SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 16

Phẩm 15: PHẪN NỘ

Không đáng giận, nổi giận

Không làm lành, làm ác

Họ chịu đau khổ ấy

Đời này và đời sau.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn Cù-sư, nước Câu-xà-di.

Lúc bấy giờ, trong làng ấy có rất nhiều Tỳ-kheo ưa thích tranh chấp, đôi bên trợn mắt nhìn nhau, hủy nhục lẫn nhau. Đức Thế Tôn biết được bảo các Tỳ-kheo:

–Hãy thôi! Các Tỳ-kheo chớ nên tranh chấp. Vì sao? Các thầy nên biết, oán ghét không chấm dứt được oán ghét, chỉ có nhẫn nhục mới chấm dứt oán ghét. Đó là Chánh pháp Như Lai. Vì sao?

Vào thời quá khứ lâu xa, vô số kiếp về trước, vua nước Ca-thi tên là Phạm ma-đạt và vua nước Câu-tát-la tên Trường Thọ. Lúc ấy, vua Phạm-ma-đạt tập họp bốn thứ binh như voi, ngựa, bộ binh, chiến xa tấn công vào lãnh thổ vua Trường Thọ. Vua Trường Thọ nghe ngoài biên giới đang có quân mã đến, cũng vội tập hợp bốn thứ binh: voi, ngựa, bộ binh, chiến xa, rồi đưa quân ra chiến đấu và bắt sống được vua Phạm-ma-đạt, đánh tan quân giặc. Vua Trường Thọ nói với Phạm-ma-đạt:

–Ta tha mạng sống, ngươi hãy về nước, từ nay về sau chớ có làm phản.

Bị đuổi về nước không bao lâu, Phạm-ma-đạt lại tập họp bốn thứ binh: voi, ngựa, bộ binh, chiến xa, tiến đánh nước Câu-tát-la.

Vua Trường Thọ suy nghĩ: “Lần trước chiến đấu, ta đã đánh tan quân giặc, bắt sống và tha mạng cho y, thế mà y không sửa đổi lỗi lầm, nay lại đến xâm chiếm nước ta.” Sau đó, vua Trường Thọ chỉ đem theo vài kỵ binh nhẹ đi chiến đấu với quân Phạm-ma-đạt, nên bị quân Phạm-ma-đạt đánh tan. Vua Trường Thọ nhanh chân chạy thoát, dẫn theo được đệ nhất phu nhân và một vị quan hầu. Vua vào ẩn mình trong núi sâu, nơi không ai lui tới, sống ẩn dật vì sợ có người biết. Bấy giờ vua Trường Thọ lại nghĩ: “Ta ở chốn núi sâu không thể nào sống nổi. Vậy phải học thơ kệ, tập ca vịnh rồi vào nhân gian đi xin để nuôi sống.” Nghĩ vậy, vua liền tập ca vịnh thơ kệ, tự học đánh đàn cầm, đàn sắt, làm cho lời ca lưu loát ăn nhịp với tiếng đàn. Rồi phiêu bạt nơi này chốn nọ, vua sống với nghề ấy.

Lúc bấy giờ, vị quan bậc nhất của vua Phạm-ma-đạt xuất than từ dòng Phạm chí, nghe trong nước này có hai vợ chồng người ăn mày bị đói lạnh đang lang thang trong nhân gian dùng tiếng đàn cầm, đàn sắt đi xin ăn để kiếm sống, ông liền sai người kêu lại để nghe âm nhạc. Gã ăn mày vào nhà, hỏi thăm qua lại rồi liền trổi âm nhạc. Vị quan nghe xong, vui mừng hớn hở không kiềm chế được. Ông liền bảo gã ăn mày:

–Hai vợ chồng ông nghèo khổ, rách rưới, thường thiếu quần áo, thức ăn, hãy ở lại đây dạy cho đám nhỏ học tập. Ta sẽ cấp dưỡng, không để vợ chồng ông thiếu thốn.

Lúc ấy, vị phu nhân đệ nhất của người ăn mày sắp đến ngày sinh. Bà ta sinh ý nghĩ và nói với chồng:

–Thiếp vừa có ý nghĩ, ước chi ta có thứ binh chúng vây quanh thiếp vài vòng, với màn che trướng phủ, thiếp ngủ yên trong ấy.

Thiếp muốn được uống nước rửa dao bén. Ngài có những thứ ấy không?

Vua bảo vợ rằng:

–Những gì của hai ta đã bị Phạm-ma-đạt phá tan hết rồi. Đất nước mất rồi thì làm sao có được bốn thứ binh chúng, với trướng màn đẹp, nước rửa dao bén?

Người vợ nói với chồng:

–Nếu ngài không lo những món ấy thì thiếp chết, chứ sống làm gì?

Lúc bấy giờ vị quan liền kêu gã ăn mày bước ra trổi nhạc.

Tiếng đàn cầm hòa lẫn lời ca, cũng có lúc tiếng đàn cầm lỗi nhịp lời ca, hoặc lời ca không ăn khớp với tiếng đàn. Vị quan liền hỏi:

–Ta thấy ông trổi nhạc mà không được vui, vậy ông bị bệnh hay lòng có việc gì lo nghĩ chăng?

Người ăn mày đáp:

–Tôi không bệnh hoạn gì, chỉ trong lòng có việc lo nghĩ thôi.

–Vậy, ông lo nghĩ chuyện gì, có thể cho biết được không?

Đáp:

–Vợ tôi đang mang thai, sắp tới ngày sinh, nên nàng nghĩ rằng nàng muốn có được bốn thứ binh chúng vây quanh vài vòng, với màn trướng đẹp, ngủ yên, muốn được uống nước rửa dao bén. Nếu được những thứ đó thì nàng sống, còn không thì nàng chết. Xét trong hoàn cảnh như vầy thì tôi còn sống làm chi?

Vị quan bảo rằng:

–Ông hãy yên lòng, chớ có lo nghĩ. Ta sẽ tạm bày bốn thứ binh chúng.

Y như lời, vị quan liền cho bốn thứ binh chúng vây quanh mấy vòng với màn trướng đẹp, uống nước rửa dao. Ngay lúc ấy, bà sinh một bé trai dung mạo khôi ngôi khác thường, có tướng giàu sang.

Vị quan thấy vậy liền quỳ gối trước mặt phu nhân, ba lần khen:

–Ồ đẹp quá!

