SỐ 192
PHẬT SỞ HÀNH TÁN
Nguyên tác: Mã Minh Bồ-tát.
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm, người xứ Thiên trúc.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm 15: CHUYỂN PHÁP LUÂN

Như Lai khéo vắng lặng
Ánh sáng soi chiếu khắp
Oai nghiêm đi một mình
Giống như đông người theo
Trên đường gặp Phạm chí
Tên là Ưu-ba-ca
Giữ gìn Tỳ-kheo nghi
Cung kính đứng bên đường
Mừng gặp chưa từng có
Chắp tay mà hỏi rằng:
“Chúng sinh đều đắm nhiễm
Dung nhan Ngài không đắm
Tâm người đời dao động
Riêng Ngài các căn lặng
Vẻ sáng như trăng rằm
Tựa như vị cam lộ
Dung mạo tướng đại nhân
Vua sức tuệ tự tại
Điều phải làm đã làm
Học hỏi với thầy nào?”
Đáp rằng: “Ta không thầy
Không nương, không gì hơn
Tự ngộ pháp sâu xa
Được điều người không được
Điều mà người phải giác
Thế gian không ai giác
Ta nay đã tự giác
Nên gọi là Chánh Giác.
Phiền não như kẻ thù
Dùng kiếm tuệ chiết phục
Cho nên đời khen ngợi
Được gọi là Tối Thắng,
Sẽ đến Ba-la-nại.
Đánh trống pháp cam lộ!
Không mạn, không còn tên
Cũng không cầu lợi lạc
Chỉ vì tuyên chánh pháp
Cứu vớt khổ chúng sinh.
Do xưa phát thệ rộng
Độ người chưa được độ
Kết quả thệ nay thành
Sẽ toại bổn nguyện này.
Giàu có tự cung cấp
Chẳng gọi là Nghĩa sĩ
Lợi ích cho mọi người
Được gọi Đại Trượng Phu.
Gặp nguy không cứu vớt
Đâu gọi dũng sĩ được,
Thấy bệnh không chữa trị
Đâu gọi thầy thuốc hay,
Thấy lạc không chỉ lối
Ai gọi người dẫn đường?
Như đèn soi chỗ tối
Vô tâm mà tự sáng
Như Lai thắp đèn tuệ
Không cầu các dục tình
Dùi gỗ sẽ có lửa
Không trung gió tự nhiên
Đào đất sẽ được nước
Lẽ tự nhiên như vậy.
Tất cả các Mâu-ni
Thành đạo là Già-gia
Cũng đồng nước Ca-thi
Quay bánh xe chánh pháp”.
Phạm chí Ưu-ba-ca
Kêu lên: Lạ lùng quá!
Theo tâm trước đã hẹn
Theo đường riêng khác nhau
Nghĩ rằng chưa từng có
Bước từng bước ngập ngừng.
Như Lai dần tiến bước
Đi đến thành Ca-thi
Đất này rất trang nghiêm
Như cung trời Đế Thích
Sông Hằng, Ba-la-nại
Nằm giữa hai con sông
Rừng cây, hoa quả mượt
Cầm thú đến nhởn nhơ
Vắng lặng, không ồn náo
Nơi các tiên xưa ở.
Ánh Như Lai chiếu sáng
Càng thêm vẻ sáng ngời
Kiều-trần-như tộc tánh
Kế Thập lực Ca-diếp
Ba tên Bà-sáp-ba
Bốn A-thấp-ba-thệ
Năm tên Bạt-đà-la
Tu khổ hạnh núi rừng
Xa thấy Như Lai đến
Họ ngồi lại cùng bàn:
“Cù-đàm đắm vui đời
Xả bỏ các khổ hạnh
Nay lại trở về đây
Ta chớ đứng dậy đón
Cũng đừng lễ, thăm hỏi
Cung cấp đồ cần dùng.
Đã quên lời thề xưa
Không nên thọ cúng dường.
