KINH TRÌ TÂM PHẠM THIÊN SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Tây tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Phẩm 16: KIẾN LẬP PHÁP

Bấy giờ, Phạm thiên Trì Tâm nói với Bồ-tát Phổ Thủ:

-Cúi xin Nhân giả thỉnh Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, kiến lập, lưu truyền kinh này trong đời năm trược, mạt pháp.

Bồ-tát Phổ Thủ đáp:

-Ý ông nghĩ sao? Đức Như Lai đã chẳng tuyên nói pháp này đó sao? Ông muốn Đức Như Lai kiến lập pháp sao?

Phạm thiên đáp:

-Thưa không!

Bồ-tát Phổ Thủ nói:

-Này Phạm thiên! Tất cả các pháp là không thể kiến lập, không thể nhớ nghĩ cũng chẳng có ngôn thuyết, cho nên không thể lưu truyền cũng không thể giữ gìn. Người nào muốn kiến lập kinh điển này tức là muốn tạo lập hư không. Nếu Bồ-tát muốn hội nhập vào kinh điển này thì chẳng phải là thuận theo pháp. Bồ-tát thể nhập vào tất cả kinh điển thì không còn tranh luận.

Lại nữa, đối với chúng hội, Bồ-tát chỉ tạm mượn danh dự mà thôi. Người giảng nói kinh pháp phải nên như vậy, chẳng phải vì nghe nhận kinh điển. Vì sao? Vì không có đối tượng để nghe mới chính là nghe nhận kinh điển.

Phạm thiên hỏi:

-Thưa Nhân giả! Thế nào gọi là không có đối tượng để nghe mới chính là nghe nhận kinh điển?

Bồ-tát Phổ Thủ đáp:

-Mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý không có đối tượng để nghe mới chính là nghe kinh. Người nào các căn nhiễm ô thì không gọi là nghe, nếu trụ chấp vào sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp thì người nghe kinh như vậy gọi là hư vọng.

Bấy giờ, trong chúng hội có các Thiên tử, ba vạn hai ngàn Tỳ-kheo, năm trăm Tỳ-kheo-ni, ba trăm Ưu-bà-tắc, tám trăm ưu- bà-di… tất cả đều được nghe Bồ-tát Phổ Thủ thuyết pháp. Ngay lúc ấy, hết thảy đều chứng đắc pháp Nhẫn vô sinh, cùng nói kệ khen ngợi:

    Nhân giả Phổ Thủ 

        Đúng như lời ấy

        Không đối tượng nghe

        Mới chính nghe kinh.

Phạm thiên Trì Tâm hỏi các Bồ-tát vừa chứng đắc pháp nhẫn:

-Thưa chư vị! Chư vị đã chẳng được nghe kinh này rồi sao?

-Thưa Phạm thiên! Chúng tôi đã nghe nhưng không có đối tượng để nghe.

Lại hỏi:

-Chư Hiền giả làm thế nào mà hiểu rõ kinh điển ấy?

Đáp:

-Nếu không thấy có đối tượng nhận biết thì biết tất cả.

Lại hỏi:

-Chư Hiền giả làm thế nào để đạt được pháp nhẫn?

Đáp:

-Là kiến lập tất cả các pháp.

Hỏi:

-Do nhân duyên gì để được hội nhập vào các pháp?

-Không có đối tượng đạt đến thì được hội nhập vào các pháp.

Hỏi:

-Hiện tại, chư Hiền giả thấy rõ các pháp không?

-Thưa Phạm thiên! Đối với tất cả các pháp trong hiện tại, thân mình, chúng sinh và chí nguyện vốn đều thanh tịnh.

Lúc ấy, trong chúng hội có một Thiên tử tên là Ly cấu Anh nói với Phạm thiên Trì Tâm:

-Thưa Phạm thiên! Nếu lãnh hội kinh pháp này thì được Đức Như Lai thọ ký không?

Phạm thiên đáp:

-Chắc chắn sẽ được thọ ký và chứng quả Vô thượng Bồ-đề.

Thiên tử nói:

-Vì sao? Vì kinh này không diệt mất quả báo, tích chứa pháp công đức của hết thảy chúng sinh, hàng phục các ma và oán thù. Kinh điển này xa lìa hết thảy sự tranh luận về tham dục, giáo hóa tất cả khiến được hoan hỷ. Người nào tin ưa kinh điển này, tâm luôn vui mừng, nghe nhận, thọ trì thì đạt được sự bình đẳng rốt ráo của bậc Hiền thánh. Nếu thọ trì kinh điển này thì được chư Phật gia hộ. Nếu chư Thiên, loài người, A-tu-la chuyên nhớ nghĩ đến kinh ấy thì đạt được quả vị không thoái chuyển, không bị các thứ xấu ác phá hoại.

Lại nữa, nếu vì kinh ấy mà đến đạo tràng, bố thí, tu tập theo pháp Phật thì chấm dứt hẵn sự ít học, vận chuyển bánh xe chánh pháp.

