KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG THẬP LUÂN
Hán dịch: Mất tên người dịch. Phụ vào dịch phẩm đời Bắc Lương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 15: TRÍ TUỆ

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát có luân trí tuệ trang nghiêm lớn. Nếu có thể thành tựu luân trí tuệ trang nghiêm lớn như vậy, từ lúc mới phát tâm đã xa lìa năm thứ dục, có thể gánh vác, làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn và Bích-chi-phật, cũng khiến cho tất cả chúng sinh giữ gìn và cúng dường.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có hai thứ trí tuệ: Một là thế gian, hai là xuất thế gian.

Thế nào gọi là trí tuệ thế gian? Đó là Bồ-tát nương vào sự đọc tụng, nhằm diệt trừ ngu si, làm ánh sáng lớn cho tất cả chúng sinh, Như Lai đã giảng nói vô số, vô lượng giáo pháp. Đối với thừa Thanh văn đều được lãnh thọ, tự mình ghi chép, dạy người khác ghi chép, tự mình đọc tụng, day người khác đọc tụng, hoặc giảng nói pháp của Bích-chi-phật và Đại thừa, đều tùy thuận tin nhận tất cả. Hoặc tự mình đọc tụng, chỉ dạy cho người khác đọc tụng, tự mình ghi chép cũng dạy cho người khác ghi chép, có thể giảng nói nghĩa lý, hiển bày diệu nghĩa sâu rộng cho chúng sinh, đọc tụng kinh pháp, mong cầu được vô lậu và hiểu rõ vị nơi tám con đường Thánh mà không mong cầu trí tuệ tịch tĩnh, tâm còn chấp tướng, nên gọi là luân trí tuệ thế gian của Bồ-tát, sánh bằng với hàng Thanh văn và Bích-chi-phật, không thể gọi là Đại Bồ-tát.

Thế nào gọi là luân trí tuệ xuất thế gian? Là khi Đại Bồ-tát tu đạo, tùy thuận tinh tấn thực hành đọc tụng, tu tập, đối với tướng ấy không giữ, không chấp, không nhớ nghĩ, không tư duy, thực hành như vậy chẳng phải là tâm thấp kém, giống như hư không đồng vắng lặng, quán pháp bình đẳng đều không chấp trước, cũng không bị trói buộc, không sinh, không diệt, tâm không thoái chuyển. Thường thực hành bình đẳng các pháp nơi Thật tế, vào sâu nơi thiền định, đạt được pháp Nhẫn vô sinh, không chấp các tướng, tâm không tăng, không giảm, không nương vào các địa cũng không an trụ vào trí tuệ. Nếu Bồ-tát đạt đầy đủ trí tuệ như vậy, gọi là trí tuệ xuất thế gian của Bồ-tát. Có thể thực hành như vậy thì mới thành tựu luân trí tuệ trang nghiêm lớn, từ lúc mới phát tâm đã không đắm nhiễm vào năm thứ dục, cũng có thể gánh vác, làm ruộng phước cho hàng Thanh văn và Bích-chi-phật, khiến tất cả chúng sinh đều giữ gìn và cúng dường.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát có luân trang nghiêm lớn. Nếu Bồ-tát thành tựu luân trang nghiêm lớn này, từ lúc mới phát tâm đã đoạn trừ năm thứ dục, có thể gánh vác, làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn và Bích-chi-phật, cũng khiến cho tất cả chúng sinh đều giữ gìn, cúng dường.

Này thiện nam! Bồ-tát thị hiện phương tiện có hai loại: Một là thế gian, hai là xuất thế gian.

