SỐ 190
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN XV

Phẩm 16: THÁI TỬ DẠO CHƠI GẶP NGƯỜI GIÀ

Thiên tử Tác Bình muôn Thái tử ra khỏi thành hướng đến hoa lâm viên, để mục kích việc tốt xấu mà phát tâm nhàm chán thế gian, lần lần khuyến khích rời bỏ cung điện. Bấy giờ các thể nữ trong cung ca múa xướng hát, lần lần sinh mỏi mệt, muốn ca ngợi quang cảnh hấp dẫn nơi Lâm viên, nên họ xướng lên:

-Thánh tử lắng nghe, quang cảnh hoa lâm viên rất hấp dẫn, nào là mặt đất phủ bằng một lớp cỏ non xanh tươi mềm mại, cây cối cành lá rậm rạp, hoa quả sum suê tươi tốt khoe sắc, lôi cuốn du khách; lại đủ cắc loại chim quý ca hát líu lo âm thanh vi diệu, nào là: Hồng nhạn, khổng tước, anh võ, chim sáo, câu-si-la, uyên ương…

Thái tử nghe tiếng ca hát như vậy, ý muốn du ngoạn nên bảo người đánh xe:

-Nay khanh nên mau mau chuẩn bị xe cộ, trang hoàng thật đẹp đẽ trang nghiêm, ta nay muốn đến thắng cảnh Hoa lâm viên thưởng ngoạn mảnh đất an lành.

Người đánh xe nghe lời ấy rồi, liền tâu Thái tử:

-Hạ thần xin tuân giáo lệnh không dám trái ý.

Rồi vội vã đến yết kiến Đại vương Tịnh Phạn:

-Xin Đại vương biết cho, Thái tử ngày hôm nay muốn đến thắng cảnh Hoa lâm viên thưởng ngoạn mảnh đất an lành.

Đại vương Tịnh Phạn liền ban sắc lệnh, tất cả mọi nơi trong thành Ca-tỳ-la rưới nước quét dọn sạch sẽ, tẩy trừ các thứ phẫn uế, sỏi sạn ngói đá, những nơi gồ ghề hầm hố phải san bằng, rồi dùng nước thơm rưới lên không cho nổi bụi, tiếp dùng hồ thơm tô lên mặt đường, sau đó dùng các loại hoa rải khắp trên các đường, mọi nơi đều xông các danh hương vi diệu, ngã tư đầu đường khắp mọi nơi đều đặt những bình nước cắm đầy các thứ hoa, nơi nơi trưng bày các cây chuối, giữa các cây chuôi treo các phan lọng, đầy đủ các màu sắc sặc sỡ, lại dùng các tràng phan bằng nhung lụa cùng các vật quý giá treo trên những cây chuôi tăng thêm vẻ trang nghiêm, lại dùng các chuỗi anh lạc trân châu cũng treo nơi mỗi cây, và dùng lưới bảy báu mỗi mắt lưới có những chiếc chuông rung phát ra âm thanh vi diệu; hoặc dùng bảy báu làm hình mặt trời mặt trăng và hình chư Thiên được gắn thêm các chuỗi anh lạc, xen vào các mành lưới; lại treo đuôi trâu trắng và các loài thú khác.

Theo sắc lệnh nhà vua đã ban ra, tất cả nội thành Ca-tỳ-la dọn dẹp các thứ không đẹp mắt, trưng bày các thứ quý giá tốt đẹp, trang hoàng thành phố hết sức tráng lệ như thành Càn-thát-bà. Nội thành trang hoàng xong rồi nhà vua lại ra lệnh chỉnh trang viên lâm, dọn dẹp các thứ ô uế… Cho đến treo các chuông rung bằng chất liệu quý, như trang hoàng nội thành nói ở trên. Trong lâm viên có những cây mang tên nam nhi thì dùng các chuỗi anh lạc nam nhi để trang hoàng; cây mang tên nữ nhi thì dùng chuỗi anh lạc loại phụ nữ để trang sức. Lại cho người đánh trống rung chuộng loan báo khắp nội thành: Ngày nay Thái tử sắp ngự giá, nên tất cả những người già bệnh hay thây chết, các người đui điếc hay câm ngọng, sáu căn không đầy đủ, nói chung tất cả những điều không tốt đẹp, không vừa ý, tuyệt đối không được xuất hiện ngoài đường, chớ để khi Thái tử đi qua trông thấy.

