ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH SỚ

Đời Nguyên,Viện Sùng Thánh Sa-môn Sư Chánh thuộc tông Thiên Thai soạn thuật.

PHẨM 15: NGUYỆT DỤ

Phẩm Điểu Dụ ở trước nói “cùng bay” là nói theo chiều ngang, tức đồng một thời. Nay phẩm Nguyệt Dụ nói ẩn hiển là nói theo chiều dọc, tức có trước sau. Trước ngang sau dọc, lập thành thứ lớp. Và nói cùng bay “tức tự hành”, lập ẩn hiển hợp thời tức “hóa tha”, lại cũng thành thứ lớp.

Hà Tây cho rằng ba phẩm đều nói một ý chân ứng, đó chỉ có một đường. Hỏi đáp đã có ba ý, làm sao nói là một được. Vốn có hai câu hỏi một câu đáp, một hỏi hai đáp, một hỏi một đáp. Hà Tây cho là một câu. Hai câu kia xem văn rất dễ hiểu.

Nay nói lời hỏi đã khác, lời đáp cũng khác nhau. Phẩm trước hỏi về cộng hành, lấy chim làm dụ để đáp. Nay đối với ba thứ ánh sáng mà lập ba câu hỏi. Đức Phật lấy mặt trăng làm dụ để đáp. Nhưng trong lời hỏi chẳng những hỏi về mặt trăng mà còn hỏi đủ cả ba loại ánh sáng. Trong đó đối với mặt trăng thì tưởng tròn khuyết, mặt trời thì tưởng dài ngắn, các vì sao thì tưởng lành dữ. Tuy có chút khác nhau mà đồng dụ cho ẩn hiện. Vì trước là trả lời về mặt trăng, nên lấy đó đặt tên phẩm.

Nay nói thêm rằng mặt trăng gồm thâu mặt trời và các vì sao nên lấy làm tên phẩm. Vả lại, tên thì khác mà nghĩa thì đồng, cho nên dùng nghĩa mặt trăng thuận tiện hơn.

Lương Vũ Đế cho các học sĩ soạn nghĩa Thiên Địa, có ba phần: một, là tuyên dạ; hai, là châu bể; ba, là linh hiển. Nghĩa tuyên dạ đã phế bỏ từ lâu, không truyền bá, các học sĩ suy lý chẳng tìm được. Chu Tản tức Chu Công hỏi Bàn Tề, nói về nghĩa Thiên địa như sau: “Trời như cái dù tròn, bốn bên thấp mà ở giữa cao”, đây là nghĩa trời phủ trùm, đây là nói mặt trời mặt trăng di chuyển theo chiều ngang đồng với Phật pháp. Linh hiển tức là nghĩa Hỗn thiên. Hỗn thiên đồ của văn xuôi có ghi: “Mặt trời như con gà vàng, Thiên như con gà trắng. Mặt trời mọc ở phương Đông dần dần lặn ở phương Tây. Lại từ đất xuất hiện rồi lại nhập vào đất, tức mọc ở phương Đông, nhiễu quanh bầu trời rồi chuyển nhập vào đất. Cho nên nói mặt trời mọc ở Phù tang, lặn ở Mông Phạm”. Nói mặt trời, mặt trăng chuyển theo chiều dọc. Kinh Trường A-hàm và kinh Lâu Thán ghi: “Quả báo của nhật, nguyệt, thiên tử đồng với Tứ thiên vương, tuổi thọ là năm trăm năm”. Các sư xưa nói hai trăm năm mươi tuổi. Mặt trời ngang dọc đều năm mươi do-tuần, mặt trăng ngang dọc bốn mươi chín do-tuần; những vì sao nhỏ không dưới ba do-tuần, một trăm hai mươi dặm vuông. Thành của mặt trời do hai chất báu tạo thành, gồm có hai phần hỏa tinh, hai phần kim tinh. Mặt trăng cũng do hai chất báu tạo thành, gồm có hai phần lưu ly tinh, hai phần bạch ngân tinh nhiễu quanh. Núi Tu-di chiếu soi bốn thiên hạ. Kinh Lâu Thán quyển năm ghi: “Vào kiếp sơ chưa có ba thứ ánh sáng này, sau do phước lực của chúng sinh mà cảm được loạn phong. Loạn phong thổi vào hỏa tinh và vàng vòng tạo thành mặt trời, thành quách mà Nhật thiên tử cư ngụ gồm có bảy lớp, chiếu từ đông sang tây dài hai ngàn dặm, Nam Bắc, cao thấp cũng đồng như thế, chu vi chung là tám ngàn dặm. Loạn phong lại thổi gom lưu ly và bạc trắng tạo thành nơi cư ngụ của Nguyệt thiên tử, thành ấy có bảy lớp, từ Đông sang Tây dài một ngàn chín trăm sáu mươi dặm, từ Nam đến Bắc, từ trên xuống dưới cũng giống như thế, chu vi chung là bảy ngàn tám trăm bốn mươi dặm. Loạn phong thổi thủy tinh gom thành nơi cư ngụ của Tinh thiên tử, tất cả đều do gió lớn giữ chặt, giống như mây nổi di chuyển theo chiều bên phải. Ngôi sao lớn nhất có chu vi bảy trăm hai mươi dặm, ngôi sao trung bình chu vi bốn trăm tám mươi dặm, ngôi sao nhỏ nhất chu vi một trăm hai mươi dặm. Mặt trăng do có ba việc mà giảm: một là di chuyển nghiêng lệch; hai là có hình phục thị thần, màu sắc như lưu ly, che trước mặt trăng; ba là do sáu mươi thứ ánh sáng mặt trời chiếu vào cho nên giảm. Lại có ba việc làm cho tăng: một là di chuyển ngay thẳng; hai là trong hai mươi lăm ngày ở tại chánh điện chẳng có thị thần che ở trước; ba là mặt trời có sáu mươi thứ ánh sáng chiếu đến mà mặt trăng chẳng thọ nhận.