Thế nào gọi là phương tiện thế gian của Bồ-tát? Tức là tự mình và người khác thường mang tâm kia, đây, dùng vô số phương thức để thành tựu chúng sinh, có thể hiện ra ngần ấy loại thân như vậy, hoặc hiện thân Phật, hoặc hiện thân Bích-chi-phật, hoặc hiện thân Thanh văn, hoặc hiện thân cha mẹ, tùy theo căn cơ thích hợp đã nhận thấy mà hiện hình như vậy. Như có người bệnh và người thăm bệnh, biết được bệnh nặng không thể cứu chữa, tất cả đều sợ hãi, thậm chí phải chết, Bồ tát đều dùng phương tiện cứu chữa, khiến được giải thoát, thường thực hành bốn Nhiếp pháp, thành tựu cho chúng sinh, an trụ nơi Đại thừa. Nếu hàng Thanh văn và Bích-chi-phật không thể gánh vác được pháp Đại thừa vì căn khí không thuần thục, tức ở trong pháp Nhị thừa, khuyến khích giúp họ tu tập pháp sâu xa vi diệu ấy, khai mở hiển bày Đệ nhất nghĩa đế, vượt khỏi cảnh giới điên đảo của hàng phàm phu, nương vào bốn chỗ dựa đầy đủ bốn Biện tài, bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy phần Bồ-đề, tám Thánh đạo, trụ vào việc lành mà giữ đạo, nhập vào trí đạo phương tiện để thành tựu cho chúng sinh. Nếu các chúng sinh cầu theo danh tiếng, đắm nhiễm nơi lợi dưỡng, các căn lay động, không thành tựu căn lành Niết-bàn, những người như vậy thì nên chỉ dạy cho họ đọc tụng giáo pháp của Như Lai đã giảng nói về thừa Thanh văn và Bích-chi-phật, thành tựu công đức bố thí đủ loại, chỉ dạy khuyến trợ. Nếu có chúng sinh phần nhiều dấy khởi sân giận, tâm ấy rất xấu ác, không có Từ bi thì chỉ dạy họ tu tập, thực hành, thành tựu bốn Tâm vô lượng. Nếu thấy chúng sinh biếng nhác thì chỉ dạy làm cho siêng năng, chúng sinh có nhiều giận dữ, chỉ dạy thực hành nhẫn nhục, chúng sinh với tâm tán loạn, chỉ dạy khiến hành trì thiền định, chúng sinh ngu si thì giảng nói chánh pháp, giáo hóa họ tu tập trí tuệ để được thành tựu. Nếu có chúng sinh không nơi nương tựa, tâm không cung kính thì dẫn dạy, mở bày chỉ rõ giúp họ quy y Tam bảo. Những sự chỉ dạy như vậy làm cho họ biết tu tập giới Ưu-bà-tắc, cũng chỉ dạy tám giới trai pháp. Hoặc có chúng sinh dùng vô số kỹ thuật hành tạo các việc, để giáo hóa những loại chúng sinh đều được thành tựu như vậy, vô số Bồ-tát đã hành trì trí tuệ phương tiện thế gian. Đại Bồ-tát thành tựu luân trí tuệ phương tiện như vậy, dùng các kinh luận làm phương thức, điều kiện để hàng phục tất cả luân trí khổ hạnh của các ngoại đạo, tà giáo. Đó gọi là Đại Bồ-tát, thành tựu trí tuệ phương tiện thế gian, cùng hợp với tất cả hàng Thanh văn và Bích-chi-phật.

Này thiện nam! Nếu có Bồ-tát không nương vào bậc thầy sáng suốt, cũng không dựa nơi bậc Thiện tri thức, đó là hạng người theo hình tướng thế gian để đắm nhiễm, tự mê hoặc mình, Bồ-tát như vậy thì không thể an trụ vào luân trí tuệ phương tiện xuất thế gian, không gọi là ruộng phước, cũng không thể khéo nhận biết các hành của chúng sinh. Nếu thấy chúng sinh không thành tựu pháp khí và hàng Thanh văn, Bích-chi-phật căn không thuần thục, lúc đó, đối với các người ấy mà hiển bày Đại thừa thì gọi là ngu si, không có phương tiện thiện xảo mà chỉ dạy người theo Đại thừa tức khiến họ bỏ đạo Bồ-tát, tu tập theo pháp Thanh văn và Bích-chi-phật. Đó là sự sai lầm vì không biết được căn cơ của mọi người. Nếu thấy hàng Bích-chiphật, chỉ dạy khiến xả bỏ, lại tu tập theo thừa Thanh văn, tức không biết rõ căn cơ của chúng sinh nên giảng nói pháp không thích hợp. Có lỗi lầm như vậy thì bị rơi vào tội lỗi. Nếu thấy hàng Thanh văn nhàm chán nơi sinh tử, vì họ giảng nói về quả báo ưa chấp sinh tử nơi ba cõi của thế gian, là cũng không biết rõ căn cơ của chúng sinh mà giảng nói pháp không thích ứng. Những lỗi lầm như vậy thì bị rơi vào lỗi lầm. Nếu có chúng sinh không dứt bỏ sát sinh và trộm cắp, cho đến không dứt trừ tà kiến, làm đủ mười điều xấu ác, không có căn lành, thấy rõ như vậy mà hiển bày giáo pháp sâu xa của Bồ-tát Đại thừa, lại không giảng nói về quả báo ở đường ác, chịu khổ sinh tử, luân hồi trong các nẻo, tức cũng không biết rõ căn cơ của chúng sinh nên nói pháp hư dối, bị rơi vào chỗ lỗi lầm, cũng gọi là người ngu si, không có trí tuệ phương tiện. Nếu thay người hay trì giới mà nói pháp bố thí, người siêng tinh tấn mà nói trì giới, người biết nhẫn nhục mà nói tinh tấn, người thích thiền định mà nói nhẫn nhục, người có trí tuệ mà nói thiền định. Đó gọi là Bồ-tát ngu si, không có luân trí tuệ phương tiện thiện xảo, cũng gọi là trí thế gian, luôn với tất cả hàng Thanh văn và Bích-chi-phật, cũng không có thể gọi là đại.

