SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 15

Phẩm 16: CHÂN NHƯ

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Pháp Phật nói: “Tùy thuận tất cả pháp, lìa các chướng ngại”, nhưng tất cả pháp hoàn toàn không thể nắm bắt được, giống như hư không lìa tướng chướng ngại.

Bạch Đức Thế Tôn! Các pháp như hư không, nên tất cả câu cú cũng không thể nắm bắt được. Các pháp bình đẳng nên không có hai pháp. Các pháp không sinh nên pháp sinh không thể nắm bắt được. Các pháp không diệt nên pháp diệt không thể nắm bắt được. Các pháp không tướng nên tướng thủ không thể nắm bắt được. Các pháp không nơi chốn nên tất cả nơi chốn không thể nắm bắt được.

Bấy giờ, Phạm vương, Đế Thích và các Thiên tử bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Trưởng lão Tu-bồ-đề từ Như Lai sinh ra. Vì sao? Vì pháp mà Trưởng lão Tu-bồ-đề giảng nói đều là không.

Khi ấy, Trưởng lão Tu-bồ-đề liền bảo Phạm vương, Đế Thích và các Thiên tử:

–Các ông nói Tu-bồ-đề từ Như Lai sinh ra thì nên biết: Vì theo Như Lai tu hành nên Như Lai không sinh, thế nên Tu-bồ-đề từ Như Lai sinh.

Này các Thiên tử! Vì chân như của Như Lai không đến, không đi nên chân như của Tu-bồ-đề cũng không đến, không đi. Vì chân như của Như Lai xưa nay không sinh nên chân như của Tu-bồ-đề xưa nay cũng không sinh. Vì sao? Vì chân như của Như Lai tức là chân như của tất cả pháp, chân như của tất cả pháp tức là chân như của Như Lai. Chân như của tất cả pháp cũng là chân như của Tubồ-đề. Vì các chân như ấy không từ đâu sinh, vì vậy nên Tu-bồ-đề ở trong pháp chân như tùy Như Lai sinh, mà chân như kia tức chẳng phải chân như.

Này các Thiên tử! Như chân như của Như Lai không trụ, chẳng phải không trụ; chân như của Tu-bồ-đề cũng không trụ, chẳng phải không trụ. Như chân như của Như Lai không tạo tác, chẳng phải không tạo tác, không phân biệt, chẳng phải không phân biệt, nên chân như của Tu-bồ-đề cũng không tạo tác, chẳng phải không tạo tác, không phân biệt, chẳng phải không phân biệt. Vì chân như của Tu-bồ-đề không tạo tác, chẳng phải không tạo tác, không phân biệt, chẳng phải không phân biệt, tức là chân như của Như Lai không tạo tác, chẳng phải không tạo tác, không phân biệt, chẳng phải không phân biệt và không chướng ngại. Vì không chướng ngại nên tất cả pháp cũng không tạo tác, chẳng phải không tạo tác, không phân biệt, chẳng phải không phân biệt, lìa các chướng ngại. Vì sao? Vì chân như của Như Lai, vì chân như của tất cả pháp đồng một chân như. Cái như ấy không hai, không hai phần, không tướng, không phân biệt. Chân như của cái không hai kia tức là chẳng phải chân như, chẳng phải không chân như, tức là nó chẳng phải chân như, chẳng phải không chân như. Cái như ấy không hai, không hai phần, không tướng, không phân biệt. Vì thế, Tu-bồ-đề từ Như Lai sinh.

Này các Thiên tử! Như Lai không tạo tác chân như, chẳng phải không tạo tác chân như, không sở hữu chân như, chẳng phải không sở hữu chân như. Cái như ấy không hai, không hai phần, không tướng, không phân biệt. Vậy nên Tu-bồ-đề từ Như Lai sinh.

Này các Thiên tử! Như chân như của Như Lai dù ở đâu cũng thường hằng, không gián đoạn, không hoại diệt; chân như của Tubồ-đề ở bất cứ đâu cũng thường hằng, không gián đoạn, không hoại diệt; chân như của tất cả pháp dù ở đâu cũng thường hằng, không gián đoạn, không hoại diệt.

