SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.

Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 2

Phẩm 14: HÀNG PHỤC LỤC SƯ

Tôi nghe như thế này:

Một thời Đức Phật trú tại vườn Trúc, thành Vương xá, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo.

Bấy giờ vua Bình-sa chứng được Sơ quả nên đức tin và sự cung kính tăng lên bội phần. Vua thường sắm bốn loại tốt nhất là thuốc thang, y phục, giường nằm và đồ ẩm thực để cúng dường Phật và chúng Tăng. Vua hoan hỷ với người làm việc thiện và tích cực khuyến khích người tu. Trong nước bấy giờ có nhóm Lục sư như Phú-lan-na…ra đời trước Đức Phật, chủ trương tà kiến và thuyết điên đảo nhằm lừa dối và mê hoặc nhân dân và tín đồ. Mọi người tin theo tà giáo đó rất đông, kết bè kết đảng xấu ác cùng khắp. Vua có người em tôn kính và phụng thờ nhóm Lục sư, mê hoặc theo thuyết tà kiến điên đảo đó, cho là chánh đạo đem tài sản dâng cúng cho họ đến nỗi gia đình kiệt quệ. Ngày Đức Phật mới ra đời, ánh sáng trí tuệ soi chiếu cùng khắp, tự nhiên cứu vớt tất cả những ai chìm đắm trong lưới mê. Vương huynh Bình-sa rất thương em, ân cần khéo léo làm cho người em hiểu rõ và khuyên tôn thờ Đức Phật. Người em vẫn mê theo lý thuyết tà kiến không nghe theo lời khuyên bảo của vương huynh, cứ mỗi lần vua sai người em mời Phật cúng dường, người em thưa:

– Tôi đã có thầy, không thể nào lại bỏ thầy mình mà tôn thờ Cù- đàm.

Sau đó nhà vua đưa ra một điều kiện chung không ai được làm trái là chúng ta thiết lập một đại hội không hạn chế số người dự đến. Nếu nhóm nào tự đến ta sẽ mời cùng thọ thực. Sau khi chấp nhận như vậy rồi, vua cho người bày biện đủ các thứ cúng dường, sắm sửa tòa ngồi, sự việc đâu vào đấy. Người em cho người mời nhóm đồ chúng của Lục sư đến tập hợp đầy đủ ngồi vào ví trị hàng trên. Điều lạ là Đức Phật và chúng Tăng chưa đến. Người em liền thưa với vua, hôm trước đã cho người mời thỉnh ông Cù-đàm rồi, nay đã thiết lập đại hội, ngày giờ đã đến mà sao không thấy họ đến tham dự. Vua nói với người em:

– Nếu em không tự mình đến thỉnh được thì có thể cho một người đến bạch với Phật là đã đúng giờ.

Người em vâng lệnh cho người đến báo là đã đúng giờ. Khi ấy Đức Phật và đại chúng đi đến đại hội. Thấy các nhóm Lục sư ngồi trước đâu đó vào hàng trên, Đức Phật và chúng Tăng kế tiếp lần lượt mà ngồi. Sau đó Đức Phật vận thần thông làm cho nhóm Lục sư và đồ chúng của họ bỗng nhiên xuống hàng dưới cùng, nhóm Lục sư lấy làm hổ thẹn cùng đứng dậy kéo nhau lên hàng trên, vừa mới ngồi yên lại thấy mình tự nhiên bị kéo xuống hàng dưới. Lên xuống ba lần như vậy rồi rốt cục cũng thấy mình ngồi ở hàng dưới cùng, nhóm Lục sư cảm thấy bất lực rồi gắng gượng mà ngồi. Đến lượt thí chủ dâng nước, theo lệ đến dâng hàng trên trước, Đức Phật bảo với thí chủ nên dâng cho thầy của ngươi trước, thí chủ đem bình đến trước thầy họ, muốn rót nhưng nắp bình không mở ra được và nước không chảy ra được. Trở lại trước Đức Phật, lần lượt tiếp theo, rót nước ra dâng Phật rửa tay, rồi nói lời chú nguyện. Dâng nước xong, đến lượt dâng cơm, thí chủ cũng đem dâng cho hàng trên trước, Đức Phật nói:

– Bữa trai phạn hôm nay vốn không phải cho Ta, nên đem dâng cho thầy ông trước để thầy ông chú nguyện cho. Nghe xong vị ấy liền đem xuống cho nhóm Lục sư, vừa mới mở miệng liền bị cấm khẩu không nói ra lời, tất cả đều chỉ về phía Đức Phật. Đức Phật liền chú nguyện bằng Phạm âm. Sau khi nói lời chú nguyện xong đến lượt ăn cơm, theo thứ tự đem vật thực lên hàng trên trước. Đức Phật nói:

– Nên đem cho thầy các người trước. Họ liền đem vật thực cho nhóm Lục sư, vừa trao bỗng nhiên vật thực bay lên trên không trung, không thể nhận lấy được. Sau khi dâng vật thực cho Đức Phật và chúng Tăng xong, vật thực của nhóm Lục sư mới rơi xuống và nhận được. Đức Phật và chúng Tăng thọ thực xong, uống nước, ngồi nghỉ.

Đến khi thuyết pháp, Đức Phật nói:

– Nên mời thầy của các ngươi thuyết pháp trước.

Họ liền mời thầy của họ thuyết pháp, nhưng nhóm Lục sư đều bị cấm khẩu không nói ra lời được, liền đưa tay gợi ý mời Đức Phật thuyết. Khi ấy Đức Phật thuyết rộng rãi cho toàn hội chúng nghe bằng những lời nhu nhuyến, diễn nói về pháp tánh, phân biệt nghĩa lý, thích hợp với căn cơ của mọi người. Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp xong, tất cả ai cũng được mở rộng tri thức hiểu biết. Em của Bình-sa vương chứng được pháp nhãn thanh tịnh. Có một số người trong hội  chúng đắc từ Sơ quả cho đến đệ Tam quả, có người xuất gia đoạn trừ hết các lậu phát tâm vô thượng, an trú địa vị Bất thoái, tùy theo tâm nguyện mà đạt được. Tất cả mọi người đều hiểu rõ được sự thật, phát khởi niềm tin, tôn kính Tam bảo. Nhóm Lục sư đáng khinh và thấp kém đó bị bỏ rơi và không nhận được sự cúng dường nữa.

Lúc ấy, trong lòng nhóm Lục sư ôm sự buồn rầu và giận dữ đều tìm nơi thanh vắng để cầu học những xảo thuật. Ma Ba-tuần lo sợ mọ người xa lánh, không được lưu truyền rộng rãi những chước độc hại, tà kiến xấu ác liền hóa hình thành nhóm Lục sư. Một người ở trước, năm người hiện các pháp thuật bay lên không trung, trong thân phát ra lửa nước, thân thể phân ra nhiều mảnh, biến hiện hàng trăm cách. Đồ chúng của đám ngu si kia nương cậy vào đó hờn giận nỗi nhục nhã trước kia làm mất sự cúng dường. Nhóm Lục sư hội họp lại cùng nhau đưa ra ý kiến:

– Kỹ năng của anh em chúng ta không thua gì Cù-đàm. Hôm trước chúng ta bị nhục, mọi người ly tán, nay thần thông pháp thuật do thầy chúng ta truyền lại xem ra lợi hại vô cùng đủ sức để tỷ thí với vị Sa-môn Cù-đàm ấy. Nên đến chỗ vua để phân rõ thắng bại. Sau khi suy nghĩ và đi đến quyết định, họ cùng đi đến chỗ vua trình bày về những trí năng, thần thông, biến hóa, linh hoạt của họ và muốn đọ sức cùng Sa-môn để mọi người biết đến sự thần biến kỳ diệu của họ, sau khi giao chiến xong sẽ rõ ai là cao siêu tài năng. Nhà vua mỉm cười và nói:

