KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG THẬP LUÂN
Hán dịch: Mất tên người dịch. Phụ vào dịch phẩm đời Bắc Lương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 14: THIỀN ĐỊNH

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát có luân thiền định trang nghiêm lớn. Nếu Bồ-tát thành tựu luân này, từ lúc mới phát tâm đã đoạn trừ năm thứ dục, gánh vác, làm ruộng phước cho hàng Thanh văn và Bích-chi-phật, khiến cho tất cả chúng sinh đều giữ gìn, cúng dường.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát tu thiền định có hai loại: Một là thế gian, hai là xuất thế gian. Thế nào gọi là Bồ-tát tu tập thiền định thế gian? Nếu Bồ-tát nương vào tướng của năm ấm, dựa vào cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc mà tu thiền định, nương vào ba cửa Giải thoát, bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy phần Bồ-đề và tám Thánh đạo, cho đến đất, nước, gió, lửa, không, thức… đều nương tựa vào đó mà sinh chấp trước. Tu thiền định như vậy gọi là Bồ-tát tu thiền định thế gian, cũng đồng với tất cả hàng Thanh văn và Bích-chi-phật, không được gọi là Đại.

Thế nào gọi là Bồ-tát tu tập thiền định xuất thế gian? Này thiện nam! Đó là Bồ-tát có khả năng phóng ra ánh sáng lớn xuất thế gian, không chấp vướng nơi bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi, tám Thánh đạo, các pháp như vậy đều không nương tựa mà tu tập thiền định, cho đến giới thân, khẩu, ý, ba cửa giải thoát, ấm, giới, nhập, ba thọ, bốn đại, không xứ, thức xứ, không dụng xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, đời này, đời sau đều xa lìa cả, vắng lặng không nương vào “Không” và “Đại không”. Đó gọi là Đại Bồ-tát tu tập thiền định xuất thế gian.

Này thiện nam! Nhờ tướng ấy, nên Đại Bồ-tát có thể thành tựu luân thiền định trang nghiêm lớn, từ lúc mới phát tâm đã xa lìa năm thứ dục, gánh vác làm ruộng phước cho hàng Thanh văn và Bích-chiphật, cũng khiến cho tất cả chúng sinh luôn giữ gìn, cúng dường.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn nêu rõ sự việc trên, nên dùng kệ:

Vì xả bỏ gánh nặng
Tu thiền định hữu tướng
Chỉ tự đoạn ket sử
Không gọi là bậc trí.
Tu thiền định chấp trước
Nương tựa vào giải thoát
Chấp giữ bờ bên kia
Không làm lợi chúng sinh.
Nếu bỏ gánh nặng xuống
Nhằm làm lợi chúng sinh
Trừ kết sử, tu định
Là Bậc trí chân thật.
Nếu đoạn dứt hữu ái
Tạo lợi ích chúng sinh
Tu thiền định vô tướng
Đó mới gọi là đại.
Dứt trói buộc chúng sinh
Khiến thế gian vô úy
Thanh tịnh tu thiền định
Đó mới gọi là đại.