Rồi ông tuyên bố:

–Nước Câu-tát-la lại sinh một Thánh chúa nối ngôi vua, từ nay đất nước được hưng thịnh.

Nói rồi, ông bảo binh lính là không ai được rao truyền việc ấy, nếu ai tiết lộ ra thì sẽ bị chém đầu.

Lúc bấy giờ, Phạm-ma-đạt trộm nghe vua Trường Thọ khảy đàn cầm đàn sắt đi ăn xin trong dân gian, liền sai người đi bắt, đem về nhốt vào ngục.

Thái tử Trường Sinh dần dần khôn lớn, rồi đến các nhà các quan, trưởng giả giàu có, tự cầu nguyện mà nói:

–Xin các hiền sĩ hãy mở hội bố thí chia nhau làm điều lành.

Nếu có chút phước nào thì xin hồi hướng cho vua Trường Thọ để ông sớm thoát khỏi gốc khổ đau này!

Vua Phạm-ma-đạt lại trộm nghe, biết thái tử Trường Sinh là con vua Trường Thọ, đang xin ân cho cha trong dân gian bằng cách khuyên người làm việc lành, mong cho cha sớm thoát khỏi nạn khổ.

Vua Phạm-ma-đạt vô cùng giận dữ, liền đem Trường Thọ ra giữa chợ. Trường Sinh theo sau, cầm gươm bén lớn tiếng thưa với cha:

–Con đủ sức cứu cha thoát khỏi ách nạn trong thời gian này.

Vua Trường Thọ bảo:

–Hãy thôi đi con ơi! Người lập hạnh không thấy xấu cũng không thấy tốt.

Nghe nói thế, những người đứng chung quanh cho rằng:

–Vì biết mình sắp kề cái chết nên vua Trường Thọ thốt ra lời thật khùng đó.

Vua Trường Thọ trả lời những người đứng chung quanh:

–Trong những người hiểu biết, chỉ có đứa trẻ này mới hiểu lời tôi vừa nói.

Liền đó, vua Trường Thọ bị chém làm bảy khúc giữa chợ. Thái tử Trường Sinh thấy trong thân mình, máu phun ra xối xả khắp cả người. Lòng thái tử căm giận nhưng không dám bộc lộ ra bên ngoài. Thái tử lại đến nhà các quan cầu xin thương xót ban ân.

Thái tử thưa:

–Cha tôi không có lỗi gì mà bị vua của quý vị giết chết một cách oan uổng. Thi thể cha tôi phơi bày, vất bỏ giữa chợ, không ai thu lượm hình hài tẩn liệm chon cất. Xin các hiền sĩ cùng tôi thâu lượm và xây bảy ngôi tháp, cúng dường bằng hương hoa như phép tắc thông thường của thế gian.

Liền theo lời nói ấy, thi hài vua Trường thọ được thu lượm, xây bảy ngôi tháp cúng dường. Thái tử Trường Sinh thầm nghĩ:

“Vua Phạm-ma-đạt bạo ngược vô đạo. Y đã xâm chiếm đất nước và dân chúng của ta, lại còn đem vua cha ta ra chém giữa chợ. Ta phải trốn ra khỏi nước này, nếu không, chúng bắt được ta thì không thoát khỏi chết chém”. Thái tử liền đưa mẹ trốn ra khỏi nước, đến địa phương khác. Ở đây, thái tử Trường Sinh lại học đàn cầm, đàn sắt với giọng ca dìu dặt. Qua nơi này chốn nọ xin ăn để sống. Thái tử dần dần trở về nước mình. Vua Phạm-ma-đạt nghe nói có một gã ăn mày đi ăn xin có dẫn mẹ theo. Y khảy đàn cầm, đàn sắt xin ăn từng nhà. Lời ca tiếng đàn vang vọng dìu dặt ai nghe cũng say mê.

Vua liền sai người gọi gã vào cung sâu, đêm ngày vua nghe âm nhạc không biết thỏa mãn. Nhìn hình dung, tướng mạo, vua coi như con mình đẻ ra.

Lúc bấy giờ vua Phạm-ma-đạt sắp đi săn bắn. Thái tử Trường Sinh đánh xe cho vua đi, thái tử cho xe đi vào những con đường đầy nguy hiểm, không người qua lại, không đi đường lớn, không có binh lính theo hầu. Thái tử suy nghĩ: “Xưa y đánh phá nước ta, cướp đoạt dân ta, giết oan uổng cha ta, hôm nay nếu không báo thù thì còn ngày nào mới ra tay?” Rồi cho xe đi săn vào sâu trong núi. Lúc ấy Phạm-ma-đạt mệt mỏi, muốn được nghỉ ngơi, liền bảo người đánh xe:

–Hãy ngừng xe chỗ này. Ta rất mệt, muốn nghỉ lại một chút.

Theo lời vua, xe được ngừng lại. Vua bảo người đánh xe:

–Hãy ngồi xuống. Ta muốn gối đầu trên bắp vế nhà ngươi.

Vua liền gối đầu trên vế thái tử và ngủ thiếp đi. Thái tử

Trường Sinh tự suy nghĩ, miệng nói như vầy:

–Vua Phạm-ma-đạt này là kẻ bạo ngược vô đạo, y đã xâm chiếm, cướp đoạt dân ta, giết cha ta oan uổng, ta muốn báo oán, chính là giờ phút này. Nếu không giết thì còn ngày nào mới ra tay?

Thái tử Trường Sinh tuốt gươm bén kề vào cổ vua, rồi lại ngừng tay vì nhớ lại lời di chúc của vua cha: “Xưa, lúc sắp chết, cha ta có dạy ta: ‘Con nên biết! Người lập hạnh chỉ quý điều tín nghĩa. Nếu làm trái lời cha dặn, thì con không phải là người con hiếu.’ Cha ta còn dạy: ‘Con chớ thấy lỗi người, cũng chớ thấy cái hay của người’. Nếu ta giết tên vua này là trái lời dặn của cha ta!”

Thái tử liền tra gươm vào vỏ, đè nén cơn giận.

Lúc ấy vua Phạm-ma-đạt đang trong qua cơn chiêm bao thình lình thức giấc, thân thể ướt đẫm mồ hôi, khắp mình nổi ốc. Thái tử Trường Sinh hỏi vua:

–Vừa rồi vua đang ngủ, sao bỗng nhiên thức giấc sợ hãi như thế?