– Các người thật là khờ dại, oai đức của Đức Phật rất vĩ đại, thần túc vô ngại. Các người đem đốm lửa mà so với ánh sáng mặt trời, một vệt nước của dấu chân trâu làm sao mà so với biển cả, loài dã can mà so với sư tử, ổ kiến mà sánh với núi Tu-di. Lớn nhỏ rõ ràng có khác, thấp kém mà muốn vươn cao, sao mà khờ dại quá vậy? Lục sư lại nói:

– Mọi việc cần phải thử nghiệm sau đó mới biết, đại vương chưa thấy được thần biến đặc thù của anh em chúng tôi mà ngài cứ có ý thiên vị hướng về vị Sa-môn đó cho là to lớn, chúng tôi quyết định tỷ thí rồi sau đó ai hay ai dở tức khắc sẽ rõ. Vua nói:

– Muốn đấu cứ đấu, chỉ sợ các người chuốc lấy nhục nhã mà  thôi. Chẳng phải các người đã tỷ thí thần túc cùng với Phật. Lục sư nói:

– Nay chúng tôi mới đầy đủ tất cả những phép biến hóa dị thường, trong thời gian bảy ngày xin đại vương cho sửa sang lại trường đấu thí. Sau khi nhóm Lục sư đi rồi, nhà vua chuẩn bị xa giá đi đến Đức Phật và đem sự việc trình bày:

– Nhóm Lục sư phiền hà quá, muốn thi thần thông cùng với Ngài. Con đã dùng lý lẽ phải trái, trách mắng đủ điều nhưng cứ chứng nào tật nấy không bỏ. Cúi xin Đức Thế Tôn hiển hiện thần lực để giáo hóa điều phục nhóm Lục sư tà ác đó trở về với chân chánh và nhân đ chúng con được chiêm ngưỡng sự thần biến của Đức Thế Tôn

Đức Phật dạy vua Bình-sa:

– Ta biết sự việc cần phải giải quyết như thế nào!

Vua Bình-sa biết Đức Phật có thể biểu diễn thần thông, liền ra lệnh cho quần thần sửa soạn thí trường bằng phẳng rộng rãi, cho sắp xếp chỗ ngồi và treo cờ dựng phướn, trang hoàng mọi thứ hài hòa đẹp đẽ. Đến ngày khai hội, tất cả mọi người đều mong ngóng Đức Phật.

Khi ấy Đức Phật cùng Tăng chúng từ Vương xá đi đến Tỳ-xá-ly, nhóm của ông Luật Xương cùng nhân dân ra nghênh tiếp. Sau một ngày mọi người đi kiếm Đức Phật nhưng không thấy, hỏi ra mới biết Ngài đã đến Tỳ-xá-ly. Nhóm Lục sư cao tiếng nói:

– Ta đã biết từ lâu Cù-đàm trí tuệ và pháp thuật yếu kém. Vậy mà mọi người cứ do dự không tin vào lời ta nói. Đến giờ thi đấu tự thấy mình không đủ sức liền tìm cách đào tẩu đến Tỳ-xá-ly. Nhóm Lục sư lòng cống cao sôi sục, cùng nói với nhau:

– Chúng ta phải truy đuổi đến cùng.

Bấy giờ Bình-sa vương cho chuẩn bị đầy đủ các lễ vật cúng dường, năm trăm cỗ xe, vua và mười bốn ức quần thần lo đầy đủ lương thực, trước sau hướng đến Tỳ-xá-ly nơi Phật đang trú ngụ mà đi, Lục sư cũng đi đến đó, rồi thưa với các vị Luật Xương:

– Chúng tôi đến đây để báo cho ông Cù-đàm biết là sau bảy ngày chúng tôi sẽ tỷ thí thần thông và đàm luận về thật tánh. Luật Xương đến bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, nhóm Lục sư quá si mê, tự cho mình có đạo lực  muốn tỷ thí thần lực cùng Đức Như Lai. Cúi mong Đức Như Lai dùng thần lực để hàng phục bọn họ.

Đức Phật dạy:

– Điều ấy Ta tự biết.

Nhóm các Luật Xương cùng nhau loan báo cho các thần dân sửa soạn thí trường như vua Bình-sa. Tất cả mọi người ai cũng trông ngóng, mong đợi.

Vào sáng ngày mai, Đức Phật cùng Tăng chúng đến Câu-diệmdi. Vua Ưu-điền đem quan quân ra nghênh tiếp. Dân chúng ở Tỳ-xá- ly, sáng ngày mai hỏi về Đức Phật, biết rằng Ngài đã sang Câu-diệm-di. Nhóm Lục sư nghe như thế, tâm lại càng cống cao tập hợp đồ chúng lại, bảo là phải theo đuổi đến cùng. Nhóm các Luật Xương bày biện đầy đủ các lễ phẩm cúng dường, dùng năm trăm cỗ xe để chở cùng một chúng gồm bảy ức người và Bình-sa vương sang nước Câu-diệm-di để xem Đức Phật và Lục sư thi thố thần thông. Người, xe đầy đường chen chúc nhau mà đến. Nhóm Lục sư đến yết kiến vua Ưu-điền trình bày sự việc và thưa:

– Sa-môn Cù-đàm tự thấy mình không đủ khả năng liền bỏ chạy trốn. Không thể như vậy, nhà vua nhất định phải nói Sa-môn cùng tỷ thí với chúng tôi.

Vua Ưu-điền đem những lời của Lục sư thưa lại với Phật và hỏi:

– Bạch Thế Tôn, Ngài có thi đấu không?

Đức Phật bảo:

– Việc ấy Ta biết cách để giải quyết.

Vua Ưu-điền rất mong Phật thi đấu tại nước mình, vua cho chuẩn bị trang hoàn đấu trường như cách của vua Bình-sa. Đến ngày thi đấu Đức Phật cùng chúng Tăng bỏ đi đến nước vua Việt-kỳ. Vua Chuân-chân-đà-la cùng với nhân dân trong nước nghênh tiếp Thế Tôn. Sáng hôm sau người Câu-diệm-di không thấy Phật, hỏi biết rằng Phật đã đi đến Việt-kỳ. Nhóm Lục sư tìm đuổi theo. Khi ấy vua Ưu-điền cùng với tám ức người, vua Bình-sa và nhân dân các nước, cùng đi đến nước Việt-kỳ. Nhóm Lục sư yết kiến vua và trình bày ý kiến muốn tỷ thí thần thông với Đức Phật. Vua Chuânchân-đà-la đem việc ấy bạch với Đức Phật. Đức Phật dạy:

– Việc ấy Ta biết cách để giải quyết.

Vua cũng cho chuẩn bị trang hoàng thí trường. Ngày hội sắp đến, Đức Phật và chúng Tăng sang nước Đặc-xoa-thi-lợi. Vua Nhân-đà-bà- di cùng với quan quân ra đón rước.

Vua Chuân-chân-đà-la cùng năm ức người, vua Bình-sa và nhân dân các nước, cũng đến nước Đặc-xoa-thi-lợi, hướng đến chỗ Phật. Nhóm Lục sư đến yết kiến vua Nhân-đà-bà-di và nói những lời hết sức dối trá đại ngôn khoác lác muốn thi đấu thần thông cùng Cù-đàm. Vua Nhân-đà-bà-di đem sự việc bạch với Đức Phật. Đức Phật dạy:

– Việc ấy Ta biết cách để giải quyết.

