KINH ĐẠI BI
(ĐẠI AI KINH)
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 14: CĂN BẢN

Phật nói:

–Thiện nam! Như Lai biết rõ căn tánh của chúng sinh. Thế nào là biết? Như Lai biết chúng sinh nào có căn tánh nhu thuận, thông lợi, thấp kém, vừa, cao thượng. Các căn ấy nương tư tưởng khởi vọng tình, từ sân hận khởi ngu si. Như Lai biết rõ tưởng khởi vọng tình, từ sân hận khởi ngu si. Như Lai biết rõ tưởng niệm của căn đó thuộc loại nào, biết từ cấu nhiễm khởi dâm, nộ, si. Từ dâm, nộ, si tạo nên nghiệp, từ các nghiệp ác tạo nên căn tánh, từ vô minh tạo nên căn, từ vọng niệm tạo nên căn. Như Lai biết rõ các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, nam, nữ, mạng, vui, khổ, mừng, sợ, quán sát, tiến, thoái, ý, định, tuệ, không khác. Như Lai lại biết nguyên nhân tạo nên các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, Như Lai lại biết từ tai có căn mũi, từ mũi có căn lưỡi, từ lưỡi có căn thân, từ thân có căn mắt. Thế Tôn hiểu chúng sinh nhờ bố thí nên dần tiến giữ giới, tùy các sự tăng giảm, tiến thoái mà dạy các việc bố thí; có chúng sinh nhờ giới mà hành hạnh bố thí, Như Lai tùy thuận dạy các giới; có chúng sinh nhờ nhẫn nhục mà hành hạnh tinh tấn, Phật tùy thuận giảng hạnh nhẫn nhục, có chúng sinh từ tinh tấn hành hạnh nhẫn nhục, Phật tùy thuận giảng rõ hạnh tinh tấn; có chúng sinh từ định tu trí tuệ, Như Lai giảng rõ về thiền; có chúng sinh từ trí tuệ tu định, Như Lai tùy thuận giảng rõ Trí tuệ, Căn, Lực, Giác ý, tám Thánh đạo, ba mươi bảy phẩm trơ đạo, giúp cho chúng tùy căn hiểu tu; có chúng sinh từ căn Thanh văn học pháp Duyên giác, Như Lai giảng pháp Thanh văn; có chúng sinh từ căn Duyên giác học pháp Thanh văn, Như Lai tùy thuận giảng pháp Duyên giác; có chúng sinh từ căn Đại thừa học pháp Thanh văn, Duyên giác, Như Lai tùy thuận giảng pháp Đại thừa; có chúng sinh từ các căn khác nhau học hạnh Đại thừa, Như Lai đều tùy thuận diễn giảng; có chúng sinh không có căn tu hành, không thể giảng pháp cho chúng, Phật tùy thuận khuyên chúng giác quán; có chúng sinh tu học, có thể nghe pháp Như Lai tùy thuận giảng pháp.

Thiện nam! Như Lai biết rõ tất cả sở thích, ý niệm từng căn tánh của chúng sinh nên tùy thuận giáo hóa. Đó là hạnh thứ năm của Phật.

Đức Phật nói kệ:

Biết tất cả các căn
Chí tánh của chúng sinh
Căn đó thuộc loại nào
Như Lai hiểu rất rõ.
Căn thuộc thượng, trung, hạ
Thế Tôn biết tất cả
Trí Phật không ai sánh
Phật hiểu từng sở thích.
Biết dục, ái, khách trần
Căn thấp kém, mỏng manh
Tánh tâm luôn thô bạo
Tất cả các căn ấy.
Phật biết nhân gây ra
Hiểu rõ cả ngọn nguồn
Với kẻ không làm lành
Cần độ thoát ra sao.
Từ mắt, ý, nam nữ
Cũng lại rõ nhãn căn
Khổ, vui, cùng mừng thích
Từ đâu đến sầu não.
Việc tu quán đạo nghĩa
Tinh tấn, ý, tuệ, định
Cũng biết sự việc khác
Ngọn nguồn của căn tánh.
Mắt làm nhân cho tai
Tai tạo nên mũi lưỡi
Thân là chỗ nương tựa
Của mắt tai các căn.
Từ bố thí tu giới
Phật giảng hạnh bố thí
Nhờ giới học bố thí
Như Lai dạy các giới.
Tinh tấn nhờ căn nhẫn
Thế Tôn giảng hạnh nhẫn
Nhẫn nhục từ tinh tấn
Phật dạy việc tinh tấn.
Từ trí căn đạt thiền
Vì người nêu Trí tuệ
Từ tinh tấn đạt nhẫn
Vì người nói Tinh tấn.
Từ thiền căn đạt tuệ
Vì người giảng Thiền tư
Từ tuệ căn đạt thiền
Vì người nêu Thánh trí.
Từ căn tánh Thanh văn
Tiến tu pháp Duyên giác
Phật giảng pháp Thanh văn
Không nêu nghĩa Duyên giác.
Từ căn tánh Duyên giác
Học hạnh của Thanh văn
Phật bỏ qua Thanh văn
Chỉ dạy pháp Duyên giác.
Căn tánh thuộc bậc thượng
Lại thích học pháp thấp
Phật giảng Ba-la-mật
Phân biệt bỏ pháp thấp.
Căn chúng sinh các cõi
Phật phân biệt biết rõ
Để thuần thục các căn
Mười lực khéo giảng dạy.
Biết từ nhân duyên gì
Chúng sinh nào thích hợp
Phật hiểu rõ sở thích
Chỗ hợp của báo ứng.
Từ nẻo tận các căn
Tùy thuận giảng các pháp
Với trí tuệ sáng soi
Thế Tôn phân biệt biết.