Thế nào gọi là luân trí tuệ phương tiện xuất thế gian của Đại Bồ-tát? Nếu các Bồ-tát đã hành trì các việc, đều vì người khác, không nghĩ đến thân mình, nên tạo ngần ấy loại phương thức, cho đến đều nhằm ban cho mọi người như trước đã nói. Nếu có lợi mình đều đem ban cho người khác, biết người gánh vác pháp khí mà giảng nói chánh pháp, lần lượt chỉ dạy cho thừa Thanh văn, Bích-chi-phật, thấy rõ người nơi thừa Bích-chi-phật rồi chỉ dạy khiến dần dần tu tập Đại thừa. Cũng không vì hàng Thanh văn căn cơ không thuần thục mà giảng nói về sự ưa thích pháp sinh tử, vì có sát sinh cho đến tà kiến mà giảng nói chỗ hướng tới sinh tử của pháp Thanh văn. Nếu người thích tu bố thí nên vì họ giảng nói về sự thiện xảo vô thượng, cho đến người ưa thích trí tuệ thì nên giảng nói trí đạo vô lậu của bậc Hiền thánh. Dùng trí tuệ này mà giáo hóa chúng sinh, không chấp tướng chúng sinh và tướng trí tuệ. Đó gọi là luân trí tuệ phương tiện trang nghiêm lớn lao xuất thế gian của Đại Bồ-tát. Nếu Đại Bồ-tát thành tựu luân này, từ lúc mới phát tâm đã đoạn năm thứ dục, gọi là Đại Bồ-tát có thể gánh vác, làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn và Bích-chi-phật, cũng khiến cho tất cả chúng sinh giữ gìn và cúng dường.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn nhắc lại sự việc trên nên nói kệ:

Nên nói đạo Nhất thừa
Mà phân làm hai thừa
Tức là mắt khi dối
Không gọi độ chúng sinh.
Chắc chắn rơi đường tà
Chỉ bày thừa thấp kém
Tức gọi là ngu si
Không gọi đó là đại.
Người hướng đến Nhất thừa
Vì muốn nghe chánh pháp
Nên ở trong sinh tử
Bậc trí đã giảng nói.
Tâm thiền định chắc chắn
Tùy thuận mà giáo hóa
Đó gọi là phương tiện
Bậc trí đã khen ngợi.
Một lòng theo Thanh văn
Làm cho sinh nhàm chán
Người gánh vác pháp khí
Chỉ dạy theo Đại thừa.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát nắm giữ pháp Từ bi mà tạo luân trang nghiêm không chấp tướng chúng sinh. Vì sao? Vì nắm giữ tâm Từ đối với chúng sinh mà làm trang nghiêm, gọi là hành theo Thanh văn và Bích-chi-phật, không thể làm trang nghiêm đạo Đại thừa. Hàng Thanh văn và Bích-chi-phật tu tập tâm Từ, chỉ tự độ mình, không làm lợi ích cho người khác, tự điều phục mình, diệt nghiệp kết sử, dứt hết các phiền não rồi đạt được Niết-bàn. Vì ngã, nhân và chúng sinh mà tu tập tâm Từ, đối với chúng sinh khác tâm luôn xả bỏ, nên không gọi là làm trang nghiêm luân lớn, chỉ đoạn trừ phiền não của mình, không thể dứt trừ các phiền não của người khác. Đại Bồ-tát thì không như vậy, luôn khiến tất cả chúng sinh tu hành tâm Từ, làm trang nghiêm đại Từ, nên gọi là đại. Bồ-tát không nương tựa vào từ, không nương tựa vào ấm, giới, nhập để tu tập hành Từ. Không nương vào bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy phần Bồ-đề, tám Thánh đạo mà tu tập hành Từ. Không nương vào cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc mà tu hành tâm Từ. Không nương vào đời này, đời sau mà tu hành tâm Từ. Không nương vào bờ bên này mà tu hành tâm Từ. Không nương vào bờ bên kia mà tu hành tâm Từ. Không phải vì không đến mà tu hành tâm Từ. Đại Bồ-tát chỉ duyên vào pháp mà tu hành tâm Từ, đây không phải là nẻo hành trì của hàng Thanh văn và Bích-chiphật, chỉ có Đại Bồ-tát mới có thể thành tựu luân duyên theo pháp từ trang nghiêm lớn như vậy. Bồ-tát từ lúc mới phát tâm đã xa lìa năm thứ dục, Đại Bồ-tát như thế mới có thể gánh vác, làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn và Bích-chi-phật, cũng làm cho tất cả chúng sinh giữ gìn và cúng dường.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát tu tập luân đại Bi, từ lúc mới phát tâm đã xa lìa năm thứ dục, gọi là Đại Bồ-tát gánh vác, làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn và Bích-chi-phật, cũng khiến cho tất cả chúng sinh luôn giữ gìn, cúng dường. Vì sao? Vì tất cả Thanh văn và Bích-chi-phật chỉ làm lợi mình mà tu tập tâm Bi, còn Đại Bồ-tát thì không như vậy. Đại Bồ-tát đã quên bản thân mình mà làm cho tất cả chúng sinh tu hành tâm Bi, nên mới gánh vác, làm ruộng phước lớn cho tất cả chúng sinh. Có thể khiến người khác tu bốn Nhiếp pháp, vì giáo hóa chúng sinh, cho đến xả bỏ tay chân, thân mạng và tài vật của mình, đem tâm đại Bi ấy nhằm tạo an lạc cho các chúng sinh. Cũng không thủ đắc tướng chúng sinh, không thủ đắc tướng bố thí, không thủ đắc nơi tướng thọ nhận, cho đến không thủ đắc tướng quả báo của Bố thí. Khi thực hành Bố thí ba-la-mật, không chấp tướng thực hành, tướng Ái ngữ, Lợi ích và Đồng sự. Tuy thực hành bốn Nhiếp pháp nhưng không chấp tướng, luôn đem tâm tối thắng, tâm đệ nhất, tâm vắng lặng, cho đến vô lượng, vô số tâm, không thực hành theo tâm của ấm, giới, nhập, tâm không lay động, luôn an trụ, làm trang nghiêm tâm đại Bi vắng lặng để giáo hóa chúng sinh.

Này thiện nam! Nhờ tướng này nên có thể trang nghiêm lớn, không cùng hợp với tất cả hàng Thanh văn và Bích-chi-phật. Đại Bồtát thành tựu đầy đủ luân đại Bi này, từ lúc mới phát tâm đã đoạn trừ năm thứ dục, có thể gánh vác, làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn và Bích-chi-phật, luôn khiến cho tất cả chúng sinh giữ gìn và cúng dường.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn nói rõ lại sự việc trên nên dùng kệ:

Pháp này khó nghĩ bàn
Sâu xa như hư không
Vô sắc không chỗ trụ
Thành tựu tâm đại Bi.
Luôn thực hành Đầu-đà
Trí Bồ-tát tối thượng
Lực đại Bi dũng mãnh
Vượt hơn tất cả người.
Chúng sinh không chỗ dựa
Bị sinh tử ràng buộc
Muốn giải thoát khắp cả
Nước đại Bi tẩy trừ.
Khô cạn biển sinh tử
Chẳng phải địa Thanh văn
Và cùng thừa Duyên giác
Bồ-tát đã thương xót.
Tham dục, giận, ngu si
Chúng sinh vào đường ác
Nhờ nước đại Bi này
Rửa sạch khổ chúng sinh.

Lại nữa, này thiện nam! Lại có vô lượng, vô biên vô số các loại luân trang nghiêm lớn sai khác như: Âm thanh, Biện tài, tất cả Tammuội, Tổng trì, Nhẫn nhục đầy khắp hư không. Đại Bồ-tát nếu thành tựu được luân này, từ lúc mới phát tâm đã đoạn trừ năm thứ dục, có thể gánh vác, làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn và Bích-chiphật, khiến cho tất cả chúng sinh đều giữ gìn, cúng dường.