Hễ người thấy khách đến
Nên sửa soạn trước sau
Như chuẩn bị chiếu giường
Để mời họ yên nghỉ”.
Giao ước như thế rồi
Thì ai về chỗ nấy
Mỗi người đều ngồi yên
Như Lai dần bước đến
Họ chợt quên giao ước
Có người nhường chỗ ngồi
Có người đỡ y bát
Có người rửa chân Phật
Có người hỏi việc cần
Làm mọi việc như vậy
Tôn kính như bậc Thầy
Chỉ không bỏ dòng tộc
Vẫn gọi tên Cù-đàm.
Thế Tôn bảo họ rằng:
“Chớ gọi dòng họ ta
Đối với A-la-ha
Mà sinh lời ngạo mạn
Dù kính trọng hay không
Tâm ta đều bình đẳng.
Tâm các ông bất kính
Tự vời lấy tội lỗi
Phật độ được thế gian
Cho nên gọi là Phật
Với tất cả chúng sinh
Bình đẳng xem như con
Mà gọi tên họ Ta
Phạm tội như khinh cha!”
Phật dùng tâm đại bi
Thương xót mà bảo họ
Tâm họ vẫn ngu si
Không tin Ngài thật ngộ
Cho rằng trước khổ hạnh
Mà còn không chứng đắc
Nay thân, miệng hưởng lạc
Làm sao mà thành Phật?
Cứ như vậy nghi hoặc
Không tin Ngài thành Phật
Được thật nghĩa cứu cánh
Tất cả trí đầy đủ.
Như Lai liền vì họ
Nói lược về yếu đạo:
“Người ngu tu khổ hạnh
Thích làm vui các căn
Thấy hai khác biệt ấy
Thì đó là lỗi lớn
Không phải đạo chánh chân
Vì trái với giải thoát.
Nhọc thân tu khổ hạnh
Tâm ý vẫn rong ruổi
Thế trí còn chẳng sinh
Huống siêu vượt các căn
Như thắp đèn bằng nước
Không bao giờ hết tối.
Nhọc thân tu đèn tuệ
Không thể dứt ngu si
Dùi củi mục tìm lửa
Tốn công chẳng được gì?
Theo cách người lấy lửa
Liền được lửa dùng ngay.
Cầu đạo không khổ thân
Mà được pháp cam lộ
Đắm dục là phi nghĩa
Ngu si ngăn tuệ sáng
Kinh luận còn không rõ,
Huống được đạo lìa dục!
Như người bị bệnh nặng
Ăn thức không tùy bệnh
Không biết đó bệnh nặng
Đắm dục làm sao dứt?
Đốt lửa nơi đồng trống
Cỏ khô thêm gió mạnh
Lửa tham ái cũng vậy
Ai dập được cháy to?
Ta đã rời “nhị biên”
Tâm sống với “Trung đạo”
Các khổ rốt ráo dứt
Vắng lặng lìa các lỗi
Chánh kiến hơn ánh dương
Xe bình đẳng giác quán,
Chánh ngữ là nhà ở
Rừng chánh nghiệp dạo chơi
Chánh mạng tư cách đẹp
Phương tiện là đường chánh
Chánh niệm là thành quách
Chánh định là giường ghế
Tám đường chánh bằng phẳng,
Thoát khỏi khổ sinh tử
Từ đường ấy thoát ra
Việc làm đã rốt ráo
Không rơi vào kia đây.
Hai đời là thường khổ
Ba cõi thuần nhóm khổ
Chỉ tám đường dứt được
Vốn chưa từng được nghe
Mắt thanh tịnh chánh pháp
Thấy được đạo giải thoát.
Nay chỉ Ta bắt đầu
Khổ sinh, già, bệnh, chết
Yêu chia ly, oán gặp
Việc mong cầu chẳng được
Và các thứ khổ khác
Lìa dục, chưa lìa dục
Có thân và không thân
Lìa công đức thanh tịnh
Nói lược đó đều khổ.
