SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 14-15

Phẩm 15: THÁNH HIỀN

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Người mới học đạo Bồ-tát đối với Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa nên học như thế nào?

Phật bảo Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Người mới học đạo Bồ-tát nếu muốn học pháp Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa thì phải gần gũi bậc Thiện tri thức, cung kính tôn trọng để học Bát-nhã ba-la-mật-đa. Bậc Thiện tri thức nên vì người mới học đạo Bồ-tát mà chỉ dạy như lý, giảng thuyết như thật ý nghĩa Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nói như vầy: “Này thiện nam! Ông đã tu tập Bố thí ba-la-mật-đa, Trì giới ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền định ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật-đa được bao nhiêu công đức đều hồi hướng về quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lại nữa, khi ông đem công đức bố thí hồi hướng về quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không nên chấp trước quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chớ chấp trước sắc cho là Bồ-đề, chớ chấp trước thọ, tưởng, hành, thức cho là Bồ-đề. Vì sao? Vì Nhất thiết trí không có chấp trước. Thiện nam! Ông tu tập về giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn không biếng nhác, thiền định vắng lặng, trí tuệ hiểu rõ, khi ông đem công đức như vậy hồi hướng về quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì không nên chấp trước quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chớ chấp trước sắc cho là Bồ-đề, chớ chấp trước thọ, tưởng, hành, thức cho là Bồ-đề. Vì sao? Vì Nhất thiết trí không có chấp trước. Thiện nam! Vì thế ông cũng không nên chấp vào quả vị Thanh văn, Duyên giác.

Này Tu-bồ-đề! Bậc Thiện tri thức nên vì hàng mới học Bồ-tát mà chỉ dạy như vậy, làm cho họ dần dần vào sâu trong pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát mong cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì muốn làm cho tất cả chúng sinh trừ các phiền não an trụ vào Niết-bàn. Với những hành động khó làm của Bồ-tát như bố thí với tướng như vậy; Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Bát-nhã ba-la-mật-đa với tướng như vậy, các tướng sâu xa khó làm vì thế Đại Bồ-tát muốn thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì ngay trong luân hồi này nên phát tâm tinh tấn chớ sợ hãi.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng vậy! Hành động của Đại Bồ-tát rất khó nhưng vì muốn lợi ích an lạc, thương xót thế gian và mong cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bồ-tát nghĩ: “Nếu ta thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì sẽ cứu giúp cho thế gian, làm chỗ cho thế gian hướng về, làm nhà cho thế gian, làm đạo rốt ráo cho thế gian, làm ánh sáng rực rỡ cho thế gian, làm bậc thầy hướng dẫn cho thế gian, làm nơi chân thật cho thế gian.” Vì thế nên các Đại Bồ-tát đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác phát tâm đại tinh tấn.

Này Tu-bồ-đề! Vì sao Đại Bồ-tát khi đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì cứu giúp thế gian? Vì Đại Bồ-tát muốn cho tất cả chúng sinh trong thế gian dứt trừ sự khổ trong luân hồi, đó là Đại Bồ-tát thường vì thế gian mà làm việc cứu giúp lớn.

Này Tu-bồ-đề! Vì sao Đại Bồ-tát khi đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì làm chỗ cho thế gian hướng về? Vì Đại Bồ-tát muốn cho tất cả chúng sinh trong thế gian thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết, sầu bi, khổ não. Đó là Đại Bồ-tát làm chỗ hướng về cho thế gian.

