KINH ĐẠI BI
(ĐẠI AI KINH)
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 16: NHẤT TÂM ĐỊNH Ý

Phật nói:

–Như Lai Chí Chân biết rõ từ Tam-muội thiền định thoát khỏi mọi sân hận nơi phiền não. Nghĩa là chúng sinh ràng buộc trong dục trần, Như Lai biết rõ phương pháp đạt thanh tịnh. Như Lai biết vì quên niệm nên có duyên báo, từ vô minh tạo nên dục trần. Do vô minh có hành, hành tạo thức, thức tạo danh sắc, danh sắc tạo lục nhập, lục nhập tạo nên xúc, xúc tạo thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh tạo nên già bệnh chết, ưu sầu khổ não. Như Lai biết rõ hai báo ứng và mười hai việc giúp chúng sinh thanh tịnh. Hai báo: Nghe pháp nhu thuận từ người; tự mình niệm pháp. Lại có hai: Tâm chuyên nhất không tán loạn; hiểu phương tiện tịch tĩnh, quán sát căn nguyên. Lại có hai: Biết không có nhân ban đầu, biết không có sự đến đi. Lại có hai: Quán không nơi sinh, bình an thân trước sự diệt mất. Lại có hai: Thành tựu tất cả; chứng đạt bằng trí tuệ. Lại có hai: Tu tập đạo pháp, thuận pháp giải thoát; biết vốn thanh tịnh. Lại có hai: Đạt tuệ diệt tận nhưng không chấp trước, đạt tuệ vô sinh không ỷ lại. Lại có hai: Thành tựu tín đức; thành tựu chân thật. Đó là hai pháp đưa đến thanh tịnh mà Như Lai nhận biết. Song dục trần có nhiều nên phương pháp làm thanh tịnh dục trần cũng phải nhiều. Vả lại, từ dục trần đến thanh tịnh cần có nhân quan sát. Với phương tiện tùy thuận dục trần, tạo nên nhân gần pháp, thâu phục kẻ kiêu mạn. Trí tuệ của Như Lai tịch tĩnh, an nhiên trước dục vọng và các pháp ác. Như Lai luôn thanh tịnh, hành thiền thứ nhất, an trụ trong cảnh giới tịch diệt. Sau khi xuất thiền thứ nhất, tu tám môn giải thoát, quán thuận nghịch về Tam-muội, thấy biết bằng Tam-muội, hiển thị bình đẳng. Tam-muội của các Như Lai không lo sợ, không ai hại được, không nhân duyên, khong vướng nơi phương tiện. Như Lai luôn sống trong định, là Bậc tối tôn về định, an trụ một định biết tất cả định, tâm không thoái chuyển, không tăng giảm, mọi việc làm đều từ định. Tam-muội của Phật không do cái khác sinh, không thể quán sát, Thanh văn, Duyên giác không thể biết, vượt cả Bồ-tát, không ai hơn, là thâm diệu, chúng sinh không thể biết. Trí tuệ của Như Lai tịch nhiên, không biên giới, không cùng tận, không thể ví dụ. Như Lai dùng phương tiện quyền biến, giáo hóa Thanh văn, giúp họ đạt định. Như Lai hiểu rõ hạnh của Duyên giác, Bồ-tát, tùy thời cơ hóa độ. Đó là hạnh thứ bảy của Như Lai.

Đức Phật nói kệ:

Chúng sinh từ nhân duyên
Trần lao và ai dục
Như Lai biết tất cả
Trí Phật không bờ bến.
Chúng sinh tạo nghiệp tịnh
Hay tạo nghiệp không tịnh
Thế Tôn, Đại trí tuệ
Hiểu tất cả không sai.
Từ nhân duyên tạo nghiệp
Cũng từ đó khởi trí
Vô minh là nhân duyên
Có các hành tạo tác.
Thức, danh sắc cứ thế
Tạo duyên cho sáu nhập
Thế Tôn biết rất rõ
Sự lưu chuyển nhân duyên.
Các dục vọng phiền não
Đều do tham mà có
Thông đạt về nhân duyên
Sự sinh khởi của dục.
Tư tưởng luôn ràng buộc
Cứ thế nhân duyên thành
Tất cả các chúng sinh
Đều thuộc vòng duyên khởi.
Chúng sinh muốn thanh tịnh
Cần có hai nhân duyên
Nghe pháp từ người khác
Quán sát nhờ lời dạy.
Hoặc riêng mình tự niem
Quán các pháp rỗng lặng
Người này sẽ giải thoát
Khỏi biển khổ sinh tử.
Tịch tĩnh mà quán sát
Siêng năng trừ hai pháp
Tư duy, suy xét kỹ
Các pháp không đến đi.
Tĩnh tâm xét nguồn gốc
Không sinh cũng không diệt
Tịch tĩnh vào đạo pháp
Là đạt được thanh tịnh.
An trụ trong chánh hạnh
Bậc trí tu ba pháp
Người không tự buông thả
Tin ba môn giải thoát.
Thành tựu trí diệt tận
Chí thành đạt vô sinh
Đó là các nguyên nhân
Thanh tịnh, đạt chí nguyện.
Thế Tôn chuyên tâm biết
Luôn an trụ Tam-muội
Thành tựu pháp tịch tĩnh
Dũng mãnh làm mọi việc.
Quán sát và suy xét
Từ thuận đến hành nghịch
Phật là vua các pháp
Thành tựu tám giải thoát.
Chỉ từ một Tam-muội
Biết vô số chánh định
Bậc tối tôn biết rõ
Hạnh Phật luôn bình đẳng.
Từ Tam-muội khởi hạnh
Pháp Phật không cùng tận
Do từ nơi hành ấy
Tâm thắng không chỗ định.
Hoặc Thanh văn, Duyên giác,
Chánh định cũng như vậy
Và định của Bồ-tát
Cũng từng ấy chủng loại.
Định Phật được an trụ
Đều siêu vượt tất cả
Như Lai dùng trí sáng
Tùy thời giáo hóa chúng.