổ cũng thường chóng
Thấy được hai thứ lửa
Rực cháy không chỗ nương
Làm sao người có tâm
Mà không sinh chán lìa.
Chán lìa dứt tham dục
Tham hết, được giải thoát
Nếu đã được giải thoát
Giải thoát tri kiến sinh
Quan sát dòng sinh tử
Mà nêu lên phạm hạnh
Việc phải làm đã làm
Không chịu thân hậu hữu.
Ngàn Tỳ-kheo như thế
Nghe Thế Tôn nói pháp
Các lậu không hề khởi
Tất cả tâm giải thoát.
Phật bèn nói pháp cho
Ca-diếp, ngàn Tỳ-kheo
Việc phải làm đã làm
Tuệ tịnh diệu trang nghiêm
Các quyến thuộc công đức
Giữ giới, các căn tịnh
Tiên đại đức theo đạo
Rừng khổ hạnh hoang vắng
Như người bỏ giới đức
Thì thân không còn gì.
Thế Tôn cùng môn đồ
Đi đến thành Vương xá
Ngài nhớ vua Ma-kiệt
Có lời thề lúc trước
Thế Tôn đã đến nơi
Dừng nghỉ trong rừng gậy.
Vua Bình-sa nghe tin
Bèn cùng đại quyến thuộc
Gái trai cả nước theo
Đi đến chỗ Như Lai
Xa thấy Như Lai ngồi
Hàng tâm, phục các căn
Không còn tướng trần tục,
Xuống xe, đi bộ đến
Giống như trời Đế Thích
Đến chỗ vua Phạm Thiên vương
Trước lễ dưới chân Phật
Thăm hỏi: Được an vui.
Phật an ủi xong rồi
Mời vua ngồi một bên.
Vua nghĩ thầm trong lòng
Phật có uy lực lớn
Ca-diếp đức tốt thảy
Nay đều làm đệ tử.
Phật biết ý mọi người
Bèn hỏi Ca-diếp rằng:
“Thầy thấy phước lợi gì
Mà bỏ phép thờ lửa?”
Ca-diếp nghe Phật hỏi:
Vội ra trước đại chúng
Quỳ gối mà chắp tay
Lớn tiếng bạch Phật rằng:
“Tu phước thờ thần lửa
Quả báo đều luân hồi
Phiền não sinh tử tăng
Cho nên con xả bỏ.
Siêng năng thờ thần lửa
Là mong hưởng năm dục
Ái dục tăng vô cùng
Cho nên con xả bỏ
Thờ lửa tu chú thuật
Lìa giải thoát, thọ sinh
Thọ sinh là gốc khổ
Nên bỏ lại cầu an.
Con vốn cho khổ hạnh
Cúng tế, lập đại hội
Là tốt nhất trên đời
Nhưng trái với chánh đạo
Cho nên nay xả bỏ
Cầu vắng lặng vượt hơn
Lìa sinh, già, bệnh, chết
Chỗ mát mẻ vô tận
Vì biết nghĩa này nên
Xả bỏ phép thờ lửa”
Thế Tôn nghe Ca-diếp
Nói việc mình thấy biết
Phật muốn các chúng sinh
Đều sinh tâm tịnh tín
Nên bảo Ca-diếp rằng:
“Này Bồ-tát! Lành thay
Phân biệt rõ các pháp
Để theo đạo vượt hơn
Giờ ở trước đại chúng
Hiển rõ công đức thầy
Như trưởng lão giàu có
Còn tìm được kho báu
Khiến chúng sinh nghèo khổ
Càng sinh tâm chán lìa.”
Lành thay! Vâng lời Phật
Liền ở trước đại chúng
Nhiếp thân vào chánh thọ
Bay vọt lên hư không
Kinh hành, nằm, ngồi, đứng
Hoặc khắp thân tự nhiên
Hai bên phun lửa, nước
Không cháy, cũng không ướt
Từ thân ra mây mưa
Sấm chớp rung đất trời
Thế gian đều chiêm ngưỡng
Thỏa mắt nhìn không chán
Khác miệng mà đồng lời
Khen ngợi: chưa từng có.
Sau đó thu thần thông
Lễ dưới chân Thế Tôn:
“Phật là thầy của con
Con là đệ tử Phật
Vâng lời nghe hạnh này
Việc làm đã xong xuôi”
Cả thế gian đều thấy
Ca-diếp là đệ tử
Quyết định biết Thế Tôn
Thật là Nhất Thiết Trí.
Phật biết các hội chúng
Kham thọ được pháp giáo
Nên bảo vua Bình-sa:
“Đại vương hãy lắng nghe
Tâm ý và các căn
Đều là pháp sinh diệt
Biết rõ lỗi sinh diệt
Cho nên thấy bình đẳng.
Thấy bình đẳng như thế
Đó chính là biết thân
Biết thân, pháp sinh diệt
Không lấy cũng không nhận
Biết thân là căn giác
Không ngã và ngã sở
Chỉ chứa các nhóm khổ
Khổ sinh rồi khổ diệt
Đã biết tướng các thân
Không ngã và ngã sở
Đó chính là bậc nhất
Nơi thanh tịnh vô cùng.
Phiền não, ngã kiến thảy
Trói buộc các chúng sinh
Đã thấy không ngã sở
Các phược đều giải thoát
Thấy không thật trói buộc
Thấy chân thật, giải thoát
Chúng sinh nhiếp thọ giới
Thì bị tà nhiếp thọ.
Nếu như họ có ngã
Hoặc “thường” hoặc “vô thường”
Hai biên kiến sinh tử
Có lỗi lầm nặng nhất.
Nếu cho là vô thường
Thì tu hành không quả
Cũng không thọ thân sau
Không công mà giải thoát.
Nếu cho là có thường
Không khoảng giữa sinh tử
Thì nên đồng hư không
Không sinh cũng không diệt.
Nếu cho là có ngã
Thì nên tất cả đồng
Tất cả đều có “ngã”
Không nghiệp, quả tự thành.
Nếu có ngã làm ra
Không nên gắng tu hành
Kia có chủ tự tại
Thì đâu cần tạo tác.
Nếu “ngã” thì có thường
Lẽ ra không đổi khác
Thấy có sự khổ, vui
Thì sao nói có “thường”?
Biết sinh thì giải thoát
Xa lìa các bụi nhơ
Tất cả đều có thường
Thì cần gì giải thoát?
Vô ngã không chỉ nói
Lý thật, vô thật tánh
Không thấy việc “ngã” làm
Vì sao nói “ngã” làm
Mà ngã đã không làm
Cũng không ai làm ngã
Vì không hai việc này
Nên thật không có ngã.
Không người làm, người biết
Không chủ, mà thường đổi
Sinh tử ngày đêm trôi.
Nay vua nghe ta nói
Sáu căn, sáu cảnh giới
Nhân duyên lục thức sinh
Ba thứ hội sinh xúc
Nghiệp tâm niệm chuyển theo
Mặt trời gặp cỏ khô
Có mặt trời, lửa sinh
Các căn, cảnh giới, thức
Sĩ phu sinh cũng thế.
Mầm từ hạt giống sinh
Hạt giống chẳng phải mầm
Không tức, cũng không khác
Chúng sinh sinh cũng vậy!”
Thế Tôn nói chân thật
Nghĩa bình đẳng bậc nhất
Vua Bình-sa vui mừng
Ly cấu, mắt pháp sinh
Quyến thuộc vua, nhân dân
Trăm ngàn các thần quỷ
Nghe nói pháp cam lộ
Cũng theo đó ly trần.