KINH BỒ-TÁT ANH LẠC

Hán dịch: Đời Dao Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người Lương Châu.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Phẩm 14: CHÚNG SINH VÀ PHẬT

Bấy giờ nơi tòa ngồi có một vị Bồ-tát tên là Phân Biệt Thuyết Thí, đối với hết thảy vô lượng chư Phật Thế Tôn từng tạo gốc của các đức, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Đức Phật cung kính thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Lành thay! Lành thay! Vẫn có các Bậc Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đối với quá khứ, hiện tại và vị lai trong một lúc, một ngày biết rõ về ba việc của quá khứ cùng ba việc của hiện tại, vị lai và được thành Phật chăng?

Đức Phật nói:

–Không được! Vì sao? Vì Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác theo sự biến hóa kia mà xem thấy, nhận biết về quốc độ, luôn thích ứng với chúng sinh nên mới có được chỗ thành tựu như vậy. Cũng như các vị Đại Bồ-tát không lấy quốc độ làm quốc độ, không lấy chúng sinh làm chúng sinh, phân biệt pháp giới là chốn sinh của pháp trí. Thần trí của Như Lai không phải là trí thức thế tục. Trí thức thế tục ấy từ cõi Dục, cõi Sắc, cho tới cõi trời Hữu tưởng, Vô tưởng với mọi sự hiểu biết đó đều gọi là trí thức thế tục. Như Lai Vô Thượng Chánh Giác hiện nay là đã vượt qua thứ trí tuệ ấy. Làm sao từ các pháp có sinh có diệt mà thành được Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác? Việc ấy là không thể có. Vì sao? Vì Như Lai là Như như. Như Lai là Như như ấy bao gồm thế giới Như, tánh của các pháp là Như, chẳng thể nghĩ bàn là Như, vị lai là Như, ở nơi số lượng kiếp của thế giới ấy là Như, số kiếp của Như Lai là Như; nhất Như, bất nhị Như, cũng chẳng sinh chẳng diệt, cũng không gắn bó hay đoạn lìa. Chư Phật Thế Tôn với chốn tạo ra danh hiệu, đối với số kiếp ấy là vô hạn lượng, chẳng thể nêu bày, ghi nhớ. Chẳng thấy có dài, ngắn, chẳng thấy có sinh diệt.

Thế nào gọi là các pháp được phát sinh dấy khởi?

Vô hình ảnh chẳng thể thấy vị lai, vì chưa dấy khởi. Không ghi nhớ, chẳng thấy có ghi nhớ, như các pháp vô hình với vô số loại khác nhau. Danh cú thân cũng như thế. Vị thân cũng như thế. Không có mỗi mỗi Danh thân như nhau. Không có mỗi mỗi vị thân như nhau. Vì sao? Vì tất cả các pháp mỗi mỗi đều là hư không, cũng chẳng có thiện ác. Cũng chẳng có phước hay chẳng phải chẳng có phước, hoặc có hành hoặc không hành.

Bấy giờ có vị Bồ-tát tên là Vô Tận Tuệ, đã đạt được tánh Không như như dứt hết các pháp, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Phật, cung kính thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Con nay xin gắng nhận lấy việc đứng trước Đức Như Lai nói về có hành, không hành, như tánh Không, pháp Như như.

Đức Phật nói:

–Lành thay! Lành thay! Này vị Tộc tánh tử! Bồ-tát cứ việc nêu bày theo ý mình.

Bồ-tát Vô Tận Tuệ thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ tu tập Hữu hành, Vô hành thì liền có thể đạt được đầy đủ tất cả các pháp, thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh giác. Thế nào là Hữu hành, Vô hành?

Các pháp là chẳng sinh, chẳng diệt, không có quá khứ, hiện tại, vị lai, đó gọi là Vô hành. Khẳng định trọn vẹn về các pháp, phân biệt về quá khứ, hiện tại, vị lai, đó gọi là Bồ-tát Hữu hành. Có vô lượng danh thân không thấy được gốc ngọn. Có vô lượng Cú thân không thể nhận thấy gốc ngọn. Vô lượng Vị thân không thể nhận thấy gốc ngọn, đó gọi là Bồ-tát Vô hành. Nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ nhận biết về các pháp trong ba đời đều có sinh, có diệt, ở trong ấy đã phân biệt để lãnh hội chúng đều là không chốn có, đó gọi là Bồ-tát Hữu hành.

Bấy giờ Bồ-tát Vô Tận Tuệ thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Đối với các pháp chưa được rốt ráo thì dốc khiến cho được rốt ráo. Các pháp chưa được hoàn toàn tịch diệt thì khiến được tịch diệt viên mãn, đó gọi là Bồ-tát Vô hành. Nếu có các vị Đại Bồ-tát đối với quá khứ, hiện tại, tương lai chẳng thấy có lượng, không lượng, đó gọi là Bồ-tát Hữu hành.