Giống như lửa cháy ngưng
Tuy đóm nhỏ vẫn nóng
Vắng lặng còn chút ngã
Tính khổ lớn vẫn còn,
Các phiền não: tham, sân…
Và các lỗi của nghiệp
Đó chính là nhân khổ.
Lìa bỏ thì khổ dứt
Như các hạt giống kia
Không gặp đất, nước… thảy
Các duyên chẳng hòa hợp
Thì mầm lá không sinh
Có tánh, hữu nối tiếp
Từ trời đến đường ác
Luân hồi mãi không dừng.
Đó do tham dục sinh
Thấp, vừa, cao khác nhau
Các thứ nghiệp là nhân.
Nếu dứt được tham thảy
Thì không có nối nhau
Nếu các thứ nghiệp hết
Khổ sai biệt dứt hẳn.
Đây có thì kia có
Đây không thì kia không
Không sinh, già, bệnh, chết
Không đất, nước, lửa, gió
Cũng không đầu, giữa, cuối
Không phải pháp dối gạt
Chỗ trụ của Thánh hiền
Thật vắng lặng vô tận.
Tám đường chánh đã nói
Là phương tiện không thừa
Thế gian không thấy được
Mọi người mãi lầm mê
Ta biết khổ, dứt tập
Chứng diệt, tu chánh đạo
Quán bốn chân đế này
Liền thành Đẳng Chánh Giác.
Rằng Ta đã biết khổ
Đã dứt nhân hữu lậu
Đã chứng đắc Diệt tận,
Đã tu tám đường chánh
Đã biết bốn chân đế
Thành mắt pháp thanh tịnh
Với bốn chân đế này
Chưa sinh mắt bình đẳng
Chẳng gọi được giải thoát.
Không nói: làm, đã làm
Cũng không nói: tất cả
Thành trí giác chân thật
Vì biết bốn chân đế
Tự biết được giải thoát
Tự biết làm, đã làm
Tự biết Đẳng Chánh Giác.”
Khi nói lời thật này
Dòng họ quý Kiều-trần
Tám vạn các Thiên chúng
Thấu triệt nghĩa chân thật
Xa lìa các bụi nhơ
Chứng pháp nhãn thanh tịnh.
Thiên Nhân Sư biết ngài
Việc phải làm đã làm
Tiếng sư tử vui mừng
Hỏi Kiều-trần: “Hiểu chưa?”
Kiều-trần liền bạch Phật:
“Đã hiểu pháp Đại Sư”
Vì ngài hiểu pháp nên
Gọi A-nhã Kiều-trần
Trong các đệ tử Phật
Là người ngộ đầu tiên.
Ngài biết tiếng chánh pháp
Nghe được các thần đất
Đều cùng cất tiếng nói:
“Hay thay! pháp sâu xa
Đức Như Lai hôm nay
Chuyển pháp chưa từng chuyển
Khắp vì các trời, người
Mở rộng cửa cam lộ
Tịnh giới là nan hoa
Giúp điều phục vắng lặng
Trí vững là vành bánh,
Hổ thẹn cầu nối thành
Chánh niệm vỏ bọc quanh
Thành pháp Luân chân thật
Chánh chân rời ba cõi
Chẳng lui, theo tà sư.”
Thần đất nói như vậy
Thần hư không ca tụng
Các trời lại khen ngợi
Thấu đến cõi trời Phạm
Các Thiên thần ba cõi
Vừa nghe Đại Tiên giảng
Kinh hãi bảo nhau rằng:
“Khắp nghe Phật ra đời,
Vì muôn loài chúng sinh
Chuyển pháp luân vắng lặng.”
Mây mù tan, gió tạnh
Không trung hoa trời rơi
Chư Thiên tấu nhạc trời.
Mừng khen: Chưa từng có!