SỐ 278
KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Pháp sư Phật-đà-bạt-đà-la, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 14: THUYẾT MINH VỀ PHÁP

Bấy giờ, Bồ-tát Tinh Tấn Tuệ hỏi Bồ-tát Pháp Tuệ:

–Này Phật tử! Bồ-tát mới phát tâm thành tựu được kho tàng vô lượng công đức như vậy, tự trang điểm bằng đại trang nghiêm, đi bằng xe Nhất thiết trí vào đường thoát ly sinh của Bồ-tát, xa lìa thế gian chí cầu Chánh giác, được trú vào nơi chư Phật đang ở, quyết định thành tựu Vô thượng Bồ-đề. Vị Đại Bồ-tát ấy làm cho các Như Lai đều hoan hỷ, đầy đủ công đức Bồ-tát đã đạt được bằng hạnh thanh tịnh, hoàn thành đại nguyện được kho tàng Bồ-tát, tùy theo đối tượng mà hóa độ họ, không bỏ các Ba-la-mật, tùy sự mong cầu của chúng sinh mà độ thoát chúng, làm hưng thịnh Tam bảo không cho đoạn tuyệt, tất cả hành động trong phạm vi căn lành, các hành động bằng phương tiện đều không hư phí.

Lành thay, này Phật tử! Hãy thuyết giảng pháp này, chúng tôi muốn nghe. Như các công đức Bồ-tát đã tu, diệt trừ si tối thu phục các ma, ngăn các ngoại đạo, lìa xa trần cấu, thành tựu đầy đủ tất cả công đức, xa lìa hẳn các nạn trong cõi ác, thanh tịnh đầy đủ trí tuệ sâu xa. Tất cả công đức các địa của Bồ-tát, các Ba-la-mật, Tammuội, Tổng trì, sáu Thông, ba Minh, pháp thanh tịnh, trang nghiêm tất cả cảnh giới của chư Phật, đầy đủ tướng tốt, âm thanh vi diệu, tâm hành thanh tịnh.

Tất cả Lực, Vô úy của Như Lai, mười tám pháp Bất cộng, Nhất thiết trí, tùy theo tất cả cõi mà thành tựu cho chúng sinh; tùy thời gian, tùy căn tánh, bằng vô lượng Phật sự và vô lượng công đức của các Bồ-tát, chánh pháp của Bồ-tát, hành động của Bồ-tát, đạo của Bồ-tát, cảnh giới của Bồ-tát đều được viên mãn, mau thành tựu vô lượng kho tàng pháp của tất cả chư Phật. Có thể giữ gìn, phân tích, thuyết giảng, trình bày rõ ràng, không bị các ma ngoại đạo phá hoại, bảo trì chánh pháp đến vô cùng tận, diễn thuyết ở tất cả thế giới của Thiên vương, Long vương, Dạ-xoa vương, Càn-thát-bà vương, A-tu-la vương, Ca-lâu-la vương, Khẩnna-la vương, Ma-hầu-la-dà vương, Nhân vương, Phạm vương, chư Phật Pháp Vương. Các vị ấy đều cùng nhau hộ trì Đại Bồ-tát này. Tất cả thế gian đều cung kính cúng dường, tôn trọng và khen ngợi vị này và thường được chư Phật hộ niệm, được tất cả Bồ-tát yêu kính, được sức căn lành, tăng trưởng pháp thiện, thường mở bày kho tàng pháp sâu xa của chư Phật, tự trang hoàng bằng chánh pháp vĩ đại, tuần tự giảng thuyết các hạnh của Bồ-tát?

Bây giờ, vì muốn làm rõ lại ý nghĩa này, Bồ-tát Tinh Tấn Tuệ nói kệ rằng:

Lành thay, xin thuyết pháp Đại thừa
Các công đức Bồ-tát thành tựu
Vào sâu vô lượng hạnh rộng lớn
Đầy đủ Vô sư trí thanh tịnh.
Nếu có Bồ-tát mới phát tâm
Thành tựu công đức, xe trí tuệ
Vào đường ly sinh, xuất thế gian
Quyết định mau được Đẳng chánh giác
Làm sao trong chánh pháp của Phật
Tu tập công đức được vượt lên
Làm các Như Lai đều hoan hỷ
Được dự vào địa vị của Phật
Hành động thanh tịnh, mãn nguyện lớn
Đầy đủ kho trí tuệ Bồ-tát
Độ thoát được tất cả chúng sinh
Nhưng không lệ thuộc vào chúng sinh
Không bỏ tất cả Ba-la-mật
Những sự bố thí không uổng phí
Độ được những chúng sinh cần độ
Hưng thịnh Phật pháp không đoạn tuyệt
Mắt tịnh thấy khắp các cảnh giới
Đầy đủ công đức cầu được đạo
Hạnh của Đại hùng, đạo thanh tịnh
Đều phân tích giảng giải đầy đủ
Diệt trừ tất cả ngu si ám
Thu phục các ma, ngăn ngoại đạo
Công đức ly cấu đều thành tựu
Được trí tuệ của Bậc Trung Tôn
Lìa hẳn các nạn, khổ đường ác
Thanh tịnh, trí tuệ đều đầy đủ
Vô lượng công đức lớn sâu xa
Thành tựu các đạo lực tối thắng
Được trí tuệ nhất trong loài người
Tùy người tương ứng mà độ họ
Các cõi Phật không thể nghĩ bàn
Tự tại làm vô lượng Phật sự
Tất cả hạnh sâu xa thù thắng
Phân biệt kho công đức Đại hùng
Thường hay hộ trì pháp tối thắng
Các nạn trong đời không phá được
Làm sao không sợ như sư tử
Công đức tròn đầy như trăng rằm
Cũng như hoa sen không dính nước
Công đức thanh tịnh như Tối thắng.

Bấy giờ, Bồ-tát Pháp Tuệ bảo Bồ-tát Tinh Tấn Tuệ:

–Lành thay, lành thay! Này Phật tử, rất là lợi ích, rất là an lạc, rất là sáng suốt! Vì thương tưởng đến trời và người trong thế gian nên ông mới hỏi về hạnh thanh tịnh sâu xa của Bồ-tát như vậy.

Này Phật tử! Hiền giả có năng lực tinh tấn vĩ đại với trí tuệ chân thật sâu xa, nhất tâm tu tập, đạt không thoái chuyển, vượt khỏi thế gian, nên mới có câu hỏi tự tại như là Đức Như Lai.

Này Phật tử! Hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ, tôi sẽ nương vào thần lực của Phật mà nói một phần nhỏ cho Hiền giả.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát này đã được kho công đức phát tâm, nên lìa si ám, siêng năng bảo trì, diệt các phóng dật.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát thực hành được mười pháp này thì không còn phóng dật.

Đó là: Trì giới thanh tịnh; xa lìa ngu si làm thanh tịnh tâm Bồđề; xa lìa nịnh bợ mà thương tưởng chúng sinh; siêng tu tập căn lành được không thoái chuyển; thường ưa tịch tĩnh xa lìa tất cả phàm phu xuất gia và tại gia; tâm không mong muốn hỷ lạc của thế gian; chuyên tâm tu tập các nghiệp thiện tốt đẹp; từ bỏ Nhị thừa cầu đạo Bồ-tát; thường tu tập công đức với tâm không ô nhiễm; tự hiểu biết hoàn toàn về mình.

Này Phật tử! Đó chính là mười hạnh Bồ-tát cần tu tập để được không còn phóng dật.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát đã sống trong pháp không phóng dật này, cần phải tu hành mười tịnh pháp.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát này phải tu hành đúng lời dạy thành tựu niệm và trí; từ bỏ các việc chơi đùa phóng dật; sống theo pháp thiện vi diệu sâu xa; thường muốn cầu pháp tâm không chán bỏ; theo pháp đã nghe được chánh quán chân thật; phát sinh đầy đủ trí tuệ vi diệu, nhập được vào tự tại của Phật; tâm luôn định tĩnh không bị tán loạn; nghe điều tốt hay xấu tâm không buồn vui cũng như mặt đất; bình đẳng nhìn các loại chúng sinh thượng, trung, hạ đều tưởng như Phật; cung kính cúng dường Hòa thượng, các Thầy, Thiện tri thức, Bồ-tát và Pháp sư, trong từng ý niệm phải xem như bậc Nhất thiết trí.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát tinh cần tu tập niệm trí như vậy, không bỏ phương tiện, tâm không ỷ lại, tu tập pháp sâu xa, nhập vào nơi vô tránh. Vô lượng, vô biên Phật pháp sâu xa vi diệu, đều hiểu rõ hết, làm cho các Như Lai đều hoan hỷ.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát cần thực hành mười pháp để làm cho tất cả chư Phật đều hoan hỷ.

Đó là việc làm siêng năng không thoái lui; không tiếc thân mạng; không cầu lợi dưỡng; tu tập tất cả pháp rộng như hư không; bằng trí tuệ với phương tiện thiện xảo quán sát các pháp đồng với pháp giới; phân biệt các pháp mà tâm không ỷ lại; thường phát đại nguyện; thành tựu thanh tịnh bằng ánh sáng của trí nhẫn; biết hoàn toàn các pháp tổn hại và ích lợi; sự thực hành các pháp môn đều thanh tịnh.