Phẩm này chính là để trả lời câu: “Làm sao như trời, trăng, thái bạch và tuế tinh”. Đã trả lời đầy đủ ba thứ ánh sáng, mà lấy Nguyệt Dụ là tên, như trước đã giải thích: Một, là nguyệt ở khoảng giữa, nên từ trung mà đặt tên, nguyệt có tròn có khuyết, dụ cho ẩn hiện dễ thấy, văn kinh nói về nguyệt nhiều, nên từ dễ, từ số nhiều để đặt tên phẩm. Xưa nay nói cuối phẩm này từ câu: “Khi mặt trời mọc thì sương móc đều tan biến” đến hết phẩm là thuộc về văn phẩm của Bồ-tát, nhưng do người dịch kinh xếp lầm, đó chỉ là văn khen ngợi lực dụng của kinh. Hưng Hoàng thì không nhất định, hoặc cho là thuộc phẩm trước, hoặc nói là của phẩm sau. Các Sư Trung Quán thì cho là thuộc phẩm trước.

Nay văn phẩm được chia làm hai là đáp vấn và kết luận khen ngợi kinh. Đầu tiên là y cứ theo ba thứ ánh sáng để chia làm ba đoạn dùng để trả lời ba câu hỏi: Một, là y cứ theo mặt trăng có sáu ý: mọc lặn, khuyết tròn, lớn nhỏ, thiện ác, dài ngắn, ưa chán. Đầu tiên là nói về mọc lặn.

Trước là dụ, sau là hợp như văn kinh ghi.

Từ câu “Này thiện nam v.v…” trở xuống là nói về tròn khuyết, trước là dụ sau là hợp.

Kinh Trường A-hàm ghi: “Từ ngày mười sáu trở đi, ngày đầu tiên một vị hắc y thị thần lên hầu, ngày thứ hai là thị thần lên hầu, cho đến ngày ba mươi thì các thần đều lên hết, cho nên mặt trăng dần dần khuyết”. Từ ngày mồng một trở đi các thần dần dần xuống, đến ngày rằm thì xuống hết, nên mặt trăng dần dần tròn. Hai, là cho rằng nhật thiên tử phát ra sáu mươi thứ ánh sáng, được ánh sáng mặt trăng cho nên khuyết. Nếu Nguyệt thiên tử ở tại chánh điện sau do phát ra ánh sáng đối diện Nhật thiên tử, cho nên mặt trăng tròn. Ba, là cho từ ngày mồng một thì xuất hiện mặt ngân bạc, cho đến ngày mười lăm thì mặt ngân bạc hiện hoàn toàn, mặt lưu ly ẩn, từ ngày mười sáu mặt lưu ly bắt đầu xuất hiện, đến ngày ba mươi thì mặt lưu ly hoàn toàn hiện, mặt ngân bạc hoàn toàn ẩn.

Nói do núi Tu-di, nghĩa là do năm ngọn gió thổi tự nhiên vận chuyển. Năm ngọn gió gồm: Trì phong, trụ phong, động phong, chuyển phong và hành phong.