Này Tu-bồ-đề! Vì sao Đại Bồ-tát khi đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì làm nhà cho thế gian? thuyết pháp không chấp trước cho chúng sinh.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Không chấp trước như thế nào?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Không chấp trước sắc, nên không buộc vào sắc; không bị sắc buộc nên không tham đắm sắc; sắc không trói buộc nên sắc không sinh diệt; vì sắc không sinh diệt, nên không bị chấp trước; do không bị chấp trước nên không buộc cũng không mở. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Nếu không buộc vào thức thì không tham đắm thức; nếu không tham đắm thức thì không bị thức buộc; bởi thức không buộc nên thức không sinh diệt; vì thức không sinh diệt nên không bị chấp trước, do không chấp trước nên không buộc không mở. Tất cả các pháp cũng lại như vậy. Đối với các sự thấy biết đều không bị chấp trước.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vì các chúng sinh thuyết pháp như vậy. Đó là Đại Bồ-tát làm nhà ở cho thế gian.

Này Tu-bồ-đề! Vì sao Đại Bồ-tát khi đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm đạo rốt ráo cho thế gian? Vì Đại Bồ-tát khi được giác ngộ đều giảng thuyết cho chúng sinh như vầy: “Cứu cánh của sắc tức là chẳng phải sắc, cứu cánh của thọ, tưởng, hành, thức tức là chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức. Vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức như vậy nên tất cả pháp cũng vậy.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu cứu cánh của sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến tất cả pháp đều như vậy thì các Đại Bồ-tát đều không thể đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì trong tất cả pháp không có phân biệt như vậy.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng vậy! Tất cả các pháp không phân biệt và bị phân biệt. Do vậy nên Đại Bồ-tát đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì tất cả các pháp tối thượng sâu xa, vi diệu khó vào, an trụ vắng lặng không đắc, không chứng, không động, không chuyển. Tubồ-đề! Đại Bồ-tát khi đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vì các chúng sinh thuyết pháp như vậy. Đó gọi là Đại Bồ-tát làm đạo cứu cho thế gian.

Này Tu-bồ-đề! Vì sao Đại Bồ-tát khi đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm hòn đảo lớn cho thế gian? Thế nào là hòn đảo lớn?

Này Tu-bồ-đề! Ví như vùng đất có nước xung quanh ngăn cách thì gọi là đảo. Tất cả các pháp cũng lại như vậy. Vì đoạn trừ sắc quá khứ, nên sắc vị lai cũng đoạn trừ; vì đoạn trừ thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, nên thọ, tưởng, hành, thức vị lai cũng đoạn trừ, cho đến đoạn trừ tất cả pháp quá khứ nên tất cả pháp vị lai cũng đoạn trừ. Do đoạn trừ như thế nên tất cả pháp đều được đoạn trừ. Nhưng tướng đoạn trừ này chẳng phải là tướng điên đảo, mà là Niết-bàn vắng lặng.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát khi đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì các chúng sinh thuyết pháp như vậy. Đó gọi là Đại Bồ-tát làm hòn đảo lớn cho thế gian.

Này Tu-bồ-đề! Vì sao Đại Bồ-tát khi đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm ánh sáng lớn cho thế gian? Vì Đại Bồ-tát ở trong sinh tử, vì các chúng sinh nên làm các phương tiện để chúng sinh nhổ mũi tên vô minh ra khỏi khổ sinh tử, dùng ánh sáng Nhất thiết trí phá tan sự si mê tối tăm của chúng sinh. Đó gọi là Đại Bồtát làm ánh sáng lớn cho thế gian.

Này Tu-bồ-đề! Vì sao Đại Bồ-tát khi đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm bậc Thầy dẫn đường cho thế gian? Vì Đại Bồ-tát khi đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác giảng thuyết cho chúng sinh. “Tự tánh của sắc không sinh không diệt; tự tánh của thọ, tưởng, hành, thức cũng không sinh không diệt, tự tánh của các pháp phàm phu cũng không sinh không diệt, tự tánh của Thanh văn, Duyên giác cũng không sinh không diệt, tự tánh của Bồ-tát cũng không sinh không diệt, tự tánh của Phật cũng không sinh không diệt, cho đến tự tánh của tất cả các pháp cũng không sinh không diệt.”

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát khi đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vì các chúng sinh thuyết pháp như vậy. Đó gọi là Đại Bồ-tát làm bậc thầy dẫn đường cho thế gian.