Bấy giờ, người đánh xe trang hoàng xe ngựa, đâu đó đều được chu toàn, rồi đến tâu Thái tử:

-Nay tất cả xa-giá đều được chu toàn, chính là lúc khởi hành, xin Thái tử ngự giá xuất thành đến thắng cảnh hoa viên thưởng ngoạn mảnh đất an lành.

Thái tử từ tòa đứng dậy, ung dung tiến đến tay xe bước lên bảo xa, với tư cách oai thần của một Đại vương, thế lực hùng hậu trông thật oai vệ, phát xuất từ cửa thành phía Đông, hướng về phía thắng cảnh Hoa lâm viên để thưởng ngoạn mảnh đất phước lạc.

Lúc ấy Thiên tử Tác Bình ở trước Thái tử trên đường tiến về hoa viên, biến thành một ông già rách rưới, lưng còng, đầu gục xuống phía trước, răng rụng miệng móm, tóc trắng như tuyết, hình dung tiều tụy, da dẻ sần sùi đen sạm, da bọc lấy xương không còn một chút thịt, dưới cổ da dùn thòng xuống như yếm con bò, thân thể khô gầy chỉ nhờ vào sức cây gậy, hơi thở khó khăn, thở ra thành tiếng, nên lúc nào cũng nghe tiếng khò khè trong cổ họng như tiếng kéo cưa, tay chân run rẩy, tuy nhờ cây gậy làm điểm tựa nhưng vẫn nghiêng qua ngã lại, đi đứng chẳng vững, tướng mạo quá già nua như vậy, lụm cụm xiên qua ngả lại, đi đồng chiều trước mặt Thái tử.

Thái tử thấy ông già thân thể run rẩy, các tướng suy yếu có dấu hiệu không tốt, đi lòm khòm một cách khó khăn trước mặt… như trên đã nói… Thái tử thấy vậy liền hỏi quan ngự giá: Người này là người gì mà da bọc lấy xương, nhăn nheo đen đủi, cặp mắt đỏ ngầu, mũi dãi loang lổ hết sức xấu xí? Tại sao người này xấu tệ không giống một ai? Lại thêm đôi mắt sụp vào, răng rụng, miệng móm, so với mọi người hết sức kỳ lạ, không có cái gì có thể coi được.. Liền nói kệ hỏi người đánh xe:

  Người đánh xe giỏi nay nghe rõ:

Kẻ trước mặt ta là người gì?

Thân hình không thẳng đầu hói tóc

Sinh đã vậy, hay già mới có.

Bấy giờ Thiên tử Tác Bình dùng thần lực khiến người đánh xe trả lời:

-Bạch Thái tử Đại Thánh, theo thế gian, người như thế gọi là già.

Thái tử lại hỏi:

-Trong thế gian, như thế nào là già?

Người đánh xe liền tâu:

-Thưa Thái tử, phàm gọi là già thì người ấy bị sức bức xúc của tình cảnh người lớn tuổi, cơ thể bị suy thoái, các giác quan lần lần bị hư hoại, không còn cảm giác hiểu biết như lúc trẻ, khí lực bạc nhược, thân thể tiều tụy; là lúc con người bước sang giai đoạn khổ sở, bị thân tộc xua đuổi, không biết lấy gì sinh sống, cũng không biết nương tựa vào đâu, vả lại những người nầy chẳng sống được bao lâu, mai chiều thâm nặng sẽ kết liễu. Vì tất cả những lý do như vậy nên gọi là già nua.

Rồi người đánh xe vì Thái tử mà nói kệ:

  Cảnh già thật là đại khổ não,

Cướp đoạt sắc đẹp và thú vui,

  Giác quan suy thoái tâm lú lẫn,

Thân thể sinh hoạt không chủ động.