Vua bảo người đánh xe:

–Ngươi muốn biết phải chăng? Khi nãy, ta vừa ngủ thiếp, chiêm bao thấy con vua Trường Thọ là Trường Sinh tay phải cầm gươm, tay trái nắm lấy đầu tóc ta, rồi đưa dao kề vào cổ ta, mà nói rằng: “Ta muốn báo thù, ngươi có biết không?” Rồi trong chime bao vị ấy lại ăn năn trách móc, xưa, lúc vua cha ta sắp lâm chung có tha thiết dạy rằng: “Chỉ có lòng nhẫn nhục mới chiến thắng oán thù.” Vì vậy mà ta thức giấc trong sự sợ hãi.

Người đánh xe thưa vua:

–Xin vua cứ ngủ tiếp, chớ lo sợ hoảng hốt. Vua có biết không? Thái tử Trường Sinh, con vua Trường Thọ, chính là tôi đây.

Xưa kia, vua cha tôi cai trị dân bằng luật pháp, không làm ai bị oan uổng. Còn bệ hạ thì bạo ngược, đã xâm chiếm nước tôi, cướp đoạt dân tôi, giết cha tôi chết oan uổng. Nghĩ đến việc báo thù thì ở chốn núi sâu này chính là nơi thuận tiện, hôm nay không trả thù thì ngày nào mới làm được? Đúng là khi nãy tôi có rút gươm kề vào cổ bệ hạ, nhưng tôi dừng tay vì nhớ lại lời cha tôi dạy bảo: “Con nên biết người lập hạnh chỉ quý điều tín nghĩa, cẩn thận chớ nghĩ đến điều ác.” Một khi điều ác đã nhiễm sâu vào người thì không bao giờ bỏ được. Nếu làm trái lời di chúc của cha thì con không phải là đứa con hiếu. Vì vâng giữ lời dạy của cha tôi nên tôi đã tra gươm vào vỏ!” Hôm nay, tội lỗi trước kia tôi không ghi nhớ. Tôi muốn sớm đưa vua về nước. Khi đến nơi rồi, ý vua muốn giết tôi cũng được.

Rồi hai người cùng ngồi xe trở về cung điện. Vua Phạm-mađạt nhóm họp hết các quan mà bảo:

–Các khanh tính sao, nếu các khanh gặp thái tử con vua

Trường Thọ?

Trong số các quan, có người nói:

–Nếu gặp y, thì trước chặt tay chân rồi đem giết đi.

Lại có người nói:

–Lột sống da nó rồi đem giết.

Lại có người nói lấy lửa đốt rồi dùng tên bắn. Họ tranh nhau nói, không thể kể hết.

Lúc bấy giờ, vua Phạm-ma-đạt bảo các quan:

–Thái tử con vua Trường Thọ chính là người này. Các khanh chớ khởi lên ác ý, sinh tâm giết hại vị thái tử này. Vì sao? Vì nhờ người này mà ta còn sống đây.

Sau đó vua Phạm-ma-đạt liền cho tắm gội thái tử Trường Sinh rồi mặc y phục vương giả, đầu đội mũ trời và gả một cô gái cho làm vợ, đưa trở về làm vua nước Câu-tát-la.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Ngày xưa các vua luôn kiểm soát ý nghĩ để tự giữ mình. Tu tập hạnh nhẫn nhục như đất, coi kẻ thù như con đỏ, không gây oán thù, huống là các vị đều là con nhà dòng dõi, bởi lòng tin vững chắc mà xuất gia học đạo, cạo bỏ râu tóc, mặc ba y pháp. Nhưng lại không thể thực hành nhẫn nhục, cho mình là phải, cho người là quấy. Chuyện bé xé ra to, hủy nhục lẫn nhau. Vì thế, không nên tranh chấp trong đại chúng.

Có vị Tỳ-kheo bước ra bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài phóng oai thần đến trong chúng Tỳ-kheo này mới biết vị nào ngay thẳng, vị nào tà vạy.

Người kia tự ý mắng nhiếc, không nghĩ đến cấm pháp. Chúng con có điều gì không bằng thì sẽ im lặng chịu đựng.

Đức Thế Tôn quán xét thấy các Tỳ-kheo kia không nghe theo lời Ngài dạy bảo, nên Ngài liền bay lên hư không mà về tinh xá. Ở đây, Ngài nhóm họp Thánh chúng mà nói bài kệ:

Không đáng giận, nổi giận

Không làm lành, làm ác,

Họ chịu đau khổ ấy,

Đời này và đời sau.

Không có tội lỗi mà cố tình gây ra tội lỗi thì đời này và đời sau phải chịu đau khổ.

——————

Trước tự gây tội

Sau hại đến người

Kia đây hại nhau

Như chim sa lưới.

Trước tự gây tội: Hoặc có chúng sinh tâm thức điên đảo lầm lẫn, thường khởi ý nghĩ ác, không ngăn cấm nổi, cho nên nói: Trước tự gây tội.

Sau hại đến người: Người ta sinh khởi ý nghĩ ác, kết hiềm thù lâu ngày, thường tìm mọi cách suy nghĩ, tính toán, sau đó mới thể hiện điều ác ra bên ngoài. Đã sinh khởi niệm ác thì không còn nghĩ gì về đạo đức, cho nên nói: Sau đó mới gây hại đến kẻ khác.

Thầy Tỳ-kheo kia sinh khởi ý nghĩ ác, lại dùng bài kệ này để trả lời:

Kết nhiều oán thù

Tai họa lan tràn

Thật không có lỗi

Đâu còn oán thù.

Cho nên nói: Kia đây hại nhau.

Như chim sa lưới: Xưa, có con chim ưng đầu đàn rình bắt bầy chim sẻ, nhưng chỉ được mỗi một con, tên là Già-tần-xà-lộ, rồi nó vỗ cánh bay cao lên tận đỉnh núi cao. Lúc bấy giờ Già-tần-xà-lộ mới nói với chim ưng rằng:

–Đây là lỗi của tôi, biết nói cùng ai? Nếu tôi thường giữ nghề gốc mà yên ở chỗ cũ thì tôi đâu có bị ngài bắt.

Chim ưng đầu đàn hỏi:

–Nghề gốc và chỗ ở cũ của ngươi là ở đâu?