Này Tu-bồ-đề! Vì sao Đại Bồ-tát khi thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm nơi hướng về chân thật cho thế gian? Vì Đại Bồ-tát khi được giác ngộ nói sắc quy về không; nói thọ, tưởng, hành, thức quy về không; nói tất cả pháp cũng quy về không tức là tất cả pháp không đến, không đi, tựa như hư không, không tạo tác, không hình tướng, không dừng trụ, không chỗ trụ, không có pháp trụ, không sinh diệt. Do tất cả pháp không đến, không đi, tựa như hư không, không tạo tác, không hình tướng, không dừng trụ, không chỗ trụ, không có pháp trụ, không sinh diệt, vì nghĩa đó, tức không phân biệt và phân biệt. Vì sao?

Vì sắc ở trong tánh không, nên không đến, không đi; thọ, tưởng, hành, thức ở trong tánh không nên không đến, không đi cho đến tất cả pháp trụ trong tánh không nên không đến không đi. Trong đó, tại sao hướng đến không, thì tất cả pháp đều hướng đến, đó là sự hướng đến không thoái chuyển; hướng đến vô tướng thì tất cả pháp đều hướng đến, đó là sự hướng đến không thoái chuyển; hướng đến vô nguyện thì tất cả pháp đều hướng đến, đó là sự hướng đến không thoái chuyển; hướng đến vô tác thì tất cả pháp đều hướng đến, đó là sự hướng đến không thoái chuyển; hướng đến vô sinh thì tất cả pháp đều hướng đến, đó là sự hướng đến không thoái chuyển; hướng đến vô thú thì tất cả pháp đều hướng đến, đó là sự hướng đến không thoái chuyển; hướng đến vô tánh thì tất cả pháp đều hướng đến, đó là sự hướng đến không thoái chuyển; hướng đến mộng thì tất cả pháp đều hướng đến, đó là sự hướng đến không thoái chuyển; hướng đến ngã thì tất cả pháp đều hướng đến, đó là sự hướng đến không thoái chuyển; hướng đến vô ngã thì tất cả pháp đều hướng đến, đó là sự hướng đến không thoái chuyển; hướng đến vô biên thì tất cả pháp đều hướng đến, đó là sự hướng đến không thoái chuyển; hướng đến tịch tĩnh thì tất cả pháp đều hướng đến, đó là sự hướng đến không thoái chuyển; hướng đến Niết-bàn thì tất cả pháp đều hướng đến, đó là sự hướng đến không thoái chuyển; hướng đến vô khởi thì tất cả pháp đều hướng đến, đó là sự hướng đến không thoái chuyển; hướng đến vô hoàn thì tất cả pháp đều hướng đến, đó là sự hướng đến không thoái chuyển; hướng đến vô trụ thì tất cả pháp đều hướng đến, đó là sự hướng đến không thoái chuyển; hướng đến bất động thì tất cả pháp đều hướng đến, đó là sự hướng đến không thoái chuyển; hướng đến sắc thì tất cả pháp đều hướng đến, đó là sự hướng đến không thoái chuyển; hướng đến thọ, tưởng, hành, thức thì tất cả pháp đều hướng đến, đó là sự hướng đến không thoái chuyển; hướng đến quả A-lahán, quả Duyên giác, quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì tất cả pháp đều hướng đến, đó là sự hướng đến không thoái chuyển.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát khi đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác giảng thuyết các pháp hướng đến không như vậy cho các chúng sinh.