Thế nào gọi là Đại Bồ-tát có vô lượng, vô biên vô số luân trang nghiêm lớn, sai khác như âm thanh, biện tài, tất cả Tam-muội, Tổng trì, nhẫn nhuc đầy khắp hư không? Đó là Bồ-tát chiếu sáng tất cả pháp, giống như ánh sáng của mặt trăng chiếu khắp thiên hạ, không tướng, không nương tựa, tâm không bị đắm nhiễm. Đối với các Tammuội thân tâm không lay động. Mắt, nhãn xúc nhãn thức đều không lay động. Nếu mắt duyên nơi xúc bên trong thì sinh ra ba thọ: Khổ thọ, lạc thọ và không khổ không lạc thọ, nên phát sinh tâm vắng lặng cùng với tâm vô sinh. Tai, mũi, lưỡi, thân cho đến tâm, ý, ý thức vô sinh cũng đều như vậy, có thể sinh ra ba thọ, tâm tịch tĩnh, tâm vô sinh. Tất cả ấm, giới, nhập trong ba đời cũng đều vô sinh, không có lay động, ba cõi, ba hành, ba giới, ba thừa, ba giải thoát, ba căn, ba xuc, tâm cũng vắng lặng, tâm vô sinh, tất cả đều không chỗ trụ, đều thực hành Bố thí ba-la-mật vô tướng, cho đến Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ ba-la-mật đều an trụ vào tịch diệt, tâm không loạn động. Bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy phần Bồ-đề, tám Thánh đạo đều an trụ không lay động, trụ vào định thứ chín cũng không lay động, cho đến tướng ba hành, như và bất như cũng đều không lay động. Biết tất cả pháp đều không bị chướng ngại, an trụ vào tám con đường Thánh, cảnh giới và không phải cảnh giới, có chấp thủ và không chấp thủ, hữu lậu, vô lậu, có bờ bên này bên kia, không có bờ bên này bên kia, không lớn không nhỏ, có tạo tác không có tạo tác, có thiện có ác, hữu ký vô ký, đối với tất cả mọi nơi tâm đều không lay động. Như thế mới có thể làm phương tiện lớn phát khởi tâm đại Từ đại Bi để giáo hóa chúng sinh, giữ gìn ba thừa và bốn Vô úy, phân biệt mười Địa cho đến mười tám pháp Bất cộng, đối với tất cả mọi nơi đều an trụ không tạo tác, không dấy khởi, tâm luôn an trụ, giữ tướng nơi ba thọ thảy đều vắng lặng. Đại Bồ-tát xa lìa tất cả tướng, đạt được mắt như hư không, đạt Tam-muội Hỏa quang chiếu minh và tất cả Tam-muội vua, cùng với luân phương tiện trang nghiêm lớn. Nếu Bồ-tát an trụ nơi Tam-muội ấy thì có thể diệt trừ các nghiệp khổ nơi ba đường ác ở quá khứ, diệt hết không còn sót.

Này thiện nam! Ví như năm mặt trời xuất hiện cùng một lúc thì tất cả dòng nước, sông, ao và các biển, nước trong bốn biển thảy đều khô cạn. Đại Bồ-tát cũng vậy, nhờ vô lượng, vô biên vô số luân trang nghiêm lớn như ví dụ, lời nói thiện xảo, biện tài, tất cả Tam-muội, Tổng trì, nhẫn nhục đầy khắp hư không. Nếu Bồ-tát thành tựu luân này, diệt hết phiền não nơi ba cõi, trừ cac nẻo ác, đối với các nghiệp chướng đã tạo nơi đời quá khứ vĩnh viễn không còn sót.

Này thiện nam! Ví như thế giới khi kiếp sắp tận thì bốn cõi thiên hạ, tám vạn bốn ngàn các sông ngòi cùng với tất cả các núi trong bốn cõi thiên hạ đều tan hoại, tiêu diệt vĩnh viễn không còn nữa.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát cũng lại như vậy. Thành tựu tất cả luân Tam-muội, các Đà-la-ni, nhẫn nhục, có thể diệt trừ nghiệp ác đã tạo ở đời trước, cho đến tất cả các nẻo ác trong ba cõi đều dứt trừ không còn sót.