Vua cũng cho trang hoàng thí trường. Đến ngày, Phật cùng Tăng chúng lại bỏ đi đến Ba-la-nại. Vua Phạm-ma-đạt và nhân dân đón tiếp Ngài. Nhân dân nước Đặc-xoa-thi-lợi sáng ngày mai biết Đức Phật đã ra đi. Nhóm Lục sư tìm dấu vết để đuổi theo. Vua Nhân-đà-bà-di cùng sáu ức chúng, Bình-sa vương và nhân dân các nước tất cả đều đi theo. Nhóm Lục sư đến nơi cũng thưa với vua như những lời trước đây, vua đáp lại cũng như vậy. Vua đến bạch

Đức Phật, Đức Phật cũng dạy:

– Việc ấy Ta biết cách tự giải quyết.

Vua ra lệnh trang hoàng trần thiết thí trường. Đến ngày, Đức Phật cùng chư Tỳ-kheo bỏ đi đến nước Ca-tỳ-la-vệ. Các người thuộc dòng họ Thích đốc suất mọi người nghênh tiếp Đức Phật. Dân chúng ở Ba-la-nại, sáng ngày mai đã biết rõ sự việc. Đồ chúng Lục sư tiếp tục theo đuổi.

Vua Phạm-ma-đạt cùng với tám ức người, vua Bình-sa cùng nhân dân sáu nước, trước sau kéo đến chỗ Phật. Khi nhóm Lục sư đến gặp những người thuộc dòng họ Thích, nói những lời khoe khoang về khả năng huyễn thuật của mình, rồi đòi thi thố thần thông với Cù-đàm. Các người dòng họ Thích đem sự việc đó bạch với Đức Phật. Đức Phật dạy:

– Việc ấy Ta đã có cách giải quyết.

Các người dòng họ Thích cho trang hoàng thí trường. Đến ngày thi đấu, Phật cùng chư Tăng lại sang nước Xá-vệ. Vua Ba-tư-nặc cùng với nhân dân ra nghênh tiếp. Sáng ngày mai, những người dòng họ Thích biết Phật đã đi, nhóm Lục sư đốc suất đồ chúng bám sát theo Ngài.

Những người dòng họ Thích ra lệnh cho chín ức người, vua Bìnhsa cùng nhân dân các nước băng đèo lội suối đến nước Xá-vệ. Nhóm Lục sư đến vào yết kiến vua Ba-tư-nặc trình bày đầu đuôi câu chuyện muốn thi thố thần thông cùng Cù-đàm:

– Đến ngày thi đấu Cù-đàm lại bỏ trốn, không thể thất hứa như vậy. Nay chúng tôi cùng đại chúng theo đến chỗ quốc vương. Thưa đại vương, xin ngài hãy bảo ông ta ra thi thố cùng chúng tôi. Vua Ba-tư-nặc cười mỉm và nói:

– Đức Phật thần thông biến hóa vô song, không thể nghĩ bàn. Các ngươi thuộc hạng hèn mạt, thấp kém làm sao mà đem so với Bậc Đại Pháp Vương. Nhóm Lục sư giận dữ hung hăn, xung khí bừng bừng. Vua Ba-tư- nặc đến bạch với Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn, nhóm Lục sư quá ham muốn thi thố, mong Ngài vận dụng thần lực để điều phục và giáo hóa họ và để cho tất cả nhân dân, các nhóm đồ chúng thấy rõ được thật hư thế nào.

Đức Phật dạy:

– Việc ấy Ta có cách để giải quyết.

Vua Ba-tư-nặc ra lệnh cho quan quân sửa sang thí trường, trang hoàng hương hoa, sắp đặt chỗ ngồi, treo cờ dựng phướn, mọi việc hoàn tất. Tất cả mọi người vân tập, vào ngày mùng một tháng mười hai, Đức Phật quang lâm thí trường. Vua Ba-tư-nặc, vào ngày đó lo sửa soạn vật thực cúng dường. Vào sáng sớm đích thân vua dâng cây tăm, Đức Phật xỉa răng xong liệng xuống đất. Vừa rơi xuống cây tăm đó liền mọc thành cây cối um tùm, cao năm trăm do-tuần cành lá sầm uất, chu vi cũng rộng như vậy. Rồi cây lại trổ hoa lớn bằng bánh xe, sinh quả to bằng cái bình có dung tích bằng năm đấu lớn. Rễ cây, cành lá thuần bằng bảy báu rất nhiều màu sắc, ánh sáng chiếu ra màu sắc rất đẹp, tùy theo màu sắc mà phát ra ánh sáng lấn át mặt trời, mặt trăng. Ai ăn trái này ngon hơn cam lộ. Khi hương tỏa khắp ai nghe được tâm đều hoan hỷ, hương bay đến đâu tất cả đến phấn khởi vui tươi, cành lá đều phát ra âm thanh hòa nhã, diễn nói chánh pháp, người nghe không nhàm chán. Tất cả nhân dân thấy sự biến hóa của cây này mà phát khởi niềm tin và tôn kính Đức Phật, tâm càng thuần hậu. Khi đó Đức Phật thuyết giảng chánh pháp thích hợp với căn cơ  của từng người, tâm họ được khai mở tỏ rõ, dốc lòng mong cầu Phật đạo. Rất nhiều người đắc quả sinh Thiên. Ngày thứ hai, vua Ưu-điền cung thỉnh Đức Phật. Khi ấy Đức Như Lai hóa hiện hai ngọn núi báu ở hai bên, rất trang nghiêm và đẹp đẽ; trên núi đó tập hợp các châu báu, có năm sắc phản chiếu, chiếu sáng rực rỡ. Có rất nhiều loại cây, mọc thành hàng từ trên ngọn núi xuống, hoa quả sum suê, bay ra những mùi hương vi diệu. Trên một ngọn núi, có một loại lúa đã chín sẵn có trăm mùi vị. Hạt lúa trơn nhãn thơm ngon hợp khẩu vị, bất cứ ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý thọ dụng. Trên một ngọn núi khác có một loại cỏ mềm mại thơm ngon, hợp với súc sinh, đến ăn no thỏa thích. Tất cả trong hội chúng thấy sự xuất hiện của hai ngọn núi đặc biệt, sau khi ăn xong trong lòng đều hoan hỷ sinh tâm ngưỡng mộ một cách sâu sắc. Đức Phật tùy theo căn cơ mà thuyết diệu pháp. Mọi người ai cũng được khai mở và hiểu rõ về chánh pháp phát tâm Vô thượng và đắc quả sinh Thiên, số lượng rất nhiều.

Vào ngày thứ ba, vua Chuân-chân-đà-la cung thỉnh Đức Phậ cúng dường, dâng Phật nước sạch để súc miệng. Phật súc miệng xong nhổ nước ra thì dòng nước đó hóa thành một ao báu, bao quanh bốn phía mỗi phía hai trăm dặm thuần là bảy báu, cùng xen tạp những loại sắc phản chiếu, ánh sáng rực rỡ, nước ở trong ao đầy đủ tám đức. Dưới ao rải toàn là cát bảy báu, tám loại hoa sen lớn như bánh xe, màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, lục, tía giao xen, mùi hương thơm phức bay khắp bốn phương, tùy theo màu sắc hoa sen mà phát ra ánh sáng, chiếu sáng trời đất. Chúng trong đại hội thấy được ao báu kỳ diệu này, trong tâm rất hoan hỷ tán thán ân đức vô cùng của Đức Phật. Đức Phật nhân đó quan sát từng căn cơ, vận dụng phương tiện để thuyết giảng chánh pháp. Tâm của mọi người ai cũng được khai mở phát tâm vô thượng đắc quả sinh Thiên, nghiệp phước được tăng trưởng, số lượng rất nhiều không thể tính được.