Này Phật tử! Đó là Bồ-tát thực hành mười pháp làm chư Phật hoan hỷ.

Này Phật tử! Bồ-tát lại thực hành mười pháp khác làm cho chư Phật hoan hỷ.

Đó là: Ở trong không phóng dật, ở trong Vô sinh pháp nhẫn; ở trong đại Từ; ở trong đại Bi; ở trong tất cả các Ba-la-mật; ở trong hạnh thanh tịnh của Bồ-tát; viên mãn vô lượng đại nguyện; ở trong phương tiện thiện xảo; ở trong tất cả lực; ở trong tất cả pháp. Nhưng tất cả cũng như hư không, chẳng lệ thuộc nơi nào cả.

Này Phật tử! Đây là Bồ-tát sống trong mười pháp làm cho chư Phật hoan hỷ.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát cần thực hành mười pháp để thành tựu được tất cả các địa.

Đó là: Tâm thường ưa thích làm những việc công đức; thực hành sự trang nghiêm lớn bằng các đường Ba-la-mật; có trí tuệ hiểu rõ không tùy thuộc lời người khác; không lúc nào xa rời bậc chân Thiện tri thức; thường tu tập tinh tấn không thoái lui; nắm giữ hoàn toàn ý của Phật thọ trì các pháp; thực hành các căn lành, tâm chẳng lo buồn; dùng sự trang nghiêm của Đại thừa để trang hoàng bằng trí tuệ sáng rực chiếu khắp tất cả; sống trong tất cả pháp môn các địa vị; đồng với căn lành chánh pháp của ba đời chư Phật.

Này Phật tử! Đây là Bồ-tát thực hành mười pháp mau được thành tựu tất cả các địa.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát ấy trụ vào các địa ấy rồi, trước tiên phải tu tập phương tiện thiện xảo, tùy theo pháp môn các địa đã đắc, tùy theo trí tuệ sâu xa đã đắc, tùy theo nghiệp của mình, tùy theo quả báo, tùy theo cảnh giới, tùy theo quyền lực, tùy theo sự thị hiện, tùy theo sự phân biệt các pháp môn thù thắng. Được các pháp môn thù thắng rồi thì phân biệt hoàn toàn không còn bị lệ thuộc vào tất cả pháp, các pháp đều do tâm tạo. Nếu Đại Bồ-tát quán sát rõ ràng được như vậy thì được đầy đủ tất cả các địa.

Đại Bồ-tát ấy suy nghĩ: “Ta hãy mau thành tựu tất cả các địa. Tại sao? Khi ta đối với các địa thực hành đúng lời dạy thì mau được vô lượng kho công đức. Sau khi được kho công đức rồi, tiến dần đến địa vị Phật; đến địa vị Phật rồi thì làm được các Phật sự.”

Thế nên, Đại Bồ-tát thường siêng năng tu tập, không bỏ phương tiện, tâm chẳng lo buồn, được sự trang nghiêm vĩ đại, trú nơi của Bồ-tát.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát lại tu hành mười pháp thì thanh tịnh hết các hạnh Bồ-tát.

Đó là: Xả bỏ tất cả để chúng sinh được mãn nguyện; trì giới thanh tịnh không hủy phạm; đầy đủ sự nhẫn nhục vô cùng tận; siêng tu tập phương tiện không thoái chuyển; chánh niệm lìa si mê, thường định không loạn; phân biệt rõ ràng tất cả các pháp; đầy đủ viên mãn tất cả các hạnh; công đức tôn quý tâm như núi chúa; làm ao nước trong mát cho tất cả chúng sinh; khiến tất cả chúng sinh đồng với các Phật pháp.

Phật tử! Đây là Bồ-tát hành mười pháp làm cho thanh tịnh tất cả hạnh Bồ-tát.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát tu hành các hạnh thanh tịnh như vậy. Lại có mười diệu pháp làm cho thù thắng hơn.

Đó là: Được chư Phật các phương khác hộ niệm; tu tập phát triển các căn lành vượt hơn; ở trong các phương tiện thiện xảo của Như Lai; thường thích thân cận các Thiện tri thức; sống trong tinh tấn tu tập không phóng dật; biết rõ các pháp chẳng tổng quát chẳng riêng biệt; trú hoàn toàn trong đại Bi vô thượng; quán pháp như thật sinh ra trí tuệ; tu tập hoàn toàn bằng phương tiện thiện xảo; dùng tất cả phương tiện quán sát-năng lực của Như Lai. Phật tử, đây là mười diệu pháp chuyển thắng thanh tịnh của Bồ-tát.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát lại có mười nguyện thanh tịnh.