Chim sẻ bảo chim ưng rằng:

–Chỗ ở cũ của tôi là một gò đất nằm sâu trong kẹt suối đá sâu, bên trên là núi cao, hết lối. Nếu tôi cứ ở đó thì không bao giờ bị ông bắt.

Chim ưng đầu đàn bảo chim sẻ rằng:

–Bây giờ ta thả cho ngươi về chỗ cũ, rồi ngươi xem năng lực của ta có thể bắt được ngươi không.

Lúc ấy, chim sẻ liền bay về khe đá, từ xa nói với cho chim ưng đầu đàn:

–Nếu được, xin ông hãy xuống đây ta đánh nhau chơi.

Nghe vậy, chim ưng đầu đàn nổi giận phừng phừng, dùng hết sức đập cánh thật mạnh rồi từ trên không sà xuống định quắp lấy con chim sẻ. Chim sẻ chui vào khe đá, chim ưng đầu đàn va cánh quá mạnh vào khe đá, gãy cánh và chết ngay, cho nên nói: Như chim sa lưới.

——————-

Hại người, bị hại

Gây oán, bị oán

Mắng người, người mắng

Đánh người, người đánh.

Hại người, bị hại: Chúng sinh ở đời có chí hướng khác nhau. Thân làm ác thì tự nhiên không ai giúp đỡ, giơ tay đánh người là tự hại mình, cho nên nói: Hại người, bị hại.

Gây oán, bị oán: Lại có các chúng sinh hung dữ, lúc nào cũng nghĩ ác, thường rình chờ điều xấu dở của người, tâm thường suy nghĩ: “Y ở làng ấy, nhà ấy và đã cướp đoạt bò của ta, cưỡng lấy tài sản ta, giết chết bà con ta, chiếm đoạt ruộng vườn ta, nên ta phải rình bắt con nó để trả mối thù sâu.” Suy nghĩ toan tính, giữ mãi trong lòng việc ấy. Nếu như xuất gia, đạo tâm chưa vững, sự học cạn cợt, trong tâm suy nghĩ là Tỳ-kheo ấy từng ở chung với ta, lấy đồ nằm, ống đựng kim, chìa khóa của ta là sáu vật của Sa-môn, đến nay vẫn chưa trả. Chỉ nghĩ các vật mà không nghĩ đến tu đạo.

Không biết hậu báo chợt đến, phải rước họa vào thân, cho nên nói:

Gây oán, bị oán.

Mắng người, người mắng: Nếu bị người mắng nhiếc, ta mắng lại không tự quán xét, ấy đều bởi ngu si lầm lạc nên gây ra sự mắng nhiếc đó. Chẳng biết lúc mình phải chịu quả báo không còn bao lâu nữa. Người tu hạnh ấy phải phân biệt người mắng chửi mình, coi sự mắng kia đều vắng lặng, hoàn toàn không có hình chất. Nếu người mắng ta thì biết nó là không, bởi vì dù có nghe nhưng vẫn thấy không thật có. Lời mắng chỉ là trống không, còn ta vắng lặng thì có ai là người mắng? Thế nên, hôm nay ta nhẫn nhục, không mắng chửi lại. Dù mắng nhiếc người dữ dội đến đâu đi nữa, thì cũng phải có lúc chấm dứt. Thân bốn đại này tồn tại trên đời không bao lâu, tha hồ hưởng thụ, vì không biết điều ấy nên mãi mãi bước đi trong vô lượng đau khổ, cho nên nói: Mắng người, bị mắng.

Đánh người, người đánh: Người ta ganh ghét nhau, hủy bang việc lành của người. Tính tình không bình thường cho nên vui buồn bất định. Hoặc có người ngu, không gặp thầy dạy bảo, học thức kém cỏi, tính khí ngu đần, kết oán trong lòng, không bao giờ cởi mở được. Hạng người như thế ta không nên ở chung, nói năng, ăn uống, dự tiệc với họ. Cho dù có ai khác có ý muốn sửa đổi họ đi nữa thì kết quả hoàn toàn thất bại, ý muốn của mình không đạt được, cho nên nói: Đánh người, bị đánh.

———————–

Sao là Sa-môn

Không biết chánh pháp?

Đời sống ngắn ngủi

Lại kết oán thù.

Sao là Sa-môn: Sa-môn là người thực hành tâm vắng lặng, lìa khỏi tám nghiệp ở thế gian, ý chí tôn trọng sự thanh tịnh mới được gọi là Sa-môn. Như nay, Sa môn các thầy là người đắp, mặc pháp phục, nhưng không tu thiền định, sáu căn bít lắp, đối với năm thứ dục lạc thế gian thì tâm mong cầu đắm nhiễm. Nếu bị ai hủy nhục thì hối hận muốn hoàn tục. Nếu vị Sa-môn gặp cảnh vinh hoa đáng yêu thì cũng không vui, nếu gặp cảnh hủy nhục thì cũng không lấy đó làm buồn. Ấy mới gọi là Sa-môn, cho nên nói: Sao là Sa-môn.

Không biết chánh pháp: Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy dù đã xuất gia học đạo nhưng dòng dõi và tâm ý khác nhau. Có người sợ luật pháp vua mà đi xuất gia, có người tránh việc nặng nhọc mà xuất gia. Những người có tâm như thế, ta không nên gần gũi họ. Đã được xuất gia rồi phải tu chánh nghiệp.

Sáu thời hành đạo, đêm ngày không bỏ phế. Hơn nữa, còn phải suy nghĩ phước đức để hóa độ chúng sinh. Nếu muốn ăn uống thì phải nghĩ đến toàn thể đại chúng, không riêng vì mình. Các thầy là những người tuy nói là đạo hạnh, nhưng trái với chí nguyện. Cho nên bậc Hiền thánh đời quá khứ dạy người pháp y là vật tiêu biểu, vì các Ngài muốn khiến người ta dứt bỏ cái nhơ bẩn bên trong. Còn các thầy là những người nhơ bẩn mà mượn pháp y đắp mặc, làm cho hình tướng chân thật bị nhuộm dơ, phá hoại vật tiêu biểu kia. Cho nên nói: Không biết chánh pháp.

Đời sống ngắn ngủi: Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Người ta sống trong cõi đời có năm thứ ác trược này, tuy nói là trăm tuổi, nhưng ngủ nghỉ đã mất hết phân nửa thời gian rồi. Sự sống nhiều nguy hiểm, thọ thân bốn đại giống như bốn con rắn sống chung, lại thêm cả trăm thứ bệnh gây nguy hại cho nó, vui ít khổ nhiều, lo toan muôn mối, đau khổ khó lường. Không thể định tâm, không suy nghĩ chân đạo, trái lại còn sinh tâm kiêu ngạo ganh ghét, dẫm theo lối mòn của phàm phu.