Qua ngày thứ tư, vua Nhân-đà-bà-di cung thỉnh Đức Phật. Ngàyhôm đó, Đức Phật hóa hiện nơi ao báu này có tám dòng nước chảy, tự nhiên chảy xoáy phát ra tiếng trong thanh nhiệm mầu, đều giảng nói chánh pháp: Năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi, tám Thánh đạo, ba Minh, sáu Thông, sáu Độ, bốn Đẳng, đại Từ, đại Bi. Đức Phật khuyến khích phát tâm, khai mở tâm đạo, giảng nói nhiều pháp môn. Tất cả  mọi người ai nghe tâm cũng đều tỏ rõ, phát tâm mong cầu Phật đạo, đắc quả sinh Thiên, tăng trưởng phước đức và trí tuệ, số lượng rất nhiều.

Tiếp ngày thứ năm vua Phạm-ma-đạt thỉnh Đức Phật cúng dường. Vào hôm đó, trong miệng của Đức Phật phóng ra hào quang, sắc vàng chói rọi khắp cõi Đại thiên. Nhờ ánh sáng của hào quang soi chiếu, tất cả chúng sinh ba độc, năm ấm đều tự tiêu trừ, thân tâm an lạc giống như vị Tỳ-kheo chứng đắc Thiền thứ ba. Đại chúng đều ca ngợi là rất kỳ diệu, mếm mộ ân đức của Phật. Đức Phật nhân đó giảng nói chánh pháp, mọi người tâm được khai mở, phát tâm cầu đạo lớn, đắc quả sinh Thiên, tăng trưởng phước đức và trí tuệ, số lượng rất nhiều.

Vào ngày thứ sáu, nhóm Luật Xương lại thỉnh Đức Phật. Ngày hôm đó, Đức Phật làm cho tất cả mọi người trong đại hội hiểu biết tâm niệm của nhau, tâm của một người biết được tất cả tâm niệm của

người khác, hiểu rõ những tâm thiện hay ác, tâm ý hướng vào hạnh nghiệp gì. Mỗi người chính họ đã kinh sợ và hoan hỷ, khâm phục ân đức tuyệt vời của Đức Phật, Đức Phật nhân đó giảng nói Diệu pháp, tất cả đều được tỏ rõ, mong cầu Phật đạo, đắc quả sinh Thiên, số lượng rất nhiều.

Đến ngày thứ bảy, dòng họ Thích thỉnh Phật. Ngày hôm đó, Đức Phật hóa hiện trong hội chúng, tất cả tự thấy mình làm Chuyển luân thánh vương, đầy đủ thất bảo và có một ngàn người con; các vua và thần dân cung kính và triều phục mình, thay phiên hầu hạ. Mọi người đều kinh ngạc, rất hoan hỷ. Đức Phật nhân đó tùy theo căn cơ mà thuyết pháp. Tất cả đều phát tâm Vô thượng Chánh giác, đắc quả sinh Thiên, số lượng không thể tính.

Đến ngày thứ tám, vua Đế Thích cung thỉnh Đức Phật. Vua làm tòa Sư tử thỉnh Phật thăng tòa. Đế Thích hầu bên trái, Phạm vương hầu bên phải. Tất cả trong hội chúng đều yên lặng ngồi thiền định. Đức Phật đưa cánh tay ra vịn xuống tòa ngồi bỗng nhiên có tiếng kêu lớn như tiếng voi gầm rú, ngay tức thời xuất hiện năm vị đại quỷ thần phá tan chỗ ngồi và kéo nhóm Lục sư lại. Trên tòa cao vị thần Kim cang Mật Tích tay cầm chày Kim cang, trên đầu phóng lửa cháy rực chạy xông đến đánh bổ vào bọn Lục sư. Nhóm Lục sư kinh hải hoảng  hốt tìm lối thoát thân, xấu hổ nhục nhã đâm đầu xuống sông tự vận. Còn lại chín ức đồ chúng của nhóm Lục sư đều đến quy y theo Đức Phật xin làm đệ tử. Đức Phật nói:

– Thiện lai Tỳ-kheo!

Tự nhiên râu tóc họ tự rụng, thân khoác pháp y trở thành Samôn. Đức Phật thuyết pháp khai thị những điều trọng yếu trong chánh pháp cho họ, nhờ đó các lậu dứt sạch, kết sử được giải thoát, tất cả đều chứng quả La-hán.

Lúc đó Đức Như Lai từ nơi tám vạn chân lông phóng ra hào quang sáng rực chiếu khắp hư không. Đầu mỗi hào quang có một đóa hoa sen lớn, mỗi hoa sen đều có một vị Hóa Phật và đại chúng vây quanh thuyết pháp. Đại chúng thấy được sự biến hóa vô cùng của Đức Phật liền phát khởi niềm tin và lòng tôn kính. Vì để mang lại lợi ích và Phật pháp hưng thạnh, Đức Phật thuyết pháp tùy theo căn cơ mà tiếp nhận đều phát tâm lớn và đắc quả sinh Thiên. Mọi người tinh tấn tu phước thiện, số chúng đông đúc không thể kể hết.

Qua ngày thứ chín, Phạm vương cung thỉnh Đức Phật. Đức Phật hóa thân cao đến Phạm thiên, uy nghiêm hiển hách, ngời sáng khôn cùng, phóng đại quang minh sáng rực trời đất. Mọi người đều được chiêm ngưỡng và nghe được những lời vi diệu kia. Đức Phật vì tất cả chúng sinh mà giảng rõ những chỗ cốt lõi của Phật pháp để cho thính chúng phát tâm mong cầu Phật đạo, đắc quả sinh Thiên, số lượng không thể tính kể.

Đến ngày thứ mười, Tứ Thiên vương cung thỉnh Đức Phật. Bấy giờ Đức Thế Tôn làm cho toàn thể đại chúng thấy được sắc thân của Phật. Khắp cả chư Thiên từ Tứ Thiên vương đến cõi Sắc cứu cánh, đều thấy thân Phật phóng đại quang minh, trong đại chúng từng v nghe được chánh pháp vi diệu, từ xa cũng được chiêm ngưỡng, thấy thật rõ ràng. Tất cả mọi người trong hội chúng ai cũng tăng trưởng niềm tin và lòng tôn kính. Đức Phật thuyết pháp thích hợp cho căn cơ của từng người, tất cả đều phát đại tâm và an trú vào địa vị Bất thoái, đắc quả sinh Thiên, số lượng nhiều vô số kể.

Ngày thứ mười một, Tu-đạt thỉnh Đức Phật. Vào ngày hôm đó, Đức Phật ngồi trên tòa cao, Ngài ẩn thân lặng yên không hiển hiện, chỉ phóng hào quang, phát ra những âm thanh nhu nhuyến, diễn nói  một cách rõ ràng về cốt lõi của Phật pháp, mọi người trong hội chúng nghe pháp mà được tỏ ngộ. Tất cả đều phát tâm lớn an trú Bất thoái, đắc quả sinh Thiên nhiều vô số kể.

Ngày thứ mười hai, cư sĩ Chất-đa thỉnh Đức Phật cúng dường Ngày hôm đó Đức Phật nhập vào tam-muội Từ bi phóng hào quang sắc vàng chiếu khắp Đại thiên, hào quang soi rọi chúng sinh, trong lòng họ ba độc lắng xuống, tâm từ bi tự nhiên được phát khởi, bình đẳng xem tất cả chúng sinh như cha, mẹ, anh, em của chính mình, thấm nhuần tình thương trong tâm, không tăng không giảm. Sau đó Đức Phật giảng thuyết diệu pháp cho tất cả đại chúng đều phát tín tâm lớn và an trú địa vị Bất thoái, đắc quả sinh Thiên, số lượng rất nhiều.