Lại nữa, này các vị thiện nam, thiện nữ! Từ lúc mới bắt đầu phát tâm Bồ-đề, thực hiện đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không bày tỏ sự nêu xưng than về vui khổ, trong ấy với các nét lợi suy khen chê, ngọt ngào an lạc, đó gọi là Bồ-tát Hữu hành. Như hết thảy chúng sinh trong khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới đều cùng một tâm ý để phân biệt về các pháp đoạn diệt trong ba đời, đó gọi là Bồ-tát Hữu hành.

Lại nữa, này các vị thiện nam, thiện nữ! Bồ-tát ở trong vô lượng kiếp dốc siêng năng tu tập khổ hành là nhằm để được nghe và lãnh hội ngôn giáo của Đức Như Lai, đó gọi là Bồ-tát Vô hành.

Này các vị thiện nam, thiện nữ! Thực hành bốn Tâm vô lượng, không lấy sự thể hiện bốn tâm ấy để tự ca ngợi, đó gọi là Bồ-tát Hữu hành.

Không bị nhiễm, chẳng bị cấu, dứt mọi phân biệt về quá khứ, hiện tại, vị lai, đó gọi là Bồ-tát Vô hành. Nếu có các vị thiện nam, thiện nữ lãnh hội các pháp chẳng phải có nghĩa, chẳng phải không nghĩa, chẳng phải có thành, chẳng phải không thành, cũng chẳng có dối nhau, cũng chẳng không dối nhau, đó gọi là Bồ-tát Hữu hành.

Hoặc tạo nên quốc độ thanh tịnh, không còn cấu nhiễm, hoặc tự chẳng thấy quốc độ có chỗ thành tựu, đó gọi là Bồ-tát Vô hành. Lại như đối với các pháp không sinh vọng kiến, mà cũng không hề dấy khởi, dùng các pháp vô tận để có thể tự trang nghiêm cho mình. Đó gọi là Hữu hành. Cũng chẳng có, cũng chẳng không, đó gọi là Bồ-tát Vô hành.

Lại nữa, này các vị thiện nam, thiện nữ! Xem một quốc độ như hư không chẳng khác, đem một cõi khác làm lệ thuộc vào một quốc độ. Đó gọi là Bồ-tát Hữu hành. Lại tự mình xem xét nhận biết về gốc của chư Phật, Đại Bồ-tát trong ba đời có quá khứ, hiện tại và vị lai, đó gọi là Bồ-tát Vô hành.

Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Nếu có các vị thiện nam, thiện nữ, mỗi mỗi đều nhận rõ, cõi chẳng phải là cõi của ta, đời chẳng phải là đời của ta, những sở hữu chẳng phải là sở hữu của ta. Đó gọi là Bồtát Hữu hành.

Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Nhận rõ về ba cõi hành hóa theo hướng không chốn hành, chẳng thấy có tạo tác, cũng chẳng thấy không tạo tác. Đó gọi là Bồ-tát Vô hành.

Bấy giờ, Như Lai hỏi Bồ-tát Vô Tận Tuệ:

–Bồ-tát đã an trụ nơi các pháp nào để nêu bày như vậy? Vô hành khởi lên từ nơi Hữu hành, Hữu hành dấy lên từ Vô hành. Vậy thì do cái gì để theo Như Lai mà tự nêu bày về Hữu hành, Vô hành?

Bồ-tát Vô Tận Tuệ thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Tự gốc tự giác ngộ như nay có được đạo quả đầu tiên, kính mong Đức Thế Tôn diễn giảng rộng khắp, nêu bày thông suốt hơn nữa.

Đức Phật nói:

–Lành thay! Lành thay! Này vị thiện nam, như Bồ-tát vừa nói, hãy khéo suy nghĩ, ghi nhớ. Hôm nay Như Lai sẽ vì Bồ-tát mà diễn giải rộng về giáo pháp ấy.

Này các vị Tộc tánh tử! Ý ông nghĩ sao? Gốc phát tâm của Bồtát nhằm thành tựu được đạo quả Vô thượng Bồ-đề, là từ Hữu hành hay Vô hành?

Bồ-tát Vô Tận Tuệ thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Con chẳng từ nẻo Hữu hành, cũng chẳng từ Vô hành.

Đức Phật nói:

–Này vị Tộc tánh tử! Nếu chẳng từ nơi Hữu hành, cũng chẳng từ Vô hành thì lấy gì để thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh giác?

Bồ-tát Vô Tận Tuệ thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Hữu là Như như, mà Vô cũng Như như.

Vì thế mà không theo Hữu hành, cũng không theo Vô hành.

Đức Phật nói:

–Do đâu mà từ gốc Bồ-tát đã không nêu câu hỏi ấy? Ta trước đã nói về Hữu hành và Vô hành.