SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.

Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 3

Phẩm 15: CỨ-ĐÀ BỐ THÍ THÂN

Tôi nghe như thế này:

Một thời Đức Phật trú tại núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt-kỳ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bị cảm phong. Y vương Kỳ-vực điều chế được loại dược Tô, ông dùng ba mươi hai loại dược liệu điều chế để Đức Phật trị bệnh một ngày uống ba mươi hai lạng.

Khi ấy Đề-bà-đạt-đa sinh tâm đố kỵ, tự cao tự đại có ý sánh ngang hàng với Phật. Nghe Phật Thế Tôn đang dùng dược Tô, có ý tham lam muốn dùng ngang với Phật, nên Đề-bà-đạt-đa cho gọi Kỳ- vực đến bảo:

– Ông nên luyện dược Tô cho ta. Kỳ-vực luyện dược Tô và bảo Đề-bà-đạt-đa nên dùng một ngày bốn lạng. Đề-bà-đạt-đa thắc mắc hỏi:

– Phật dùng một ngày mấy lạng?

Kỳ-vực đáp:

– Ba mươi hai lạng.

Đề-bà nói:

– Ta cũng dùng ba hai lạng.

Kỳ-vực nói:

– Thân Như Lai không giống như ngài, nếu ngài uống nhiều ắt gặp tai họa.

Đề-bà-đạt-đa nói:

– Thuốc ấy tôi uống vào đủ sức để tiêu hóa, bản thân tôi và Phật có gì khác nhau đâu! Cứ cho ta uống liền công hiệu như Phật. Hàng ngày Đề-bà vẫn uống ba mươi hai lạng, khi thuốc vào trong thân thể lưu chuyển vào các mạch, do sức yếu kém nên không thể tiêu hóa được, thân thể tứ chi đau đớn thống khổ, rên rỉ, gào thét, ruột gan rối bời vật vã. Đức Phật thương xót liền đưa bàn tay xoa vào  đầu, dược liệu được tiêu hóa dứt hết đau đớn, bệnh tình bình phục.

Đề-bà-đạt-đa ngó lại thấy tay Phật bèn nói rằng:

– Tất-đạt dùng xảo thuật đối với đời vô dụng, lại học nghề thuốc mới khéo biết như vậy.

Bấy giờ A-nan nghe những lời như vậy, trong lòng buồn giận đến quỳ xuống bạch:

– Bạch Đức Thế Tôn, Đề-bà-đạt-đa không biết tri ân. Đức Thế Tôn vì từ bi dứt trừ cơn đau đớn cho ông ta, mà ông ta lại phát ra những lời không mấy thiện cảm, có điều gì trong lòng mà sinh ra tâm địa như vậy, ngày đêm suy nghĩ đố kỵ với Đức Thế Tôn.

Đức Phật dạy A-nan:

– Đề-bà-đạt-đa không chỉ ngày nay ôm lòng không tốt muốn làm hại Ta, mà trong kiếp quá khứ đã từng nuôi tâm sát hại Ta.

Ngài A-nan bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn, con không rõ trong quá khứ Đề-bà-đa làm việc thương hại Đức Thế Tôn như thế nào và vì lý do gì?

Đức Phật dạy:

– Hãy khéo lắng nghe, Ta sẽ nói.

Ngài A-nan thưa:

– Xin vâng. Bạch Đức Thế Tôn, chúng con nhất tâm lắng nghe.

Đức Phật dạy:

– Này A-nan, vào thời quá khứ lâu xa, không thể tính số a-tăngkỳ kiếp, cõi Diêm-phù-đề này có một thành lớn gọi là Ba-la-nại. Vua nước ấy tên là Phạm-ma-đạt hung bạo không có từ tâm, sống xa xỉ, hảo lạc, hiếu dâm, hay ôm lòng ác độc đố kỵ, thích làm hại người khác.

Một hôm ông mộng thấy một con thú có lông sắc vàng, bộ lông mượt mà phát ra ánh sáng vàng, chiếu khắp hai bên tả hữu đều là sắc vàng. Sau khi tỉnh giấc, ông tự nghĩ: “Theo như giấc mộng của ta thì một bộ lông như vậy không thể có trong thế gian này. Ta phải tổ chức một cuộc đi săn để tìm cho ra bộ lông kia.” Sau khi suy nghĩ như vậy, vua cho mời các chuyên gia săn bắn đến diễn tả lại giấc mộng về con thú có lông màu vàng, đầu mỗi sợi lông phát ra ánh sáng chói lọi khá thường. Vua nói:

– Ta nghĩ trong nước chắc phải có vật này, mong các người đi  khắp mà tìm bắt cho được. Nếu bắt lấy được bộ da kia ta sẽ trọng thưởng, cho con cháu của các ngươi dùng đến bảy đời. Nếu không cố công tìm bắt được ta sẽ tru diệt dòng họ tổ tông của các ngươi. Các thợ săn nhận lệnh xong, trong lòng sầu não lo lắng không có phương kế gì, cùng họp lại một nơi để bàn cách giải quyết sự việc này:

– Giấc mộng về con thú của vua trên đời này chưa từng thấy, cần phải đi nơi nào để tìm cho ra được. Nếu không tìm được, phạm vào phép vua tất cả chúng ta vĩnh viễn không còn đường sống. Sau khi bàn luận xong họ càng tăng thêm sầu muộn. Có một người trong nhóm kể lại rằng:

– Trong núi đầm này, độc trùng ác thú nhiều vô số kể. Vào sâu mà tìm ắt không thể được, vừa vào đến nơi đã tan thân mất mạng chết toi trong rừng sâu. Riêng ý của tôi nên kiêm một người đi tìm hộ cho. Mọi người đều đồng ý. Rồi sau đó chọn được một người và nói:

– Anh nên hết lòng đi vào rừng sâu để tìm con thú lông vàng, nếu trở về mọi chuyện tốt đẹp chúng tôi gom lại nhiều bảo vật để trọng thưởng cho anh. Giả vào trong rừng sâu lỡ bị hại không trở về được thì chúng tôi sẽ giao số bảo vật cho vợ con anh. Nghe trình bày xong, anh ta thầm nghĩ: “Ta vì những người này dầu bỏ thân mạng cũng được.” Sau khi tính toán có thể lên đường, vị ấy lo hành trang lương thực đầy đủ, rồi ra đi. Trải qua một thời gian khá lâu, thân suy lực kiệt, trời thì nắng chang chang, lại phải đi qua mỗi bãi sa mạt, cát nóng rang, cổ họng khô khốc, cơn khát trầm trọng, hơi nóng bốc lên uất ngẹn cổ họng gần chết. Khổ đau cùng cực thống thiết, vị ấy nói:

– Có ai rủ lòng Từ bi thương xót đến ta, cứu giúp mạng sống của ta.

Lúc đó trong núi đầm có một dã thú gọi là Cứ-đà, lông thân sắc vàng, đầu lông chiếu sáng, từ xa nghe những lời thống thiết như vậy, rất thương xót người bị nạn, đích thân tìm xuống khe nước lạnh rồi trở lại chỗ đó dùng thân ấp ủ cùng khắp người kia. Lát sau người ấy hồi tỉnh có chút sức lực, Cứ-đà liền dẫn đến dòng nước tắm rửa, rồi đi nhặt trái cây cho anh ta ăn. Sau một hồi thân thể bình phục, anh ta nghĩ: “Con thú đặc biệt có lông vàng, sắc sáng này là con thú mà đại  vương đang cần đây. Nhưng khi ta sắp chết nó đã cứu mạng ta. Cảm ân đức chưa lấy gì để đền trả làm sao mà rắp tâm làm hại nó được, nhưng nếu không bắt nó thì đám thợ săn và bà con của họ đều bị giết sạch.” Nghĩ đến việc này lòng anh ta cứ miên man suy nghĩ. Cứ-đà nói:

– Việc ấy chớ lo, da của tôi đây xin biếu anh.

Rồi Cứ-đà kể:

– Tôi từ nhiều đời trước đến nay đã xả bỏ thân này vô số nhưng chưa từng làm việc phước đức. Nay xả bỏ mạng sống lấy tấm da này để cứu bao sinh mạng kia, trong lòng tôi rất hoan hỷ. Nếu anh lấy thì lột lấy da của tôi, đừng vội dứt mạng sống liền. Tôi đã cho anh chẳng có hối tiếc.

Khi ấy người thợ săn từ từ róc lấy da. Mặc dầu rất đau nhưng Cứ-đà lập nguyện: “Nay tôi dùng da tôi bố thí cho người này để cứu mạng cho những người thân của họ, nguyện đem công đức này hồi hướng cho tất cả đều thành Vô thượng chánh chân Phật đạo và rộng độ cho tất cả chúng sinh đang chìm đắm trong biển khổ sinh tử được an trú vào Niết-bàn an lạc.” Cứ-đà lập nguyện xong, ba ngàn thế giới chấn động sáu lần, cung điện các cõi trời dao động không ngừng. Chư Thiên đều kinh ngạc, tìm hiểu hiện tượng kỳ lạ đó thì thấy Bồ-tát đang lột da mình để bố thí. Ngay khi ấy chư Thiên từ Thiên cung giáng hạ xuống rải hoa cúng dường khóc lệ như mưa. Sau khi lột da xong còn lại phần thịt đỏ tươi, máu chảy tràn trề, không thể nhìn được. Lại có tám vạn con ruồi kiến bu đầy trên thân rúc rỉa ăn thịt. Khi ấy Cứ-đà muốn trở mình nhưng sợ làm thương tổn đến loài ruồi kiến. Nỗi đau thống thiết tự mình nhẫn nhịn, thân không dao động, chia thân ra bố thí, rồi chết. Các loài ruồi kiến nhờ ăn thịt Bồ-tát, sau khi mạng chung đều được sinh Thiên.

Bấy giờ người thợ săn mang bộ da trở về nước dâng lên nhà vua thấy rất hoan hỷ khi bộ lông này thuộc loại vô cùng đặc biệt chưa hề thấy, bền đẹp mịn màng. Vua thường dùng trải nằm, khi nằm trên tấm lông thú đó tâm hồn rất an lạc, thoải mái.

Đức Phật dạy:

– Này A-nan, thân thú Cứ-đà lúc bấy giờ nay chính là Ta. Vua Phạm-ma-đạt nay là Đề-bà-đạt-đa. Tám vạn ruồi kiến lúc đó khi Ta  mới thành đạo vừa chuyển vận pháp ở trên cung trời có tám vạn chư Thiên đắc đạo. Đề-bà-đạt-đa thời đó làm thương tổn Ta cho đến nay cũng không có thiện tâm, đêm ngày rắp tâm muốn làm thương hại Ta. Hiền giả A-nan và hội chúng sau khi nghe Phật kể lại như vậy trong lòng buồn rầu, tất cả đều tinh tấn, chuyên cần thực hành chánh pháp có người đắc quả Tu-đà-hoàn, có người gieo nhân Bích-chi-phật và cũng có người phát tâm Vô thượng Phật đạo, có người an trú địa vị Bất thoái. Tất cả đều hoan hỷ, cung kính phụng hành.