Ngày thứ mười ba, vua Chuân-chân-đà-la lại cung thỉnh Đức Phật thiết trai cúng dường. Ngày hôm ấy, Đức Phật ngồi trên tòa cao, từ nơi rốn Ngài phóng ra hào quang chia thành hai luồng xa đến bảy nhận, đầu luồng hào quang có đóa hoa sen, trên hoa sen có một Hóa Phật, biến chuyển khắp cả quốc độ Đại thiên, tất cả đều được chiêm ngưỡng, tỏ ra kinh ngạc vừa sợ vừa thích. Đức Phật tùy theo căn cơ và thời gian để thuyết giảng chánh Pháp, tất cả đều phát đại tâm và an trú địa vị Bất thoái, đắc quả sinh Thiên số lượng rất nhiều.

Vào ngày thứ mười bốn, vua Ưu-điền cung thỉnh Đức Phật. Bấy giờ vua lấy hoa rải trên người Đức Phật. Đức Phật liền hóa hiện những hoa được rải đó thành một ngàn hai trăm năm mươi bảy cỗ xe cao đến cõi trời Phạm thiên, ánh sáng vượt hơn núi vàng, màu sắc bằng các loại báu hổn hợp, ánh sáng phản chiếu vào nhau rực rỡ, nhiều vô số kể như thần châu, anh lạc, để trang trí cho số xe đó. Trong mỗi xe đều có một Đức Phật ngồi phóng hào quang khắp cõi Tam thiên. Hội chúng thấy sự thần biến đó trong tâm hoan hỷ và hết lòng tôn kính. Đức Phật nhân đó thuyết pháp tùy theo bệnh cho thuốc, tất cả đều phát đại tâm an trú địa vị Bất thoái, đắc quả sinh Thiên số lượng rất nhiều.

Ngày thứ mười lăm, vua Bình-sa cung thỉnh Đức Phật. Đức Phật dạy nhà vua lo chuẩn bị thức ăn đầy đủ. Nhà vua ra lệnh cho mọi người bày biện chén bát nhiều vô số kể. Tự nhiên thức ăn đầy đủ trên các chén bát, trăm thứ thức ăn, nhiều loại đặc sản khác lạ, tất cả hội chúng ai cũng đều ăn uống đầy đủ. Sau khi ăn xong, họ đều thấy thân  tâm an lạc kỳ lạ. Đức Phật dùng tay trỏ xuống đất, mười tám cảnh giới địa ngục đều hiện rõ, các người chịu tội nhiều vô số kể, tự kể lại tội lúc sinh tiền làm những tội lỗi như vậy nay chịu khổ báo này. Ai cũng đều thấy, đều nghe đem lòng thương xót nhưng cũng lo sợ cho chính mình. Đức Phật nhân đó thuyết pháp thích hợp cho từng căn cơ đối tượng. Tất cả đều phát khởi đại tâm, an trú địa vị Bất thoái, đắc quả sinh Thiên vô số kể.

Các chúng sinh trong cảnh địa ngục, nhờ gặp Đức Phật nghe chánh pháp, tâm sinh cung kính đều tái sinh vào trong loài người hoặc chư Thiên.

Bấy giờ vua Bình-sa bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn, Ngài có ba mươi hai tướng quý, những tướng thân và tay đều đã được thấy, còn lại luân tướng ở nơi chân Ngài con chưa được thấy. Mong Ngài cho đại chúng thấy để được chiêm ngưỡng.

Đức Phật cất bàn chân lên để cho đại chúng thấy được luân tướng dưới bàn chân của Đức Phật. Bàn chân của Đức Phật đầy đặn, đoan nghiêm phẳng sáng, các đường chỉ như hoa, phân biệt rõ ràng, xem mãi không chán. Vua càng thêm hoan hỷ, lại bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn, không rõ Ngài do phước đức gì mà có được luân tướng kỳ diệu như vậy.

Đức Phật dạy:

– Này đại vương, do Ta trong quá khứ tu mười thiện nghiệp và đem mười thiện nghiệp giáo hóa cho mọi người, cho nên mới có luân tướng hiện rõ như vậy.

Vua Bình-sa thưa tiếp:

– Bạch Thế Tôn, Ngài tự mình tu mười thiện nghiệp và dạy cho mọi người bằng cách nào? Mong Ngài khai thị cho chúng con.

Đức Phật dạy:

– Đại vương hãy khéo nghe và ghi nhớ Ta sẽ giảng.

Vào vô số a-tăng-kỳ kiếp về trước, trong cõi Diêm-phù-đề này có vị vua của một nước lớn tên là Thi-đà-ni-di cai trị tám vạn bốn ngàn nước, có tám muôn ức xóm làng, một vạn đại thần. Vua có hai vạn phu nhân đều không có con. Nhà vua rất ưu sầu sợ không có người nối dõi tông đường. Vua thường đi cầu tự cùng khắp kể cả  nguyện cầu đến chư Thiên. Vị phu nhân thứ nhất của vua tên là Tu-lê-bà-la-mãn, qua một thời gian biết mình mang thai, sau khi mang thai tâm tánh minh mẫn lạ thường, nhân từ khoan dung, khuyên người làm lành. Đến ngày nở nhụy khai hoa bà sinh được một nam nhi tướng mạo khôi ngô tuấn tú, xuất chúng khác thường, các lỗ chân lông trên người đều phát ra ánh sáng. Vua rất vui mừng, xem hoài không chán. Vua cho mời thầy tướng để đoán các tướng tốt lành kia. Thầy tướng vừa mới vé xem, liền khen ngợi là tướng hảo siêu quần, xuất chúng vượt bậc, đức tỏa bốn phương, thiên hạ nương nhờ. Nhà vua càng thêm hoan hỷ, ban lệnh cho đặt tên thái tử. Thầy tướng tâu vua:

– Trong khi mang thai có điềm lạ gì không?

Vua nói:

– Từ khi mang thai hoàng hậu thông minh, trí tuệ, nhân từ, khuyến khích làm điều lành, còn có những điềm khác nhưng điều này là dị thường khác lạ. Thầy tướng nghe xong rất kinh ngạc mà vui mừng liền tâu vua:

– Bà mẹ mang thai có trí tuệ biện tài, tự thân hài nhi khi chào đời phát ra ánh sáng, vậy thì nên lấy tên là Na-ba-la-mãn (đời Tấn dịch là Tuệ Quang). Thái tử càng lúc càng lớn, trí tuệ khác người. Bỗng nhiên vua cha băng hà. Sau khi lo lễ tống tán vua xong, các đại thần họp lại, khuyên mời thái tử lên kế vị. Thái tử dứt khoát chối từ, bảo:

– Ta không đủ khả năng gánh vác.

Các quan đại thần thưa:

– Đại vương đã băng hà, thái tử là người con duy nhất không có anh em, nay thái tử nói không muốn kế vị, vậy thì muốn nhường ngôi vị suy tôn cho ai?

Thái tử trả lời:

– Người đời làm ác ta ắt không chấp nhận, nếu cứ gia hình phạt thì tội lỗi của ta không nhỏ. Nếu các ngươi đốc suất nhân dân thực hành mười điều lành, ta mới nhận lãnh ngôi vua để lo toan việc nước. Các vị đại thần trả lời:

– Thưa vâng, xin thái tử lên ngai vàng kế vị, đem đạo lý mười điều lành để ban ra cho nhân dân thực hành. Bấy giờ thái tử nhận lãnh ngôi vua xong bố cáo khắp trong nhân  dân thiên hạ là phải thực hành mười điều lành. Tất cả đều cung kính tuân theo, cải tà quy chánh, đổi ác làm lành. Ma vương sinh lòng đố kỵ, mưu phá hoại sự giáo hóa của vua, liền giả mạo một mật thư ý ngược lại bố cáo khắp thiên hạ trong nước: “Sắc dụ khuyên làm lành trước đây không đem lại lợi ích và hiệu nghiệm, một việc làm hoang đường, khổ nhọc, từ nay về sau tùy theo ý kiến của dân mặc tình thực hành mười điều ác, chớ có nản lòng.” Khi các vị vua tiếp được mật thư này liền lấy làm lạ với chiếu chỉ quái dị, tự hỏi vì lý do gì mà ra một chiếu chỉ vượt ra ngoài đạo lý thế này! Đi khuyên mọi người làm ác.