Đó là: Nguyện thành tựu tâm chúng sinh không lo buồn; nguyện phát triển căn lành nghiêm tịnh cõi Phật; nguyện cung kính cúng dường tất cả Như Lai; nguyện không tiếc thân mạng bảo vệ chánh pháp; nguyện đem tất cả các môn trí tuệ làm cho chúng sinh được sinh đến cõi có Phật; nguyện các Bồ-tát vào pháp môn không hai, vào pháp môn của Phật để biết rõ các pháp; nguyện làm cho tất cả những người muốn thấy Phật đều được thấy; nguyện tất cả kiếp đến tận đời vị lai nhanh như trong khoảnh khắc; nguyện đầy đủ nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền; nguyện thanh tịnh pháp môn Nhất thiết chủng trí.

Phật tử! Đây là mười nguyện thanh tịnh của Bồ-tát.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát cần tu hành mười pháp thì viên mãn được tất cả các nguyện.

Đó là: Sinh trang nghiêm vĩ đại tâm không lo buồn; hướng đến nguyện thù thắng niệm đến các Bồ-tát; được nghe các cõi Phật nghiêm tịnh trong mười phương thì muốn sinh đến đó; đến tận cùng đời vị lai; thành tựu rốt ráo viên mãn đại nguyện cho tất cả chúng sinh; ở trong tất cả kiếp không cần biết lâu dài; đối với tất cả khổ chẳng cho là khổ; đối với tất cả vui tâm chẳng nhiễm trước; phân biệt hoàn toàn giải thoát chẳng ai bằng; đắc đại Niết-bàn không có sai khác.

Phật tử! Đây là Bồ-tát làm cho viên mãn tất cả đại nguyện.

Đại Bồ-tát đã viên mãn các nguyện rồi, tiến tới đạt được mười tạng pháp vô tận.

Đó là: Được các kho tàng vô tận thấy chư Phật; được Đà-la-ni; được phân biệt pháp; được tâm đại Bi che chở tất cả; được các Tammuội; được công đức thỏa mãn ý chúng sinh; được trí tuệ sâu xa hiểu sự chân thật của pháp; được phát sinh các thần thông phân biệt các báu; được uy thần của tất cả chư Phật bảo hộ; được trí tuệ phân biệt vô lượng, vô biên thế giới.

Phật tử! Đại Bồ-tát được mười kho công đức vô tận này thì thành tựu vô lượng, vô biên kho công đức, đầy đủ tịnh tuệ, tùy theo căn cơ đối tượng mà hóa độ họ.

Này Phật tử! Thế nào là Đại Bồ-tát tùy theo căn cơ đối tượng mà giáo hóa chúng sinh? Bồ-tát này biết những phương tiện thích ứng cho các chúng sinh; biết các loại nhân duyên cho các chúng sinh; biết tâm ý họ rồi thì dạy cách đối trị. Người có nhiều dục thì dạy quán đại từ. Người có nhiều ngu si thì dạy quán phân biệt tất cả các pháp. Người có cả ba độc thì dạy họ đầy đủ các pháp môn thắng trí. Người ưa thích sinh tử thì dạy họ ba loại khổ. Người chấp trước vào hữu thì dạy họ về pháp môn không. Chúng sinh biếng nhác thì dạy họ tu hành tinh tấn. Chúng sinh ngã mạn thì dạy họ quán bình đẳng. Người tâm dối nịnh thì dạy họ tịch tĩnh chẳng có của tâm Bồ-tát.

Như vậy, đối với tất cả các bệnh phiền não thì dạy họ bằng vô lượng pháp môn để đối trị. Tuần tự giảng giải đầy đủ về ý nghĩa, phân biệt bằng trí tuệ, bình đẳng quán pháp, trước sau không mâu thuẫn nhau. Diễn thuyết về tánh phá hoại của các pháp nhưng đối với pháp giới không bị tán diệt; đoạn trừ nghi hoặc, làm cho đều hoan hỷ. Tùy theo các căn tánh mà dạy đi vào Chân đế, dạy cho các công đức đi vào biển Như Lai; nói về thật tế để phá các tướng, dạy khắp pháp giới để mở bày kho tàng pháp; dạy tất cả y cứ để tâm không bị nhiễm; dạy niệm bình đẳng với tất cả chư Phật để cung kính thân cận; dạy âm thanh hòa nhã nhưng không sai biệt; dạy pháp thù thắng mà chẳng so sánh, dạy đầy đủ Trí thân bình đẳng của tất cả Như Lai. Bồ-tát như vậy thường xuyên hóa độ tất cả chúng sinh, mà tâm định tĩnh chẳng hề tán loạn, không bỏ tất cả các Ba-la-mật, đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật trang nghiêm. Vì khắp tất cả quần sinh, có thể xả bỏ tất cả sở hữu trong ngoài nhưng chưa từng sinh ý nghĩ luyến tiếc thì gọi là Bố thí ba-la-mật thanh tịnh.