Lại nữa, kinh pháp này khiến dứt hẳn nghi ngờ, đạt đến đạo của bậc Hiền thánh. Nhờ nghe kinh điển này nên đạt được giải thoát. Thọ trì kinh điển này là nhằm thành tựu đạo quả. Giảng nói kinh điển này là đồng với phước đức. Khéo giữ gìn kinh điển này là thích thuận theo pháp. Nhờ kinh điển này nên được an ổn, đạt được diệt độ. Không hủy hoại kinh điển nên phá trừ ma quân, ngoại đạo. Hiểu rõ kinh điển này nên là Bậc Chúng Hựu Vô Trước. Hoan hỷ với kinh điển ấy, nên thông đạt các pháp. Vui mừng đối với kinh điển ấy thì đạt được trí tuệ thông suốt. Kinh điển ấy giúp cho người thọ trì đạt được âm thanh trí tuệ, diệt trừ tất cả kiến chấp là nơi quay về.

Kinh điển ấy dẫn dắt đến nẻo trí tuệ, phá tan ngu si.

Kinh điển ấy có thể khéo ứng hợp, vì thuận theo sự thể nhập.

Kinh điển ấy khiến thành tựu rốt ráo về thứ lớp ngôn từ khéo léo.

Kinh điển ấy làm cho mọi người hiểu rõ nghĩa lý, giảng nói bậc nhất, không bỏ nghĩa lý của kinh, đạt được trí tuệ bậc Thánh.

Kinh điển ấy chính là kho tàng, ban phát hết thảy mà không hề phiền não, cứu giúp khắp chúng sinh, đem đến cho họ thức ăn bình đẳng, khiến họ tu theo tâm Từ, ưa thích thiền định, luôn tinh tấn, trừ mọi biếng nhác, nương vào thiền định để cứu giúp chúng sinh tán loạn, dùng ánh sáng rực rỡ chiếu đến các thứ trí tà.

Phạm thiên nên biết! Người nào thọ trì kinh điển ấy thì được hết thảy chư Phật che chở.

Khi Thiên tử giảng nói về công đức của kinh này xong, thì cả tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động. Đức Thế Tôn khen ngợi Thiên tử:

-Lành thay, lành thay! Đúng như lời ông nói.

Bấy giờ, Phạm thiên Trì Tâm bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Thuở xưa, vị Thiên tử này đã từng được nghe kinh điển ấy và đã được chư Phật thọ ký rồi chăng?

Đức Phật dạy:

-Thiên tử ấy đã được nghe kinh này từ sáu mươi bốn ức chư Phật. Thiên tử Ly cấu Anh đó trải qua bốn mươi vạn kiếp nữa sẽ thành Phật, hiệu là Bảo Hiểm Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, thế giới tên là Bảo tích. Trong khoảng thời gian ấy có chư Phật xuất hiện, Thiên tử ấy đều cúng dường, lại được nghe kinh điển này.

Phạm thiên nên biết! Các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Trời, Rồng, Quỷ thần, Càn-thạt-bà… nghe kinh điển này thì đạt được pháp nhẫn và được sinh về cõi nước Bảo hiểm của Đức Phật kia, ở thế giới Bảo tích.

Khi ấy, Thiên tử Ly cấu Anh bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Nay, con không mong cầu đạo quả xa vời, cũng không phát nguyện nơi đạo. Con không ưa thích quả vị Phật, không nương tựa, không muốn chứng đạo cũng không nhớ nghĩ đến thì sao Đức Thế Tôn lại thọ ký cho con?

Đức Phật dạy:

-Thiên tử nên biết! Như đem cỏ, cây, cành nhánh, hoa lá ném vào trong lửa rồi nói: “Đừng đốt cháy chúng! ” mà khiến cho lửa không thể đốt cháy thì điều đó không thể có. Vì chẳng phải do lời nói của người ấy mà lửa không thể đốt cháy.

Cũng vậy, này Thiên tử! Nếu Bồ-tát không ưa thích đạo, không nương tựa, cũng chẳng kiến lập chí nguyện, không lập nguyện đối với tất cả chư Phật thì vị ấy được thọ ký.

Này Thiên tử! Nếu Bồ-tát không ưa thích đạo, không có đối tượng nương tựa, không có đối tượng để kiến lập, không có đối tượng mong cầu cũng chẳng thủ đắc, thì Bồ-tát ấy mới được Như Lai thọ ký sẽ chứng đắc đạo quả Vô thượng Bồ-đề.

Bấy giờ, trong chúng hội có năm trăm Bồ-tát cùng bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Chúng con không kiến lập nơi đạo, không có chí nguyện, cũng chẳng thủ đắc, không vui mừng cũng chẳng nương tựa, không có đốì tượng nhớ nghĩ, cũng chẳng chấp vào sự nhớ nghĩ.

Khi ấy, các Bồ-tát nương vào thần lực của Phật, liền nhìn khắp trong hư không, thấy tám vạn bốn ngàn Đức Phật ở phương trên thọ ký cho chư vị ấy sẽ đạt được đạo quả Vô thượng Bồ-đề.

Các Bồ-tát bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Thật là điều chưa từng có, sự thuyết pháp của Như Lai thật là hoàn hảo. Những ai đối với đạo pháp mà không có đối tượng để ưa thích, không có sự nương tựa, cũng chẳng kiến lập, không có chí nguyện cũng chẳng thủ đắc mới được Như Lai thọ ký.

Bạch Thế Tôn! Hôm nay, chúng con được tám vạn bốn ngàn chư Phật ở cõi nước phương trên thọ ký sẽ chứng đắc đạo quả Vô thượng Bồ-đề.