SỐ 222
KINH QUANG TÁN
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 6

Phẩm 14: NƯƠNG THEO ĐẠI THỪA

Hiền giả Xá-lợi-phất hỏi Hiền giả Phân-nậu-văn-đà-ni-phất:

–Thế nào là Đại Bồ-tát nương ở Đại thừa?

Phân-nậu-văn-đà-ni-phất trả lời:

–Thưa Hiền giả! Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật nương vào Thí ba-la-mật, cũng lại chẳng thủ đắc Thí ba-la-mật, cũng không có Bồ-tát, chẳng thấy có người nhận, chẳng có sở đắc, cũng không có kết quả gì. Nương vào Thí ba-la-mật thì gọi là Đại Bồ-tát. Giới ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật ba-la-mật, nương Bát-nhã ba-la-mật thì cũng chẳng đắc Bát-nhã ba-la-mật, cũng chẳng đắc Bồ-tát, cũng không có kết quả gì, cũng không sở đắc. Đó là Đại Bồ-tát nương Bát-nhã bala-mật.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát cũng chẳng hủy mất tâm tu theo trí nhất thiết, tức là phụng hành bốn Ý chỉ, đối tượng để niệm là vô niệm, đối tượng để hành trì là không hành trì, đối với những nghĩa này cũng không sở đắc. Đó là Đại Bồ-tát nương Đại thừa.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát cũng chẳng hủy mất tâm tu theo trí nhất thiết, tức là phụng hành bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo, đối với những nghĩa này cũng không sở đắc. Đó là Đại Bồ-tát nương Đại thừa.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát cũng chẳng hủy mất tâm tu theo trí Nhất thiết, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật, đối với những nghĩa này đều không sở đắc. Đó là Đại Bồ-tát nương theo Đại thừa.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát phân biệt rõ điều này:

Gọi là Bồ-tát đó là giả hiệu, tùy theo thế tục, muốn cầu người cũng chẳng thể nắm bắt được, cũng không có chỗ phát khởi.

Gọi là sắc đó chỉ là giả hiệu thôi, cũng chẳng thể nắm bắt được, cũng không có chỗ phát khởi.

Gọi là thọ, tưởng, hành, thức chỉ là giả hiệu, cũng chẳng thể nắm bắt được, cũng không có chỗ phát khởi.

Gọi là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý chỉ là giả hiệu, cũng chẳng thể nắm bắt được, cũng không có chỗ phát khởi.

Gọi là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp chỉ là giả hiệu, cũng chẳng thể nắm bắt được, cũng không có chỗ phát khởi.

Gọi là bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo chỉ là giả hiệu, cũng chẳng thể nắm bắt được, cũng không có chỗ phát khởi.

Gọi là mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật chỉ là giả hiệu thôi, cũng chẳng thể nắm bắt được, cũng không có chỗ phát khởi.

Gọi là pháp nội không, pháp ngoại không và pháp không không chỉ là giả hiệu, cũng chẳng thể nắm bắt được, cũng không có chỗ phát khởi.

Gọi là pháp sở hữu không, pháp tự nhiên không, pháp sở hữu tự nhiên không, chỉ là giả hiệu, cũng chẳng thể nắm bắt được, cũng không có chỗ phát khởi.

Gọi là pháp của Như Lai, pháp vô bổn, cảnh giới của các pháp, pháp ấy tịch nhiên và bản tế, cái bản tế ấy cũng chẳng thể nắm bắt được, cũng không có chỗ phát khởi.

Gọi là Phật đạo có sở giác, thì Phật đạo ấy cũng chẳng thể nắm bắt được, cũng không có chỗ phát khởi. Đó gọi là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát từ khi mới phát tâm đã đầy đủ thần thông. Bồ-tát này khai hóa chúng sinh, từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, cúng dường phụng sự chư Phật Thế Tôn, ân cần gần gũi chư Phật Thế Tôn để nghe kinh pháp cầu thừa Bồ-tát. Vị ấy đối với hạnh Bồ-tát của Đại thừa, từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, làm nghiêm tịnh cõi Phật, giáo hóa chúng sinh, cũng không tham vướng cõi nước chư Phật, cũng không có tướng nhân, trụ chỗ vô nhị, dùng sức tự thân, thường vì chúng sinh dẫn dắt làm lợi ích cho họ. Sao gọi vị ấy là tự thân có sự thu nhận, vì tâm chưa từng rời thừa như thế, để đạt đến trí Nhất thiết. Đã đạt được trí Nhất thiết rồi thì liền chuyển pháp luân. Đã chuyển pháp luân thì tất cả Thanh văn, Bích-chi-phật, Trời, Rồng, Quỷ thần và người thế gian đều có thêm sự lợi ích. Khi ấy chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở tám phương, trên dưới đều cùng khen ngợi tuyên dương: “Có Đại Bồ-tát ấy, ở thế giới ấy, nương vào Đại thừa, đắc trí Nhất thiết. Đã đắc trí Nhất thiết rồi thì liền chuyển pháp luân.”

Thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đó là Đại Bồ-tát nương theo Đại thừa.