Lại nữa, không phát sinh tướng trì giới nên đối với giới không chấp trước thì gọi là Trì giới ba-la-mật thanh tịnh. Có thể chịu đựng hết tất cả các khổ, nghe khen hay chê tâm không vui buồn, chưa từng khuynh động vững như mặt đất thì gọi là Nhẫn nhục ba-la-mật thanh tịnh. Dũng mãnh tinh tấn tu tập bằng phương tiện, tâm kiên cố không thoái lui, thành tựu rốt ráo môn trí tuệ của Phật thì gọi là Tinh tấn ba-la-mật thanh tịnh. Xả tất cả dục, lìa hẳn sinh hỷ lạc, tuần tự thanh tịnh đi vào chánh thọ mà không bị nhiễm, đốt cháy phiền não, sinh vô lượng định, đầy đủ thần thông lớn, tuần tự vượt lên, đi vào vô lượng môn Tam-muội; từ một môn Tam-muội đi vào vô lượng môn Tam-muội, biết hết tất cả cảnh giới Tam-muội, dần dần đầy đủ các địa trí tuệ của chư Phật thì gọi là Thiền định ba-lamật thanh tịnh.

Đối với các pháp được nghe từ chư Phật thì thọ trì, cung kính thân cận các Thiện tri thức, tâm không rời bỏ, thường muốn nghe pháp chẳng nhàm chán; đối với pháp được nghe thường xuyên quan sát, nhập vào định chân thật, từ bỏ tất cả tà kiến điên đảo, bằng phương tiện thiện xảo phân biệt biết hết biển tướng các pháp không có tự tánh, tu tập môn trí tuệ thâm sâu của Như Lai, đầy đủ năng lực tuệ Nhất thiết trí, đi bằng tuệ toàn diện vào trong cửa tuệ Nhất thiết trí thì gọi là Bát-nhã ba-la-mật thanh tịnh.

Biểu hiện tất cả uy nghi của thế gian, giáo hóa chúng sinh, tâm không lo buồn, tùy theo sự thích ứng của đối tượng mà hiện thân bằng tất cả hành động nhưng tâm không nhiễm trước; biểu hiện sinh tử và môn giải thoát, phân biệt hoàn toàn các hành động phương tiện, thị hiện vô lượng những việc trang nghiêm, có thể đi vào trong tất cả các cảnh giới, hiểu rõ tất cả hành động của chúng sinh thì gọi là Phương tiện ba-la-mật thanh tịnh.

Thành tựu hoàn toàn cho tất cả chúng sinh, nghiêm tịnh hoàn toàn tất cả thế giới, cúng dường hoàn toàn tất cả Như Lai, thông đạt hoàn toàn sự chân thật các pháp không còn bị chướng ngại, tu hành hoàn toàn đầy đủ pháp giới, đến tận cùng kiếp vị lai mà như trong khoảng khắc, tận cùng kiếp vị lai như trong một ý niệm, thông suốt hoàn toàn tất cả sự thành hoại, thị hiện hoàn toàn tất cả cõi Phật, đạt được hoàn toàn trí tuệ của Phật thì gọi là đầy đủ Nguyện ba-la-mật.

Bằng năng lực của mình lìa xa các phiền não, đầy đủ thanh tịnh, điều khiển năng lực người khác, thành tựu đầy đủ không thể bị phá hoại, năng lực đại Bi đầy đủ, năng lực đại Từ bình đẳng, có thể che chở cho tất cả chúng sinh. Bằng năng lực Đà-la-ni giữ gìn hết tất cả nghĩa lý của phương tiện; bằng năng lực Biện tài làm cho tất cả chúng sinh đều hoan hỷ; bằng năng lực Ba-la-mật trang hoàng bằng Đại thừa, với nguyện lực sâu rộng chưa từng gián đoạn, bằng năng lực các thần thông sinh ra vô lượng thần lực của chư Phật che chở cho tất cả thì gọi là Lực ba-la-mật thanh tịnh.

