SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.

Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 3

Phẩm 16: TỲ-KHEO-NI VI DIỆU

Tôi nghe như thế này:

Một thời Đức Phật trú tại tinh xá Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ. Lúc bấy giờ, sau khi vua Ba-tư-nặc băng hà, thái tử Lưu Ly nhiếp chính làm vua, tính tình bạo ngược vô đạo, xua đuổi đàn voi say chà đạp giết người vô số. Lúc ấy những phụ nữ quý tộc thấy sự việc như vậy trong lòng buồn rầu chán nản không vui với tục ấy, cùng rủ nhau đi xuất gia làm Tỳ-kheo-ni. Nhân dân trong nước thấy các người nữ, hoặc thuộc dòng họ Thích, hoặc dòng vua chúa, tôn quý đoan trang thuộc loại hàng số một trong nước, tất cả đều xả bỏ dục lạc, xuất gia học đạo. Ai cũng khen đẹp, mọi người tranh nhau cúng dưỡng. Các Tỳ-kheo-ni cùng nói với nhau:

– Chúng ta tuy trên danh nghĩa là xuất gia nhưng chưa uống được thuốc chánh pháp nhằm tiêu trừ dâm, nộ, si. Chúng ta cùng đến chỗ của Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà để học hỏi về kinh pháp. Lòng mong mỏi học đạo, họ đều vội vã đến đó. Sau khi làm lễ chào hỏi xong, các vị ấy thưa:

– Chúng con tuy đã nhập đạo nhưng chưa thấm được giọt nướ cam lộ. Mong đại Ni sư khai ngộ cho chúng con! Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà suy nghĩ: “Ta sẽ dạy cho họ đi ngược lại với giới luật của Phật, họ trở về ta thâu một số y bát không thích lắm sao!” Bà dạy:

– Các người thuộc dòng đại quý tộc, có ruộng vườn cơ nghiệp, bảy loại châu báu, voi, ngựa, nô tỳ không hề thiếu thốn. Sao lại bỏ đi mà thọ giới cấm của Phật, làm Tỳ-kheo-ni khổ cực vậy? Chẳng bằng  hoàn tục trở về dựng vợ gả chồng cùng hưởng thú vui dục lạc rồi tùy ý bố thí như vậy không sung sướng một đời hay sao!

Nghe nói như vậy, nhóm Tỳ-kheo-ni trong lòng chán nản, khóc lóc rồi bỏ đi. Họ lại đến nơi tịnh thất của Tỳ-kheo-ni Vi Diệu, trước hết làm lễ rồi thăm hỏi đúng pháp và thưa:

– Chúng con sống ở tại gia mê theo thói đời. Nay tuy đã xuất gia nhưng tâm ý còn buông lung phóng dật tâm dục mãnh liệt, tự mình không thể tìm lối thoát được. Mong đại Ni sư thương xót thuyết pháp khai mở, giải thích những tội lỗi mê mờ đó cho chúng con.

Bấy giờ Tỳ-kheo-ni Vi Diệu dạy:

– Này các vị, trong ba đời các vị muốn hỏi điều gì?

Các vị ấy thưa:

– Bạch đại Ni sư, quá khứ và vị lai thì không đề cập đến, mong đại Ni sư, căn cứ vào hiện tại mà giải thích các nghi ngờ ràng buộc cho chúng con.

Tỳ-kheo-ni Vi Diệu dạy:

– Dâm dục giống như ngọn lửa dữ thiêu cháy núi rừng, nó lan ra rất nhanh, làm thương tổn một vùng rất rộng. Con người mà để tâm vào dâm dục là cùng bắt tay với giặc hại qua ngày đoạn tháng đọa vào tam đồ không có ngày ra khỏi. Những niềm vui trong gia quyến, tham đắm vào sự sum họp, ân ái, vinh hoa, lạc phú nhân duyên, sinh, già, bệnh chết, ly biệt, những phiền toái ở công đường đều là nước mắt và luyến tiếc, thương hoại tâm cam, sự quyến luyến gia đình thâm căn cố đế, tâm ý bị trói buộc còn hơn lao ngục. Ta vốn sinh ra trong một gia đình Phạm chí, thân phụ của ta là bậc tôn quý lớn nhất trong nước. Lúc đó, có người con trai của vị Phạm chí, thông minh tài trí nghĩ ta có sắc đẹp đoan chánh, cho người mai mối, cưới về làm vợ tác thành gia thất sau đó sinh được đứa con trai. Chẳng bao lâu sau, cha mẹ chồng con nhà cửa đều tiêu tan hết.