Chân như của Như Lai không hình tướng, không chuyển động, không sở đắc; chân như của Tu-bồ-đề cũng không hình tướng, không chuyển động, không sở đắc; chân như của tất cả pháp cũng không hình tướng, không chuyển động, không sở đắc (nên Tu-bồ-đề từ Như Lai sinh ra).

Này các Thiên tử! Chân như của Như Lai không khác chân như của tất cả pháp. Chân như của Tu-bồ-đề không khác chân như của tất cả pháp. Tất cả pháp kia không khác chân như, tức là chẳng phải chân như. Cái chẳng phải chân như kia tức là chân như của tất cả pháp. Như vậy, chân như không đến, không đi, không hai, không khác. Cho nên Tu-bồ-đề từ Như Lai sinh.

Các Thiên tử! Như chân như của Như Lai chẳng phải quá khứ, hiện tại, vị lai. Chân như của Tu-bồ-đề cũng chẳng phải quá khứ, hiện tại, vị lai. Chân như của tất cả pháp cũng chẳng phải quá khứ, hiện tại, vị lai. Cho nên Tu-bồ-đề từ Như Lai sinh.

Này các Thiên tử! Chân như của Như Lai tức là chân như không đến, không đi, không trụ. Chân như của Như Lai tức là chân như của quá khứ không đi. Chân như của quá khứ tức là chân như của Như Lai không đi. Chân như của Như Lai tức là chân như của vị lai không đến. Chân như của vị lai tức là chân như của Như Lai không đến. Chân như của Như Lai tức là chân như của hiện tại không trụ. Chân như của hiện tại tức là chân như của Như Lai không trụ. Chân như của Như Lai tức là chân như của quá khứ, vị lai, hiện tại. Chân như của quá khứ, vị lai, hiện tại tức là chân như của Như Lai. Hoặc chân như của Như Lai, hoặc chân như của quá khứ, vị lai, hiện tại; hoặc chân như của Tu-bồ-đề, các chân như ấy không hai, không hai phần, không tướng, không phân biệt. Chân như của tất cả pháp cũng không hai, không hai phần, không tướng, không phân biệt.

Này các Thiên tử! Hoặc chân như của Như Lai, hoặc chân như của Bồ-tát địa, hoặc chân như của Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, các chân như ấy không hai, không hai phần, không tướng, không phân biệt, hoàn toàn không thể nắm bắt được, vì đều là đối tượng phân biệt của văn tự.

Tu-bồ-đề lại bảo các Thiên tử:

–Các ông nên biết, Tu-bồ-đề từ Như Lai sinh ra thì không từ sắc sinh; không từ thọ, tưởng, hành, thức sinh; không từ quả Tu-đàhoàn sinh, không từ quả Tư-đà-hàm sinh, không từ quả A-na-hàm sinh, không từ quả A-la-hán sinh, không từ quả Duyên giác sinh, không từ quả Phật sinh. Vì sao? Vì các pháp không sinh, chẳng phải không chỗ sinh; các pháp không đắc, chẳng phải không chỗ đắc. Này các Thiên tử! Vì nghĩa ấy nên Tu-bồ-đề từ Như Lai sinh.

Khi Tu-bồ-đề nói pháp chân như này, đại địa chấn động sáu

cách, hiện mười tám tướng, đó là: Chấn động, chấn động khắp, chấn động đều khắp. Chuyển động, chuyển động khắp, chuyển động đều khắp. Vọt lên, vọt lên khắp, vọt lên đều khắp. Khua động, khua động khắp, khua động đều khắp. Nổ, nổ khắp, nổ đều khắp. Gầm, gầm khắp, gầm đều khắp. Hiện mười tám tướng như vậy rồi, đại địa liền trở lại như cũ.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Pháp chân như rất sâu xa vi diệu, khó hiểu.

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Đúng vậy, đúng vậy! Pháp chân như tối thượng hơn hết, sâu xa vi diệu, khó hiểu, khó vào.