Thế gian nói sáu tháng là một lần xâm thực. Sách ghi: “Do sự vận hành mà gặp nhau. Sáu tháng là một chu kỳ, âm dương ngăn ngại nhau nên có sự xâm thực này”. Kinh nói là do Tu-la tạo ra.

Thứ ba, Từ câu “Lại nữa, thí dụ v.v…” trở xuống là nói về lớn nhỏ. Trước là dụ sau là hợp.

Thứ tư, là từ câu “Như La-hầu-la v.v…” trở xuống là nói về thiện ác và chế giới. Văn có ba:

  1. Ngăn cấm.
  2. Khinh trọng.
  3. Như Lai dạy bảo.

Tất cả đều có dụ và hợp.

Thứ năm, từ câu “Như người thấy mặt trăng, v.v…” trở xuống là nói về dài ngắn, cũng có dụ và hợp.

Nói “Các vị trời trong chốc lát thấy nguyệt thực” đây là y cứ theo Tứ thiên vương đồng thấy mặt trăng này, còn trời Đao-lợi thì tự có ánh sáng của thân, chẳng cần mặt trời mặt trăng.

Thứ sáu, Từ câu “Thí như v.v…” trở xuống là nói về ưa và chán. Trước là dụ, sau là hợp.

Văn kinh nói “Nếu chúng sinh có tham sân si chẳng được gọi là nhạo kiến” vì chúng sinh này chẳng thích nhìn mặt trăng, hay vì mặt trăng chẳng khiến người thích nhìn? Có hai cách giải thích: một, do ba độc nên chúng sinh chẳng thích nhìn mặt trăng; hai, là cho rằng mặt trăng là bất nhạo kiến, như kẻ trộm thì cho mặt trăng là bất nhạo kiến (chẳng thích nhìn).

Từ câu “Thí như mặt trời v.v…” trở xuống là đoạn thứ hai nêu mặt trời, trước dụ sau hợp.

Nói “ba mùa khác nhau”. Một, là vì trong Phật pháp chẳng nói đến mùa thu, nên chỉ nói ba mùa. Thuyết khác cho rằng trong Phật pháp có nói về mùa thu. Như kinh ghi: “Mùa thu cày cấy là tốt nhất”. Lại văn trên nói: “Qua mùa Hạ thì gọi là mùa Thu, mùa Thu thì mưa dầm”. Kinh Kim Quang Minh ghi: “Nói ba vì ba đã gồm thâu đầy đủ bốn mùa”. Trong luật nói ba mùa là để phân biệt với tặc trụ. Nay trong kinh này nói ba mùa chẳng phải để phân biệt tặc trụ, mà vì mùa xuân đồng nhau, nên chẳng phân biệt.

Hợp dụ có hai: một, dùng tuổi thọ của Như Lai để hợp; hai, là dùng kinh giáo để hợp. Theo văn kinh rất dễ hiểu.

Từ câu “Thí như các vì sao v.v…” trở xuống là đoạn thứ ba, nêu sao để dụ. Văn có ba ý: một, là nêu các vì sao; hai, là nêu bóng tối; ba, là nêu sao Tuế. Mỗi trường hợp đều có dụ và hợp. Hai ý trước theo văn kinh rất dễ hiểu.

Nói “nửa tháng không trăng” (hắc nguyệt), kinh Ưu-Bà-tắc ghi: Ngày mười sáu đến ngày ba mươi gọi là hắc nguyệt”. Kinh Niết-bàn bản sáu quyển ghi: Tuế tinh là chi đẩu tịnh. Lương Vũ Đế dịch là ác tướng tinh hoặc nói là tuế âm, hoặc gọi là nhung âm, hình dáng như cây chổi. Người thế gian gọi là điêu, hoặc gọi là ma, nghĩa là nó tạo ra sự lo sợ về thay cũ lập mới. Tức là như Bích-chi-Phật ra đời vào thời không có Phật.

Từ câu “Thí như mặt trời v.v…” trở xuống là phần thứ hai, kết luận khen ngợi. Văn có ba đoạn: là khen ngợi, khuyên tin và kết luận. Khen ngợi lại có hai: một, là khuyên diệt ác.

Kế là khen ngợi nghĩa sâu xa.

Từ câu “Vì nghĩa này v.v…” trở xuống là khuyên tin, gồm có hai:

khuên tin và khuyên học.

Kết luận khen ngợi như văn kinh ghi.

Nay dùng ba văn kết luận ba dụ về ánh sáng để khen ngợi giáo, hạnh, lý. Kết luận nhật dụ khen ngợi giáo thường trụ, kết luận nguyệt dụ khen ngợi lý thường trụ, kết luận hạnh dụ khen ngợi hạnh thường trụ.