Thái tử nghe bài kệ này, liền hỏi người đánh xe:

-Cảnh già này là chỉ theo quy luật riêng của một người nào khiến như vậy, hay tất cả tướng thế gian đều như vậy?

Người đánh xe trả lời:

-Thưa Thái tử phải biết, cảnh già này không phải quy luật riêng cho một người nào mà tất cả chúng sinh trong thế gian đều phải chịu.

Thái tử lại hỏi:

-Thân ta ngày nay, rồi cũng sẽ chịu quy luật già này chăng?

Người đánh xe đáp:

-Thưa Thái tử, đúng như vậy, như vậy. Sang hèn tuy khác nhau, nhưng cái gì đã sinh ra, đều không thoát khỏi quy luật này, ngay thân chúng ta ngày nay vẫn đầy đủ tướng trạng già nua, nhưng chưa hiện ra mà thôi.

Thái tử lại hỏi người đánh xe:

-Nếu thân này của ta không tách khỏi quy luật già, chưa vượt qua tướng suy thoái xâu xí ấy, ta nay chẳng cần đến Hoa lâm viên ngao du thưởng ngoạn, hãy lập tức hồi giá trở về nội cung, ta sẽ tư duy xem nên dùng phương pháp gì để thoát khỏi cảnh khổ này.

Người đánh xe đáp:

-Theo lời Thái tử dạy, hạ thần không dám trái lời.

Liền đánh xe quay về nội cung. Thái tử trở về nội cung, ngồi trên bổn tọa chánh niệm tư duy: “Ta cũng sẽ già, chưa vượt qua được quy luật ấy, tại sao ta buông lung phóng dật”.

Lúc Đại vương hỏi người đánh xe:

-Ngươi hầu Thái tử ra đi từ nội cung cho đến Hoa lâm viên, dạo chơi quan sát phong cảnh, Thái tử có được đẹp mắt vừa lòng, vui vẻ hay không?

Người đánh xe quỳ gối đáp:

-Tâu Đại vương, xin ngài biết cho, Thái tử ra đi du ngoạn mới đến giữa đường, ra lệnh dừng xe hồi giá, chưa đến Hoa lâm viên.

Đại vương lại hỏi:

-Tại sao Thái tử giữa đường trở về, không đến viên lâm?

Quan ngự giá đáp:

-Tâu Đại vương, xin ngài biết cho, Thái tử muốn đến hoa viên thưởng ngoạn vui chơi, nhưng mới đến giữa đường bỗng thấy một ông già nơi vệ đường, tay chống gậy, thân người run rẩy, té xuống ngồi dậy, không thể đi đứng vững vàng. Thái tử thấy người già này rồi, liền ra lệnh hồi giá trở về nội cung, ngài ngồi kiết già chánh niệm tư duy.

Đại vương Tịnh Phạn thầm nghĩ: “ít có thay! ít có thay! Hình tướng ông già như vậy. Lời thọ ký Tiên nhân A-tư-đà quyết định chân thật, e Thái tử nhất định xuất gia, ta nay nên vì Thái tử tăng thêm thú vui ngũ dục, nếu Thái tử gần gũi nhiều ngũ dục, thỏa mãn tâm mắt, tham đắm hoang mê, không xả tục xuất gia, thì đúng với tâm ta.” Liền khi ấy Đại vương vì Thái tử Tất-đạt-đa tăng thêm các thú vui ngũ dục cho thật nhiều, để tâm Thái tử say đắm không còn nghĩ đến chuyện xuất gia.

Có kệ nói:

Trong cung thọ hưởng nhiều dục lạc,

Xuất thành dạo chơi gặp người già,

Hồi giá về cung tâm lo nghĩ,

  Than ôi ta chưa thoát cảnh già

Đại vương nghe qua lời ngự giá,

Tâm lo Thái tử bỏ vương triều,

Tăng thêm ngũ dục cùng thể nữ,

Khiến mê ân ái nối nghiệp vua.

Thuở ấy, Thái tử ở trong cung, đầy đủ năm thứ ngũ dục, mặc tình thọ hưởng thú vui, không còn nghi vấn cảnh già mà chỉ riêng mình Ngài là quý trọng hơn cả.