KINH ĐẠI BI
(ĐẠI AI KINH)
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 15: THẦN TÚC

Phật nói:

–Thiện nam! Như Lai tỏ biết và đi lại khắp các cõi. Nghĩa là biết chúng sinh nhất định được độ thoát trong cảnh giới chân thật. Như Lai biết chúng sinh ở cõi đó tạo nghiệp tà vạy nhất định chịu quả báo tà vạy. Chúng sinh đều từ nhân nơi tiền kiếp mà chịu báo ứng. Với chúng sinh có căn tánh thông lợi, sẽ được giáo hóa, Như Lai diễn giảng kinh pháp. Với chúng sinh có thể là pháp khí, Phật quán biết, nên tùy thuận thuyết giảng. Với chúng sinh không thể nghe hiểu các pháp, Như Lai dùng giới để giáo huấn. Nêu dạy giới cấm mà chúng vẫn không giải thoát, không được cứu độ, Như Lai sẽ dẫn dụ đưa về pháp vô bản. Như Lai tùy thuận từng căn bệnh để cho thuốc. Chúng sinh nào nhờ nghe pháp Phật, thuận tu được giải thoát, chư Phật liền xuất hiện ở đời. Chúng sinh chìm đắm trong nghiệp ác không thể nghe pháp, Như Lai bảo hộ chúng, sau sẽ giảng kinh pháp, vì thế, Bồ-tát luôn phát nguyện độ sinh. Như Lai ra đời vì độ ba việc tham dục: vì kẻ tham dục Như Lai ra đời; vì để giúp kẻ bị trói buộc trong tham dục được xuất gia, Như Lai ra đời; vì độ kẻ do nhân tham dục từ kiếp trước mà khổ đau, Như Lai ra đời. Như Lai ra đời độ ba thứ sân: Trói buộc trong sân hận; không trọn nguyện ước; ấm, cái từ đời trước ràng buộc. Độ ba si: Kẻ ngu si làm việc vô minh, kẻ chấp thân, kẻ chìm đắm. Với căn tánh sáng suốt, Như Lai dùng hạnh khổ để giúp đạt thần thông. Với chúng sinh yếu kém, Như Lai dùng hạnh an ổn để giúp chóng đạt thần thông. Với kẻ thông tuệ, Như Lai gia hộ bằng hạnh siêng khổ để giúp đạt thần thông; với kẻ yếu kém Như Lai gia hộ, điều phục giúp chúng hiểu thần thông; với kẻ không tin đạo, Như Lai luôn gia hộ để chúng thành tựu thần thông; với kẻ ngang ngược, hạnh thô bạo, Như Lai giáo hóa giúp chúng sớm đạt thần thông, không còn ngu muội, luôn vui vẻ; Như Lai biết có người nhờ sức của đạo mà đạt trọn vẹn thần thông, có người nhờ tu tập mà được đầy đủ, có người nhờ sức đạo và sức tu tập mà được đầy đủ; có người nhờ tánh hòa nhã nhưng hạnh không hợp, tánh không hòa hợp; người hạnh hòa hợp tánh lại hòa hợp; có người thân thanh tịnh nhưng tâm, khẩu không thanh tịnh, người khẩu thanh tịnh nhưng thân tâm không thanh tịnh; người thanh tịnh cả thân khẩu tâm; người thân khẩu tâm đều không thanh tịnh. Như Lai biết rõ tất cả hành nhân, quả báo của chúng sinh, nhưng trí Phật không hao tổn. Đó là hạnh thứ sáu của Phật.

Đức Phật nói kệ:

Tất cả hạnh chúng sinh
Như Lai đều biết rõ
Thông đạt các chủng loại
Phân biệt cõi chúng sinh.
Kẻ không có trí tuệ
Tạo tác nghiệp hư dối
Không thể nào nghe pháp
Sống trong nghiệp tà vạy.
Hành nghiệp của tham dục
Phân biệt có ba nhân
Sân hận cũng có ba
Ngu si lại giống vậy.
Trong cảnh giới trần dục
Đủ vô số chủng loại
Thế Tôn đều biết rõ
Nhân duyên và báo ứng.
Người siêng năng cần khổ
Tâm ý thông đạt cả
Kẻ căn tánh thấp kém
Tạo nhân và chịu quả.
Người căn tánh thông lợi
Luôn được sống an ổn
Như Lai luôn gia hộ
Bình đẳng không phân biệt.
Người nhu thuận hòa nhã
An trụ trong tịch tĩnh
Nhờ nhân duyên như vậy
Sớm đạt được thần thông.
Nẻo hành mau thành tựu
An ổn sống vui vẻ
Tu tập các hạnh lành
Tích lũy mọi công đức.
Hoặc không cần hành đạo
Nhưng lại đạt tuệ đạo
Hoặc nhờ tu hành đạo
Nên thành tựu đạo tuệ.
Hoặc có từ hành đạo
Nên đạt mọi thành tựu
Như Lai biết cả hai
Đều từ hạnh đặc thù.
Có người tu tập hạnh
Chí tánh lại điều hòa
Người chí tánh hòa thuận
Hạnh đức lại không tu.
Người căn tánh thông lợi
Thanh tịnh cả hai hạnh
Phật thấy biết tất cả
Không gì không thông đạt.
Có người tạo tác nghiệp
Thân tu hạnh thanh tịnh
Nhưng tâm và khẩu nghiệp
Lại không thể thanh tịnh.
Có người tự giữ mình
Thanh tịnh thân và khẩu
Riêng việc làm của tâm
Lại không thể thanh tịnh.
Có người ở trong đời
Thanh tịnh thân, khẩu, ý
Hạnh nghiệp của chúng sinh
Như Lai biết rất rõ.
Có chúng sinh thành tựu
Cũng có kẻ không thành
Đó là hạnh thứ sáu
Của Như Lai Thế Tôn.