Biết tham dục tăng lên, biết sân hận tăng lên, biết ngu si tăng lên, lại biết đều cả ba và phân biệt các học địa. Ngay trong một ý niệm biết tâm và hành động của tâm của chúng sinh, biết tất cả hy vọng của chúng sinh, biết sự chân thật của tất cả các pháp, hiểu rõ năng lực trí tuệ sâu xa của chư Phật, biết hết tất cả các cửa pháp giới thì gọi là Trí ba-la-mật thanh tịnh.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát với các Ba-la-mật thanh tịnh như vậy, viên mãn các Ba-la-mật, không bỏ các Ba-la-mật; đi bằng đại trang nghiêm độ thoát tất cả chúng sinh mong cầu, giáo hóa tất cả tu tập hạnh thiện, làm cho tất cả xa lìa hẳn cảnh giới ác, siêng tu tinh tấn thoát khỏi các nạn.

Với người nhiều tham dục thì dạy quán ly dục. Với người nhiều sân hận thì dạy quán bình đẳng. Với người tà kiến thì dạy quán nhân duyên. Với chúng sinh ở Dục giới thì dạy xa lìa pháp sân, ác, bất thiện. Đối với chúng sinh ở Sắc giới thì dạy quán pháp tăng thượng. Với chúng sinh Vô sắc giới thì dạy trí tuệ vi tế. Người thích Thanh văn, Duyên giác thì dạy hạnh tịch tĩnh. Người ưa thích Đại thừa thì dạy dùng mười lực để trang nghiêm Đại thừa.

Như khi mới phát tâm, nếu thấy có chúng sinh đọa các đường ác thì rống lên tiếng Sư tử: “Ta phải biết bệnh tâm của họ và đem các pháp môn để cứu độ.” Bồ-tát đầy đủ trí tuệ như vậy thì có thể độ thoát tất cả chúng sinh.

Này Phật tử! Nếu Đại Bồ-tát làm được như vậy thì có thể làm cho Tam bảo hưng thịnh và trường tồn. Tại sao? Vì Đại Bồ-tát giáo hóa chúng sinh phát tâm Bồ-đề là làm cho Phật bảo không đoạn tuyệt; mở bày kho tàng diệu pháp sâu xa là làm cho Pháp bảo không đoạn tuyệt; thọ trì đầy đủ uy nghi giáo pháp tức là làm cho Tăng bảo không đoạn tuyệt.

Lại nữa, Bồ-tát khen ngợi tất cả đại nguyện là làm cho Phật bảo không đoạn tuyệt; phân tích giảng thuyết mười hai Duyên khởi là làm cho Pháp bảo không đoạn tuyệt; thực hành sáu pháp Hòa kính là làm cho Tăng bảo không đoạn tuyệt.

Lại nữa, Bồ-tát gieo hạt giống Phật vào ruộng chúng sinh, mọc

mầm Chánh giác, là làm cho Phật bảo không đoạn tuyệt; không tiếc thân mạng hộ trì chánh pháp là làm cho Pháp bảo không đoạn tuyệt; khéo giáo hóa đại chúng mà tâm không buồn rầu là làm cho Tăng bảo không đoạn tuyệt. Đối với chánh pháp của ba đời chư Phật thì không ngược lại lời dạy là làm cho Tam bảo không đoạn tuyệt. Bồtát làm như vậy là không đoạn tuyệt Tam bảo, tất cả hành động không có bất thiện. Vị ấy làm trọn vẹn để hồi hướng tất cả, quyết định đạt đến Giác ngộ vô thượng.

Bồ-tát an trú thân, miệng. ý thanh tịnh như vậy rồi, giảng dạy các căn lành để giáo hóa chúng sinh. Bằng các phương tiện nói lời không hư dối, làm cho chúng sinh đều rất hoan hỷ. Những việc mà Đại Bồ-tát thi hành không có một chút mào lầm lẫn cả. Như vậy, tất cả các hạnh sâu xa vi diệu đều được bao gồm trong phương tiện của trí tuệ, đều hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề.

Như vậy, Bồ-tát đã an trú trong pháp thiện lìa si mê rồi, liên tục từng niệm phát sinh đầy đủ mười loại trang nghiêm.

Đó là, sắc thân trang nghiêm hiện ra tùy đối tượng; ngôn ngữ trang nghiêm trừ nghi ngờ làm cho chúng sinh hoan hỷ; ý nghiệp trang nghiêm ngay trong một niệm vào các chánh thọ; cõi Phật trang nghiêm diệt trừ tất cả dấu vết phiền não; ánh sáng trang nghiêm chiếu khắp mười phương; quyến thuộc trang nghiêm tập hợp chúng thù thắng làm cho đều hoan hỷ, thần lực trang nghiêm tự tại hiện ra tùy theo đối tượng; lời Phật dạy trang nghiêm nắm giữ tất cả những người có trí tuệ; Niết-bàn địa trang nghiêm một nơi thành đạo có thể hiện có khắp cả mười phương; trì pháp trang nghiêm tùy theo chúng hội, tùy lúc, tùy theo trình độ mà thuyết pháp cho họ.

