SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm 15: MA-HA-TÁT

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Con cũng sẽ nói vì sao gọi là Đại Bồ-tát.

Đức Phật bảo:

–Tôn giả Xá-lợi-phất hãy tự nhiên giải bày.

Xá-lợi-phất nói:

–Bồ-tát đoạn các vọng kiến nên gọi là Đại.

Sao gọi là vọng kiến trong các kiến? Thấy sai lầm (vọng kiến) là thấy có ta, có người, có chúng sinh, có đoạn, có thường, có hữu kiến, có vô kiến, có năm ấm, có mười tám giới, có mười hai xứ, có bốn đế, có mười hai nhân duyên, có ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, có mười tám pháp Bất cộng, có nuôi dưỡng chúng sinh, có thanh tịnh cõi Phật, có đạo, cho đến có Phật chuyển pháp luân, tất cả các kiến chấp đều đoạn, thuyết pháp như thế nên gọi là Đại.

Tu-bồ-đề hỏi Xá-lợi-phất:

–Vì sao Đại Bồ-tát thấy có năm ấm, mười hai xứ, mười tám giới, mười hai nhân duyên, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo cho đến mười tám pháp Bất cộng và các vọng kiến?

Xá-lợi-phất đáp:

–Đại Bồ-tát không dùng phương tiện quyền xảo hành Bát-nhã ba-la-mật, thuận theo năm ấm, sáu căn, mười tám giới, nương vào mười hai nhân duyên, nương vào sáu pháp Ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo và mười tám pháp Bất cộng mà sinh các kiến chấp, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật bằng phương tiện quyền xảo thì đoạn các kiến chấp này, thuyết pháp cho người mà không cậy vào việc ấy.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Con cũng sẽ nói vì sao gọi là Đại.

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ông hãy nói đi.

Tu-bồ-đề nói:

–Ý đạo cao siêu chẳng phải sự hiểu biết của hàng Thanh văn và Bích-chi-phật. Vì sao? Trí Nhất thiết là pháp vô lậu cùng với tâm vị ấy không chấp trước nên gọi là Đại.

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát có những gì cao siêu mà các hàng La-hán, Bích-chiphật không sánh kịp?

Tu-bồ-đề đáp:

–Từ lúc Bồ-tát phát tâm trở về sau, không thấy các pháp có sinh diệt, tăng giảm, ràng buộc và đoạn diệt.

Này Xá-lợi-phất! Các pháp không sinh, không diệt, không tăng, không giảm, không ràng buộc và không đoạn diệt, cũng không có tâm La-hán hay Bích-chi-phật, cho đến tâm đạo và tâm Phật, đó là tâm cao siêu của Đại Bồ-tát mà La-hán và Bích-chi-phật không hiểu biết được.

Xá-lợi-phất nói:

–Vậy, theo ý Tôn giả là không vướng vào năm ấm, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng, cũng không chấp trước.

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Giả sử trí Nhất thiết vô lậu thì tâm người phàm sẽ vô lậu vì là tánh không, cho đến A-la-hán, Bích-chi-phật và chư Phật cũng vậy?

Tu-bồ-đề đáp:

–Đúng như lời Tôn giả nói.

Xá-lợi-phất hỏi:

–Năm ấm cũng vô lậu vì tánh vốn không, đến ba mươi bảy phẩm Trợ đạo và mười tám pháp Bất cộng cũng vậy?

Tu-bồ-đề đáp:

–Đúng như lời Tôn giả nói.

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Không có ý tức là không hợp với ý chăng? Không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức vì không hợp với thức chăng?

Tu-bồ-đề đáp:

–Đúng như lời Tôn giả nói.

Xá-lợi-phất hỏi:

–Ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng cũng không phải mười tám pháp, vì không chấp trước và không hợp chăng?

Tu-bồ-đề đáp:

–Sự có và không đều hợp.

Tu-bồ-đề nói với Xá-lợi-phất:

–Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy, không chấp vào đạo ý, La-hán và Bích-chi-phật không thể hiểu biết đến, tâm cũng không tự cao mà có chỗ nương vào, nương vào đó nhưng chẳng có chỗ nương.