Mỗi vị vua của các nước nhỏ đều ngầm sai người thân tín đến vua đại quốc hỏi lý do. Vua vừa thoạt nghe kinh ngạc vô cùng, trả lời:

– Ta đâu có sai làm việc này, nguyên do từ đâu?

Vua liền ra lệnh sửa soạn xa giá, đích thân vua đi đến các tiểu quốc gặp trực tiếp các thần dân cải chính liền chính sách quái dị ấy.

Lúc ấy, ở một bên đường có một hồn ma hóa làm hình người, nằm bên đống lửa đang cháy đỏ hừng hực, kêu la những lời ai oán.

Vua dừng lại hỏi:

– Ngươi vì sao như vậy?

Ma trả lời:

– Tôi vì trước đây khuyên người làm mười điều lành, nay chịu khổ báo này thống thiết không chịu nổi.

Vua nói:

– Vì sao như vậy được, khuyên người làm lành thì làm sao mà chịu khổ báo được!

Nhà vua hỏi tiếp:

– Ngươi khuyên người thực hành mười điều thiện thì ngươi chịu khổ báo, còn những người mà trước đây ngươi khuyên thực hành mười điều thiện, thì nay được phước báo gì?

Đáp:

– Dạ có, người tôi khuyên làm thiện trước đây nay nhận được phước báo. Chỉ riêng tôi dạy người khác làm mười điều thiện chịu khổ

báo.

Vua nghe xong hoan hỷ đáp:

– Nếu chỉ người trước đây mình khuyên làm thiện có được phước báo còn mình khuyên làm thiện chịu khổ báo thì ta chẳng vì thế mà  sinh hiềm hận. Ma nghe xong hiểu được tâm kiên cố của vua, liền ẩn hình biến mất, đi khắp nước tuyên truyền thực hành mười điều thiện. Từ đó nhân dân tu theo điều thiện, chế phục thân, khẩu và ý, chánh pháp được lưu truyền khắp nước. Tất cả đều khâm phục tôn sùng vua, ân đức cao dày, hiển hách. Nhờ đức lành đó nên điềm lành xuất hiện, kim luân ứng hiện, bảy báu tràn đầy, khắp cả bốn phương đều làm việc thiện.

– Này đại vương, vua Thi-đà-ni-di nay là vua Tịnh Phạn, phụ vương của Ta. Vương mẫu lúc đó nay là Ma-ha Ma-da, mẹ của Ta. Vua Tuệ Quang lúc đó đem mười điều thiện giáo hóa nhân dân nay chính là Ta. Do nhân duyên từ nhiều đời trước, Ta thực hành mười điều thiện và đem mười điều thiện giáo hóa cho mọi người, cho nên đời nay dưới lòng bàn chân xuất hiện tướng luân xa.

Bấy giờ vua Bình-sa bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn, nhóm Lục sư mê mờ, không biết sức mình, do tham lam lợi dưỡng sinh lòng đố kỵ, đem thần thông thi thố muốn làm nhục Thế Tôn nên nói: “Phật hiện thần lực một thì ta làm gấp hai.” Nhưng khi Đức Phật hiện thần thông, biến hóa diệu kỳ vô song làm cho nhóm Lục sư co rút lại đến nỗi một thuật cũng không phô diễn được, xấu hổ cùng cực, bèn đâm đầu xuống sông tự vận, đồ chúng tan tác, để lại tai họa, nhớ lại việc làm u mê đó, đúng là trò đại bịp bợm.

Đức Phật dạy:

– Này đại vương, không phải chỉ có ngày nay nhóm Lục sư mới tranh dành danh lợi và thi thố cùng Ta, đồ chúng tan tác, mà trong quá khứ cũng đã từng tranh với Ta và nhóm Lục sư chuốc lấy thất bại, để chúng trở về quy y với Ta.

Bấy giờ vua Bình-sa quỳ xuống bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn, con không hiểu trong quá khứ nhóm Lục sư và đồ chúng của họ đấu tranh và quy phục với Ngài, nguyên nhân của sự việc đó như thế nào mong Ngài dạy rõ cho con được lãnh hội!

Đức Phật dạy:

– Đại vương hãy lắng nghe cho kỹ, Ta sẽ giảng.

Trong quá khứ vô lượng vô số a-tăng-kỳ kiếp, trong cõi Diêm-phù-đề này có một nước, đức vua tên là Ma-ha Xa-cừu-lợi cai trị năm trăm nước nhỏ. Vua có năm trăm phu nhân, mà không có thái tử để kế vị. Vua tự nghĩ: “Ta mỗi ngày tuổi tác càng lớn mà không có một mụn con để kế tục vương vị. Nếu một mai sau khi ta băng hà rồi thần dân và vua các nước nhỏ không có người thừa kế để tiếp tục cai trị, rồi sẽ dấy binh nổi loạn tàn hại lẫn nhau, quốc gia bạo loạn. Thật là một đại bi kịch!” Khi nghĩ đến sự việc này lòng vua rất ưu sầu lo nghĩ. Khi đó trời Đế Thích từ xa biết được sự lo nghĩ của nhà vua, từ trong đám đông dân chúng hóa làm một vị lương y đi đến cung điện vua gặp và hỏi cớ sự lo buồn của vua. Vua trình bày sự việc cho lương y, lương y thưa với vua:

– Vua đừng lo nghĩ! Tôi đã có cách chữa trị cho Ngài. Tôi sẽ vào núi Tuyết sơn tìm vài loại thảo dược, cho phu nhân uống, sau khi uống thuốc xong vài hôm sau sẽ có thai. Vua nghe xong sự lo buồn vơi được phần nào, vua nói với vị lương y:

– Được như vậy thì quá tốt.

Lương y vào Tuyết sơn tìm thảo dược xong, mang về cung dùng sữa trộn vào để sắc, sắc xong đem cho phu nhân dùng, nhưng phu nhân chê là có mùi hôi, trong lòng không tin. Sau đó vị lương y hóa về trời, phu nhân không chịu uống, các tiểu phu nhân chia nhau uống hết, không bao lâu sau những tiểu phu nhân này biết được mình đã mang thai. Họ đem sự việc đó thưa với đại phu nhân. Đại phu nhân nghe như vậy lòng thấy luyến tiếc, hỏi còn thuốc không để uống. Mọi người đáp:

– Đã hết.

Hỏi tiếp:

– Dược thảo còn không?

Đáp:

– Dạ còn.

Phu nhân sai lấy sữa trộn vào để sắc, mọi người sắc xong đem cho phu nhân uống. Sau khi uống vài ngày bà biết mình có thai. Các tiểu phu nhân đến ngày mãn tháng đều sinh được con trai, mặt mày chúng đều khôi ngô tuấn tú. Vua thấy các con vui mừng khôn tả, nhưng vẫn áy náy trong lòng vì đại phu nhân. Đến ngày mãn nguyệt  khai hoa, đại phu nhân cũng sinh một người con trai nhưng diện mạo cực kỳ xấu xí, hình thù xù xì như quỷ sứ. Cha mẹ thấy vậy trong lòng rất buồn rầu nên đặt tên cho cậu là Đa-la-hầu-thi (đời Tấn dịch là Chu Ngột). Vua cho người nuôi nấng, đến tuổi trưởng thành, các anh của Chu Ngột đều lập gia thất, chỉ có một mình Chu Ngột không ai để ý tới. Sau đó nước bên cạnh có quân giặc xâm lược lãnh thổ, năm trăm người anh đem binh giao chiến, vừa mới giao chiến đã bại trận trở về. Chu Ngột hỏi:

– Các anh tại sao rút lui với tâm sợ hãi lo lắng như vậy?