Như vậy, Bồ-tát liên tục trong từng niệm phát sinh đầy đủ mười loại trang nghiêm rồi thì thanh tịnh cả ba nghiệp thân, miệng, ý, không còn ngu si, thành tựu trí tuệ. Đối với Bồ-tát này, nếu có chúng sinh nào thân cận cung kính, xuất gia theo, học hỏi giáo pháp, tùy hỷ ghi nhớ cho đến thấy nghe, thì những chúng sinh này quyết định chắc chắn thành tựu Vô thượng Bồ-đề.

Này Phật tử! Như thuốc A-dà-đà, chúng sinh nào được gặp thì trừ hết các bệnh.

Bồ-tát thành tựu vô lượng Pháp tạng như vậy, chúng sinh nào được gặp thì các bệnh phiền não đều được trừ hết, tâm được tự tại với pháp thiện sạch.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát nào thành tựu phương tiện như vậy, từ nơi pháp này trừ diệt ngu si đầy đủ trí tuệ nên thu phục các ma quân; tâm đại Từ bi nên chế ngự các ngoại đạo; đầy đủ trí tuệ năng lực công đức nên trừ diệt tất cả tâm cấu phiền não nhập vào định Kim cang; đầy đủ căn lành tâm không lo buồn; nhờ vào năng lực công đức trước đây đã tu tập nơi Đức Phật nên xa lìa tất cả các nạn ở cảnh giới ác; đầy đủ trú tuệ thanh tịnh, phát sinh các địa thanh tịnh của Bồ-tát, các Ba-la-mật, tất cả Tam-muội, sáu Thần thông, ba Minh, bốn Vô úy, phương tiện theo thứ lớp. Năng lực trí tuệ của Bồ-tát, thanh tịnh các cõi Phật nên tướng mạo xinh đẹp trang nghiêm, thanh tịnh thân, miệng, ý; năng lực pháp thanh tịnh nên được mười Lực của Phật, bốn pháp không sợ, mười tám pháp bình đẳng bất cộng của Phật, trí tuệ hiểu biết các pháp một cách mau lẹ, trí Nhất thiết chủng giác ngộ bình đẳng, các lực đại nguyện thần lực của Như Lai, lực đại trí tuệ. Tùy thuận chúng sinh mà hiện ra các cõi Phật, tùy theo người nhận giáo hóa mà chuyển pháp luân vĩ đại để thoát vô lượng, vô biên chúng sinh.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát tu hành vô lượng Pháp tạng như vậy, tuần tự đầy đủ được chỗ ở của Như Lai, tu Bồ-tát hạnh trong vô lượng cõi, hộ trì chánh pháp làm vị đại Pháp sư, bảo hộ giữ gìn Tạng pháp của Như Lai, thành tựu bốn biện tài, diễn thuyết giáo pháp sâu xa cho đại chúng, thân tướng trang nghiêm, thuyết pháp một cách hoàn hảo. Đối với bốn biện tài thì đầy đủ vô lượng phương tiện thiện xảo, có thể được vô tận các môn trí tuệ. Âm thanh đặc biệt có thể nói một lời pháp mà diễn tả được tất cả. Tùy trường hợp mà hướng dẫn làm cho hiểu biết đi vào cửa trí tuệ. Bằng vô lượng phương tiện như vậy, Bồ-tát mở bày Tạng pháp cho tất cả chúng sinh, mà chẳng bao giờ có ý mệt mỏi cả. Giữa đại chúng, Bồ-tát không sợ sệt. Trong tất cả thế gian không ai phá hoại được, đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật tăng thượng; tuần tự phân biệt tất cả pháp tướng mà chẳng đoạn tuyệt. Bằng biện tài tuyệt diệu thuyết giảng tất cả pháp; bằng vô tận các thí dụ khác nhau, đầy đủ đại Bi, làm cho tất cả chúng sinh đều được mát mẻ hoan hỷ. Tu tập đại Bi tỏa khắp mười phương, ngồi tòa Sư tử thuyết giảng pháp vi diệu cho tất cả chúng sinh không ai hơn được, chỉ trừ Đức Như Lai. Không ai thấy được đỉnh đầu, không ai xem xét được, không ai làm khuất phục được, không ai nạn vấn được. Không thể có sự việc có người bắt bí làm cho vị ấy không biện luận được.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát thành tựu pháp thắng diệu như vậy rồi, như số lượng đại chúng đầy cả vô biên thế giới, cứ mỗi vị ấy cả tam thiên đại thiên thế giới.