Khi Phật khen ngợi pháp chân như, trong hội có ba trăm Bí-sô không thọ nhận các pháp, chứng đắc lậu tận, tâm hoàn toàn giải thoát. Năm trăm Bí-sô-ni xa lìa trần cấu, đắc Pháp nhãn tịnh. Năm ngàn Thiên tử được pháp Nhẫn vô sinh. Sáu ngàn Bồ-tát không thọ các pháp, chứng đắc lậu tận, tâm hoàn toàn giải thoát.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất biết sáu ngàn Bồ-tát kia chứng đắc lậu tận, tâm đã giải thoát, bèn bạch với Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Các Bồ-tát này tu hạnh Bồ-tát, do nhân duyên gì mà hôm nay trong chúng hội này, họ lại đắc lậu tận, tâm hoàn toàn giải thoát?

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Nay ông nên biết, các Bồ-tát này xưa kia đã từng gần gũi cúng dường năm trăm Đức Phật và đều tu tập các pháp Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định. Tuy đã tu tập các pháp như vậy, nhưng họ không được phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-lamật-đa hộ niệm. Do nhân duyên ấy, trở lại chứng đắc quả này.

Lại nữa, Xá-lợi-phất! Có các Bồ-tát tuy tu tập pháp môn Không, Vô tướng, Vô nguyện, thực hành đạo Bồ-tát, nhưng không được phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa hộ niệm, thì nên biết Bồ-tát ấy chỉ đắc quả Thanh văn mà cho là đã chứng thật tế.

Này Xá-lợi-phất! Ví như trong thế gian có loài chim, có thân rất to lớn, hoặc một do-tuần cho đến năm do-tuần, lông cánh chưa đầy đủ, không thể bay xa, mà muốn từ cõi trời Tam thập tam bay xuống cõi Diêm-phù-đề. Khi bay được nửa đường, nó nghĩ: “Nay ta muốn trở lên cõi trời Tam thập tam.” Hoặc nghĩ: “Mong sao ta đến được cõi Diêm-phù-đề mà thân ta không bị thương tổn, lìa các khổ não.”

Này Xá-lợi-phất, theo ông nghĩ sao? Chim đó muốn trở lên lại cõi trời có thể được không? Mong đến cõi Diêm-phù-đề mà thân không bị thương tổn, có thể được như sự mong muốn không?

Xá-lợi-phất thưa:

–Dạ không, bạch Đức Thế Tôn! Vì sao? Vì chim kia thân quá to lớn, lông cánh lại chưa đầy đủ, nên thân ắt bị tổn thương, hoặc có thể chết.

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Bồ-tát cũng lại như vậy, tuy có thể phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đã ở trong hằng hà sa số kiếp, rộng tu các hạnh, đối với bố thí hay xả bỏ, với trì giới hay gìn giữ, với nhẫn nhục thì hay chịu đựng, với tinh tấn thì không biếng nhác, với thiền định thì vắng lặng. Lại có thể phát đại tâm, đại nguyện đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà không được phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa hộ niệm thì Bồ-tát ấy chắc chắn rơi vào quả vị Thanh văn, Duyên giác.

Lại nữa, Xá-lợi-phất! Có các Bồ-tát tuy nhớ nghĩ đến thiện căn của các nhóm giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của chư Phật Thế Tôn ở quá khứ, vị lai, hiện tại, nhưng vì Bồ-tát ấy chấp tướng nhớ nghĩ nên không thể biết, cũng không thể thấy thiện căn của các nhóm giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của chư Phật Thế Tôn được. Vì không biết, không thấy nên khi nghe nói tất cả pháp là không, Bồ-tát ấy chấp tướng âm thanh mà sinh tin hiểu, rồi đem công đức chấp tướng ấy hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì vậy, Bồ-tát ấy chắc chắn rơi vào quả vị Thanh văn, Duyên giác. Vì sao? Vì không được phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa hộ niệm.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Theo con hiểu nghĩa lý mà Phật đã nói thì có các Bồ-tát tuy trải qua thời gian dài tu tập các hạnh, nhưng nếu xa lìa bậc Thiện tri thức và không được phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa hộ niệm, thì Bồ-tát ấy không thể thành tựu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do vậy, các Bồ-tát nếu muốn thành tựu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì phải tu tập phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa này.