Cho nên nói: Đời sống ngắn ngủi.

Lại kết oán thù: Thân người khó được, Đức Phật ra đời khó gặp, tượng pháp khó gặp. Tuy được làm người nhưng không tinh tấn tu tập thiền định, không thường xuyên tiến tu các phương tiện giữ tâm, mà lại trôi nổi theo dòng đời, lại không làm sáng tỏ Tam bảo, dạy dỗ người học sau, thì ba đường tám nạn khó thoát khỏi, cho nên nói: Lại kết oán thù.

——————–

Người hủy báng nhau

Từ xưa đến nay

Biết bao hủy báng

Có hủy báng kín

Có hủy báng vừa

Đời ai cũng hủy.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Laduyệt- kỳ. Lúc bấy giờ Điều-đạt đến chỗ Đức Thế Tôn, trán lạy sát chân Ngài, rồi đứng qua một bên. Giây lát vị ấy bước ra bạch Phật:

–Con thấy Như Lai nhan sắc đã thay đổi, các giác quan thuần thục, tuổi trẻ đi qua, đã già nua rồi. Vậy cúi xin Đức Thế Tôn ở yên trong tịnh thất mà tự vui với thiền định, giao phó bốn chúng cho con, con sẽ răn dạy không khác gì Thế Tôn, thường xuyên cúng dường bốn thứ không thiếu thốn.

Đức Thế Tôn bảo Điều-đạt:

–Thầy là người si mê, thốt ra lời nói ấy mà không nghĩ đến tai ương sau này. Đối với Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-liên kia mà Ta còn chưa giao phó chúng Tăng cho,  huống gì thầy là một con người nhơ bẩn tệ ác thì làm sao Ta giao phó Thánh chúng cho thầy được?

Điều-đạt sinh tâm ganh tị, nên khi nghe Thế Tôn nói vậy càng thêm tức giận, tự nghĩ: “Hôm nay, Như Lai khen ngợi Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-liên, còn tiểu đệ thì lại khinh miệt là hèn mọn. Vậy ta phải tìm cách phá hoại thầy trò các người để chúng sinh trong đất nước này không còn thấy hình và nghe tiếng nói của các người”. Rồi Tỳ-kheo Điều-đạt liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, trán lạy sát chân Phật rồi ra đi. Điều-đạt đến nơi này chốn khác dùng lối nói khôn khéo giả dối làm mê hoặc lòng người, khuyến khích dụ dỗ được vài mươi người tại gia theo mình. Ở khắp mọi nơi, Điều-đạt khuyến khích họ bằng những điều cốt yếu.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô số đại chúng đang vây quanh. Điều-đạt bảo với các đệ tử của mình rằng:

–Các thầy đừng nghe những gì Cù-đàm nói. Vì sao? Vì những điều mà Cù-đàm nói không đúng với Chánh pháp. Ta sẽ dạy cho các thầy từng bộ kinh cao sâu, nghĩa lý rất hay. Ta sẽ thường tìm cách để làm rối loạn, tan rã Thánh chúng của Như Lai.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Điều-đạt:

–Hãy thôi! Điều-đạt, ông hãy thận trọng, chớ sinh tâm làm rối loạn, tan rã Thánh chúng, về sau sẽ chịu quả báo đau khổ khó có thể chịu đựng nổi.

Dù nghe vậy, nhưng Điều-đạt vẫn cứ ngoan cố, không sửa đổi hành vi của mình. Đức Thế Tôn biết ý định của Điều-đạt là không đổi tà về chánh được, Ngài liền dùng túc mạng thông để quán sát vô số a-tăng-kỳ những việc đã trải qua trong nhân duyên đời quá khứ. Bấy giờ Điều-đạt dẫn năm trăm đệ tử; Như Lai tự quán sát khi mình còn làm Bồ-tát, cũng dẫn năm trăm đệ tử, cùng đi bên sườn núi Bảo tích.

Các đệ tử của Bồ-tát thì khoan hòa nhân hậu mềm mỏng, Ngài dạy họ tu trì theo chánh pháp, giữ giới cấm. Họ ra vào tới lui đều đúng theo thứ lớp, còn các đệ tử của Điều-đạt thì mỗi người làm một cách. Các đệ tử Điều-đạt dù đã học hết pháp của thầy nhưng nói năng thô lỗ, hễ mở miệng thì đều nổi giận. Điều-đạt bàn luận với đệ tử giống như kẻ oán thù tranh chấp. Các đệ tử chán ngán không muốn theo hầu Điều-đạt nên cùng nhau bỏ đi, đến chỗ Bồ-tát. Bồ-tát hoan hỷ, bảo:

–Ta có một ngàn đệ tử đầy đủ các công đức, khác xa với thế tục, không ai sánh bằng.

Từ đó, Điều-đạt tức giận cùng cực, liền phát thệ nguyện:

–Hôm nay, người này đã dụ dỗ đệ tử ta, làm tan rã môn đồ của ta. Về sau nếu người này, thành Vô thượng Đẳng chánh giác, thì ta sẽ phá hoại đồ chúng của người này không khác gì hôm nay người này phá ta.

Như Lai quán biết Tỳ-kheo Điều-đạt chắc chắn sẽ phá hoại Thánh chúng không còn nghi ngờ gì nữa, Đức Như Lai liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, rời chúng Tăng ra đi. Vì sao? Vì có năm việc không được làm rối loạn, phá hoại chúng Tăng là: Một là Như Lai còn tại thế không được làm rối loạn, phá hoại chúng Tăng, thần lực Như Lai không bỏ bản thệ. Hai là sau khi Như Lai nhập Niết-bàn, không được làm rối loạn, phá hoại chúng Tăng. Nếu có người nói:

“Nay ta thành Phật, được Tối chánh giác”, thì tôi sẽ đem vấn đề ấy hỏi rằng: “Đức Phật Thích-ca hiện giờ Ngài đang ở đâu?”. Ba là Đức Phật chưa có lúc nào làm ác nên không được làm rối loạn, phá hoại chúng Tăng. Bốn là các Tỳ-kheo không đua tranh lợi dưỡng nên không được làm rối loạn, pháp hoại chúng Tăng. Năm là các đệ tử có trí tuệ, có thần túc sống hòa hợp nhau nên không được làm rối loạn, phá hoại chúng Tăng. Theo pháp thường hằng của chư Phật, Thế Tôn thì các đệ tử trí tuệ thần túc, trong một ngày, Thánh chúng không bao giờ luống qua. Như Lai dùng túc mạng trí quán sát biết chắc Điều-đạt sẽ làm rối loạn, phá hoại chúng Tăng nên Như Lai đã bỏ chúng Tăng mà đi.