Các anh trả lời:

– Vì giao tranh bại trận, quân giặc đuổi theo, cho nên rút lui tẩu thoát.

Chu Ngột nói:

– Quân giặc kia xâm lăng bờ cõi nước ta. Hãy cho người vào lấy cây đại cung trong đền thờ Thiên của tiên tổ đem lại đây, tôi sẽ dùng nó đem đi chinh phạt quân giặc. Tiên tổ của chúng ta trước từng là Chuyển luân vương. Vua liền sai nhiều người mang đến, Chu Ngột vừa mới trương cung lên tiếng kêu như sấm, khi bắn âm thanh vang xa cách bốn mươi dặm. Chàng mang cung, cầm bối lệnh sang đánh, vừa đến thổi bối lệnh tiếng rền như sấm, quân giặc nghe tiếng kinh hãi bỏ chạy tán loạn. Sau khi dẹp giặc xong trở về, phụ vương tỏ ra quan tâm đãi ngộ chàng đặc biệt, vua nghĩ đến cưới vợ cho Chu Ngột.

Bấy giờ ở nước láng giềng có vị vua tên Luật-sư-bạt-ta, có người con gái nhan sắc tuyệt trần. Vua Ma-ha-xa-cừu-lợi liền sai một sứ giả đến để cầu hôn cho con. Vua chỉ một người anh của Chu Ngột bảo sứ khi đến vua nước láng giềng có hỏi thì diễn tả giống như tướng mạo của người anh. Vị sứ giả vâng lệnh sang cầu hôn và trình bày đầy đủ cho vua nước láng giềng nghe. Nghe xong vua Luật-sư-bạt-ta hứa gả con gái. Sứ giả trở về báo lại, vua rất vui mừng, liền cho xa giá tổ chức đón cô dâu về. Vua ngầm bảo Chu Ngột, ban ngày không nên gặp vợ. Từ đó về sau, khi mặt trời lặng vợ chồng mới gặp nhau. Những ngày sau đó, thỉnh thoảng các bà gặp nhau bàn tán ca tụng tài trí, đức độ của chồng mình. Khi ấy vợ của Chu Ngột cũng ca ngợi  chồng mình nào là sức mạnh như lực sĩ, thân thể dẻo dai, mềm mại, rất đáng yêu thương. Trong đó có một số bà ganh ghét nói rằng:

– Bà đừng nói thế, chồng bà thấy đáng kinh hãi vô cùng!

Vợ Chu Ngột nghe vậy, trong lòng uất ức, thủ sẵn cây đèn cất vào một góc, chờ đến khi chồng ngủ say, đốt đèn lại xem thấy hình dáng chồng rất là kinh hãi, trong đêm ấy lên xe trở về bổn quốc. Sáng ngày mai, Chu Ngột thức dậy mới biết được cớ sự. Rất lo lắng, giận dữ, liền mang cung, cầm bối, tìm tung tích đuổi theo đến lãnh thổ của nước kia. Chu Ngột trú ở nhà một vị quan. Sau đó vua của sáu nước nhỏ nghe vua Luật-sư-bạt-ta có một mỹ nữ tuyệt sắc giai nhân, ai cũng khởi tâm tham dục muốn chiếm đoạt, bày binh bố trận ganh nhau cầu hôn. Vua Luật-sư-bạt-ta buồn rầu lo lắng, triệu tập quần thần để tìm giải pháp cho sự việc này, nếu gả cho một người thì các người kia oán hận, bây giờ tìm cách gì để ngăn trận sự thù địch. Có một vị quan đề nghị:

– Nay đại vương cho truyền một tờ cáo thị, nếu ai có khả năng đánh đuổi những toán quân kia thì sẽ gả công chúa cho và chia cho một phần đất để cai trị và gia ân trọng thưởng. Vua liền đồng ý và cho tuyên bố yết thị. Khi đó Đa-la-hầu-thi biết được lời yết thị liền mang cung, cầm bối ra khỏi thành tìm đến cát cứ của giặc, giương cung thổi bối lệnh, quân của sau vua kia kinh hãi nằm yên không dám động. Đa-la-hầu-thi liền xâm nhập vào lãnh địa hạ thủ sáu vị vua, tịch thu nhiều chiến lợi phẩm và hàng quân.

Vua Luật-sư-bạt-ta rất hoan hỷ đem con gái trao cho và chia cho Chu Ngột bảy nước để cai trị. Chu Ngột sau khi chiến thắng mới đem tất cả binh tướng và vợ trở về bổn quốc. Phụ vương hay tin ra ngoài biên giới để đón thấy con chỉ huy quân lính rầm rộ. Vua cha đem quốc gia xã tắc truyền lại cho con và khuyến khích lên ngôi đại vương. Chu Ngột không chịu nhận, nói rằng phụ vương còn sống làm vậy là không hợp lý. Khi trở về hoàng cung, Chu Ngột trách vợ:

– Sao trước đây nửa đêm em bỏ ta mà ra đi?

Người vợ đáp:

– Vì thân hình của phu quân cực xấu, thiếp mới thấy rất là kinh hãi, cho là không phải người nên bỏ trốn đi.  Chu Ngột tìm gương soi mình mới thấy thân hình đầu óc của mình thật giống như quỷ sứ, thấy nhàm chán cái thân của mình. Không muốn nhìn thấy nó nữa, Chu Ngột bèn lên rừng toan tự sát. Vua Đế Thích từ xa biết được, giáng hạ xuống đứng một bên hỏi cớ sự, biết được liền tìm lời an ủi, khuyên bảo, rồi trao cho một viên bảo châu, nói:

– Hãy đặt viên bảo châu này lên trên đỉnh đầu thì thân hình của ngươi sẽ được đổi khác đoan chánh và khả ái như ta. Chu Ngột vâng theo lời khuyên bảo đặt viên bảo châu lên đầu thấy thân hình của mình biến đổi một cách kỳ lạ. Chàng trở về hoàng cung lấy cung và bối đi ra ngoài dạo chơi, người vợ thấy hỏi:

– Ông là ai? Chớ nên đụng đến các bảo vật này, chồng tôi trở về sẽ không để yên đâu.

Chàng nói:

– Ta là hôn phu của em đây.

Người vợ thấy khác không tin bèn nói:

– Chồng tôi cực xấu, còn ông thân hình đoan chánh, vậy ông là ai mà nói là chồng tôi?

Người chồng bỏ viên bảo châu ra, hoàn lại hình thù xấu xí như cũ. Người vợ thấy thế mừng lo hỏi:

– Tại sao như vậy được?

Người chồng trình bày sự việc được viên bảo châu. Người vợ từ đó về sau rất thương yêu chồng mình. Cái tên Chu Ngột từ đó không còn gọi nữa mà đổi thành Tu-đà-la-phiến.

Sau một thời gian Tu-đà-la-phiến có kế hoạch xây dựng một cung thành. Chàng liền tìm một nơi bằng phẳng thoáng rộng, ra lệnh và đốc suất binh lính và nhân dân thi công. Đến ngày sắp thực hiện có bốn vị Long vương hóa làm hình người lại hỏi:

– Ngài lấy vật liệu gì để xây dựng cung thành này?