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Đúng vậy, đúng vậy! Bồ-tát nào muốn thành tựu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì cần phải gần gũi bậc Thiện tri thức mới có thể tu tập phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-lamật-đa này và nhờ thế mới có thể thành tựu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Khi ấy Phạm vương, Đế Thích và các Thiên tử đồng bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác khó đắc.

Bấy giờ, Phật bảo Phạm vương, Đế Thích và các Thiên tử:

–Đúng vậy, đúng vậy! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác khó đắc. Nếu người vô trí khởi sự tinh tấn kém cỏi, sinh lòng tin hiểu cạn cợt, không có phương tiện thiện xảo, lại còn gần gũi bạn ác thì người ấy thật khó đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lúc ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đức Thế Tôn nói Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác khó đắc, nhưng theo con hiểu nghĩa lý mà Phật đã nói thì Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không phải khó đắc. Vì sao? Vì tất cả pháp là không, không có pháp có thể đắc, không có người năng đắc. Phật đã tuyên nói: Các pháp đều không, vì có sở đoạn, mà pháp sở đoạn là pháp cũng không. Quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác kia, hoặc là pháp sở đắc, hoặc là pháp sở dụng, hoặc biết, hoặc hiểu, tất cả pháp đều không, không đắc, không chứng, cho nên quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không phải khó đắc.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Vì Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không sở đắc nên khó đắc, không có người đắc nên khó đắc, không phân biệt nên khó đắc.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Như lời Tôn giả nói, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không phải khó đắc thì hằng hà sa số người, các Đại Bồ-tát cầu Bồđề kia lẽ ra không thoái lui đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì Tôn giả nói Bồ-đề không khó đắc vậy.

Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Sắc đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có thoái chuyển không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Thọ, tưởng, hành, thức đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có thoái chuyển không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Lìa sắc, còn có pháp nào đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có thoái chuyển không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Lìa thọ, tưởng, hành, thức còn có pháp nào đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có thoái chuyển không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Chân như của sắc đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có thoái chuyển không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Chân như của thọ, tưởng, hành, thức đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có thoái chuyển không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Lìa chân như của sắc, có pháp nào đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có thoái chuyển không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Lìa chân như của thọ, tưởng, hành, thức có pháp nào đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có thoái chuyển không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Sắc đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có sở chứng không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Thọ, tưởng, hành, thức đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có sở chứng không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Lìa sắc, có pháp nào đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có sở chứng không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Lìa thọ, tưởng, hành, thức có pháp nào đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có sở chứng không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Chân như của sắc đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có sở chứng không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Chân như của thọ, tưởng, hành, thức đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có sở chứng không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Lìa chân như của sắc, có pháp nào đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có sở chứng không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Lìa chân như của thọ, tưởng, hành, thức có pháp nào đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có sở chứng không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Sắc có hiểu rõ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không? Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Thọ, tưởng, hành, thức có hiểu rõ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Lìa sắc, có pháp nào hiểu rõ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Lìa thọ, tưởng, hành, thức có pháp nào hiểu rõ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Chân như của sắc có hiểu rõ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Chân như của thọ, tưởng, hành, thức có hiểu rõ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Lìa chân như của sắc, có pháp nào hiểu rõ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Lìa chân như của thọ, tưởng, hành, thức có pháp nào hiểu rõ

Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Cho đến tất cả pháp, chân như của tất cả pháp đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có thoái chuyển không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Xá-lợi-phất! Theo ý Tôn giả thì sao? Nếu có pháp nào đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà có thể thoái chuyển, thì pháp ấy là pháp có chỗ trụ. Vì tất cả pháp không trụ, thì có pháp nào mà có thể thoái chuyển? Xá-lợi-phất! Chân như có thể thoái chuyển không? Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề nói:

–Xá-lợi-phất! Như vậy, tất cả pháp thật sự cầu không thể được, tức là không có pháp nào đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có thể bị thoái chuyển.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Như ý Tôn giả nói thì không có Bồ-tát đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác bị thoái chuyển. Tu-bồ-đề! Nếu như vậy thì như lời Phật dạy, người cầu ba thừa lẽ ra không có sự sai khác?