Điều-đạt ở lại nói pháp cho Tăng chúng nghe:

–Nếu ai tôn thờ ta là bậc tôn quý thì phải vâng theo lời dạy của ta, tu tập năm pháp. Vì sao? Vì tu năm pháp này thì sớm được giải thoát, cần gì phải làm theo tám hạnh ngay thẳng của Sa-môn

Cù-đàm? Năm pháp gồm:

  1. Suốt đời luôn giữ ba y.
  2. Suốt đời thường phải đi khuất thực.
  3. Suốt đời không được ăn máu thịt.
  4. Suốt đời thường phải ngủ đêm ở chỗ trống trải dưới gốc cây.
  5. Suốt đời không được cầm giữ vàng bạc, vật báu.

Nếu Tỳ-kheo nào tu tập năm pháp ấy thì sẽ sớm được giải thoát, dứt hữu lậu, thành vô lậu, không cần phải làm theo tám hạnh ngay thẳng của Sa-môn Cù-đàm.

Nói xong, Điều-đạt liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, có năm trăm vị Tỳ-kheo liền đi theo Điều-đạt. Đệ tử đứng hầu bên trái Điều-đạt là Kiên-đồ-bà và đệ tử đứng hầu bên phải là Cù-ba-li, họ trở về nơi ở, các đệ tử ngồi bao quanh nghe Điều-đạt nói pháp. Rồi Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-liên, sau đó cũng đến trong chúng ấy. Điềuđạt

thấy vậy, cất tiếng khen rằng:

–Lành thay Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Mục-liên! Ta được lợi ích lớn, biết ta thành Phật là tôn quý nhất trong ba cõi nên hai vị đệ tử trí tuệ và thần thông tự nhiên hưởng ứng theo ta.

Rồi Điều-đạt liền bảo hai đệ tử đứng hầu bên trái bên phải của mình là Cù-ba… nhường chỗ cho hai vị Xá-lợi-phất, Mục-liên ngồi. Có hai vị Xá-lợi-phất, Mục liên ngồi hai bên, Điều-đạt ngồi giữa giống như Đức Như Lai. Điều-đạt bảo Xá-lợi-phất, Mục-liên:

–Xương sống ta đau nhức lắm, ta muốn đi ngủ một chút, hai vị hãy nói pháp cho Thánh chúng nghe.

Khi Điều-đạt nằm nghiêng bên hông phải, định ngủ, thì Thiên thần lại kéo ông nằm nghiêng sang bên trái, Thiên thần lại làm cho ông nói những lời láp váp, trong khi ông ngáy vang thì một mùi hôi thối bay tận ngoài xa.

Lúc ấy Tôn giả Mục-liên dùng năng lực thần thông bay vọt lên lưng trời, hiện bày mười tám thứ thần biến: Ngồi, nằm, kinh hành, hiện ra rồi biến mất một cách tự do. Hoặc thân trên phun lửa, dưới thân phun nước, hoặc dưới thân phun lửa, trên than phun nước.

Ẩn mất ở phía Đông, hiện ra phía Tây, bốn phương đều như thế.

Xong, ngài Mục-liên từ trên hư không trở xuống chỗ cũ. Tôn giả Xá-lợi-phất bảo hội chúng:

–Thân của Như Lai có vô lượng thần đức, đầy đủ Nhất thiết trí, thông đạt việc quá khứ vô cùng, hiểu rõ việc vị lai vô tận. Pháp của Như Lai là được quá bảo hiện pháp, sung sướng vô vi. Nó là pháp tu học của người có trí tuệ, người ngu không thể tu học được.

Còn Thánh chúng của Như Lai đều là những người đầy đủ giới luật, đầy đủ trí tuệ, đầy đủ giải thoát, đầy đủ giải thoát tri kiến, đầy đủ sự đáng tôn kính, đáng quý trọng, phải phụng thờ và cúng dường vì đó là ruộng phước tốt cho chúng sinh.

Lúc bấy giờ các Tỳ-kheo suy nghĩ: “Chúng ta là những kẻ si mê, không biết pháp chân chánh, bỏ cái thật chạy theo hào nhoáng, bỏ gốc theo ngọn. Giờ đây xét suy điều hai ngài nói thì thật là pháp ít có trên đời này. Chi bằng chúng ta bỏ Điều-đạt mà quay về với hội chúng Như Lai, há không sung sướng hơn ư?”

Ngài Xá-lợi-phất biết tâm niệm những vị này, nên ngài liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, năm trăm vị Tỳ-kheo kia cũng đứng lên, rồi cùng nhau đi theo hai vị Xá-lợi-phất và Mục-liên. Lúc ấy Tỳ-kheo Cù-ba-li dùng chân phải đạp Điều-đạt mà nói:

–Điều-đạt tệ ác, sao ông mê ngủ quá vậy? Hai ông Xá-lợi-phất và Mục-liên đã dẫn đệ tử của ông đi hết rồi.

Điều-đạt thức giấc, vô cùng buồn bực. Cho nên nói: Người hủy báng nhau từ xưa đến nay… cho đến đời ai cũng hủy.

————–

Gãy xương, bị chết

Bò, ngựa, tiền mất

Đất nước tan hoang

Lại được khôi phục.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Thuở xưa, thân vua Trường Thọ bị chặt thành bảy khúc, đất nước đều bị mất, nhưng vẫn nhẫn nhục, không nghĩ báo oán, tôn kính lẫn nhau, lại xây dựng đất nước như cũ không khác. Tỳ-kheo các thầy phải tự giữ gìn đạo đức, sám hối với nhau. Người lớn làm gương cho người nhỏ noi theo. Tại sao các thầy không biết chánh pháp? Phải nhớ nhẫn nhục, khen ngợi năng lực của sự nhẫn nhục.