Khi ấy, Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tối thượng này, người nào có thể tin hiểu đúng đắn?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Nếu có Đại Bồ-tát đã tạo mọi sự thành tựu về thiện căn từ các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác ở quá khứ tu tập thắng hạnh sâu xa của Bồ-tát đã lâu thì đối với pháp Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa này mới có thể tin hiểu đúng đắn.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Người có thể tin hiểu tướng trạng ấy ra sao?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Người xa lìa tánh tham, sân, si là tướng trạng tin hiểu đầy đủ tướng trạng ấy thì có thể tin hiểu pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát được Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng hướng đến như vậy, đã được sự hướng đến ấy rồi giảng thuyết như thật cho các chúng sinh, làm cho các chúng sinh được sự hướng đến đó.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng vậy! Này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật-đa

sâu xa cũng hướng đến như vậy. Đại Bồ-tát được sự hướng đến ấy rồi giảng thuyết như thật cho các chúng sinh, làm cho các chúng sinh được sự hướng đến ấy.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát khi thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thuyết pháp như vậy cho các chúng sinh, đó gọi là Đại Bồ-tát làm nơi hướng đến chân thật cho thế gian.

*********

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Việc làm của Đại Bồ-tát rất khó, đó là vì vô lượng, vô số chúng sinh mặc áo giáp tinh tấn, làm việc đại trang nghiêm, làm cho khắp chúng sinh đạt được đại Niết-bàn, nhưng hiểu rõ tướng của chúng sinh thì chẳng thể nắm bắt được.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Việc làm của Đại Bồtát rất khó, vì vô lượng, vô số chúng sinh mà mặc áo giáp tinh tấn, làm việc đại trang nghiêm, làm cho khắp chúng sinh đạt được đại Niết-bàn, nhưng hiểu rõ tướng của chúng sinh thì chẳng thể nắm bắt được.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát không bị sắc hoặc mở hoặc trói nên làm việc đại trang nghiêm; không bị thọ, tưởng, hành, thức hoặc mở hoặc trói nên làm việc đại trang nghiêm; không bị quả vị Thanh văn, Duyên giác, Phật hoặc mở hoặc trói nên làm việc đại trang nghiêm. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát không vì trang nghiêm tất cả pháp mà làm việc đại trang nghiêm. Đó gọi là làm việc đại trang nghiêm.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát nào thực hành Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa như thế tức là Đại Bồ-tát làm việc đại trang nghiêm. Tuy thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế nhưng các Đại Bồ-tát không chấp trước ba nơi, đó là quả vị Thanh văn, Duyên giác, Phật.

Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Như lời ông nói, Đại Bồ-tát thực hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy là làm việc đại trang nghiêm. Tuy hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa ấy nhưng các Đại Bồ-tát không chấp trước quả vị Thanh văn, Duyên giác, Phật. Tu-bồ-đề! Ông hiểu nghĩa ấy thế nào mà nói như vậy?

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Như pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa vô cùng sâu xa, không có pháp nhỏ nào có thể được tu tập mà không có pháp tu tập và không có người tu tập. Vì sao? Vì trong pháp Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa không có một pháp nào có thể sinh ra, tức là không có sở tu, như tu hư không là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa, không tu tất cả pháp là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa, tu không chấp trước là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa, tu vô biên là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa, tu pháp không tu là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa, tu mà không chấp thủ là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Phật bảo Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng vậy! Pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa này vi diệu sâu xa! Tu-bồ-đề! Các Đại Bồ-tát nào thường hay tu tập thì nên lấy pháp này làm thí nghiệm để biểu thị tướng ấy. Nếu có Đại Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không sinh tham đắm và không mong cầu, lại cũng không chạy theo lời bàn luận của mọi người, tâm được thanh tịnh, lòng tin không đổi, mà khi nghe pháp Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa này không kinh, không sợ, không lui, không mất, không nghi, không nạn, không hối, không đắm, tâm rất vui mừng, tin hiểu thanh tịnh, thì nên biết Đại Bồ-tát này không còn thoái chuyển đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Trước đây đã từng nghe pháp sâu xa này ở chỗ Đức Phật, lại thưa hỏi nghĩa lý trong pháp ấy. Do nhân duyên này lại được nghe pháp sâu xa ấy, không kinh, không sợ… cho đến sinh tâm vui mừng tin hiểu.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát nghe pháp Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa này không kinh sợ rồi, thì cần phải làm sao để quan sát Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đại Bồ-tát muốn quan sát Bát-nhã ba-la-mật-đa thì nên tùy theo tâm Nhất thiết trí để quan sát.