Đại Bồ-tát ấy ở giữa đại chúng, với thân tướng đặc biệt che khuất tất cả đại hội, đem tâm đại Bi bao trùm tất cả, biết rõ tâm họ bằng trí tuệ sâu xa, thành tựu không sợ và đầy đủ biện tài, thuyết pháp rộng rãi làm cho tất cả hoan hỷ. Tại sao? Vì Bồ-tát đã thành tựu vô lượng trí tuệ thanh tịnh, thành tựu vô lượng phương tiện thiện xảo, thành tựu vô lượng năng lực chánh niệm, thành tựu vô tận phương tiện thiện xảo, thành tựu phân biệt các pháp Đà-la-ni, thành tựu phân biệt các pháp bằng trí tuệ sâu xa, thành tựu năng lực uy thần của chư Phật, thành tựu trí tuệ thật của chư Phật ba đời, thành tựu phương tiện thiện xảo thanh tịnh của chư Phật ba đời, thành tựu quảng thuyết đầy đủ pháp tạng sâu xa của ba đời chư Phật để hộ trì pháp, thành tựu trí tuệ thắng diệu của chư Phật ba đời và năng lực trí tuệ đại nguyện của Bồ-tát.

Sau khi thuyết về kho công đức phát triển từng giai đoạn, Bồtát Pháp Tuệ muốn nói lại ý nghĩa này, nên nương uy thần của Phật mà nói kệ rằng:

Bồ-tát địa thứ nhất
Nuôi dưỡng kho công đức
Tu tập không buông lung
Tuệ quang chiếu mười phương
Bồ-tát luôn giữ gìn
Không mất tâm Bồ-đề
Các Như Lai mười phương
Tâm đều rất hoan hỷ
Siêng tu hành tinh tấn
Sức chánh niệm kiên cố
Tu hành không thoái lui
Không tham đắm thế gian
Thường chuộng pháp sâu xa
Thành tựu định không tranh
Các tối thắng mười phương
Tất cả đều hoan hỷ
Chư Phật hoan hỷ rồi
Tinh tấn vượt hoàn toàn
Thành tựu kho công đức
Vô lượng trí tuệ sâu
Hành động đều thanh tịnh
Đầy đủ nơi các địa
Bản nguyện Phật mười phương
Đều viên mãn tất cả
Thành trí tuệ như vậy
Được các kho pháp sâu
Được kho pháp ấy rồi
Tùy thuận theo thế gian
Bằng phương tiện thiện xảo
Biết rõ tâm chúng sinh
Tùy đối tượng giáo hóa
Mà thuyết pháp cho họ
Đã thuyết pháp rộng rồi
Tự thân luôn tu tập
Đầy đủ Ba-la-mật
Thành tựu đại công đức
Đầy đủ Lục độ rồi
Với chúng sinh từng thỉnh
Trong nhiều biển sinh tử
Đều cứu độ tất cả
Thường tu tập như vậy
Ngày đêm không ngừng nghỉ
Hưng thịnh Phật, Pháp, Tăng
Làm trường tồn bất diệt
Vô lượng hạnh đã tu
Thanh tịnh đều đầy đủ
Tất cả đều thành tựu
Rốt ráo địa tối thắng
Tu hành của Bồ-tát
Chân thật không hư dối
Độ thoát các chúng sinh
Lìa các cấu phiền não
Thành tựu pháp như vậy
Trừ diệt ngu si ám
Thu phục tất cả ma
Được giác ngộ hoàn toàn
Phật tử hành như vậy
Đầy đủ trí Như Lai
Có thể phân tích giảng
Kho sâu xa của Phật
Ai thuyết được như vậy
Đứng đầu trong Pháp sư
Vì tất cả chúng sinh
Mưa khắp pháp cam lộ
Đại Từ bi vô cực
Trùm các cõi mười phương
Đều hiểu biết rõ ràng
Tâm tất cả chúng sinh
Đã rõ tâm chúng sinh
Và nghiệp khác của tâm
Nói pháp sâu cho họ
Rất nhiều không số lượng
Tới lui luôn ổn định
Cũng như voi chúa lớn
Dũng mãnh như sư tử
Chẳng gì làm hại được
Bất động như Tu-di
Trí tuệ như biển lớn
Mưa nước cam lộ khắp
Diệt trừ lửa phiền não.

Bồ-tát Pháp Tuệ nói kệ này xong, được Như Lai tùy hỷ và đại chúng vâng làm.