Những việc làm chân chánh được khen ngợi chân chánh. Các Tỳkheo nên biết, từ vô số kiếp đến nay, Ta chứa nhóm công hạnh, thực hành sáu độ không cùng tận, tu hạnh bố thí đến cả đầu mắt tủy não, tài sản, đất nước vợ con, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, đều nhằm mục đích là dứt bỏ ý tưởng tham lam, giận dữ, cho nên nói: Gãy xương bị chết, đất nước tan hoang…

—————-

Nếu người mắng ta

Thắng, ta không thắng

Làm theo ý mình

Thì oán không dứt.

Nếu người mắng ta: Người tự suy nghĩ kẻ kia mắng ta không theo luật cấm, lấn hiếp người lương thiện. Cho nên nói: Nếu người mắng ta.

Thắng, ta không thắng: Người kia tự suy nghĩ: “Nếu ta đúng pháp thì ta được thắng, nếu ta không đúng pháp thì ta không thắng”, cho nên nói: Thắng, ta không thắng.

Thích ý làm theo: Nếu suy nghĩ như vậy thì càng làm tăng thêm thù oán, vì không chịu suy nghĩ kỹ. Cho nên nói: Làm theo ý mình.

Thì oán không dứt: Người như thế tâm như sắt cứng, không thể hủy hoại, cho nên nói: Thì oán không dứt.

—————–

Không nên oán trả oán

Không thể dứt được oán

Nhẫn nhục dứt được oán

Gọi là pháp Như Lai.

Không nên (lấy) oán trả oán: Đức Thế Tôn bảo những người đến dự hội:

–Ta nhớ lại từ vô số kiếp đến nay, thù oán có thể dứt được, thân người là khó được, Đức Phật ra đời khó gặp, giống như hoa Ưu-đàm-bát đúng thời mới có. Tuy được làm người, xuất gia học đạo cũng không được kết quả. Các thầy đã được thân người, các giác quan không thiếu khuyết, có khả năng nhận lãnh sự giáo hóa, tại sao được sống trong chánh pháp mà các thầy lại tranh chấp với nhau?

Cho nên nói: Không nên oán trả oán, không thể dứt được oán.

Nhẫn nhục dứt được oán, gọi là pháp Như Lai: Người thực hành nhẫn thì đầu tiên là im lặng. Nếu nghe người kia đã báo thù, nghe người kia mắng chửi thì muốn mắng chửi lại, như thế thì oán không bao giờ dứt được. Yếu gọi là nhẫn mạnh, cũng gọi là thắng, cho nên nói: Nhẫn nhục dứt được oán, gọi là pháp Như Lai.

—————–

Nếu được gần bạn lành

Cùng đi khắp thế giới

Không chất chứa gì khác

Chuyên niệm cùng một ý.

Nếu được gần bạn lành: Hoặc có chúng sinh đầy đủ lễ nghi, đức hạnh không thiếu, đầy đủ nghĩa vị, đầy đủ nhẫn hạnh đều do bạn lành giúp cho thành tựu, cho nên nói: Nên được gần bạn lành.

Cùng đi khắp thế giới: Bạn lành như thế thì từ kiếp này đến kiếp khác cùng theo nhau không hề thấy khổ, cho nên nói: Cùng đi khắp thế giới.

Không chất chứa gì khác: Tâm ý con người bình đẳng, không còn tính toán tiền của, cũng không còn lựa chọn bạn thân, cho dù là người bạn xuất thân trong gia đình nghèo hèn, lành dữ, tốt xấu, cũng không có được lựa chọn, cho nên nói: Không chất chứa gì khác.

Chuyên niệm cùng một ý: Phát tâm cùng nhau thực hành việc lành dốc lòng kính tin đối với Phật, cho nên nói: Chuyên niệm cùng một ý.

——————

Nếu không có bạn lành

Một mình, không bè bạn

Xem khắp mọi nơi chốn

Riêng tu, không làm ác.

Nếu không có bạn lành: Bạn thân là người có đức hạnh ngang bằng với mình, đều làm điều lành, mới gọi là bạn thân.

Không làm việc lành thì không gọi là bạn thân. Như người đời thường nói người không có bạn thì giống như lừa, trâu. Cùng làm những việc bất thiện nên không gọi là bạn lành, cho nên nói: Nếu không có bạn lành.

Một mình, không bè bạn: Thà ở một mình, tu các hạnh lành, chứ không vì điều ác mà ở chung với người ác, cho nên nói: Một mình, không bè bạn.

Xem khắp mọi nơi chốn: Người muốn quán sát giáo hóa, tiếp xúc với những gì thấy nghe thì dần dần trí tuệ thêm lớn, khi nghe hay nói không bị lầm lẫn, cho nên nói: Xem khắp mọi nơi chốn.

Riêng tu, không làm ác: Cho nên người hiểu biết thích sống nơi yên tĩnh, không ở chỗ ồn náo. Thuở xưa, có một vị vua nước thù địch, kéo quân đến đánh nước khác, vị quan của nước bên cạnh hay tin liền tâu lên vua:

–Ngoài biên giới bọn giặc đang đến gần phạm vi nước ta.

Vua bảo:

–Ta không gây đau khổ cho họ, tất nhiên họ không bao giờ hại ta.

Giặc càng tiến tới, vị quan lại tâu vua:

–Giặc đã đến gần thành rồi.

Vua nói:

–Giặc không thể xâm chiếm được nước ta.

Bọn giặc đã tràn vào thành, đánh chiếm thành quách. Vị quan lại thưa:

–Giặc đã kề sát, đại vương nên chuẩn bị xuất quân chiến đấu.

Vua nói:

–Ta không làm khổ họ thì không bao giờ hại được ta.

Bọn giặc tiến thẳng vào cung điện. Vị quan lại tâu vua:

–Hiện giờ bọn giặc đã đến, đại vương quyết định thế nào?

Vua liền tắm gội, mặc áo mới, tự mang lương thực, ra thấy vua nước địch, rồi bảo:

–Thành quách cung điện này là của ông, ta định vào núi tu đạo đức. Ăn chỉ đủ sống, mặc chỉ để che thân.

Lúc ấy vua liền nói bài tụng:

Ta với áo cơm này

Muốn tìm nơi ẩn tu

Bỏ ngôi, ông làm vua

Ta muốn cầu nhiều phước.