Tu-bồ-đề bạch:

–Thế nào là tùy theo tâm Nhất thiết trí để quan sát?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Nương vào hư không để quan sát, tức là theo tâm Nhất thiết trí để quan sát. Thế nào gọi là nương vào hư không để quan sát?

Này Tu-bồ-đề! Nương vào hư không để quan sát tức là không có sở quán. Vì vậy mới gọi là nương vào tâm Nhất thiết trí để quan sát Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì vô lượng là Nhất thiết trí.

Này Tu-bồ-đề! Vô lượng tức là không sắc; không thọ, tưởng, hành, thức, không đắc, không chứng, không đạo pháp, không đạo quả, không trí, không thức, không sinh, không diệt, không thành, không hoại, không quán, không sở quán, không tạo tác, không người tạo tác, không đến, không đi, không phương, không hướng, không trụ, chẳng phải không trụ, thì đó là vô lượng. Nếu thấy là vô lượng, tức là rơi vào số vô lượng. Nếu không thấy là vô lượng, tức là như hư không vô lượng, Nhất thiết trí cũng vô lượng. Như vậy, vô lượng tức là không đắc, không chứng. Vì thế không thể do sắc mà đắc; không thể do thọ, tưởng, hành, thức mà đắc; không thể do Bố thí ba-la-mậtđa mà đắc, không thể do Trì giới ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền định ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật-đa mà đắc.

Điều đó nghĩa là gì? Nghĩa là sắc tức là Nhất thiết trí; thọ, tưởng, hành, thức tức là Nhất thiết trí; Bố thí ba-la-mật-đa tức là Nhất thiết trí, Trì giới ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Tinh tấn bala-mật, Thiền định ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật-đa tức là Nhất thiết trí.

Bấy giờ, vua trời Đại phạm, chủ cõi Sa-bà cùng đông đủ chúng Thiên tử Sắc giới, vua trời Đế Thích cùng đông đủ chúng Thiên tử Dục giới đi đến chỗ Phật. Sau khi đến, họ đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu bên phải ba vòng rồi đứng qua một bên, đồng bạch với Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa rất là sâu xa, khó thấy, khó hiểu, không thể đạt được tận cội nguồn giới hạn của pháp ấy. Vậy thì Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác dựa vào đâu để an trú trong đạo tràng, thành tựu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và nói pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này?

Phật bảo Phạm vương, Đế Thích và các Thiên tử:

–Đúng vậy, đúng vậy! Bát-nhã ba-la-mật-đa rất là sâu xa, khó thấy, khó hiểu, không thể đạt được tận cội nguồn giới hạn của pháp ấy, nhưng nhờ thấy được ý nghĩa Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này nên Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác an trú nơi đạo tràng, thành tựu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và giảng thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.

Này các Thiên tử! Như Lai tuy đắc Bồ-đề nhưng không thấy người đắc và không có sở đắc. Tuy giảng thuyết Bát-nhã ba-la-mậtđa nhưng không thấy có người giảng thuyết, cũng không có pháp để giảng thuyết. Vì sao? Vì pháp của ta rất sâu xa, chẳng phải pháp để giảng thuyết. Giống như hư không rất sâu xa, pháp này cũng rất sâu xa. Ngã rất sâu xa nên pháp này cũng rất sâu xa. Tất cả pháp không đến, không đi, nên pháp này rất sâu xa.

Lúc ấy, Phạm vương, Đế Thích và các Thiên tử lại bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, hy hữu thay! Bạch Thiện Thệ, hy hữu thay! Pháp mà Thế Tôn nói, những người tu hành ở thế gian khó có thể tin, khó có thể hiểu. Vì sao? Vì người tu hành ở thế gian có sự chấp trước, còn Phật thuyết pháp không chấp trước. Vì vậy, tất cả pháp lìa các sự chấp trước.