Này thiện nam! Ví như khắp hư không tất cả đều tối đen, khi mặt trời xuất hiện thì mọi sự tối tăm đó đều tiêu diệt. Đại Bồ-tát cũng vậy, nếu có thể thành tựu luân trang nghiêm lớn này, cho đến tất cả luân Tam-muội, Tổng trì, Nhẫn nhục thì các sự tối tăm điên đảo của thân mình và người khác thảy đều tiêu diệt. Mặt trời trí tuệ vô biên như hư không cũng vậy, đều có thể tiêu diệt các nghiệp ác bất thiện ở đời trước, vĩnh viễn không còn nữa. Bồ-tát này không thuận theo tri thức ác, thường gần gũi chư Phật, lãnh hội chánh pháp, cho đến không xa lìa các hạnh của Bồ-tát, ở trong giấc mộng tâm luôn nhớ nghĩ Phật.

Thế nào là Đại Bồ-tát tạo luân trang nghiêm lớn gồm vô lượng, vô biên vô số những thứ: lời nói, âm thanh, biện tài, tất cả Tam-muội, Tổng trì, nhẫn nhục đầy khắp hư không? Đại Bồ-tát nhập vào thiền thứ nhất cho đến thiền thứ tư, rồi nhập vào Không xứ cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhập vào đầy đủ Định diệt tận cho đến đầy đủ diệt ba hành tâm, tâm không lay động, tưởng, xúc, ý, hành vắng lặng, đều không lay động, hoặc an trụ một ngày một đêm, cho đến bảy ngày bảy đêm, ở trong thiền định Tam-muội cũng trụ vào Đệ nhất nghĩa không, các lỗ chân lông nơi thân phát ra khí nóng thiêu cháy các củi khô là nghiệp kết sử, lần lượt như vậy thì đạt được chánh niệm sâu xa, khiến toàn thân được hỷ lạc.

Ví như Thiên tử Tự Tại nhập vào Tam-muội Hiện nhất thiết hỷ lạc. Nhập vào Tam-muội này rồi thì tất cả lỗ chân lông nơi thân đều cảm thọ sự hỷ lạc. Tướng hỷ lạc như vậy, xúc chạm nơi thân của Bồtát, tự mình nhớ niệm Phật, niệm Phật rồi liền thấy Phật, không có tướng gì khác.

Nếu niệm một Đức Phật thấy một Đức Phật. Nếu niệm vô lượng Đức Phật thay vô lượng Đức Phật. Nếu niệm một phần thân Đức Phật thì thấy một phần thân Phật, nếu niệm vô biên thân Phật thì thấy vô biên thân Phật. Nếu quán thân mình thành tướng Phật thì thấy thân mình đồng với tướng tốt của Phật, trang nghiêm đầy đủ. Nếu quán thân người khác thành tướng Phật thì thấy thân người khác đồng với tướng tốt của Phật, trang nghiêm đầy đủ. Nếu muốn quán chúng sinh đều thành tướng Phật thì tùy theo chỗ quán sát thân tướng của Phật, không thấy gì khác. Tâm đã khởi niệm đều là thật không phải hư vọng, nhận biết các pháp như huyễn, giống như ảnh trong nước, đều xem ba thọ, ba hành vĩnh viễn không còn nữa.

Quán như vậy rồi, nhập vào Định diệt tận, thọ nhận thiền duyệt thực hoặc một tuần, hai tuần, ba tuần cho đến bảy tuần, hoặc mười ngày, mười lăm ngày, như vậy cho đến trăm ngàn vạn ức kiếp, trở lại quán không nơi thật đế, như trước niệm Phật, thành tựu quán này rồi.

Này thiện nam! Nhờ tướng vô lượng, vô biên vô số luân gồm các loại như: lời nói, âm thanh, biện tài, tất cả Tam-muội, Tổng trì, nhẫn nhục như vậy đầy khắp hư không.