Thà ở trong gộp đá,

Áo xấu, thức ăn dở

Ăn quả thường tu định

Vui cùng với hươu nai,

Không vì ở ngôi vua

Chịu đau khổ mất nước

Người trí sợ đời sau

Không bao giờ làm ác.

Thấy ông cùng binh chúng

Muốn đến giết hại ta

Thân này là đồ mục

Cứ giết, chớ hại dân.

Nghe lời ấy rồi, vua nước đối địch suy nghĩ, rồi trả lời bằng bài kệ:

Hay lắm! Bậc Đại giác

Nương pháp tự tiến lên

Cầm mũi tên đức hạnh

Bắn tan chúng binh ta.

Trí tuệ thắng thù oán

Bạn thân ngu ích gì?

Cho nên tuệ làm đầu

Trí tuệ cứu giúp khắp.

Nói xong, vua nước đối địch liền lui quân mã, dẫn quân trở về nước, trả lại cho chủ cũ các cung điện nhà cửa. Cho nên nói: Xem khắp mọi nơi chốn, riêng tu, không làm ác.

—————-

Nhẫn nhục thắng oán

Lành thắng kẻ ác

Người thắng bố thí

Chí thành hơn dối.

Nhẫn nhục thắng oán: Hai thanh gươm đã ghìm sẵn trong tay thì chắc chắn có tổn hại. Lấy độc trị độc thì phải chết, không còn nghi ngờ. Chỉ có nhẫn nhục mới dứt bỏ được oán, cho nên nói:

Nhẫn nhục thắng oán.

(Người) lành thắng kẻ ác: Có bao giờ các thầy nghe lửa lại có tính lạnh chưa? Đáp: “Chưa nghe!”. Việc này cũng như thế, lấy oán mà muốn dứt oán thì không bao giờ có. Cái gì có khả năng dứt oán? Chỉ có điều thiện mới dứt được oán mà thôi, cho nên nói:

Người lành thắng kẻ ác.

Người thắng bố thí: Người tu thiện thì công hạnh không thiếu sót. Ý không khởi tưởng thì chắc chắn bố thí được. Người kết oán tự rước họa vào thân. Chết đọa vào địa ngục chịu khổ vô lượng. Sát hại lẫn nhau, chết rồi sống lại. Nếu sinh lên làm người thì dung mạo xấu xí, bị người khinh thường, mọi mong cầu đều không đạt, cho nên nói: Người thắng, bố thí.

Chí thành hơn dối: Người hiểu biết, thân hành thì không phạm lỗi của miệng. Nói ra thì đúng luật, không làm xúc nhiễu ai.

Dù cho phải chết cũng không nói dối, nói thêu dệt để mong được sống, trải qua sự sinh già, chịu vô lượng khổ, mắt thấy tai nghe oán thù rất sâu nặng, cho nên nói: Chí thành hơn dối.

—————–

Học không có bạn

Không có bạn lành

Thà riêng giữ lành

Không chơi người ngu.

Học không có bạn: Người học rộng phải nương tựa vào thiện tri thức. Từ khi mới phát tâm cho đến lúc được đạo đều phải nương tựa vào thiện tri thức mới được thành tựu. Nếu gặp bạn ác thì chắc chắn làm điều ác. Cho nên nói: Học không có bạn.

Không có bạn lành: Nếu như người học gặp phải thầy bạn xấu thì đêm ngày tranh chấp lấy làm ác làm nghiệp. Cho nên nói:

Không có bạn lành.

Thà riêng giữ lành, không chơi người ngu: nếu không có bạn lành thì tâm an trụ vào nơi vắng lặng, xa lìa nơi ồn náo. Nếu nghe tranh chấp thì thường phải lánh xa, không ưa thích chuyện ấy, cho nên nói: Thà riêng giữ lành, không chơi người ngu.

—————-

Thích giới, học hạnh

Đâu cần có bạn

Riêng lành, không lo

Như voi giữa đồng.

Thích giới, học hạnh: Người tu hành tâm ưa thích sự vắng lặng. Thường lấy giới cấm làm chuỗi anh lạc trang điểm cho thân.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn can ngăn Tỳ-kheo xứ Câu-chiêm-bi nên chấm dứt việc tranh chấp, nhưng những vị này không chịu vâng lời Phật dạy. Đức Phật biết vậy, Ngài liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, bay lên hư không cách mười hai do-tuần. Ngài trở về tinh xá, đến giữa đại chúng nói bài tụng này:

Thích giới, học hạnh

Đâu cần có bạn

Riêng lành, không lo

Như voi giữa đồng.

Lúc ấy Đức Thế Tôn nghĩ: “Các Tỳ-kheo xứ Câu-chiêm-bi thích tranh chấp, hủy báng nhau, nay Ta phải xa lánh họ. Nếu nghe Tỳ-kheo xứ Câu-chiêm-bi đang ở địa phương nào thì Ta sẽ lánh nơi đó qua xứ khác.”

Lúc bấy giờ, có một con voi đầu đàn tách khỏi đàn voi đến ở ngoài đồng rộng, nó tự nghĩ: “Được lìa bầy và đồng loại, ở một mình nơi đây thật là vui thú. Khi còn ở chung trong bầy, ta thấy bầy voi thường buông lung. Chúng giẫm đạp lên cỏ tươi rồi sau đó ta mới được ăn. Nay ta đi một mình, được uống nước trong, ăn cỏ tốt, không còn lo nghĩ”. Khi ấy, Đức Thế Tôn biết được ý nghĩ con voi này, Ngài liền ở trước đại chúng nói bài kệ này:

Con voi giữa bầy voi

Có sáu ngà đầy đủ

Ý nghĩ nó giống Ta

Tiếng lành, thích yên tĩnh.

Con voi giữa bầy voi: Thân Như Lai cũng gọi là voi có sức mạnh, con voi kia cũng gọi là voi có sức mạnh. Đức Như Lai là Đấng Hùng Lực trên thế gian, Bậc Tôn Quý nhất trong ba cõi. Voi là loài tôn quý nhất trong loài voi, cho nên nói: Con voi giữa bầy voi.

Có sáu ngà đầy đủ: Ngà là uy thế của voi, làm chuỗi anh lạc trang sức cho thân voi. Công đức là tướng hảo của Như Lai. Đức Như Lai thấy các Tỳ-kheo xứ Câu-chiêm-bi, tự sinh tâm nhàm chán, như voi chán bầy. Cho nên nói: Riêng lành không lo, như voi giữa đồng.