Vào lúc mang thai, ta nói với chồng:

– Nay thiếp đã mang thai, trong mình ô uế, bất tịnh. Gần đến ngày sinh nở sợ có điều nguy hiểm xảy ra, thiếp muốn trở về nhà cha mẹ để thăm. Chồng ta nhất trí cùng đi về nhà, đến được nửa đường thân thể chuyển bệnh. Nghỉ dưới một gốc cây chồng ta nằm một bên. Đêm đó  ta chuyển bụng sinh, những chất dơ chảy ra có mùi xú uế, loài rắn được bò đến và cắn chồng ta chết, ta gọi mấy lần mà không nghe tiếng trả lời. Trời chuyển sáng ta cố ngồi dậy lật cánh tay chồng lên biết bị rắn cắn, thân thể sưng tấy, mình mẩy bầm nát, chân tay rũ rượi. Ta thấy vậy liền chết ngất. Đứa con lớn, biết cha chết thất thanh la lớn. Nghe tiếng con la, ta choàng tỉnh dậy, lưng cõng đứa con lớn, tay bồng đứa con nhỏ khóc rồi đi tiếp, quãng đường hiểm trở không có bóng người. Đi tiếp một đoạn đường có con sông lớn vừa sâu vừa rộng, ta để đứa lớn bên bờ này ẵm đứa nhỏ lội qua bờ kia rồi trở lại đón đứa lớn. Đứa nhỏ từ xa thấy ta liền lao tới rớt xuống dòng sông, ta cố lao theo mà không kịp, không thể cứu được chìm lỉm mất hút. Ta trở lại để đón đứa lớn, nhưng than ôi! Lang sói đã ăn mất chỉ còn đống máu lưu lại trên đất. Vật vã bất tỉnh hồi lâu ta mới tỉnh, lại ra đi tiếp. Đang trên đường về nhà gặp một Phạm chí bạn của cha ta, hỏi:

– Con từ đâu đến mà thấy tiều tụy như vậy? Ta liền đem những chuyện đã xảy ra kể cho ông ta nghe. Lúc đó Phạm chí thương xót cho thân phận cô độc buồn khổ của ta. Ta vừa khóc lóc vừa hỏi ông Phạm chí về cha mẹ và người thân có được bình an tất cả không. Được trả lời là gia đình cha mẹ người thân lớn nhỏ, gần đây có một trận hỏa hoạn đã chết hết không còn sống sót một người nào. Sau khi nghe xong vật vã chết ngất hồi lâu mới tỉnh. Ông Phạm chí thấy vậy thương xót dẫn ta về nhà nuôi nấng đầy đủ, xem ta như con. Sau một thời gian có một Phạm chí khác thấy ta đẹp đẽ đoan chánh xin cưới ta làm vợ, ta cũng đồng ý. Sau khi cưới một thời gian sau ta có thai đã đến ngày gần mãn nguyệt khai hoa, ông ra ngoài la cà nhà người rượu chè nhậu nhẹt, chiều tối mới về gặp lúc ta sắp sinh, một mình trong nhà đóng cửa lại, khi đang sinh thì Phạm chí về nhà gõ cửa gọi lớn nhưng chẳng có ai ra mở cửa, ông ta tức giận phá toang cửa nhảy vào, vừa thấy đánh túi bụi. Ta phân trần, ông ấy càng nổi cơn giận nhảy vào giết chết đứa con, còn bắt ép ta ăn thịt con, đau khổ và sầu muộn cùng cực, không nhẫn tâm ăn thịt con, ông ta lại đánh đập tàn nhẫn, bức ép ta phải ăn, ăn xong trong lòng đau xót, ta nghĩ đã hết phước mới gặp con người như vậy. Ta bỏ ra đi đến Ba-la-nại, ở ngoài thành ngồi nghỉ dưới gốc cây. Trong khi đó có một trưởng giả vợ vừa mới chết đang đem chôn ở ngoại thành, thương mến luyến tiếc  người vợ quá cố đó, ngày nào cũng ra ngoài thành đến nơi mả vợ khóc lóc. Một hôm gặp ta và hỏi:

– Cô người ở đâu mà ngồi một mình bên vệ đường này vậy? Ta kể lại sự việc vừa qua, ông mời ta vào một viên quán và yêu cầu lấy ta làm vợ, ta đồng ý. Trải qua một vài ngày, trưởng giả bị một cơn trọng bệnh không thể cứu chữa được, phút chốc lìa trần. Theo tục lệ phép nước khi sinh thời người chồng mình yêu mến mà chết thì khi chôn phải cùng chôn người vợ luôn. Mặc dầu ta đã bị chôn vùi nhưng chưa chết, lúc đó có một bọn trộm, đào mồ trưởng giả đó lên để lấy trộm châu báu. Ta được cứu sống, tay anh chị của bọn trộm thấy ta đẹp đẽ đoan chánh lấy về làm vợ, vài tuần sau thực hiện một vụ trộm bị chủ phát giác bắt được, chặt đầu, bọn đàn em đem xác về giao cho ta đem chôn theo tục phép của nước đó người vợ phải chôn theo chồng. Sau đó ba ngày có các con chó sói đến đào mồ lên để ăn thịt người chết, ta tìm cách thoát thân. Ta tự than rằng không biết đời trước ta gieo những tai ương gì mà nay cứ dập dồn oan trái, trong thời gian một tuần lễ đã gặp nhiều cảnh khổ thế này. Chết rồi lại sống, cần phải phụng thờ ai để mạng sống được an toàn, sực nhớ ngày xưa ta thường nghe có người con dòng họ Thích bỏ nhà đi học đạo, thành đạo có hiệu là Phật thông suốt quá khứ, vị lai nên đến đó xin nương tựa, quy y, liền lên đường thẳng đến Kỳ hoàn, từ xa thấy Như Lai như cây đại thọ xanh tươi, như vầng trăng trong các vì sao.

Bấy giờ Đức Phật dùng Tam minh vô lậu quan sát thấy ta cần phải tế độ liền đến đón ta. Ta lúc ấy thân hình lõa lồ không có gì che thân, liền ngồi phệt xuống đất lấy tay che vú. Đức Phật dạy ngài Anan:

– Ông đem cái y này cho người nữ kia.

Ta vận y vào đảnh lễ ngang chân Đức Phật, trình bày những tai ách tội lỗi cả ta, mong Ngài rủ lòng thương xót nhận ta vào đạo. Đức Phật dạy ngài A-nan nên dẫn người nữ này giao cho Kiều-đàm-di, cho thọ giới pháp. Bà Đại Ái Đạo liền nhận ta làm Tỳ-kheo-ni và thuyết cho ta nghe về pháp Tứ đế, khổ, không, vô thường. Sau khi nghe pháp xong, ta dốc tâm tinh tấn tu hành, tự mình đạt đến quả Ứng chân, rõ biết quá khứ, vị lai. Nay trong đời hiện tại tất cả những khổ báo đều rõ ràng như các nghiệp mà ta đã tạo ra trong quá khứ không sai khác chút nào. Các Tỳ-kheo-ni thưa hỏi:

– Đời trước do lỗi lầm gì mà nay người phải gánh tai ương như vậy? Cúi mong đại Ni sư thuyết cho.

Tỳ-kheo ni Vi Diệu đáp:

– Các ngươi hãy lắng lòng nghe! Vào quá khứ có một vị trưởnggiả giàu có của cải vô số, mà không có con, cưới một người vợ nhỏ, tuy là vợ nhỏ nhưng có sắc đẹp vô song được người chồng rất yêu quý.