Bồ-tát thành tựu luân như vậy rồi, nên đoạn trừ năm thứ dục, tất cả nghiệp ác ở quá khứ nơi ba cõi, sáu đường đều tiêu trừ, khiến không còn sót, có thể gánh vác, làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn và Bích-chi-phật, cũng khiến cho tất cả chúng sinh đều giữ gìn, cúng dường, lìa bốn thứ điên đảo, ngu si, tối tăm, không thuận theo các tri thức ác, thường gần gũi chư Phật, được nghe chánh pháp, cho đến trong giấc mộng cũng đều thấy Phật, lãnh hội giáo pháp, cúng dường chúng Tăng, đối với tất cả nẻo hành trì của Bồ-tát, mau chóng thành tựu đạo quả Bồ-đề vô thượng, đạt được cõi Phật thanh tịnh, nơi cõi Phật ấy, tất cả chúng sinh thảy đều hóa sinh, có đủ tướng tốt như Phật, an trụ nơi Đại thừa, không còn các kết sử.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn nói lại sự việc trên nên dùng kệ:

Người gánh vác pháp khí
Diệt trừ các kết sử
Trụ vào lòng tin thiện
Đều không còn nghi ngờ.
Nhằm dứt trừ trói buộc
Mà tạo trang nghiêm lớn
Tu học các thiền định
Trí tuệ không nghĩ bàn.
Tu học các phước đức
Quán tịch diệt đệ nhất
Nhờ trí niệm Phật này
Diệt hết tất cả ác.
Tướng cùng với vô tướng
Dùng pháp “Không” để diệt
Bặt dứt hẳn đường ác
Luôn gặp được chư Phật.
Tu học các pháp lành
Cúng dường tất cả Phật
Sớm thành tựu Chánh giác
Nhờ tu tập không tướng.
Làm bạn với chúng sinh
Trừ bỏ các kết sử
Là ruộng phước thanh tịnh
Mau chứng được Bồ-đề.
Chúng sinh thành tướng Phật
Đầy khắp cả thế giới
Vì mong cầu Phật đạo
Nên xa lìa hai thừa.

Khi Đức Phật giảng nói pháp này, có vô lượng, vô số Bồ-tát vốn đã từng nghe chánh pháp niệm Phật, nếu bị quên mất thì hôm nay đều đạt được trở lại. Có vô lượng chúng sinh nghe pháp niệm Phật này, đạt được trăm ngàn Tam-muội, đều nhập vào tất cả Tam-muội phương tiện, đạt được ức niệm vòng hoa Tổng trì. Có vô lượng chúng sinh đều nương vào Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm, cho đến thành tựu được Tam-muội Điện quang, đạt được tất cả pháp chiếu sáng, chứng được pháp Nhẫn vô sinh, xa lìa trần cấu, chứng đắc Pháp nhãn thanh tịnh. Lại có vô lượng chúng sinh đạt được quả Tu-đà-hoàn, quả Tưđà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán. Có vô lượng chúng sinh đều mong cầu được xuất gia trong giáo pháp của Phật. Có vô lượng chúng sinh nương vào mười điều thiện, có người phát tâm theo hàng Thanh văn, có người phát tâm theo Bích-chi-phật, có người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, có người chứng đắc quả vị Bất thoái. Có vô lượng chúng sinh đạt được chánh kiến thế gian, nhờ nhân duyên chánh kiến nên đoạn dứt kết sử trong đường xấu ác, đều được sinh nơi cõi trời, cõi người, quy y Tam bảo, xả bỏ năm thứ dục, được xuất gia nơi giáo pháp của Phật, xa lìa tất cả tà kiến, đạt được lòng tin thanh tịnh.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Kim Cang Tạng:

–Này thiện nam! Ông nên đem pháp luân không thoái chuyển này thọ ký cho Bồ-tát Địa Tạng. Nếu có chúng sinh đọc tụng kinh này, giảng nói rõ cho người khác, an trụ vào chánh pháp, sẽ được sự ủng hộ của mười pháp. Những gì là mười? Đó là ủng hộ tất cả tài vật, xa lìa tất cả oán địch, tất cả tà kiến, mọi sự nương tựa sai lạc vào mười điều ác, tất cả tội lỗi của thân, tất cả tội lỗi của miệng, tất cả điều phỉ báng, xa lìa tất cả những sự phá giới, tất cả bệnh nặng, tất cả sự chết rủi ro. Chúng sinh như thế khi lâm chung đều thấy được chư Phật, được sinh lên cõi trời. Nếu có chúng sinh đọc tụng kinh này thì sẽ được sự ủng hộ của mười pháp như vậy. Đó gọi là kho báu của chư Phật.

Đức Phật giảng nói kinh này xong, bốn bộ chúng, chư Thiên, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầula-già, Nhân phi nhân, Bo-tát Địa Tạng… nghe kinh, thảy đều hoan hỷ phụng hành.