Tu-đà-la-phiến đáp:

– Làm bằng đất.

Vua rồng lại hỏi:

– Sao không sử dụng vật liệu quý báu?

Đáp:

– Cung thành này lớn kiếm đâu ra vật liệu quý báu.

Vua rồng liền thưa:

– Tôi sẽ cung cấp.

Long vương liền hóa hiện bốn phía thành bốn cái suối lớn và căn dặn:

– Dùng nước ở suối phương Đông mà làm thì thành trở nên ngọc lưu ly, dùng nước ở suối phương Nam mà làm thì thành trở nên vàng, dùng nước ở suối phương Tây thì thành này trở nên bạc, dùng nước ở suối phương Bắc mà làm thì thành trở nên pha lê. Sau đó vua ban lệnh xây dựng công trình đúng như lời Long vương nói, các bức thành toàn bằng vật liệu báu. Thành vuông vức bốn trăm dặm. Trong cung thành làm các cung điện, lầu gác, nhà cửa, rừng cây, ao tắm, tất cả đều làm bằng bốn chất liệu quý báu, rất nguy nga, tráng lệ như cung điện cõi trời. Sau khi xây dựng cung thành xong, bảy loại châu báu cùng khắp bốn phía và Tu-đà-la-phiến giáo hóa nhân dân tu tập điều thiện.

Như vậy, này Bình-sa vương, đại vương nên biết Ma-ha Thíchcừu-lê bấy giờ nay là vua Tịnh Phạn, cha của Ta. Người mẹ lúc đó nay là Ma-ha Ma-da, mẹ của Ta. Đa-la-hầu-thi xấu xí, con của vua, nay chính là Ta. Người vợ lúc đó, nay là Cù-di. Cha vợ lúc đó nay là Ma-ha Ca-diếp. Vua của sáu nước muốn dấy binh để bức ép cầu hôn với người con gái lúc đó, nay là nhóm Lục sư.

Lúc bấy giờ, nhóm Lục sư đó gây chiến tranh giành cùng Ta và Ta đã hàng phục thâu nhiếp đồ chúng, cho đến nay vì danh lợi muốn thi thố thần thông cùng Ta, đến khi giáp mặt không có khả năng, xấu hổ đâm đầu xuống sông tự vận. Ta thâu nhiếp đồ chúng gồm chín ức người làm đệ tử.

Bấy giờ vua Bình-sa bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn, Đa-la-hầu-thi do việc làm gì mà phải chịu hình thù xấu xa như vậy?

Đức Phật dạy vua Bình-sa:

– Tất cả đều có nhân duyên của nó.

Vào quá khứ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, ở cõi Diêm-phù-đề có một nước lớn tên là Ba-la-nại. Trong nước, trên một ngọn núi có một vị Tiên tên là Luật Sư. Trong núi Tiên ấy có một vị Bích-chi-phật bị bệnh phong, một hôm Ngài đến nhà người hàng dầu xin chút ít để trị  bệnh. Người chủ nổi sân mắng:

– Đầu óc xù xì như quỷ, tay chân như gọng que, không chịu làm ăn, cứ la cà nhà người khác, không muốn trả tiền, chỉ muốn lấy không. Mặc dầu la mắng như vậy nhưng ông cũng cho một chút dầu cặn. Vị Bích-chi-phật vẫn cung kính nhận rồi ra đi. Người vợ trên đường trở về nhà thấy vị Bích-chi-phật cung kính hỏi thăm:

– Ngài từ đâu đến mà mang thứ dầu cặn đó, để dùng vào việc gì? Bích-chi-phật kể lại như thật, bà vợ giận dỗi, mời Ngài trở lại, liền lấy một cái bát rót đầy dầu cúng dường và oán trách chồng:

– Ông thật là không phải! Sao lại đem dầu cặn mà cúng dường cho Bích-chi-phật. Ông phải đem lòng sám hối để diệt trừ những lời thô lỗ của ông đi.

Người chồng ăn năn sám hối. Khi vị Bích-chi-phật chào đi, cả hai vợ chồng cùng thưa:

– Khi nào ngài cần dầu hàng ngày ngài cứ đến lấy.

Sau đó vị Bích-chi-phật có trở lại lấy dầu một vài lần. Cảm ân của chủ hàng dầu trước đây, vị Bích-chi-phật hóa hiện thần thông, bay lên hư không thân phát ra nước lửa, phân thân ra rồi hợp lại, biến hóa nhiều cách. Người thấy vậy tâm rất hoan hỷ tăng thêm sự cung kính, nói với vợ:

– Nhờ sự phát tâm cúng dường dầu của nàng, sau này có được phước báo cùng hưởng và nguyẹn cùng làm vợ chồng với nhau. Người vợ nói:

– Ông đối với một bậc Hiền trí mà nói những lời thô ác và cho thứ dầu cặn không có lòng trong sạch, e rằng chỗ tái sinh của ông hết sức xấu ác, làm sao cùng ông tác thành vợ chồng được!

Người chồng nói:

– Ta do lao động cực khổ mới có được số dầu, ta không tin là nàng chỉ riêng hưởng, không cùng hưởng với ta từ sự cúng dường này và không cùng ta tác thành vợ chồng.

Người vợ nói:

– Nếu thiếp mà làm vợ của chàng chắc rằng trong đêm phải trốn đi vì thấy thân hình xấu xí của chàng.

Người chồng nói:

– Nếu nàng trốn bỏ đi thì ta phải đuổi theo cho tới nơi mới thôi.  Nói chuyện xong, cả hai vợ chồng quy y với vị Bích-chi-phật, thành khẩn sám hối. Bấy giờ vị Bích-chi-phật nói với hai vợ chồng chủ hàng dầu:

– Nhờ sự bố thí dầu của hai ông bà, bệnh tình của tôi mới được thuyên giảm. Nay hai ông bà muốn cầu điều gì? Những điều mà ông bà muốn cầu rồi sẽ được toại nguyện. Cả hai vợ chồng quỳ xuống nguyện:

– Bất cứ nơi nào mà vợ chồng tôi tái sinh đến hoặc trên trời hoặc trong loài người đều được toại nguyện như ý.

Đức Phật dạy:

– Này đại vương, nên biết người bán dầu lúc đó chính là Đa-lahầu-thi, vợ của người bán dầu chính là vợ của Đa-la-hầu-thi. Do lúc đó gặp vị Bích-chi-phật nói giống như quỷ sứ, tay chân như gọng que, chỉ cho dầu cặn mà sắc mặt giận dữ, do nhân duyên đó nên sinh bất cứ nơi đâu hình thù cũng xấu xí như những lời mắng trách trước đây. Nhờ sau này tâm ăn năn sám hối, cúng dường dầu tốt mà sinh bất cứ ở đâu thân hình đều được đoan chánh. Do nhân cúng dường lần ấy mà có được sức mạnh phi thường không ai địch nổi, có được phước báo làm Chuyển luân vương hưởng phước cả bốn phương, hưởng dục tùy thích. Này tất cả chúng sinh, mọi hành động thiện ác đều có quả báo tương ứng của nó, cho nên cần phải tâm niệm về những điều cốt lõi của đạo, phải thận trọng về thân, khẩu, ý, tu tập đạo hạnh.

Khi Đức Phật dạy vua Bình-sa, các vua, thần dân, bốn chúng đệ tử, Thiên, Long, Quỷ, Thần nghe Đức Phật dạy xong có một số đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán, có một số gieo gốc thiện căn Bích-chi-phật và có một số phát tâm Vô thượng đại đạo hoặc an trú địa vị Bất thoái. Tất cả đều hoan hỷ kính lễ phụng hành.