Khi ấy, Tôn giả Mãn Từ Tử nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Ngài nên hỏi Tôn giả Tu-bồ-đề! Theo ý của Tôn giả thì muốn chỉ có người cầu một thừa, phải không?

Theo lời nói ấy, Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Tu-bồ-đề! Tôn giả muốn chỉ có người cầu một thừa, phải không?

Tu-bồ-đề nói:

–Xá-lợi-phất! Tôn giả có thể thấy trong pháp chân như chỉ có người cầu một thừa chăng?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề nói:

Lại nữa, Xá-lợi-phất! Tôn giả có thể thấy trong pháp chân như có người cầu ba thừa chăng?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề hỏi:

Xá-lợi-phất! Trong pháp chân như có một tướng, ba tướng có thể thấy chăng?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không.

Tu-bồ-đề nói:

–Xá-lợi-phất! Nay Tôn giả nên biết, trong pháp chân như, một pháp Bồ-tát còn chẳng thể nắm bắt được, huống chi là pháp của Thanh văn, Duyên giác mà có thể đắc sao? Do đó, không có pháp nhỏ nào đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có sự thoái chuyển.

Xá-lợi-phất! Nếu Đại Bồ-tát nào nghe lời nói này, không kinh hãi, không sợ sệt, không thoái lui, thì nên biết Đại Bồ-tát này có thể thành tựu Bồ-đề.

Khi ấy, Thế Tôn khen ngợi Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Hay thay, hay thay! Tu-bồ-đề! Điều ông vừa nói đều nhờ oai thần của Như Lai hộ niệm. Như lời ông nói, đúng như vậy, đúng như vậy! Nếu Đại Bồ-tát này nghe lời nói như thế mà không kinh hãi, không sợ sệt, không thoái lui, thì nên biết, đó là Đại Bồ-tát có khả năng thành tựu Bồ-đề.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Bồ-tát nghe nói như thế mà không kinh sợ, thoái lui thì sẽ được thành tựu Bồ-đề gì?

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Sẽ được thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát muốn thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì phải an trụ như thế nào và tu học như thế nào?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Nếu Đại Bồ-tát muốn thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì đối với tất cả chúng sinh phải sinh các loại tâm như: tâm bình đẳng, tâm không độc hại, tâm từ bi, tâm lợi ích, tâm Thiện tri thức, tâm không chướng ngại, tâm khiêm nhường, tâm không phiền não, tâm không hại. Lại đối với tất cả chúng sinh tưởng như cha mẹ, tướng như bạn bè.

Lại phải trải qua thời gian dài rộng tu các hạnh, đó là đối với thí hay xả bỏ; đối với giới hay giữ gìn; đối với nhẫn nhục hay chịu đựng; đối với tinh tấn không lười biếng; đối với thiền định được vắng lặng; đối với trí tuệ được thắng giải.

Tu tập các thắng hạnh như vậy, tùy thuận theo duyên sinh quan sát các pháp; đối với các pháp, không chấp tướng đoạn diệt, hiểu rõ sự chân thật của các pháp. Như thế thì có thể vượt qua quả vị Bồ-tát, đầy đủ các pháp Phật, giáo hóa thuần thục vô lượng, vô số hữu tình, làm cho tất cả đều an trụ vào cảnh giới đại Niết-bàn.

Đại Bồ-tát nếu tu học như vậy thì không còn tướng chướng ngại, cho đến tất cả pháp cũng không chướng ngại.

Tu-bồ-đề! Vì thế Đại Bồ-tát muốn đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì phải an trụ như vậy, tu học như vậy. Người học như thế mới có thể làm chỗ nương tựa lớn cho tất cả chúng sinh.