Sau đó nàng mang thai đã tròn mười tháng sinh được một nam nhi, vợ chồng đều yêu quý xem mãi không chán. Người vợ lớn thầm nghĩ: “Ta tuy dòng quý tộc, nhưng hiện không có con để nói dõi tông đường; đứa nhỏ này mai mốt khôn lớn cai quản nhà cửa, ruộng vườn tài sản nó sẽ quản hết. Ta lao khổ cực nhọc mới tích góp được tài sản này đến khi đó ta không còn tự tại thoải mái đối với tài sản đó nữa.”

Từ đó tâm ganh ghét nổi lên, bà nghĩ rằng thà sớm trừ nó đi. Ngầm ý lấy một cây kim nhọn bằng thiếc đâm sâu vào mỏ ác không ai biết. Đứa bé chết dần chết mòn, bảy ngày sau thì chết. Người vợ nhỏ buồn rầu não, chết đi sống lại. Trong lòng nghi ngờ người vợ lớn sinh lòng ganh ghét giết con của mình, người vợ nhỏ hỏi: “Này chị, con của tôi không có tội tình ân oán gì với chị sao chị lại giết con tôi?” Người vợ lớn liền thề thốt: “Nếu ta mà giết con của ngươi thì đời đời chồng ta bị rắn độc cắn chết, con cái ta chết sông chết biển, bị lang sói ăn, thân ta bị chôn sống đi, ta ăn thịt con ta, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc nhỏ lớn bị tai nạn hỏa hoạn mà chết. Sao lại mắng, lại nghi oan cho ta.” Vào lúc đó, do không tin vào tội phước tai ương quả báo, những lời thề ngày trước nay chịu quả báo không ai thay thế cho được.

Này các Tỳ-kheo-ni, người vợ lớn ngày trước nay chính là ta.

Các Tỳ-kheo-ni lại hỏi:

– Do sự may mắn nào mà đại Ni sư gặp được Đức Thế Tôn rồi được nhận vào đạo học hỏi giáo lý xa lìa sinh tử. Tỳ-kheo ni Vi Diệu trả lời:

Ngày xưa ở Ba-la-nại có một ngọn núi lớn gọi là núi Tiên, trong núi thường có những vị Bích-chi-phật, Thanh văn, ngoại đạo, Thần tiên. Lúc bấy giờ có một vị Duyên giác vào thành khất thực. Có người  vợ của một trưởng giả thấy vị ấy khất thực sinh tâm hoan hỷ cúng dường. Vị Duyên giác ăn xong phi hành lên hư không thân xuất r nước lửa, nằm ngồi trên không trung, người vợ trưởng giả thấy vậy phát thệ nguyện: “Mong ta đời sau đắc đạo giống vậy.” Người phát thệ nguyện lúc đó, nay chính là ta, do nhân duyên đó mà gặp được Như Lai, tâm trí được khai ngộ, thành La-hán. Ngày nay, thân ta tuy đã đắc quả A-la-hán nhưng ngày đêm thường bị một mũi kim thiếc châm từ trên đầu thẳng xuống dưới chân đau đớn không dứt được. Họa phúc như vậy không bao giờ mất báo ứng của nó.

Lúc bấy giờ năm trăm vị Tỳ-kheo-ni quý phái kia được nghe thuyết pháp như vậy, ai nấy đều lo lắng, quán sát gốc rễ của dục giống như lửa hừng. Từ đó tâm tham dục vĩnh viễn không sinh, nỗi khổ tại gia như lao ngục và các trần cấu diệt trừ hết, nhập vào thiền định chứng quả A-la-hán. Tất cả đồng thanh thưa với đại Ni sư:

– Chúng con nghiệp ái dâm dục cứ cột trói chúng con triền miên không làm sao mà nhổ bật gốc rễ nó được. Nay nhờ ân đức của đại Ni sư hướng dẫn tất cả chúng con được vượt thoát sinh tử.

Khi ấy Đức Phật khen ngợi:

– Lành thay Vi Diệu! Vì đạo giải thoát đem chánh pháp mà răn dạy mọi người là Phật tử chân chánh.

Tất cả hôi chúng nghe xong đều hoan hỷ, đảnh lễ phụng hành.